Truyện ngắn dự thi – Thuốc giảm đau

Đừng có nói với ai là đưa chú đến đây nhé. Nói với lái xe, ông Mực phăm phăm bước vào cửa hiệu. Như đã hẹn, ông chìa bức ảnh mình chụp cùng bảy tám chị sồn sồn trong một hội thảo, nói với họa sĩ: “Đây, anh vẽ tôi phong độ, thay các bà này bằng đám thiếu nữ áo dài duyên dáng nhé. Tiền không thành vấn đề”. Gã họa sĩ mặt rỗ mũi to mắt híp cười the thé, nhận ảnh. Lúc gã lật mấy bức tranh đẹp điệu đà vẽ thuê cho vài ông già đứng cạnh gái trẻ thì một bức đổ ụp vào cánh tay trái của ông Mực. Cú đổ không mạnh nhưng góc khung gỗ cứa vào đúng khối u đang sưng vêu sau ống tay áo, làm ông Mực đau phát thét. Ối cha, mày giết ông rồi! Khối u mỏng manh bị bục, mủ máu lờ nhờ tanh hôi tứa ra, thấm vào áo, tràn ra khuỷu tay mỗi lúc một nhiều hơn như thể đã tích tụ xú uế cả năm trời. Nhơ nhớp. Bẩn thỉu. Không được, không được! Ông hét toáng, mồ hôi đầm đìa, giật mình mở mắt. Thì ra đó chỉ là mơ.

***

Xin mời bệnh nhân Trần Văn Mực vào phòng 17. Ông giật mình với tiếng nữ nhân viên the thé nửa mùa gọi trên loa. Nhấc mình khỏi ghế chờ, ông suýt va vào hai người ôm tay ra khỏi phòng. Tiếng cửa kêu két két khi ông đẩy, bước vào. Ập vào mũi là mùi tanh tưởi, dường như làm không khí vón cục lại. Xung quanh lố nhố kẻ ngồi, người rên. Có kẻ mặt méo xệch. Có người đầu nghẹo sang một bên vì khối u mỡ lớn chèn ở vai và cổ. Có người ôm cánh tay toàn u cục, trông như những gốc cây tích tụ đủ nỗi đau đời mà thành u bướu. Mặt mũi ai cũng khổ sở sầu não như nhà có đám. Sao họ không lên tuyến cao hơn mà chui vào chốn chật hẹp này? Cái bệnh viện quái dị này là gì mà đông người đến trị ung nhọt, mụn cóc, u mỡ đến thế! Ông Mực nhăn mũi. Châu – cô con gái đỏng đảnh đi guốc cao váy bó sát nhăn mũi. Biết là u ám, tanh tưởi nhưng cô tự động viên mình và nói với bố, phải làm cho xong còn về. Ông Mực biết cái bệnh viện này là nhờ xem quảng cáo trên truyền hình, tuy là cấp thành phố nhưng sở hữu đội ngũ bác sĩ trị nhọt trung ương. Ông định chỉ đi một mình nhưng vợ không an tâm, cử con gái theo.

Bác sĩ đeo khẩu trang đến nắn cánh tay, nhăn nhó bảo có khi vẫn phải tiêm thuốc gây tê tại chỗ, dù trước đó khám, chính ông này nói ông Mực sẽ làm tiểu phẫu nhưng không cần giảm đau. Ông được thay một chiếc áo lờ nhờ kẻ sọc vàng của bệnh viện, rồi nằm lên bàn mổ. Dao kéo lẻng xẻng chuẩn bị sẵn. Sau khi tiêm thuốc, cánh tay ông vô cảm giác, nhưng đầu ông tỉnh táo và cảm thấy nó như lớn hơn. Không khí căn phòng đầy mùi thuốc sát trùng. Lúc này bác sĩ chọc kim tiêm hút làm máu, mủ bị rút mạnh vào ống, một phần tứa ra chỗ chọc kim. Lát sau là màn múa may của kẻ có chuyên môn, mũi dao tác động, lách qua lách lại. Ai ở hoàn cảnh nằm trên bàn mổ cũng phải phó mặc mình cho bàn tay bác sĩ. Nhóm mổ hí húi căng thẳng. Chắc bọn họ đang rạch thịt, nạo vét cục u, sâu bên trong có nhân lớn. Ông không dám hình dung nữa dù có lúc đã định nghển lên. Ông lẩm bẩm với kíp mổ, đừng để ai thấy tôi thế này… Một người kéo dài giọng: “Dạ, bác cứ nằm im đi ạ!”

***

Mụn và u bướu tấn công từ lâu lắm rồi. Ban đầu là những cục u mỡ nhỏ bé, chỉ uống thuốc hoặc tiêm steroid là xong, và ông tự tin nhân hóa cả những u cục đó cho đời tươi tắn. Từ đầu năm, cánh tay trái nổi u cục bất thường, ngứa ngáy khó chịu, như thể chúng biết tra vấn, biết đòi ăn và giết thời gian, hút sinh lực của ông. Cũng ở cổ tay trái, một cục nhỏ nổi như hòn bi làm ông khó khăn trong chuyện đeo đồng hồ nên ông cố gắng tìm cách làm nó phải… ngậm miệng. Có lần đi khám thử, bác chỉ chỉ định mổ thì ông lắc đầu, đòi điều trị bằng cách bôi và uống thuốc.

Hằng ngày ông dành mươi phút đóng cửa trong phòng, uống thuốc giảm đau và bôi trát, cốt để vùng da bớt tấy và che mắt mọi người. Lâu dần, ông bị mắc nghiện, đến nỗi không uống là thèm, có lúc chẳng đau cũng uống thuốc. Ông tự cười với mình, uống nhầm hơn bỏ sót và an tâm với ý nghĩ ấy. Sự che giấu của ông thật kỳ công nhưng vì nóng, ngứa, nhiều lúc vẫn phải dùng ngón tay gãi nên khối u càng trở nên mỏng manh và nhiều lúc cãi lại. Điều lạ là ngay cả vợ con cũng chẳng biết cái cục đó cho đến khi ông phải đi viện. Tất nhiên, thằng Thành – gã con trai hư hỏng của ông chẳng bao giờ quan tâm bố có bao nhiêu u cục. Mối quan tâm của nó là tài khoản bố có bao nhiêu tiền. Nó luôn đặt câu hỏi, rằng ngoài một biệt thự, một căn hộ mà nó đang thấy, ông còn bất động sản nào khác?

Cây muỗm lớn trước cổng cơ quan, với vòm hoa giấy lớn trùm lên cái nhà bảo vệ nho nhỏ, tạo sự thân thiện đẹp mắt. Hằng ngày ông vẫn đến cơ quan làm việc với vẻ ngoài được chải chuốt kỹ lưỡng: áo đóng thùng, cà vạt, giày bóng và mái tóc vuốt keo. Bản thân ông thấy mình có một sự tươm tất hiếm có. Mỗi bước đi, mỗi lời ăn tiếng nói đều cố gắng hòa nhã để tránh mất lòng người khác. Ai đó từng nói, ngôn từ như một loại dược liệu – nếu được sử dụng đúng cách, nó có thể chữa lành. Ông khéo léo vận dụng điều này và hướng đến mục tiêu cao hơn là chức viện trưởng. Với nhiều người, cái chức của ông đã to lắm rồi, bổng lộc từ đó sinh ra vô khối. Bổng lộc sinh ra bổng lộc, quan hệ sinh ra quan hệ. Mà ở thời buổi này, quan hệ cũng là tài sản. Nhưng ông đâu muốn dừng lại. Chinh phục những đỉnh cao luôn là một niềm ham thích của con người nói chung.

***

Mổ xong, hôm sau được ra viện nhưng ông báo cơ quan nghỉ hai ngày. Ông Sinh, Viện trưởng quan tâm nhắn tin: “Chú mệt cứ nghỉ đi, có gì anh giải quyết thay, mà thực tế cũng chưa có việc gì nghiêm trọng”. Viện trưởng không biết tình trạng của ông Mực nên những lời nhắn của ông cũng chỉ quan tâm bình thường. Viện trưởng Sinh là người phát tướng sớm nhưng gương mặt ông trẻ hơn so với tuổi khá nhiều. Có người nói ông sở hữu khuôn mặt ngạo nghễ. Ông Mực học được cách sống dĩ hòa vi quý của ông Sinh, với triết lý: Đời chỉ thêm bạn, không được có thù. Tài thật. Ai mà không có kẻ thù, nhưng che giấu và là phẳng được tất cả gập ghềnh trên đường đi là người đại tài.

Ấy thế mà thằng Thành con trai ông lại thù bố. Nó thù vì ông không cho nhiều tiền hơn để đốt đời nó. Ông nói với nó và cũng nói với mình: dại gì cho thêm dầu vào lửa. Một người bố như ông uốn mười tấc lưỡi khéo léo với thiên hạ thì cũng có lúc bực dọc chửi thằng con hư. Nhưng phần nào ông vẫn nhịn như nhịn cơm sống để mong nó đừng quậy phá mà vỡ lở mọi chuyện. Bọn con nghiện dặt dẹo bình thường rất khó giấu, nhưng vợ chồng ông che chắn rất giỏi nên ở viện chẳng ai biết. Chắc lẽ ông bà mỗi người phải có đến năm sáu con mắt, vừa để ý mắt đời, vừa để ý thằng con mỗi khi nó định “biểu diễn” cho thiên hạ thấy cái khắm khú của kẻ bạc nhược. Vợ ông vốn là giáo viên, xin nghỉ sớm ở nhà nội trợ từ ngày thằng Thành mắc nghiện. Còn con Châu, đã kịp có hai đời chồng nhưng vẫn chưa làm bố mẹ yên thân.

Mọi chuyện có vẻ tạm ổn, nhưng ông Mực vẫn hạn chế tiếp khách và tiếp xúc với người khác, đơn giản không muốn lộ ra bất cứ điều gì về vết mổ. Hơn nữa, ông cần thời gian để bố trí các sự kiện, tạo ra một vở kịch trong đầu. Phải có những vở kịch mới đủ chôn sâu bí mật của riêng ông. Bí mật ấy luôn phải bị nhốt trong bóng đêm huyền bí của dòng đời. Nhưng chỉ ba ngày sau mổ, khối u lại đang đùn ra, đầy lên làm ông khó chịu. Ông một mình đến khám, chụp chiếu, làm tiểu phẫu. Vết mổ vẫn chẳng chịu buông tha, làm ông phải khổ sở qua lại năm lần bảy lượt. Ông định sẽ phải tìm bệnh viện khác, nhưng mối quan hệ, người quen của ông khá rộng trong cái thành phố đông đúc này, rất dễ bị lộ nên cứ nghim nghỉm cái chốn ngột ngạt này.

***

Chức viện trưởng về tay ông sau sáu tháng ba ngày kể từ khi làm phẫu thuật. Đó là một ngày thật vui nhưng ông phải tỏ ra vui vừa vặn. Bao năm qua ông Mực luôn khéo léo để ông Sinh cảm thấy mình được trọng vọng và hãnh diện. Vẫn miệng lưỡi ấy, hôm nay ông Mực ngọt hơn mười phần. Lễ trao quyết định nghỉ hưu và bổ nhiệm cán bộ diễn ra chừng hơn một giờ đồng hồ. Ông Sinh ngậm ngùi nói sẽ rất buồn khi không còn được đến cơ quan. Lúc được phát biểu, ông Mực thơn thớt: “Chúng em mong bác Sinh vẫn cứ chiếu cố, làm cố vấn cho viện ta. Vắng bác, anh em như rắn mất đầu…”

Ông Sinh bắt tay ông Mực thật chặt. Bụng bảo dạ, gì chứ, đám đầu trâu mặt ngựa kia muốn tống khứ viện trưởng đi từ lâu, chứ đâu hào sảng nghĩ cho đại cục. Cú bắt tay mạnh làm ông Sinh đau nhói. Ông nhăn mặt, đưa tay khỏe đỡ tay yếu. Ông Sinh loáng thoáng nói mình mới mổ lấy ra cục u mỡ to như cái chén đằng sau vai. Sao thế được nhỉ? Ông Mực thắc mắc. Lúc nhập tiệc, ông Mực ý nhị hỏi về cái u. Ông Sinh khai tuốt tuồn tuột, rằng mình cố gắng gương mẫu, không muốn cấp dưới thấy cấp trên tật bệnh đau yếu nên giữ kín chuyện bị u. Đó là u lành thôi, nhưng nó rất biết hành hạ. Ban đầu ông chỉ thoa thuốc giảm đau bên ngoài, dù một ông bác sĩ chỉ định phải mổ từ gần năm trước. Ngày lại ngày trôi đi và khối u lớn hơn, ông Sinh bí mật làm phẫu thuật. Ông sợ chuyện của mình sẽ bị bày ra thành mâm cỗ cho đám cấp dưới nhấm nháp. Nhưng giờ bí mật đang dần hiển lộ. Ông Mực hỏi: “Thế bây giờ đã ổn chưa anh? Anh cứ giấu, chẳng nói để anh em đến thăm”. “Ổn hay không chưa biết, nhưng đã cắt bớt vướng víu, đau đớn rồi. Mà chuyện nhỏ như thế, tôi không dám phiền anh em”.

Thì ra thế. Mỗi người đều có một bí mật khổ sở phải che giấu.

Tiệc vui. Phòng VIP ngột ngạt nồng oi cả mùi bia rượu, thức ăn và mùi người trộn vào nhau làm tăng sự ngộp thở. Phòng cũng đầy mùi của những nụ cười, ánh mắt hoặc tán dương hoặc thật lòng, hoặc xúc xiểm. Bây giờ cờ đến tay, ông Mực nghĩ, mình sẽ phất theo cách của mình, đẩy tất cả những ký ức liên quan ông Sinh ra ngoài. Ông Sinh từng oai vệ, giờ về hưu, không còn quyền lực thành ra cái đinh gỉ! Kìa, ông Sinh ngồi đó sao mà bé nhỏ, tội nghiệp. Còn mình oai vệ hơn từng giờ.

Ông đặt bàn tay phải lên cánh tay trái. May thế, chẳng thằng chó nào ở cơ quan biết chuyện u nhọt của mình! Ông mừng thầm. Ngày trọng đại nên ông có uống rượu nhiều hơn thường một chút. Có thể lúc đầu niềm vui trộn với men nên che lấp phần nào cơn đau. Tối đó về, cánh tay ông nhức như bị triệu triệu con kiến đen chui vào đốt. Ông gọi cho bác sĩ quen. “Có cách gì giúp tôi với. Tôi bị đau khủng khiếp”. Ông bác sĩ quen nhờ người chiếu chụp, rồi nhờ hội chẩn lại. Bọn họ nhanh chóng thu xếp một ca tiểu phẫu. Có chức rồi, ông ước, làm sao trốn được u nhọt?

Ông cố gắng qua lại, vừa điều trị vừa điều hành công việc cơ quan. Bước đầu công việc trơn tru hơn cả tưởng tượng do ông Mực hiểu rõ ngọn ngành mỗi phòng ban, mối quan hệ với các cơ quan trên viện. Từ năm nảo năm nào ra trường, ông về làm việc rồi gắn bó đến giờ. Điều hành một cơ quan mình hiểu, lại đối đãi tử tế mãi với anh em thì lo gì bị người khác ngáng trở! Ông biết cách dùng tiền để là phẳng sự đối đầu không cần thiết, song luôn đau đầu thằng con trai với đứa con gái. Cái Châu nhấm nhẳng yêu một gã và đang đòi cưới. Hôm Châu đưa thằng đó về, ông đọc vị, đó là một kẻ bám gấu váy đàn bà và nếu gái rượu của ông vướng phải, sẽ khổ tiếp khổ. Khách về, ông gọi con ra khuyên. Châu nói con đã yêu rồi, anh ấy là người tốt. Châu ơi, con không nhận ra bộ mặt của một thằng sở khanh à? Ơ, ai sở khanh, có bố là sở khanh ý! Đấy, con gái hư thân mất nết xấc xược bổ vào mặt bố thế còn ra thể thống gì. Ông đưa tay đỡ tim. Vết mổ loét to hơn vì liên tục động dao động kéo. Hình như u vẫn chưa được lấy ra hết, nó đang lớn, tiếp tục hành hạ.

Bực mình, ông gọi lái xe đưa mình đến cơ quan. Ông lau cặp kính cẩn thận và chỉnh trang cái đầu hói. Vị nước cam khá ngon ông mang từ nhà. Đó là thứ nước ông nghiện và bà vợ rất thích vắt nước cam. Ông Mực rút từ ngăn kéo ra một tấm ảnh chụp vội với bốn cô nhân viên viện D. hôm họ hí hửng sang xin tài liệu và quay một clip nho nhỏ tống lên facebook. Ông định nhờ họa sĩ vẽ bức tranh thơ mộng mà ông giống kẻ được cải lão hoàn đồng, nhí nhảnh bên các em. Rồi đột nhiên điện thoại reo. Thằng Thành báo nợ xã hội đen bốn tỷ. Nếu không có tiền trả thì chúng cắt gân con ông. Giời đất ơi, con với cái! Ông thét váng, đau ngực, suýt nữa ngã ngửa.

***

Mực ơi là Mực, sao đời lại đen như mực thế này?! Ông viện trưởng nhăn nhó thốt lên khi tai họa ập xuống dồn dập như thác lũ.  Khi còn loay hoay với đống nợ thằng quý tử báo hại và cánh tay không dứt đau đớn, ông lại vướng mấy văn bản sai quy định về vài dự án thời ông Sinh làm viện trưởng. Giờ bên kiểm tra, kiểm toán vào cuộc mới vỡ lẽ. Khi đó, ông Mực mới là cấp phó, nhiều văn bản chỉ đọc sơ rồi ký. Bây giờ rà soát lại thì cơ bản ông Sinh phải gánh tội nhưng nếu để khui ra mọi nhẽ, ông Mực cũng khốn đốn vì liên đới. Không âm thầm gỡ, cấp trên của viện mà sờ đến nữa, để toang hoác thì chuyện bé cũng thành chuyện to. Ông chỉ đạo từ trên xuống dưới, phải tham mưu, hiến kế là phẳng những nổi cộm của các loại văn bản, chứng từ, khớp nối để chúng trơn tru hoàn thành. Chuyện như vậy chỉ những người trong hệ thống mới quyết được, và bao giờ những kẻ có quyền sinh quyền sát cũng giấu một con ngáo ộp trong tâm hồn. Thứ gì ngáo ộp đã nuốt, nó sẽ không nhả ra. Ông đã phải đứt ruột gấp rút bán một căn hộ lấy tiền chi tiêu trong đợt này.

Nhà ngộp thở, cơ quan nóng hầm hập, ông đôn đáo cầu cứu anh em. Lựa lúc trời không nóng lắm, ông bật điều hòa mát hơn ngày thường, rồi gọi mấy cấp dưới thân tín lên phòng. Ông muốn giãi bày với họ tất cả những khó khăn của mình và của viện, hy vọng họ sẽ không khoanh tay đứng nhìn. Bốn tỷ không phải quá lớn nhưng lúc này ông cần chi dùng lo lót, kiểm đếm tài sản thì thiếu hai tỷ tiền mặt. Ông đọc được ở đâu đó câu, đại ý: Anh vẫn còn quyền lực với người khác chừng nào anh chưa lấy đi mọi thứ của họ. Giờ ông là viện trưởng, có quyền sinh quyền sát và chưa lấy đi của ai thứ gì. Họ sẽ nghe lời?

Kết thúc bài “diễn văn”, ông Mực nhìn quanh chờ đợi. Bốn người có mặt im lặng nhìn nhau. Không khí càng trở nên ngột ngạt. Lọ vạn liên thanh đang úa. Bình hoa cô văn phòng cắm đã một tuần chưa thay. Bốn đàn em thân thiết đều xin có việc, phải rút, sẽ nhắn tin riêng cho ông Mực. Ơ thế là thế nào? Ông Mực không hiểu. Họ đi hết rồi ông vẫn chưa hiểu chuyện gì.

Ngồi thở dài, đăm chiêu, đống văn bản giấy tờ trên bàn trêu ngươi làm ông rệu rã. Ông ngồi nắn cánh tay đau mà cay cú. Lúc ấy, cô thư ký mang tập văn bản vào trình ký, ông cũng chỉ xua tay bảo để bàn.

Cô gái lặng lẽ bước ra. Cặp mông nảy lên một cách khó hiểu.

Máy thông báo có tin mới, ông Mực mở điện thoại ra đọc tin. Thằng Hoạt, viện phó nhắn: “Em cho anh vay ba trăm. Em cũng bí, vừa rồi lại đi viện. Em chỉ dám nói với anh thôi đấy”. Thằng Lê trưởng phòng tân đề án nhắn: “Em cho anh vay một trăm. Em vừa đưa cha mẹ đi mổ…”. Cô Hạnh, phó phòng nghiên cứu khoa học A., một người tháo vát nhanh nhẹn nhắn: “Em gửi anh được năm mươi thôi. Em mới mổ đùi non. Nó đang biến chứng, đi tập tễnh khó chịu…”

Với mỗi lời đề nghị, ông chỉ được đồng ý cho vay một nửa. Gom tất lại cũng chỉ được vài trăm, số tiền đó chẳng bõ bèn gì với khó khăn trước mắt của ông. Thôi thì cứ nhận đã, được đồng nào hay đồng nấy, rồi sẽ phải gõ thêm những cửa khác nữa. Điều làm ông thật sự hoảng là tại sao đàn em không dám lột vỏ mình, làm một cái gì đó lớn lao cho ông? Ông gọi cô thư ký mông to vào, bắt nọn. Sau hồi quanh co, cô phải nói ra chuyện mình mới làm tiểu phẫu cắt khối u nhỏ ở nách. Ông toát mồ hôi. Sao thế này? Cô thư ký sợ hãi hỏi lại, nhưng ông Mực đã khéo léo cười xòa, che đi nỗi hoang mang.

***

Đầu ông Mực muốn nổ tung khi bất ngờ bị dẫn vào những chằng chịt dây nhợ của các mối quan hệ tréo ngoe, rắc rối. Chẳng là vừa đến cơ quan, cô thư ký đã ưỡn ẹo ào vào phòng, kêu anh ơi anh cứu em với. Hỏi, cô thư ký kể tội ông Sinh. Trước đây khi là thư ký, ông Sinh tí tớn bồ bịch, hứa sẽ cho cô thư ký một căn hộ. Cô ngoan ngoãn phục tùng chờ đợi, nhưng ông luôn tìm cách trì hoãn, rồi khi nghỉ hưu, sau nhiều lần cô nhắc, ông khất tái khất hồi rồi bảo sẽ thay bằng tỷ rưỡi. Cô thư ký khóc nấc: “Như thế là em đã chịu thiệt lắm rồi. Thế mà tiền còn chẳng thấy đâu sếp ạ. Ông ta định chạy làng đấy. Sếp phải làm chủ vụ này cho em”.

Tiếng khóc cô chói quá, rất ung thủ. Lúc này, dẫu cô thư ký có ưỡn tấm ngực phàm trần đầy hấp lực, thậm chí có lột sạch áo quần thì ông cũng trơ như đá. Ông phải làm mình bình tĩnh trước đã, rồi sẽ từ từ giải quyết công việc. Ông bảo cô thư ký hãy lui ra, để mình nghĩ. Lúc chuẩn bị khép cửa, cô thư ký có nói dọa: “Anh không giải quyết được, em làm ỏm tỏi lên thì anh cũng liên đới”. Trời ơi, cô ta thật bỉ ổi. Ông Mực loạng choạng ngồi xuống ghế, chưa kịp thông thở thì cô Hạnh, phó phòng nghiên cứu khoa học A vào. Cô cầu cạnh: “Anh ơi, anh làm chủ cho em với. Anh Lê trưởng phòng tân đề án cấu kết con bé trưởng phòng tài vụ khai khống hóa đơn từ lâu rồi. Từ thời ông Sinh cơ. Ngày trước em cho qua, ông Sinh biết cũng che đậy, cho qua. Bây giờ em không bao che cho nữa thì quay sang cắn em. Em không chấp nhận loại người như bọn họ. Bây giờ, anh hãy kiểm điểm bọn họ”.

Mọi thứ đang đi quá giới hạn. Những ung nhọt từ lịch sử, thời ông Sinh đang bung vỡ. Khủng hoảng đã tụ thành hồ lớn trên lưng núi đầy bão gió. Chỉ cần con đập – sự cứng rắn của ông bục vỡ là tất cả bị cuốn trôi. Chuyện ở nhà chỉ cần giải quyết bằng tiền, còn chuyện ở cơ quan, tiền thôi chưa đủ. Ông há hốc mồm khi nghe Hạnh tố cáo Lê và cô phòng tài vụ. Một cặp đôi không chỉ bồ bịch mà còn liên đới biển thủ công quỹ và trục lợi bằng cách móc ngoặc nâng khống hóa đơn. Thành phố sao nóng thế. Cơ quan hôm nay nóng thế. Ông nói mà như chẳng để ai nghe. Hạnh vẫn dính chặt ở ghế để kể tội người khác. Ông Mực bảo: “Em cứ về làm việc, anh sẽ cho điều tra thêm”. Lúc đi ra, Hạnh không quên đay đả: “Anh giúp em cũng là giúp cho viện mình trong sạch, không thì anh cũng khó lòng mà yên”.

Trước đây giữa Hạnh và Lê là quan hệ bồ bịch. Bây giờ Lê có mới nới cũ, Hạnh căm. Cơ quan này lạ thế, quanh đi quẩn lại vẫn rối ren tình tiền dẫn đến nóng mắt, hận thù nhau. Nếu hận thù biến thành điện chắc đủ để thắp sáng cả thế giới. Mọi khấp khểnh, chật chưỡng ở cơ quan giờ chỉ còn trông chờ vào người đứng mũi chịu sào là ông, thế mà người chỉ huy của dàn nhạc đang lạc nhịp. Ông phải đứng lên kết nối những ngôi sao lại, cho họ tìm thấy nhau, không để u tối bao trùm lên cả cơ quan. Nhưng ông có thể làm gì khi mình đuối sức, lại bị ung nhọt tấy nhức làm phiền không nguôi.

***

Ông tha cái xác về trong mệt mỏi rồi ném cặp một góc, nằm vật ra sô pha, để nỗi chán chường chườm khắp thân thể. Tối ấy, ông cố nuốt một ít cơm rồi tưởng sẽ yên, nào ngờ bà vợ cứ thút thít khóc về chuyện con Châu dính bầu và thằng sở khanh đã chạy mất. Đấy, sáng mắt ra chưa, ông đay nghiến, đã bảo cái phường ti hí mắt lươn ấy là khiếp lắm, vậy mà cố tình không nghe!

Mệt, ông gọi người đánh xe đưa đến đưa vào cơ quan thì thấy phòng tài vụ vẫn sáng. Ông mở cửa phòng mình, bật điều hòa, định nghe một chút nhạc thư giãn thì cô trưởng phòng tài vụ ào vào. Bất ngờ cô quỳ thụp xuống trước mặt ông xin cầu cứu. Cô thanh minh rằng mình chẳng làm gì khuất tất, nhưng gần đây có chuyện bóng gió trong cơ quan, lại còn vu vạ cho cô và anh Lê có điều mờ ám. “Em là em cứ nói thẳng, em bỏ chồng rồi, anh Lê cũng đã ly dị vợ. Trai chưa vợ gái không chồng đến với nhau thì có gì gọi là mờ ám, anh nhỉ?” Ông định gắt lên. Các người có để tôi yên không? Tại sao cứ trút hết rác rưởi vào tôi thế. Nhưng ông kịp nén lại. Nhìn cô tài vụ có vẻ tội nghiệp nên chỉ biết bảo cô về nghỉ, không nên làm khuya quá. Cô rút đi rồi, ông như sọp lại, bé tí, yếu ớt dính chặt xuống ghế. Chuỗi hồi ức về cơ quan hiện về, nó nhắc rằng chuyện tai hại như này là có lý do. Ngày còn là một trưởng phòng thấp cổ bé họng, ông đã thấy những chướng tai gai mắt ở cơ quan mọc như nấm sau mưa, nên báo cấp trên phải chỉnh đốn. Nhưng cả viện trưởng lẫn hai viện phó cười, ghi nhận, rồi xoa xuê cho qua. Cái lý của các ngài là dĩ hòa vi quý, không để khiếu kiện lên trên, không để trên thấy viện… có chuyện. Viện trưởng còn khen cấp dưới, dẫu là những kẻ sĩ nửa mùa nhưng biết vâng lời. Cấp dưới lại khen cấp dưới nữa. Cứ thế, ung nhọt không những chẳng bị cắt bỏ, mà còn được cường điệu thành bạt ngàn lời tán dương, rằng người của viện luôn rộng lượng, sẵn sàng bỏ qua, sẵn sàng gác lại mâu thuẫn, thù hằn để phát triển. Khi lên chức phó viện trưởng, ông Mực định phản ứng, sau đó tự bảo phải âm thầm ngược dòng, sửa lỗi cho viện. Sau ông thấy mỏi mệt, những thớ lợ cứ thế bào mòn mọi tế bào nhiệt huyết, làm ông cùn đi. Dần dần ông thành người bạc nhược trước cái sai, sự bất lương. Dòng nhiệt huyết bị sơ cứng, và lại cứ thế, ông thấy điều chướng tai gai mắt thành… chuyện thường. Nhỏ như con thỏ!

Năm đó ông tự thấy mình đã thua trận. Kẻ thua trận trở nên hèn dần đều và cái thớ lợ chiến thắng. Ông thay đổi một trăm tám mươi độ về quan điểm, nên đứng lên… che chắn cho viện. Càng không ai biết những cái sai của viện, của cá nhân trong viện càng tốt. Viện càng sạch sẽ trong dòng dư luận càng được khen thưởng, được đối tác tìm đến, các kế hoạch, hợp tác trơn tru. Nhưng ở một chiều cạnh khác, đó là sự tàn nhẫn. Ông Sinh ngày đó luôn có cách khích lệ rất tài tình, rằng ai rồi cũng đến lượt, cứ ngoan sẽ có quà. Ai cũng tin như thế, nên họ học cách giấu cảm xúc rất nhanh và giỏi sống giả. Từ giả đến đểu cách nhau chưa đầy bước chân. Để ông được lên chức phó không hề dễ dàng. Ông thấy nhiều khi, im lặng trước cái sai nó tốt lắm, sự dĩ hòa vi quý nó khiến tất cả đều ổn, mang lại bao mùa quả ngọt. Việc của cơ quan có thể nay chưa hoàn thành, chưa tốt thì mai kia sẽ tốt. Còn mỗi cá nhân, cứ phải khen luôn, phải vống những thứ nhỏ bé của mỗi cá nhân lên, thổi phồng cái sĩ diện và che đậy khéo léo phần khiếm khuyết của họ đi, viện sẽ không bao giờ sụp đổ.

***

Ông dậy thì cơ quan đã có người đến. Đêm qua ông nằm ngủ tại phòng làm việc. Cánh tay trái đau tệ hại làm ông nhăn nhó. Thuốc giảm đau không làm ông an tâm được nữa. Nó hoàn toàn bất lực. Nước vẫn rỉ ra ở vết lở loét. Ông vệ sinh rồi gọi cậu lái xe, rủ đi bộ ra ngoài ăn sáng. Cây hoa giấy ở cơ quan vẫn thắm hoa, cổ thụ vững thế kia nhưng ông Mực đau đến méo mặt. Ông nén đau, tự hít căng lồng ngực, rồi tính toán cách giải quyết vấn đề. Trước mắt ông sẽ phải triệu tập cuộc họp gấp bàn cách tháo gỡ, rồi sẽ tìm gặp ông Sinh. Ông Sinh – người tiền nhiệm, cũng khéo léo, có thể có những tham mưu, góp ý cho cơ quan và bản thân ông Mực giải pháp tháo gỡ. Không thể để một viện uy tín nhường ấy, với bao thành tích lẫy lừng bị bung vỡ. Song, khi bốc điện thoại gọi thì ông Sinh bảo đang đi nước ngoài chữa bệnh. Bệnh gì thì chưa nói.

Cô thư ký vác khuôn mặt hệ trọng lên báo cáo ông Mực rằng chiều nay và sáng mai đều không thể họp. Dẫu cơ quan có việc thì mông cô vẫn không bớt cong. Sao thế? Rất nhiều thành viên bận. Đang lúc nước sôi lửa bỏng thế này, bận cũng phải họp. Văn phòng đại diện miền nam phải họp trực tuyến. Viện rơi vào vực thẳm đến nơi, cần đến thì ai cũng bận là thế quái nào! Phải gác tất cả chuyện cá nhân lại để xắn tay vào việc này đi chứ. Ông đập bàn. Cô thư ký tơn tớn thưa: Dạ, văn phòng đã thông báo cho mọi người, và rất nhiều người xin nghỉ để… đi viện.

Ông Mực nóng mặt gọi điện cho hai viện phó, quát nhặng vào điện thoại. Nhưng cả hai ông đều khẩn thiết xin thủ trưởng cho nghỉ để đi khám, bệnh không thể đừng.

Suýt nữa ông chửi tục, cả cơ quan đi viện ư? Máu ông như thể dồn hết lên cổ. Ôi cõi người điên đảo. Cõi người lộn tùng phèo!

Bực mình, ông ngồi thở, cảm giác hai lỗ mũi bị đóng băng, cánh tay đau càng trở nên nhức buốt. Nhức buốt lan khắp cơ thể. Những khối u rủ nhau, tấn công đồng loạt các bộ phận cơ thể, làm toàn thân ông mưng lên như sắp vỡ. Chúng biết rủ nhau ẩn nấp trong xó đời, trong màn sương tính toán của cõi người, rồi cùng lúc tấn công cơ quan ông ư? Chúng thông minh thế?

Uống cả vốc thuốc rồi thoa dầy tầng lên vết thương, nhưng trận đau chẳng lui được bao nhiêu. Không chịu được nữa, ông lại tự dẫn mình đến cái bệnh viện quái quỷ ấy, bằng một cuốc xe ôm, nhếch nhác và ủ dột. Ông vừa đến cổng đã nhận ra hai kẻ cùng cơ quan lén lút lủi nhanh như sợ ai nhìn thấy. Trước mặt ông, từng đám bệnh nhân ẻo lả dật dờ bước qua bước lại. Vào đến phòng khám thì ông gặp viện phó Phóng. Hỏi, ông Phóng nói đi khám chứ không nói về u. Ông Mực thấp thoáng thấy Lê trưởng phòng tân đề án, dù gã đã đeo khẩu trang và cố ăn mặc xềnh xoàng. Ông gọi gã lại hỏi, Lê bảo đến thăm người bạn. Ông hỏi vặn, đến thăm mà cầm sổ bệnh án thế kia? Lê lúng túng đút vội cái sổ vào túi. Rồi để lấp liếm, Phóng và Lê hỏi, cơn gió nào đã đưa viện trưởng đến đây? Viện trưởng Mực lúng túng, nhưng chợt nghiêm nghị: “Tôi đến thăm các ông”.

Hai người kia sững lại, ngơ ngác nhìn nhau.

Bệnh viện sao mà đông đúc, nhếch nhác quá đỗi. Người này chực va vào người kia. Lê lấy tay che chỗ ống tay áo đang dính ướt. Bị gặng hỏi, Lê đành khai: “Con mụ vợ của em nó cầm cái kim, chọc vào cái nhọt bọc, thế là mủ máu cứ tứa ra, em phải chạy ngay đến đây…”

Bấy giờ, ông bác sĩ có nốt ruồi khá bự ở khe mũi lần trước mổ cho ông Mực đi tới. Ông ta nhận ra bệnh nhân cũ, nên hỏi: “Ơ bác này, lần mổ trước ổn chứ ạ? Hôm nay bác đến khám lại phải không?”.

Ông Mực không biết giấu mặt vào đâu, liền chui tọt vào phòng bác sĩ, giả vờ có việc hệ trọng. Vì quá vội, cánh tay đau va vào cửa, giờ trở nên ê buốt kinh khủng. Ông tìm tuýp thuốc giảm đau.

Phóng và Lê, một lần nữa, nhìn nhau. Họ không thể hiểu chuyện gì đang diễn ra.

 

Nguyễn Văn Học