Tìm hiểu về vấn đề văn hóa dân tộc trong nghiên cứu của Võ Quốc Việt trên không gian mạng

Võ Quốc Việt sinh ra và lớn lên nơi đồng bưng mang tên Rừng Dầu, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An (ngày trước là tỉnh Hậu Nghĩa) trong một gia đình nghèo khó chuyên nghề ruộng rẫy, giàu truyền thống cách mạng. Chàng thanh niên họ Võ vừa phụ giúp gia đình chuyện đồng áng, vừa chăm lo việc học tập và chàng thanh niên ấy đã đỗ Thạc sĩ (2013) chuyên ngành Lý luận Văn học, trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó, Thạc sĩ Võ Quốc Việt tiếp tục con đường nghiên cứu văn học và cùng nhiều bạn văn khác tham gia vào sinh hoạt văn chương. Theo Vanvn.vn, Võ Quốc Việt “là một trong những cây bút phê bình trẻ hiếm hoi phía Nam, đang từng bước tạo lập con đường nghiên cứu văn học riêng” (Võ Quốc Việt, 2021).

Rõ là, quá trình học tập cũng là quá trình chàng trai sinh năm 1988 không ngừng dấn thân bằng ngòi bút – ngược lại, ngòi bút giúp định vị một cây bút lý luận phê bình trẻ với tình yêu quê hương nồng nàn và niềm trân quý giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Vì thế, văn hóa dân tộc chính là hạt nhân cốt lõi trên trang viết của Võ Quốc Việt. Không chỉ xuất hiện trên phương tiện in ấn truyền thống, bài viết của Võ Quốc Việt còn xuất hiện trên nền tảng kỹ thuật số. Không gian mạng giúp Võ Quốc Việt đến gần hơn với bạn đọc, đồng thời tạo điều kiện lan tỏa hiểu biết khoa học và tình yêu quê hương đất nước.

Nhà nghiên cứu Trần Bảo Định – tác giả bài viết

 

1. Tình yêu đối với con người và văn hóa Nam Bộ

Sau ngày hòa bình, đất nước còn đối diện nhiều khó khăn, thử thách. Từ thành thị đến thôn quê, nhân dân cùng nhau góp sức xây dựng đất nước. Dù còn nhiều gian khó, thế hệ những người sau chiến tranh luôn giữ niềm tin tưởng lạc quan để vun đắp cho thế hệ tiếp nối. Với niềm tin và nghị lực đó, những lớp người mới đã ra đời, được học tập và phát triển bản thân, có được nhiều cơ hội kết nối và hội nhập. Quê hương Đức Hòa (tỉnh Long An) cũng như bao vùng quê khác, nếu thế hệ sinh ra trong chiến tranh phần nhiều là những người nông dân chất phác, hệch hạc thì thế hệ sinh ra sau ngày đất nước thống nhất dần có nhiều cơ hội hơn tiếp cận nền học vấn mới. Họ dần trở nên người thợ lành nghề hoặc những người trí thức có trình độ chuyên môn ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Võ Quốc Việt cũng như thế hệ mình chính là minh chứng cho thấy: hòa bình, độc lập và thống nhất đã đưa những vùng quê “xôi đâu” ngày ấy vươn mình phát triển, thay da đổi thịt. Vì thế, trang viết của Võ Quốc Việt (trên địa hạt văn học, văn hóa, lịch sử) cho thấy hình ảnh quê hương vừa truyền thống vừa căng tràn sức sống mới.

Từ quê nghèo đất khó Rừng Dầu, xuất thân con nhà nông, Võ Quốc Việt hun đúc tinh thần học tập từ thuở nhỏ. Niềm say mê học tập của chàng trai trẻ ngày một lớn lên trên mảnh đất Tân Mỹ – nơi chuyển tiếp thế đất miền Đông sang thế đất miền Tây. Có lẽ vậy, nhà nghiên cứu luôn thể hiện trên trang viết tình yêu sâu đậm dành cho quê nhà và những người dân quê cần cù chịu khó. Theo nhà báo Hồ Huy Sơn:

Võ Quốc Việt (sinh năm 1988) là nhà phê bình trẻ hiếm hoi của khu vực phía Nam nói chung và của TPHCM nói riêng hiện nay. Anh cũng là một trong những đại biểu tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10, tổ chức ở Đà Nẵng vào tháng 6/2022. Trở về từ hội nghị, dường như anh có thêm sinh khí dành cho văn chương. Bằng chứng là Võ Quốc Việt viết nhiều, chịu khó xuất hiện nhiều hơn trên các báo và tạp chí” (Hồ Huy Sơn, 2023, tr.45).

Ngòi bút Võ Quốc Việt đã thể nghiệm nhiều thể loại; song lý luận phê bình là địa hạt để lại nhiều dấn ấn hơn cả. Đặc biệt là những vấn đề liên quan đến văn hóa dân tộc. Không chỉ trong lý luận phê bình, qua một số bài bút ký-biên khảo, Võ Quốc Việt cũng cho thấy tình yêu thiết tha đối với văn hóa dân tộc và những nét đẹp của quê hương. Bút ký của Võ Quốc Việt có sự kết hợp của nhãn quan nhà nghiên cứu và nhãn quan nhà văn. Chàng trai họ Võ ghi chép lại sinh hoạt văn hóa của người lao động bình dân ở quê mình. Bút ký Đời chăn trâu (2023) là ký ức tuổi thơ của những đứa trẻ “con nhà nông nên sớm cảm thấu cảnh đời cơ cực nơi ruộng vườn, bưng biền” (Võ Quốc Việt, 2023-c). Theo đó, nhà văn-nhà nghiên cứu trẻ vừa phản ánh vừa lý giải quan niệm lễ nghĩa của người bình dân cũng như thực hành văn hóa xưa nay của người nhà quê. “Giữ gìn lề thói xưa, tình yêu của người dân quê cũng hiền hòa bình lặng như ánh mắt con trâu bầu bạn nhà nông. Ấy vậy mà trong đó nhìn thấy cả triết lý nhân sinh và phong tục văn hóa truyền đời của xứ sở” (Võ Quốc Việt, 2023-c). Chất nghiên cứu thể hiện ở một số cứu xét liên quan Nho giáo-Nho đạo; liên quan tới việc lưu dân từ vùng Thuận An (Huế) vào khai phá thôn Tân Mỹ ở thời Đức Minh Mạng. Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu còn mang lại thêm hiểu biết về một số loài cây tiêu biểu (cây trăm, cây bứa) với thế đất và thổ nhưỡng thôn Tân Mỹ (huyện Đức Hòa). Trên hết, nhà nghiên cứu thể hiện tình cảm trìu mến với quê hương qua những ký ức văn hóa và trải nghiệm sinh thái tuổi nhỏ.

Nhà nghèo ở vùng sâu vùng xa bưng biền hoang hóa, làm sao có bánh trái mà ăn như con nít ngoài chợ! Con nít chăn trâu chỉ có mấy loại cây dại ngoài đồng. Nhưng bảo đảm, trong đám con nít chăn trâu hồi đó (nay có nhỏ làm việc ở trời Á, có thằng làm việc ở trời Âu) nghe nhắc lại thế nào cũng thèm thuồng, luyến nhớ. Những “trải nghiệm sinh thái” như vậy không thể mua bằng tiền!” (Võ Quốc Việt, 2023-c).

Cũng tìm hiểu thực hành văn hóa “nhà quê”, bài bút ký Bánh xèo Lộc Giang (2023) mở ra thêm góc nhìn về nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực nơi thôn dã. Không dừng lại ở việc mô tả biểu hiện bên ngoài, Võ Quốc Việt còn nhìn thấy ở đó cả quan niệm ẩm thực và tìm thấy ở đó thứ triết lý dung dị thấm nhuần từng lời ăn tiếng nói. “Bởi đặc trưng cuộc sống ở vùng đất mới còn gian khó, thiếu thốn nên “tùy cơ ứng biến”” (Võ Quốc Việt, 2023-b). Từ tính chất tùy cơ ứng biến của văn hóa ẩm thực Nam Bộ, nhà nghiên cứu chỉ ra cấu trúc văn hóa: vừa bền vững truyền thống vừa cởi mở linh động. Nhìn rổ rau ăn kèm, chàng trai họ Võ thấy biểu hiện “địa văn hóa” trong món bánh xèo dân dã.

Những loài rau khác nhau trên bàn, cạnh dĩa bánh xèo, còn cho thấy nét đặc trưng thổ nhưỡng địa lý của mỗi vùng đất. Bởi người ta nói “khoai đất lạ, mạ đất quen”, đất nào cây đó! Còn nói cho văn vẻ một chút: rổ rau bánh xèo phản ánh được phương diện “địa văn hóa”, không chỉ trong văn hóa ẩm thực mà còn nhiều phương diện văn hóa khác nữa. Chợt nhớ, có nhà học giả từng chia Nam Bộ thành 3 tiểu vùng văn hóa (gồm Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và Sài Gòn – Bến Nghé). Trong đó, khu vực Đức Hòa, Đức Huệ, Củ Chi, Thái Mỹ, Trảng Bàng, cùng thuộc tiểu vùng văn hóa Gia Định-Bến Nghé. Quan điểm này quả thực có căn cớ” (Võ Quốc Việt, 2023-b).

Từ văn hóa ẩm thực, nhà nghiên cứu trẻ tiếp tục chiêm nghiệm và đi sâu vào cơ tầng văn hóa Việt ở quê nhà. Ở đó, chàng trai họ Võ nhìn thấy văn hóa làng của người lưu dân Việt, tìm thấy ở đó những triết lý căn cơ nhuần nhị mọi mặt đời sống từ thuở lưu dân mới vào khai khẩn cho đến hôm nay. Đình làng như điểm tựa tâm hồn của người lưu dân. Đồng thời, đó cũng là nơi diễn ra hầu như mọi sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương. Do đó, đình làng chẳng khác gì “bảo tàng” di tích văn hóa của dân tộc qua nhiều thế hệ. Tìm hiểu Đình Thần Rừng Muỗi, nhà nghiên cứu trẻ như lật giở từng lớp trầm tích thời gian để thấu hiểu công mở cõi của thế hệ tiền nhân.

Những bậc cao niên ở làng Tân Mỹ vẫn kể với con cháu rằng chính ông Nguyễn Văn Viễn, con trai ông Nguyễn Văn Miêng, là người khởi xướng việc dựng đình Rừng Muỗi để làm nơi thờ phượng cho cả làng. Đời sống của lưu dân khẩn hoang luôn phải đối mặt với nhiều bất trắc, dân làng cần một nơi để thờ cúng thần linh, để họ có thể gửi gắm niềm tin và cầu xin sự che chở. Đình làng dựng xong, hàng trăm năm qua, cùng với dân làng, ông Võ Văn Sót và lần lượt là các thế hệ con cháu của ông Sót đã lo việc coi sóc, thờ cúng cho đến tận ngày nay” (Võ Quốc Việt, 2022-a).

Tìm hiểu lịch sử hình thành, ghi chép truyền tích, Võ Quốc Việt còn khảo cứu các lễ hội, phong tục, tập quán gắn liền văn hóa làng. Từ cách bài trí, cấu trúc đình làng, nhà nghiên cứu cẩn thận tìm hiểu ý nghĩa đằng sau hoạt động thờ cúng, lễ hội (lễ Khai Sơn mùng 7 tháng Giêng; lễ Kỳ Yên 16, 17, 18 tháng Giêng; lễ Cầu Bông, mùng 9 tháng Mười và những lễ cúng Thần Nông, Cửu Thiên Huyền Nữ, Thần Hổ; …) Trong đó, lễ Kỳ Yên được tổ chức long trọng nhất (Võ Quốc Việt, 2022-a). Cho đến nay, Đình Thần Rừng Muỗi vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa địa phương. Bên cạnh đó, nơi đây còn là địa điểm để ghi ơn anh hùng chiến sĩ trận vong xả thân cứu nước qua các thời kỳ lịch sử khác nhau. Nhà nghiên cứu đặc biệt nhấn mạnh giá trị giáo dục của văn hóa làng và biểu tượng đình làng đối với thế hệ trẻ.

Bậc cao niên vẫn thường dạy con cháu làm ăn, sinh sống phù hợp phong tục, tập quán và truyền thống đạo đức nhân nghĩa. Thiết nghĩ, nhận thức về lịch sử hình thành phát triển quê hương có ý nghĩa giáo dục thế hệ mai sau. Bài học này càng thêm quý giá trong thời buổi kinh tế thị trường. Nhận thức giá trị văn hóa và truyền thống nhân nghĩa của tiền nhân có thể khiến cháu con mai sau biết sống cho xứng đáng với công lao mở cõi” (Võ Quốc Việt, 2022-b).

Chính ở nhận thức này, nhà nghiên cứu làm rõ sự gắn bó mật thiết giữa văn hóa làng và lịch sử mở cõi. Từ chính thực tiễn lịch sử được nhân dân ghi nhớ, Võ Quốc Việt bỏ công tìm hiểu, sưu tầm và thuật lại. Cụ thể, theo ghi chép còn lưu giữ tại đình làng cũng như lời tự thuật của một số cụ lão niên ở địa phương, họ Nguyễn với ông Nguyễn Văn Miêng và họ Võ với ông Võ Văn Sót là hai dòng họ đến thôn Tân Mỹ khai khẩn từ buổi đầu. Hai dòng họ có công khai khẩn, mở làng, lập đình. Dựa theo tài liệu lưu giữ tại đình, nhà nghiên cứu trẻ tham khảo thêm ở một số thư tịch của vương triều Nguyễn. Cụ thể:

Khoảng năm 1820, thôn Tân Mỹ (nay là xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) được xác lập trong địa bạ triều Nguyễn là một trong 74 thôn, phường của tổng Long Hưng huyện Tân Long thuộc phủ Tân Bình tỉnh Gia Định. Cư dân trong làng được cho là đã đến vùng đất này từ cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX” (Võ Quốc Việt, 2022-b).

Một cách cẩn trọng, nhà nghiên cứu còn tìm hiểu thêm ở “Lý lịch di tích đình Rừng Muỗi”, để xác nhận thêm thông tin về quá trình xây dựng đình làng.

Theo “Lý lịch di tích đình Rừng Muỗi” của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Long An, ban đầu đình được xây dựng khá thô sơ trên vùng đất cao nhất của rừng Muỗi. Đến giữa thế kỷ 19, cuộc sống dân làng cơ bản ổn định, đình được xây dựng lại kiên cố và quy mô hơn với 3 gian sát nhau, gồm võ ca, chánh điện và nhà bếp, được lát gạch Tàu, mái lợp ngói âm dương, cột bằng gỗ quý” (Võ Quốc Việt, 2022-b).

Trong cấu trúc văn hóa làng, Võ Quốc Việt đã khởi đi từ lịch sử các dòng họ đến lịch sử lưu dân mở cõi; và từ lịch sử mở cõi đến lịch sử đấu tranh yêu nước giữ gìn bờ cõi. Do đó, không chỉ là biểu tượng tâm linh tín ngưỡng, đình làng còn biểu tượng cho tinh thần yêu nước thương nòi. Nhà nghiên cứu họ Võ thể hiện tình cảm và nhận thức sâu sắc về chặng đường đấu tranh gian khổ của thế hệ đi trước. Nhờ đó, Võ Quốc Việt nhận ra “sức mạnh tâm thức dân gian” cô kết bởi văn hóa làng, tình yêu làng và nhiệt huyết tranh đấu bảo vệ quê nhà. Đó là nội lực mạnh mẽ giữ gìn văn hóa làng, giữ gìn truyền thống qua nhiều thế hệ. Từ trang viết của Võ Quốc Việt, ta có thể thấy nhận thức của người trẻ đối với vận động thời đại, trách nhiệm thế hệ và khát vọng đóng góp quê hương.

Như đã nói, lịch sử mở cõi gắn liền lịch sử giữ gìn bờ cõi, Võ Quốc Việt sưu khảo phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân địa phương qua nhiều thời kỳ. Quả thực, quê nhà Tân Mỹ (huyện Đức Hòa) của Võ Quốc Việt cũng là mảnh đất giàu truyền thống đấu tranh yêu nước từ những ngày đầu thực dân Pháp đánh chiếm Nam kỳ cho tới thời kháng chiến chống Pháp và cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ ở thế kỷ XX. Võ Quốc Việt đã sưu khảo từ lịch sử địa phương, tra cứu ở chính sử triều Nguyễn và từ chính lời kể của bậc cao niên trong làng: chuyện Trần Văn Kiêm đánh Trần Tử Ca (tay sai thực dân Pháp) ở Hóc Môn, sau phải lánh về ở Đình Thần Rừng Muỗi; cho tới dòng họ Võ Văn Nhâm tránh tai mắt thực dân truy lùng phải lui về Tân Mỹ; cho tới cuộc vây đánh thực dân Pháp ở ngã tư Tân Mỹ trong khi chúng đang vận chuyển đường từ nhà máy đường Hiệp Hòa về Chợ Lớn những năm đầu kháng chiến (được lão nông Võ Văn Khơi – cựu Thư ký Ủy ban hành chính kháng chiến xã Tân Mỹ – thuật lại); hay chuyện anh hùng Lê Minh Xuân (chi bên ngoại của họ Võ ở Tân Mỹ); …

Thời kháng chiến chống Pháp, đình Rừng Muỗi là nơi tụ họp, bàn bạc kế hoạch chống giặc. Không chỉ là căn cứ hoạt động của Ủy ban Hành chính Kháng chiến xã Tân Mỹ và Quận ủy Đức Hòa, đây còn là nơi trú đóng tạm thời của lực lượng kháng chiến quận Củ Chi. Tháng 04/1947, sau khi bị lực lượng kháng chiến phục kích tại ngã tư Tân Mỹ để chặn việc vận chuyển đường từ nhà máy đường Hiệp Hòa về Sài Gòn, Pháp cho quân bắn phá làng và đốt phá đình Rừng Muỗi. Đến thời chống Mỹ, đình Rừng Muỗi tiếp tục là nơi hội họp, liên lạc, là trạm trung chuyển vũ khí, lương thực, tiếp tế và nuôi chứa thương binh. Ngày 31/12/1961, tại đình thần Rừng Muỗi, Huyện ủy Đức Hòa tổ chức mít tinh phổ biến chính sách chủ trương của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, kêu gọi đoàn kết chống đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai, thu hút trên 1.500 người tham dự. Trong chiến dịch Mậu Thân (1968), đình làng là nơi dừng chân của một số đơn vị vũ trang tỉnh trên đường tiến công vào Sài Gòn” (Võ Quốc Việt, 2022-b)

Hơn thế nữa, qua trang viết của Võ Quốc Việt, bạn đọc sẽ hiểu thêm truyền thống đấu tranh yêu nước không riêng có trong tâm hồn người lưu dân phương Nam mà cùng chung một dòng chảy nhất quán của tinh thần yêu nước hàng ngàn năm của dân tộc Việt. Cũng ở đó, người đọc phát hiện nỗi hoài vọng của người thanh niên đối với quê hương xứ sở và vận mệnh dân tộc. Nhãn quan biên khảo của Võ Quốc Việt luôn có xu hướng liên tục mở rộng chiều kích không gian-thời gian.

“Và phải tự đặt chân đến tận vùng biên tái, bạn mới có thể cảm nghiệm phần nào đó công nghiệp vĩ đại của tộc Việt trong quá trình hình thành, xây dựng và phát triển quốc gia. Một quá trình giữ gìn bảo vệ bờ cõi, làm gia tài sự sản cho hậu sinh. Và trên hết ý thức hùng cường quốc gia dân tộc – chính điều này – là nội lực tiềm tàng và cơ tạo bảo tồn, thúc đẩy, phát triển giống nòi. Giữ gìn ý thức hùng cường quốc gia dân tộc gắn liền ý thức bảo vệ bờ cõi là điểm mấu chốt và tiên quyết cho việc giữ gìn và phá triển sức sống dân tộc mãi về sau. Nào những tộc người đã tiêu vong, nào những vương triều đã sụp đổ, chẳng phải vì cái ý chí quốc gia dân tộc suy nhược đó sao? Thế nên, để xây dựng dân sinh, nâng cao dân lực, mở đường lâu dài cho dân tộc, hẳn phải chú tâm đến ý chí hùng cường quốc gia dân tộc mà nền tảng là hằng số văn hóa truyền thống. Lịch sử trên khắp đại địa đã minh chứng: kẻ chiến thắng thực sự là kẻ có nền văn hóa phát triển ở trình độ cao hơn kẻ thù. Chiến thắng thực sự phải là chiến thắng toàn diện trên cả mặt trận quân sự, chính trị và đặc biệt là mặt trận tư tưởng, văn hóa xã hội. Trong đó, giữ đất, giữ làng, giữ lòng người, giữ biên cương tổ quốc phải xác định từ triết lý xuyên suốt nhất quán; tức là thống nhất, kiện toàn và nâng cao tư tưởng” (Võ Quốc Việt, 2023-a).

Lòng nhiệt huyết của người thanh niên họ Võ đối với quê hương, đất nước và giống nòi toát ra từ góc nhìn liên thời đại. Cùng với đó, nhãn quan văn hóa lịch sử, văn hóa ẩm thực, văn hóa lao động sản xuất, văn hóa phong tục tập quan, … cho thấy cái nhìn sâu sắc của nhà nghiên cứu về đặc trưng văn hóa dân tộc và giá trị của văn hóa dân tộc đối với việc đóng góp xây dựng quê hương.

2. Đạo đức và nhân cách văn hóa Nam Bộ

Bên cạnh ghi chép, phản ánh, kiến giải các phương diện văn hóa trong đời sống con người Nam Bộ; nhà nghiên cứu Võ Quốc Việt đặc biệt nhấn mạnh vai trò văn hóa dân tộc đối với đạo đức lối sống cá nhân. Theo nhà báo Quỳnh Yên: “Các bài viết trong tập sách này [Hạt phù sa sông nước Cửu Long] được sắp xếp theo trật tự mở rộng không gian, thời gian văn hóa. Mượn hình tượng trùn đất bình nguyên Cửu Long, anh đưa bạn đọc về miền quê cũ với những con người hiền hậu, cần cù, gắn bó với đất đai quê nhà” (Quỳnh Yên, 2023). Thông điệp mà nhà nghiên cứu trẻ muốn chuyển tải đến bạn đọc là tình cảm thương mến và trân phục đối với những con người hiền lành, nhân hậu, chất phác, cả đời gắn bó ruộng rẫy. Xuất thân con nhà nông, chàng thanh niên họ Võ thấu hiểu thương cảm cho nỗi cơ cực của người nhà quê, những người lao động bình dân hệch hạc dung dị; cũng như cảm và thấu được đời sống tâm hồn (tưởng cục mịch) nhưng kỳ thực rất phong phú và sâu sắc. Bởi mối giao cảm đó, nhà nghiên cứu trẻ chỉ ra được những triết lý sống vừa đơn sơ nhưng cũng đầy sâu sắc; vừa thiết thực trực quan vừa trừu tượng minh triết.

Trải qua quá trình lịch sử hơn ba trăm năm, sinh hoạt đời sống xã hội ở vùng đất mới dần hình thành nền tảng tâm linh-tín ngưỡng. Đó cũng là nhu cầu thiết yếu của con người trong hoàn cảnh thiên nhiên ở vùng đất mới khai phá còn nhiều khó khăn. Nhất là, những khó khăn trong thời kỳ đầu đối diện với tự nhiên, tạo dựng đời sống. Thêm vào đó, việc đối diện liên tục với các cuộc xâm lược của thực dân đế quốc khiến thực hành văn hóa tâm linh-tín ngưỡng kết hợp với hoạt động đấu tranh yêu nước – một đặc trưng của thực hành văn hóa ở vùng đất Nam Bộ xưa. Chính vậy, nhiều tôn giáo nội sinh hình thành ở vùng châu thổ Cửu Long. Nghiên cứu thực hành văn hóa tôn giáo, Võ Quốc Việt nhận ra sự gắn bó của văn hóa truyền thống dân tộc với yêu cầu thực tiễn của đời sống mới giúp người bình dân Nam Bộ giữ vững được đất đai quê nhà đồng thời giữ gìn đạo đức và lối sống giàu giá trị nhân bản.

Tam Ngươn đến hồi mạt pháp, biểu hiện chính ở đạo đức nhân tâm; và ngược lại chính nhân tâm đạo đức đẩy Tam Ngươn đến hồi chung cuộc. Quan niệm về Tam Ngươn và Mạt thế của Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa không mang nặng màu sắc thần thoại, không xoay quanh các chuyện siêu nhiên ly kỳ và thánh tích, gần như chỉ bàn luận về đạo đức và mối quan hệ cảm ứng giữa lòng người và biến đổi thời cuộc. Do đó, mạt thế luận của người Nam bộ gần với khoa đức lý dân gian hơn là thần thoại học và lại càng khác biệt với thần học Tây phương” (Võ Quốc Việt, 2021).

Bằng cách so sánh, nhà nghiên cứu trẻ chỉ ra đặc điểm căn bản của thực hành văn hóa tâm linh tín ngưỡng ở Nam Bộ thực chất là thực hành đạo đức lối sống nhân bản giữa người với người. Trong nền đạo đức đó, nhà nghiên cứu làm sáng tỏ thêm đạo hiếu, đạo nghĩa, đạo ơn chính là những hạt nhân cốt lõi của nhân cách văn hóa Cửu Long. Và nếu tinh luyện hơn nữa thì đạo ơn, đạo nghĩa kỳ thực đều khởi đi từ đạo hiếu mà thôi. Hiếu kính với cha mẹ ông bà tổ tiên; hiếu kính với dân với nước để từ đó sống trượng nghĩa với tha nhân; biết ơn, ghi ơn và báo ơn với cả thế giới con người lẫn thế giới tự nhiên. Chất liệu kết dính hạt nhân cốt lõi nhân cách văn hóa đó: một chữ “tình”. Đây là yếu tố giúp hài hòa, chuyển hóa việc nhận thức và thực hành đạo đức con người Nam Bộ. Hơn thế nữa, quan niệm nhân cách văn hóa Nam Bộ còn bao hàm trong đó suy nghĩ cho rằng đạo đức là món gia bảo, là tài sản quý báu để lại cho thế hệ sau. Cho nên trong mái gia đình, ông bà thường răn dạy ăn ở đàng hoàng chính là cách để đức lại cho con cháu.

Không chỉ hướng cái nhìn vào thực hành văn hóa xã hội, Võ Quốc Việt còn chú ý thực hành văn hóa trong mái gia đình. Ngay trong chuyện bếp núc, nhà nghiên cứu cụ thể hóa đời sống nhân nghĩa, tính tình hay sẻ chia giúp đỡ của người bình dân Cửu Long. “Túm tụm bên giàn bếp đổ bánh xèo, tôi chợt nhận ra: đâu có ai đổ bánh xèo để ăn một mình! Hay đúng hơn, bánh xéo là món bánh quay quần, sum hiệp, thân tình. Ăn chung, chớ bánh xèo không ai ăn riêng” (Võ Quốc Việt, 2023-b). Cũng trong chỗ bếp núc, cây bút trẻ nhìn thấy vẻ đẹp của người phụ nữ tần tảo, chịu thương chịu khó, mà ở đó toát lên một nhân cách văn hóa đẹp đẽ của người phụ nữ Nam Bộ nói chung.

Trong dáng vẻ lẹ làng đó, bạn sẽ thấy được tính vén khéo của người phụ nữ Lộc Giang, mà có lẽ cũng là tính vén khéo của người phụ nữ miền Lục tỉnh nói chung. Sự vén khéo này gồm cả vẻ tần tảo chịu thương chịu khó, lại có nét dịu dàng của người đàn bà quê mùa chơn chất, lại có phần mạnh dạn rắn rỏi của người phụ nữ khăn gói lưu dân. Bởi phụ nữ Lộc Giang, hay phụ nữ Long An, mà có lẽ cả phụ nữ miền Lục tỉnh Nam kỳ gốc gác vốn lưu dân từ miền ngoài vào đàng trong lập nghiệp” (Võ Quốc Việt, 2023-b).

Và dường như, đối với hình tượng người phụ nữ nhà quê miền sông nước Cửu Long, Võ Quốc Việt không ngại biểu lộ tình cảm trân quý, kính phục. Đó là những người phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà” với các phẩm chất “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang” và được Nhà nước phong tặng Huân chương Thành đồng hạng Nhất (Theo Bảo tàng Hồ Chí Minh). Trên đường thiên lý, người phụ nữ lưu dân phải quán xuyến, đỡ đần, gánh vác mái nhà đình từ buổi mới vào khai hoang lập nghiệp cho tới hồi giặc dữ xâm lược quê nhà. Vì thế, người phụ nữ Nam Bộ vốn không phải phận “liễu yếu đào tơ”. Trong gia đình, người phụ nữ gánh vác “giang san nhà chồng”; trong lao động sản xuất, họ dầm mưa dãi nắng không thua cánh mày râu; trong chuyện nước nhà, họ cũng hăng hái dấn thân; chưa kể trong hoàn cảnh chiến tranh, họ phải một mình sinh con, nuôi con cho chồng an tâm chiến đấu. Cũng chính họ, những người phụ nữ hăng hái tham gia vào cuộc tranh đấu chống giặc ngoại xâm, có câu “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Bởi vậy, vùng đất này sản sinh không ít nữ lưu hào kiệt (Trần Thị Sanh, Sương Nguyệt Anh, Nguyễn Thị Bảy, Nguyễn Thị Định và rất nhiều nữ kiệt vô danh khác nữa). Bản thân người phụ nữ lại chính là điểm tựa ủng hộ chồng theo đuổi chí hướng, hun đúc tâm tính cốt cách cho con cháu. Ở nhân cách văn hóa người phụ nữ Nam Bộ, Võ Quốc Việt nhận định: “Với cha mẹ, đức hiếu thuận; với chồng, đức thủy chung; với con cái, đức dưỡng dục. Vì hiếu nên biết trung với nước, vì thủy chung nên biết tín với người, vì dưỡng dục nên biết nhân với đời. Gồm thâu lý đó xếp đặt cử chỉ hành vi, ấy là lễ nghĩa” (Võ Quốc Việt, 2023-d, tr.174). Mặc nhiên, người phụ nữ có vị trí quan trọng trong cấu trúc văn hóa Nam Bộ. Họ không hay nói đến bình quyền, vì cơ bản sự tham gia của họ vào hầu hết các thực hành sinh hoạt gia đình, xã hội đã tự khẳng định vị thế của họ trong cấu trúc văn hóa quê hương. Có lẽ vì thế, Võ Quốc Việt nhấn mạnh người phụ nữ không chỉ bộc lộ nhân cách văn hóa mà còn là biểu tượng cho cấu trúc văn hóa Nam Bộ xưa và nay. Hơn thế nữa, nhà nghiên cứu trẻ còn nhìn thấy ở thiên tính phụ nữ Nam Bộ khả năng trao truyền và thực hành giáo dục dân gian.

Bên cạnh niềm trân phục người phụ nữ Nam Bộ, Võ Quốc Việt còn làm rõ thêm thực hành đạo đức lối sống Nam Bộ gắn bó mật thiết với văn hóa làng của người lưu dân Việt. Đây cũng là biểu tượng cô kết và gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc Việt, là mạch sống càng cho thấy sự thống nhất xuyên suốt của văn hóa Việt trên cả ba miền.  Từ văn hóa làng, bạn nhận ra thực hành văn hóa tín ngưỡng, văn hóa xã hội lẫn văn hóa đạo đức đều thống nhất hữu cơ với nhau. Sự thống nhất đó thể hiện qua đặc trưng nhân cách con người Nam Bộ: tình yêu nước. Bởi tình yêu quê hương, nhà văn-nhà nghiên cứu thể hiện niềm đau xót trước những tàn tích một thời. “Con nít nào biết chiến tranh là gì! Nhưng trong ánh mắt người cao niên, chiến tranh là vết sẹo lồi còn nguyên hiện như nhắc nhớ dã tâm phi nhân của một giống người này đối với một giống người khác” (Võ Quốc Việt, 2023-c); và nỗi mừng vui với hình ảnh quê hương đổi mới. Để chứng minh, Võ Quốc Việt nối kết truyền thống đấu tranh yêu nước của người dân. Nhà nghiên cứu trẻ thể hiện niềm tự hào với thế hệ tiền nhân trong công cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc và tự hào quê nhà dù nghèo nhưng trượng nghĩa.

Cũng bởi có rừng, nơi xa xôi hẻo lánh, nên có không ít người nghĩa đánh Tây chưa thành trốn về xứ này để lánh tai mắt thực dân. Chẳng hạn, ông Trần Văn Kiêm (đánh Trần Tử Ca ở Hóc Môn, sau lẩn trốn ở Đình Thần Rừng Muỗi – Tân Mỹ), ông ngoại Võ Văn Tần (tham gia nghĩa quân Trương Định, sau thất bại cùng con gái chạy về Đức Hòa, ở đây ông gả con gái là bà Nguyễn Thị Toàn cho ông Võ Văn Sự – tức là cha mẹ của Võ Văn Tần), lại nghe có người nói một trong hai đứa con của Võ Duy Dương với bà Trần Thị Vàng cũng lẩn trốn về vùng đất này. Hóa ra, đất này nghèo nhưng đã mở lòng đón bước không ít người nghĩa, xứ “hóc bà tó” nhưng cùng quê hương trải qua không ít chuyện ba đào thời cuộc” (Võ Quốc Việt, 2023-c).

Để làm rõ thêm nhân cách văn hóa xứ sở, Võ Quốc Việt sử dụng một số phương pháp nghiên cứu của lĩnh vực gia phả học. Tinh thần yêu nước được nhà nghiên cứu soi sáng trong bối cảnh phong trào yêu nước nửa cuối thế kỷ XIX: từ phong trào của Thiên Hộ Dương và phong trào của Trương Quyền đến những liên hệ giữa căn cứ chống Pháp tại Bưng Rê (Bến Cát) của Võ Văn Nhâm với việc mở rộng phạm vi hoạt động của nghĩa quân thông qua ông Võ Văn Sót (chú ruột của Võ Văn Nhâm) dời cư về Tân Mỹ (Võ Ngọc An, 2022). Đây cũng một trong lý do khiến họ Võ ở Tân Mỹ phải đổi sang họ Lê nhưng vẫn ghi nhớ “sống Lê chết Võ”. Dường như Võ Quốc Việt muốn kết dệt hoạt động đấu tranh yêu nước của tiền nhân. Qua đó, nhà nghiên cứu trẻ muốn phản ánh thời đại mà bất cứ người dân nào ở Nam Bộ xưa đều hăng hái tham gia chiến đấu. Bấy giờ, tinh thần yêu nước không phải biểu hiện cá nhân mà trở nên nhân cách văn hóa phổ quát của con người Lục tỉnh nói chung.

Sau hết, với việc tìm hiểu nhân cách văn hóa Nam Bộ, nhà nghiên cứu Võ Quốc Việt mong mỏi thông qua đó chuyển tải bài học đạo đức nhân sinh, đồng thời thúc đẩy việc giáo dục truyền thống yêu nước thương nòi cho thế hệ tiếp nối.

Nhà phê bình trẻ Võ Quốc Việt

3. Triết lý dân gian trong đời sống văn hóa Nam Bộ

Có một số trước tác đáng kể khi tuổi đời còn khá trẻ, Võ Quốc Việt đã ghi dấu ấn nhất định trong sinh hoạt nghiên cứu văn học hiện nay ở khu vực Nam Bộ. Theo thống kê từ bài viết của nhà báo Hồ Sơn (báo Sài Gòn Giải Phóng), trong Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ X tại Đà Nẵng với “danh sách 138 đại biểu của hội nghị lần thứ 10, chỉ có 10 đại biểu thuộc chuyên ngành lý luận phê bình, và thực tế, chỉ có một số ít trong đó đã có sách” (Hồ Sơn, 2022). Ở khu vực phía Nam, những cây viết lý luận phê bình trẻ càng hiếm hoi hơn nữa. Võ Quốc Việt là một trong số ít nhà phê bình trẻ hiện nay ở Nam Bộ có công trình nghiên cứu đáng kể (2 tập sách chuyên khảo, 3 tập sách chuyển ngữ và hàng loạt công trình nghiên cứu đã công bố trong sách, báo, tạp chí khoa học, hội thảo các cấp và không gian mạng). Điều đáng nói ở đây không phải số lượng công trình đã công bố mà là niềm đam mê và nỗ lực hết mình của cây viết trẻ trong việc đóng góp sinh hoạt học thuật, nhất là góp phần giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của quê hương. Đáng chú ý hơn, ngòi bút của nhà phê bình trẻ này có khuynh hướng tìm sâu vào cơ tầng triết lý của sinh hoạt văn hóa con người Nam Bộ để phát hiện ở đó những hằng số văn hóa của dân tộc Việt.

Ở một số bài điểm sách, dù chỉ ở mức giới thiệu chia sẻ, song Võ Quốc Việt cũng bộc lộ khả năng khái quát hóa khi chỉ ra được những vấn đề lý luận có giá trị học thuật trong tác phẩm văn học. Trong lời giới thiệu Bạc Liêu truyện (2022) của nhà văn Phùng Quang Thuận, Võ Quốc Việt nhận định rằng: “Sinh cảnh Bạc Liêu (được khắc họa trong Bạc Liêu truyện) có thể xem như sinh cảnh văn hóa, gợi mở hình dung về nhân cách văn hóa. Vẻ đẹp quê hương gói trọn trong đó vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách con người xứ sở” (Võ Quốc Việt, 2022-d). Bấy giờ, nhà nghiên cứu mở rộng tầm nhìn để nhận ra trong dòng chảy tác phẩm văn học đồng thời chuyên chở dòng chảy sinh mệnh văn hóa bền bỉ của vùng đất Nam Bộ và cốt cách tâm hồn con người nơi đây. Nhà nghiên cứu trẻ đã nhận ra đằng sau các thực hành văn hóa là nền tảng tư tưởng làm riềng mối xâu kết và tạo nên dòng chảy bền bỉ theo thời gian của văn hóa dân tộc trên vùng đất Cửu Long.

Nhìn lại chiều kích thời gian của phạm vi nghiên cứu, ta có thể nhận thấy: đối tượng nghiên cứu của Võ Quốc Việt trải dài qua các thời kỳ lịch sử khác nhau của vùng đất Nam Bộ. Điều đó thể hiện trong nghiên cứu về văn hóa, văn học từ nửa cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, từ nghiên cứu văn học miền Nam (1954-1975) đến văn học Nam Bộ đương thời. Trong nghiên cứu văn học, chàng trai họ Võ nhận ra dòng sinh mệnh văn hóa và trong dòng chảy sinh mệnh văn hóa nhận ra nền minh triết làm căn cơ cho đời sống con người phương Nam. “Có lẽ, việc khơi thông các dòng chảy Cửu Long, cũng chính là giữ gìn bền vững sức sống phồn thịnh cho vận mệnh tộc Việt trên vùng đất Tây Nam bộ bây giờ và mai sau” (Võ Quốc Việt, 2021). Qua đó, nhà phê bình trẻ muốn kết nối và thúc đẩy thêm nữa dòng vận động văn học, văn hóa ở vùng đất phương Nam bằng những nỗ lực cá nhân, bằng sự kiên trì bền bỉ qua nhiều bài nghiên cứu với ý hướng nhất quán. Nhà nghiên cứu luôn cho thấy xu hướng tìm tòi, đào sâu vào vận động trừu tượng, cảm thức siêu hình ẩn chứa đằng sau văn bản và liên văn bản. Ý hướng này, ngược lại, bộc lộ nỗi hoài vọng của nhà nghiên cứu trong việc khơi thông và mở rộng thêm dòng chảy sinh mệnh văn hóa của xứ sở. Minh chứng cho ý hướng này, bạn có thể tìm thấy trong nhiều trang viết về dòng chảy tư tưởng, triết lý mà nhà nghiên cứu đã nhìn thấy trong thực hành văn hóa đời sống. Nhưng đó không phải triết lý của giới học thuật hàn lâm mà là triết lý sống của người lao động bình dân được hun đúc từ chính những sinh hoạt thường nhật hết sức gần gũi. “Triết lý này gắn bó mật thiết với phong tục tập quán, ý ăn nết ở của người nhà quê” (Võ Quốc Việt, 2023-c). Đó là “dân gian tính” và “dân gian triết”. Theo lời giới thiệu của Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh:

Tiếp cận vấn đề “dân gian triết”, Võ Quốc Việt sử dụng lối viết đơn giản. Có lẽ tác giả tập sách những mong bạn đọc nhận ra “dân gian triết” vốn dĩ hết sức đơn sơ và gần gũi. Chẳng qua, đó chỉ là những quan niệm thiết dụng trong đời sống hằng ngày, biểu hiện trong từng sinh hoạt thường nhật của người nhà quê. Và trong tâm tư người bình dân quê nhà, triết lý sống tức là sự việc đang diễn trước mắt, ở giây phút hiện tại và ngay bây giờ; không phải những khái niệm trừu tượng trường quy. Dân gian triết, trong nhãn quan kiến giải của Võ Quốc Việt, biểu hiện như “sinh thể văn hóa” sống động đang diễn tiến chứ không phải tư biện hàn lâm. Qua đó, Võ Quốc Việt còn nhấn mạnh đời sống tâm hồn người bình dân không hề cạn cợt mà ngược lại thống nhất sâu sắc bởi triết lý sống nhuần nhuyễn, xuyên suốt” (Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM, 2023).

Nhìn rộng hơn, dân gian triết cũng là một trong số hạt nhân tư tưởng, góp phần soi sáng và hình thành nhãn quan nghiên cứu của Võ Quốc Việt. Với nhãn quan đó, nhà nghiên cứu phát hiện và nhận thức được hạt nhân tư tưởng – triết lý dân gian, cụ thể hơn đó là triết lý giáo dục dân gian phổ truyền trên khắp miền sông nước Cửu Long. Từ hình thức diễn xướng dân gian “nói thơ Vân Tiên”, Võ Quốc Việt mang lại cho bạn đọc thêm góc nhìn về dòng vận động lưu hoạt của triết lý giáo dục dân gian, thấy sức sống trong hoạt động lao động sản xuất và giải trí của người Nam Bộ, thấy được cơ tầng văn hóa và tư tưởng làm chỗ dựa vững chắc cho tính cách lạc quan, tin tưởng, yêu đời và giàu nhân nghĩa của con người nơi đây.

Từ triết lý sống trong “văn bổn” Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu sau khi trở thành triết lý giáo dục dân gian trong đời sống thường ngày, nói thơ Vân Tiên đã hòa mình vào văn hóa dân gian của tộc Việt phương Nam. Đó là sự thống nhứt hài hòa tương hỗ giữa triết lý giáo dục dân gian và văn hóa dân gian, tạo thành nội lực tinh thần/khả thể sống động cho sự sinh sôi của tộc Việt – tạo thành kháng thể mạnh mẽ trước nguy cơ xâm thực văn hóa của thời toàn cầu hóa. Giữ lấy hồn quê, tiếp bước tiền nhân, góp phần giáo hóa nhân tâm-nhân tính, hậu thế bấy giờ có thể định vị tự thân trên cõi nhân sinh. Nhược bằng vong thân, sa vào vong bản, mất gốc đứt rễ, nguy cơ diệt vong thui chột nòi giống liền hiện ra trước đôi tròng mắt thịt tê dại bởi vật chất kim tiền!” (Võ Quốc Việt, 2022-c).

Từ nghiên cứu trước đó về triết lý giáo dục hiện sinh của nền giáo phương Tây, chàng trai họ Võ đã soi chiếu và phát hiện ra vốn quý sẵn có trong tâm hồn giống nòi; rồi nhận thấy di sản văn hóa đồ sộ của tiền nhân, hữu ích cho việc bồi dưỡng tâm hồn thời nay. Và không cần dưỡng chất phương xa, dòng sữa minh triết của mẹ Việt đã sẵn có vi chất cần thiết cho tâm hồn nòi giống. Cũng thông qua đó, nhà nghiên cứu nhấn mạnh thêm: triết lý giáo dục thời đại không thể không gắn kết mật thiết và hài hòa cùng văn hóa truyền thống dân tộc.

Lòng nhiệt thành ấy của Võ Quốc Việt còn biểu hiện trong việc gắn kết dòng sinh mệnh văn hóa, gắn kết truyền thống lao động sản xuất chiến đấu bảo vệ đất nước của người bình dân Nam Bộ qua bài viết “Từ Nguyễn Đình Chiểu đến Nguyễn An Ninh: Chuyển dịch hệ hình tư tưởng đấu tranh yêu nước ở Nam Kỳ nửa cuối XIX đầu XX”. Nhà nghiên cứu nhấn mạnh mối tương liên, quá trình vận động, việc chuyển dịch hệ hình tư tưởng giữa “đạo nhà-đạo đời-đạo trời của cụ Đồ Chiểu với chí cao vọng của Nguyễn An Ninh không mâu thuẫn, ngược lại tiếp nối trên dòng chảy thống nhất. Ví như kênh rạch sông nước Cửu Long, có khi minh hiển, có lúc khuất lấp dưới tàng cây tán lá đôi bờ, nhưng lúc nào cũng lặng lẽ an nhiên chuyển dịch dòng nước tư tưởng” (Võ Quốc Việt, 2023-e, tr.434) Bằng ngôn ngữ giàu tính hình tượng, cây viết trẻ chỉ ra nền tư tưởng triết lý chuyên chở sức sống dân tộc Việt ở Nam Bộ xưa nay. Đó là Đạo Nhà-Đạo Đời-Đạo Trời. “Quốc dân cơ trí trên nền ‘Đạo nhà-Đạo đời-Đạo trời’ theo đường ‘tự tôn dân tộc, khoa học hiện đại, bản lĩnh cao thượng’, rất có thể triết lý khả dụng cho nền giáo dục” (Võ Quốc Việt, 2023-e, tr.435). Từ minh triết Việt, chàng thanh niên họ Võ góp phần khêu sáng thêm nền đạo học sẵn có trong đời sống con người Nam Bộ. Và, minh triết ấy với đạo học dân gian có thể khiến ta nghĩ thêm về nền quốc học mang bản sắc dân tộc. Chất chứa trong trang viết, nhà nghiên cứu luôn cho thấy điểm tựa suy tưởng nhất quán, vững vàng. Đó là ba giá trị nòng cốt: Dân Tộc – Nhân Bản – Hiện Đại. Như Võ Quốc Việt chia sẻ:

Hiện tại cũng như sắp tới, tôi đặt mối quan tâm ở những vấn đề văn hóa xã hội (nhất là văn hóa Nam bộ trong dòng chảy truyền thống văn hóa dân tộc Việt) bên cạnh vấn đề nhân bản luận (như vấn đề đương đại được nhiều học giả quan tâm hiện nay). Bởi lẽ, văn chương hẳn nhiên phản ánh nhiều vấn đề khác nhau, nhưng vấn đề con người trong phạm vi nhân bản luận, vẫn là nền tảng trọng yếu” (Hội Nhà văn Việt Nam, 2022).

Với ý hướng đó, Võ Quốc Việt đã và đang tiếp tục khám phá sâu hơn nữa vào cơ tầng giá trị nhân bản của văn hóa Nam Bộ. Chính ở đó, bạn đọc sẽ càng nhận thức sâu sắc hơn văn hóa Nam Bộ nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung vốn tàng ẩn nền minh triết xuyên suốt, nhất quán. Một nền tảng tư tưởng nhuần nhị trong mọi sinh hoạt sống của người lao động bình dân. Thông qua nghiên cứu văn hóa truyền thống dân tộc, Võ Quốc Việt đã nhận diện và trình bày ít nhiều khía cạnh của nền dân văn, dân sử, dân triết của dân tộc Việt.

Kết luận

Tựu trung, với một số bài nghiên cứu được công bố trên không gian mạng, bạn đọc ít nhiều nhận thấy triển vọng của ngòi bút lý luận phê bình trẻ Võ Quốc Việt. Triển vọng này bộc lộ ở nhãn quan tiếp cận thực tiễn, nội lực tư duy và đặc biệt là nỗi hoài vọng cùng lòng nhiệt thành của nhà nghiên cứu họ Võ (mà có lẽ cũng là của thế hệ trẻ hôm nay) đối với sự phát triển của quê hương đất nước. Trên phương diện văn hóa, Võ Quốc Việt đã tìm lại và giữ gìn hồn cốt quê hương, giữ gìn truyền thống tốt đẹp của nhiều thế hệ tiền nhân ở địa phương và khắp miền sông nước Cửu Long. Ngoài ra, chàng trai họ Võ còn gắn kết lịch trình văn hóa của vùng đất Tân Mỹ (Đức Hòa, Long An) với lịch sử lưu dân và lịch sử đấu tranh yêu nước ở Nam Bộ nói chung.

Trong bối cảnh lịch sử đó, nhà nghiên cứu làm rõ được nhân cách văn hóa con người Nam Bộ. Từ đạo hiếu, đạo nghĩa, đạo ơn đến chất liệu cô kết là quan niệm “trọng tình”, Võ Quốc Việt định vị vai trò người phụ nữ trong cấu trúc văn hóa. Người phụ nữ Nam Bộ bấy giờ trở nên biểu tượng nhân cách cao đẹp trong thực hành văn hóa gia đình và văn hóa xã hội. Cùng với đó, tinh thần yêu nước thương nòi bộc lộ trong cuộc tranh đấu bảo vệ tổ quốc được nhà nghiên cứu minh định như là nhân cách văn hóa phổ quát trên khắp miền sông nước phương Nam.

Và điểm sáng nữa ở trang nghiên cứu của Võ Quốc Việt chính là sự hòa quyện giữa tình yêu quê hương và nỗ lực khai mở nền tảng triết lý dân gian (gồm cả đạo nhà, đạo đời, đạo trời) để hướng đến nền đạo học dân gian sâu rộng. Nhà nghiên cứu đã khai thác từ biểu hiện văn hóa đến hằng số văn hóa. Và ở trong triết lý sống nhuần nhị của dân tộc, trang nghiên cứu cho thấy sức bao chứa và chuyển hóa của minh triết dân gian vào đời sống thường nhật trên các phương diện như thế giới quan, nhân sinh quan, đạo đức quan, thẩm mỹ quan, … Đây chính là điều đáng ghi nhận hơn cả trong những bài viết nghiên cứu về văn hóa dân tộc của Võ Quốc Việt.

TRẦN BẢO ĐỊNH.

Trích nguồn: Vanvn.vn