Hoa về nhà. Anh trai ra đón, nhìn em gái thẫn thờ, thẫn thờ thanh xuân trôi qua vầng má một nửa. Đau đời, đau tình, đau niềm kiêu hãnh đau luôn một nửa niềm tin. Hoa xinh đẹp, cái nét xinh đẹp đã dần nhạt phai theo làn tóc bay ngang trán.
– Về thôi em, bao người chờ em ở nhà, ở đất đó thẫn thờ làm gì. Bọn nhỏ đang chờ em ở nhà.
Bố mẹ mất hết, mỗi lần về quê Hoa đều lên anh trai cả làm chỗ đi, chỗ dựa. Trước khi mất ông bà mong Hoa yên bề gia thất, anh em con đàn hết rồi chỉ còn Hoa má hồng chờ duyên. Hoa học hết cấp 3 đi làm công nhân. Tuổi mơ tuổi mộng cuộc sống công nhân chưa vất vả. Nhưng tuổi mới lớn, tuổi rung động gắn với chuyền máy, tăng ca. Thế giới của Hoa đã bị bỏ hẹp lại. Quê Hoa nghèo, bố mẹ đã lớn tuổi, anh chị em đông ai có gia đình đó, lớp 12 Hoa ngập ngừng gấp lại trang sách đầu đời. Hoa muốn đến thành phố lớn, làm công nhân, dành dụm, nghe chúng bạn mách một vài năm có vốn thi đại học lại. Trang sách của Hoa gấp ngập ngừng dang dở, tiếc tuổi mười tám, tiếc giảng đường ước mơ… Ngày Hoa đi trong ngăn đồ vẫn gấp theo cuốn sách yêu thích. Trang sách thuở đôi mươi ngập ngừng cùng Hoa đến với đô thị hoa lệ, ước mơ.
Bọn trẻ nhao ra: Cô Hoa về. Sao nay cô gầy, tóc cô không dài nữa à, còn vàng màu cơ. Cô Hoa mua được cây bút cháu dặn không… Con bé Ngoan ríu rít hỏi. Anh cả còn nguyên bộ quần áo cắt cỏ, tất bật xuống ao, cất lưới, cắt rau. Em về. Bố mẹ không còn, anh thay bố mẹ mong em yên bề gia thất có nơi đi chốn về. Mỗi tết muốn về quê không phải lủi thủi tìm anh, tìm chị, thấy em thương lòng nặng dạ. Em của anh vốn ngoan, vốn ước mơ, giờ hi vọng vào tình nơi phố thị lỡ làng. Vết thương lòng lớn, Hoa không cùng quẫn, ít khóc nhưng tiếc trượt trong thanh xuân. Em của anh không chịu mở lòng, trót nặng lòng ở một cung bậc cao hơn nên khó vừa mắt những chàng trai vốn nghĩ thấp kém hơn mình. Hoặc vết thương quá nặng, những gì tốt đẹp đã trôi khó bắt đầu lại.
Thuở Hoa đi là những năm tháng các đô thị đang chuyển mình công nghiệp hóa, các khu công nghiệp, khu chế xuất được chủ trương hình thành quy mô lớn. Cùng với sự chuyển mình đó những cô gái như Hoa đến thị thành dễ xin việc. Hoa vào làm việc cho một chuyền máy bánh ngọt xuất khẩu. Cuộc sống thơm ngọt mùi bánh, sạch mùi bụi nhưng quên dần mùi trang sách Hoa mong. Hoa mong mình học xong đại học, trở thành cô giáo dạy văn. Mọi chuyện có lẽ bình yên như dự định nơi những xóm trọ nhỏ bé nơi xứ người, cho đến ngày Hoa đổi việc về một nhà máy ở Thủ Đức. Nơi Hoa làm việc gần nhiều cơ sở đại học, sinh viên ở trọ rất đông. Ước mơ của Hoa gác lại theo chuyền máy, theo ca, đã 4 năm trôi, các bạn cùng trang lứa đã ra trường bắt đầu có cuộc sống công việc mới. Còn Hoa một chút đồng vốn dành dụm từ giờ tan ca Hoa không có thêm gì, trang sách năm nào vẫn gấp trong túi đồ. Những cuốn sách đó đã lạc hậu một thời, bạn bè đã qua khoảng thời sinh viên khi Hoa tất bật với nhà máy cùng chị cùng em.
Chiều tan ca, Hoa tất bật ghé chợ, phiên chợ tất bật ấy đã bắt đầu lại chuỗi ngày mơ mộng, khổ đau và nuối tiếc thanh xuân của Hoa. Hoa gặp Trường, khuôn mặt trẻ măng, độ chừng sinh viên năm nhất tìm nhà trọ. Dãy Hoa ở còn phòng, Trường đến…Và sau những tất bật Trường đến bên cuộc đời Hoa. Cô công nhân may mặc bỗng yêu Trường một tình yêu lệ thuộc, như lệ thuộc mơ ước của mình vào Trường. Hoa thấy ươc mơ của mình ở Trường, Hoa đã dang dở trang sách và Hoa yêu Trường từ những trang sách trên con đường cậu đi. Trường lên thành phố, những chân thành đầu đời Trường nhìn thấy từ nét đằm thắm của Hoa. Trường mong về một mái ấm có người phụ nữ như thế, hiền dịu, và luôn ngưỡng mộ Trường. Hoa hơn Trường đúng một khoảng trời mơ ước sinh viên, nhưng những rung động chớm nở đã xóa đi khoảng cách 5 con số tuổi ấy…
– Trường phải đi thực tế, còn chuẩn bị tốt nghiệp.
Hoa vẫn như thói quen chút tiền dành dụm đưa Trường để chuẩn bị cho việc lớn. Thêm 5 năm nữa thanh xuân trôi qua, Hoa đã chạm ngưỡng 30 cùng với những vất vả mờ hiện trên đôi má Trường yêu ngày nào. Lần này Trường ngập ngừng cầm tiền, ngập ngừng trả lại. Hoa sợ Trường ngại như bao lần, còn vài tháng nữa ra trường cần nhiều thứ chi tiêu. Hoa lo được. Lần này Trường không lấy. Trường nhìn thêm đôi mắt Hoa có vài sợi tóc mai bay qua. Nét mặt đã quen cùng Trường suốt thời sinh viên. Nét mặt chưa từng đòi hỏi ở Trường từ ngày đầu đến cho đến 5 năm qua. Trường là những hi vọng trong từng trang sách mà Hoa bỏ dở thuở đôi mươi. Trường đi khảo sát theo hướng dẫn về miền Tây. Trên những chặng đường xe chạy hun hút chiều muộn đó, giữa những cánh đồng thơ mộng vốn không phũ phàng với lòng người. Trường nhắn dòng tin vào chuyền máy cho Hoa:
– Chúng mình không đến được với nhau Hoa ạ. Đừng chờ anh. Anh xin lỗi. Bố mẹ anh không đồng ý cho anh kết hôn cùng một công nhân hơn tuổi. Anh cũng đã thay đổi. Chỉ em cố tin vào lựa chọn của mình. Chắc em sẽ hối hận cả đời…
Sau những tuyệt vọng tận cùng, Hoa trở về nhà rồi lại vào với phố, nỗi nhớ, nỗi đau gào xé dạt trôi. Mọi thứ đều dang dở, trang sách đặt vào tay người khác có muộn tàn hơn? Hoa hận đời muốn quên đi những ngày tuổi trẻ, Hoa tự ti và quên lãng với chính ước mơ của mình. Hoa xác xơ theo năm theo tháng. Để rồi dường như mọi nỗi đau sau này Hoa đều cảm thấy không là gì so với nỗi đau bội bạc thắt lòng của tình yêu thuở ấy. Hoa muốn quên đi chính mình là ai, Hoa cũng không còn nhớ. Sau lần đó Hoa cũng không về với quê, với anh chị ở nhà…
Con phố trước phòng Hoa chiều nay buồn tênh. Phố đến lịch test covid cộng đồng. Tờ giấy hẹn mỗi nhóm ghi giờ khác nhau, mọi người góc phố quen cầm tờ giấy trên tay lần lượt ra đầu phố. Im lặng và lo lắng vì biết đâu đấy, nhỡ đâu là… Phố buồn!
…Cả phố yên ắng bỗng loạn xạ tiếng chửi bới, ném đồ của Khương và tiếng khóc hét của Hoa, của thằng Tít.
– Con mẹ mày dỗ nó nín không!
Tiếng ném đồ chát chúa, tiếng đấm vào da thịt nghe thấu xương, va loạn xạ trong khoảng chật hẹp của bức tường ngăn phòng trọ. Tiếng thằng Tít hét ngất, tiếng Hoa gào, chửi trong chới với tuyệt vọng, tiếng kháng cự hận thù. Thằng Khương vẫn còn vất vưởng như nghiện, tay vẫn cầm điện thoại sợ chết ván game, chân đá bôm bốp từng mạn xương sườn Hoa. Hoa gầy nhúm cái áo hai dây xốc tận bẹn, những hàng sườn gầy gò khắc khổ xây xước thâm tím, tay xách thằng bé, gào chửi tuyệt vọng, thằng bé mũi dãi hét khiến xóm giềng nghe chát lòng như muối xát. Dịch dã nhưng đành cả xóm xúm vào can ngăn, rồi ai trở về nhà nấy, lặng im chỉ còn tiếng chửi của chồng Hoa văng vẳng dai dẳng, cay nghiệt. Gọi là chồng chứ Hoa và Khương ở dạt với nhau, ở đâu phiêu dạt về phòng trọ bên, Hoa có thai sinh thằng bé nhỏ xíu như con chim non. Chẳng có gì ăn, không ai đỡ để kiêng cữ, Hoa thất nghiệp, thằng chồng hờ lờ đờ theo các ván game online thách đấu. Cu con còn nhỏ Hoa hết sữa, hai đứa dật dờ cho thằng bé uống luôn sữa Vinamilk mua bịch lẻ ở tạp hóa bên cạnh, còn Hoa có ngày khẩu phần vài cái bánh ngọt. Và dịch Covid ập đến.
Khi dịch Covid-19 lần thứ 4 bắt đầu bùng phát. Chỗ Hoa ở Dịch Covid-19 đã âm thầm lây lan trong cộng đồng, lan vào các công ty, nhà xưởng, các dãy trọ chật hẹp, đông người. Hệ thống y tế dù đã sẵn sàng nhưng vẫn dồn dập rơi vào quá tải, bị giáng những đòn choáng váng bởi thực tế chưa từng diễn ra như thế. Tâm dịch Gò Vấp trở thành nỗi lo đặt lên bàn của các cấp, lo âu trong nỗi suy tư của các vị lãnh đạo, của y – bác sĩ; dội vào dạ dày từng lao động; ăn vào ánh mắt từng đứa trẻ ngơ ngác khi bị nhốt trong nhà. Dịch như chiếc gương một lần soi cuộc đời của mỗi lao động nữ xa xứ như Hoa xác xơ trên đất phố.
Sau cơn điên loạn xạ vì game, dáng dấp Khương vừa đi vừa cầm điện thoại chửi ngoài đường, ai thoáng qua cũng biết kiểu chửi rủa đá chân ngoài đường giữa dịch là nó lại thua độ game. Nó ghé tạp hóa trước nhà mua 4 thẻ cào điện thoại loại 100 ngàn, 2 chai rượu loại 15 ngàn và 2 bịch sữa Vinamilk cho thằng Tít uống trưa và tối. Khi tính tiền nó lột hết các túi vẫn còn thiếu 4 ngàn. Bà bán tạp hóa không cho thiếu. Cả xóm này thiếu bà xởi lởi không cần ghi sổ. Nhưng Hoa, Khương bà không cho, bọn nó không đi làm, chỉ ném tiền vào nhậu và bạc người vì game. Ấy thế nhưng mỗi khi nó bế thằng Tít sang đếm mấy đồng tiền nhàu nát mua bịch sữa tươi, không có tiền bà vẫn phải bán nợ, là cho thằng Tít nợ. Bà thương nó. Cả xóm này ai cũng thương thằng Tít biết phận nên ngoan. Thằng Khương khất không được cuối cùng nó quyết định bớt đi một bịch sữa chứ không phải là thẻ cào hay chai rượu. Nó văng câu lên trời: Kệ con mẹ nó lo, uống 1 bịch sữa buổi trưa là được rồi… Thế rồi tối ấy bà và chòm xóm lại dành dụm ít sữa, cháo đồ ăn cho thằng Tít.
Thằng Tít ngoan ngồi nhai cái vỏ bịch sữa. Nó 10 tháng rồi, nó ngứa răng cái răng đầu tiên, nó chưa ngồi được vì còi nhỏm yếu nhưng cái mặt nó vẫn yêu như một thiên thần. Chỉ cần được mẹ bế, được nhai bịch sữa Vinamilk là đủ để nó đập tay nhoẻn miệng cười. Đời nó chưa từng biết đòi hỏi, nó không có đồ chơi và mắt nó trong veo như thấy cả một vùng trời khi thấy chiếc xe cút kít có đèn xanh đỏ xóm phố bà con cho. Thằng Tít chẳng bao giờ khóc cho đến khi Khương dội đòn vào Hoa. Tít bé mà khôn chuyện nó chỉ khóc theo tiếng khóc, tiếng gào của mẹ nó. Chiều nay nó lại khóc xé lòng. Xóm giềng lại chán nản chạy sang. Hoa xác xơ trên đất phố, trong đại dịch nơi phố Hoa cùng quẫn… Năm này thành phố có tết không?
Làng Hoa mùa tết có gì? Có một mùa hoa cải ven sông lại chỉ trông ngóng đông về mà ươm vàng thao thiết, là chuyện của mùa đông, chuyện về những ngón tay đan, chuyện về những cái ôm nhau thật chặt, chuyện về những mâm ngũ quả có cha, có mẹ nhớ thương vơi đầy. Mùa đông quê Hoa nay có lẽ vẫn khúc khích môi cười, thoáng bên hiên rêu hè dáng mẹ gầy phơi đồ trong rét ngọt, rợp sương góc hè mỗi nhà mạ non chờ tết. Thành phố hối hả, đêm Hoa mơ rét ngọt quê mình, từ thuở xa quê, trăng non, rét ngọt vẫn đợi vẫn chờ. Trong giấc mơ Hoa mưa bay đầy ngõ hoa đào rụng. Hoa xoan tết nở tím khắp các triền đồi. Đền Ông của làng đã thơm hương nhang đèn khói mới! Tết này Hoa lại ở phố. Hoa giật mình phố chết chóc, bao giờ xuân mới ghé qua? Thẳm sâu trong Hoa dù quên đi một đoạn đời chết lặng, lụy người nhưng vẫn còn vấn vương một dáng dấp của văn, của đời, của những ước mơ khác nén chặt sau những vất vả, khổ đau và buông trôi.
Khu phố phát phiếu đi chợ theo các ngày chẵn – lẻ. Tổ trưởng nhận, cầm luôn phiếu cho Hoa. Dịch căng thẳng hơn Khương cũng phải ở nhà vì nhiều nơi đã cách ly phong tỏa, Hoa – Khương vì thế cũng cãi vã nhiều hơn. Thằng Tít khóc nhiều hơn và càng nhỏ quắt đi. Khương ngửa cái đầu trọc phun khói thuốc vô mặt thằng Tít, Tít ho sặc sụa nhưng vẫn thích đưa tay ra bắt làn gió có màu mờ mờ. Khương bất cần nói đông đổng ra đầu hè: Không cần.
Các phòng trọ nhỏ không có tủ lạnh, không trữ được đồ ăn tươi, mà thực ra những người như Hoa – Khương cũng không có xu hào nào mà trữ. Xóm giềng đùm bọc trăn trở, có phát quà, phát hàng đều dành cho Hoa và thằng Tít phần hơn. Tổ trưởng nhắn lên Ban chỉ đạo chống dịch của phường xin sữa bột, sữa đặc, mẹ con Hoa nhờ thế mà đi qua đại dịch bằng tình người.
Hoa nói vọng ngoài cửa với chị Tổ trưởng: anh Khương bị nhiễm covid rồi, người ta đưa đi cách ly rồi. Hoa khóc nức nở nói vọng vào: Nếu em có hệ gì, em bị đưa đi cách ly thì chị cho thằng Tít ăn với nhé. Tội nghiệp Tít của em.
Khương được đưa đến khu cách ly tập trung tạm thời ở một trường học trên thành phố chờ sắp xếp đi bệnh viện dã chiến. Các khu cách ly tập trung quá tải đặt ra bài toán việc đưa cách ly tập trung có thực sự hiệu quả? Ngày đầu tiên ngồi trên xe tải chở đi cách ly, do các khu cách ly đều không còn chỗ, không có nhân lực và tình nguyện tiếp nhận, nhóm của Khương được chở vòng vòng đến mệt nhoài, đói lả. Thằng Khương vò chiếc đầu trọc chửi đổng trên thùng xe không đếm hết số lần – Bố con mẹ, chờ mãi mới được hai vạch để nhà nước nuôi. Dịch dã không phải lo cơm.
Giờ xe chạy mấy tiếng chờ trên thùng chưa tìm được nơi đến, nó bắt đầu thấy cáu, thấy lo, thấy hoang mang khi khung cảnh dịch bệnh dần hiện ra trước mắt nó. Trong cái ngõ nhỏ bị phong tỏa, Khương chỉ chửi, chỉ trút sự cùng quẫn lên Hoa, lên nghèo khó. Sau mấy tiếng chờ nơi tiếp nhận, nghe tiếng còi xe hú, cả xã hội quá nhiều người bệnh như nó, từng đoàn xe hun hút lao đi, xe công vụ, xe cấp cứu… nó bỗng thấy hoang mang với cái bụng đói mềm của người mang mầm bệnh. Mười giờ đêm nhóm của Khương được đưa vào một không gian nhà xưởng tận dụng để cách ly tập trung, người bệnh về đột xuất cơm chưa kịp liên hệ đến đơn vị cung cấp, người ta phát cháo, sữa để thay thế. Đêm ấy là đêm đầu tiên Khương nhớ về phòng trọ chật hẹp nơi có Hoa và Tít, nhỏ hẹp nhưng có thể ngủ. Ở đây cả một không gian mênh mông người, sinh hoạt tập trung, bẩn, nóng… chờ phân loại đi bệnh viện dã chiến. Lần đầu tiên ý nghĩ Hoa là gia đình hiện trong cái đầu trọc bất cần của Khương; không nghề nghiệp, không ý chí, không trách nhiệm nhưng sau từng ấy thời gian phũ phàng lần đầu nó thấy mình có gia đình để ghi tên. Khương ghi thông tin vào phiếu phần liên hệ vợ, con. Nó chững lại bởi cái tên của Hoa, sau tất cả, cũng có khoảnh khắc của cuộc đời Khương chỉ có Hoa là mảnh đời bên cạnh. Nó bấm máy gọi cho Hoa thông báo địa điểm cách ly. Lần đầu nó gọi cho Hoa với ý nghĩ: Gọi cho gia đình…
Khương chuyển nặng nhanh chóng. Nó sốt, ho cong người, cơm khu cách ly nó không nuốt được. Từ khu cách ly đi bệnh viện dã chiến được 3 ngày nó khó thở được chuyển gấp lên khu điều trị đặc biệt. Da Khương bắt đầu căng phồng lên, căng cả dưới cổ họng, thổi phồng lên cả ở tay, chân, háng. Khương được nhanh chóng chuyển lên bệnh viện tầng 3, thở máy nhưng không cải thiện được tình trạng tràn khí màng phổi, tràn khí dưới da biến chứng chuyển nặng của Covid. Hoa nhận tin Khương chết sau 12 ngày đi cách ly.
Hoa vô hồn, cuộc đời thêm một lần nữa dội vào những tháng ngày của Hoa trên phố mù mịt. Hoa khóc nức nở, khóc trong cô đơn, đói thiếu:
– Sao lại chết khi đã sống hết một đời khốn nạn. Ít nhất cũng phải sống tiếp để sửa mà làm người, làm bố chứ. Sao chết khi chưa một ngày sống tử tế với em vậy Khương. Anh đã gọi nói muốn về nhà thì sao không sống mà trở về. Đồ chó!
Trong sâu thẳm Hoa xót Khương, dẫu gì sau những cộc cằn, sau những khốn cùng Khương cũng đã đi cùng Hoa những ngày buông xuôi nhất. Ít nhất thằng Tít cũng là lý do để Hoa sống và nó có hình hài của Khương. Dịch đến Hoa đã nghĩ rằng mai này hết dịch chúng ta sẽ khác. Có thể sẽ thản nhiên hơn, bình tĩnh hơn trước những được, mất; biết cách chấp nhận hơn những thiệt thòi. Dịch rồi sẽ qua nhưng ký ức về nó sẽ còn… Và sẽ nhớ rất nhiều những gì mà Hoa đã cùng Khương và cùng mọi người đi qua những ngày này và biết đâu đấy sẽ đổi khác và biết yêu nhau hơn. Sao không sống mà trở về?
Chị Tổ trưởng dân phố thông báo tình hình mẹ con Hoa và Khương. Đám viếng diễn ra qua zalo, người ít, người nhiều hỏi thăm ủng hộ cho mẹ con Hoa. Chị đại diện bà con đến phòng động viên: Bằng mọi giá phải sống, phải sống tốt Hoa ạ, phải thay đổi. Mai này hết dịch chúng ta sẽ khác… Mai này hết dịch…
Thành phố trở lại sau ngày bình thường mới. Tổ trưởng dân phố nghĩ ngay đến cuộc sống của Hoa. Hoa đã có kinh nghiệm làm chuyền làm máy, chỉ có điều giờ vướng bận con nhỏ và tuổi lớn không phải lựa chọn tuyển của các công ty. Trên địa bàn phường có công ty mà Ban nữ công trong công ty có chương trình đồng hành cùng lao động nữ khó khăn. Chị liên hệ ngay và nhận được sự giúp đỡ, thuyết phục Hoa vào trong công ty trước mắt làm thời vụ ở cửa hàng tương trợ phụ trách sắp xếp và bán các mặt hàng tương trợ của công đoàn cho công nhân. Công việc chủ yếu bận rộn sáng sớm và chiều, mẹ con có thể chăm nhau hoặc tranh thủ gửi qua nhóm trẻ.
– Em làm được không? Họ có chấp nhận em không?
– Không ai từ chối sự cố gắng của phụ nữ cả. Phải đứng dậy Hoa ạ, em không thể buông mà Tít cũng cần một cuộc đời khác, tin chị, tin công đoàn công ty, thử cơ hội này đi.
Hoa bịn rịn cùng chị cùng em, với sự giới thiệu của tổ trưởng khu phố, Hoa ra nhập đội kho, phụ việc ở cửa hàng tiện lợi của Công đoàn trong công ty. Khép nép mặc cảm ban đầu, nhưng hòa mình vào phong trào ở đây Hoa mới chợt nhận ra cuộc sống cần nhiều cái bắt đầu lại như vậy. Bỗng dưng Hoa thấy cuộc sống của mình trước nay thật chật hẹp. Ở gian hàng nhỏ nơi Hoa làm, nơi tiếp nhận hàng từ thiện, nơi nhập hàng từ vốn phúc lợi, từ chương trình 2000 của công đoàn công ty nên đa số chỉ những người khó khăn tìm đến. Những mặt hàng vẫn lặt vặt trái bí, mớ rau nhưng chứa ở đó là những ngày tháng Công đoàn – Công ty – Công nhân cùng nhau đi qua ngày khó và nơi đó có cả Hoa.
Sau giờ ca chiều, cửa hàng của Hoa lại tất bật với những gói hàng không đồng, gói hàng giá rẻ… mỗi phiếu không quá 100 ngàn. Nhờ sự hoạt động tích cực của Công đoàn, sự hỗ trợ của Ban giám đốc, Đoàn thanh niên công ty tích cực vận động, cửa hàng nơi Hoa và các chị làm ngày nào cũng rộn tiếng cười. Thi thoảng còn có sữa bột ngon dành phiếu cho các chị em có con dưới 12 tháng tuổi… Tít của mẹ Hoa cũng có phần.
– Nhớ Bắc nhớ quê các chị nhỉ. Hoa thủ thỉ bên gian hàng trưng bày hoạt động tương trợ.
Hoa lặng người sau cuộc trò chuyện. Tối ấy Hoa ôm Tít khóc ở góc phòng trọ. Về ư? Hoa đã có những góc ký ức rất đẹp bên làng. Hoa không muốn chặng đường lang bạt của mình làm xấu hổ khoảng trời ấy. Hoa từng có người thương thuở thiếu thời, có người yêu dù đã phản bội nhưng là khoảng trời đẹp. Hoa chợt nghĩ về Trường, không phải Trường đổi thay mà là Hoa không chịu thay đổi. Thuở ấy giá như Hoa biết sống cho ước mơ của mình, Hoa cũng theo học, theo đuổi ước mơ để hòa cùng cuộc sống của Trường. Giờ lấy gì để trở về? Tấm thân lang bạt với đứa con? Không ai biết về mảnh đời của Hoa nhưng Hoa không dám về làng, sợ những ánh mắt nơi vốn dĩ rất tốt đẹp. Đêm ấy Hoa mơ về làng… Nhưng sau này Tít lớn lên, Tít cũng muốn tự hào về ước mơ của mẹ mình. Hoa chợt nhận ra không phải Trường hay Khương đã phũ phàng với Hoa, làm Hoa đau theo cách của họ mà chính Hoa đã phũ phàng với cuộc đời mình.
Đêm ấy Hoa đã nghĩ với kinh nghiệm làm chuyền về bánh ngọt, với một trái tim yêu thương và sự chắt chiu ở gian hàng tương trợ của Công đoàn, với một tâm hồn yêu văn và lãng mạn… Hoa muốn học nghề, Hoa muốn có một cửa hàng bánh tràn ngập tình yêu, một khởi đầu thật sự cho Hoa, cho Tít, một ngày trở về làng khỏe mạnh, đủ đầy… Hoa muốn bắt đầu một ngày mai.
Công ty nơi Hoa làm tổ chức chương trình văn nghệ: Tình ca mùa xuân, chương trình tổ chức sớm để công nhân xa quê kịp dự và về tết. Rộn ràng khắp công ty những ngày tổ chuyền tập múa, tập hát. Khoảng sân trước cửa hàng của Hoa ngày nào cũng rộn tiếng nhạc sau giờ tan ca. Tít con đã biết múa theo các cô các chú. Hoa bắt đầu cặm cụi học nghề cùng chị cùng em buổi tối của chương trình phụ nữ trên Liên đoàn lao động. Cuộc đời bận rộn đã để Hoa quên đi chặng đời cũ.
Ngày tổ chức chương trình tình ca mùa xuân, trong đám đông có chàng trai áo lính, Hoa bất ngờ gặp lại ánh mắt quen, Thuần vẫn thế, chững chạc và điềm đạm. Tiết mục đội bảo trì kỹ thuật lần này thật đặc biệt. Người hát mùa xuân bên cửa sổ là bạn thuở thiếu thời ở làng của Hoa. Gặp lại ánh mắt cũ Hoa bối rối, tự ti về những dở dang, về những bất hạnh của mình đã đồn vang về làng, nơi có góc đời của Hoa, của Thuần. Hoa chào hỏi rồi trốn tránh. Khi gặp lại người cũ, người ta không muốn những vết xước đau của mình lộ ra. Làng của Hoa ngoài những miền êm đềm xưa cũ còn có khoảng thiếu thời ngây ngô trẻ dại. Những đứa trẻ ngày ấy có những ước mơ riêng, Hoa không thi đại học, đến thành phố với những chuyền máy và giờ ở đây cùng con xem: Tình ca mùa xuân. Thuần đi nghĩa vụ quân sự, khoác lên mình áo lính, giữ đảo giữ biển, ra quân học nghề và làm kỹ thuật bảo trì. Thế nào mà gặp nhau trong công ty bạt ngàn người này. Trong một mùa xuân rất tình người. Gần 20 năm mới gặp lại, cảm xúc đầu đời nhạt nhòa, không từng hẹn ước nhưng trong Hoa đó là một phần ký ức về làng, gặp lại Thuần bỗng thấy buồn, tự ti. Hoa phục vụ hội diễn, Thuần tham gia văn nghệ. Thuần muốn kể những câu chuyện không đầu không cuối cùng Hoa khi gặp lại người làng nơi đất khách… Hoa buồn man mác như cánh đào lạc ở phương nam, Hoa xin phép về trước…
Tối đêm hội tham quan khu trưng bày, Thuần đến gian hàng của Công đoàn công ty có Hoa phục vụ, Thuần hỏi Hoa nhớ gì sau đại dịch, quen nhau từ bé, biết Hoa tâm hồn văn chương nên nhiều nặng lòng. Hoa nói nhớ tết làng. Lâu quá rồi Hoa thương nhớ đất Bắc quá.
Hoa rớm lệ. Nhìn Tít, Thuần phần nào mường tượng nỗi niềm trong Hoa. Cả quãng thời gian dài, ngay cả chính Thuần cũng để ký ức xa dần theo mỗi tết bận rộn hơn, Thuần chưa có gia đình và đi xa ngôi làng nhỏ, xa những dải đồi trồng mía xào xạc heo may, xa mùi khói thơm hương mía mỗi chiều, dù cuộc sống đã đỡ vất vả hơn xưa nhưng duyên chưa đến, long đong…
Nơi thành phố Hoa sống, mùa xuân vẫn về qua những cây cầu vắt ngang sông. Còn ở quê Hoa miền Bắc giờ này những mùa đông gió bấc bàng bạc, khô tróc, vụn rơi. Hoa với ai ơi, về cùng nỗi đời nghe gió mùa thốc thổi. Trong manh áo mới, tim đập vơi đầy, gió bấc và những guộc gầy, chưa vơi niềm nhớ! Thành phố dệt mùa xuân bên khung cửa nhỏ. Ai đan chiếc áo rộng dài cho nỗi nhớ Hoa mùa sau. Ai đón mùa xuân về bên bậc thềm, lối ngõ? Và những mùa xuân cứ thế lặng thinh. Chẳng thể đếm đong làm đầy kí ức trong Hoa.
Nơi phố thị Hoa sẽ trở về thăm làng mình, vẫn ước mình trở lại với xuân xưa, nơi xác pháo hồng dạt bay đường làng, trước ngõ. Có những mùa xuân nối tiếp như chỉ để kéo dài thêm kí ức vẹn nguyên những mùa Hoa. Xuân ngắn, đọng trong nỗi nhớ Hoa rộng dài. Còn Hoa vẫn thế. Vẫn khâu vá, đắp đổi tháng năm canh cánh ngày về. Ở thành phố này, Hoa đã nở lại trên phố bằng tình yêu, bằng ước mơ đêm ấy, Hoa tin sẽ có ngày vui để trở về làng!
…Đêm nay công ty Hoa vui ngày hội lớn nhất của năm, trong khoảng trời vui ấy, thoáng đọng lại những câu chuyện về làng Hoa và Thuần nhẹ nhàng kể nhau nghe, hết đêm hội, Thuần hẹn Hoa một ngày:
– Khi nào về làng mình, nhớ rủ anh Hoa nhé!
…Mùa xuân vẫn sẽ về trên những cây cầu vắt qua sông…
Lê Thị Hiệp
Bài viết liên quan: