Sau khi Trịnh Tùng đánh đuổi cha con họ Mạc chạy lên Cao Bình, lập phủ Chúa bên cạnh nhà vua, nắm quyền cai trị Đàng Ngoài, kinh thành Thăng Long bắt đầu bước vào thời kì hoàng kim của những thương nhân. Chính thời kì đó Lưu Kỳ Đông phất lên, kiếm bộn tiền, trở thành cự phú.
Một hôm ngồi bấm đốt ngón tay, Lưu Kỳ Đông bất ngờ nhận thấy da tay đã đầy vết đồi mồi, thấy tĩnh mạch gồ lên như sắp vỡ tung. Mới ngã ngửa, biết tuổi mình ngoại sáu mươi rồi, nghe như có tiếng kèn, tiếng phèng la thổi giục phía sau. Thương nhân Lưu Kỳ Đông lập tức quyết định hồi hương. Từ lâu ông đã nuôi tâm nguyện đem vốn liếng cùng những năm cuối đời về Trường An xây dựng lại lăng mộ cụ tổ, rồi mở trường truyền nghề buôn cho con cháu dòng họ.
Lưu Kỳ Đông theo người họ hàng phiêu lưu sang nước Nam, làm nghề buôn, từ lúc tuổi mười lăm, mười sáu. Trước đó ông có một thời kì lưu lại ở Phiên Ngung làm thợ sửa ô cho một tiệm buôn lớn. Thế mà nay đã ngoại sáu mươi. Chao ơi, mới biết tang điền thương hải là như thế nào. Thời trai trẻ, Lưu Kỳ Đông đặt chân khắp xứ Đàng Ngoài, vào cả Đàng Trong, cứ cái gì có lãi thì buôn. Nhưng có lẽ buôn bán phất lên nhất là thời kì Kinh Bắc trùng tu chùa Bút Tháp. Ngôi chùa này được khởi dựng từ triều Trần, nhưng trải năm tháng chiến tranh, lại ở xứ nước mưa cưa trời, không khô ráo như phương Bắc, nên hư hỏng nhiều, buộc phải trùng tu. Trùng tu cũng tức là làm mới, là mở rộng, là xây cao thêm. Chỉ riêng tháp Bút bằng đá xây năm tầng, cao đến bốn trượng cũng đã ngốn không biết bao nhiêu đá xanh. Thương nhân Lưu Kỳ Đông buôn bán các loại gỗ đá, các loại thực phẩm, các loại mà thợ xây dựng cần. Lăn lộn ở Kinh Bắc, thương nhân Lưu Kỳ Đông buộc phải thừa nhận là thợ nước Nam giỏi. Ông đã bỏ cả tuần xem những người thợ Việt tạc bức tượng gỗ Phật Bà Quan Âm ngàn mắt ngàn tay, cao hơn một trượng. Sau này ông còn qua lại viếng thăm nhiều lần bức tượng. Và lần nào cũng thở dài thốt lên kiệt tác, kiệt tác.
Thương nhân Lưu Kỳ Đông lấy vợ người Việt, đẻ đến mười người con cả gái lẫn trai, đặt tên theo thứ tự. Lưu Kỳ Nhất, Lưu Kỳ Nhị… cho đến Lưu Kỳ Thập. Tất cả ông cho theo nghề buôn hết. Ngay khi quyết định hồi hương, ông cũng quyết định giữ kín không cho vợ con biết. Rồi âm thầm lên kế hoạch chuẩn bị.
Sau tiết ngâu, thương nhân Lưu Kỳ Đông gọi các con trai lên thư phòng, trao cho mỗi đứa một ngân khoản bằng nhau, nói cha nay đã già, sức khỏe có hạn, không thể quán xuyến hết mọi việc buôn bán, cha để cho các con tự lập. Rồi ông bí mật đi khắp kinh thành Thăng Long tìm mua những thứ châu báu quí hiếm, thứ nào cũng đều đáng giá ngàn vàng. Sau đó, ông cũng quyết định tự tay thửa một chiếc ô sơn dầu kiểu Phiên Ngung cho riêng mình.
Ở kinh thành Thăng Long, có mấy cửa hiệu người Hoa bán ô Phiên Ngung. Nhưng thương nhân Lưu Kỳ Đông không thích. Ông chọn mua ống trúc để làm cán, mua các thanh dang để làm nan, còn giấy phất sơn thì tiệm buôn của ông có sẵn. Hàng ngày sau khi xong việc ở tiệm buôn, ông về liền phòng mình, chăm chút chiếc ô. Vợ con thấy ông cứ rảnh rỗi lại chăm chút cho chiếc ô, lấy làm lạ, nhưng không dám hỏi.
Lưu Kỳ Đông làm chiếc cán ô thật kì công. Cây trúc làm cán ô to bằng cổ tay trẻ con, cũng rất vừa tay cầm của ông, được ông kì công khoét thông các đốt, rồi tẩm thuốc, sấy khô để không nứt vỡ, không ngấm nước, gõ ngón tay lên nghe coong coong như tiếng thép. Một hôm, sau khi đã phất sơn, quang dầu hoàn chỉnh, ông đem chiếc ô ra sân ngắm nghía. Mỗi lần vợ hoặc con đi qua ông đều hỏi, trông chiếc ô thế nào, có gì đặc biệt không? Vợ con đều đáp, nom chả khác những chiếc ô khác. Nghe vậy, ông mỉm cười gật đầu, vẻ hài lòng.
Thương nhân Lưu Kỳ Đông có một nếp sống khác người. Ông luôn ngủ phòng riêng, đồ đạc cá nhân cũng riêng, không có gì chung chạ với vợ con. Vợ ông có thể vào dọn dẹp phòng ông, nhưng không bao giờ bà được phép ngủ lại phòng chồng. Ông cũng không ngủ lại phòng vợ. Vợ ông chưa bao giờ được ông ôm ấp vuốt ve sau mỗi lần gần gũi. Thỏa mãn xong là ông nhót thẳng. Trong nhà, ông như thể một vị vua con.
Mùa thu năm sau. Mọi việc chuẩn bị đã hoàn tất. Trước ngày rời kinh thành Thăng Long qui cố hương, thương nhân Lưu Kỳ Đông đem số châu báu mà ông kì công chọn lọc, quí hiếm nhất, đắt giá nhất, lần lượt cho vào trong cán ô, nấu sáp ong đổ đầy, cuối cùng dùng keo gắn lại cẩn thận. Bề ngoài nom chiếc ô của Lưu Kỳ Đông không khác những chiếc ô Phiên Ngung vẫn bầy bán ở phố người Hoa trong thành Thăng Long. Lẽ dĩ nhiên ông có đặt kí hiệu riêng và chiếc ô nặng hơn những chiếc ô bình thường, nhưng kí hiệu riêng và nặng hay nhẹ chỉ do ông biết.
Khi quyết định hồi hương, thương nhân Lưu Kỳ Đông dầy công xếp đặt kế hoạch. Trước hết về lộ trình, để có thể lựa chọn, ông đã gặp gỡ nhiều thương gia cả người Việt và Hoa để thăm dò. Nếu trở về theo đường bộ qua cửa Trấn Nam Quan, thì lộ trình bên cố quốc thuận lợi, nhưng trên đất Việt phải qua Ải Chi Lăng, qua chân núi Mã Yên nơi tướng Liễu Thăng bị chém. Nghe nói những nơi ấy dân chúng hung dữ, tính mạng của các thương nhân người Hoa thường bị đe dọa. Nếu đi theo đường Tiên Yên lên Múng Cỏi (bao gồm Móng Cái và một phần lớn Phòng Thành Cảng), đường có xa hơn, nhưng ở những vùng ấy có nhiều người Hoa làm ăn, buôn bán hơn. Sự xuất hiện của thương nhân Lưu Kỳ Đông sẽ không khiến nhiều người để ý. Con đường từ Múng Cỏi đi Phiên Ngung là con đương giao thương chính, khách buôn nườm nượp, đi lại và ẩn thân không thể thuận tiện hơn. Từ Phiên Ngung, ông có thể chọn đi đường bộ hoặc đường thủy về Tràng An, muốn sao mặc lòng. Vì thế ông chọn đi đường Múng Cỏi.
Những năm trẻ tuổi, ngang dọc khắp Đàng Ngoài, Đàng Trong, Lưu Kỳ Đông đã nhiều lần vượt qua cửa ải sinh tử, trở nên lọc lõi. Chuyến qui cố hương, phải vượt qua con đường vạn dặm rất nhiều bất trắc, Lưu Kỳ Đông không thể không tính toán mọi nhẽ. Ông không thể đưa một đoàn xe chở nặng vàng bạc đi suốt cuộc trường chinh, lúc nào cũng có thể làm mồi cho các đảng cướp, cho bọn quan lại tham nhũng. Ông còn phải trằn trọc nhiều đêm cân nhắc việc có đưa vợ con về Trường An hay không. Cuối cùng thương nhân Lưu Kỳ Đông quyết định, đơn thân qui cố quốc. Ông biết rõ, dù sau này ông có nhắm mắt xuôi tay ở Trường An thì người đàn bà nước Nam kia vẫn là vợ ông, mười đứa con trai con gái và con cháu của chúng vẫn mang dòng máu của ông.
Buôn bán phải có triết lí. Triết lí buôn bán của thương nhân Lưu Kỳ Đông thật đơn giản, bán những gì khách hàng cần mua, bán thứ gì thu lãi cao nhất. Làm nghề buôn cũng phải biết ngụy trang. Ngụy trang ý đồ. Ngụy trang của cải. Người dân Nam tiếp xúc với ông, thấy ông cần cù chăm chỉ, lúc nào cũng vâng dạ, luôn biết kính trên nhường dưới. Biết ông là một thương nhân, nhưng ông buôn bán thế nào, giầu tiền bạc ra sao thì không ai có thể nói chắc là biết.
Để chuẩn bị cho chuyến đi tương lai, thương nhân Lưu Kỳ Đông đã nhiều lần đem bàn tính ra gõ. Trù tính sao cho vẹn toàn. Ông biết, ngoài khoản châu báu cất trong cán ô đủ để mở một hãng buôn ở quê, đủ để xây lại lăng một giòng họ thì khoản lộ phí cũng không nhỏ. Ông trù tính khoản tiền chi tiêu từ kinh thành Thăng Long đến Múng Cỏi, cho riêng vào một túi. Do cố ý chọn thời gian xuất hành vào cuối thu, ông sắm một chiếc áo bông, bí mật may thêm nhiều túi để đựng bạc. Mỗi một túi bạc dành cho một chặng đi. Về mặt tính toán, trong số các khách thương người Hoa ở Thăng Long, không ai sánh được với Lưu Kỳ Đông.
Ngày lên đường, thương nhân Lưu Kỳ Đông tập họp vợ con trước sảnh tiệm buôn, nói có một thương vụ rất quan trọng phải đi xa, lại không thể đem con hay gia nhân theo, nên quyết định trao quyền điều hành tiệm buôn cho vợ. Mọi sổ sách kế toán, các món nợ cần đòi đều đã ghi rõ, đặt ở bàn. Rồi ông lần lượt ôm hôn vợ và các con. Một hành động mà bình sinh ông chưa bao giờ làm. Người vợ tiễn chồng một đoạn đường, đến chiếc cầu bắc qua sông đào thì dừng lại, nước mắt ứa ra. Thương nhân Lưu Kỳ Đông dặn vợ, trong công việc không được yếu đuối. Rồi thêm, nếu tôi lâu không về, thì cứ theo cách tôi mà làm.
Thương nhân Lưu Kỳ Đông đi cả đường thủy, đường bộ, nửa tuần trăng thì tới Múng Cỏi. Đó là nửa tuần trăng ăn không no và ngủ chỉ một mắt. Múng Cỏi là một trung tâm buôn bán vùng biên giữa hai nước, khách thương đi lại nhộn nhịp. Hôm đó trời kéo mây đen, không khí oi nồng. Kì lạ, cuối thu rồi mà vậy. Có thể sẽ mưa. Thương nhân Lưu Kỳ Đông chọn một tửu quán nhỏ tựa lưng vào núi, không quá đông khách. Tửu bảo dọn bàn cho ông ở kề cửa sổ, nói xin quí khách gọi món. Xong, gã ghé tai ông thì thầm, nhà hàng chúng con có loại Mễ tửu, uống một lần là nghiện.
Lưu Kỳ Đông nhìn qua cửa sổ thấy những mái nhà bám vào sườn núi, giống như những sơn trại. Chếch về phía bờ sông thấy những dãy phố buôn, những con thuyền gỗ đỗ chen chúc. Thương nhân đặt bao phục và chiếc ô lên bàn. Tự nhiên thấy thèm rượu. Tên tửu bảo có nhắc đến Mễ tửu. Ông gọi một bình nhỏ. Vốn tửu lượng khá, một bình Mễ tửu với ông chả là gì.
Tửu bảo đưa lên cho khách thương Lưu Kỳ Đông một đĩa sò huyết nướng để nhắm rượu. Vị khách thương kín đáo đưa mắt quan sát các bàn bên cạnh, thực khách phần lớn là người địa phương, mỗi người đều gọi một tô mì. Lưu Kỳ Đông bụng bảo dạ, ở đây dân nghèo nhiều, ăn uống kham khổ, mình khách thương cũng nên giữ ý.
Bỗng ập vào quán một luồng gió lạnh. Không khí mát hẳn. Rượu uống rất vào. Chớp mắt thương nhân Lưu Kỳ Đông đã dốc cạn bình Mễ tửu. Đang cơn tửu hứng, ông gọi thêm bình nữa. Tửu bảo dâng lên một tô thịt bò xốt vang bốc khói, bình Mễ tửu thứ hai cũng cạn veo.
Mưa ập đến. Tiếng mưa trên mái ngói âm dương nghe rào rào. Thương nhân Lưu Kỳ Đông nghe thấy một giọng như ngái ngủ, từ rất xa nói thì thào, mưa đá, mưa đá giời ạ. Rồi ông gục đầu xuống bàn, thiếp đi. Trong mơ, ông thấy mình bị cướp khi vượt Ngũ Lĩnh. Bọn cướp lột sạch tiền bạc, chỉ còn để lại cho ông cái ô. Đúng lúc đó thì ông giật mình tỉnh dậy, thấy tửu điếm vắng ngắt. Đám thực khách người địa phương đi sạch. Thoạt tiên ông quờ tay kiểm tra các túi tiền, vẫn nguyên vẹn. Nhìn sang chỗ để bao phục, ông thấy lạnh người, chiếc ô đã biến mất.
Chiếc ô của thương nhân Lưu Kỳ Đông là cả một gia tài lớn, đã không cánh mà bay. Sau cái lạnh người, trán rịn mấy hạt mồ hôi, Lưu Kỳ Đông thở sâu, trấn tĩnh lại được. Ông tự hỏi, liệu có tên đạo Chích nào bám theo, rồi nhân cơ hội cuỗm chiếc ô đi không? Suốt dọc đường, lúc ngồi thuyền, lúc ngồi xe ngựa hay khi cuốc bộ, ông luôn kín đáo quan sát, chẳng thấy có gì khả nghi. Việc giấu châu báu vào cán ô là việc ông làm vô cùng kín đáo, có thể nói chắc, chỉ riêng ông biết. Ông cũng xem xét lại hành vi của mình, chẳng hạn quá chú ý đến cái ô, vô tình đã để lộ không? Là một người cẩn trọng, ông luôn kiểm soát các hành vi của mình. Không có gì sơ xuất. Duy nhất hôm nay, có lẽ do sắp rời khỏi cương vực nước Nam, ông đã tự cho phép mình uống hai bình Mễ tửu. Và hậu quả là sự biến mất của chiếc ô.
Nếu không phải do đạo chích chuyên nghiệp từ kinh thành Thăng Long bám theo chiếm đoạt chiếc ô, thì ai đã chôm chỉa nó? Không thể là người của tửu điếm. Những ông chủ người Nam bao giờ cũng rất nghiêm khắc, các kẻ ăn ở làm thuê luôn được chọn lọc kĩ càng. Chỉ có thể là một trong những thực khách có mặt ở tửu điếm trước lúc trời mưa. Rồi trời mưa, người khách nào đó ấy đã tiện tay cầm theo chiếc ô của ông.
Trong lúc chờ tửu bảo dâng trà, thương nhân Lưu Kỳ Đông đã quyết định xong kế sách hành động tiếp theo. Ông nói với chủ nhân tửu điếm, một lão nhân tuổi chừng ngũ thập, rằng ở Sơn Nam ra, thấy Múng Cỏi là nơi có thế đất đẹp, dân tình thuần hậu, hợp với làm nghề nên muốn ở lại mở tiệm sửa chữa đồ và buôn bán vặt, cúi nhờ Tửu điếm chủ nhân tìm cho một chỗ trọ. Nói rồi, thương nhân Lưu Kỳ Đông đặt vào tay ông chủ tửu điếm một nén bạc, gọi là bầy tỏ lòng cảm ơn trước. Ông chủ tiệm rượu đẩy nén bạc trả lại, việc nhỏ, tôi sẽ giúp quí khách. Giúp vô tư. Bày vẽ làm gì. Ông chủ tửu điếm gọi tửu bảo dặn dò công việc, rồi đích thân dẫn Lưu Kỳ Đông tới một ngôi nhà trong dãy phố nằm trên đường cái quan.
Đó là một ngôi nhà có mặt bằng vừa phải, giá thuê không đắt, lại nằm trên đường quan luôn đông khách qua lại, rất hợp ý Lưu Kỳ Đông. Không mất nhiều công phu, ông đã biến ngôi nhà thành cửa tiệm LƯU TÍNH TU MẠI TẢN, họ Lưu sửa chữa và bán ô. Tiệm sửa chữa và bán ô nhà họ Lưu, mờ đất đã mở cửa, tối nhọ mặt mới dọn hàng. Chưa đầy phiên chợ, tiệm sửa chữa ô của Lưu Kỳ Đông đã nổi tiếng cả vùng, làm hàng kĩ, giá cả phải chăng. Họ Lưu siêng năng làm việc, cũng siêng năng ngày rằm mồng một lên chùa, y như những người dân chính cống trong vùng. Một mùa đông chậm chạp đi qua. Rồi mùa mưa đến. Khách sửa ô và mua ô đông như nhau. Nhưng chiếc ô mà họ Lưu chờ đợi vẫn bặt vô âm tín, như chiếc kim rơi xuống đáy biển mất tăm. Thời gian nặng nề như đá ráp, mài một cách phũ phàng, nhưng không thể mài mòn lòng kiên trì của thương nhân Lưu Kỳ Đông. Sống ở nước Nam cả nửa thế kỉ, bảo hiểu đến chân tơ kẽ tóc người Nam chưa thì chắc chắn chưa. Nhưng ông có thể tự hào mà nói rằng, ông thuộc tính nết họ. Ông bèn quyết định đi nước cờ cuối cùng.
Một ngày rằm nọ, nhân lên thắp hương lễ phật ở chùa Kim Liên, ông bạch với Đại hòa thượng, Phương trượng Tuệ Trí, rằng muốn phát tâm làm việc từ thiện giúp đỡ mọi người, giúp đỡ bằng nghề lao động chân chính của mình. Phương trượng Tuệ Trí hỏi, bằng cách nào? Ông nói, đệ tử làm nghề sửa chữa ô. Ai đem ô cũ đến sửa, đệ tử sẽ đổi cho ô mới. Phương trượng ngẫm nghĩ một lát mới bảo, Phật tổ sẽ phù hộ cho thí chủ. Trở về, tiệm chủ họ Lưu kiếm một tấm bảng gỗ to, viết mấy chữ sau: Lưu tính tiệm chủ nhận đổi ô cũ trả ô mới. Rồi ông cho treo nhiều chiếc ô thuộc loại nhất đẳng phẩm ở chỗ dễ nhìn nhất. Những chiếc ô mới coong, gặp gió khẽ đung đưa, mời gọi.
Một tuần trôi qua vắng ngắt. Đợi đến ngày chợ xem sao.
Ngày chợ phiên, khách qua lại tấp nập, nhưng chả có ai đem ô cũ đến đổi ô mới. Họ Lưu vẫn không hề tỏ ra thất vọng. Quả nhiên đến cuối chiều, có một người đàn ông trung niên mặc quần áo chàm, ôm một chiếc ô tới, rụt rè hỏi, có đúng tiệm này đổi ô cũ lấy ô mới không? Chủ tiệm đáp phải, vồn vã mời khách vào, rót trà nóng khoản đãi rồi hỏi, ông thấy chiếc bảng treo ngoài cửa viết gì chứ? Người khách lắc đầu nói, tôi không biết chữ. Là do hôm trước nghe Phương trượng chùa Kim Liên mách, nên đem ô đến đổi.
Họ Lưu vừa nhìn chiếc ô đã nhận ra ngay, nó là vật báu quí hơn cả sinh mạng mình, bèn cẩn trọng đưa hai tay đón. Ông thầm lượng xem nặng nhẹ, lại đưa bàn tay xoa nhanh nơi đáy cán thấy vết keo gắn vẫn nguyên vẹn, một niềm vui dâng trào, nhưng lập tức được nén lại. Ông nói với khách, là chủ tiệm tôi suốt bao năm làm ăn buôn bán, tích cóp được ít tài sản, gần đây do tụng kinh niệm phật mới ngộ ra, tiền bạc là vật ngoài thân, nhiều bao nhiêu chết cũng không mang đi được, mới quyết định phát hằng tâm, chia sẻ với chúng sinh, mong được hưởng chút thanh thản tuổi già. Sau đó ông lựa trong số những chiếc ô mới đang treo, lấy một chiếc đẹp nhất trao cho ông khách. Lại nói ba lần cảm ơn.
Sáng hôm sau, trời mới tở mở, đã có rất nhiều người đem ô cũ đến chờ trước cửa tiệm họ Lưu chờ đổi lấy ô mới. Chờ mỗi lúc một đông, xếp hàng chen chúc nhau. Nhưng chờ đến trưa tiệm vẫn không mở cửa.
H.P.P
Bài viết liên quan: