Ngay sau khi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, đầu năm 1945 Bác Hồ đã biên dịch sách ‘Phép dùng binh của ông Tôn Tử’.
Cuốn sách đang được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, trong triển lãm Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ. Triển lãm do Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Với hơn 200 ảnh, tài liệu, hiện vật, triển lãm Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ giới thiệu tới công chúng về những tình cảm, sự quan tâm, chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Quân đội nhân dân Việt Nam; về những phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành.
Người cha thân yêu của Quân đội nhân dân Việt Nam
Những tài liệu, hình ảnh trưng bày tại triển lãm đã cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy, người cha thân yêu của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngay từ những năm 1920, trên hành trình bôn ba tìm đường cứu nước, với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy sự cần thiết phải tổ chức và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân.
Người đã gửi một số thanh niên ưu tú Việt Nam vào học tại Trường Quân sự Hoàng Phố ở Quảng Châu, Trung Quốc. Người trực tiếp biên soạn các tài liệu giảng dạy quân sự quan trọng, mở lớp đào tạo, huấn luyện quân sự nhằm chuẩn bị cho sự ra đời của quân đội cách mạng.
Tại triển lãm, hình ảnh Trường Quân sự Hoàng Phố thời đó, cùng những tài liệu giảng dạy quân sự do Nguyễn Ái Quốc biên soạn được giới thiệu tới người xem.
Tháng 12.1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã ban hành chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Sau này, mặc dù bận trăm công nghìn việc lo cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, thực hiện đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành nhiều tâm sức cho việc lãnh đạo, tổ chức quân đội, giáo dục, rèn luyện những thế hệ cán bộ, chiến sĩ.
Trong triển lãm, người xem được thấy những hình ảnh Người ra trận địa hỏi thăm bộ đội đang làm nhiệm vụ huấn luyện, trực chiến, quan tâm động viên chăm lo cho đời sống cán bộ, chiến sĩ. Hay những lá thư hỏi thăm, động viên bộ đội.
Tại triển lãm, người xem còn được thấy cuốn sách cũ Phép dùng binh của Tôn Tử do Hồ Chí Minh biên dịch. Sách được Việt Minh xuất bản khoảng tháng 2.1945.
Mở đầu sách, Người giới thiệu “Ông Tôn Tử là một người quân sự có tiếng nhất ở Trung Quốc. Ông sinh hơn 2.000 năm trước…”. Bác cũng chỉ rõ “Nguyên tắc của Tôn Tử chẳng những dùng về quân sự đúng, mà dùng về chính trị cũng rất hay”, cần thiết cho công tác quân sự và chính trị của cán bộ.
Mới đây, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã phát hành cuốn sách này với tên Bàn về binh pháp Tôn Tử, bằng hai ngôn ngữ Việt – Nga.
Bữa cơm đạm bạc đầu tiên trong rừng
Tại triển lãm, người xem bắt gặp hình ảnh xúc động 34 chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngồi quây quần bên nhau giữa cây rừng, chia nhau bữa cơm đạm bạc ngay sau lễ thành lập, chuẩn bị cho những trận đánh đầu tiên Phay Khắt, Nà Ngần.
Kể từ bữa cơm đạm bạc trong rừng của 34 chiến sĩ chỉ có vũ khí trong tay là giáo mác, súng trường ấy, 80 năm qua, được Chủ tịch Hồ Chí Minh dày công tổ chức, rèn luyện, được nhân dân hết lòng thương yêu đùm bọc, sự lãnh đạo của Đảng, quân đội ta đã không ngừng tu dưỡng, định hình những phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ.
Triển lãm cho thấy trong 80 năm qua, Quân đội nhân dân Việt Nam “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Từ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, qua chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và phía Tây Nam, hay công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay đều ghi đậm chiến công của Quân đội nhân dân Việt Nam
Nguồn: vanvn.vn
Bài viết liên quan: