Băng rừng lội suối, đu dây vượt thác, cùng đốt lửa trại trong đêm và ngồi thiền khi mặt trời thức giấc trong lòng thiên nhiên hùng vĩ… Đó là những trải nghiệm của tôi cùng gần 40 anh chị em đến từ khắp các tỉnh thành trong chuyến trekking sườn đông Tam Đảo vừa qua tại khu vực đại ngàn Đại Từ (Thái Nguyên).
Chúng tôi như những giọt nước nhỏ bé hòa mình vào dòng chảy lớn, sẵn sàng đón nhận mọi bất ngờ mà thiên nhiên ban tặng.

- Bao giờ cũng vậy, trước khi tiến sâu vào bên trong núi rừng, cả đoàn sẽ ngồi thành một vòng tròn, kề sát bên nhau, để tâm hồn hòa vào lời dẫn thiền trầm ấm thể hiện sự biết ơn và trân quý thiên nhiên.
Lời anh trưởng đoàn thấm đẫm sự chân thành:
– Hãy để mọi giác quan rộng mở, đón nhận hơi thở của núi rừng. Thiên nhiên đã nuôi dưỡng sự sống của chúng ta qua bao kỷ nguyên, không chỉ riêng khoảnh khắc này. Xin nguyện đến đây, chỉ có mang thứ duy nhất là tình yêu thương, không gây tổn hại đến vạn vật xung quanh.
Chúng ta sẽ bước đi bằng sự biết ơn sâu sắc, trân trọng từng cành cây ngọn cỏ. Khi tình yêu thương đủ lớn, mọi nỗi sợ hãi sẽ được hóa giải. Sự tồn tại của chúng ta phụ thuộc vào sự tồn tại của muôn loài khác, cho nên nếu mình đủ yêu thương mình sẽ bảo vệ nơi này, và nơi này sẽ bảo vệ mình. Chúng ta nguyện đi với tinh thần vị tha luôn nghĩ tới người khác. Tốc độ của tất cả chúng ta là tốc độ của người chậm nhất trong đoàn. Nếu chúng ta đủ yêu thương, chúng ta chăm sóc cho những người chậm hơn thì tốc độ của cả đoàn sẽ được nhân lên.
Và bài học lớn nhất mình học trong chuyến đi này nằm ở từng bước chân của chúng ta. Khi đến đích chúng ta quay lại nhìn chặng đường sau lưng chỉ có niềm tự hào. Cho dù nó khó khăn đến đâu thì thứ duy nhất bạn mang theo là bài học chứ không phải nỗi đau. Và đó cũng là cách mà chúng ta sống. Chỉ bằng cách đó chúng ta mới biết thưởng thức từng giây phút của cuộc sống, cũng như thưởng thức từng bước chân nơi đây.
*
- Con thuyền máy rẽ sóng trên mặt hồ Miếu Đầm phẳng lặng như gương, đưa chúng tôi lướt sâu vào lòng thung lũng. Lòng hồ trong veo như pha lê, soi rõ từng thảm rong rêu mềm mại, chỗ biếc xanh như ngọc, chỗ vàng óng ả dưới ánh mặt trời. Những con sóng nhỏ lăn tăn đuổi theo mạn thuyền như những vũ công tinh nghịch chào đón đoàn người lữ hành.
Anh trưởng đoàn trao cho mỗi người một gói thuốc lào, nụ cười hóm hỉnh nở trên môi:
– Đây là “vũ khí bí mật” để đối phó với những “chiến binh tí hon” đấy nhé! Mấy cậu vắt tinh nghịch với hai chiếc vòi hút ngọt lịm sẽ tự động “rút quân” khi ngửi thấy mùi hương đặc biệt này.
Rồi anh thoăn thoắt véo một nhúm thuốc lào, nhúng nhẹ xuống mặt hồ rồi xoa đều lên cổ chân, gót chân, cả bên trong lẫn bên ngoài đôi giày leo núi. Cả đoàn hào hứng làm theo, một nghi thức “nhập môn” đầy thú vị.
Càng tiến sâu vào bên trong, lối đi càng trở nên hun hút, hẹp dần. Chúng tôi men theo sườn núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm, cây cối um tùm che phủ, chẳng rõ nông sâu. Sự cẩn trọng hiện rõ trên từng gương mặt.
Vượt qua những triền đồi chè xanh mướt, uốn lượn như những dải lụa mềm mại, chúng tôi đến với con suối đầu tiên. Tiếng reo vui vang vọng khi cả đoàn cùng nhau đằm mình trong dòng nước mát lạnh, một món quà vô giá của mẹ thiên nhiên. Từ trên cao, dòng nước đổ xuống ào ạt, tạo thành một thác nước tuyệt đẹp, ôm trọn một lòng hồ xanh biếc như viên ngọc bích.
Sau quãng nghỉ ngắn ngủi, mưa bắt đầu rơi xuống, lấm tấm rồi nặng hạt dần. Leo rừng vượt suối dưới mưa trở thành một trải nghiệm mới lạ với tôi. Đoàn người cứ men theo khe suối mà tiến bước, cơn mưa như một màn sương huyền ảo bao phủ không gian.
Bỗng một cảm giác ngứa ngáy lan tỏa nơi bắp chân. Tôi vội kéo ống quần lên, và “vị khách không mời” đã hiện diện – một chú vắt no nê máu, căng tròn như một hạt đậu đen. Nhanh tay véo một nhúm thuốc lào, nhúng nước rồi xoa mạnh lên vết đốt. Chú vắt liền nhả ra, ngọ nguậy trên phiến đá lạnh. Phía sau lưng, tiếng la thất thanh vang lên, xé tan sự tĩnh lặng của rừng mưa. Đó là tiếng kêu sợ hãi của mấy chị em đến từ miền Nam.
Cuộc sống đôi khi thật thú vị, những sinh vật bé nhỏ như que tăm lại có thể gieo rắc nỗi sợ hãi cho những “gã khổng lồ” mang tên con người. Nhìn sâu vào nỗi sợ, tôi nhận ra nó thường xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về những điều mình đang đối diện. Thiên nhiên là cội nguồn của sự sống, là nơi nuôi dưỡng vạn vật – vậy cớ sao ta lại sợ hãi?
Phải chăng, nỗi sợ chỉ là một bóng ma trong tâm trí, được thêu dệt từ những suy diễn tiêu cực. Khi nỗi sợ bén rễ, nó sẽ gặm nhấm năng lượng tích cực, thu hẹp tầm nhìn, kìm hãm sức mạnh và tiềm năng của mỗi người.
- Giữa trưa, đoàn chúng tôi đặt chân đến thác Động Tiên, một tuyệt tác của thiên nhiên với 3 tầng thác hùng vĩ: 20 mét, 7 mét và 4 mét, xếp tầng đổ xuống như dải lụa trắng xóa, tạo nên khung cảnh kỳ vĩ tựa như chốn bồng lai tiên cảnh ẩn mình giữa núi rừng hoang sơ. Dòng suối trong veo, mát lạnh tạo thành một hồ nước rộng lớn dưới chân thác, rồi từ đó len lỏi qua những phiến đá đủ hình thù, chảy xuôi về hạ lưu.
Đá ở đây cũng muôn hình vạn trạng: có những phiến đá khổng lồ như những quả cầu rêu phong, ngả màu vàng cháy dưới ánh mặt trời rực rỡ. Những phiến đá nằm khuất dưới tán lá rừng thì lại xanh thẫm một màu rêu ẩm ướt quanh năm. Tiếng nước chảy róc rách, tiếng chim hót líu lo, tiếng gió xạc xào lá cây, tiếng nói cười gọi nhau… tất cả hòa quyện vào nhau, tạo thành một bản giao hưởng của tự do thuần khiết. Mẹ thiên nhiên đã thanh lọc mọi ưu phiền, rót vào tâm hồn những đứa con trở về sự bình an tuyệt đối, xua tan mọi bóng dáng của nỗi sợ, mệt mỏi của hành trình.

Ở khu vực miền núi phía Bắc, hoạt động trekking (đi bộ đường dài) leo núi săn mây săn lúa không còn xa lạ, nhưng zipline (đu dây) và canyoning (vượt thác) còn rất mới mẻ. Trong chuyến đi này, chúng tôi được thiết kế để chinh phục thác bằng cả hai hình thức này, với yêu cầu tất cả thành viên đều mặc áo phao, thử sức với tầng thác thấp nhất.
Tôi bám chặt sợi dây thừng, mặc cho thác nước xối xả đổ xuống vai, xuống mặt. Lúc này, dòng nước trở thành một “kẻ phá bĩnh”, tạo áp lực cản trở bước chân tôi. Điều khó khăn nhất là tìm được điểm tựa vững chắc, không trơn trượt. Lần đầu tiên thiếu kinh nghiệm, tôi loay hoay, trượt chân, bị dòng thác nhấn chìm, đành bất lực buông tay, bơi vào bờ nghỉ, chờ đợi cơ hội chinh phục lần thứ hai. Và lần này, tôi đã thành công.
Thử thách tiếp theo là nhảy từ đỉnh thác vừa leo lên xuống, bởi phía trên là hai tầng thác cao hơn, không có lối ra. Đoàn chúng tôi đủ mọi lứa tuổi, từ thanh niên, trung niên đến những người đã bước sang tuổi lục tuần. Nhiều người sợ độ cao, nhiều chị em vóc dáng khá to lớn. Ấy vậy mà cuối cùng, tất cả đều vượt qua cả hai thử thách một cách ngoạn mục.
*
- Rời thác Động Tiên, đoàn bắt đầu hành trình trở ra, men theo con đường mòn tìm lối lên đỉnh một đồi chè xanh ngát, nơi chúng tôi sẽ cắm trại trước khi màn đêm buông xuống.
Ngọn lửa bập bùng reo vui, xua tan cái lạnh lẽo của núi rừng. Một chiếc túi nhỏ mang tên “túi sinh tồn” được mở ra, bên trong là lon nước ngọt và một ít gạo. Những lon nước được mài vào đá để tạo thành chiếc nồi dã chiến, đựng gạo nấu cơm.
Trăng 14 vằng vặc giữa núi rừng. Chúng tôi ngồi quây quần bên nhau, trong ánh lửa ấm áp, lắng nghe anh trưởng đoàn chia sẻ những trải nghiệm sâu sắc về năng lượng, về sự kết nối giữa con người và thiên nhiên, vũ trụ.
Tôi chợt nhận ra, mỗi ý nghĩ, mỗi hành động của con người đều mang trong mình một nguồn năng lượng nhất định. Suy nghĩ tích cực, hành động tử tế sẽ bồi đắp nguồn năng lượng ấy. Một hành vi chúng ta làm với ý niệm để giúp đỡ, xây dựng thì năng lượng khác với để hủy hoại. Cách mỗi người đối xử với thiên nhiên, bằng sự biết ơn, yêu thương, giữ gìn và bảo vệ, cũng chính là cách để bồi đắp thêm năng lượng cho chính mình giữa cuộc đời này. Và năng lượng cho chính mình cũng chính là năng lượng cho cộng đồng, cho thế giới.
*
- Hòa mình vào với thiên nhiên, để thấy mình trưởng thành hơn, vững chãi hơn trong vòng tay bao la của mẹ thiên nhiên hùng vĩ. Đi để thấy nỗi sợ thực ra chỉ còn là một ngọn gió thoảng bay ngang trên những hành trình. Và từ đó, tình yêu thương được bồi đắp cùng năng lượng tích cực lan tỏa cho chính mình và những người xung quanh.
Rừng suối thác là nơi chứa đựng những bí ẩn sâu thẳm của tự nhiên, là biểu tượng của sự bền vững, cân bằng và hài hoà. Chỉ khi con người biết trân trọng và bảo vệ thiên nhiên, chúng ta mới có thể duy trì, sống nương tựa, hòa nhịp và tận hưởng vẻ đẹp kỳ diệu ấy. Đó cũng là lý do để trong 3 năm qua, tôi luôn tìm kiếm cơ hội để hòa mình vào những hành trình băng rừng, lội suối, vượt thác ở nhiều cung đường khác nhau trên khắp đất nước như: Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên…

Khám phá và đối thoại với thiên nhiên – đó cũng là cách để mỗi người quay vào bên trong, khám phá và đối thoại với chính con người mình, lắng nghe những tiếng vọng thiện lương, đẹp đẽ, bình an từ sâu thẳm tiềm thức – những tiếng vọng đã bị vùi lấp giữa rất nhiều thứ lao xao của cuộc đời.
29/3/2025
LƯƠNG ĐÌNH KHOA
Bài viết liên quan: