Tác phẩm “Nước mắt Mặc nưa” của tác giả Tống Phước Bảo kể về câu chuyện gìn giữ và phát triển ngành nghề thủ công sản xuất Lãnh Mỹ A. Tác phẩm là truyện ngắn đoạt giải Nhì trong Cuộc thi Sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn.
* Tác phẩm lấy chủ đề về “Mặc nưa” và “Lãnh Mỹ A”. Anh có thể chia sẻ về chủ đề này?
– Mặc nưa là loại cây có nhiều ở vùng Tân Châu, để lấy trái nhuộm vải. Quê nội tôi ở Tân Châu, nên từ nhỏ đã quen thuộc với loại cây này. Thứ đặc sản trứ danh này làm nên danh tiếng Tân Châu là lụa và lãnh. Lãnh Mỹ A là một loại vải nhuộm từ trái Mặc nưa ra màu đen tuyền, mềm mại, lấp lánh. Lãnh Mỹ A mùa đông mặc ấm, mùa hè mặc mát. Ngày xưa Lãnh Mỹ A còn theo thương lái bán ra thế giới và được ưa chuộng hơn cả Xá Xị Xiêm (một loại lụa của Thái Lan).
* Theo anh, những người làm ngành nghề thủ công bị ảnh hưởng như thế nào trong thời đại 4.0?
– Với ngành nghề thủ công phải chuyển mình để phù hợp thời thế. Từ thủ công hoàn toàn, chúng ta có thể chuyển đổi sang bán thủ công. Những công đoạn nào từ máy móc làm được chúng ta vận dụng để dần thay thế sức người, cho năng suất.
Những công đoạn cần sự tỉ mỉ, đôi tay khéo léo hoặc kỹ thuật chuyên biệt, chúng ta làm thủ công sẽ tạo ra sự độc đáo cho sản phẩm. Thay đổi để thích nghi, ứng biến để hoàn thiện.
* Giá trị của những ngành nghề thủ công truyền thống là yếu tố tất yếu để duy trì và phát triển nền văn hóa của một quốc gia?
– Khách du lịch đến một quốc gia nào đó họ đều chọn sản phẩm thủ công để làm kỷ niệm. Chính là họ mang văn hóa của một đất nước xa lạ về với quốc gia họ. Từ đó văn hóa tự khắc lan tỏa thông điệp đẹp đẽ của chúng ta ra quốc tế. Như chiếc nón lá, áo dài, như Lãnh Mỹ A…
* Lãnh Mỹ A nổi tiếng cả nước nhưng dường như việc phát triển, duy trì ngày một khó khăn?
– Tôi viết truyện ngắn mong góp chút sức lực của mình để Lãnh Mỹ A, lại được quan tâm đầu tư và phát triển. Làm lãnh cực lắm. Cực thấu trời, không giản đơn. Đó là một ngành nghề thủ công từ thời ông bà để lại. Nhưng công nghiệp hóa khiến Lãnh Mỹ A bị cạnh tranh với nhiều loại vải đẹp, rẻ và sản xuất nhanh. Chưa kể, những người làm lãnh đa phần là nông dân, họ không biết làm truyền thông quảng bá, cũng là sự bất lợi của thời đại 4.0.
* Từ Lãnh Mỹ A của “dân bàn tay đen” tới nhiều ngành nghề thủ công về sản xuất vải ngày càng mai một. Theo anh, có cách nào khắc phục những mặt hạn chế để người lao động cải thiện thu nhập, gắn bó với nghề?
– Tôi có dịp đi vài nước châu Á, họ giữ gìn mô hình làng nghề thủ công khá tốt. Ở Việt Nam, họ cũng bị ảnh hưởng bởi cơn lốc công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Nhưng thay vì đứng bên ngoài cơn lốc, họ lại nương nhờ vào sức của cơn lốc mà phát triển. Ở Thái Lan, họ đồng bộ các làng nghề vào các tour du lịch. Họ tạo lễ hội đặc biệt của các ngành hàng truyền thống để giới thiệu với đối tác… Ở Việt Nam, phần lớn người làm nghề chưa được quan tâm hỗ trợ trên bình diện sâu và rộng. Có khi chỉ theo mùa, theo lễ hội, chưa có đề án để duy trì một ngành nghề truyền thống.
* Cách gom những người thợ về chung xưởng mà anh nhắc trong truyện, là một giải pháp?
– Đã đến lúc đưa những người làm thủ công lên thành công ty, tập hợp sức mạnh nhỏ lẻ thành sức mạnh tập thể, và chuyên môn hóa từng khâu. Vẫn giữ lối làm việc thủ công nhưng pha trộn sự hiện đại, thành bán chuyên nghiệp.
* Trong truyện ngắn, anh có nhắc tới vai trò của tổ chức Công đoàn trong đời sống của người công nhân thời gian bị ảnh hưởng từ COVID-19. Vì sao anh chọn đưa chi tiết này vào tác phẩm?
– Trong truyện ngắn lần này có chi tiết ông chủ tịch công đoàn theo xe cứu trợ đi vào một hẻm nhỏ lúc tâm dịch để hỗ trợ thức ăn cho xóm trọ công nhân.
Thực sự tôi sống ở TPHCM, mùa dịch vừa qua rất nhiều công nhân phải trụ lại mảnh đất này và sống trong khó khăn. Rất nhiều chuyến hàng cứu trợ, câu chuyện công đoàn nhiều công ty cũng tương trợ công nhân là có thật.
Tôi có anh bạn làm chủ tịch công đoàn một công ty, những ngày dịch anh xin rau từ gia đình ở miền Tây, chở lên TPHCM và chia cho các xóm trọ, từ công nhân đến người dân. Công đoàn vẫn là điểm tựa của công nhân, những người lao động. Sắp tới đây là Tết, những phần quà Tết của các cấp công đoàn dành cho công nhân về quê ăn Tết sẽ khiến họ ấm lòng hơn sau một năm dài lao động, cống hiến.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
ANH TRANG/LĐO (Thực hiện)
Bài viết liên quan: