Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vinh (ĐH Harvard, hiện đang giảng dạy ở ĐH Columbia) bắt đầu nghiên cứu về thế giới đồng tính trong văn học Việt Nam từ khá sớm, đầu những năm 90. Nhưng phải đến khi “gặp” được những tác phẩm của Bùi Anh Tấn, lối đi này của anh mới được tô đậm và trở thành một công trình dài hơi.
Nhân dịp về Việt Nam, TS Nguyễn Quốc Vinh đã dành cho Văn Nghệ cuộc trò chuyện cởi mở về lựa chọn rất đặc biệt này của anh. Sở dĩ phải nhấn mạnh sự đặc biệt bởi cho đến thời điểm hiện tại, các nhà nghiên cứu trong nước vẫn còn khá dè dặt, có rất ít các công trình lấy dòng văn học đồng tính làm đối tượng nghiên cứu chính.
Văn là người, học thuật cũng là người
Có lý do đặc biệt nào không để anh chọn dòng văn học đồng tính Việt Nam làm đối tượng nghiên cứu chính, trong khi các nhà nghiên cứu trong nước gần như vẫn bỏ trống lĩnh vực này?
Có lẽ văn là người, học thuật cũng là người. Thời điểm đầu những năm 90 tôi đang công khai giới tính của mình. Tôi muốn theo đuổi một nghiên cứu mà qua đó tôi có thể tìm hiểu những gì liên quan đến bản chất, bản tính của mình. Tôi bắt đầu từ văn học trung cận đại rồi đến thơ Xuân Diệu và văn học đương đại. Nhưng một phần vì những dữ liệu tôi có được chưa đủ cả về lượng và chất để làm một công trình dài hơi nên dự án cứ thế ách lại. Mãi đến khi tôi đọc được “Một thế giới không có đàn bà” của Bùi Anh Tấn và một số tiểu thuyết xuất bản sau này của anh ấy thì tôi mới có cảm hứng quay về lĩnh vực này. Từ đó mới có chuyên luận “Quản chế tự sự về thế giới ngầm đồng tính trong tiểu thuyết của Bùi Anh Tấn” và một số bài nghiên cứu khác như: “Đọc tác phẩm Bùi Anh Tấn qua cái nhìn của chủ nghĩa lịch sử mới” hay “Sự mập mờ văn hoá trong tác phẩm Bùi Anh Tấn”…
Tại sao lại là tiểu thuyết của Bùi Anh Tấn, trong khi, như tôi được biết, văn học Việt Nam không thiếu tác phẩm viết về cộng đồng LGBT?
Đúng là có không ít người viết về đề tài đồng tính, nhưng Bùi Anh Tấn là người viết có hệ thống và nhiều tác phẩm nhất. Lúc tôi còn trẻ, đang ở Hà Nội nghiên cứu vào khoảng cuối những năm 90, khi cuốn “Một thế giới không có đàn bà” ra mắt, tôi đọc ngấu nghiến. Từ đấy tôi tiếp tục tìm đọc các tác phẩm khác về chủ đề đồng tính. Mà Bùi Anh Tấn viết rất khỏe về chủ đề này. Anh khai thác triệt để. Ngay những tác phẩm mà Bùi Anh Tấn đặt bối cảnh lịch sử ở thời đại khác thì cũng vẫn có phần phản ánh những vấn đề và trăn trở của người đồng tính. Mặc dù có người nói anh ấy viết hơi hổ lốn, tức là cố gắng nhồi nhét thông tin. Nhưng về mặt văn hóa, rõ ràng nó có tác động, và nó đóng góp cho nhận thức của những người đồng tính nói riêng và cả xã hội nói chung về hiện tượng này, nhóm người này.
Khi cuốn sách ra mắt (gần 500 trang), nó đưa ra một bức tranh về thế giới đồng tính trong nước để người ta nhìn và hiểu thêm về thế giới này. Mặc dù nhà văn nhìn từ góc độ hình sự và tội phạm nhưng anh đã vẽ ra một bức tranh rất là phức hợp, những câu chuyện bi thương trong đó có thể đánh động cảm tình của độc giả. Tuy ở nước ngoài phong trào vận động cho người đồng tính mạnh mẽ hơn, nhưng mà ở trong nước, đây là lần đầu có nhà văn viết về chủ đề này một cách mạnh tay như thế. Tôi có nói đùa trong một bài phân tích rằng: đáng lý ra nhà văn nên kết cuốn sách sớm hơn 20 trang, thay vì để cho Thiếu úy Thành Trung hồi phục và có hai bạn gái mới đến chăm sóc trong một thế giới CÓ đàn bà, giá như Bùi Anh Tấn cho Trung chết khi cứu người tình thì sẽ tạo một ấn tượng mạnh hơn. Nhưng nếu chọn một kết cục bi thảm như thế, nó lại thể hiện mô típ mà tôi hay dẫn: đem chôn kẻ đồng tính (Bury your gays). Tiểu thuyết là mồ chôn của người đồng tính.
Với ít nhất 7 cuốn tiểu thuyết, 6 tập truyện ngắn, 3 sách nói và 2 bộ phim truyền hình nhiều tập về đề tài đồng tính luyến ái, theo anh, vị trí của Bùi Anh Tấn trong mảng đề tài này đã có thể gọi là “giáo chủ” được chưa?
Có lẽ phải gọi “giáo chủ” vì sau đó Bùi Anh Tấn rõ ràng có những đồ đệ đi sau. Có người công nhận vai trò dẫn đường của anh ấy. Ví dụ, tác giả Nguyễn Ngọc Thạch, anh này viết mấy cuốn cũng về đề tài đồng tính như: “Đời Callboy” hay là “Khóc giữa Sài Gòn”. Nguyễn Ngọc Thạch chia sẻ rằng mình có cảm hứng viết về bản thân là nhờ Bùi Anh Tấn. Thạch là người đồng tính. Và “Đời Callboy” là một tự truyện văn học, nghĩa là nó vừa có sự thật vừa có chút hư cấu. Đến Hoàng Nguyên-Đoan Trang với tự truyện “Bóng”, và Thành Trung-Lê Anh Hoài với tự truyện “Không lạc loài” dòng văn học này đã có thêm những cái nhìn từ bên trong. Đây là một bước tiến và không thể phủ nhận công lao đột phá mở đường của Bùi Anh Tấn.
Văn học góp phần khiến dư luận xã hội có cái nhìn thấu cảm hơn với người đồng tính
Nghiên cứu về tiểu thuyết của Bùi Anh Tấn nhưng lại không tiếp cận nó ở khía cạnh văn học, có phải vì anh cũng đồng ý với một số ý kiến rằng nhiều tác phẩm của Bùi Anh Tấn không có văn, nó giống như được viết từ AI?
Việc tôi không tiếp cận tiểu thuyết của Bùi Anh Tấn ở giá trị văn học có lẽ cũng là một bất công với anh ấy. Nhưng tôi tiếp cận chúng như là những hiện tượng văn học và văn hóa. Tôi không bình văn, mà qua văn chương của một tác giả để tìm hiểu một hiện tượng đương thời, xem xét những tác phẩm ấy góp phần ra sao trong việc kiến tạo và kiềm chế một thế giới ngầm đồng tính. Cái này nó liên quan đến chuyên môn của tôi. Tôi là một nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá.
Lại nói về chuyên môn của anh, tôi được biết, ban đầu khi vào ĐH Harvard anh học Toán, sau đó mới chuyển qua Lịch sử, và bây giờ anh còn nghiên cứu văn học đồng tính. Những cú lượn quá dài và quá xa này có phải là nguyên nhân chính khiến con đường làm Tiến sĩ của anh ở Harvard kéo dài đến 20 năm không?
Chính xác là 30 năm. Tôi bắt đầu chương trình Tiến sĩ năm 1993 và mới bảo vệ luận án về Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh trong sử chí Việt Nam cận hiện đại vào tháng 12 năm ngoái. Chuyện thì dài: khi ở Việt Nam tôi chỉ được đi học đến lớp 5. Vì chuyện lý lịch lúc đó rất nặng nề, bố mẹ quyết định thuê gia sư cho tôi học ở nhà, ngoại ngữ thì học ở chỗ các bà sơ, kiến thức lịch sử văn hóa thì tôi tự đọc sách. May là nhà tôi lúc đó có rất nhiều sách. Khi sang Mỹ tôi vào học lớp 11 và rất trân quý cơ hội được đến lớp nên học chăm lắm. Rồi tôi đỗ vào Harvard, khoa Toán. Nhưng học Toán một thời gian tôi thấy không hợp, mới chuyển qua Khoa Ngôn ngữ và Văn minh Đông Á. Có lẽ chặng đường từ lúc phổ thông cho đến khi vào Đại học, rồi làm nghiên cứu sinh thuận lợi quá, nên khi tôi gặp một cú vấp thì không biết làm cách nào để thoát ra, thế là tôi bỏ ngang hàng chục năm. May mắn là trong thời gian đó tôi vẫn làm học thuật, thỉnh thoảng vẫn tham gia hội thảo quốc tế, thành ra khi quay lại hoàn tất chương trình Tiến sĩ cũng không đến nỗi quá khó khăn.
Trở lại với trường hợp Bùi Anh Tấn, ngoài nhiệm vụ mở đường, theo anh, giá trị lớn nhất của những tác phẩm của Bùi Anh Tấn là gì?
Bùi Anh Tấn là một nhà văn công an. Trong ngành công an, vấn đề trật tự trị an rất quan trọng. Họ sẽ không dễ dàng bỏ qua bất cứ phần tử hay hiện tượng nào trong xã hội. Từ góc độ công an, anh ấy nhìn vào vấn đề đồng tính, cố gắng tìm hiểu nó, để kể nó ra, mặc dù kể ở mặt trái, mặt tiêu cực, nhưng việc này cũng góp phần để cho xã hội hiểu hơn và có một cái nhìn thông cảm, sâu sắc hơn về cộng đồng này. Tôi nghĩ đó là đóng góp lớn của anh Tấn.
Tác phẩm gần đây nhất của anh ấy: “Ta và em và cả bầu trời” đã có cái nhìn thông thoáng hơn, tôi nói vui là đã có chỗ đứng cho người đồng tính trong và ngoài tiểu thuyết. Ngay trong cuốn “Bí mật hậu cung” lấy bối cảnh thời nhà Lý nhưng vẫn phản ánh hơi hướng của những vấn đề đương đại, lấy chuyện cũ để nói chuyện mới. Những tác phẩm này bắt đầu đi vào đời sống nội tâm của những người đồng tính. Ngoài mặt nổi mà ta có thể nhìn thấy, sâu bên trong họ có những trăn trở, những vấn đề nội tâm mà chúng ta nên hiểu và thông cảm hơn. Tôi cho đây là một bước tiến, tuy rằng đường còn dài.
Công bằng mà nói, anh có cho rằng văn học góp phần làm thay đổi nhận thức của mọi người về thế giới đồng tính?
Có chứ. Xã hội Việt Nam càng ngày càng có nhiều thông tin hơn và hiểu biết hơn về thế giới thứ ba này. Trong truyền thông Việt Nam cũng đã có nhiều nhân vật đồng tính có ảnh hưởng. Báo chí cũng đưa tin về một số nhân vật có tiếng trong giới nghệ sĩ, diễn viên có hôn nhân đồng giới, mặc dù pháp lý chưa công nhận, nhưng công luận nhìn thấy thì khen hơn là chê, nghĩa là họ được chấp nhận về mặt dư luận.
Bạn hãy quan sát giới trẻ đồng tính ngày nay mà xem. Khi come out họ rất tự tin. Là vì họ đã nhìn thấy trong văn học, trên truyền thông những tấm gương đã được công luận chấp nhận dễ dàng, thậm chí còn yêu mến. Họ rất may mắn, không phải hoang mang với những vấn đề mình là ai và mình có được chấp nhận không? Tất nhiên, họ có trăn trở và vấn đề khác, giống như những người dị tính, về bản thân, bản ngã, về chỗ đứng, vai trò của mình trong xã hội. Đồng tính không còn là điểm đến mà là xuất phát điểm để đi đến những vấn đề phổ quát to lớn hơn.
Khi nghiên cứu về văn học đồng tính, ngoài nhu cầu cá nhân, anh có mong sẽ góp một tiếng nói để dư luận hiểu hơn về cộng đồng này?
Tôi công khai bản thân mình và học thuật của mình: là một người đồng tính nghiên cứu về văn hóa và văn học của người đồng tính. Tôi mong cái việc tôi làm sẽ tạo thành một tiền lệ, để người ngoài nhìn thấy bớt nghi ngại và người trong cuộc bớt mặc cảm. Vì hoàn cảnh lịch sử, hiện tượng người đồng tính ít được nhìn nhận. Ngay cả ở phương Tây, khái niệm đồng tính luyến ái (homosexuality) mãi tận nửa sau thế kỷ 19 mới được đặt ra. Tuy nhiên, trong các nghiên cứu của tôi, tôi thích dùng chữ “cảm quan đồng tính” hơn. Khái niệm này nói về cảm xúc và mỹ quan về một hiện tượng quan hệ đồng giới chứ không đơn thuần là tập trung vào hành động tình dục cùng giới. Thuật ngữ đồng tính luyến ái hơi trần trụi quá. Cảm quan đồng tính là cái gì sâu sắc hơn.
Cuốn sách về văn học đồng tính ở Việt Nam
Trong buổi thuyết trình ở Viện Văn học, anh có tiết lộ rằng, anh đang ấp ủ một cuốn sách về văn học đồng tính Việt Nam, như vậy tức là ngoài Bùi Anh Tấn anh sẽ nghiên cứu cả những người viết khác?
Tôi có đọc một số người khác. Bùi Anh Tấn viết từ góc nhìn bên ngoài và mang tính nghiệp vụ cảnh sát. Nhưng có những nhà văn trẻ sau này, là người đồng tính, họ viết từ cái nhìn bên trong, thể hiện tâm sự từ bên trong, những người đó cũng xứng đáng để tìm hiểu thêm. Có điều hơi tiếc là những người này chỉ viết một hai cuốn chứ không thành hệ thống như anh Tấn. Ngoài ra, tôi cũng muốn tìm hiểu xem, ngoài vấn đề của người đồng tính ở môi trường đô thị đương đại, thì những mảnh đời đồng tính ở những khung cảnh khác, như ở thôn quê thì thế nào, chiến trường thì thế nào…
Và cả một số nhà văn ở hải ngoại?
Đúng vậy. Mà trường hợp gần đây nhất là Ocean Vương.
Anh thích các tác phẩm của Ocean Vương chứ?
Tôi thích, thậm chí đã gặp Ocean Vương vài lần. Vương viết bằng một cảm xúc Việt đa thế hệ nhưng thể hiện qua một dòng văn chương có lẽ là nặng ý Anh Mỹ hơn Việt Nam. Tôi thấy thú vị khi tác phẩm của Ocean được dịch sang tiếng Việt. Thơ Vương rất khó dịch, tôi đã thử dịch vài bài. Khi gặp cậu ấy lần đầu tiên ở một buổi đọc thơ, khi Vương chưa nổi như bây giờ, cậu ấy nói mình sáng tác bằng cảm xúc lấy từ bà, từ mẹ nhưng tiếc là không biết tiếng Việt thành ra không thể thể hiện cảm xúc của mình bằng tiếng Việt được mà phải dùng tiếng Anh và lấy làm tiếc là cậu ấy viết về mình, về mẹ, về bà… nhưng mẹ, bà không đọc và hiểu được. Sau đó, tôi đã thử sức dịch 5 bài thơ tặng cho cậu ấy, coi như món quà sơ giao.
Anh có ý định gộp những tác phẩm của Ocean Vương vào văn học đương đại Việt Nam để nghiên cứu?
Mặc dù Vương thành danh ở nước ngoài, nhưng khi tác phẩm của cậu ấy được dịch và giới thiệu ở trong nước, nó sẽ trở thành một phần quan trọng của văn thơ đương đại Việt Nam. Văn học Việt Nam không nên đóng khung trong văn học nội địa. Bởi vì trong môi trường hội nhập, tiếng nói của các nhà văn hải ngoại sẽ làm phong phú hơn cho văn học hiện nay.
Xin cảm ơn anh!
Nguồn: baovannghe.vn
Bài viết liên quan: