Trăng rừng hôm nay đẹp quá, treo tít trên cao nhưng có thể tỏa sáng xuống tận đại ngàn. Chảng ngồi bên bờ suối ngắm trăng còn nghe cả tiếng hoẵng gọi, đùa với thằng bạn đang lấy nước suối rửa mặt cho khỏi buồn ngủ:
– Ma gọi!
Thằng bạn giật cả mình, buông rơi cả cái vò múc nước té ngửa cả ra sau:
– Hoẵng! Có kiêng có lành. Trăng sáng vằng vặc thế kia.
– Sáng sao mày còn sợ?
Chảng phì cười trước điệu nhát của thằng bạn. Đi rừng biết bao nhiêu năm, lớn lên trên núi này mà mỗi khi nhát đều sợ. Biết đùa cũng sợ. Nhưng có khi nó nói đúng thật, vẫn nên có kiêng có lành. Nói đến thế dù ánh trăng có đang vằng vặc Chảng cũng thấy rùng mình thật.
Chảng yêu vẻ đẹp của núi rừng mình đang sống đến cùng cực. Lớn lên ở nơi đây cũng nuôi mộng muốn nơi đây phát triển, đi xa chút là đã nhớ. Ba Chảng mất sau ít năm của chiến dịch cuối mang lại hòa bình cho đất nước, mẹ Chảng nuôi bốn anh em Chảng lớn khôn. Chảng còn nhớ ngày trước Chảng hay theo vào rừng với ba, mỗi lần vào rừng là ba lại kể chuyện chinh chiến, chuyện ông nội cũng từng dẫn ông vào rừng khi bằng tuổi Chảng bây giờ. Cứ như sự cha truyền con nối. Ông nội cũng đi lính từ khi còn rất trẻ, ba Chảng cũng nối gót ông, ngày trước ông nội dẫn ba Chảng vào rừng để hỗ trợ bộ đội. Có những lần trốn địch, họ thông địa thế nên có thể giúp quân ta ẩn nấp, có khi lại giúp mở đường máu chạy thoát thân. Có những lần ba Chảng đi mấy ngày không về, ở nhà mẹ con Chảng rất lo, vì đường rừng đi lại khó khăn, ông dẫn quân ta trèo đèo lội suốt ròng rã suốt mấy ngày, đoan chắc khi bộ đội ta an toàn thì mới về bản. Ông nội Chảng hi sinh trong một trận càn của địch, ba Chảng vẫn đi chinh chiến khắp mọi nẻo, đến khi bị thương mới về bản nhưng vẫn tiếp tục làm tham mưu vượt rừng cho quân ta. Nhà Chảng truyền thống yêu nước là thế.
Chảng yêu ánh trăng rừng như lòng yêu bản, yêu đất nước. Hồi còn nhỏ Chảng hay cùng ba và người lớn vào rừng ban đêm, khi trăng lên như thế này. Ánh trăng sáng bừng, thậm chí đèn pin hay đốt lửa mang theo đều không có được thứ ánh sáng tỏa dìu dịu như thế. Ngày đó đèn điện chưa lên tới bản, chủ yếu là củi lửa, săn thú rừng ban đêm tựa cả vào ánh trăng. Ban ngày thì trai tráng đi đốn củi, chuyển từ chỗ đốn về tới nhà là cả một khoảng xa, hầu hết là phải gánh củi trên vai, đoạn đường xa vất vả đầy gian khổ. Ban đêm thì thường đi săn thú. Trước thì hay đi săn kỳ tôm, loài này bán được nhiều tiền, khó bắt nhưng kể từ khi có tên trong sách đỏ thì tuyên truyền dân không đi săn nữa, lại thôi. Thi thoảng đoàn của Chảng lại bắt gặp mấy người săn trộm, cũng tuyên truyền, cũng vận động nhưng họ có nghe không thì không biết. Ba Chảng nói:
– Mỗi người mỗi cuộc sống không ngăn được, nhưng mình cứ cố hết sức bảo ban họ, tận lực là được.
Từ nhỏ Chảng đã rất lanh lợi, người làng hay bảo Chảng học rất giỏi kĩ năng đi rừng, cũng lại rất tháo vát và nhớ đường nên nằm trong số ít tuổi còn nhỏ mà được người lớn dẫn đi săn đêm.
– Nay đến mùa săn cheo cheo, con lưng bạc mà giống con ba treo trên tường ở nhà, lấy thịt, da và nhồi chưng kiểng.
– Mùa này có chồn không ba?
– Có, nhưng khu có chồn hay có rắn, con theo dấu chân người lớn, đừng tự ý.
Mỗi lần đi rừng là mỗi lần ba Chảng lại dạy cho Chảng nhiều bài học mới lẫn kinh nghiệm sống cho đến khi ông mất sau đó ít năm, khi Chảng vừa được mười bảy. Mỗi lần trăng lên là Chảng lại nhớ đến lần cuối đi rừng cùng ba. Khi ấy đoàn săn đêm đã thấm mệt nhưng bẫy thì không có bao nhiêu thú, họ ngồi nghỉ ngơi ở tảng đá lớn bìa rừng thì phát hiện trăng lên. Ánh trăng chiếu sáng cả một mảng khu rừng, đến đẹp. Và trong khung cảnh mỹ tình ấy lần đầu Chảng thấy được loài công rừng múa: chúng nhẹ nhàng khoan thai đến cạnh bên tảng đá họ ngồi, cả đoàn bất động vì biết loài này nhát, và cứ thế chúng tung xòe những chiếc đuôi với những con mắt như thôi miên ánh nhìn của người đối diện. Đó cũng là lần hiếm hoi Chảng thấy được công rừng, cũng là một kỉ niệm đẹp với ba.
Sau khi Chảng lớn, Chảng xuống xuôi học đại học, ba em gái Chảng cũng lần lượt lấy chồng, Chảng học xong kiến thức cũng về truyền bá rất nhiều cho dân bản, ở và chăm sóc mẹ, còn chưa lấy vợ. Điện những năm này đã lên trên bản, nên nhiều nhà cũng đèn điện sáng trưng. Dân dưới xuôi lên công tác, khai thác rừng hoặc dạy học cũng nhiều, không còn giống như ngày trước chỉ là một bản nghèo lọt thỏm giữa rừng buồn bã nữa. Mọi người tư tưởng cũng đổi mới hơn, không còn bám trụ vào săn bắt những động vật trái phép, chỉ khi được xin chính quyền, loài nào được bắt thì mới đi săn như duy trì truyền thống trước giờ hoặc có thêm đồ ăn dự trữ vì thực vẫn còn nghèo. Chảng làm kĩ sư cho công trình ở một nhà máy mới mở trên này, chuyên về khai thác khoáng sản. Ngày đó làm kĩ sư nghe cũng oai lắm, không chỉ có kinh nghiệm mà còn cần kiến thức, Chảng khoác bộ đồng phục về nhà mà mọi người cứ xúm lại khen lấy khen để.
Năm nay điểm trường mới mở, trẻ em trong bản Chảng không phải lội cả tiếng đồng hồ để đi học như trước, nên công tác vận động người trong bản cho trẻ em đi học dễ dàng hơn. Vừa là kĩ sư, vừa là cầu nối cho sự phát triển mà chính quyền mang tới hộ trợ người dân, Chảng vui phải biết. Việc nhà máy mở cũng tạo điều kiện cho nhiều người dân vào làm công nhân khai thác ở đây, tạo nguồn thu nhập mới. Hơn nữa việc tiếp cận con chữ sẽ khiến kiến thức mở mang, cộng thêm kinh nghiệm hiện có cũng khiến tương lai tốt đẹp hơn. Dù công việc vất vả nhưng hễ được nhờ cậy gì miễn là giúp cho bản Chảng đều nhiệt tình làm.
Điểm trường mới chỉ có bốn lớn, hai khối nhưng cũng khiến trẻ em trong bản háo hức đi học. Năm nay điểm trường về hai thầy, một cô giáo, nghe đâu cô giáo nhỏ hơn Chảng bốn tuổi. Ngày họ về cũng giới thiệu chào nhau một tiếng:
– Đây là Chảng, anh kĩ sư của nhà máy bên kia núi, cũng là cầu nối cho trường mình với dân ở đây. Hoạt động rất tốt, gắn kết người dân…Còn đây là thầy Tâm, thầy Minh, cô Linh…
– Dạ, em chào các thầy, các cô.
– Anh Chảng lớn hơn em đấy – Cô Linh cười tít mắt – Em nghe kể về anh rồi, mọi người bảo gì không biết thì cứ hỏi anh.
Chảng đột nhiên ngượng đỏ bừng trước lời trêu của cô giáo nhỏ, còn các thầy và người giới thiệu không hiểu sao lại huých tay nhau khẽ cười. Các thầy cô được bố trí ở hai phòng trọ bên hông điểm trường, từ từ thích nghi với cuộc sống mới. Mỗi khi Chảng rảnh vẫn hay lên hỏi thăm họ có gì khó khăn hoặc giúp đỡ. Linh cũng là một cô gái chịu khó, đường đi ở bản còn khó khăn nhưng vẫn không nề hà, đôi khi tới tận nhà từng em học sinh để hiểu về cuộc sống từng em. Trong khi hai thầy cũng giúp đỡ từng nhà, lại mở rộng thêm trường hoặc trồng cây, thu hoạch hộ người dân nơi đây.
– Cô Linh thích hái rau không? Rau rừng đặc biệt ngon đấy.
Càng ngày càng có nhiều người dân lên đây sinh sống nên cuộc sống dần không còn buồn tẻ nữa. Khi rảnh Chảng vẫn hay đưa cô Linh đi hái rau rừng và chỉ dẫn cẩn thận từng loại rau cho cô.
– Này là rau ngót rừng, cô hái lấy một nắm. Cô mới lên ăn chưa quen đồ ăn ở đây, thấy cô hay đau bụng, ăn rau này vào tốt cho đường ruột… Mùa này trên này nắng lắm, hái rau tầm bóp, ăn giải nhiệt rất tốt rất mát.
– Sao anh Chảng biết Linh đau bụng thế?
Đó cũng là một đêm trăng rất đẹp và khi ấy là mùa lễ hội trên bản. Ánh trăng sáng vằng vặc cùng với những điệu cồng chiêng và tiếng cười nói vui tươi không ngừng của mọi người. Cả trẻ em cũng được thức khuya hơn mọi khi để vui chơi cùng người lớn. Chảng khi ấy cũng vừa cùng người dân chuốc say mấy anh công nhân cùng thầy giáo bởi vò rượu thì phát hiện dáng người nhỏ thó của cô giáo đi men về phía con suối gần đó. Tuy là con suối khá gần chỗ mọi người đang chơi nhưng để Linh một mình Chảng cũng thấm lo, cứ đi theo, toan lại gần thì phát hiện cô đang ngồi ở tảng đá lớn bên bờ suối mà khóc. Bởi thế, Chảng lúng túng không dám lại gần cho đến khi Linh khóc xong quay lại thì thấy Chảng.
– Linh nhớ nhà, chưa quen vậy thôi chứ ước nguyện từ hồi còn ngồi trên ghế nhà trường đã là muốn lên đây dạy.
Chảng chợt hiểu cảm giác của cô giáo, cũng như khi đi học đại học chỉ muốn về với bản, với người thân. Thế nên Chảng vô cùng khâm phục nghị lực cô gái nhỏ nhất là khi Chảng thấy từ khi lên đây cô luôn gồng mình lên tự làm mọi việc và trên môi lúc nào cũng nở nụ cười. Thì ra cũng là sự chịu đựng cả thôi. Đang không biết nên nói như thế nào thì Chảng đột nhiên reo lên:
– Rêu đá. Dám cá cô giáo chưa ăn rêu đá bao giờ, loại này tới mùa chỗ nước trong mới mọc, hiếm lắm. Mình xào tỏi, bọc lá chuối nướng than hoa, làm nộm, đều ngon tất.
Linh khẽ bật cười trước cách an ủi của anh chàng, vội theo cùng anh chàng đi hái rêu đá và lém lỉnh: “Giờ Linh hái, mai Linh sang nhà Chảng nấu cho Linh ăn với nghen”.
Hôm ấy, ngồi trên bậc thềm căn nhà sàn của Chảng, Linh đùa:
– Sao Chảng không lấy vợ? Không dẫn ai đi ngắm trăng? Trăng rừng đẹp đến thế kia giấu cho mình Chảng à?
Chảng đứng trước mặt cô gái nhỏ, mồ hôi túa cả ra, chỉ vội ánh trăng vằng vặc trên trời: “Thế trăng… hôm nay trăng rất đẹp, Linh có muốn cùng Chảng ngắm trăng không?”
Lê Hứa Huyền Trân
Bài viết liên quan: