Tộc người Nâu non- Truyện ngắn của Nguyễn Thị Minh Hoa

Nguyễn Thị Minh Hoa là một cô gái sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Chị đã theo học K-37 khoa Ngữ văn đại học Khoa học xã hội nhân văn. Hiện nay chị đang công tác tại Đài truyền hình việt nam. Chị đã xuất bản “Hoan lạc đỏ “ Nxb hội nhà văn 2018. Cách viết văn của chị khá hấp dẫn và mang chút mộng tưởng ma mị nhưng vẫn đầy màu sắc chân thực của cuộc sống thu hút được người đọc. 

Đường Văn xin trân trọng giới thiệu tập truyện TỘC NGƯỜI NÂU NON được in trong ấn phẩm Đường văn tập 3 (3/2024).

 

Tương truyền tộc người Nâu Non thoát thai từ giống thần tiên, họ luôn tự hào là có mối liên hệ mật thiết với thần linh. Họ mang niềm tin truyền đời rằng dù ở đâu, làm gì thì họ cũng được những vị thần linh thiêng bảo bọc, cứu rỗi và ban thưởng cho.

Thế nên, các nghi lễ lớn nhỏ suốt 4 mùa được dâng kính. Tộc người Nâu Non còn luôn tin rằng, thần linh không chỉ hiện hữu mà cho đến tận bây giờ những vị thần mới vẫn ghé thăm, ở lại và đón nhận sự phụng thờ của họ.

Tuy nhiên, trong tộc người Nâu Non cũng còn có nhiều kẻ không tin là có sự hiển linh của những nhân thần mới. Họ luôn bị coi là những kẻ phá bĩnh, bị chính những người Nâu Non đề phòng hay thù ghét. Điều mà tộc Nâu Non sợ nhất ở những kẻ phá bĩnh là hội nhóm của chúng sẽ trở nên lớn mạnh, không chịu kính thờ vị thánh mới đến đã đủ nguy hiểm mà hơn thế những kẻ này còn tỏ ra oán hận ngài.

Hẳn là niềm tin, sự nghi hoặc, toan tính, dẫn dắt và tâm thù đang mạnh mẽ, hỗn loạn trong đời sống của tộc người Nâu Non bất kể đẳng cấp, thứ bậc, giàu nghèo.

Minh Họa: Ngô Xuân Khôi

Không ít người Nâu Non vẫn không ngớt nguyện cầu vị thần nơi mình cư ngụ. Những vị thần đã từng thấu mọi lẽ đời, có công trạng to lớn trong quần cư và tâm linh của họ. Người hăng máu. Kẻ lặng im khóc thầm. Lại có những kẻ ra tay bảo vệ những vị thần linh phù trợ cho dòng họ mình. Có những khi phe phái đánh nhau bất phân thắng bại. Kẻ nắm quyền uy phản trắc. Chúng sinh phù thịnh và ra tay phá bỏ những đền miếu, dinh phủ nơi thờ tự các ngài.

Quần cư tan tác.

Tiếng kèn xung trận xen lẫn tiếng ai oán của đức tin và của sự bất lực. Người hy vọng. Kẻ nén lòng mong ước được sống đến ngày các vị thần linh thiêng trở lại.

Dẫu đền miếu không còn nhưng truyền đời tích truyện và lời khấn nguyện về vị thần cất giữ niềm tin của mỗi người không dễ phôi phai.

Thế nhưng, trong tộc Nâu Non người lén lút, kẻ công khai đã tìm cách thay tên vị thần mới vào sớ sách.

Những kẻ hay chữ biết mà vẫn làm ngơ hoặc tiếp tay điều này.

Mưa dầm thấm lâu, phần lớn người Nâu Non đều vững tin ở sự hiển linh của vị thần mới đến.

Người héo hắt, bất đắc chí, kẻ tự vẫn. Những dòng sông cạn kiệt. Cổ thụ chết thảm… Tất cả đều diễn ra dưới ánh mặt trời.

Sắn trên đồi trọc, ngô dưới bãi sông rì rào với gió. Người tộc Nâu Non ăn từ búp ngọn cho đến thân cây mà vẫn đói. Đói vàng mắt, đói đến tê dại tâm hồn. Vài ý nghĩ len lỏi trong dân về vị thần mới đến. Ngài được bảo vệ bằng một niềm tin mãnh liệt, tươi mới, biến động uyển chuyển trong khắp tộc người Nâu Non.

Định mệnh tộc Nâu Non gặp ngài hay ngài làm hiện hữu định mệnh của tộc người này. Ngài đã chiếm ưu thế hơn hẳn những vị thần đến trước đó không lâu.

Thần linh chốn cũ biền biệt.

Một số kẻ hay chữ gục bên bút nghiên. Nhiều người trong đám ấy đã khác.

Mờ tỏ. Hỗn mang. Người ta nghi hoặc và đề phòng nhau; người ta ngậm miệng ăn tiền và để ai oán trong lòng, mọi ước mong giấu kín.

Thiên hạ không ít kẻ điên dại và cũng không thiếu những kẻ giả điên. Kẻ thu mình nói lời các cụ: khôn thì sống, mống thì chết; ở bầu thì tròn, ở ống thì dài; ăn cây nào rào cây ấy…

Tộc Nâu Non bạc nhược vì chuyện cơm áo. Đua nhau tìm chỗ đứng mong yên thân và có danh lợi.

Những khu rừng chứa đựng bí mật. Những tâm hồn chất chứa sự thật. Mùi tử khí, sự nuối tiếc thanh xuân của những oan hồn và nỗi đau của những người đồng huyết. Sương giăng khắp nẻo, tìm mảnh xương còn khó nói gì đến tìm ra bản chất vấn đề. Chỉ nỗi thương đau là có thật. Có những linh hồn không siêu thoát. Cay đắng. Họ ở lại chờ đợi. Thể xác không quan trọng, nhưng khát vọng tự do lại luôn có thật – dẫu chỉ là tự do cho linh hồn. Họ làm nên sự linh thiêng của những cánh rừng và nơi từng đổ máu.

Có những dòng họ ít chịu nỗi đau mất mát, có cơ tính chuyện lâu dài. Cũng như số đông, họ nghĩ về vị thần mới đến. Tương lai mang hương vị ngọt ngào.

Bóng dáng của vị thần mới đến đổ xuống. Hạnh phúc và tang thương cùng rất nhiều những nỗi niềm sau chiến trận.

Hiển hiện trong đám đông, trong suy nghĩ của người am tường nguồn sáng mê hoặc của vị linh thần mới đến. Tấm áo của vị thần mới được thêu dệt và hoàn thiện dần qua các mùa lễ hội trở nên đẹp đẽ và đầy dụng ý. Người người hít hà tìm hơi ấm và chờ mong sự bảo bọc, che chở. Họ tìm được chỗ ngồi, chỗ đứng, hết lòng tụng niệm rồi cùng bày tỏ những thề nguyền, ước nguyện trước ngài. Mỗi người mang một xúc cảm. Vang vọng những lời ca. Đôi kẻ lớn tiếng đã ca sai sự thật về cuộc đời, thân phận và công trạng của ngài.Tiếng thì thào rộ lên, rồi im bặt.

Người ta muốn nhất tâm thành kính. Dẫu có là vị thánh đến sau, được phối thờ thì cũng phải thành kính. Ngài là nhân thần, là hiện thân của vẻ đẹp cao cả, hoàn mỹ chốn dương gian. Ngài có quê hương bản quán, ngài không đến từ đầm lầy, sông suối, không đến trong ước mơ hay trong những cuộc giao hoan bí hiểm. Ngài khác xa những nhiên thần.

Từ lâu tộc Nâu Non dạy nhau cúi đầu biết ơn.

Không ai dám chắc điều này làm ngài hài lòng.

Lên tiếng đầu tiên là đám có chữ, những kẻ gần gặn ngài, ăn lộc nhà ngài. Rồi đến đám suy tôn, dẫn dắt tộc Nâu Non ngưỡng mộ, thành kính ngài.

Đền đài xây mới, tượng tô lung linh. Rốt ráo những bản thành văn được hoàn thiện, biên mới và in ấn. Bản sai sự thật không thiếu, nhưng được lựa chọn và làm hài lòng đám đông, nhất là những kẻ đứng đầu. Lâu dần, đám đông tin tưởng tất cả những điều đám có chữ nói và biên, nó giống như truyền thuyết đi cùng lịch sử. Đẹp và cần thiết cho tâm hồn, là tín hiệu nhận ra nhau, là cớ để loại trừ những kẻ phá bĩnh không tin hoặc không chấp nhận theo đám đông.

Đám đông rên siết ngưỡng mộ, một trạng thái của phấn khích và ai hoài lẫn lộn khiến nhiều người thấy cần thiết phải suy ngẫm.

Xem ra cách bày tỏ niềm tin (hay còn gọi là tình cảm), cách ứng xử cũng khác xa với những vị thần trong quá khứ.

Khôn lường.

Có nhiều cái tặc lưỡi ngấm ngầm.

Tộc Nâu Non trôi trong mộng mị và sự dẫn dắt của đám người áo hoảnh. Hình ảnh vị thần mới ngày càng khác xa cuộc đời và ước vọng của ngài. Một số người đích thực đã được hưởng tài lộc từ ngài khiến đám đông tin tưởng và noi theo là có cơ sở.

Sự thành kính, ngưỡng vọng ăn sâu, bén rễ và ngỡ như bất tận thì mất mùa triền miên, đói kém ập đến, người đói như ma, âm dương hỗn loạn.

Dư âm trận đói khinh hoàng khiến mong muốn tích lũy càng bám rễ sâu rộng trong lòng người tộc Nâu Non. Họ đã tin và đánh đổi vị thần của mình, giờ đây vị thần mới đến đã chiếm ưu thế. Họ cả tin và phó thác số phận trong một niềm hân hoan khó tả. Đã kịp có đến 2,3 thế hệ cùng nhau vững tin vào vị thần mới đến.

Sự thoát thai của thánh nhân chưa bao giờ dễ dàng và thông thường cả. Ngay cả đến hiển thánh cũng phải có quá trình, thời gian, hoàn cảnh.

Người ta không ngớt kỳ vọng và trông ngóng ngài, không ít người bỏ mạng trong chờ đợi, hy vọng rồi thất vọng.

Không ngờ, họ thoát nạn đói lại bằng những phương cách đã từng, bám vào đất và mùa. Không ít người đã nhận ra vì sự phản bội thần linh bản địa của mình nên đã phải chịu quả báo. Mùa tiếp mùa, việc gì đến cũng phải đến.

Họ lại đốt nhang nến và khẩn cầu thần linh của mình trở lại.

Vị thần mới cũng đã yên nghỉ nơi lăng tẩm của mình.

Họ nghĩ về quá khứ với đắp bồi như xưa của những lương dân biết sám hối.

Những vị thần bản địa được trở về theo các cách khác nhau. Khi sự đón rước nhỏ lẻ, tự phát, có khi lại rùm beng nhất loạt. Xưa cũ được kết nối sau những đứt gãy triền miên. Cõi thiên địa thăm thẳm và lồng lộng. Và những vị linh thần dường như đều sẵn sàng nổi giận.

Tiếng chuông khánh vang vang. Những con chim én của mùa Xuân thảng hoặc trở lại như khách. Phải, chúng đến xem mùa xuân mới của tộc Nâu Non.

Với những vị thần linh thiêng, việc chấp nhận thêm một kẻ được phong thần thật dễ dàng, có thể chỉ là một cái mỉm cười.

Trần thế dọn đường, những vị thần linh trở lại rầm rộ. Từ thổ kỳ, thành hoàng cho đến những vị thần ngự trong đình, đền, lăng, miếu. Họ trở về nơi mình đã từng hiện diện để lắng nghe sở cầu, ban phát và trừng trị. Nhân gian ngùn ngụt thành kính, sẵn sàng dốc lòng vì họ tin nguồn sức mạnh được bổ trợ từ các đấng bậc linh thiêng.

Lãnh địa của tộc Nâu Non rộn ràng, từ miếu thổ kỳ của xóm cho đến những đền đài lăng tẩm đều được nhất tâm xây cất, tôn tạo. Những cánh thợ lành nghề bận bịu ngày này qua tháng khác với công trình của mình. Trong mơ, rất nhiều người bắt gặp các ngài. Mũ miện, xống áo tơi tả, có tấm áo choàng đẫm máu. Thần linh xưa trở thành vị khách xa lạ của chốn này. Có những vị tìm lối bay về nơi thăm thẳm.

Thiên hạ chông chênh.

Vị thần mới có hiển linh hay không, ai biết?  Ngay cả những người trong ban khánh tiết cũng không dám tin hay khẳng định điều này.

Nhiều kẻ trong chiêm bao đã thấy ngài cưỡi mây. Sự này nhân gian đã từng nên dễ thu hút lòng người. Người ta vẫn nói hằng ngày, nói bằng bản thành văn, nói bằng lời, đôi kẻ cười nhạo báng.

Thời nào chẳng có những kẻ bất kham, những kẻ đội sớ và quyên sinh đi tìm sự thật và nói ra sự thật.

Lâu dần, người ta phối thờ ngài ngay trong những đền, điện, miếu, đình lớn nhỏ. Đám có chữ lặng yên vì bất lực hay chính họ cũng dây máu ăn phần từ việc này. Đôi kẻ còn đánh tiếng về sự linh nghiệm của ngài. Tộc Nâu Non mê đắm trong trong giấc mộng tôn kính và được ban phát. Những vị thánh thần cũ mới bay phần phật như những lá cờ họ thường cắm trong những ngày trọng đại.

Linh hồn vị thánh mới chưa thoát giấc mộng trần gian. Phần vì sự ràng níu hấp dẫn của lòng ngưỡng mộ cao ngất, phần vì những ân oán, nợ nần mà hơn ai hết ngài hiểu hơn cả. Số phận, cơ hội, công trạng, sai lầm, tội lỗi bền chặt và bủa vây, là tấm áo lấp lánh, là bạt ngàn những thành văn, là thứ ngoa ngôn đám hay chữ vẫn dùng để chiêu dụ niềm tin.

Ngài chết trước khi hồn lìa khỏi xác nên ngài nhớ như in. Cách nhớ của người có trí tuệ siêu phàm, người am tường và biết sám hối. Người đã bất lực trước sự cưu mang thái quá.

Tộc người Nâu Non khao khát thần linh để tôn thờ và luôn kiếm tìm mạnh mẽ. Bản tính này được truyền đời, trải dài và được dụ hị bởi bất kỳ hội nhóm lớn nhỏ nào. Họ đã tôn thờ ngài ngay từ khi ngài chưa hóa. Hơn ai hết, ngài nhìn thấy oan nghiệt cho chính mình và họ. Định mệnh đã sắp đặt sự trùng khít này, ước mong nó đến và ước mong xóa bỏ bao giờ mạnh như nhau thì mới có con đường giải thoát. Cả ngài và tộc người này sẽ thuộc về lịch sử, thuộc về quá vãng. Linh hồn ngài sẽ ngự đúng ở nơi thuộc về, không mượn cửa, không mượn xác, công tâm và nguôi ngoai những biết ơn, thù hận.

Họ đã thắng, thắng cả ngài. Kẻ thất bại trên đỉnh vinh quang với những tụng ca bài bản và thành kính.

Trước tiền nhân khiến ngài không thôi nghĩ đến phận mình. Ngài hiểu, đám hay chữ nhất định sẽ cất giữ, biên soạn và lưu truyền những văn bản với những tư tưởng và dụng ý trái ngược nhau. Đám hay chữ là tên gọi chung nhưng mục đích sống của họ rất khác nhau, đương nhiên sản phẩm mang tư tưởng của họ đến với đời cũng khác nhau. Nhiều khi chính họ còn không nhất quán tư tưởng từng chặng. Trở cờ không ít, đó cũng là đặc tính của đám hay chữ trong tộc này.

Ngài lượng thứ cho mọi người và mong đón nhận điều tương tự.

Cây đổ ràn rạt. Nhựa ứa. Hồn lìa. Thân xác người lấm lem, vấy máu.

Lâu rồi tộc Nâu Non bị rối loạn niềm tin. Có ý kiến cho rằng thánh thần xứ này đã bất lực trước uy danh của vị thánh mới. Ông đã không chỉ chiếm đoạt đền miếu, lăng tẩm cổ xưa mà còn ngự trị trong tâm mỗi người. Người ta tôn kính, phụng thờ ông vô điều kiện. Người ta đua nhau ra rả nói lời biết ơn qua mùa vụ trong khi những vị thần linh kia chỉ xuân thu nhị kỳ vào những ngày lễ thánh hoặc việc làng. Có bậc hay chữ cho rằng việc phối thờ sai đã khiến cho tộc Nâu Non rối loạn.

Kẻ khác lại lên tiếng: Nước sông không phạm nước giếng, nơi thờ tự, tưởng niệm luôn được xây mới, những vị thần linh đều chọn cách ứng xử hợp với uy linh nhà ngài. Việc bỏ sót những vị hóa thánh mới đáng sợ, còn việc tôn thánh thì nên làm, dù ở bất kỳ thời nào. Ngọn lửa sáng này sẽ thu hút đám đông, đoàn kết, tạo sức mạnh kỳ diệu. Thánh nhân là những vị nhân thần luôn là đề tài, là nguồn cảm hứng bất tận cho tất thảy. Thử không có sự hiện diện của ngài, vắng bóng ngài thì tộc người này sẽ ra sao? Đi về đâu? Chỉ nghe nói đến đây, đám đông đã xúc động, họ quy phục và gục ngã trước anh linh ngài.

Hoa trái đến vụ chín ràn rạt, người ta nhớ mong, hát ca và không quên việc quan trọng là dâng lễ rồi khấn nguyện ngài.

Anh nhìn trân trân vào mùa Thu. Khi tắt nắng sương sẽ thơm nồng. Anh trốn chạy đã bao mùa không nhớ. Anh trốn vào mắt đào, trốn trong tiếng đàn kép. Anh viết lên những khúc hát của mùa, của lòng mình và ước vọng. Anh là một tác gia, một Nho gia đích thực của tộc Nâu Non.

Khi cả tộc Nâu Non hướng về vị thánh mới, háo hức và hy vọng anh vẫn không suy chuyển nếp nghĩ. Có người bảo, anh là kẻ bỏ trốn may mắn.

Trốn nhưng không thoát, chỉ anh cay đắng hiểu điều đó.

Anh vẫn quanh quất chuyện đời, chuyện người họ Nguyễn bên sông hiển thánh đầy nghi hoặc trong anh.

Anh cất giữ một bí mật, kể từ khi gặp đào Xuân, con đẻ của đào Xuyến nức tiếng một thời. Thánh nhân ấy là cha đẻ của nàng.

Người đàn ông mang trang phục nâu non, râu dài không cạo, mắt trũng sâu thăm thẳm. Ông ta và đào Xuyến là oan hồn, ám ảnh tâm can anh, lẽ nào chính người đàn ông này lại hiển thánh theo cách cả tộc Nâu Non vẫn truyền tụng?

Lẽ nào oan nghiệt bất tử cùng thánh nhân?

Anh và ca nương Xuân phải lòng nhau sau canh hát. Ai cũng bảo Duy Hiển và đào Xuân là một cặp đôi giời định. Anh và nàng thật hạnh phúc.

Kẻ xuân thì gặp tao nhân những tưởng chỉ có tha thiết không rời. Nhưng cả anh và ca nương Xuân lại dành nhiều thời gian để nói chuyện về mẹ nàng – đào Xuyến danh tiếng, bạc phận.

Nghe đào Xuân kể, kể mãi, anh thấy ông mờ tỏ.

Ông đó, váng vất, vận bộ nâu non, không phải trong lễ phục thánh nhân vẫn mặc. Đào Xuyến mềm như dải lụa quấn quýt lấy ông. Họ thanh nhã và không mang dáng dấp thánh nhân như tộc người này vẫn nói – Mắt anh đã thấy. Còn đào Xuân thấy gì anh không biết và cũng không tiện hỏi.

Nay đây, đàn ca cất lên, vang vang khắp khúc sông, thấm vào từng trang sách cũ, trải dài trên đồng đất ven sông.

Ai dẫn dắt anh gặp nàng để làm ra câu hát, để Duy Hiển cầm chầu những canh hát bên sông?

Là ông ấy dẫn hay những đắm say khi hữu duyên tài sắc. Anh được yêu nhưng chưa bao giờ anh được cứu rỗi, giải thoát. Ông ám ảnh anh, ông hiện diện trong canh hát tại thư phòng Duy Hiển với nỗi đớn đau, oan nghiệt mà đào Xuyến và ông cùng gánh chịu. Giá như không có đào Xuyến, ông đã thanh thản hơn, không phải bước chân vào cõi nhang trầm rồi bị cưỡng thánh.

Đào Xuyến đã chết bởi kẻ cầm chầu độ ấy. Thật là một lũ gian ác, xảo quyệt, chúng không bao giờ bước chân vào được chốn thanh âm này, chúng là lũ súc sinh, đáng chết nơi ngạ quỷ. Chúng giết đào Xuyến vào đêm thứ 3. Nàng đã nhận ra ác quỷ từ đêm hát thứ nhất, nhưng không thổ lộ được với ai, kể cả với ông.

Đào Xuyến đã chết thảm.

Xuân trong vòng tay anh. Nhỏ bé, thơm nồng, không kép, không chầu, không phách, không những ngưỡng mộ, hay hau háu, chỉ dải yếm hiền khô trên gối. Nàng kể mãi không vợi câu chuyện ai oán. Anh khóc, nước mắt chảy ướt tóc nàng.

Những dòng sông đều chảy ra biển, có ngày rất xa, nước trên dòng sông ấy có máu đào Xuyến, nước mắt ông và những bí mật kỳ lạ lập lờ trôi.

Thu trải dài trên bãi mía, hanh heo trèo lên ngọn, mía đã ngọt. Người cầm chầu bận khăn áo như xưa, tấm áo ngũ thân xưa đã bạc màu nơi vai và cửa tay, ông chỉ còn mặc nó vào những ngày trọng đại với mình. Nay giỗ ca nương Xuân, Duy Hiển mặc áo cũ hương xưa cầm chầu canh hát mùa Thu mà lòng vấn vương bao tưởng nhớ yêu thương.

Ca nương Ngọc tài sắc sẽ hát lại bài hát xưa, kép người họ Nguyễn là tay đàn có tiếng bên sông. Họ cùng vì mê tài thơ của ông và chuộng thư phòng này mà đến.

Khách mời cũng đã đến chật thư phòng, lụa là lấp lánh, dầu thơm mướt tóc, lại môi đỏ, má hồng nữa chứ. Cho dẫu thế nào thì tao nhân, mặc khách xứ này chưa hết. Còn người trọng tiếng hát lời ca thế này thì tộc Nâu Non chưa thể mạt được. Lòng ông thấy khấp khởi.

Gió sông đủ mát, đèn được thắp. Đào chín đỏ, lựu chín nửa đỏ, nửa vàng. Cốm me xanh nhẹ, cúc đại đóa rực rỡ suốt từ mấy bữa nay.

Đào Ngọc đẹp quá! Khiến khách phải ngừng thưởng trà mà ngắm.

Duy Hiển xúc động run run kể về nguồn cảm hứng viết lời ca, lời này ông viết bởi duyên cớ đưa về cho hay mối tình của đào Xuyến với người họ Nguyễn bên sông – chính người nội tộc kép Nguyễn Chương này. Ông cụ chính là cha đẻ của đào Xuân. Mới đó, cổ kim, mơ thực mà đã ngót trăm năm…

Kép họ Nguyễn so dây, gẩy tiếng, thanh âm như thể chất chứa cả tâm trạng mỗi người trong thư phòng. Trống chầu của ông bời bời. Cổ kim rộn ràng trong màu tím – màu chiếu hát ca nương Xuyến hát đêm nào. Rồi sang màu hồng – màu thư phòng khi xưa ông trang trí buổi đầu ca nương Xuân đến.

Hôm nay đây, giờ này, Duy Hiển thấy màu hồng phai, xám ngắt.

Duyên gì để gặp gỡ cho ngày Thu này kép hát họ Nguyễn kia đến thư phòng?

Thánh nhân làng ấy cũng sang, là vì tiếng đàn, lời ca, hay lẽ gì, lành dữ ra sao? Duy Hiển thoáng băn khoăn. Hát cửa đình, hầu thánh, cớ sao thánh nhân đến chốn dân dã này – Duy Hiển cầm chầu mà lòng miên man ngẫm ngợi…

Đào ca:

Vẻ lung linh bạc rắc vàng gieo;

Soi nhân thế hỏi bao nhiêu tuế nguyệt.

Cuộc dâu bể khi tròn khi khuyết;

Lẽ đầy vơi ngộ biệt cũng là thường.

Thư phòng tỉnh hay mê không biết, cả ông nữa, ông cầm chầu mà mê. Không ai trách kẻ cầm chầu cả, hay tiếng trống không hề bị sai lạc. Không thấy đào Xuyến, đào Xuân, Duy Hiển thấy thánh nhân họ Nguyễn bên sông đăm đắm ánh mắt, nghẹn ngào giữ một tiếng nấc.

Đào Ngọc nhả từng lời:

Đoàn viên lòng những vấn vương;

Đêm trăng nào lại vui dường đêm nay.

Chén quỳnh người hãy cứ say!

 

Phút chốc, ông quên chốn này. Vời vợi sông nước, rõ là bờ bên làng ấy. Tấm áo nâu non thánh bên ấy mặc chắc đã lâu, đài thờ bên ấy cũng đã rêu phủ, cây đa bén rễ đã đủ gọi là cổ thụ. Thánh nhân nói đủ nghe – rõ ràng là nói với ông, chứ không phải với ai, lời rằng:

-Ta chưa bao giờ hiển thánh. Ta không phải thánh mới của tộc Nâu Non. Nâu Non dẫu khát thánh thì vẫn phải kiên nhẫn đợi chờ.

Ông cụ đã không nhận mình là thánh nhân, bên sông không có người hiển thánh như bấy nay người làng và cả tộc Nâu Non vẫn thành kính. Chả lẽ, tất cả chỉ là một gánh hát, một cuộc chơi? Ý nghĩ này hiện lên trong suy tưởng sâu sa của Duy Hiển làm ông bối rối. Ông thấy mình yếu đuối khi phải cắt nghĩa điều này.

Cổ kim vời vợi, mông lung. Tếng hát đào Ngọc, tiếng đàn kép Nguyễn Chương và tay chầu cự phách Duy Hiển này đưa ông trở lại thư phòng.

Ngót trăm năm rồi, tộc Nâu Non chưa hề có người hiển thánh.

Năm Mão. Tiết thu. Dòng sông lững lờ, ông thét lên:

-Người họ Nguyễn bên sông chưa bao giờ hiển thánh. Thánh mới là ai? Bao giờ Người mới đến với tộc Nâu Non?

Lời ông rành rọt và không giấu nỗi đớn đau. Nhưng ông đã giấu, không nói nốt điều cảm nhận được ở thư phòng hôm mở canh hát với đào Ngọc, kép Chương. Ông còn nghĩ, khi ông về miền mây trắng với đào Xuân, bao canh hát vẫn mở, với cung cách này thánh nhân, thánh mới sẽ còn được người Nâu Non dựng lên thật hiển linh. Nho gia còn biết, biết rồi nói với ai?

Đúng là vẫn phải chờ, dẫu khát thánh thì vẫn phải kiên nhẫn chờ, như ông cụ đã nói.

Trên bờ sông lau nở trắng, dưới dòng sông đám mưu sinh lập lờ.

Không ai bắt, nhưng có một niềm thôi thúc mạnh mẽ tự tâm can khiến ông thốt lên những lời ấy. Dẫu không nợ, nhưng ông vẫn trả, trả phần nào cho tộc Nâu Non những điều vì hữu duyên mà ông được biết.

Duy Hiển là một Nho Gia đáng kính của tộc Nâu Non. Ông am tường chữ nghĩa, lẽ đời và mê hát. Cuộc đời và câu chuyện của ông vắt qua hai thế kỷ, thấm nỗi đau thế thái, nhân tình. Nỗi đau cưỡng thánh ông tỏ bày giữa thanh thiên bạch nhật, giữa giời đất, sông nước là thật. Còn tộc Nâu Non tin hay không thì chỉ một phận Nho Gia có lẽ không đủ tầm ảnh hưởng, tác động đến cả tộc người đông đúc, mà ở đó mỗi người, mỗi phe nhóm lại có chí hướng, mục đích khác nhau khi tôn thờ và bày tỏ ý nguyện trước thần thánh.

Chiều Thu lộng lẫy trên sông, lau nhàn tênh trắng, hồn ông theo gió mây tìm lối về với đào Xuân. Bậc Nho gia đã kết thúc chặng đời “đi trốn’’ của mình khi cả tộc Nâu Non vẫn đang ời ời gọi thánh.

Chắc hẳn khi gặp lại đào Xuân yêu dấu bậc Nho gia sẽ không còn mấy bận tâm chuyện trần thế hay sự hiển linh thánh mới của tộc Nâu Non…Cho dẫu nhân gian này từng là nơi ông và nàng mượn cửa để sống kiếp đời đầy biến động./

Nguyễn Thị Minh Hoa