“Thi trung hữu hoạ” trong “Dốc im lặng” của Trần Thắng

“Dốc im lặng” là một tập thơ được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 7.2023. Tác giả là một nhà báo và hoạ sĩ nổi danh – Trần Thắng. Anh đã chọn 32 bức tranh sơn dầu ưng ý nhất do chính tay mình vẽ, in đan xen cùng với 55 bài thơ. Để tranh song hành cùng thơ, cuốn sách in khổ 18x24cm.

Nhà thơ – hoạ sĩ Trần Thắng

Thơ và hoạ xưa nay vốn được coi như như chị em song sinh của nghệ thuật: “Thơ là họa vô hình, họa là thơ hữu hình”, “thơ là họa hữu thanh, họa là thơ vô thanh”, “thi họa nhất luật”. Dù khác nhau về chất liệu nghệ thuật – thơ sử dụng ngôn ngữ; hội hoạ sử dụng màu sắc, đường nét, hình khối… nhưng cả thơ và hoạ đều khắc tạc “bức tranh” của tự nhiên, xã hội, tâm hồn, hướng tới cái đẹp, tác động mĩ cảm tới con người. “Thi trung hữu hoạ” được coi là một nguyên tắc sáng tác có tính chất cổ điển của thơ ca phương Đông truyền thống. Đến thơ ca hiện đại, tính chất này tiếp tục được nhiều tác giả thể hiện trong thơ mình, có thể vô tình, cũng có thể là hữu ý. Ở “Dốc im lặng” của Trần Thắng, “thi trung hữu hoạ” là sự ý thức, chủ tâm rõ ràng của chính tác giả.

“Dốc im lặng” là một tập thơ được Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 7.2023. Tác giả là một nhà báo và hoạ sĩ nổi danh-Trần Thắng. Anh đã chọn 32 bức tranh sơn dầu ưng ý nhất do chính tay mình vẽ, in đan xen cùng với 55 bài thơ. Để tranh song hành cùng thơ, cuốn sách in khổ 18x24cm.

Bìa tập thơ “Dốc im lặng” của Trần Thắng

Hội hoạ của Trần Thắng có phong cách ưu ái đối với sắc màu nóng. Do đó, sự xuất hiện của 32 bức tranh khiến cho “Dốc im lặng” trở thành tập thơ  đẹp, lung linh sắc màu, cả về nội dung lẫn hình thức. Đó là màn “song kiếm hợp bích” ngoạn mục của thơ và họa. Người đọc mở sách là lập tức thấy hội hoạ trong thi ca. Song có điều đáng nói hơn, những bức tranh xuất hiện trong tập thơ không phải chỉ là cài vào cho đẹp sách, ngược lại, các bức tranh đó đều thể hiện chất thơ, hô ứng với thơ khiến “Dốc im lặng” giàu chất “thi trung hữu hoạ”.

Chất “thơ” trong hoạ được thể hiện ngay từ nhan đề mỗi bức tranh: “Trăng xanh”, “Bóng núi”, “Lang thang thiên hà”, “Miền sau cánh cửa”, “Trở về”, “Hàn Mặc Tử”, “Hoa linh thảo”,… Chất thơ được gợi ra từ gam sắc, hình khối,… của tranh. Sức gợi của tranh đã khiến nhà báo, nhà thơ Trần Mai Hưởng dường như chẳng thể cầm lòng; mỗi bức tranh, Trần Mai Hưởng lại đề vào đôi câu lục bát. Đáp lại thị tình cộng cảm của Trần Mai Hưởng, tác giả – hoạ sĩ Trần Thắng cũng đối đáp, họa lại bằng đôi câu lục bát. Vậy nên, mỗi bức tranh trong sách đều có sự xướng – hoạ thi ca. Hình thức này khiến người ta nhớ đến tranh truyền thống xưa. Mỗi bức tranh đều có thơ hoạ – thời hiện đại bây giờ, gọi là “comment”. Nhiều bài đề/ comment tranh rất thú vị. Chẳng hạn những câu sau ở bức “Lang thang thiên hà 3”:

Lang thang ở giữa thiên hà

Dẫu không trọng lượng vẫn là một đôi

Giao hoà sự sống sinh sôi

Càn khôn biến ảo từ nơi hữu tình

Hai cặp câu lục bát hài hoà vần điệu, tương thích ý tứ như một bài ca dao đối đáp, cùng ngợi ca “bản năng gốc” và tình yêu giữa vũ trụ bao la được thể hiện qua bức tranh. Ở đó, vừa như đời thực (giao hoà nam nữ), vừa như ảo mộng (bay giữa các tinh cầu, với muôn ngàn trăng sao, với mây đệm gió đỡ…); vừa như cụ thể, vừa triết lí kiểu vừa dân gian (dẫu rằng thiên địa cũng vòng phu thê) vừa triết học về sự sống; vừa nhấn mạnh đến thể xác, vừa tha thiết xúc cảm cõi tình của thế giới con người…

Sự “ăn nhập” giữa thơ và hoạ trong “Dốc im lặng” còn được thể hiện sắp xếp song hành thơ và hoạ của tác giả. Giữa bức tranh “Trở về” là hai bài thơ “Hành hương” và “Tất niên”; tiếp nối bài thơ “Tháng ngày mong manh” là bức “Trăng xanh”; sau thi phẩm “Sông chân trời” là bức hoạ “Đêm ngồi ngã ba sông”; tiếp “Rượu- lửa và em”, “Nhớ ngược” là “Trăng nghiêng”; bài “Tri kỉ”, đặc biệt là những câu:

Lanh canh chạm ly vỡ đôi ánh mắt

buồn vui bốn mươi độ

nóng nghiêng

trôi

có “minh chứng” và mở rộng bằng bức tranh “Mắt nhân gian”. Cứ như vậy, những bức tranh trong sách không chỉ “minh hoạ” cho thơ, tô điểm cho thơ như ta thường thấy mà chính là còn bổ sung, tiếp nối ý thơ, mở rộng bao la, nhiều tầng những ý tứ mà ngôn từ thơ chưa biểu đạt. Đó là hoạ tôn thơ và cũng có thể ngược lại: thơ tôn hoạ.

Điểm đáng nói nhất là tính chất “thi trung hữu hoạ” được thể hiện rõ nét ở những bài thơ của Trần Thắng. Thơ anh có họa. Ngôn từ thơ Trần Thắng có tác dụng khơi gợi liên tưởng tinh tế tới cảnh tượng, hình ảnh, màu sắc, đường nét, hình khối,… Bản thân nhan đề của tập thơ “Dốc im lặng” đã gợi đến ít nhất là hai bức tranh, bức tranh nào cũng thi vị. Một là tranh tĩnh vật, ở đó, con dốc cao đã được nhân hoá – “im lặng”- cảnh yên ắng, tịnh không một thanh âm. Con dốc cao ý thức về bản thân, nó trầm tĩnh đến tuyệt đối, lặng yên giữa tự nhiên, lắng vào trong mình những nghĩ suy, chiêm nghiệm; lắng vào mình những lớp trầm tích để ngày một sâu sắc, chín chắn và giàu có. Là “dốc cao’, sự vật cũng không cần toáng lên về bản thân mình, nó cứ “lặng im” để “hữu xạ tự nhiên hương”… Hai là bức tranh thực thể động.

Đời thường có “dốc rượu”, “dốc nước”, ở đây, tác giả có sự tưởng tượng siêu thực: người “dốc im lặng”. “Dốc im lặng mang thử thách mà con người phải mất cả đời để đạt đến độ trầm tĩnh” (…), Dốc im lặng còn mang ý nghĩa uống hết im lặng vào mình để cực tĩnh đến mức có thể cảm nhận được hết cái cực động trong nhân gian, nhất là trong thời hôm nay” (Nguyễn Thuỵ Kha). Con người được khắc hoạ trong tranh thực đấng bậc và tinh tế!

Từ nhan đề giàu khả năng liên tưởng đến hội hoạ đó, nhiều bài thơ trong thi tập như khiến người đọc bước vào những phòng tranh. Ở đó, sự vật dậy lên màu sắc:

em hoa lê cánh tuyết

môi run lá xanh

trăng tròn tàng núi rừng vào da thịt

ngón bấm loạn thêu dệt chiếc khăn piêu

(Nhớ ngược, trang 84)

những đứa trẻ xóm đạo và không đạo

mắt xoe tròn chia ánh nến lung linh

đếm những bậc trắng muốt thiên đường

nắm tay nhau đợi mọc cánh bay

(Linh lan, trang 159)

Đặc biệt, tác giả có hẳn một bộ tứ bình “Sắc hoa”. Xin trích một đôi câu ở mỗi bức hoạ thơ:

Hoa trắng:

Dâng hương từ đất

lặng lẽ trắng trong giữa ồn ào

thanh thản biết bao không giới hạn

trắng hết lòng yêu và trắng hết mình

chẳng thiệt hơn

nếu trắng lại vẫn nguyên như cũ

(trang 133)

Hoa đỏ:

Đỏ khải huyền sắc đẹp tình yêu

Đỏ hực máu hiến dâng vô ngã

(…) đỏ rưng rức ngón tay

(…) bung hết cửa căn nhà toang đỏ

(trang 134)

Hoa vàng:

Hương ngọc ngà trinh nữ vẹn nguyên

ngây ngất lịm sắc vàng bất tử

đính lên tóc mùa thu quên tuổi

thênh thênh

miền hoá kiếp phù du

(trang 135- 136)

Hoa tím:

Bỗng mộng du sắc tím

cuồng điên chém dọc ngang tan biến

lăn lóc hé

nụ thuỷ chung bất diệt

giọt mực rơi mất dòng nhật ký

khóc tím nhoè hai tay

(trang 137)

Xưa nay, tứ bình xuân- hạ-thu-đông có tùng-trúc-cúc-mai, đào (lan)-sen (lựu)-cúc- mai, đào-sen-trúc-cúc… Trần Thắng đóng góp thêm tứ bình bằng màu sắc: xuân trắng-hạ đỏ-thu vàng-đông tím. Đó là “màu thời gian” và cũng là màu cuộc đời. Mùa xuân- tuổi trẻ trắng trong; mùa hạ thanh xuân cháy bỏng, mùa thu xế chiều có “nhìn nhau vàng”- vàng da, vàng mắt vì tuổi tác, vàng những niềm đau (nhìn nhau vàng/ kí ức hơn đau); mùa đông kết lại bằng sắc tím thuỷ chung son sắt và cả kí ức mực tím sân trường tuổi thơ giọt mực rơi mất dòng nhật kí… Mỗi màu một sắc thái riêng nhưng điểm chung là đều được sắc thái hoá ở độ cao nhất: trắng là trắng hết lòng yêu và trắng hết mình, đã đỏ rực cả mọi góc độ lại siết nhau nở rực rỡ mặt trời, vàng ngây ngất lịm sắc vàng bất tử, còn tím cũng đến mức cuồng điên chém dọc ngang tan biến, khóc tím nhoè hai tay… Tất cả, không chỉ tạo cảm giác mà tác động mạnh mẽ tới người đọc qua sự hình dung của thị giác.

Nhà phê bình văn học Nguyễn Thị Tính (thứ 2 từ trái sang) – tác giả bài viết và các bạn thơ

Đi vào thế giới thơ Trần Thắng, người đọc không chỉ như được bước vào một không gian đầy sắc màu mà còn được thưởng lãm sự sắp đặt, phối kết màu sắc, hình ảnh, đường nét, hình khối… để tạo nên những bức tranh ngôn ngữ giàu sức gợi. Đây là sự kết hợp lối tương phản:

Lá buông về cội giấc vàng

Mong manh gió lật trắng tang kiếp người

Dâng hương con khóc, mẹ cười

Khói mây dẫn mẹ về trời gặp cha

(Buông, trang 65)

Đây là “tiếng cười em” được ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, biến âm thanh thành hình khối của hội hoạ:

Muốn ghì xiết tiếng cười em trốn chạy

Gặp bóng ta oằn oại chơ vơ

(Rượu- lửa và em, trang 82)

Có thể lấy được nhiều ví dụ khác. Rõ ràng, thơ Trần Thắng là sự thâm nhập hòa quyện nhau giữa thi và họa, hay đó là sự dung hợp giữa thơ và họa thơ trong họa, họa trong thơ.

Phải nói rằng, “thi trung hữu hoạ” thực là một đặc điểm ấn tượng ở “Dốc im lặng” của Trần Thắng. “Với 55 bài thơ và 32 phụ bản tranh, ”Dốc im lặng” là một ấn phẩm đẹp, nơi thơ và họa gặp nhau, nâng đẩy nhau lên, mang nhiều sắc thái tâm hồn của Trần Thắng – một người đa tài, nhiều tâm huyết với nghiệp vẽ, nghiệp viết, nhiều ân tình với bè bạn, đồng nghiệp (…). “Nếu như ở phần thi với những vần thơ lấp lánh sắc màu và tỏa ra âm điệu ngọt ngào sâu lắng, thì ở phần họa những tác phẩm của Trần Thắng lại mang đầy chất thơ. Thơ từ tên của mỗi bức tranh, đến những gam màu mạnh được sử dụng tương phản mà không chói, gắt… với bố cục ý tứ ẩn dụ hư thực nhưng không quá trừu tượng…” (Trần Mai Hưởng). “Dốc im lặng” là cặp duyên tình giữa thơ và hoạ.

NGUYỄN THỊ TÍNH – Thời báo Văn Học Nghệ Thuật

Trích nguồn: Vanvn.vn