Tất cả các món rươi đều được đun trong niêu đất còn thơm khói bếp rơm mới, như đánh thức hoài niệm thời quá khứ những kẻ nặng tình.
Nhà văn Trung Sỹ
Tháng Chín đôi mươi, tháng Mười mùng năm. Câu nói dân gian này không phải tục ngữ, vì nó phiếm chỉ bâng quơ một khoảng thời gian mà thiếu mất mệnh đề thứ hai để thành câu hoàn chỉnh. Và tôi cho rằng nó cũng chẳng phải thành ngữ, bởi khi nói đến là người nông dân đồng bằng duyên hải Bắc Bộ ai cũng biết nó nhắc đến tiết mưa rươi.
Con rươi, một loài đặc sản thời trân sống dưới đáy bùn có cuộc đời cũng nửa đời nửa đoạn như cái title bài này. Chúng tôi về đồng rươi An Thanh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương vào đúng cữ tháng chín đôi mươi.
Đồng rươi Tứ Kỳ tháng 10.
Mặt trời cuối thu lặn sau con đê dài. Hoàng hôn đỏ ối luênh loang mặt sông Thái Bình. Không khí vẫn oi bức trước trận gió mùa. Anh Luận, giám đốc Trung tâm nông sản sạch An Thanh, cười bảo phải hai hôm nữa mưa về, rươi mới lên.
Hơi thất vọng. Tôi quả vô duyên với con rươi sống ngoài đồng ruộng nhưng lại quá hữu duyên với món chả rươi trên đĩa, bởi Tứ Kỳ đã được thu hoạch một đợt rươi sớm trước đó. Chẳng gì tôi cũng được sinh ra tại nhà hộ sinh số 1 phố Hàng Rươi cách nhà mấy bước chân. Khi rươi đã đi vào nhiều câu ca dao tục ngữ, đã thành tên phố Hàng trên đất kinh kỳ, ắt nó là một món tinh hoa ẩm thực. Điều đó không cần phải nghi ngờ.
Là một huyện vùng sâu của tỉnh Hải Dương, Tứ Kỳ vẫn giữ được những nét riêng của nông thôn thời hợp tác xã. Khung cảnh cũ quen thuộc khiến một kẻ đa cảm là tôi bùi ngùi. Ven tỉnh lộ 391 dẫn về thị trấn là hai hàng bạch đàn dày dặn cao vút.
“Này hàng xoan, này hàng nhãn, này bạch đàn phi lao. Chị và anh người trồng cây ngày giờ đây đã lớn”. Thương nhớ làm sao bài hát Tết trồng cây thuở thiếu thời.
Luận dẫn tôi đi dọc kênh thoát nước đồng trong, qua cống Sồi ra sông Thái Bình. Nhìn dáng anh bên rặng tre trong bóng chiều, lại nhớ bài thơ Anh chủ nhiệm của Hoàng Trung Thông học từ hồi bé. Quả nhiên là gặp anh chủ nhiệm ngoài đời thực. “Chân vẫn bước đều miệng vẫn nói. Phơi phới lòng anh cơn gió thổi”.
Đây là cống Sồi, người Pháp xây để tưới tiêu cho vùng đồng trũng Tứ Kỳ. Năm 1980 với chủ trương ngăn mặn, ta đem lấp đi. “Nông dân đã nói là làm/ Đã đi phải đến đã bàn phải thông/ Đã quyết là quyết một lòng/ Đã phát là động đã vùng là lên”. Chao ôi những khẩu hiệu hừng hực khí thế xẻ núi lấp sông ngày đó.
Cống đã lấp, thủy triều không vào được đồng trong nên con rươi con cáy không còn đất sống nữa. Lúa cũng vụ được vụ không. Đến năm 2020 cống Sồi được đầu tư xây dựng lại. Nước sông Thái Bình theo triều lại dâng tràn đồng.
“Nước vào là rươi, cáy vào, là tiền vào. Ngoài hơn 100ha bãi ngoài, chúng tôi đang dần chuyển nốt khoảng 250ha đồng trong thành vùng rươi đặc sản và vùng lúa rươi”. Luận vung tay.
Lúa ruộng rươi chỉ trồng vụ chiêm xuân với phân bón hữu cơ toàn phần, còn vụ mùa bỏ, không cấy để dưỡng đất, để dành chỗ cho rươi “mọc”. Giá thóc hiện 7.500 đồng/kg. Giá rươi tươi 450.000 đồng/kg. “Giá trị con rươi gấp 60 lần giá lúa, lại không phải đầu tư giống má phân bón, có họa điên mới không làm”.
Rươi kho niêu đất
Thế mới thấy cái tư duy của người lãnh đạo nông dân bị ám ảnh bởi cái đói, chỉ nghĩ đến nắm xôi to bát cơm đầy kiểu thằng Bờm nó khác với lối tư duy thời cởi mở, luôn biết cân bằng giữa các sản phẩm được trao đổi định giá chung theo nhu cầu tiêu thụ xã hội.
Sau rằm tháng 8, các cơn bão thường bị khối áp cao lạnh lục địa đẩy dần về phương Nam, song hoàn lưu ngoài rìa cơn bão vẫn phớt qua Bắc Bộ kéo theo những trận mưa nhỏ. Gió bấc hiu hiu sếu kêu trời rét.
Không gian ảm đạm màu thiếc xám giăng mắc những hạt mưa nhỏ mà dày, thoắt đến thoắt đi. Ấy là mưa rươi, mưa mở lỗ cho rươi lên. Những hạt mưa nhỏ tạo thành những vòng sóng vi ba giao thoa trên mặt ruộng mặt đầm, đánh tín hiệu cho hàng triệu triệu con rươi dưới bùn đang oằn mình sục sôi đợi phút giao hòa.
Rồi rươi trồi lên thật, lên đồng loạt như theo một hiệu lệnh vô thanh bí hiểm, ngấm ngầm vang vọng giữa đất trời. Tháng chín rươi lên đêm, tháng mười rươi lên ngày. Từ dưới đáy bùn sâu, hàng triệu triệu con rươi gồng cuộn, tự rứt từng đoạn đuôi mình thành những cá thể hữu tính mọng đầy tinh và trứng.
Những con rươi “phái sinh” nhanh chóng mọc lại đầu đuôi, nhất loạt lao lên mặt nước. Rươi cái màu đỏ, rươi đực màu xanh quấn vào nhau, hân hoan vặn mình bung tỏa những sinh phẩm của khoái lạc dưới một trời mưa lạnh.
Theo cách mô tả đầy hình ảnh của anh chủ nhiệm, là có nhiều hôm rộ vụ, rươi kết bè kết đám, nổi từng quầng như những chiếc chiếu đại đỏ rực dập dềnh trôi về dãy đăng chắn cống Sồi. Một sào Bắc Bộ ở đây thu không dưới 40kg, 1ha thu hơn 1 tấn trong vụ rươi mùa.
Tiền cứ thế lừ lừ trôi tụt vào cái túi đáy hom, rồi từ đó trút sang các thùng chậu bên cửa cống thoát, nơi thương lái bất kể đêm ngày đã chen nhau đứng chực sẵn. Tiền tươi xuống rào rào cạnh bàn cân, dưới những cơn mưa lộc.
Người Hà Nội, kinh đô của ẩm thực trong mùa rươi thường chỉ biết đến món chả rươi Ô Quan chưởng, may thì biết thêm món mắm rươi chấm đậu phụ Mơ rán ăn kèm hành củ chẻ tư là hết vị.
Muốn biết cái phong phú, cái ngon đến tận cùng của món rươi hãy về Tứ Kỳ, đến tận nơi nó sinh ra. Vợ chồng dược sĩ Minh – Hòa, dân gốc ở đây dẫn chúng tôi đi thưởng thức các món thời trân đặc sản quê mình.
Chả rươi ở đây ngậy hơn hẳn chả rươi Hà Nội bởi nó được làm từ những con rươi nguyên chất béo mọng mới vớt dưới đầm lên. Sau quãng đường vận chuyển đến Hà Nội thì con rươi đã bị giảm cân rồi, như các cô gái quê ra tỉnh giữ eo, lại được cài thêm hàng khuy bấm là đồ độn thêm chỉ tổ làm khổ thực khách.
Ngoài chả rươi phải kể đến món canh mọc rươi. Nắm mọc được làm từ củ niễng thái chỉ, nấm hương mộc nhĩ và rươi tươi trộn chút hạt tiêu giò sống. Trời ơi húp miếng nước dùng, cắn miếng mọc thơm, vị thanh mát mà ngọt dịu tràn qua hớp rượu nồng bạn hiền vừa cụng sao nó như vỗ về an ủi cuộc đời.
Các món rươi ăn nóng lần lượt được đưa lên bàn. Này là món rươi đốt niêu lót lá gừng, này là món rươi kho măng… Tất cả các món rươi đều được đun trong niêu đất còn thơm khói bếp rơm mới, như đánh thức hoài niệm thời quá khứ những kẻ nặng tình.
Sinh ra từ đất, chết lại trở về được tống táng giữa lòng đất quê hương, đời rươi như mày như thế kể cũng là hơn khối đứa bạn tao vẫn đang nằm bên đất lạ.
Món cà ra hấp.
Chưa kịp buồn ba phút, chú em Hòa đã vẫy tay. Món cà ra hấp được bưng lên. Cà ra là một loài cua sông nước lợ lớn cỡ bàn tay trẻ con, giống hệt giống cua lông Thượng Hải vẫn rao bán rất đắt tiền trên mạng.
Cáy tháng ba cà ra tháng mười. Đĩa cà ra chính vụ hấp đỏ rực, gạch đội mai gồ lên đầy ú ụ. Bóc chiếc mai cua, gạch son gạch sáp đặc quánh bên trong, ăn ngậy và bùi như lòng đỏ trứng gà so luộc lòng đào. Quả nhiên rươi và cà ra song kiếm hợp bích, thành hai món đặc sản trứ danh đất Tứ Kỳ.
Vui chuyện, Hòa kể khi xưa em bé em đi câu, câu cua cà ra ngoài sông Thái Bình. Con cua ra, con chạch trấu chỉ kén ở những chỗ chân cầu đá xếp có nhiều hang hốc ngầm.
Đồ câu mang theo mỗi con dao với cái vợt cán dài. Đầu tiên đi qua ruộng đay chặt lấy một cây thật dài, thật thẳng. Qua bãi kiếm con rắn mòng lấy cây đay đập chết. Rắn mòng hồi đó không thiếu. Máu nó tanh nên cà ra rất thích.
Ra bờ sông ngồi tước vỏ đay ra từng sợi, xe vào thật bện làm dây, lấy luôn cây đay làm cần. Bấy giờ mới buộc chặt một khúc rắn mòng vào đầu dây rồi thả mồi. Nghe động giựt giựt đầu cần, ấy là cà ra đang bắt mồi. Lựa nâng cần thật nhẹ nhàng, thật chậm.
Con cà ra to cộ bám mồi đã lên theo đến mặt nước. Lùa vợt xuống dưới hớt thật nhanh. Xong rồi! Cua ra khôn, thấy động là buông mồi lặn ngay chứ không tham như giống cáy. Con cáy đã bắt mồi là chẳng chịu buông, nên cả đàn chịu chui vào giỏ. Buổi câu chiều được hơn chục con thì thủy triều đã rút sâu, phải lội bùn theo nước.
Những ngày rét tím tái bầu trời thì cà ra chui hang. Lội dọc bờ sông cứ thấy lỗ hang thì lấy bùn trét kín. Lát sau lũ cà ra ở sâu trong hang bị ngạt, bò ra cửa hang nhưng bị bùn trét kín ko ra được.
Bấy giờ phải thọc tay thật nhanh vào, hang nào có cà ra là chắc chắn tóm được hắn. Lắm khi bị cua cắp rách tay, máu chảy ròng ròng trên bùn non mà không thấy đau, bởi hôm đấy trời rét buốt, tê tái hết cảm giác.
Than ôi miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời. Niềm vui nào cũng có nỗi buồn làm đối trọng, miếng ngon nào mà không chứa ít nhiều cay đắng. Nhưng vài nỗi buồn hay chút cay đắng cũng là những gia vị cần có của cuộc đời một con người, nếu không thì tẻ nhạt chết lên được.
TRUNG SỸ
Trích nguồn: Vanvn.vn
Bài viết liên quan: