Tản văn dự thi – NHỚ MÃI CÚC PHƯƠNG

Những kỷ niệm tuổi trẻ đôi khi giống như một mạch suối ngầm, lẩn khuất đâu đó trong lòng đất khô cằn, để rồi bất chợt được đánh thức bởi một cơn mưa tươi mát của hiện tại. Với tôi, chuyến đi rừng Cúc Phương năm lớp 11 luôn hiện hữu rõ nét trong tâm trí, như một thước phim quay chậm về những ngày tháng vô tư, hồn nhiên và tràn đầy nhiệt huyết thanh xuân.

Ngày ấy, lớp chúng tôi được hội phụ huynh tổ chức một chuyến dã ngoại về rừng Cúc Phương – khu rừng nguyên sinh rộng lớn nhất miền Bắc, nơi từng được biết đến qua những trang sách với những hình ảnh mờ ảo, xa vời. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi được đặt chân tới một khu rừng thực sự, được chạm tay vào cái màu xanh thẳm vô tận mà trước giờ chỉ tồn tại trong tưởng tượng và những hình ảnh trên Tivi.

Chiếc xe chở chúng tôi len lỏi qua những con đường uốn lượn giữa thảm cây xanh ngút ngàn. Không khí trong lành đến lạ, mát rượi như những dòng suối nhỏ len qua khe đá. Bên ngoài cửa kính xe, những rặng cây hiện lên dày đặc, tầng tầng lớp lớp như chào đón chúng tôi. Cảm giác háo hức xen lẫn hồi hộp khiến tiếng cười đùa của cả lớp vang lên không ngớt, hòa vào tiếng bánh xe lăn đều đều trên mặt đường.

Đặt chân đến Cúc Phương, tất cả đều như choáng ngợp trước sự hùng vĩ và tráng lệ của khu rừng. Những thân cây cổ thụ cao lớn vươn mình lên bầu trời xanh thẳm, tán lá dày đặc che phủ cả một khoảng trời, chỉ để lại những tia nắng nhỏ bé lọt qua khe hở, nhảy múa trên mặt đất thành những đốm sáng li ti. Hướng dẫn viên kể về lịch sử hình thành khu rừng, về sự phong phú của hệ sinh thái với hàng nghìn loài động thực vật khác nhau, trong đó có nhiều loài quý hiếm. Lòng tôi như trào dâng một niềm tự hào khi biết rằng thiên nhiên đất nước mình thật trù phú và kỳ diệu.

Sau bữa trưa tràn đầy năng lượng, chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá rừng. Cả lớp nối đuôi nhau, hệt như một đoàn thám hiểm nhỏ bé len lỏi giữa sự mênh mông của cây lá. Hai điểm đến chính của chuyến đi là cây chò chỉ nghìn năm tuổi và cây sấu tám trăm năm tuổi – những biểu tượng sống của Cúc Phương.

Đường mòn dẫn lối qua những bụi cây um tùm, qua những phiến đá rêu phong ẩm ướt. Tiếng lá khô vỡ giòn dưới bước chân, tiếng chim hót ríu rít vang lên đâu đó trong tán lá xanh thẳm. Thi thoảng, một cơn gió nhẹ thoảng qua, làm tán lá rung rinh như muốn thì thầm điều gì bí ẩn.

Đi được một đoạn, bỗng cô bạn thân Lương Huyền hét lên thất thanh. Tất cả giật mình quay lại, thấy Huyền đang hoảng hốt, vừa nhảy nhót vừa đưa tay lên cổ. Một con vắt rừng đen bóng đang ngo ngoe, bám chặt lấy da thịt mềm mại. Sau một hồi loay hoay, con vắt rơi xuống, để lại vết cắn rướm máu. Nhìn thấy điều đó, cả bọn vừa hú vía vừa phá lên cười, trêu đùa Huyền là “người bị yêu rừng chọn”.

Đi tiếp, chúng tôi tới được cây chò chỉ nghìn năm tuổi. Thân cây khổng lồ, sừng sững giữa lòng rừng già như một chứng nhân lịch sử. Chúng tôi thử giang tay ôm lấy thân cây, nhưng mười mấy đứa vẫn không thể bao trọn. Thoáng nghĩ đến những biến thiên mà cây đã chứng kiến trong suốt nghìn năm, tôi chợt thấy mình nhỏ bé biết bao.

Đêm xuống nhanh hơn tôi tưởng. Mùa hè nhưng trời trong rừng lạnh đến rùng mình. Cả lớp quây quần trong một căn phòng lớn, vừa chơi trò chơi, vừa kể chuyện để xua đi cái lạnh buốt len qua từng kẽ tay. Khi ánh đèn tắt, những câu chuyện ma lại được dịp bùng nổ, khiến ai nấy đều run lên vì sợ hãi lẫn thích thú.

Sáng hôm sau, chúng tôi bắt đầu hành trình thăm Động Người Xưa. Con đường dẫn lên động uốn lượn giữa những rặng cây xanh thẳm, vượt qua hơn hai trăm bậc thang đá và sắt, dốc đứng và trơn trượt bởi rêu phủ. Bàn chân chúng tôi lấm lem bùn đất, nhưng sự háo hức vẫn chưa hề vơi.

Cửa động hiện ra giữa vách núi đá vôi xám bạc, làn không khí lạnh lẽo phả ra khiến ai cũng rùng mình. Bên trong động tối đen, mùi ẩm mốc ngai ngái hòa lẫn trong không gian tĩnh mịch. Ánh đèn pin loang loáng rọi khắp nơi, làm hiện lên những khối thạch nhũ đủ hình thù kỳ lạ: đầu rồng oai vệ, đôi cánh chim giang rộng, dải lụa mềm mại buông rủ.

Người hướng dẫn kể về những phát hiện khảo cổ quan trọng, từ rìu đá, mũi xương đến ba ngôi mộ cổ có cấu trúc độc đáo từ 7.500 năm trước. Tôi chạm tay lên thạch nhũ mát lạnh, cảm nhận như đang lần tìm về những dấu tích xa xăm, hoang sơ và kỳ bí của một thời kỳ đã qua.

Rời động, chúng tôi đến thăm Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển Sinh vật – một trong những điểm nhấn đặc biệt của Vườn quốc gia Cúc Phương. Những chú voọc mông trắng, vượn đen má trắng với đôi mắt to tròn, bộ lông mềm mại, đong đưa giữa những cành cây xanh mướt. Những con vật từng bị thương, từng trải qua hành trình khắc nghiệt khi bị buôn bán trái phép, giờ đây đang được chăm sóc cẩn thận, chu đáo.

Nhìn các cán bộ cần mẫn cho ăn, theo dõi sức khỏe từng cá thể động vật, tôi mới thấm thía ý nghĩa sâu sắc của công việc bảo tồn. Đây không chỉ là cứu hộ những sinh linh yếu ớt, mà còn là một nỗ lực không ngừng nghỉ để bảo vệ cả một hệ sinh thái đang bị đe dọa. Giữa tiếng lá cây xào xạc, tiếng khỉ chuyền cành, lòng tôi như thắt lại bởi tình yêu và sự cảm phục dành cho những con người đang âm thầm giữ gìn vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên.

Trên xe trở về, dù ai nấy đều đã thấm mệt sau hai ngày dài khám phá, nhưng không khí vẫn náo nhiệt bởi trò chơi trả lời câu hỏi giống như chương trình Đường lên đỉnh Olympia do hướng dẫn viên tổ chức. Những câu hỏi về rừng Cúc Phương, về cây trò chỉ nghìn năm tuổi, Động Người Xưa hay các loài linh trưởng quý hiếm khiến cả lớp đều hào hứng tham gia. Tiếng cười nói rộn ràng, tiếng tranh luận sôi nổi vang lên không ngớt. Mỗi câu trả lời đúng đều được tung hô như một chiến tích nhỏ, khiến quãng đường về nhà như ngắn lại giữa niềm vui và sự phấn khích. Cúc Phương không chỉ là một điểm đến du lịch, mà là một phần ký ức tuyệt đẹp của tuổi trẻ tôi.

Nhiều năm trôi qua, nhưng mỗi khi nhớ lại, lòng tôi lại dâng lên một cảm giác bồi hồi khó tả. Chuyến đi rừng Cúc Phương đã để lại trong tôi những bài học quý giá về tình bạn, sự đoàn kết và trách nhiệm với thiên nhiên. Và hơn hết, đó là những ngày xanh tươi đẹp mà tôi sẽ mãi khắc ghi.

Trà Đông