Tản văn dự thi – Ngôi miếu sau núi

Bạn có tin trên đời này có ma không?

Tôi sẽ kể cho bạn nghe một câu chuyện về thế giới của những linh hồn, của những chấp niệm đầy oán hận không thể siêu thoát, dẫn bạn qua ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, để thêm hiểu về MA – một thực thể tâm linh vô hình tồn tại như thế nào giữa kiếp sống nhân sinh miên viễn, dài dần qua năm tháng.

Tại một vùng núi cao Đông Bắc của đất nước, nơi những dãy núi đá nối tiếp nhau tầng tầng điệp trùng như xa tận chân trời quanh năm được bao phủ là mây trắng, là sương gió, nơi con sông Nho Quế uốn quanh bao bọc mang trong mình nguồn nước từ đại ngàn hùng vĩ đêm ngày chảy rì rào, ào ạt và đầy ắp nước xanh, là nơi mà đồng bào người Mông ngày ngày lên những nương đá tai mèo, vùi từng hạt giống cây ngô xuống hốc đá mong cho mùa màng tươi tốt, giáp hạt được no lưng ấm cật. Và nơi này có một bản nhỏ không biết đã tồn tại từ đời nào nữa mang cái tên rất lạ, bản Chuông Shan.

Lại nhắc về cái tên Chuông Shan nghe thật độc đáo phải không, không giống như ngôn ngữ đại chúng phổ thông ở dưới xuôi mà nó khiến ta như liên tưởng từ cái tên ra rất nhiều hình ảnh gợi nhớ về rẻo cao Đông Bắc, có núi non sông thác, hùng vĩ linh thiêng. Tìm về những cụ cao niên trong làng, tôi mới được các cụ kể lại cái tên bản Chuông Shan từ khi các cụ sinh ra đã được đời trước thuật lại, sở dĩ tên là Chuông Shan được tách ra làm hai bộ phận riêng biệt là Chuông và Shan. Chuông là tên gọi của ngôi miếu thờ thần núi bảo hộ cho ngôi bản, miếu Chuông được xây dựng phía sau núi, điểm tận cùng của con đường mòn sau bản dẫn thẳng lên cửa núi, còn Shan là chỉ cho nghề nghiệp chính tạo ra thu nhập của bà con dân bản từ nhiều đời đó là làm trà cổ thụ Shan Tuyết, thứ trà được thu hái từ những cây trà cổ thụ hoang dã hàng nhiều trăm năm tuổi, lá có một lớp lông mao trắng tựa tuyết nên gọi là cây trà shan tuyết. Một thứ là niềm kính ngưỡng chở che cho nguồn cội sinh cơ cho dân bản từ người già đến người trẻ, một thứ là tạo ra đồng tiền để người dân duy trì sự sống , tiếp nối và phát triển qua năm tháng. Vậy nên cái tên Chuông Shan ra đời như ý chỉ hai thứ quý giá và đặc trưng nhất, nhắc nhớ mỗi một người dân bản không được quên mất đi tổ tiên thần linh và món quà núi rừng ban tặng, nuôi dưỡng bản thân mình.

Viết đến đây tôi hồi nhớ lại ánh mắt tự hào và long lanh của toàn bộ dân bản trong căn nhà sàn lớn của cụ Chanh đêm hôm chúng tôi về thăm bản và xin tá túc ngủ lại một đêm trong căn nhà sàn cụ Chanh trưởng bản, ngôi nhà sàn lâu đời nhất của bản Chuông Shan truyền đến đời cụ Chanh đã là đời thứ 5. Tiếng nói của cụ Chanh tuy đã ngoài 80 những vẫn còn nét cương nghị và đĩnh đạc rắn chắc lắm, vang vọng trong không gian im phăng phắc chỉ nghe thấy tiếng nói, cùng tiếng nổ lép bép đang phát ra từ bếp lửa ở giữa nhà trong đó là đầy rẫy lõi ngô khô đang xì xèo hun tạo nên ngọn lửa lớn bập bùng đỏ rực, tỏa sáng khắp căn phòng. Đoàn chúng tôi, cùng dân bản lắng tai nghe cụ kể về dịp lễ hội tế thần miếu Chuông mọi năm rực rỡ ra sao, ngập tràn niềm vui như thế nào, cho đến khi giọng cụ trầm lại.

Cụ nói trong tiếng thở dài và run run: “Những mấy năm nay lễ hội không còn tổ chức nữa, miếu Chuông đóng cửa và không còn người dân nào dám ra sau núi, nơi đó bỏ hoang và đã chở thành cấm địa, các con biết sao không vì nơi đó có ma, ma hại người và sẽ giết tất cả những ai đến đó xâm phạm tới ngôi miếu.”

Thật sự giữa thời đại bây giờ có ma sao, thật khó mà tin được, trong lòng của những người trí thức trẻ chúng tôi luôn tin rằng vào thời đại mới, khoa học kỹ thuật, ma cỏ chỉ tồn tại trong lời kể của dân gian, chỉ là câu chuyện hù dọa trẻ con vào những đêm tối, hay vì ngôi bản này có bí mật gì muốn dấu đi mà nghĩ ra một truyền thuyết linh dị về ma hại người để dọa nạt những kẻ muốn xâm phạm chăng. Vậy nên chúng tôi đã lên một kế hoạch rất táo bạo và liều lĩnh để thỏa mãn cái tò mò, cái tôi của những anh thanh niên ngoài đôi mươi muốn chứng tỏ bản thân gan dạ và kiên cường, dám làm chủ đời sống và khoa khọc hiện đại, kế hoạch khám phá ngôi miếu cổ sau núi, phá hủy đi lời nguyền dị biệt của người dân nơi đây. Những đến cuối của kế hoạch này chúng tôi ai cũng đều phải rơi nước mắt khi tìm hiểu ra sự thật về con ma trong ngôi miếu Chuông cổ xưa nhất.

Sáng hôm sau, đoàn chúng tôi xin phép vào rừng để khám phá và khảo sát địa chất núi đá cổ, cụ Chanh đã phái hai anh thanh niên trai bản có kinh nghiệm đi rừng theo hộ tống chúng tôi. Trước khi rời đi cụ còn dặn rõ chúng tôi khi và rừng phải đi đúng con đường mà cụ dặn, không được rẽ vào con đường mòn đi thẳng vào ngôi miếu, nếu không muốn gánh lấy tai họa trên đầu.

Chúng tôi động viên cụ an tâm rồi trở bước đi con đường vào núi theo hai anh trai bản cao to, mang theo súng và cung tên tự chế đề phòng thú dữ tấn công. Trời nắng vàng buông xuống như dát vàng cả mặt đất, nắng chiếu bao trọn ôm lấy từng cánh ruộng bậc thang san sát, tia sáng của nắng còn long lánh lấp lánh như nô đùa với dòng suôi nhỏ trong vắt chảy bên đồi, phía xa xa những cây hoa ban đã buông xuống những bông hoa trắng tím rung rinh trong gió như những con bướm nô đùa giữa cơn gió xuân mát dịu, thật sự cảnh vật xứ Đông Bắc như hội tụ về đây mở hội xuân chào đón kẻ lữ hành. Đến đoạn ngã ba rẽ vào đường mòn, chúng tôi giả vờ mệt và đánh lừa hai anh thanh niên rồi rẽ tắt trốn vào con đường mòn sau núi.

Con đường này như một phiên bản đối lập với con đường trước, dọc hai bên đường là hai hàng cây trà cổ thụ to lớn xù xì trên thân cây mọc đầy rêu và địa y, không khí cảm nhận được độ lạnh và thâm u hơn nhiều so với cái tiết thời ấm áp lúc nãy, càng đi lại càng thấy hun hút và hiu quạnh. Và rồi ngôi miếu Chuông đã dần hiện ra, nơi cuối con đường trấn giữ ngay cửa lên ngọn núi hùng vĩ ngay trước mặt. Nhìn từ xa ngôi miếu được dựng bởi các cây tre nhỏ nằm lọt thỏm trong cây đa to lớn, những cái rễ buông xuống phải bằng cánh tay của nam giới tạo thể như ôm chặt ngôi miếu nhỏ vào giữa, bên cạnh trên các cái rễ đa phụ người ta buộc những quả “Còn” được kết bằng chỉ tơ ngũ sắc thủ công và có hoa văn thổ cẩm rất đẹp. Nhìn sâu vào ngôi miếu tôi thấy một tấm vải đỏ thêu dệt hoa văn thổ cẩm ở chính giữa dưới đó là một bát nhang sành trên đó chi chít là những chân hương tàn màu hồng, nhưng điều kỳ lạ là lại có ba nén hương đang cháy đỏ tỏa khói nghi ngút. Cụ Chanh đã bảo ngôi miếu bỏ hoang nhiều năm nay và có ma quỷ hại người nên không ai dám đến đây nữa mà giờ đây lại có ai thắp được hương ở nơi thâm sơn cùng cốc như này được. Dòng suy nghĩ đó của tôi được cắt đứt bằng một tiếng nói vọng ra từ ngôi miếu:

“Ai cho các người xâm phạm tới đây, các người sẽ phải gánh quả báo, ma sẽ bắt các ngươi!”

Mấy người bạn của tôi đồng loạt kêu lên kinh sợ đòi quay đầu bỏ chạy, nhưng tôi là đứa gan dạ nhất, kéo bọn chúng lại vì tôi nhận ra giọng nói này quen lắm. Là giọng nói đêm qua kể chuyện cho chúng tôi nghe mà, là giọng của cụ Chanh chứ không ai khác. Tôi gọi lớn tiếng cụ Chanh bước ra từ sau tán đa già, cụ nói:

“Tôi không dọa được các cậu phải không, thật sự tôi đã già thật rồi, các cậu lại đây thắp nhang cho thần núi, rồi tôi sẽ từ từ cho các cậu biết sự thật về con ma này.”

Trong mùi khói nhang trám đen thơm ngát, chúng tôi được cụ chỉ cho nhìn công trình nhà máy phân bón của một công ty nước ngoài đang thi công ngay bên cạnh cửa núi chính sau miếu, họ đã cho nổ mìn shan một phần núi đi mất rồi, các xe tải chạy ra vào đè bẹp đi lũ hoa cỏ đang nở rực rỡ, dân bản vì muốn giữ lại núi rừng, giữ lại nơi ở của cha ông, nơi những cánh rừng trà cổ thụ đã có từ ngàn đời, dân bản sống trên đá, chết nằm trong đá vẫn bám bản đến hơi sức cuối cùng để ngăn chặn công ty kia về phá dỡ phát triển công nghiệp, cụ bảo người dân tộc Mông chúng tôi yêu rừng, yêu núi như yêu chính thân thể của mình, rừng chảy máu dân không yên, đau xót lắm, rồi lũ trẻ mai sau lớn lên sẽ không còn miếu Chuông, không còn cái bản Chuông Shan này nữa.Vậy nên dân bản mới vẽ ra truyền thuyết về ma quỷ miếu Chuông lộng hành, sẽ hại những kẻ xâm phạm đến mảnh đất khu rừng nơi đây, để trì hoãn làm chậm lại quá trình thi công của nhà máy được tí nào hay tí đấy.

Trong màn khói hương linh ảo, trong cái không gian không còn đáng sợ u tối, trong cái giọng kể se thắt,rưng rưng của cụ ông trưởng bản vào độ tuổi đã gần đất xa trời, chúng tôi đều lắng tai nghe mà không biết hai hàng nước mắt mỗi người đã rơi ướt ngực áo từ bao giờ. Người dân nơi đây đơn thuần chất phác, hiền lành và hiếu khách, núi rừng nơi đây an nhiên, tĩnh lặng, cây cỏ hoa trái bốn mùa tốt tươi.

Vậy bạn có tin ma có thật hay không, con ma trong trí tưởng tượng còn rùng rợn và sợ hãi hay không. Hay sau tất cả, con ma trong chính lòng người mới là con ma đáng sợ nhất, mà ta chưa từng biết đến sự tồn tại của chúng.

Bạn có tin trên đời này có ma không?

Sơn Nguyễn