Sa Pa đón tôi vào hưng hửng sáng rừng, sau khi vượt qua gần 400km với 6 tiếng trên chuyến xe giường nằm êm ái. Anh Quyến lái xe du lịch chuyên nghiệp ở Sa Pa đưa chúng tôi qua khúc đường cua gập ghềnh, quanh co dốc núi để đến được thị trấn Sa Pa xinh đẹp. Cảm giác mát mẻ, dễ chịu với làn không khí se se lạnh, trong trẻo đến dịu dàng nơi Đà Lạt xứ Bắc. Phố ẩn mình trong sương, loang thoáng nếp nhà, loang loáng mây mỏng manh trắng muốt, bồng bềnh cuộn từng lớp, từng lớp bám riết, bò trườn trên đỉnh núi, lúc lại sà xuống thung lũng tưởng chừng đưa tay ra là có thể chạm vào được làm tôi không khỏi ngạc nhiên, thích thú. Vẻ đẹp tươi mới, hùng vĩ, nên thơ, thăm thẳm đại ngàn của núi rừng hun hút thực sự khiến tôi mê đắm.
Và không phải đợi lâu, dưới sự hướng dẫn của anh lái xe vui tính, ngay buổi chiều hôm đó tôi khám phá bản Cát Cát, một bản nhỏ đơn sơ, thơ mộng của người H.Mông đã được một tờ báo Hồng Kong bình chọn là một trong những ngôi làng đẹp nhất thế giới. Bản Cát Cát cách trung tâm thị xã Sa Pa chừng 2km theo hướng núi Fansipan, thuộc xã San Sả Hồ, huyện SaPa. Năm 1905 người Pháp phát hiện ra thổ nhưỡng, khí hậu, sản vật ở Sa Pa và tiến hành xây dựng những khu nghỉ dưỡng ở đây. Người Pháp gọi con thác ở bản là Catscat (đọc chệch là Cát Cát). Cái tên Cát Cát ra đời từ đó.
Dẫn vào bản là con đường bậc thang lát đá nhỏ bé mảnh như sợi chỉ, lọt thỏm giữa hai dãy nhà làm bám vào sườn núi chênh vênh, trùng điệp len lỏi giữa những thung lũng hoa, hổn hển ruộng bậc thang hút mắt và con suối ngày đêm réo rắt reo vui. Hình ảnh người đàn bà Mông chân quấn xà cạp, tai đeo vòng bạc nụ cười sơn cước thiện lành, thoăn thoắt dệt vải dưới nắng chiều trong vắt sóng sánh như mật con ong rừng in vào đất trời, núi rừng Sa Pa, in trong tâm trí tôi bảng lảng. Nghe nói, họ có kĩ thuật nhuộm chàm, đánh bóng bằng cách lăn vải với khúc gỗ tròn trên phiến đá, bôi sáp ong nên những sản phẩm thổ cẩm thủ công từ mũ, áo khăn… rất tinh tế, khéo léo, rực rỡ sắc màu, bền đẹp. Đứng trên bản Cát Cát phóng tầm mắt ngắm, thả hồn vào đất trời núi rừng thênh thang, khoáng đạt, hoang sơ tôi thấy tâm hồn thật thư thái, nhẹ nhàng, an nhiên tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này, tôi hiểu thêm cuộc sống, nét đẹp văn hóa và tình người nơi đây hồn hậu rộng dài như con sông, con suối.
Cát Cát còn dẫn dụ tôi bởi vẻ hữu tình, nơi hội tụ ba dòng suối Tam Sa, Suối Vàng, Suối Bạc. Dưới chân núi, nước mát lạnh trong veo, phô lòng đá cuội cùng nét nguyên sơ, hùng vĩ của Thác Tiên Nữ phơi trong dáng chiều muộn. Khói bếp nhà ai đã lên đèn, thoảng trong gió chiều hương thơm của thịt trâu gác bếp, mùi thắng cố, cơm Lam và rượu San Lùng khiến du khách ngây ngất, hít hà. Chúng tôi trở về khách sạn nghỉ ngơi, ăn tối khi màu hoàng hôn sắp tắt.
Cũng như bao du khách khi đến đây, tôi háo hức khám phá ẩm thực của Sa Pa. Nhà hàng san sát được thiết kế theo phong cách phố núi, thô sơ, mộc mạc, nhưng không kém phần sang trọng, còn món ăn khiến con người ta thưởng thức một lần phải nhớ mãi: phở Bắc Hà, canh cải Mèo, rau su su… đậm đà hương vị núi rừng. Ngoài cá suối, ở đây còn đặc sản cháo, gỏi, lẩu cá Hồi, cá Tầm ngọt dai, dẻo thơm vì được nuôi bằng nước lạnh tinh khiết ở Suối Thác Bạc chảy từ độ cao hơn 100m. Mận, lê, đào ngọt thơm như môi em gái miền sơn cước.
Một ngày, ôm vòng tay Sa Pa vào hạ, tôi may mắn được hưởng trọn tiết trời của bốn mùa nắng gió. Buổi sớm trong trẻo của mùa xuân, lất phất mưa bay và sương mù níu chân dốc bản. Trưa, trời trong nắng nhẹ ấm áp đầu hạ, chiều hơi đất ngập ngừng lành lạnh tiết thu gấm vóc rắc mọi nẻo đường. Đêm, nhiệt độ xuống thấp, chỉ cần dùng một chiếc chăn mỏng là có thể dễ dàng chìm vào giấc ngủ yên bình.
Đêm thị trấn Sa Pa lung linh ánh đèn, huyền ảo nơi nhà thờ đá – một nhà thờ cổ, nguy nga được xây theo lối kiến trúc Gô tíc La Mã của người Pháp xây năm 1985 còn sót lại. Chợ đêm sáng choang, náo nhiệt, thơm phức mùi thảo quả, mùi lá thuốc tắm, đa dạng các mặt hàng của người Dao, Mông, Dáy, Xá Pó… mang đến bán. Đó đây, sân Quảng trường dìu dặt tiếng khèn ma mị, nhịp nhàng, thoăn thoắt đánh, hất gót chân, khom lưng lộn, xoay, nghiêng theo vũ điệu nhịp nhàng, uyển chuyển, khỏe khoắn, say theo men rượu Sán Lùng của chàng trai, cô gái người Mông biểu diễn. Vũ điệu hòa trong tiếng khèn trầm bổng, thiết tha như hơi thở, tiếng lòng của họ mêng mang, xa xôi tạc vào núi đá.
Ngày hôm sau, tôi dậy sớm, ngắm mặt trời ló lên sau bản mây, mây đùn lên từ khe núi, một màu trắng sữa, mê mải chuyển động với những hình thù nghộ nghĩnh. Hành trình tiếp theo của chúng tôi là chinh phục đỉnh Fansipan nóc nhà Đông Dương trên ngọn núi Hoàng Liên Sơn. (Người dân nơi đây gọi là hủa sipan có nghĩa là hòn đá khổng lồ chênh vênh).Tại ga đi cáp treo, chúng tôi choáng ngợp trước vẻ đẹp của thung lũng hoa Fansipan, hoa tràn trên đồi đan vào nhau, bung tỏa hương sắc: hoa mã tiền thảo tím miên man, lãng mạng, hoa rum trắng sáng bừng góc trời, hoa hướng dương vàng rực rỡ, cúc ngậm nụ no tròn dưới nắng, hoa hồng thơm ngập tràn cánh mũi… chúng đang thi nhau thổi lên từ đất tô điểm cho núi rừng.
Cảm giác khi ngồi cáp treo như được từ từ bay trên núi rừng, xuyên qua những tầng mây lên trời. Cáp treo Fansipan là hệ thống cáp treo 3 dây dài nhất thế giới với 6292,5m, hệ thống cáp treo có độ chênh giữa ga đi và ga đến 1410m lớn nhất thế giới bắc qua thung lũng Mường Hoa từ dãy núi này sang đỉnh núi kia. Từ trên không trung nhìn xuống, thị trấn Sa Pa như một viên ngọc xanh tráng lệ, thoắt ẩn, thoắt hiện, dòng suối nhỏ xíu như dải lụa trắng mờ đục lẫn trong thảm rừng nguyên sinh, những vực sâu hun hút huyền bí, nắng tràn thửa ruộng bậc thang xanh mướt mát như tranh, nếp nhà nhỏ xíu bình yên. Cáp treo đưa chúng tôi đến độ cao 2850m leo bộ 690 bậc đá là đến đỉnh Fansipan. Vừa đi chúng tôi vừa chiêm bái quần thể văn hóa tâm linh Phật giáo với kiến trúc độc đáo, cổ kính, uy nghi, ngả trăm năm bên núi đá. Mặc dù tôi đã mang áo ấm nhưng nhiệt độ xuống thấp 8-10 độ nên các đầu ngón tay hở ra là lạnh tê buốt còn gió phần phật như trực sẵn để cuốn đi bất cứ lúc nào, tưởng chừng đang đón trận gió mùa đông bắc. Khoảnh khắc chạm đỉnh mây trời, mới cảm thấy hết vẻ vời vợi, kiêu hùng của dãy núi Fansipan bốn bề lộng gió giữa biển sương mờ mịt, ngỡ như mình lạc vào thiên đường mây ở chốn bồng lai tiên cảnh, mới thấy mình thật nhỏ bé trước thiên nhiên. Khoảnh khắc chạm vào đỉnh chóp cột mốc 3143m, chạm cột cờ đỏ sao vàng ngạo nghễ tung bay kiêu hãnh mới thực sự hân hoan, và thấy khâm phục tài năng ý chí kiên cường của con người, lòng trào dâng niềm tự hào dân tộc. Một ngày trên đỉnh Fansipan là những trải nghiệm thật tuyệt vời với tôi.
Ngày thứ ba, chúng tôi thăm núi Hàm Rồng, một ngọn núi có các mỏm đá ngẫu nhiên xếp lại với nhau như chiếc đầu rồng hướng lên trời xanh nằm ngay sát trung tâm thị trấn Sa Pa, sau nhà thờ đá. Chuyện kể rằng trước kia, khi đất mênh mông, hỗn độn, Ngọc Hoàng đã ban sắc lệnh: Tất cả mọi sinh vật còn sống sót trong bùn lầy hãy tự lập lấy địa phận của mình. Lệnh vừa ban ra, các loài sinh vật đã tranh nhau chỗ ngụ cư. Lúc đó còn lại ba anh em nhà rồng đang sinh sống trong một hồ lớn, được tin này nhìn sang hướng Đông đã bị chiếm hết chỗ. Thấy vùng đất ở hướng Tây rộng lớn, 3 anh em thẳng hướng chạy đến và giành được địa phận cho mình. Hai người anh lớn khoẻ nên chạy nhanh hơn, ở đó chờ người em. Do người em chạy chậm, bị lạc vào đám sư tử, hổ, báo, gấu… đang giành nhau địa phận. Nhìn thấy đám sinh vật quái ác kia, người em sợ đến rùng mình, co người, há mồm để tự vệ.Vừa lúc đó lời ban của Ngọc Hoàng hết thời hạn, thân hình người em út nhà rồng hoá thành núi đá, có dáng đầu ngẩng cao, mồm há, nhe răng. Hai người anh nhà rồng cũng hoá thành đá và hình dáng đó vẫn ở Sâu Chua thuộc xã Sa Pả hình ba dãy núi nhỏ giống như ba con rồng trên khu núi. Hai con quay về hướng Lào Cai, đó là hình ảnh hai người anh nhà rồng, một con nhìn sang dãy Hoàng Liên Sơn, đó là hình ảnh người em nhà rồng. Từ truyền thuyết này, mỗi khi Tết đến, các bậc già làng, trưởng họ đều mang lễ vật đặt vào trong hàm con rồng như một nghi lễ cúng Thổ thần.
Tôi đi giữa hàng trăm bậc đá dẫn lên đỉnh núi Hàm Rồng. Trong không gian xanh mát, các loài hoa kiêu hãnh khoe vẻ đẹp ngọt ngào giữa đất trời Sa Pa: đỏ rực rỡ của từng chùm đỗ quyên, giò phong lan rủ từng nhành hoa quí phái đưa mình trong gió, đó còn là những rặng hồng gai bung nở từng cánh hoa tròn còn đẫm sương đêm. Tôi trầm trồ trước vách đá sừng sững, như vô vàn móng vuốt, vây lông của “nàng rồng”, con đường nhỏ quanh co càng tăng thêm vẻ kì bí, âm u ở vườn đá Thạch Lâm. Sau hành trình dài 1 km, cuối cùng tôi đặt chân được lên đỉnh Hàm Rồng (Sân Mây) được bài trí như một chòi quan sát. Trạm viễn thông Sapa cao 2.000 mét so với mực nước biển. Trạm viễn thông đồng thời là đài quan sát được đặt ở nơi cao nhất trên đỉnh Sa Pa. Tại đây, có thể ngắm toàn bộ thị trấn Sa Pa xinh đẹp, cảm nhận được sự giao thoa của đất trời và thong thả dạo bước trên mây. Từng áng mây bồng bềnh trôi vươn dài ôm ấp lấy ngọn núi hùng vĩ, cái mát lạnh của hơi sương vương vấn. Cũng tại đây, tôi nhìn sang thấy đỉnh Fansipan, thấy mình như lạc lối giữa núi non, mây trời tuyệt đẹp.
Màu sắc hiện đại đã nhuốm lên Sa Pa: những đứa trẻ dân tộc không đến trường lẽo đẽo theo khách du lịch xin tiền hay đi bán hàng, ngủ bên lề đường, tục bắt vợ đã để lại nỗi đau của cho bao cô gái… để lại trong tôi một Sa Pa với số phận của những phận người lặn trong dáng núi, đường đi, vách đá. Cứ thế, Sa Pa trú ngụ trong tôi một nỗi niềm bình lặng mà tha thiết, day dứt. Bất giác, tôi nhớ đến truyện ngắn “Thung lũng hoang vắng” và tấm lòng của những thầy cô giáo nơi miền núi cao Tả Giàng Phình lặng thầm gieo cánh đồng chữ cho những đứa trẻ trong bản.
Có phải vì thế mà khi trở lại Hưng Yên, tôi thường vương quấn nơi xứ núi mù sương, Sa Pa đau đáu niềm mong ngày trở lại.
Khương Thị Mến
Bài viết liên quan: