Kiều Bích Hậu là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, dịch giả, biên tập viên, đại diện văn học, hiện đang sinh sống tại Việt Nam. Bà làm việc tại Ban Đối ngoại, Hội Nhà văn Việt Nam. Chị bắt đầu sự nghiệp văn chương bằng những truyện ngắn viết cho thiếu nhi từ thập niên 80 khi còn là học sinh bậc Trung học cơ sở. Điển hình là truyện nhiều kỳ “Đồi ấy có ma”, đăng nhiều kỳ trên báo Thiếu niên tiền phong, thu hút mạnh bạn đọc lứa tuổi thiếu niên.
Đường Văn xin trân trọng giới thiệu tập truyện của Kiều Bích Hậu đã được in trong ấn phẩm Đường Văn tập 3 (3/ 2024).
Sáng sớm ngày thứ ba của Sự kiện Đà Lạt, Trần Tựu dậy rất sớm và đi dạo quanh biệt thự Phong Lan. Hầu như cả đêm qua anh không ngủ. Bản báo cáo của ông Ba Lộc (công ty bột giặt VS), ông Tư Thụy (công ty thuốc lá SG) và của chị Ba Trinh (Tổng công ty lương thực SG) trình bày trong ba buổi thảo luận đầu tiên khiến Tựu bứt rứt. Anh cảm thấy với tình trạng này thì bản báo cáo của anh đã dày công chuẩn bị trước khi đến với sự kiện Đà Lạt không còn phù hợp nữa.
Ba bản báo cáo được trình bày đầu tiên là của lãnh đạo ba doanh nghiệp ngành nhu yếu phẩm. Tuy nhiên, những điều kiện cho sự phát triển mạnh mà lãnh đạo những doanh nghiệp này đặt ra trước bốn vị tứ trụ của Đảng và Nhà nước thì lại dường như bất khả trong tình hình đất nước còn nhiều khó khăn, cơ chế bao cấp ràng buộc và bị bên ngoài phong tỏa, bao vây cấm vận. Tựu thầm nghĩ, đây đúng là cơ hội chưa từng có trong lịch sử, khi các vị lãnh đạo cao cấp sẵn sàng lắng nghe ý kiến doanh nghiệp để tìm cách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, giải quyết ách tắc, trì trệ từ quy chế lỗi thời, giúp doanh nghiệp bứt tốc trên đường băng và cất cánh, đột phá vào tương lai. Nếu những đề xuất của doanh nghiệp mà thiếu tính thực tế, và không uyển chuyển theo bối cảnh, tình hình đất nước và ngoại giao quốc tế, thì sẽ lỡ mất cơ hội ngàn vàng. Anh nhất định cần viết lại một bản báo cáo khác, đại diện cho ngành công nghiệp dược phẩm, vừa sáng tạo, táo bạo nhưng phải có tính khả thi.
Đang triền miên suy nghĩ, Tựu chợt giật mình khi thấy bóng gầy đang từ tốn đi ngược chiều về phía anh. Anh chựng lại vì bất ngờ, trước mắt anh là ông Phạm Huy Văn – Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng!
-Cháu chào Bác! Bác đi dạo buổi sớm ạ – Tựu nhanh nhẹn cúi đầu chào ông Văn.
-Anh có phải là Trần Tựu, Giám đốc xí nghiệp dược 2/9? – Ông Văn nhìn Tựu với ánh nhìn nửa như băn khoăn, nửa như vui vẻ.
-Vâng, cháu Trần Tựu đây ạ – Tựu bước lại gần ông Văn, đón tay ông đưa ra bắt tay anh. Cái nắm tay của ông chặt chẽ, mắt ông nhìn thẳng mắt anh. Trần Tựu chợt rùng mình nhẹ, linh cảm rằng số phận đã run rủi cho anh gặp ông Văn tại đây, bởi ông là một lãnh đạo cấp cao rất chịu lắng nghe doanh nghiệp nói.
– Tôi có nghe anh Nguyễn, Bí thư thành ủy Hồ Chí Minh kể về anh nhiều đấy. Ông ấy khen anh lắm, trẻ mà sáng tạo và hiệu quả, dẫn dắt Xí nghiệp 2/9 vươn lên thành đơn vị đầu tầu ngành dược cả nước, nộp ngân sách rất cao và cải thiện tốt đời sống người lao động. Và giờ đây thì người dân Liên Xô hầu như đều đã biết đến cao sao vàng của 2/9 Việt Nam, tự hào lắm chứ – Ông Văn mỉm cười, nhưng thoắt cái ánh mắt ông lại nửa như băn khoăn – À, mà trước đây anh làm thế nào để trở thành Giám đốc xí nghiệp dược quan trọng như thế của thành phố? Quá trình anh trưởng thành thế nào? Bí quyết gì khiến anh dẫn dắt doanh nghiệp tiên phong thoát khỏi khó khăn sau chiến tranh?
– Dạ, thưa Bác, tốt nghiệp đại học Dược Hà Nội, cháu xung phong đi chiến trường B.
Vừa nghe tiếng “đi B” từ miệng Trần Tựu, thì ánh mắt ông Văn thoắt trở nên ấm áp hơn khi nhìn anh. Dường như ông đã tin rằng, tay Giám đốc trẻ tuổi này đúng là thuộc “phe mình” rồi. Cậu ta từng là một dược sĩ đi B, thì hẳn là đã trui rèn bản lĩnh hiệp sĩ trong chiến trường khốc liệt, đến nay, trong sự sáng tạo đột phá làm kinh tế, giải quyết khó khăn cho đất nước, lãnh đạo như ông cần tin tưởng và tiếp sức những hiệp sĩ lẻ loi này.
-Làm sao mà anh quyết định đi B? – Ông vẫn hỏi lại.
-Cháu nghĩ là lúc ấy ở chiến trường có rất nhiều thương bệnh binh, và trong vùng mới giải phóng, bà con tật bệnh cũng nhiều, nhu cầu dược phẩm cao, cần đến đội ngũ dược sĩ chúng cháu.
-Anh có ân hận gì khi xung phong đi B? – Ông Văn tiếp tục hỏi, giọng ông có phần ấm áp hơn. Trực giác mách bảo ông, người trẻ này có thể được trao sứ mệnh cải tiến, đột phá vào tương lai.
-Dạ, thưa Bác, cháu không ân hận. Trái lại, cháu nghĩ đó là nền tảng để cháu rèn luyện, vươn lên làm tốt hơn vai trò của người dược sĩ.
-Chững chạc đó – Ông Văn gật đầu, nói nhỏ – Anh trình bày báo cáo buổi nào trong sự kiện Đà Lạt?
-Dạ, thứ Sáu, buổi cuối cùng ạ – Trần Tựu đáp.
-Anh hãy lắng nghe thật kỹ báo cáo của những người trước, lắng nghe thảo luận nữa, để rút kinh nghiệm, bổ sung báo cáo của anh. Người cuối cùng là người may mắn đó. Phải báo cáo những việc thực tế xí nghiệp 2/9 đã làm, kể cả những việc trái quy định. Những gì thành công cũng báo cáo mà chưa thành công cũng kể ra… – Ông Văn mỉm cười bắt tay Tựu, ánh mắt nhìn anh tin tưởng.
*
Các lãnh đạo doanh nghiệp tiêu biểu ở hai miền Nam – Bắc chia ra lưu trú ở hai biệt thự tại khu dành cho cán bộ cấp cao tại Đà Lạt, một biệt thự dành cho nhóm nam, một cho nữ. Nhóm các doanh nghiệp miền Nam đang như những ngôi sao mới của nền kinh tế khi mạnh dạn cải tiến phương thức sản xuất, phân phối, giúp doanh thu tăng đột biến, cải thiện mạnh mẽ tình hình thiếu thốn cả ngoại tệ, vật tư và sản phẩm, nhưng đồng thời cũng gây động chạm không ít đến cơ chế, chính sách. Thậm chí có những việc doanh nghiệp miền Nam làm, còn đi trước chính sách, gây nhiều tranh cãi vì chẳng thể xét vào khuôn khổ nào của chính sách hiện hành.
Trong sự kiện Đà Lạt, chỉ có các doanh nghiệp tiêu biểu của miền Nam là có quyền và nhiệm vụ báo cáo, nêu bật cách làm mới của mình, và đề xuất tạo cơ chế mới, tháo gỡ khó khăn gây ra do chính sách, quy chế bó hẹp. Sau báo cáo, phần thảo luận rất thách thức, không chỉ các vị lãnh đạo trung ương đặt ra câu hỏi, mà các lãnh đạo doanh nghiệp phía Bắc cũng chất vấn rất kỹ và cụ thể với từng tình huống khi hướng đi mới của doanh nghiệp gặp rào cản.
Ông Nguyễn, Bí thư thành ủy Hồ Chí Minh dặn riêng các lãnh đạo doanh nghiệp thành phố khi ăn trưa ngồi cùng bàn với ông để tiện bàn luận. Ông Nguyễn làm Bí thư thành ủy được bốn năm nay, gây ấn tượng về cách tiếp cận tương đối lạ của ông với con đường đi của doanh nghiệp thành phố. Nhìn theo hướng tích cực, thì ông cởi mở và rất thoáng khi khuyến khích những doanh nghiệp dám “xé rào”, vượt lên dẫn đầu ngành trong sản xuất. Dù Trung ương đã bật đèn xanh, cho phép “Thành phố Hồ Chí Minh” đi trước, thí điểm, làm đầu tàu kinh tế của cả nước, nhưng khi va chạm thực tế, mỗi doanh nghiệp lại “phá rào” một kiểu, đòi hỏi quyết sách nhanh và thậm chí chấp nhận “sai” để sửa, mà sửa ở đây là sửa quy chế đang cản đường, chứ không phải là sửa hướng đi mới của doanh nghiệp, thì tình hình như lửa nóng từng giờ, khiến vị Thủ lĩnh tinh thần của thành phố Hồ Chí Minh khó có thể ngồi yên. Người ta xì xào rằng ông đang mượn cờ Trung ương để cải cách. Một mặt, ông phải chịu trách nhiệm trước Trung ương về sự phiêu lưu chưa từng có tiền lệ của các doanh nghiệp miền Nam, mặt khác, ông phải chịu nhiều mũi tên hòn đạn từ nhóm bảo thủ, lo sợ nhóm doanh nghiệp đổi mới này biến tướng thành tư bản nguy hiểm. Không những thế, nhóm bảo thủ này còn dùng chiêu rỉ tai tuyên truyền, ngầm đe dọa khép cả vị Thủ lĩnh tinh thần của thành phố và các lãnh đạo doanh nghiệp vào nhiều tội lỗi, vi phạm tày trời, dính lao lý bất kể lúc nào.
Bữa ấy, Trần Tựu ngồi đối diện bàn ăn với ông Nguyễn. Dường như vị bí thư thành ủy không ăn gì mấy mà chỉ uống từng ngụm nước nhỏ, lắng tai nghe từng doanh nhân hỏi, và trả lời không chút đắn đo.
Trong lúc lắng nghe các lãnh đạo doanh nghiệp hỏi và bí thư thành ủy trả lời cặn kẽ, thì Trần Tựu vẫn liên tục liên hệ với vấn đề của Xí nghiệp dược 2/9 cũng như của toàn ngành dược đất nước, để có thể viết lại bản báo cáo của mình. Anh hiểu rằng, dẫu mình là lãnh đạo trẻ nhất trong số các lãnh đạo doanh nghiệp dược, nhưng trọng trách thì lại nặng nề nhất. Áp lực ấy đã thường trực khi anh là một ngoại lệ duy nhất trong số các nhân sự được bổ nhiệm lãnh đạo 12 doanh nghiệp dược tại miền Nam sau giải phóng.
Là một dược sĩ chiến khu tham gia vào công cuộc tiếp quản 120 xí nghiệp, viện bào chế của chế độ cũ khi giải phóng Sài Gòn, Trần Tựu đã quyết định sẽ ở lại thành phố Hồ Chí Minh sống và làm việc chứ không ra Hà Nội hoặc trở về quê anh ở Hà Nam. 120 xí nghiệp, viện bào chế được quy tụ thành 12 xí nghiệp mới, có tiếng là được trang bị hiện đại hơn, với quy trình tiên tiến hơn các xí nghiệp dược miền Bắc. Hệ thống này khiến thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị của công nghiệp dược, và không thể áp dụng cách quản lý như ở các doanh nghiệp miền Bắc. Các doanh nghiệp dược lớn ở miền Bắc đều đã từng đến thăm, học hỏi quy trình của các doanh nghiệp dược tại thành phố Hồ Chí Minh. Việc Trần Tựu, một người từ miền Bắc vào, lại được bổ nhiệm làm Giám đốc Xí nghiệp dược 2/9 của miền Nam, đã khiến nhiều người sửng sốt, bởi hầu như ai cũng ngầm hiểu, dân Nam Bộ rất cục bộ, và Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chỉ chọn người miền Nam làm lãnh đạo doanh nghiệp mà thôi. Việc Trần Tựu, một cán bộ còn quá trẻ từ miền Bắc vào được “chọn mặt gửi vàng” đã phần nào lung lay quan điểm “chỉ chọn hạt giống đỏ miền Nam, chỉ người miền Nam mới biết làm kinh tế giỏi” của phần đông mọi người. Tựu vốn chẳng bao giờ bị phụ thuộc vào cách tư duy của đám đông. Anh luôn tin vào một điều bất di bất dịch, rằng chỉ có mình quyết định con đường đi của mình, chứ không phải một vị lãnh đạo cấp trên nào cả. Và chỉ có kết quả việc mình làm là bằng chứng tốt nhất khiến lãnh đạo và nhân dân tin tưởng, là cái cân chính xác nhất đo năng lực của mình.
– Trần Tựu ủ mưu gì mà đăm chiêu vậy? – Bí thư thành ủy hỏi đến anh.
-Cháu xin phép đổi lại bản báo cáo, được không ạ? – Trần Tựu trả lời ông Nguyễn bằng một câu hỏi.
-Anh chắc chắn chứ? Vậy sáng kiến cơ bản trong bản báo cáo mới mà anh định viết là gì?
-Thưa chú, ta phải hướng đến xuất khẩu mạnh mẽ, chủ động mua bán, quyết định giá cả, trong tình hình ta thiếu cả ngoại tệ và nguyên liệu thì dùng giải pháp hàng đổi hàng với các nước trong khối XHCN, nhập khẩu khoa học công nghệ, biến thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm khoa học công nghệ cả nước! Cháu nghĩ, chỉ có dùng đòn bẩy khoa học công nghệ mới giúp hệ thống doanh nghiệp của thành phố cũng như cả nước bật lên phát triển, tăng vọt hiệu quả, cung ứng đủ hàng hóa cho toàn quốc, cải thiện tình trạng các doanh nghiệp nội lực yếu kém, thiếu thốn triền miên và bế tắc mọi bề này. Cần có quy chế mới, cho phép các doanh nghiệp được chủ động tìm hiểu, hợp tác và làm ăn với nhau, cũng như với nước ngoài…
Không khí bàn ăn bỗng lặng đi sau câu trả lời thẳng thắn của dược sĩ Tựu. Hai chữ “làm ăn” vốn bị tránh nói đến vì nó động chạm đến nỗi sợ sâu xa trong lòng bất cứ vị lãnh đạo nào, thì nay lại được thốt ra từ miệng một vị lãnh đạo doanh nghiệp trẻ nhất của thành phố. “Làm ăn” có nghĩa là động đến chữ “tham”, có nghĩa là sẽ đi ngược hướng XHCN. Từ nỗi sợ này mà sinh ra thói kìm kẹp các doanh nghiệp không cho ngóc đầu dậy, cứ doanh nghiệp nào nổi lên làm ăn khấm khá, thì lại sợ “nó” lợi dụng “đút túi” riêng, cho nên có hiện tượng, thà chém hết còn hơn để mang tiếng làm ăn kiểu tư bản. Cái gọi là “mang tiếng làm ăn” ấy đã che mờ mắt tất cả, dìm tất cả hệ thống doanh nghiệp trong cái đáy sâu bùng nhùng khó thoát.
-Cái mới của anh Tựu nêu ra nó nguy hiểm quá! – ông Bảy Phương, giám đốc xí nghiệp vận tải miền Nam lên tiếng – Làm cách đó là vi phạm quy chế, dễ vào nhà đá bóc lịch lắm…
– Tôi không cho đó là vi phạm – vị bí thư thành ủy trầm ngâm nói – mà cần thấy đó là điển hình mới, hết sức trân trọng. Các lãnh đạo Trung ương vào đây cần được nghe tiếng nói không che đậy từ những điển hình mới, cần nghe những tiếng nói thẳng thắn, không e dè. Có như vậy thì các vị mới có thể nắm bắt tình hình thực tế mà nghiên cứu và tìm ra chính sách mới, thay đổi hệ thống quy chế cũ đã thành rào cản phát triển. Chúng ta cần tự hào là các doanh nghiệp thành phố ta đã làm được những việc trước đây chưa ai làm. Chúng ta đi trước nhưng không sợ ma bắt. Trong số các anh ở đây, nếu có ai theo cách làm mới mà phải vào ngồi nhà đá, thì đích thân tôi sẽ đi thăm hỏi, tiếp tế cho các anh thường xuyên. Đây là cam kết mạnh mẽ của tôi! Các anh hãy nói hết ra, không tránh né, không sợ động chạm. Tôi biết hầu hết các anh ở đây từng vào sinh ra tử nơi chiến trường, các anh đâu có sợ chết. Chiến tích của các anh trong chiến trường là áo giáp mới của các anh trong cuộc chiến đổi mới, phát triển kinh tế. Giờ đây các anh cũng là những dũng sĩ trên mặt trận kinh tế, dấn thân đổi mới, xây dựng đất nước, không thể để kinh tế nước ta tụt hậu so với bạn bè năm châu, không thể để dân ta đói kém, khổ sở mãi thế này được.
Lời của ông Nguyễn như có lửa, truyền năng lượng ngùn ngụt bốc lên trong lòng Tựu. Nhất định tối nay anh sẽ hoàn thành bản báo cáo mới. Các báo cáo viên ngồi quanh bàn ăn đang đổ dồn ánh mắt vào Tựu. Tựu có sức thuyết phục cao, nhất định lãnh đạo Trung ương sẽ thấu hiểu. Tôi tin tưởng vào lý lẽ và căn cứ thực tế của Tựu – Ông Nguyễn khẳng định thêm – Nếu có những vấn đề quan ngại, mà các anh Giám đốc khác chưa dám nói, thì anh Tựu cần và được phép nói thêm phần của họ trong buổi báo cáo cuối cùng!
*
Thứ Sáu, buổi thuyết trình quan trọng nhất trong cuộc đời dược sĩ Tựu, trước các vị lãnh đạo cao cấp trung ương. Tuy cũng có căng thẳng, khó ngủ, nhưng sáng ra, Trần Tựu chợt mỉm cười khi nhận ra một điều kỳ lạ. Đó là những gì anh lo lắng thì nó thường không tới, còn những điều anh không lo, thì nó lại tới bất ngờ. Vậy thì cần gì quá lo lắng cơ chứ!
Bản báo cáo của Tựu kéo dài hơn một tiếng đồng hồ. Như một quả pháo hoa nổ tung giữa bầu trời đêm. Anh không đưa ra một mô hình cao siêu và quá trái ngược, anh cũng không đặt ra những điều kiện quá lớn lao. Tựu chỉ đơn giản trình bày thực tế hoạt động của xí nghiệp dược 2/9 và tiềm năng của nó khi thay đổi một số quy định ràng buộc. Anh nêu ý tưởng, nhà nước cần cho phép doanh nghiệp chủ động trong việc thu mua nguyên liệu từ các địa phương trong toàn quốc, sau đó sản xuất và chủ động xuất khẩu cao sao vàng tới thị trường Liên Xô và các nước trong khối Xã hội Chủ nghĩa. Lượng cao sao vàng xuất khẩu ấy, đem lại nguồn ngoại tệ, thì sẽ dùng để mua phân bón, cung cấp cho miền Tây, góp phần tăng năng suất nông sản, đủ cung ứng cho thành phố Hồ Chí Minh, dùng mua máy móc hiện đại, cung cấp cho các nhà máy, thay đổi căn bản quy trình sản xuất. Bản báo cáo cũng nêu thực tế mà 2/9 đã làm thành công trong sản xuất cao sao vàng, đó là giải quyết vấn đề thiếu nguyên liệu tinh dầu bằng cách hợp tác 3 nhà: nhà sản xuất – nhà xuất khẩu – nhà nông, dùng chính nguồn dược liệu sẵn có và tiềm năng trong nước, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu dược liệu, và giải quyết vấn đề tăng năng suất vượt trội bằng cải tiến kỹ thuật, thiết kế máy móc, thay hoàn toàn việc sản xuất thủ công sang bán tự động.
Bản báo cáo giản dị, nhưng với căn cứ rõ ràng, dễ hình dung, và sự “phá rào” về quy chế, luật lệ cung ứng, phân phối cũng không quá hiểm nguy cho chế độ, hơn nữa, Trần Tựu khẳng định rằng mọi nguồn lợi thu được từ sản xuất, xuất khẩu, trao đổi hàng hóa với nước ngoài, đều được đầu tư tập trung vào thành phố Hồ Chí Minh, nên các vị lãnh đạo Trung Ương thực sự được thuyết phục bởi bản báo cáo cuối cùng trong sự kiện Đà Lạt. Sau bản báo cáo, phần chất vấn của lãnh đạo Trung ương còn kéo dài hơn, Tựu tranh thủ thời cơ ấy, táo bạo nêu ra những vấn đề hóc búa, “nhạy cảm” mà các lãnh đạo doanh nghiệp khác e dè chưa dám chạm đến. Anh đã chất vấn ngược lại các vị lãnh đạo về những khả năng thay đổi cơ chế, chính sách cho phù hợp với nhu cầu phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp. Cần có cách nhìn nhận, đánh giá khác đối với các doanh nghiệp phá rào, đạt thành công trong sản xuất, cần coi đó là những điển hình tiên tiến, chứ không nên xem họ là những “tội đồ” của Xã hội chủ nghĩa. Buổi chất vấn nóng tới mức, qua 1 giờ chiều rồi mà không ai muốn rời hội nghị để ăn trưa.
Sau phát pháo hoa nổ giữa trời đêm ấy, Trần Tựu được ông Văn mời đến phòng uống trà cùng ông trước khi ông rời Đà Lạt trở lại Hà Nội.
Tựu khá hồi hộp, như được dùng một liều kích thích sau buổi thuyết trình. Bởi dù được bật đèn xanh cho việc “phá rào” hợp pháp, nhưng trước mắt anh sẽ là một hành trình gian nan mà chưa biết rõ con đường. Anh phải tự đi, tự mở đường mà không có sợi chỉ đỏ dẫn đường, có thể lạc, có thể dính đạn, có thể phải trả giá rất đắt. Biết bao nhân tài đã bị triệt hạ, biết bao sáng tạo đã bị dập vùi,… Những ám ảnh đó khiến anh cẩn trọng hơn, nhưng không làm anh lùi bước.
-Tôi muốn đến thăm xí nghiệp 2/9 của anh – ông Văn nói thẳng, không để Trần Tựu kịp đắn đo – Tôi đã quyết định lùi ngày trở lại Hà Nội. Tôi cần nhìn rõ cách các anh sản xuất cao sao vàng. Tôi không hình dung nổi làm sao mà các anh có thể tăng năng suất lên tới 200 lần. Các anh đã đưa cao sao vàng đi xa qua biên giới. Điều này rất quan trọng, đó không chỉ là dược phẩm, mà còn là hình ảnh và cái tình của người Việt chúng ta, đối với nhân dân Liên Xô và các nước Đông Âu, khi họ sẵn sàng tiếp nhận cao sao vàng.
Trần Tựu ngước lên nhìn ông, thoáng nghẹn ngào. Anh vừa chợt nhận ra, lời của ông chính là tuyên ngôn anh cần giữ, với cương vị là một lãnh đạo xí nghiệp dược, và hơn hết thảy, với sứ mệnh của người dược sĩ, hiệp sĩ đổi mới.
Hai năm sau “Sự kiện Đà Lạt”, cú đột phá vào tương lai của Trần Tựu và hàng loạt các lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp miền Nam và trong cả nước đã tạo nên những thành công mạnh mẽ, tạo tiền đề cho công cuộc đổi mới lịch sử. Hộp cao sao vàng bé nhỏ của xí nghiệp dược 2/9 cũng như của cả ngành dược Việt Nam đã len lỏi đi khắp Liên Xô và các nước trong khối Đông Âu, như một tín hiệu vàng cho một thời kỳ thay đổi cấp bách của kinh tế đất nước.
Xóm Lò, 2g30 phút ngày 3.10.2021
Bài viết liên quan: