Tản văn dự thi – KÝ ỨC RỪNG

  1.  Thổ Ngọa quê tôi, một ngôi làng nhỏ nằm ở hạ nguồn sông Gianh, chỉ cách biển hai ki lô mét và cách rừng núi ba ki lô mét theo đường chim bay. Ấy vậy mà ấu thơ của tôi, núi rừng chỉ nằm trên trang sách, với “rừng vàng, biển bạc” thuộc lòng. Âu cũng bởi quê tôi có nghề làm nón lá, học sinh đi học về là cặm cụi chằm nón kiếm cơm. Chứ cách tôi một làng, bạn đồng lứa chín, mười tuổi đã phải đi rừng “ăn củi”.

Năm mười hai tuổi, tôi mới có cơ hội đến với rừng. Nghỉ hè năm đó, lại đúng dịp sinh nhật tôi, nên ba cho đi theo chơi nhà một người bạn cũ ở xã miền núi bắc Quảng Bình. Chao ôi, lần đầu tiên đến với vùng cao, tôi ngờm ngợp bởi những cổ thụ ven đường mòn. Tôi háo hức với màu xanh như ai trùm tấm chăn của các chú bộ đội lên đầu. Ngồi sau xe đạp của ba, tôi chỉ muốn nhảy tửng một phát để chui tọt vào trong đó.

Cơ hội được chui vô rừng đến trong “phút mốt”, ấy là khi các “cụ” say sưa đánh chén. Tôi lặng lẽ lọt qua hàng rào gia chủ, trèo lên quả đồi xanh mướt sau lưng. Cái cảm giác lần đầu “sờ” vào rừng, cũng như vô tình đụng phải da thịt cô bạn gái cùng lớp mà mình yêu thích vậy. Ta nói, vừa rờn rợn vừa râm ran vừa sợ hãi. Nhưng chỉ một thoáng thôi, lại như trò chơi trẻ nhỏ, hò hét, tung tăng, vật nhau ngã nhoài. Tôi lao vào rừng như trò chơi bịt bắt bắt dê vậy!

Rừng ở đây nằm trên những quả đồi thoai thoải, đất có pha sỏi nên cây rừng không cao, nhưng um tùm, kín mít. Tôi choáng ngợp với tiếng chim và hoa cỏ, những thứ mà quê tôi không dễ kiếm tìm. Nhưng tôi lại thích nhặt những viên sỏi trắng, tròn để về làm đạn bắn súng cao su hơn. Đặc biệt là dây rừng, dây nhiều vô kể, dài và dai. Không như ở quê chỉ là mấy dây lá mơ, vừa nhảy dây mấy vòng đã nát bét. Tôi bứt bao nhiêu là vòng dây, vòng này quà cho bạn gái, vòng này tặng cho mấy chị, mấy em. Nhưng dây đâu dễ bứt, kéo ra khỏi cây đã đứt hơi mà ngắt ngọn cứ dai như đỉa. Nghĩ đến ánh mắt long lanh của chị em khi nhận quà, tôi bặp răng vào và nghiến đứt.

Tôi hạnh phúc đến muốn khóc khi bắt gặp những bụi sim rừng chín thẩm. Nhưng chẳng đi đâu mà vội, dựa vào một hòn đá bên cạnh gốc sim già, tôi bắt đầu cảm hứng: “Hôm nay em đến với rừng/Để nghe tiếng lá trong từng nhịp tim/Và em nghe cả tiếng chim/Hát ru cho những quả sim chín dần”.

Đang khoan khoái với vị ngọt của sim, tôi giật mình bởi tiếng hú và ồn ào xung quanh. Hàng chục con người xiết vòng tròn bao vây lấy tôi. Một người trong đoàn chụp lấy tay tôi miệng thét: “Alê, đã bắt được tên gián điệp!”. Tôi run rẩy đứng dậy. Ba tôi lao vào ôm lấy con vừa khóc vừa cười, vỗ vào mông đen đét. Thì ra, đã có một cuộc báo động tìm đứa trẻ mất tích là tôi. Cả xóm lần đầu được thực hành chiến thuật “Vây bắt biệt kích” như đã tập dượt ở thời chiến tranh vậy.

  1. Lại một ký ức khác với rừng, ấy là năm tôi mười sáu tuổi. Nghề làm nón quê tôi, nguyên liệu hoàn toàn phụ thuộc vào rừng từ thượng nguồn sông Gianh. Năm đó bắc Quảng Bình hạn nặng. Từ đồng bằng chúng tôi vẫn nhìn thấy lửa cháy rừng đỏ rực. Nước sông Gianh cạn, thuyền bè khó xuôi, nguồn lá nón trở nên khan hiếm. Cạnh nhà tôi, có anh đạp xe vào một nông trường thuộc địa bàn nam Quảng Bình, đi rừng “ăn lá” về bán rất đắt. Tôi đang nghỉ hè, mẹ tôi sang năn nỉ, xin cho đi theo một chuyến. Anh nhìn thằng tôi bé loắt choắt ái ngại, nhưng do nể nên gật đầu.

Dậy từ ba giờ sáng, cơm đùm cơm nắm, đạp xe năm mươi ki lô mét đến cửa rừng, xích xe vào gốc cây, bện vòng dây rừng đeo vào cổ, công cuộc “ăn lá” bắt đầu. Khu rừng mà tôi kể trên đã rậm rạp nhưng chẳng ăn thua gì nhé, rừng ở đây mới… khiếp. Chỉ cần đi năm phút là tôi mất phương hướng. Bởi vậy tôi cứ đi theo sau lưng anh kẻo sợ lạc. Nhưng ngặt nỗi, đi ăn lá mà đi sau lưng người ta thì còn đâu lá mà ăn. Cho đến lúc cơm trưa, tôi chỉ mới ngắt được năm mươi ngọn ngắn cũn.

Buổi chiều, tôi quyết định “độc lập tác chiến”. May quá, cái quả đồi tôi đi, lá nón nhiều ơi là nhiều. Tôi say sưa ngắt ngọn, đeo dây cho đến khi lệch vai không chịu được lại thay dây khác. Tôi vui mừng với thành quả và ngước nhìn trời thì chỉ còn ánh sáng nhạt. Tôi bắt đầu gọi, hú. Nhưng đáp lại tôi chỉ có tiếng của mình và những âm thanh rừng hỗn tạp. Tôi hoảng hốt khóc, thoáng nghĩ đến lời bà: “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt” ư? Một lúc, tôi bình tĩnh nghĩ rằng, mình đã “ăn” được gì đâu mà “rưng rưng”? Chắc chắn ông anh sẽ tìm được mình, chắc chắn sẽ có người cứu giúp.

Rừng về đêm mới kinh khủng. Tôi vốn không sợ ma, nhưng bây giờ biết đâu thú dữ? Đói, khát, không có lửa, không biết làm gì, tôi lại khóc và ngủ, nói đúng là ngất xỉu.

Tiếng chim đánh thức tôi dậy. Mặt trời xuyên qua tán lá. Bài học địa lý phát huy tác dụng. Tôi vứt hết lá nón, ngắm mặt trời mà đi. Chỉ mỗi cái liềm trên tay, bứt dây, cắt lá. Máu chảy đầy người, nhưng bản năng sống cho tôi sức mạnh. Hai giờ sau, tôi gặp lại ông anh láng giềng thất thanh đi tìm. Anh tát tôi hai phát choáng váng rồi ôm khóc huhu.

Năm mươi năm sau tôi trở lại vùng núi rừng bắc Quảng Bình. Quả đồi tôi tựa đá ăn sim đã bị san phẳng. Rừng đã lùi xa lắm, xa lắm. Nơi đây nhà cửa mọc lên san sát, còn có cả quán hàng, bên cạnh “rừng” keo, bạch đàn trồng mới.

Tôi cũng chưa có điều kiện để trở lại khu rừng ở nông trường năm xưa, nhưng có lẽ tôi không đến nữa. Tôi sợ, trong “cuộc chiến” này rừng mãi mãi rút lui trước con người. Tôi rất muốn đối thoại với rừng, nhưng cuối cùng chỉ biết nói lời xin lỗi!

Đỗ Thành Đồng