Tản văn dự thi – Mùa nương của mẹ

Mẹ bảo, đời người như nương ngô trên núi, có lúc xanh mướt, có lúc xác xơ, nhưng chỉ cần còn tay còn chân, còn lưng còn sức, thì lại có thể gieo hạt, lại có thể chờ ngày cây lớn.

Nương của mẹ nằm trên đỉnh đồi cao, từ nhà đi bộ chừng hai con nước đã chảy hết một quãng dài. Đất chỗ ấy chẳng phải màu mỡ gì, sỏi lẫn trong đất, khô cứng, nhưng năm nào mẹ cũng bảo cha lên phát cỏ, dọn đá rồi mẹ cõng gùi hạt giống lên gieo. Từng hạt ngô, từng hạt lúa rơi xuống, tay mẹ vun vén như chăm bẵm cho con mình.

Mùa nương đến, mẹ dậy từ khi gà chưa gáy. Sương còn vương trên lá, gió đêm vẫn còn lẩn khuất trong từng khe đá. Mẹ mang theo dao, mang theo gùi hạt giống, lầm lũi bước đi trên con đường dốc dựng đứng. Lên đến nơi, mẹ nheo mắt nhìn trời, nhìn đất, nhìn ngọn gió để đoán xem năm nay nương có tốt không. Mẹ bảo: “Gió phải thuận, đất phải chắc, hạt mới mẩy, bắp mới đầy.”

Tôi lớn lên từ nương rẫy ấy. Những mùa nương nối tiếp nhau, từ khi tôi còn là đứa trẻ chạy lon ton sau lưng mẹ đến lúc tôi đủ lớn để gánh nước, phát cỏ giúp mẹ. Tôi học cách mẹ cầm dao, cách mẹ cắm hạt ngô xuống đất, học cách nghe gió, nhìn trời để đoán thời tiết. Mẹ nói, người Mông sống nhờ đất, nhờ nương, nương mà mất thì bụng cũng chẳng no, chân cũng chẳng đi xa được.

Mùa nương đến cũng là mùa mẹ tất bật nhất. Những ngày nương chưa phát, mẹ lên đồi cùng cha, quang gánh trên vai, dao phát lia lịa. Đồi trọc trơ sỏi đá bỗng chốc nhường chỗ cho khoảng đất rộng. Ngày nào mẹ cũng về nhà với đôi tay rát bỏng vì cầm dao quá lâu, vai gồ lên những vết lằn đỏ. Nhưng mẹ chẳng kêu than. Chỉ cần một bát mèn mén thơm lừng, một chén nước ngô ấm nóng, mẹ lại có thể tiếp tục công việc của mình.

Rồi hạt nương gieo xuống, những ngày sau đó là mong chờ. Chờ mầm nhú lên từ lòng đất, chờ từng lá non vươn ra, chờ trời mưa để đất ẩm, chờ nắng vừa đủ để cây cứng cáp. Mẹ bảo, chăm nương cũng như nuôi con, phải kiên nhẫn, phải nâng niu, nhưng cũng phải biết để nó tự lớn.

Khi ngô lên cao quá đầu, khi lúa bắt đầu uốn câu, mẹ lại cặm cụi từng ngày với những đường cày, lối cỏ. Mùa nương không chỉ có những ngày gieo hạt, mà còn là những ngày bám đất, bám cây để nuôi lớn từng bắp ngô, từng gié lúa.

Tôi nhớ những ngày đi làm nương cùng mẹ. Chân trần trên đất, mồ hôi lấm lem áo, nhưng lòng lại nhẹ tênh. Mẹ bảo, người Mông không thể rời xa nương, bởi vì trong từng hạt ngô, hạt lúa ấy có mồ hôi, có công sức, có hy vọng.

Có những năm, trời không thương người, hạn hán kéo dài, nương khô nứt nẻ, ngô èo uột, lúa trơ trọi. Mẹ đứng trên đỉnh đồi, mắt xa xăm nhìn xuống ruộng nương của mình, thở dài một hơi thật nặng. Nhưng mẹ không gục ngã. Mẹ bảo, “Nương hỏng thì làm lại, đất còn thì còn hy vọng.”

Mùa thu đến, khi sương sớm đã vương trên những bắp ngô chín vàng, mẹ gọi tôi lên nương gặt. Tiếng dao mẹ lia trong từng vạt ngô, tiếng bắp rơi lách cách vào gùi. Mẹ vui lắm, mắt mẹ sáng như sao, dù bàn tay đã chai sần, lưng đã còng xuống theo năm tháng.

Nhiều lần tôi hỏi mẹ, sao mẹ không nghỉ ngơi, sao cứ mãi làm nương? Mẹ cười, ánh mắt sâu thẳm: “Người Mông có nương là có tất cả. Ngày nào mẹ còn đi được, ngày đó mẹ còn làm nương.”

Mùa nương của mẹ không chỉ là những mùa gieo hạt, gặt hái, mà còn là mùa của cuộc đời. Từng vết chai trên tay mẹ là từng năm tháng nhọc nhằn, từng giọt mồ hôi rơi xuống là từng hạt ngô nảy mầm, từng bước chân mẹ in trên đất là từng hy vọng được gửi vào tương lai.

Tôi lớn lên, rời xa bản làng để xuống phố, nhưng mỗi khi gió mùa về, mỗi khi nghe mùi khói nương từ xa vọng lại, lòng tôi lại nhớ đến mùa nương của mẹ. Nhớ đôi bàn tay chai sần, nhớ bóng lưng mẹ lầm lũi trên con đường dốc, nhớ từng mùa nương trổ bông, để biết rằng quê hương, gốc rễ, nơi tôi sinh ra, chưa bao giờ rời xa trong tâm trí.

Lâu Văn Mua