Tình đầu – Truyện ngắn của Y Nguyên

1.

Có muốn qua sông không?

Muốn.

Anh không nói, lẳng lặng vô Gò Làng dong mấy con bò tôi ra nhập đàn lùa thẳng ra sông. Lũ bò nhảy cẫng hân hoan. Tôi ơi ới chạy theo, anh ơi em hông biết bơi. Khỏi cần, có anh. Khỏi cần thiệt; anh bế thốc tôi, nhẹ nhàng đặt lên lưng con Cộ. Bò bơi có anh bơi cạnh phòng bất trắc. Tôi vững dạ, ôm cái ụ bò nhún nhún. Vô phúc trật tay, tôi lăn tòm xuống nước. Chìm nghỉm, sặc sụa trước lúc có một bàn tay túm mớ tóc dài lôi tôi lên trên. Cánh tay lực lưỡng ôm choàng, cọ vào ngực tôi, khuôn ngực mới nhú. Cảm giác lạ như điện giật, tê người…

Những lần qua sông sau tay tôi không trật vẫn cứ tòm lăn xuống nước. Anh phát hiện, cốc cho mấy cái cốc đầu đau điếng sau đó lôi tôi đi tập bơi. Anh bơi giỏi, hướng dẫn tốt chỉ có tôi là đần. Ở trường, bộ môn thể dục tôi học bí bét. Thiếu trí thông minh vận động, lũ bạn kết luận chắc khừ. Anh quát: bỏ ngay ý nghĩ đó, không ai mới sinh đã giỏi…. Tôi sợ, nín khe ráng tập trung làm theo hướng dẫn của anh. Trầy trật miết cuối cùng cũng chập chạ biết bơi. Anh chưa dám cho tôi một mình qua sông. Luôn bơi kèm. Thi thoảng lại dùng tay đỡ, dìu những khi tôi đuối sức.

Lần này thì không chỉ ngực mà thôi. Còn là bụng. Bụng dưới!

Lũ bạn trố mắt như xem chuyện thần kì khi thấy tôi bơi được. Thần kì chớ gì nữa; tôi đây cũng thấy tôi… thần kì huống chi chúng nó! Cách đây chừng tháng, giá có ai bảo rằng tháng sau tôi biết bơi, có thể một mình bơi qua sông, chắc tôi sẽ cho là nói dóc. Cha má tôi thở xì, yên tâm. Thằng Phu (anh tên Phu) coi vô tích sự vậy mà có khi cũng làm nên chuyện ghê! Còn hỏi, cho con đi chận (chăn) bò sợ nhất chuyện sông nước; một con vụng về hậu đậu như tôi mà bơi được, thoát khỏi nguy cơ đi chầu hà bá mỗi lúc qua sông bảo sao không mừng? Anh cười khi nghe lời cảm ơn của cha má tôi. Ơn huệ gì đâu, cháu dạy bơi cho con Út để nó qua sông chận bò với cháu. Cho có bạn í mà…

2.

Anh có khuôn mặt thật đặc biệt. Người ta chê anh xấu, bảo đó là mặt lưỡi cày. Lưỡi cày sao được, tôi quyết liệt lồng lên cãi tới, chẳng qua nó… thon dài, cằm nhọn chút thôi! Với tôi, anh luôn là gương mặt điển trai số một. Rắn rỏi, cá tính này. Cộng thêm chiếc mũi rất Tây và một vành môi quyến rũ! Anh ít nói, chỉ hay cười – nụ cười bí ẩn. Tôi khao khát khám phá có gì giấu sau nụ cười ấy nhưng luôn uổng công. Anh một điều bé Út hai điều bé Út. Anh coi tôi là cô bé để anh cưng chiều, chăm lo và rộng lượng. Vẻ như anh chưa bao giờ coi tôi là một người phụ nữ nói chi tới đàn bà. Có lần tôi làm gan, hỏi: anh Phu… thương ai chưa, nói em nghe? Anh nghiêm mặt, nạt khẽ: con nít con nôi, nhiều chuyện! Con nít gì nữa, tôi nay mười bốn tuổi, tới Tết đã mười lăm rồi còn gì…

Nghe hồi trước anh Phu học giỏi. Có điều lí lịch xấu nên không thể vào Đại học. Thời anh, chuyện lí lịch nặng nề lắm. Mặc định cái ý thức không-thể-tiến-thân-bằng-chữ nên các anh chị anh đều bỏ học sớm lăn lưng ra đời kiếm cơm. Anh con út, ham học và được cưng hơn nên ráng lết xong Trung học phổ thông. Nhưng cũng chỉ đến vậy. Không sao; với tôi, vậy đã… thông thái chán! Tôi đi chận bò mang theo luôn sách vở. Qua sông có anh Phu đội đầu không sợ ướt. Thả bò xong là tìm bóng mát, yên tâm ngồi học. Bò có anh Phu chận. Bài vở chỗ nào không trôi có anh Phu giảng. Chuyện học hóa dễ thở gấp ba lần khi chưa có anh Phu. Út học khá đó. Ráng; để mai mốt đừng chận bò như anh. Tôi nũng nịu: hông, Út muốn… chận bò cùng anh miết thôi. Anh Phu lại trợn mắt: khùng!

Hăm mấy tuổi đầu anh Phu vẫn chưa nghề ngỗng. Dạo trước nghe anh có lên học nghề trên phố, không hiểu sao tự dưng bãi trái về quê lo chận mấy con bò cái, ngày ngày quẩn quanh trong căn nhà cuối xóm với mẹ già. Nhiều người chửi anh ngu, không lo bám trụ thành phố, chí thú học hành để lập nghiệp lập thân. Mẹ anh có con trai về bầu bạn hôm sớm thì vui; nhưng thấy anh ở nhà miết cũng đâm lo. Nhà mấy đứa con lớn đều thành gia thất, ăn nên làm ra, còn mỗi thằng út lông bông chưa đình đậu. Khuyên mãi không được, giận lên cụ chửi: mày hăm mấy tuổi đầu không nghề ngỗng, cứ loanh quanh ở nhà đi chận bò; rồi ăn… cứt bò mà sống na con? Tao ráng sống tới giờ để mong thấy mày thành gia thất, nên người. Mày không nên nổi thì thôi, tao chết quách…. Anh Phu khóc, lạy mẹ hứa sẽ tu tỉnh; nhưng rồi vẫn chứng nào tật ấy, trở xuống thị xã học nghề được vài tháng lại bỏ ngang. Lần này bà cụ thực sự bó tay, chỉ biết khóc. Anh lại cuống cuồng sụp lạy. Mẹ, mẹ yên tâm, con hứa ở nhà phụng dưỡng mẹ ít năm rồi con đi, không làm phiền ai… Anh chị em trong gia đình họp, bảo nhau: nó bụng làm dạ chịu; nói không nghe sau này khổ sở tự mang. Nhưng thôi; giờ có nó ở nhà sớm hôm với mẹ già cũng tốt. Yên tâm hơn…

Mẹ anh dạo này hay đau yếu lắm.

3.

Kệ những chê bai của xóm giềng tôi cứ nói trắng: tôi thích anh Phu. Tôi yêu anh Phu. Tình yêu đầu đời của một đứa con gái tuổi mười bốn chớm mười lăm. Thì đã sao. Không điều khoản nào của pháp luật cấm một đứa con gái tuổi mười bốn không được yêu. Với tôi, anh Phu là người đàn ông đẹp nhất, lí tưởng nhất, đáng tin cậy nhất mà tôi có thể giao phó tất tật mọi thứ không chút ngần ngại. Ai đó sắp đặt hay tình cờ không biết, mỗi lần tôi lùa bò ra tới bến sông y như rằng cũng gặp anh vừa tới nơi! Dung dăng dung dẻ cùng lội sông, cùng đưa bò vô núi; đi bên anh tôi thấy mình linh hoạt lên, bớt vụng về, hậu đậu. Tôi cứ luôn mồm liến thoắng chuyện trời ơi đất hỡi còn anh mỉm cười lắng nghe. Vẫn cái nụ cười bí ẩn đến mê li luôn khiến người đối diện thích tò mò khám phá. Sau này tôi mới biết: những khoảnh khắc này, khuôn mặt anh trông hệt một… vị thánh. Vị thánh khoan dung cứ để tôi tha hồ tung tăng, tha hồ ríu rít. Có lúc tưởng chừng “vị thánh” ấy quên tôi; nhưng không! Bất cứ nguy cơ nào xảy đến cho tôi lập tức anh có mặt ngay, sẵn sàng can thiệp! Có lần mải huyên thuyên, tôi suýt ngồi đè lên con bọ cạp. Lần khác là hai con bò húc lộn, đuổi nhau sầm sầm lao thẳng tới chỗ tôi. Bình tĩnh như anh mà cũng phải hét lên. Ôm choàng, kéo lăn tôi qua bên kia bờ đất. Anh nằm đè sấp lên tôi như muốn chở che. Mặt anh xanh chàm đổ. Tôi thì khác. Đằng sau cơn hoảng hốt, lạ kì, là một cảm giác bình yên đến lạ – cho dù tim tôi gõ nhịp loạn xạ và ngực tôi hổn hển, phập phồng…

4.

Người ta cắp đôi anh Phu với chị Như. Cùng hội chận bò nhưng chị Như tuổi mười tám, phổng phao ra gái, thua tôi cái học giỏi còn thì ăn đứt mọi bề. Coi bộ chị cũng thích anh Phu. Mỗi lúc có ai ỡm ờ ghẹo trêu má chị lại bừng đỏ; còn thêm con mắt long lanh thấy ghét! anh Phu không thừa nhận cũng không phản đối, cứ cười cười khiến tôi muốn phát điên. Tôi mong sao có ngày người ta chán, sẽ nghĩ đến chuyện cắp đôi anh với… tôi thay vì chị Như! Mong ước lẩn thẩn; tôi biết thừa nhưng vẫn cứ khùng điên mong ước. Dễ hiểu; có nhèo nhẹo, quấn quít bao nhiêu thì tôi đi bên anh vẫn giống… bố con hơn là một cặp đôi. Kệ; tôi cứ ghen lồng ghen lộn, ghen khổ ghen sở với chị Như. Ghen mà không dám nói ghen. Anh Phu kinh ngạc nhìn tôi: Út sao vậy; khó chịu ở đâu, hay ốm rồi?? Anh đưa tay dợm sờ trán. Tôi vùng vằng hất tay anh ra, bỏ chạy mặc anh ơi ới đuổi theo. Tôi lừa cắt đuôi anh, băng theo đường tắt ra sông ngồi. Một mình, tôi tha hồ chảy nước mắt, tha hồ nguyền rủa anh Phu, chị Như thậm tệ – nhất là chị Như. Được rồi, hãy đợi mà coi; ba năm nữa tôi đủ tuổi mười tám là chị biết tay tôi. Anh Phu là của tôi, cấm chị…- mà không, cấm tất cả đàn bà trên thế giới – chàng ràng! Độc thoại một mình cho đã miệng, chảy cho kì hết nước mắt ấm ức; tới chừng nguôi ngoai mới ló đầu ra quẹt mắt cười lỏn lẻn: anh ơi, em nè…. Anh Phu đưa tay lên chặn ngực, thở gần như muốn đứt hơi: vậy mà làm anh hết vía, chạy kiếm Út nãy giờ…

5.

Má bảo; con gái lớn phải biết giữ mình; mày mười sáu tuổi rồi, cứ suốt ngày quấn miết với thằng Phu đi, có chuyện gì cha mày ổng đem làm mồi… câu sấu! Tôi giãy như bù nhọt đốt đít: làm gì có chuyện gì, má cứ toàn nghĩ… tào lao không; anh Phu ảnh coi con như em, đàng hoàng lắm! Thì tao cũng biết nó đàng hoàng nên lâu nay mới để tụi mày chơi chung. Nhưng cô nam quả nữ cặp kè nhau, lửa gần rơm ai mà biết được…. À, má nhắc tôi mới nhớ: ra tôi đã thành con gái, tự khi nào ta??

Tôi bắt đầu giấu cái gương trong túi, thường xuyên ngắm trước soi sau. Ra gái thật. Má hồng môi đỏ cổ ngấn mịn lông tơ. Núi đôi giờ đội vạt áo lừng lững nhô cao chứ không còn nhu nhú chỉ hai đầu chóp. Không dám nhìn xa hơn xuống dưới nhưng lâu lâu lén dùng tay vuốt, xoa cũng đủ biết: mông tròn căng thúng úp còn “em bé” tự khi nào đã được phủ một lớp lông mươn mướt rậm rì…

Dạo này anh Phu hay nhìn tôi. Khang khác.

Biết mà; giỏi coi ta là bé con không thèm quan tâm nữa đi. Tôi mỉm cười, khấp khởi chờ đợi. Sao lâu không thấy khác gì ta. À, mà cũng có khác; ấy là anh Phu bận chuyện này chuyện nọ ít gặp tôi hơn. Gặp nhau, anh ý tứ (nói thẳng ra là tránh né) chuyện dìu – đỡ – ẵm – bồng. Út bớt chạy nhảy, lo tập trung chuyện học hành đi. Lên cấp 3, lớn rồi, đừng vòi vĩnh như con nít…. Được thôi; tôi cũng biết (chỉ là do có lúc nhớ anh không kiềm chế). Tôi sẽ tập trung học, học giỏi. Tôi muốn mình phải hơn chị Như…, không, hơn tất cả mọi phụ nữ khác. Tôi muốn mình xứng đáng với anh Phu.

Trường cấp ba tận trên huyện lỵ, đi về hơi xa; tôi xin cha má cho ở trọ. Cuối tuần về, anh Phu hay vắng nhà nên tôi ít gặp. Lúc gặp được nhau chỉ tôi vồn vã còn anh tránh né. Đối diện tôi anh ít khi dám nhìn thẳng vào mắt. Không lạ. Thấy tôi “ra gái”, mắc cỡ chớ gì. Út lớn rồi, gặp nhau nhiều, thân nhau quá không tiện…. Sao không tiện? Tôi hét như muốn khóc. Em là… em gái anh, sao không được gặp, được thân anh?? Là anh sợ… Sợ em đeo bám, làm phiền, ngăn không cho anh… gặp chị Như chớ gì?? Được; từ nay em không làm phiền anh nữa. Em…

Bụm miệng và bỏ chạy ra sân. Chậm thêm chút nữa chắc tôi đã bật ra thành tiếng cái điều tôi ấp ủ bao lâu mà không dám nói!

Tuần sau, sau nữa tôi về không gặp anh. Nghe anh lại khăn gói đi học nghề. Có người bảo: gặp chị Như lên thành phố thăm anh. Lại chị Như…

*

Giờ thì tôi căm thù chị Như. Tôi căm thù anh Phu. Tôi căm thù luôn cả tôi. Trơ tráo. Phản bội. Ngu ngốc. Phải rồi. Ngu. Lại cứ tin rằng có thứ tình yêu không tuổi, phi khoảng cách thời gian. Anh Phu hơn tôi mười tám tuổi thì đã làm sao. Giờ mới biết thật sự có làm sao. Mười tám tuổi là một ranh giới không dễ vượt qua nếu không muốn nói là không thể! Với anh Phu, tôi muôn đời chỉ là cô bé. Có mông vun đầy ngực nhô cao thì cũng vẫn cứ là cô bé. Tôi cay đắng nhận ra điều đó. Giờ thì tôi biết chắc: anh Phu không phải là của tôi, vính viễn không phải của tôi. Chảy nước mắt vì một người đàn ông không phải của mình thì không đáng đâu. Không đáng chút nào….

6.

Cắm đầu học để chạy trốn ám ảnh tình đầu. Xong Trung học phổ thông tiếp đến đại học. Những học kì xa nhà kế tiếp. Càng hay; tôi ngại phải về nhà. Ở trường không ít thằng con trai theo tôi. Săn đón từ trường về tận cổng nhà nhưng con tim tôi dường như hóa đá, cứ trơ ra. Không phải làm kiêu; nhiều khi vật vã cô đơn cũng muốn nó mềm đi một chút cho đỡ lạnh lòng mà không được. Ai đó bảo tình đầu là “thể nghiệm”, có thương tích cũng sẽ mau lành. Tôi không tin. Không có “tình yêu thể nghiệm”; đó chắc chắn là sự giả trang, là “hàng nhái”. Tình yêu đích thực chỉ có một; đầu, giữa hay cuối đều như nhau. Đổ vỡ thương tích như nhau – chưa kể đổ vỡ lần đầu chắc chắn đau hơn bởi chưa đủ dạn dày…

Tôi yêu anh Phu. Tình yêu đích thực. Ngu dại càng đích thực hơn bởi tôi không ngờ nó chỉ là tình một phía. Anh Phu không yêu tôi. Anh yêu người khác nhưng sợ tôi buồn nên không dám nói. Lòng trắc ẩn gây tội ác. Lẽ ra anh không nên gần gũi, chăm sóc cho tôi. Lẽ ra anh nên sớm nói thẳng rằng anh không yêu tôi; nói tạt vào mặt càng tốt. Cho tôi mau tỉnh, chừa ngu. Tôi căm thù anh. Không; tôi căm thù tình thương hại, lòng trắc ẩn ba xu của anh. Không có nó chắc tôi không khổ thế này…

Con bạn mới lấy chồng bảo: thời buổi giờ đào đâu ra chuyện yêu đương xa xỉ; cân đo đong đếm, đủ chuẩn là “bụp” thôi! Có lí. Tôi bắt đầu dòm trong đám trai tò tò theo tôi xem ai đủ chuẩn. Mà chuẩn của tôi là gì ta??

Anh Phu bảo: cứ sống chân thật, hồn nhiên; như Út vốn có…. Xui dại, đáng ghét. Cũng bởi tôi nhẹ dạ cả tin nên chưa bao giờ nghĩ tới chuyện lập một cái chuẩn riêng cho cuộc đời mình…

7.

Dì Út lên thăm, bảo, coi lấy chồng đi con, lớn tuổi rồi. Con tìm miết hổng ra dì ơi. Sao hông ra; mầy kháu gái, giỏi giang, thiếu chi đứa dòm. Đàng nào nó cũng đã chết…. Ai chết?? Tôi giật nảy. Thì thằng Phu. Tao tưởng mầy biết…. Sao chết? Bịnh. Nghe nói u não…. Ly nước cầm trên tay tôi rớt choang xuống đất. mặt bệch ra hơn tờ giấy khiến dì hoảng kinh ôm lấy tôi lắc lắc. Bình tĩnh, bình tĩnh đi con, đừng làm dì sợ! Nghe hai đứa bây lâu không gặp, tao đâu có dè…

Hơn nghìn cây số về quê đi như trong mộng. Bàn thờ anh nghi ngút khói hương, trắng xóa màu tang chế. Đón tôi nơi cửa không phải chị Như. Là mẹ anh. Sức nặng của vành khăn tang khiến cụ sụm xuống, gần như bò trên cây gậy chống. Nó biết mình bịnh nan y lâu lắm rồi mà giấu. Biểu đi học nghề cứ kiếm cớ bỏ chạy về quấn quít cùng mẹ. Tội nghiệp, bác cứ tưởng nó là đứa vô lo, mải kình chửi đâu để ý những lời gần xa của nó đâu…. Bà cụ rũ xuống, run rẩy toàn thân. Những giọt nước mắt lại trào ra, ràn rụa đôi gò má răn reo. Nước mắt tôi không còn. Dường như nó đang chảy ngược hoặc đơn giản là đông cứng bên trong hốc mắt. Tôi ngước nhìn: Anh Phu trong di ảnh đang cúi xuống mẹ già. Vẫn là đôi mắt hối lỗi. Tưởng chừng anh lại sắp bước ra, quỳ sụp xuống chân mẹ mà khóc, mà hứa. Chôn anh ấy ở đâu hở mẹ. Tiếng mẹ bật từ vô thức. Ngoài Gò Làng. Là ý nguyện của nó. Nó bảo muốn nằm chỗ nó hay chận bò ngày xưa…

Y Nguyên