Tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Trung Quốc hiện nay

Với bộ 03 tiểu thuyết Tam thể của Lưu Từ Hân và Bắc Kinh gấp lại của Hách Cảnh Phương liên tiếp giành được “Giải thưởng Hugo”, tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Trung Quốc ngày càng nhận được nhiều sự chú ý hơn của giới nghiên cứu và độc giả. Từ đầu thế kỷ mới, khoa học viễn tưởng Trung Quốc thực sự đã có những tiến bộ vượt bậc và đạt được những thành tựu đáng kể khi nhóm các nhà văn ngày càng phát triển, ngày càng có nhiều tác phẩm tập trung vào việc khám phá văn hóa truyền thống và cố gắng truyền tải câu chuyện Trung Quốc. Tuy nhiên, nó cũng hiện đang phải đối mặt với cả cơ hội và thách thức.

Nhà nghiên cứu Đào Văn Lưu

1. Mở đầu

Tiểu thuyết khoa học viễn tưởng của Trung Quốc có thể được xem bắt nguồn từ cuốn Tương lai Trung Quốc mới ký (1902) của Lương Khải Siêu mô tả về Trung Quốc 60 năm sau trở thành một quốc gia giàu có, một cường quốc thế giới, thực hiện chế độ quân chủ lập hiến và Tiểu thuyết Đất thuộc địa mặt trăng (1904) của Hoang Giang Điếu Tẩu đăng tải trên tờ Tú tượng tiểu thuyết viết về câu chuyện nhân vật chính người Trung Quốc chu du thế giới bằng khinh khí cầu đã trải qua hơn 100 năm phát triển. Trong thời gian này, cùng với những biến đổi xã hội, tư tưởng và xu hướng văn học, tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Trung Quốc đã sản sinh ra nhiều tác phẩm nổi tiếng, phản ánh tầm nhìn về tương lai và sự theo đuổi hiện đại của tầng lớp trí thức.

Trong cuốn Nghiên cứu về sự chuyển mình của văn học khoa học viễn tưởng Trung Quốc đương đại(1), giáo sư Chiêm Linh của Đại học Sư phạm Hàng Châu đã trình bày chi tiết về sự chuyển mình trong quá trình phát triển của tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Trung Quốc kể từ thế kỷ 20. Cuối thời nhà Thanh là giai đoạn phôi thai, đặc trưng bởi sự thống nhất vốn có giữa khoa học viễn tưởng và sự khai sáng văn hóa. Vào những năm 1950 và 1960, khoa học viễn tưởng Trung Quốc được phân loại là văn học thiếu nhi, kế thừa các đặc điểm khoa học phổ biến của văn học khoa học viễn tưởng Liên Xô. Từ cuối những năm 1970 đến đầu những năm 1980, sáng tác tiểu thuyết khoa học viễn tưởng của Trung Quốc chịu ảnh hưởng từ cuộc tranh luận về thuộc tính giá trị hiện thực của tiểu thuyết khoa học viễn tưởng giữa giới khoa học và giới văn học.

Giai đoạn đầu thế kỷ 21 là thời kỳ thịnh vượng của thể loại khoa học viễn tưởng Trung Quốc. Chủ đề, thể loại, cốt truyện, diễn ngôn và tính thẩm mỹ của tác phẩm khoa học viễn tưởng cho thấy xu hướng “làn sóng mới” thành công trong việc tiếp thu khoa học viễn tưởng hiện đại của thế giới, và một đã sản sinh ra loạt nhà văn như Lưu Từ Hân, Hàn Tùng, Hách Cảnh Phương, Trần Thu Phàm, Song Dực Mục… Ngoài ra, từ đầu thế kỷ 21, cùng với sự phát triển kiểu cộng sinh của phương tiện truyền thông mới, công nghệ mới và tiểu thuyết khoa học viễn tưởng mạng đã mang lại nhiều khả năng hơn. Tiểu thuyết khoa học viễn tưởng mạng đã phát triển nhanh chóng trong bối cảnh văn hóa “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”(1).

2. Lực lượng sáng tác ngày càng đông đảo

Tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Trung Quốc được du nhập từ phương Tây vào cuối thời nhà Thanh khi Trung Quốc buộc phải mở cửa đã trải qua nhiều thăng trầm trong hơn 100 năm phát triển. Giới nghiên cứu tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Trung Quốc đã chia lực lượng sáng tác trong hơn một thế kỷ qua thành năm thế hệ với những đặc trưng khác biệt đáng kể:

Thế hệ ban đầu là những nhà văn thời kỳ cuối nhà Thanh và đầu Dân quốc (tiêu biểu có Lương Khải Siêu); thế hệ trung hưng từ khi thành lập nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đến những năm 70 như Trịnh Văn Quang (1929 – 2003); thế hệ mới cuối thế kỷ XX như Lưu Từ Hân; thế hệ canh tân xuất hiện trong khoảng mười năm đầu tiên của thế kỷ XXI như Hách Cảnh Phương; thế hệ hoàn toàn mới là từ thập kỷ thứ 2 của thế kỷ XXI trở đến thời kỳ hoàng kim của tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Trung Quốc.

Ranh giới của năm thế hệ nhà văn khoa học viễn tưởng này về cơ bản là rõ ràng, nhưng cũng có một số khá mờ nhạt. Ví dụ, giữa thế hệ mới và thế hệ canh tân, và giữa thế hệ canh tân và thế hệ hoàn toàn mới, có một số mơ hồ trong việc họ thuộc thế hệ nào. Sự xuất hiện của một thế hệ nhà văn mới không có nghĩa là sự sụp đổ của thế hệ trước hoặc các thế hệ nhà văn khoa học viễn tưởng trước đó.(2)

Các thế hệ nhà văn khoa học viễn tưởng thế hệ mới, là những nhà văn sinh vào khoảng từ năm 1940 đến những năm 1970, có độ chênh lệch tuổi tác khá lớn. Tuy nhiên, thế hệ này, phần lớn chỉ bắt đầu tham gia sáng tác hoặc đạt đến đỉnh cao vào những năm 1990, bản sắc khá đa dạng. Thế hệ nhà văn này đưa ra lý luận “khoa học viễn tưởng hạt nhân”, chủ trương tiểu thuyết khoa học viễn tưởng là văn học không phải thứ khoa học phổ thông trên cơ sở nhận thức chung, một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng cần phải có hạt nhân của một môn khoa học liên quan, tức là phải có cấu tứ khoa học viễn tưởng hay. Mặc dù có những người như Vương Tấn Khang (1948) và Lưu Từ Hân (1963) xuất thân là kỹ sư, nhưng các nhà văn xuất thân từ khoa học công nghệ không còn là lực lượng chủ chốt nữa. Một số lượng lớn tác giả làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau và có những trải nghiệm sống độc đáo.

Chủ đề và phong cách sáng tác rất đa dạng, khiến cho tiểu thuyết khoa học viễn tưởng của thế hệ này trở nên phong phú, nhiều màu sắc. Những nhân vật tiêu biểu bao gồm Hà Tịch (1971), Vương Tấn Khang, Lưu Từ Hân, Hàn Tùng (1965), Ngô Nham (1962), Trịnh Quân (1969), Liễu Văn Dương (1970), Phan Hải Thiên (1975-2007), Dương Bằng (1972), Lăng Thần (1972), Triệu Hải Hồng (1977), Dương Học Quân (1972) v.v. (1) Hầu hết các nhà văn thế hệ mới đều là người hâm mộ khoa học viễn tưởng từ nhỏ. Họ tin rằng khoa học viễn tưởng có giá trị vượt ra ngoài các thể loại văn học thông thường và theo thời gian, khoa học viễn tưởng Trung Quốc chắc chắn sẽ được nâng lên tầm thế giới. Mong ước này cuối cùng đã thành hiện thực vào năm 2015, khi bộ tiểu thuyết Tam thể của Lưu Từ Hân giành giải thưởng Hugo.

Thế hệ canh tân hay còn được gọi là “thế hệ sinh sau”, “thế hệ sau thế hệ mới”, bao gồm các nhà văn như Trần Thu Phàm (1981), Hách Cảnh Phương (1984), Trình Thanh Ba (1984), Tạ Vân Ninh (1982), La Long Tường (1982), Trần Tây (1986),… Thế hệ canh tân này trên cơ sở kế thừa quan niệm sáng tác của các nhà văn thế hệ mới, nền tảng khoa học kỹ thuật đã được cập nhật sâu rộng hơn, tầm nhìn về khoa học viễn tưởng cũng được mở rộng hơn và bắt đầu hình thành phong cách độc đáo riêng có như “khoa học viễn tưởng chủ nghĩa hiện thực ” của Trần Thu Phàm, “tiểu thuyết khoa học viễn tưởng kiểu không loại hình” của Hách Cảnh Phương. Nhà văn thế hệ canh tân này bắt đầu sáng tác trong giai đoạn từ đầu thế kỷ XXI trở đi. Họ kiên trì khái niệm sáng tạo cá nhân hóa, và bắt đầu hành trình sáng tác tiểu thuyết khoa học viễn tưởng với thái độ đa nguyên hơn, cởi mở hơn cùng trí tưởng tượng bay bổng.

So với các nhà văn thế hệ mới, các nhà văn thế hệ canh tân này ngoài sự khác biệt về tuổi tác ra, còn khá nhiều điểm khác biệt về phong cách và chủ đề sáng tác. Ví dụ, hầu hết các nhà văn thế hệ canh tân đều có trình độ đại học trở lên và được đào tạo mang tính hàn lâm hơn; không ít nhà văn chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, truyện tranh và các tác phẩm điện ảnh, truyền hình trong và ngoài nước; so với các nhà văn thế hệ mới kiên trì sáng tác tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, các nhà văn thế hệ canh tân không ngần ngại viết cả truyện kỳ ảo, thậm chí các loại tiểu thuyết khác như võ hiệp và trinh thám.

Trong 10 năm đầu tiên của thế kỷ XXI, ngoài sự xuất hiện của 22 cây viết nổi tiếng còn có các nhà văn nghiệp dư khác như Ân Băng Phong, Mã Bá Dũng, Nghiêm Lôi Thắng cũng như khoảng hơn 600 người sáng tác khác có tác phẩm xuất bản trên hai tạp chí khoa học viễn tưởng chuyên nghiệp của Trung Quốc là Thế giới khoa học viễn tưởng và Khoa học viễn tưởng mới,…(1) Mặc dù đầu thế kỷ 21 đã xuất hiện một thế hệ nhà văn canh tân đặc sắc, nhưng thế hệ mới không hề rút lui khỏi sân khấu lịch sử, mà ngày càng trở nên dũng mãnh hơn, tiếp tục dẫn dắt hướng đi của tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Trung Quốc. Thế hệ nhà văn canh tân này cùng với thế hệ nhà văn mới đưa khoa học viễn tưởng Trung Quốc vào giai đoạn trưởng thành, đặt nền móng cho sự gia nhập thế giới.

Thế hệ hoàn toàn mới là những nhà văn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng mới sắc sảo xuất hiện trong giai đoạn hoàng kim của tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Trung Quốc. Hầu hết họ đều sinh vào những năm 1980 và 1990, có điểm xuất phát cao, không ít tác phẩm của họ được dịch sang tiếng nước ngoài. Những tác giả này có sức viết khỏe, như Bảo Thụ (tức Lý Tuấn, 1980) với tiểu thuyết Tam thể XTàn tích thời gian; Vực thẳm thời gian của Phó Cường (1983); Tấn Dương tuyết dày ba tấc, Năm mất mùa của Trương Nhiễm (1981); Khảm hợp thể của Cố Thích (1985); Trở về điểm ban đầu của Trần Diệc Lộ (1989); Quyết không thỏa hiệp, Mười hai lăng mộ nhà Kim của Quế Công Tân (1983); Xuất ba biệt ký của Tố Hà Phu (1991); Xin chào, nói chuyện với người ngoài hành tinh của Liêu Thư Ba (1988); Đêm giáng sinh của Thái Nghệ (1987); Bắc cực vãng sự của Tôn Vọng Lộ (1992); Biên giới của Trần Hồng Tường (1988); Hỏa tinh cô nhi của Lưu Tường (1986), và 25 ngôi sao triển vọng khác.

Hoàn cảnh xã hội của họ là giai đoạn tốt nhất trong lịch sử. Thứ nhất, lĩnh vực xuất bản khoa học viễn tưởng tiếp tục mở rộng. Ngoài Thế giới khoa học viễn tưởng, Khoa học viễn tưởng mới và các nhà xuất bản tư nhân xuất bản các tác phẩm khoa học viễn tưởng ra, nhiều tạp chí văn học nổi tiếng quy mô lớn bắt đầu in tiểu thuyết và sách khoa học viễn tưởng. Thứ hai, “Giải thưởng Tinh vân khoa học viễn tưởng Trung Quốc toàn cầu” có ảnh hưởng toàn cầu đã được tổ chức. Ngoài “Giải thưởng Thiên hà” của tờ Thế giới khoa học viễn tưởng, Trung Quốc còn có giải thưởng khuyến khích khác dành cho các tác phẩm và nhà văn khoa học viễn tưởng – “Giải thưởng Tinh vân tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Hoa ngữ toàn cầu”, thúc đẩy sự trỗi dậy của khoa học viễn tưởng Trung Quốc. Thứ ba, với việc Lưu Từ Hân và Hách Cảnh Phương giành được Giải thưởng Hugo, chính phủ bắt đầu chú ý đến khoa học viễn tưởng, khiến cơn sốt này tiếp tục lên men. Thứ tư, việc thành lập một số lượng lớn các giải thưởng chính thức và tư nhân nhằm mục đích bồi dưỡng các tài năng khoa học viễn tưởng mới đã phá vỡ thế khó của Thế giới khoa học viễn tưởng chỉ bồi dưỡng các tài năng khoa học viễn tưởng, khiến cho một số lượng lớn các ngôi sao khoa học viễn tưởng xuất chúng trên cơ sở hàng chục nghìn nhà văn khoa học viễn tưởng mỗi năm đã xuất hiện. Tất cả điều này đã đưa tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Trung Quốc bước vào thời kỳ hoàng kim.

Bên cạnh đó, phải kể đến nhóm nhà văn nữ bắt đầu nổi lên trong giai đoạn này. Trong hơn 100 năm lịch sử khoa học viễn tưởng của Trung Quốc, hầu hết các tác phẩm đều do các tác giả nam sáng tác. Phải đến giai đoạn này, một nhóm các nhà văn nữ xuất sắc mới bước vào lĩnh vực khoa học viễn tưởng và thể hiện phong cách độc đáo. Những người giỏi nhất trong số họ là: Lăng Trần, Triệu Hải Hồng, Tiền Lợi Phương, Hạ Gia, Trì Huệ, Thành Tĩnh Ba, Mộ Minh, v.v… Họ kết hợp chuyên môn của mình với sự tinh tế và gu thẩm mỹ độc đáo của phụ nữ để tạo nên một loạt tác phẩm khoa học viễn tưởng nổi tiếng. Ví dụ, Thiên ý (2004) của Tiền Lợi Phương đã gây chấn động toàn quốc và đạt doanh thu cao nhất trong thể loại khoa học viễn tưởng kể từ năm 1983; tác phẩm Để chúng ta nói (2015) của Hạ Gia được giới thiệu trong mục khoa học viễn tưởng của tờ Tự nhiên, tạp chí học thuật hàng đầu thế giới. Tiểu thuyết Nước cạn đá trơ (2015) của Lý Điềm là tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đầu tiên của Trung Quốc được xuất bản trên tạp chí Tự nhiên này.

3. Khai thác văn hóa truyền thống và câu chuyện Trung Quốc

Sau cải cách mở cửa, sáng tác tiểu thuyết khoa học viễn tưởng dần khai thác yếu tố văn hóa truyền thống, cho ra đời một nhóm tác phẩm khoa học viễn tưởng mang nhiều đặc điểm dân tộc và phong cách Trung Quốc hơn.

Từ năm 1991, tạp chí Thế giới khoa học viễn tưởng đã xuất bản một số tiểu thuyết khoa học viễn tưởng có chủ đề thần thoại và lịch sử, như Truyền kỳ ngọn núi trong sương mù (1991) của Lưu Hưng Thi, Tình yêu Nữ Oa (1991) của Tinh Tĩnh, Mang đàn bay lên trời (1991) của Tư Dân Quân,… Thể loại tác phẩm này khám phá truyền thống văn hóa Trung Hoa, sử dụng các kỹ thuật khoa học viễn tưởng để viết lại lịch sử dân tộc, nêu bật tình cảm nhân văn, phản ánh sự lo lắng của giới trí thức về cuộc khủng hoảng bản sắc dân tộc mà Trung Quốc đang phải đối mặt trong quá trình toàn cầu hóa và thể hiện một phong cách độc đáo.

Tiểu thuyết Phục Hy (1996) của Giang Tiêm Ly cho thấy tình cảm gắn bó sâu sắc với nền văn hóa dân tộc truyền thống Trung Hoa. Tác giả thông qua cuộc đối thoại mang phong cách “thiền cơ” giữa nền văn minh cổ đại và nền văn minh khoa học công nghệ hiện đại, phê phán sự kiêu ngạo và bốc đồng của xã hội hiện đại. Cuộc chiến không gian tam quốc (1997) của Dương Bằng xuất phát từ lập trường con người hiện đại, diễn giải những giai thoại lịch sử và câu chuyện thần thoại Trung Quốc. Bước vào thế kỷ XXI, tiểu thuyết Ký ức Thượng Hải năm 1938 (2006) của Hàn Tùng, Người chinh phục (2015) của A Khuyết dùng hình thức “sai lệch lịch sử” để đưa ký ức dân tộc đến một khả năng khác của lịch sử.

Nỗ lực tự khám phá dựa trên văn hóa dân tộc này không chỉ giành được sự yêu thích của độc giả Trung Quốc mà còn nhận được lời khen ngợi từ các nhà văn khoa học viễn tưởng ở nước ngoài. Các tác phẩm đoạt giải thưởng như Tam thể của Lưu Từ Hân và Họa sĩ không gian thời gian của Hải Nhai đều mang đậm dấu ấn văn hóa Trung Hoa. Đọc lượt qua một số tác phẩm này cũng dễ dàng thấy sự thay đổi rõ ràng so với trước đây: Bối cảnh câu câu chuyện đã chuyển từ các nước có mật danh thường thấy sang Trung Quốc đại lục, tên nhân vật cũng từ các tên nước ngoài như Tom, Smith thành tên quen thuộc với người dân Trung Quốc (như Diệp Văn Khiết, La Tập, Chương Bắc Hải, Trình Tâm, Vân Thiên Minh, …). Trong tiểu thuyết còn không ít những cảnh và chi tiết mang đậm dấu ấn Trung Quốc. Về giá trị quan cũng phản ánh màu sắc của văn hóa Trung Hoa. Như “linh hồn côn trùng” của Sử Cường phản ánh tinh thần kháng cự và tính bền bỉ sinh tồn trong thần thoại Trung Quốc như “Khoa Phụ đuổi theo mặt trời”, “Hậu Nghệ bắn mặt trời”, điều này hoàn toàn trái ngược với những câu chuyện thờ thần mặt trời và cầu nguyện sự cứu rỗi của chúa trời trong thần thoại nước ngoài, tạo nên sự mới mẻ, sinh động. Những tác phẩm này đã không chỉ giúp độc giả Trung Quốc cảm thấy gần gũi hơn mà còn khiến độc giả nước ngoài đánh giá cao những nét độc đáo của văn hóa Trung Quốc.

Mặc dù khi sáng tác Lưu Từ Hân chưa bao giờ cân nhắc đến việc làm nổi bật “đặc sắc Trung Quốc”, ông cho rằng tiểu thuyết khoa học viễn tưởng là thể loại văn học mang tính toàn cầu có nguồn gốc từ phương Tây, nhưng trong tiểu thuyết của Lưu Từ Hân luôn bao hàm “tính Trung Quốc” một cách sâu đậm. Như Phi Đan đã nói: “Không phải chỉ có cung điện nhà Thanh, châm cứu, cao lương đỏ, thập bát long hàng chưởng mới là những đặc điểm duy nhất của Trung Quốc. Tàu vũ trụ Thần Châu, Thỏ Ngọc, quan niệm phát triển khoa học cũng là đặc sắc Trung Quốc… ‘Trung Quốc’ vốn cũng không phải là một vùng đất, dân tộc, ngôn ngữ hoặc văn hóa bất biến, mà là sự theo đuổi và kết quả không ngừng hướng thượng trong quá trình của nhiều thế hệ người dân Trung Quốc cùng chung sống và tồn tại. Cái gọi là khoa học viễn tưởng phản ánh tiến trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và toàn cầu hóa của chủ nghĩa tư bản hiện đại khởi xướng, nó xung đột với tình cảm, giá trị và phương thức sống cũng như văn hóa truyền thống nhân loại. Cái gọi là tính Trung Quốc lại là sản phẩm của đối thoại, tác động cũng như tự mình đổi mới trong tiến trình này, và nó đã tạo nên tính phức tạp, đa dạng, khác biệt với phương Tây. Sau khi bước vào thế kỷ mới, đã xuất hiện một loạt tiểu thuyết phản ánh hiện thực phức tạp mà Trung Quốc phải đối mặt trong tiến trình toàn cầu hóa”. (1)

Tiểu thuyết Tam thể của Lưu Từ Hân mở đầu bằng “mười năm Đại cách mạng Văn hóa tai ương”, đây cũng là yếu tố trực tiếp dẫn đến cuộc xâm lược trái đất của người Trisolaris. Lấy lịch sử độc đáo của Trung Quốc làm bối cảnh để xây dựng một thực tế khác, giải thích “nguy cơ ngày tận thế” do sự thiếu nhân tính gây ra, tưởng tượng về phản ứng và vai trò của Trung Quốc khi đối mặt với các cuộc khủng hoảng toàn cầu trong tương lai. Lưu Từ Hân sử dụng trí tưởng tượng khoa học viễn tưởng siêu phàm để tái hiện hiện thực.

Trong Mặt trời Trung Quốc (2002), Lưu Từ Hân kể về câu chuyện của một nhân vật bình thường Thủy Oa rời khỏi vùng nông thôn đến thành phố, cuối cùng đã hy sinh mạng sống để dự án mặt trời của Trung Quốc bay ra khỏi hệ mặt trời. Trong đó, những người lao động nhập cư như Thủy Oa, cùng với tiến trình hiện đại hóa Trung Quốc, tầm nhìn đã không ngừng được mở rộng, thế giới quan và nhân sinh quan cũng có những thay đổi to lớn. Trong Giáo viên nông thôn (2001) Lưu Từ Hân chỉ ra sự yếu kém của giáo dục nông thôn và sự lạc hậu về kinh tế và tư tưởng ở một số vùng. Trong quá trình đô thị hóa, việc phải đối mặt và giải quyết vấn đề chênh lệch thành thị – nông thôn là điều không thể tránh khỏi. Lưu Từ Hân so sánh hiện thực tối tăm với tình tiết lý tưởng hóa lớn lao để nêu bật tầm quan trọng của giáo dục cơ sở.

Tiểu thuyết Đời kiến (2007) của Vương Tấn Khang cũng đặt câu chuyện vào bối cảnh lịch sử của “mười năm Đại cách mạng Văn hóa tai ương”, sử dụng mô hình phát triển hài hòa của xã hội loài kiến để hòng tạo ra một xã hội con người giống hệt như vậy. Bằng cách tiêm vào những thanh thiếu niên trí thức “nhân tố kiến”, mong muốn không cần phải giáo dục hay hạn chế mà có thể xóa nhòa bản tính ích kỷ của họ, xây dựng một xã hội chủ nghĩa vị tha không tưởng. Trong Gieo hạt thủy ngân (2017), Vương Tấn Khang đã sáng tạo ra một loại sự sống mới từ natri-silicon-thiếc. Sinh vật nano giống như amip này kết hợp các khái niệm về cơ giới và sự sống thành một. Con người đưa sinh mệnh kiểu mới này lên Sao Thủy và để nó tự tiến hóa, nhưng cuối cùng sinh mệnh mới này lại giết chết con người bảo vệ chúng. Cái kết cuối cùng vẫn chứa đựng ẩn dụ về “mười năm Đại cách mạng Văn hóa thảm họa”. Tiểu thuyết của Lưu Từ Hân và Vương Tấn Khang thiên về từ góc nhìn vĩ mô, thông qua sự đan xen giữa lịch sử và tương lai để cảnh báo hiện thực.

So với Lưu Từ Hân và Vương Tấn Khang, tiểu thuyết khoa học viễn tưởng của Hàn Tùng có phần “hiện đại” hơn. Ông sử dụng những phương thức tự sự mơ hồ, quanh co và ẩn kín để phơi bày những vấn đề khác nhau mà xã hội Trung Quốc gặp phải trong quá trình hiện đại hóa, cũng như sự lệch lạc mà công nghệ mang lại cho một số người. Từ Tàu điện ngầm (2010), Tàu cao tốc (2020) đến Đường ray (2024), tất cả đều xoay quanh câu chuyện về người dân Trung Quốc bị mắc kẹt trong phương tiện giao thông khép kín. Tàu điện ngầm tưởng tượng ra một tương lai quái đản, đất nước phải đối mặt với một thảm họa thần bí. Mọi người hoảng sợ tranh nhau mua vé lên phi thuyền vũ trụ của người nước M hòng tránh được thiên tai này. Tuy nhiên, không ai biết thảm họa sắp xảy ra là gì, thậm chí có người còn nghi ngờ rằng thảm họa này có thể do người M gây ra. Những người không mua được vé chỉ còn biết trốn xuống tàu điện ngầm, sau đó mãi mãi họ sống trong những đường hầm tối tăm. Nhiều năm sau, một số người cuối cùng đã bò ra khỏi đường hầm và ngạc nhiên khi thấy thế giới trên mặt đất đã bị “dị tộc” trông rất khác so với họ chiếm đóng. Một nhóm người khác bị đuổi khỏi trái đất và phải sống cuộc sống khó khăn trong vành đai tiểu hành tinh. Tàu cao tốc lại tưởng tượng ra một tương lai nơi con người sống trong những toa tàu cao tốc không bao giờ dừng lại. Những thay đổi đột ngột khiến những người trong toa tầu hoảng loạn, nhưng họ không hề biết trước thảm họa sắp xảy ra. Hành khách cũng có nhiều ý kiến khác nhau về bản chất và nguồn gốc của tàu cao tốc. Tiểu thuyết của Hàn Tùng nhắc nhở mọi người phải cảnh giác với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ. Ông sử dụng hình ảnh đoàn tàu trật bánh như một ẩn dụ cho nền văn minh hiện đại. Đoàn tàu liên tục tăng tốc và mở rộng nhưng không có phương hướng, giống như con người chạy loạn xạ trong quá trình hiện đại hóa, nếu không cẩn thận có thể mất phương hướng.

Trong sê ri 03 tập Bệnh viện (gồm Bệnh viện, Đuổi tà, Vong linh được xuất bản trong các năm từ 2016 đến 2018), Hàn Tùng lại tập trung vào chủ đề nóng hổi về cải cách y tế và xung đột giữa bác sĩ và bệnh nhân. Bệnh viện mô tả một loạt các mối quan hệ phức tạp giữa con người hiện đại và bệnh viện, thậm chí mở rộng đến mức xem toàn bộ vũ trụ là một bệnh viện lớn và mỗi cá nhân không thể sống thiếu thuốc. Tập Đuổi tà giới thiệu các công nghệ tiên tiến như quản lý bệnh viện, xung đột giữa bác sĩ và bệnh nhân và trí tuệ nhân tạo vào y học, sử dụng phương pháp ngụ ngôn và góc nhìn độc đáo để suy nghĩ về sự khống chế của “dữ liệu lớn” trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo khiến cuộc sống có những thay đổi lớn lao. Điều mà Hàn Tùng mong muốn thể hiện và khám phá trong bộ tiểu thuyết này là liệu thành phố này có trở thành một bệnh viện lớn hay không? Liệu bệnh viện có phá hủy gia đình không? Liệu bác sĩ và bệnh nhân có thể trở thành một không? Bệnh tật có bị tiêu trừ hay những căn bệnh mới không thể kiểm soát sẽ xuất hiện? Ở đây vừa có cả vấn đề về công nghệ và xã hội. Hàn Tùng luôn nhấn mạnh vào việc đưa những câu chuyện Trung Quốc mà ông chứng kiến vào trang sách và đưa nhiều hàm tư tưởng vào truyện khoa học viễn tưởng. Mặc dù tiểu thuyết của Hàn Tùng có vẻ không giống “khoa học viễn tưởng”, nhưng thực ra chúng phù hợp nhất với định nghĩa về khoa học viễn tưởng của Dazko Suvin. Học giả Tống Minh Vĩ bình luận về tiểu thuyết của Hàn Tùng: “Những cảnh siêu thực kỳ lạ có vẻ vô lý, nhưng chúng truyền tải sự thật vô hình trong văn học hiện thực”.(1)

Nếu như Lưu Từ Hân, Vương Tấn Khang và Hàn Tùng đều gián tiếp quan tâm đến thực tế hiện tại theo một cách riêng, thì tiểu thuyết của Hách Cảnh Phương và Trần Thu Phàm lại trực tiếp thể hiện xã hội và cuộc sống của những người bình thường bị giam cầm, kẹt cứng trong công nghệ, từ đó đưa ra những dự đoán và suy ngẫm về tương lai. Trong Bắc Kinh gấp lại (2012) thiết kế ra thành phố mà con người bị chia thành ba loại giai tầng ở trong ba không gian vật lý khác nhau. Cốt lõi của câu chuyện là khám phá sự khác biệt trong đời sống của những người đến từ ba tầng lớp khác nhau, đi sâu tìm hiểu sự phân hóa “quyền lợi suy nghĩ” sẽ mang lại những ảnh hưởng thế nào, và thành phố gập lại tương lai sẽ đi về đâu. Hách Cảnh Phương sử dụng “một hình thức khác với hiện thực để tìm tòi một khả năng nào đó của hiện thực”, sử dụng khoa học và công nghệ làm nơi ươm mầm, và quan sát sự phát triển của nhân tính và xã hội trong những hoàn cảnh giả định cao độ. Có thể nói đây là tác phẩm tiêu biểu của chủ nghĩa “khoa học viễn tưởng hiện thực”.(2)

Trong Hoang triều (2019), Trần Thu Phàm miêu tả về những con người thu gom rác ở làng Hạ Long một cách đáng kinh ngạc. Sự phát triển của khoa học và công nghệ ngoài việc nới rộng khoảng cách giữa con người với con người, sự giàu có, trình độ giáo dục ra, nó còn làm tăng thêm sự khác biệt của các chức năng cơ thể. Mặc dù Hoang triều mang phong cách “cyberpunk”, phong cách tự sự cũng mang hơi hướng phương Tây rõ rệt, nhưng việc khám phá công nghệ, tài nguyên, môi trường, gia tộc và giai cấp trong tiểu thuyết lại bắt nguồn sâu sắc từ thực tế Trung Quốc. Trần Thu Phàm đã nêu ra những vấn đề cấp bách nhất của thời đại theo góc nhìn khoa học viễn tưởng, thực hiện hoàn hảo lời khẳng định “khoa học viễn tưởng là chủ nghĩa hiện thực vĩ đại nhất của nhân loại”. Ngoài ra, trong Người người đều yêu Charles (2023) của Bảo Thụ miêu tả về “cảm giác phát sóng trực tiếp”, khiến mọi người nghĩ đến công nghiệp livetream đang phát triển rầm rộ ở Trung Quốc hiện nay.

4. Sự trỗi dậy của tiểu thuyết khoa học viễn tưởng mạng

Tiểu thuyết khoa học viễn tưởng mạng trước nay luôn bị xem là một thể loại phụ, “ở bên rìa của rìa”. Mặc dù sau này có nhiều tác giả, số lượng tác phẩm lớn và lượng độc giả đông đảo, nhưng nó vẫn chưa thu hút được sự chú ý rộng rãi từ các nhà phê bình văn học hàn lâm, và ngay cả giới khoa học viễn tưởng truyền thống cũng không chú ý nhiều đến nó. Tuy nhiên, những năm gần đây đã có sự phát triển mạnh mẽ. Theo Báo cáo nghiên cứu phát triển văn học mạng Trung Quốc năm 2022 do Viện Khoa học xã hội Trung Quốc công bố, chủ đề khoa học viễn tưởng đã trở thành một trong năm thể loại chính của văn học mạng. Trên nhiều nền tảng văn học mạng như Khởi điểm (qidian.com), Hồng tụ thiêm hương (hongxiu.com), Tung hoành (zongheng.com), v.v… dễ dàng tìm thấy các mục dành riêng cho khoa học viễn tưởng. Trong những năm qua, nhiều tác phẩm xuất sắc đã được ra đời, như Truyền kỳ người lính nhỏ của Huyền Vũ, Gió bão cuộc chiến vì sao của Cổ Lâu Tinh Linh, Tiến hóa cuối cùng của Quyển Thổ, Trông nhìn nghe sinh vật lạ của Viễn Đồng, Quay trở lại ngàn năm của Hỏa Trung Vật, Tôi sống ở Nam Kinh của Thiên Thụy Thuyết Phù, … trong đó, có không ít tác phẩm đã được in xuất bản thành sách, dựng thành phim, trò chơi điện tử, thậm chí có ảnh hưởng rộng rãi ở nước ngoài. Điều đáng khen ngợi là các tác phẩm này đã đóng góp những phương thức tự sự mới, như “dòng trò chơi nâng cấp”, “dòng du hành thời gian”, “dòng tận thế vùng đất hoang”, “dòng tiến hóa và đột biến”, “dòng vô hạn”,… cùng với số lượng tác phẩm đồ sộ, nuôi dưỡng vô số độc giả khoa học viễn tưởng.(1)

Không giống như các nhà văn thế hệ canh tân, mặc dù hầu hết các tác giả khoa học viễn tưởng mạng cũng là những người trẻ tuổi, nhưng họ không có trách nhiệm rõ ràng trong việc kế thừa nền tảng khoa học viễn tưởng. Động lực sáng tạo của họ chủ yếu là để giải tỏa cảm xúc và mong muốn được thể hiện bản thân, là một hình thức thể hiện “chơi văn học” mạng. Nhằm thu hút độc giả và có thêm nhiều lượt xem, các tác giả truyện khoa học viễn tưởng mạng tích cực lồng ghép các yếu tố như kỳ ảo và hồi hộp khiến độc giả hoa mắt chóng mặt. Hơn nữa, nhờ phản hồi tức thời từ các kênh trực tuyến, tác giả sẽ là người đầu tiên thấy bình luận của độc giả về tác phẩm của mình, kịp thời tương tác, và thậm chí điều chỉnh quá trình sáng tác sau đó cho phù hợp. Những đặc điểm này khác với những sáng tạo khoa học viễn tưởng truyền thống.

Mặc dù văn học khoa học viễn tưởng mạng đã đạt được những thành quả rực rỡ, nhưng nó cũng có nhiều vấn đề như, vì số lượng chữ trong một tác phẩm có liên quan đến thu nhập cho nên một số tác giả có thể cập nhật khoảng 10.000 từ mỗi ngày và tác phẩm dễ dàng đạt tới dung lượng một triệu từ. Với chế độ viết “năng suất cao” như vậy sẽ không hy vọng cải thiện được chiều sâu tư tưởng và giá trị văn học. Có thể thấy trước rằng mô hình sản xuất văn bản theo chiều hướng đi xuống như vậy tự nhiên sẽ tạo ra một lượng lớn tác phẩm mang tính mì ăn liền, và nhanh chóng bị lãng quên.

5. Kết luận

Bước vào thế kỷ XXI, cùng với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ, không gian tưởng tượng của các nhà văn khoa học viễn tưởng ngày càng mở rộng, hầu hết họ đều có nền tảng kỹ thuật vững chắc và nắm bắt công nghệ tiên, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và điều kiện tiên quyết cho việc sáng tác. Về mặt chủ thể sáng tạo, nhóm nhà văn đang ngày càng phát triển, các nhà văn ngày càng chú ý đến việc khám phá văn hóa truyền thống, và tái hiện một cách sinh động. Đằng sau sự tưởng tượng khoa học là sự hiểu biết về cuộc sống thực và suy nghĩ về thế giới xung quanh. Chính việc xoay quanh giữa trí tưởng tượng và thực tế, đồng thời dùng những phương thức khác nhau thể hiện các loại hoàn cảnh gặp phải trong quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc đã tạo nên “tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Trung Quốc” đặc sắc.

Tuy nhiên, ngoài những thành tựu đáng chú ý tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Trung Quốc cũng còn nhiều lo ngại tiềm ẩn, như: Sự phát triển của khoa học viễn tưởng đương đại được thúc đẩy bởi nhiều động lực trong bối cảnh nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, nhưng có vẻ như không có động lực nào là hoàn hảo và luôn có những thiếu sót. Giới nghiên cứu văn học Trung Quốc cho rằng có ít nhất ba vấn đề đáng được quan tâm: Thứ nhất, tác dụng phụ của tạp chí khoa học viễn tưởng giống như một con dao hai lưỡi. Mặc dù có vai trò tích cực, nhưng nó cũng cản trở sự phát triển đa dạng của khoa học viễn tưởng; thứ hai, sự cám dỗ của danh tiếng và tiền bạc trong cơn sốt khoa học viễn tưởng đã dẫn đến thành công nhanh chóng và lợi ích tức thời của việc xuất bản sách./.

ĐÀO VĂN LƯU

Nguồn: vanvn.vn

————————————–

Tài liệu tham khảo

1.Nghiên cứu về sự chuyển hình của tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Trung Quốc đương đại của Chiêm Linh (nhà xuất bản Khoa học xã hội Trung Quốc xuất bản năm 2022) (詹玲: 当代中国科幻小说转型研究, 中国社会科学出版社, 2022).

2.Tiểu thuyết khoa học viễn tưởng của Lưu Từ Hân và hiện trạng văn hóa Trung Quốc đương đại của Thạch Hiểu Nham chủ biên (nhà xuất bản Khoa học xã hội Trung Quốc xuất bản năm 2018) (石晓岩: 刘慈欣科幻小说与当代中国的文化状况, 中国社会科学出版社, 2018).

3.Bình thuật nghiên cứu tiểu thuyết khoa học viễn tưởng của Lưu Từ Hân từ thế kỷ mới đến nay của Trần Phương Tề và Trương Thạch Tuyền đăng trên Khoa hổ sáng tác năm 2020 (陈方齐 张岩泉: 新世纪以来刘慈欣科幻小说研究述评, 科普创作, 2020).

4.Bàn về đặc trưng của nghiên cứu tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Trung Quốc thế kỷ 21 của Phương Châu đăng trên Giang Hán luận đàn (方舟 : 21世纪中国科幻小说研究特征论, 江汉论坛2022年02期).

5.Nghiên cứu chủ nghĩa hiện thực khoa học viễn tưởng Trung Quốc trong thế kỷ mới của Vương Học Dao thuộc đại học Diên Biên Trung Quốc (王学瑶: 新世纪中国科幻现实主义研究, 延边大学硕士学位论文, 2023).

6.Giá trị văn họcvà phê bình thẩm mỹ của tiểu thuyết khoa học Trung Quốc của Vương Vệ Anh đăng trên Trung Châu học báo năm 2008 (王卫英: 中国科幻小说的文学价值与审美批评,中州学刊, 2008年).

7.Hiện trạng và triển vọng của tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Trung Quốc từ thế kỷ mới đến nay của Nhiệm Hàn Mai (任冬梅, 新世纪以来中国科幻小说的现状及前景, 当代文坛, 2018年07月17日).

8.Trung Quốc chuyển hướng ngoại tại: Bàn về ý nghĩa lịch sử của tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Lưu Từ Hân (李广益:中国转向外在:论刘慈欣科幻小说的文学史意义.《中国现代文学研究丛刊》2,2019).

9.Có thể có một kiểu Chủ nghĩa hiện thực khoa học viễn tưởng hay không? của Tùng Trị Thần rên Quang Minh nhật báo 2016 (丛治辰《可不可以有一种“科幻现实主义”?》光明日报, 2016)

10. Suy nghĩ lại về chủ nghĩa hiện thực khoa học viễn tưởng của Trần Thu Phàm trên Danh tác hân thưởng năm 2013 (陈楸帆:《对“科幻现实主义”的再思考》, 名作欣赏, 2013).

11.Truyện khoa học viễn tưởng Trung Quốc đương đại lịch sử, diện mạo và đặc trưng thi pháp của Nguyễn Thị Minh Thương, Tạp chí Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật, số 9/2023.