Trên dòng Đà giang, nghe núi rừng kể chuyện đời người – Tản văn của Kiều Xuân Quỳnh

Chúng tôi về đến Đảo Dừa khi đã cuối chiều. Cả ngày lênh đênh trên sông nhưng chẳng ai cảm thấy say sóng, mỏi mệt. Có lẽ bởi vì tiếng sóng vỗ sườn núi như vừa bừng thức những ký ức từng bị giấu nhẹm trong trái tim mọi người bởi khoảng lặng thời gian, cùng những bận rộn mưu sinh, nay được khơi lại bằng vẻ đẹp diệu huyền miền Tây Bắc.

Sớm nay, tôi thấy trong đôi mắt mọi người chan chứa nhiều cảm xúc khi con tàu du lịch chầm chậm rời cảng Bích Hạ từ hồ Hòa Bình ngược dòng Đà giang. Mọi người trầm lặng nhìn dòng sông, ngọn núi, con đường mòn xuyên qua cánh rừng… Nơi ấy như vẫn còn lưu giữ dấu chân tuổi trẻ của các cô, chú, anh chị… ngoài những công việc thường ngày còn những người mang tâm hồn nghệ sỹ.

Cơn mưa rào đầu hạ lấp lánh cùng sương núi, tí tách trên khóm lá rừng như tô điểm thêm sự huyền ảo vào phong cảnh thiên nhiên miền Tây Bắc. Nhịp sóng vỗ sườn núi, ngọn núi kề mây bay, dòng thác bạc đổ xuống trộn vào màu xanh ngọc bích của mặt hồ như nàng tiên đánh rơi chiếc khăn lụa trắng giữa núi sông quyện hòa.

Nhà thơ Lê Va giới thiệu cho mọi người nghe sự tích tên gọi của những nơi mà chúng tôi vừa đi qua. Trải qua thời gian, có những bản làng tươi đẹp nay đã chìm dưới mực nước sâu. Sau mỗi câu từ nhà thơ lại nghẹn ngào cố gắng kìm nén nỗi xúc động trong lòng. Trong câu chuyện, tôi cảm thấy nhà thơ vẫn còn nhớ từng con đường nhỏ dẫn đến các bản làng. Nơi ấy, nhà thơ đã đặt bước chân đầu tiên trong sự nghiệp chiến sỹ công an của mình. Năm ấy, vừa tròn mười tám tuổi, lần đầu đến với miền núi nhà thơ đã đi bộ cả ngày để đến đơn vị nhận công tác bởi phương tiện giao thông còn hạn chế. Nhà thơ cứ hăm hở vượt núi, băng đèo bằng lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ. Khi chiếc khăn mặt vắt trên cổ nặng trĩu bởi mồ hôi, chai nước mang theo đã cạn, bụng đói cồn cào cũng là lúc nhà thơ gặp một bản làng bên suối. Hôm ấy, Mế trong căn nhà sàn đầu bản đã đãi nhà thơ bằng bữa cơm mang đậm hương vị núi rừng. Nhà thơ cứ ngỡ đó là xôi gấc nhưng khi hỏi ra mới biết đó là bữa cơm độn củ nâu kèm theo câu trả lời “bởi nhà thiếu gạo con ơi!” Bữa cơm ấy chẳng đủ no bụng chàng trai mới lớn nhưng là bữa cơm đáng nhớ, ấm lòng nhất trong đời  bởi nghĩa tình của người Mường dành cho một người khách lạ.

 

Nhiều năm gắn bó với núi rừng Tây Bắc, nhà thơ dần vơi đi nỗi nhớ của ồn ào phố thị. Tiếp xúc với những đồng bào Mường, Thái, Dao… mang tấm lòng hồn hậu, ấm áp nghĩa tình. Chẳng biết từ khi nào nhà thơ đã yêu sâu đậm miền đất và con người nơi đây. Tình yêu ấy hóa thành những câu thơ dạt dào cảm xúc, mang âm hưởng của núi rừng và tính cách chất phát, rộng lượng của người vùng cao.

Câu chuyện của nhà thơ Lê Va, đưa tôi về  miền ký ức khi tôi bắt đầu công việc trên miền công trường thủy điện Sơn La. Khi ấy, những ngọn núi chỉ còn thưa thớt những hàng cây nhỏ bé. Nơi ấy được mệnh danh là “chảo lửa” Mường La,  nắng dội xuống rát bỏng bởi không còn rừng để nương náu.

Trên núi chỉ còn thưa thớt những gốc cây héo gầy. Những cơn mưa đến, dòng suối bên bản làng người Thái,  bỗng hóa dòng lũ giữ. Bên cửa sổ nhà sàn, cô bạn nói với tôi, dòng suối này ngày xưa hiền hòa giờ thành hung giữ sau mỗi cơn mưa bởi không còn rừng giữ nước. Em bảo, bố mẹ đặt tên là Xuân để hy vọng những cánh rừng trên quê hương sẽ hồi sinh.

Chiều muộn, khi bơi trên dòng nước sông Đà mát lạnh. Tôi nhìn về phía hạ lưu khi bờ đập thủy điện lấp lóe thứ ánh sáng trắng. Đó là ánh hồ quang hàn của những người công nhân đang tăng ca xây dựng và mở rộng nhà máy thủy điện Hòa Bình. Tôi chợt nhớ đến đời công nhân của bố mẹ. Trên miền công trường ấy, bố mẹ tôi và những đồng nghiệp cũng từng quen nhau trên chuyến xe ca, trong bữa cơm tập thể, rồi thành duyên chồng vợ. Bố tôi kể rằng, hồi mới quen nhau, bố tôi từng bơi qua sông Đà, len vào cánh rừng  hái cành đào tặng mẹ. Lần ấy, bố  suýt đuối nước nếu không gặp một chiếc thuyền độc mộc của người phụ nữ Dao. Tình yêu của mẹ dành cho bố cũng bắt đầu khi mẹ nghe người đồng nghiệp kể lại chuyện bố bơi qua sông Đà hái đào.

Tôi ngước nhìn về phía đỉnh núi khi mặt trời buông những tia nắng hoàng hôn dịu nhẹ. Những tia nắng rực hồng như trải thảm hoa hồng trên sông. Tôi thấy nhà văn, nhà giáo Phan Mai Hương đang lặng lẽ nhìn về phía khoảng rừng trống vắng. Là người con của xứ Mường nên trong lòng cô cảm nhận rõ nét nhất những đổi thay trên quê hương mình. Nhìn lên vầng trán suy tư của cô làm tôi nhớ đến những bài bút ký, truyện ngắn, bài thơ cô viết. Trong những tác phẩm ấy, cô viết sâu sắc về nếp sống, nếp sinh hoạt của người Mường trên quê hương, cùng những nỗi niềm đau đáu khi nhà sàn cùng những bậc cầu thang đang dần bị thay thế bằng những căn nhà bê tông nóng bức. Ngày xưa, rừng đã ban tặng cho con người những lâm sản để dựng nhà, để san sẻ gánh nặng cơm áo cho người chịu thương, chịu khó… Bây giờ, con người như đang tận diệt đến những mầm cây cuối cùng.

Tôi cảm thấy trong đôi mắt của cô như đang mở ra đường về ký ức. Khi ấy quê hương là cả ký ức tuổi thơ với: mùi cá nướng thơm lừng bên dòng suối, hạt xôi trắng dẻo thơm trong cuốp gỗ, chiếc máng gỗ đựng dòng nước trong veo bên chín bậc cầu thang nhà sàn, tiếng mõ trâu lách cách nơi bìa rừng… Cùng những đêm nằm nghe mưa rơi trên mái gianh, những ngày hội tiếng xà tích bạc hòa cùng nụ cười cô gái, chàng trai vùng cao.

Còn bây giờ đối diện với khoảng rừng trống vắng trong đôi mắt cô như thêm phần suy tư. Ánh mắt của cô Hương làm tôi nhớ đến đoạn văn cô viết trong bài viết “Nhà gác, cơm đồ”.

Tôi bất giác đọc lên giữa muốn trùng tiếng sóng, cùng tiếng gió rừng đang reo:

“Nhìn thấy trước tương lai là ngôi nhà sàn của người Mường sẽ dần mất tích, vì rừng không còn gỗ. Hàng ngày, từng đoàn người đi vào rừng lấy về mọi thứ mà không trả lại cho rừng cái gì. Nơi đã từng là rừng rậm xanh tươi nay được thay thế bằng những dãy đồi trọc lốc như bát úp, nối nhau bất tận. Câu nói đùa “phủ trọc đồi xanh” đúng luôn một trăm phần trăm  theo nghĩa đen chỉ vì  nỗi lo cho cái ăn cái mặc hàng ngày?”

Tối nay, trong không gian yên bình trên Đảo Dừa, tôi cảm nhận những luồng gió mát rượi mang lên từ sông, mang về từ núi. Tôi nghe trong gió như có lời thì thầm, nhắn gửi của núi rừng. Là khúc hát của núi đang kể đang kể chuyện đời người. Nhưng hình như trong đó có cả lời nhắn gửi đến con người, hãy giữ lấy rừng không chỉ cho núi mà cho cả những thế hệ mai sau.

Đêm ấy, tôi mơ thấy  Xuân. Tình yêu đầu đời Xuân dành cho tôi chưa đủ lớn bằng tình yêu em dành cho những cánh rừng quê hương. Thay vì theo tôi về miền xuôi em lựa chọn ở lại để trồng lại những hàng cây thay thế những khoảng rừng đã mất. Tôi thấy Xuân áo cóm trắng đang nắm tay chàng trai  áo thổ cẩm đi giữa cánh rừng đang được hồi sinh.

K.X.Q

Đánh giá bài viết 1 Star (Chưa có bình chọn nào)
Loading...