Tam Đảo, ngày 05/1/2024
Kính thưa toàn thể quý vị đại biểu, các nhà văn, nhà báo có mặt ngày hôm nay.
Khởi đầu bằng cái tên “ĐƯỜNG VĂN”, chúng tôi quyết định sẽ dấn thân trên một con đường chông chênh giữa một bên là bồng bềnh mây trắng của sự lãng mạn, một bên là những gai góc, khô cằn đầy toan tính của xã hội kim tiền. Dù biết rằng, xét về góc độ kinh tế, con đường ấy thực sự là một sự dâng hiến nhưng niềm tin và lòng đam mê đã tạo động lực cho chúng tôi tiếp bước trên con đường đã chọn.
Cho dù phải vật lộn với kinh tế thị trường, phải đem tinh thần lãng mạn bươn trải giữa cả một sa mạc của sự thực dụng, cho dù hụt hơi giữa cả dòng thác lũ của kỉ nguyên số cũng như sự ngoảnh mặt của độc giả với văn học truyền thống, chúng tôi vẫn sẽ cố gắng giữ lấy sự tinh khiết của linh hồn và sự thánh thiện của văn học, giữ cho ngọn lửa đam mê của văn học không bao giờ tắt. Ai đó có thể mất niềm tin vào văn học, mất niềm tin vào sự tồn tại của tinh thần lãng mạn trong cuộc sống thực dụng này, nhưng chúng tôi không phải họ. Đến hơi thở cuối cùng, chúng tôi vẫn tin rằng, sự lãng mạn của linh hồn thể hiện qua văn học nghệ thuật là thứ luôn tồn tại và xứng đáng được tồn tại, bằng tình yêu và sự đam mê, chúng tôi sẽ gìn giữ và bảo vệ nó!
Sự đam mê là giống nhau, nhưng để nuôi dưỡng sự đam mê ấy với mỗi thời kì lại có cách xử lý khác nhau. Tiền nhân của chúng ta vào nửa đầu thế kỉ 20, bằng tài năng và sự đam mê đối với văn học, đã đưa ra những sản phẩm văn học thực sự giá trị, tạo dựng được những trào lưu mang tính chất định hướng cho văn học trong cả một thế kỉ. Tuy nhiên, phần lớn trong số họ không phải là những người có khả năng cao về quản lý kinh tế; những tác phẩm, ấn phẩm văn chương mà họ để lại cho hậu thế đã không thể tạo nguồn nuôi sống bản thân, gia đình và niềm đam mê của họ lúc sinh thời. Những tờ báo mà họ đã chung tay thành lập bằng niềm hi vọng sau một thời gian thì, hoặc do bị nhà cầm quyền bắt đóng cửa, hoặc do không hiệu quả về mặt kinh tế mà bị đình bản. Trong khi các chủ bút cùng thời khác có thể kiếm được những khoản lợi nhuận kếch sù thì các chủ bút làm ấn phẩm văn chương thường dần dần hụt hơi, để lại sự nuối tiếc và mất mát cho độc giả và nền văn học. Tôi cũng nhận thấy rằng đa phần nhà văn giỏi xoay sở khi họ có ít tiền vì nhà văn thường nghèo, họ có đầy kinh nghiệm cho cuộc sống nghèo khó song họ thường lúng túng khi đột ngột có một khoản tiền lớn, bản tính lãng mạn cố hữu của nhà văn làm cho họ chưa bao giờ là một người quản lý tốt về tài chính hoặc có kinh nghiệm vận hành một công ty quy mô. Giả dụ đột nhiên dành cho họ một khoản đầu tư thật lớn và bảo họ dùng nó để phát triển văn học thì rất có thể sau buổi “trăm nghìn đổ một trận cười như không” là cảnh “may thuê viết mướn kiếm ăn lần hồi”, đó cũng là điểm đáng yêu do sự lãng mạn tạo nên trong tính cách của văn nhân.
Cả cánh rừng và những cây đại thụ văn học không thể đột nhiên lớn nhanh trong một sớm một chiều, không một người phàm nào có thể dùng phương pháp bón thật nhiều phân để kích phọt một cây đại thụ, nguồn dinh dưỡng bón thúc của tư duy nóng vội chắc chắn sẽ phần nhiều đi vào nuôi dưỡng cho sự phát triển của cỏ lác và dây leo. Những cây đại thụ chỉ có thể lớn lên khi được chăm sóc hàng ngày với định lượng dinh dưỡng phù hợp, bằng năng lực, bằng tình yêu, bằng sự kiên định và một niềm tin sắt đá của những người trồng cây. Chúng tôi hiểu rằng, để có thể giúp ích cho văn học và đi được xa trên Đường Văn, chúng tôi không những phải giữ được lửa trong mình mà còn phải giữ được cả sự đam mê cho những người viết khác nữa. Và chưa có ngọn lửa nào chỉ cháy bằng không khí, dù ít hay nhiều, vẫn phải có nhiên liệu dành cho nó, nguồn nhiên liệu liên tục, không dứt mà điều này thì ngoài năng lực sáng tác với thuộc tính lãng mạn còn cần cả đến những kĩ năng tài chính thực tế. Ngọn lửa đam mê trong bất kì trường hợp nào cũng không nên là tác nhân đốt cháy hạnh phúc gia đình bởi sự bo bíu khó khăn trong cuộc sống do mọi nhiên liệu dành hết cho đam mê ấy. Mọi ngọn lửa đam mê chỉ có thể được duy trì bền vững dựa trên sự ổn định của nền tảng hạnh phúc gia đình.
Bằng việc huy động nguồn lực bên ngoài và nội lực bên trong, bằng sự đam mê lãng mạn văn học và chút kiến thức ít ỏi về kinh doanh, chúng tôi từng bước một, gom góp tạo dựng quỹ ủy thác đầu tư dành cho Đường Văn, với mục tiêu vừa không ảnh hưởng tới cuộc sống thường nhật cá nhân, vừa đảm bảo duy trì hoạt động cơ bản của Đường Văn trong thời gian dài. Các hoạt động cơ bản ấy bao gồm xuất bản ấn phẩm định kì, tổ chức các cuộc thi và trại viết quy mô nhỏ.. Thông qua các cuộc thi và trại viết, một mặt chúng tôi mong muốn tìm được những tác phẩm văn học thực sự có giá trị, giúp công chúng được tiếp xúc với văn chương đích thực, góp phần bồi đắp tinh thần của họ, giúp họ tự tin vào giá trị và sự cao đẹp của văn hóa truyền thống. Mặt khác, trong lâu dài, chúng tôi cũng mong muốn thấy được các tác phẩm mang tầm vóc lớn, ghi được dấu ấn cho một thời đại đầy biến động từ đó đưa tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài, giúp nền văn học nước nhà thoát ra khỏi vùng trũng không ai biết tới của thế giới.
Trại viết Đường Văn 2024 là trại đầu tiên của Đường Văn, có thể cũng là một trong số rất ít các trại viết hoàn toàn do công ty tư nhân đứng ra tổ chức. Chúng tôi sẽ cố gắng duy trì thông lệ này hàng năm, rất mong các nhà văn cùng chung tay với chúng tôi để thực hiện nó.
Chúc các nhà văn dự trại tràn đầy năng lượng và sự sáng tạo để đưa những tác phẩm văn học có giá trị tới công chúng. Chúc toàn thể quý vị một năm mới sức khỏe và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn!
Linh Chi
Bài viết liên quan: