Tháng Mười, khi những cánh đồng vừa gặt xong đã được người nông dân quê tôi thuê máy cào xới đất lên để chuẩn bị cho vụ mới. Ấy cũng là thời điểm trên những vạt núi, vạt rừng đồi róng lên tiếng máy cưa lốc liếm ngọt vào những thân cây to, chỉ trong chốc lát tiếng đổ ầm cùng tiếng cành cây gãy răng rắc dội vào không gian tiếng xót xa.
Đất vừa xào xới, đánh thành luống, cây thuốc lá con vừa mới được trồng xuống đất, những người nông dân quê tôi đã chuẩn bị củi hộc để làm chất đốt sấy thuốc lá. Những giây phút thảnh thơi ngồi bên bàn chè tôi nghe những người bạn tâm sự: Sấy thuốc lá cần phải có cả củi tươi và củi khô kết hợp mới được, chỉ có củi khô thì tốn nhiều, củi tươi không thì lửa không cháy bén. Tranh thủ mùa khô lên rừng, lên núi chặt củi để đó, chứ để sang xuân giáp hạ mới lên rừng chặt cây thì vất vả lắm bởi thời tiết nắng nóng, mưa ẩm ướt, muỗi vắt bám vào bắp chân hút máu.
Những ngày trời nắng ấm, từ sáng đến chiều đâu cũng vang vọng tiếng máy cưa lốc, đâu cũng nghe thấy tiếng ầm ào của cây gãy đổ. Những chiếc máy cưa đủ loại, màu sắc, kích cỡ đã biến những cánh rừng rậm thành rừng thưa, những quả đồi phủ xanh bởi tầng tầng, lớp lá cây chỉ trong một vài tuần đã loang lổ bởi màu lá héo khô. Những cái cây gốc to bằng cái thùng, cái siêu nước cao một, hai chục mét, chỉ trong chốc lát đã được cắt ngắn thành từng khúc, chất đống dưới chân đồi. “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, rừng ngăn đất xói mòn, lũ quét, nhiều người nông dân cũng biết thế nhưng để phát triển kinh tế gia đình họ đã phải chặt hạ cây để làm chất đốt sấy sản phẩm. Người bạn tôi nói thật lòng “mình chỉ lựa những cây cong, cây có dấu hiệu sâu đục, những cây gỗ tạp để chặt thôi. Ai chẳng biết rừng xanh nuôi sống con người, rừng xanh hút khí các-bo-níc, nhà khí ô xi, nhưng không có cây làm sao sấy thuốc lá? Giá như có cái gì đó thay được củi đốt thì tốt biết bao”. Có nguyên liệu để thay thế củi đốt, đồi sẽ vắng tiếng máy cưa khi mùa thuốc lá đến, có chất đốt thay thế những quả đồi sẽ mãi bát ngát màu xanh.
Mỗi khi cầm vào cái cưa buộc nó lên yên xe máy hướng vào rừng trong lòng tôi xốn xang khó tả. Rồi sẽ có những cái cây đổ rạp, cắt thành từng khúc, sẽ có khu rừng nham nhở, loang lổ những vết thương mà phải nhiều năm sau mới có thể lành lại được. Có loại cây sau khi chặt hạ thì những mầm non lại mọc ra từ cái gốc vừa mới bị cưa máy cắt bỏ, qua năm tháng sẽ dần hồi sinh, nhưng cũng có những loài cây không mọc mầm từ gốc đã chặt. Cây to đổ xuống cây thấp bé ở bên dưới chết oan, cây to đổ xuống cả một khoảng rừng trở nên trống trơn. Ánh mặt trời chiếu rọi càng làm tán lá cây vừa mới chặt hạ nhanh khô héo hơn.
Rừng, đồi, cây nơi bảo vệ sự sống của con người, nơi sinh sống trú ẩn của bao loài muông thú. Cành cây cao là nơi đặt chân của những loài chim, tán lá cây đâu đó còn có những tổ chim mà có thể trong đó đang có những quả trứng hay những chú chim non đang chờ chim bố mẹ mớm mồi. Chúng phải được chăm sóc vài tuần lễ mới có thể tập bay, tự tìm kiếm thức ăn được. Khi con người nổ máy cưa lên vang động một góc đồi, lưỡi cưa liếm ngọt vào thân gỗ, chỉ trong chốc lát cây đổ xuống làm lũ chim ngơ ngác, hoảng loạn trong tuyệt vọng. Lũ chim không sao hiểu được cây lớn, rừng nhiều tầng lớp lá mà sao không thể che chở được tổ của chúng. Nghe tiếng máy cưa, tiếng cây đổ những chú nai cũng hoảng sợ nhanh chân chạy vào rừng sâu.
Cái nắng hanh hao của mùa đông, mưa ít nhiều gió làm lá cây khô héo rất nhanh, chỉ một hai tuần người ta dễ nhận thấy trên những vạt đồi loang lổ màu lá úa. Những cái cây nhỏ tầng dưới bị cây to đổ đè bẹp, bằng sức sống mãnh liệt cũng bắt đầu ngoi lên dưới ánh nắng vàng như rót mật. Tôi đi giữa những vạt đồi có cây to bị đốn hạ làm củi sấy thuốc lá, mùi lá khô, mùi hương của cây Tan quy theo gió sộc vào mũi làm cho ngất ngây. Nhắm mắt lại để tận hưởng hương thơm thanh khiết của rừng đồi, thả hồn mình vào với thiên nhiên, không khí trong lành khiến lòng thêm thư thái. Chẳng thế mà có không ít du khách đã đến với rừng xanh, chọn những quả đồi có cảnh đẹp dựng lều trại, tạm tránh xa phố phường đua chen, chen nhau không gian sống, chen nhau đường đi lối về, chen nhau không khí thở. Tạm lánh xa nơi phồn hoa phố thị để tâm hồn được thư thái, tĩnh tâm suy nghĩ về những chuyện đã qua rồi nghĩ đến những việc sẽ làm trong thời gian tới. Chỉ khi một mình suy tư trong không gian tĩnh lặng mới làm cho đầu óc sáng suốt hơn. Tôi cũng đã không ít lần đi vào rừng, ngồi dưới tán lá cây tránh cái nắng nóng của những buổi trưa hè. Ngoài đường nhựa nóng hầm hập, mồ hôi chảy ròng ròng nhưng chỉ bước chân lên đồi, ngồi xuống dưới gốc cây sau sau, cang lò chỉ một lát mồ hôi bỗng tan biến. Những cơn gió làm rung từng tán lá, những cơn gió dịu mát làm cho con người cảm thấy khoan khoái. Ngồi hóng mát dưới tán cây cao lớn tôi nhớ đến cái thời còn thơ ấu sáng đi học, chiều theo trâu bò đi vào những quả lũng trải dài tít tắp. Thuở đó nhà nước chưa giao đất giao rừng cho hộ gia đình quản lý, đồi núi không ai quản lý chăm sóc, những cái cây không thể lớn nổi bởi con người. Cây chưa kịp lớn đã bị con người chặt làm củi đun, đồi chưa kịp hồi sinh lại bị đốt cháy. Những quả đồi vắng bóng cây xanh, chỉ có cỏ xanh trải dài tít tắp đến chân trời. Thuở đó rừng cây như sợ con người lắm, cả những loài chim, những con thú cũng lui vào rừng sâu núi thẳm. Lũ trẻ chăn trâu chơi trò đánh trận giả chẳng tìm được những bóng cây to để ẩn nấp. Chỉ có bụi cây ràng ràng, dương xỉ thấp te le, trẻ nhỏ đứng không giấu được cái đầu. Nơi nào không có cỏ mọc đất lộ ra, khô cứng. Không có cây to ngăn nước chống xói mòn, đất đai trơ trụi nghèo chất dinh dưỡng. Mùa mưa, nhất là những cơn mưa dập dùi dài ngày, từng mảng đất từ trên những quả đồi dốc lở xuống từng mảng nham nhở như những vết thương ri rỉ máu. Mùa mưa ở quê tôi năm nào cũng có nhiều vụ sạt lở núi đồi. Bao nhiêu khối đất đá bị dòng nước đuổi xuống chân đồi trôi dạt vào dòng sông, dòng suối, trôi đến những vùng trũng thấp.
Rồi những vạt rừng được phân chia, giao cho hộ gia đình khoanh nuôi, bảo vệ, những quả đồi trọc dần được phủ xanh bởi nhiều loại cây tự nhiên. Có cây, có rừng chim chóc, muông thú cũng thi nhau kéo về làm tổ, giờ chỉ bước chân lên những vạt đồi rừng đã có thể nghe được bản hòa âm của những loài chim họa mi, chích chòe, chào mào… nghe thật vui tai lắm lắm.
Cuộc sống hiện đại, đa số người nông dân quê tôi đun nấu bằng bếp ga, bếp điện. Sẽ chẳng mấy ai vào rừng chặt hạ những cây gỗ to để làm củi đun nếu người dân không trồng thuốc lá. Rừng sẽ không vang vọng tiếng máy cưa lốc khi mùa hanh khô đến. Đi vào rừng, đứng trước những gốc cây to nhựa vẫn còn ri rỉ, lòng dấy lên niềm thương cảm, xót xa. Những cái cây đang chảy máu. Tôi cũng không biết chắc đó là máu của cây hay là nước mắt của cây nữa. Một cây to bị đốn hạ, tán lá không còn reo rì rào mỗi khi có cơn gió thổi qua. “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, nhiều người không tin rừng xanh cũng thở như con người. Chỉ có những người thật sự hiểu rừng mới có thể nghe được tiếng thở của rừng, tiếng reo vui và cả tiếng khóc của rừng.
Mấy năm gần đây, thuốc lá là cây trồng được nhiều gông dân gieo trồng, bởi nó là cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với cây ngô, lúa. Từ ngày trồng thuốc lá nhiều cây to bị chặt hạ làm chất đốt, những vạt rừng đang chảy máu. Tôi lo sợ không biết những vạt đồi lại trọc lốc như vài chục năm trước không? Khi những cái cây to bị chặt hạ ngày càng nhiều mà những cây nhỏ thì chưa kịp lớn. Không biết có ai có thể nghe được những ấm ức của cây, tiếng khóc của cây, tiếng lòng của cây không? Những vạt đồi đang đau vì loang lổ, nham nhở những vết thương chưa kịp lành lại. Đêm nằm nghe tiếng nai tác ở rừng xa vọng về cùng với tiếng gà rừng eo óc gáy khi trời dần chuyển về sáng, tôi càng thêm thương những vạt đồi nham nhở vết thương đau…
Nông Quốc Lập
Bài viết liên quan: