Thế giới đầy hương sắc trong “Ngày sẽ trôi” của Trần Ngọc Mỹ

Đọc tập thơ “Ngày sẽ trôi”, được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành vào tháng 1.2025, người đọc như được từ từ bước vào vườn hoa đầy hương sắc trong tâm hồn của người đàn bà bốn mươi tuổi mang tên Trần Ngọc Mỹ.

Đúng như tâm tư của nhà thơ Trần Ngọc Mỹ, “Những lúc tôi cặm cụi gõ chữ chẳng khác gì tôi cặm cụi, tỉ mẩn kết những cánh hoa. Tôi cứ loay hoay thỏa sức, say mê nhặt nhạnh, đan xen, cắt tỉa, thêm thắt biết bao bông hoa cô đơn và hạnh phúc”. Tập thơ là biết bao nỗi buồn đằm sâu, biết bao bộn bề, tranh đấu, khung cửa tối và sáng của cuộc sống ngồn ngộn, giằng xé trái tim đa cảm của nhà thơ. Cứ tưởng với hiện thực ấy người sẽ chìm đau, sẽ tổn thương nặng nề, sẽ ngạt thở đến mất phương hướng, nhưng không, ngẫm nghĩ tận cùng thơ Trần Ngọc Mỹ, ta lại phát hiện ra, ở mỗi chặng đường, luôn xuất hiện một nụ hồng he hé trong sương hay một bông hoa hết mình rạng rỡ vào sớm mai, một tâm thế bất chấp tối tăm vẫn xanh tin vào tình yêu, tình người.

Nhà thơ Trần Ngọc Mỹ ở Hải Phòng

Bắt đầu với bài thơ “Chào tuổi Bốn mươi”, nhà thơ Trần Ngọc Mỹ tâm sự tự nhiên, hệt một lời tâm tình: “Nắng từng thắp tòa nhà rát khô/ Người ủ ê sau bức tường nhàm chán/ Em sấp ngửa với bao cú vấp/ mà lạ kỳ thay, anh ạ! thời gian làm em biết yêu hơn/ yêu hơi thở của chính mình từng phút/ biết sống xanh tận cùng đời lá/ biết khâu vết thương, kìm giận dữ lõi thân già/ Bông hoa nào cũng trôi qua ngày non/ Ai rồi cũng phải tự xoa bàn tay ấm/ Gom hi vọng ném vào khoảng trống vắng/ Vun yêu thương tô thắm tràn đầy”. Bốn mươi tuổi, một lứa tuổi không còn xanh để ngây thơ coi cuộc sống chỉ một màu hồng xán lạn. Bốn mươi tuổi, một lứa tuổi cũng chưa đủ già con tim ngừng run rẩy. Đồng hành với độ tuổi đã va vấp nhiều với cuộc sống, đã hứng chịu nhiều biến cố, khó khăn, phần nào đó chịu sự chai sạn, sự nhàm chán, suy sụp… Nhưng những câu thơ cũng thản nhiên cất lên, biết “yêu hơi thở của chính mình từng phút”, “sống xanh tận cùng đời lá”, “khâu vết thương, kìm giận dữ” … để nhà thơ tiếp tục “tự xoa bàn tay ấm”, “gom hy vọng ném vào khoảng trống vắng”, “vun yêu thương tô thắm”. Với hình ảnh thơ tinh tế, cách ví von phù hợp, nên những triết lý được đan cài không khẩu hiệu, mà ngôn từ trong thơ Trần Ngọc Mỹ lại trở thành nét họa tài tình, từ từ, chậm rãi mà sâu sắc, vẽ lại tình yêu đẹp đẽ với cuộc sống đầy mến thương sau những cung bậc thăng trầm.

Tương tự như vậy, “Một ngón lá cười lên rất xanh/ Vài bông hoa nở khoe tuổi thắm/ Tôi thêm tôi một nốt lặng” (Thêm một nốt lặng), người đọc dễ dàng nhận ra, bông hoa vẫn nở, chiếc lá vẫn xanh dẫu “Tháng hai những dấu chân lẳng lặng”, “cũ mèn ký ức buồn xua”, “sương nhàu trên đám cỏ mờ”. Ngồi lặng thả mình vào từng ký tự, tưởng tượng theo từng hình ảnh thơ là độc giả đã chạm chân vào thế giới thơ của Trần Ngọc Mỹ. Dù nhà thơ luôn đặt mình vào những sự vật bé nhỏ như hạt sương trong trẻo, tinh khôi, những cây cỏ mong manh, những chiếc lá bé nhỏ hay bông hoa, con chim… nhưng cách nhìn, và trái tim nhà thơ vẫn bật dậy nhịp đập đầy mạnh mẽ. Khoảng trời ký ức cứ ăm ắp hiện hữu, những hình ảnh được kết thành trường liên tưởng từ hiện tại vòng ngược về quá khứ để rồi kéo đến tương lai. Sau những lối cỏ rối là bông hoa âm thầm nở. Sau đêm sương lạnh là ánh mặt trời rực rỡ. Thế nên, người đọc vừa đồng cảm với từng nỗi buồn, sự mất mát nhưng ngay sau đó được tiếp thêm năng lượng để lạc quan cùng cuộc sống.

Thơ Trần Ngọc Mỹ giàu cảm xúc, đậm sâu hình ảnh người mẹ: “Mẹ vẫn mặc chiếc áo niềm tin/ nhẫn nại nhắc tôi mở ô cửa sáng/ ngày sẽ xóa đi ngàn đêm xao xác/ hương rập rờn ru tóc mềm yên ả/ giúp tôi vén ý nghĩ dở dang” (Thêm một nốt lặng). Và người đọc có thể dễ dàng nhận thấy tình yêu thương từ phía gia đình là động lực để cô ấy thêm tin yêu cuộc sống, là sức mạnh để cô ấy tiếp tục vén những “ý nghĩ dở dang” để “đuổi theo bóng nắng vườn sớm/ tan chảy giữa ban mai/ tự vẽ cho mình giấc mộng xuân dài” (Thêm một nốt lặng).

Dường như, bất cứ cử động nhỏ nào trong cuộc sống cũng thành “nốt lặng” trong tâm hồn của Trần Ngọc Mỹ, một tâm hồn biết tiếp nhận và yêu thương tất thảy những vui, buồn cuộc sống. Những trạng thái đối nghịch và không bao giờ là một chiều hẫng cụt. Thế nên, mỗi lần đọc thơ Mỹ tôi lại thấy chiếc cầu bập bênh trong lòng mình thăng bằng trở lại. Có lẽ trong mỗi bài thơ, một câu chuyện hàng ngày ấy, cô ấy nhẹ nhàng gửi gắm một quan niệm hay một tuyên ngôn cuộc sống của mình đến độc giả.

Tập thơ “Ngày sẽ trôi”. Ảnh: Thương Thương

Lại hình ảnh bông hoa hé nở, sau những chờn vờn, váng vất, gai gai: “Khu vườn chờn vờn gió thổi/ Dưới màn sương lạnh váng vất/ Cỏ dọc ngang thỏa thuê phơi lối/ gai gai hơi ẩm đất nồng/ làm sao giữa tua tủa chen lấn chất chồng/ Ánh mắt người nhận ra/ Một bông hồng trong góc khuất” (Một bông hồng vừa hé nở). Những câu thơ khơi gợi mang người đọc đến một khu vườn có gió, sương, cỏ dại mọc, lạnh ẩm… để người đọc cảm nhận được dù cuộc sống có “căn phòng tăm tối”, “những rao giảng ngạo nghễ”, “ám thị đám đông”, “chiếc mặt nạ nói cười” … vẫn có một bông hồng trong góc khuất như “một sự dễ thương, dịu dàng, bình thản, giản đơn” … Phải tinh tế, đa cảm lắm người ta mới phát hiện ra sự đẹp đẽ, tinh khôi và căng đầy sức sống nơi bông hoa nhỏ khép nép ở một góc khuất trong khu vườn rộng lớn: “Ngoi lên giữa muôn hạt sương vây quanh/ Một bông hồng/ lặng lẽ hé nở/ như cánh cửa vừa mở/ dội ánh sáng vào căn phòng tăm tối”. Từ lời thơ, hình ảnh thơ nhẹ nhàng, mà câu cuối dội lên đầy ánh sáng, như ngọn lửa mạnh mẽ chợt bừng. Điều ấy cho thấy dù dẫn dắt tự nhiên nhưng không hề ngẫu nhiên, nhà thơ đã dụng công, cố ý trong sự sáng tạo thi ca.

Tiếp nối với “Cà phê phố”, hình ảnh hoa lại xuất hiện, nhưng với một ý nghĩa khác: “Hoa trong thành phố dần dà sẽ tắt/ đẹp nhất thường trong ký ức/ ký ức ngày mai/ là hôm nay”. Và sau hôm nay, lòng người sẽ chỉ giữ lại những điều đẹp đẽ. Nên nói ngày hôm nay là bông hoa đẹp trong ký ức ngày mai. Còn trong bài “Những bông hoa rụng”, khi ngắm những bông hoa rụng rơi, Mỹ thấy “Đời hoa ngắn ngủi”, “Đời người nhiều tàn úa hương tan”, “Niềm vui là giọt nước mắt thoáng chốc” nhưng chỉ cần bắt gặp hình ảnh màu vàng của bông hoa tràn đầy trong đôi mắt thơ ngây, nhà thơ cảm nhận được ngay: “Từng bông hoa nũng nịu xoay xoay/ Như vầng mặt trời còn thở lấp lánh/ Tôi bất chợt nhận ra/ Đẹp đẽ luôn ở đó/ Một trái tim yêu cả những vụn rời…”. Thêm nữa, câu thơ “Những bông sen thả hương hạ đêm này/ như lời yêu từng làm bầu trời thao thức” (Nói gì với nhau đi), “Những hạt nước trong trẻo nở hoa/ thơm lành rắc đầy ô cửa kính” (Viết ở một khu biệt thự) … Cuộc sống thường rất bình dị và lặng lẽ. Những ngày tháng tuần tự lặp lại, giống như tựa đề tập thơ “Ngày sẽ trôi”. Thậm chí, đôi lúc cuộc sống còn nhiều vô tâm, khắc nghiệt và trái ngang nhiều… Nhưng với hình ảnh những bông hoa xuyên suốt trong tập thơ như hội tụ tất cả những gì tốt đẹp nhất trong thế gian này. Để mỗi người đọc thơ đều cảm nhận được vẻ đẹp của cuộc sống. Dẫu cuộc sống vẫn muôn mặt và đời thường như thế…

Dùng thể thơ tự do để tùy ý cho cảm xúc bung tỏa hết từ nhịp điệu câu chữ. Sự giàu có tiếng Việt được thể hiện qua những câu thơ mượt mà. Những trải nghiệm của một người có chiều sâu nội tâm cộng bản năng của một tâm hồn thơ yêu cái đẹp và ngắm nhìn cuộc sống qua lăng kính màu hồng. Mỗi bài thơ trong tập “Ngày sẽ trôi” như một tách trà hoa hồng đẹp đẽ. Nhấm nháp lúc đầu thấy chát. Để lặng một chút thấy ngọt hậu, thơm nhẹ hương hoa khiến lòng người dễ dàng say mê. Và cứ thế, ngày sẽ trôi!

THƯƠNG THƯƠNG

Tạp chí Sông Lam