Trần Ngọc Mỹ với những con chữ từ trái tim

Kể từ bài thơ Mùa đông về phố được giải thưởng Cuộc thi thơ Hải Phòng năm 2014 do Hội Nhà văn Hải Phòng thực hiện, hành trình văn chương của Trần Ngọc Mỹ tới lúc này tròn mười năm.

Cùng với nhiều giải thưởng trong các cuộc thi sáng tác, chị còn liên tiếp ghi những dấu ấn: Năm 2015 tham gia Hội nghị Những người viết văn trẻ Hà Nội, năm 2016 gia nhập Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng, năm 2016 tham gia Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc, năm 2020 trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Có thể nói đó là hành trình nhiều người cầm bút ngưỡng mộ bởi không ít người trải qua chặng đường dài hơn thế mà không được như vậy.

Nhà thơ Trần Ngọc Mỹ

 

Say mê, lặng lẽ và cặm cụi với ngòi bút, mười năm qua Trần Ngọc Mỹ đã cho ra mắt một khối lượng tác phẩm không nhỏ. Thơ chị luôn xuất hiện trên báo chí, nhất là hai tạp chí Văn  nghệ Quân đội và Cửa Biển, cùng với đó chị còn cho ra mắt năm tập thơ trong thời gian từ năm 2015 đến 2022, tập nào cũng bảy tám chục bài: Khát những mùa yêu, Ban mai của bé, Bài thơ vỗ cánh, Quay chậm, Những ngày  không quên. Trần Ngọc Mỹ còn viết văn xuôi.

Ngay sau bài thơ Mùa đông về phố, tạp chí Cửa Biển đã giới thiệu tản văn Tháng Sáu trời mưa của chị. Từ đó, thơ và văn xuôi luôn đồng hành trên con đường văn chương của Trần Ngọc Mỹ, đến nay hai tập văn xuôi đã ra mắt bạn đọc: Cho những mùa hoa dấu yêu (tản văn, 2017), Nắng ngoài ô cửa sổ (truyện ngắn 2019). Chị dự định sắp tới sẽ gửi đến bạn đọc một số tác phẩm nữa.

Trần Ngọc Mỹ hòa nhập khá nhanh vào xu hướng phản ánh muôn mặt đời thường của tiểu thuyết và truyện ngắn những năm gần đây. Trong tập Nắng ngoài ô cửa sổ, cuộc sống ngoài đời được chị đưa vào trang viết bằng cảm nhận của trái tim nhân hậu, niềm tin vào con người và chân lý, giúp người đọc thấu hiểu kỹ càng và sâu sắc cuộc sống, từ đó dám đối diện với khó khăn, phức tạp và biết cách vượt qua.

Trần Ngọc Mỹ cảm nhận cuộc sống không hời hợt. Ca ngợi vẻ đẹp của cuộc sống và con người, chị cũng không né tránh những trắc trở, gai gợn ở đời.    

Tình yêu và gia đình là đề tài nổi bật trong tập truyện. Vào đầu là Ký sinh thành phố kể về ba cô gái ở cùng nhà trọ. Nhân vật chính là Trầm. Tình yêu đến với cô không dễ dàng. Lần đầu, dù gắn bó đến bốn năm ở trường đại học song do người yêu không vượt qua được sự cấm đoán của gia đình nên Trầm dứt lòng buông bỏ. Lần thứ hai, người đến với Trầm tha thiết và chân thành nhưng cô không lòng nào lừa dối anh, càng không thể lừa dối mình bởi chưa quên mối tình đầu. Biết mình sẽ mềm lòng khi thấy anh đau khổ nên Trầm lặng lẽ rời nơi trọ mà không cho anh biết.

Truyện Bước nhẹ qua nhau kể về My. Sau thời gian dài trải qua đau khổ tột cùng khi tình yêu tan vỡ, My dần lấy lại được cân bằng trong cuộc sống. Cô xác định có duyên nhưng không có phận thì đành chấp nhận rời xa nhau, oán trách mãi và dùng dằng níu kéo chỉ làm cuộc đời thêm nhàu nhĩ. Không những thế, My còn an ủi người yêu cũ khi anh buồn vì vợ khó khăn trong sinh nở, cô thật lòng mong anh được hạnh phúc… Hai câu chuyện về trắc trở trong đời sống tình cảm nhưng giống nhau ở nét đẹp tâm hồn và cách vượt qua số phận của người phụ nữ. Đó phải chăng cũng là lời nhắn nhủ tới những người đang yêu, nhất là những cô gái trẻ.

Ở đời, thất tình, đau khổ rồi cũng nguôi, nhất là khi có tình yêu mới; trắc trở và nỗi buồn trong đời sống gia đình mới dai dẳng, đòi hỏi nghị lực không nhỏ để chịu đựng và vượt qua. Tâm niệm như vậy nên đề tài gia đình chiếm phần lớn trong tập truyện của Trần Ngọc Mỹ với nhiều cảnh ngộ và tình huống khác nhau.

Mấu chốt của hạnh phúc gia đình là tình cảm vợ chồng. Lẽ đời ấy được Trần Ngọc Mỹ kể ở Ngày bình thường. Chuyện về chị bán hàng rong. Từ bó hoa ai vứt ở đường dưới trời mưa tầm tã khiến bản năng đàn bà của chị trỗi dậy: Vất vả không quản nhưng từ lâu chị không biết đến cảm giác được tặng hoa và nghe những lời ngọt ngào của chồng. Chị càng chạnh lòng khi thấy bên hàng xóm, anh chồng đi làm về là thủ thỉ chuyện trò với vợ và giúp việc nhà.

Cứ thế cho tới hôm anh hàng xóm ấy bị ngất phải cấp cứu mọi chuyện mới vỡ nhẽ. Bởi chị thường sang hàng xóm than thở chuyện mình và nói nhiều tới mức chị hàng xóm không thể xen vào nên giờ mới biết tình cảnh của bạn! Từ đấy chị hiểu chồng mình vì quá bận chuyện cơm áo nên mệt mỏi và không có thời gian mơ mộng! Chị tự thấy đáng lẽ mình phải thương anh hơn thì suốt ngày lại cằn nhằn! Và rồi không phải chồng mà chính chị ôm anh thì thầm: “Hạnh phúc là được sống những ngày bình thường anh nhỉ?”. Vợ chồng cần thật sự hiểu nhau và phải biết chia sẻ từ những gì bình thường nhất trong cuộc sống hằng ngày, đó là điều tác giả muốn nói từ câu chuyện.

Trẻ thơ và con cái cũng được đề cập nhiều trong tập truyện. Cuộc sống cộng đồng không đơn giản, với người lớn xảy ra chuyện nhỏ có khi cũng thành chuyện lớn; trẻ con không vậy, chúng hồn nhiên và vô tư nên có gì không bằng lòng cũng nhanh chóng quên ngay, chẳng những thế còn là cầu nối để người lớn gần nhau, đó là nội dung của Ngôi nhà không sổ đỏ, Ngày không ám khói. Về chuyện con cái, qua các truyện Hạnh phúc của đàn bàNhà ba con gái, tác giả muốn nói: Đứa con là hạnh phúc của đàn bà, là thiên thần trong trái tim người mẹ và con nào cũng cần được coi như nhau.

Bìa tập thơ “Nắng ngoài ô cửa sổ” – Trần Ngọc Mỹ

Tất nhiên Trần Ngọc Mỹ hiểu phụ nữ hơn các tác giả nam. 18 truyện trong tập không truyện nào không có nhân vật nữ với đủ mọi lứa tuổi cùng những vui buồn và điều hay lẽ dở trong lối sống. Những nét đẹp của phụ nữ được tác giả nói đến nhiều hơn. Đó là những phụ nữ nhạy bén, tinh tế trong tình yêu và hạnh phúc gia đình; gặp trắc trở biết cách nén nhịn và âm thầm vượt qua. Họ thương ông bà, cha mẹ, lo toan xây đắp cho gia đình; làm dâu thì là con dâu hiền thảo, người vợ đảm đang…

Những đức tính ấy được tác giả nêu bật trong các truyện Chị Xiêm, Kiếp  người, Nắng vụn, Con dâu, Bông hoa đồng nội… Đó là Xiêm, thi đỗ vào hai trường đại học nhưng khi khu công nghiệp mở gần nhà đã đi làm công nhân để sớm có thu nhập hỗ trợ bố mẹ. Là Khê, một kiếp người lam làm vất vả, nhẫn nhịn và khốn khổ. Là Dịu sang Nhật lao động kiếm tiền xây nhà cho mẹ, đúng hôm hàng xóm đến mừng nhà mới thì kiệt sức phải cấp cứu và từ giã cuộc sống! Ngôi nhà có người đàn ông và những đứa trẻ – đó là ước mơ của Dịu nhưng điều giản dị ấy cũng không trọn vẹn với chị, chỉ được an ủi bởi xây được nhà cho mẹ!

Khép lại cả tập là truyện Ngôi sao lấp lánh. Khang, người được kể ở truyện bị dị nghị là có con riêng khiến vợ con rất buồn và quyết đến tận nhà người đàn bà kia để làm rõ trắng đen và do vậy mới biết sự thật. Đó là chuyện hiểu lầm. Khang là chiến sĩ công an; chồng người đàn bà kia phạm tội đã nghe anh ra đầu thú và khai đồng bọn. Lo những tên còn chưa bị bắt đe dọa tính mạng đứa con của chị nên cứ tan học, Khang lại đến trường đón đứa bé đưa về cho mẹ nó nên sinh điều ra tiếng vào.

Phẩm chất người công an ấy đẹp như ngôi sao lấp lánh hằng ngày anh mang trên mũ. Ngay việc vợ con kéo đến nhà người đàn bà kia, dù trắng đen đã rõ ràng, với người khác hạnh phúc vẫn có thể sứt mẻ nhưng với Khang, anh có cách xử lý đúng với nhân cách người chiến sĩ công an. Anh bảo con: “Không sao mà, phải đa nghi một chút mới làm nữ cảnh sát được. Mà con gái bố giỏi lần theo dấu vết bố đấy chứ.”.

Hòa nhập vào xu thế chung đồng thời Trần Ngọc Mỹ tạo được cho mình cách viết riêng. Từ tâm lý và hành động của nhân vật, chị đưa đến cho người đọc không chỉ hành vi và xung đột, không chỉ câu chuyện mà những câu mang tính triết lý sâu sắc: “Yêu một người đã khó, quên một người càng khó hơn.”, “Những khó khăn mình gặp phải, bản thân mình phải tự đối diện với nó, chỉ có bản thân mình mới cứu giúp được mình.”, “Được sinh ra đã là một hạnh phúc, gặp được người mình thương là hạnh phúc, và hài lòng với những gì mình có cũng là hạnh phúc.”, “Khi thấy cuộc sống bị đe dọa, người ta mới hiểu hết từng giây phút yên bình bên nhau đáng quý thế nào.”, “Đời người đúng là không biết trước điều gì sẽ xảy đến, như bầu trời kia đang tĩnh lặng mà có thể bão giông bất cứ lúc nào.”, “Ngôi nhà hạnh phúc không hẳn phải là ngôi nhà quá rộng. Ngôi nhà hạnh phúc là ngôi nhà ấm áp tình yêu thương.”… Có những câu đáng để cho những người đàn ông suy nghĩ: “Phụ nữ cận kề tuổi bốn mươi giống bông hồng qua thời bung sắc rực rỡ, nhưng lại mang trái tim khao khát mãnh liệt hơn cả thời con gái.”, “Đàn ông sướng thật. Lúc vợ vác cái bụng cồng kềnh, ông nào có tâm thì xoa bóp chân tay cho vợ vài bận, còn không thì mặc, thân ai người ấy lo.”…

Trong kỷ yếu Nhà văn Việt Nam hiện đại (NXB Hội Nhà văn, 2020) ở phần “Suy nghĩ về nghề văn” Trần Ngọc Mỹ bày tỏ: “Thơ ca mở ra cho tôi một con đường. Khi bước vào đó, tôi dần phát hiện ra một tôi nguyên gốc và dù muốn hay không, tôi đã để lại dấu vết của chính mình”. Với truyện ngắn cũng vậy, Trần Ngọc Mỹ ít nhiều đã tìm ra được lối đi của riêng mình, đời sống ùa vào các trang viết của chị những vui buồn nhân thế bằng cảm nhận rất phụ nữ, giàu cá tính sáng tạo cùng những triết lý sự đời.

LƯU VĂN KHUÊ 

Nguồn: vanvn.vn