Tản văn dự thi – Đôi khi hãy vào rừng, và hát

Cái lạnh tựa những cánh tay run rẩy choàng lấy thân thể tôi. Đứng giữa rừng dương mùa này, gió như ngàn cánh cung lao đi vun vút. Những triền hoa yên bạch đương mùa tinh khiết, trắng đến kiệt cùng trong mộng trường đắm đuối mong manh. Như tuyết phủ giữa rừng dương nhiệt đới, hoa có lẽ đã đợi từ rất lâu, chỉ bốn mùa mà ngỡ muôn vạn kiếp, nên tưng bừng chảy tràn, bung nở giữa cơn say vô tận chếnh choáng, khi hơi lạnh vừa đượm trên bờ môi son đắm mùa đông. Phải chăng cái lạnh không bao giờ tách rời khỏi màu trắng, màu của thuần khiết, màu của mộng mị? Tuyết trắng. Mưa trắng. Hoa trắng. Làn da con gái trắng mê mướt trắng. Màu trắng liêu trai. Màu trắng trinh bạch. Ngỡ không mà có. Ngỡ vơi mà đầy.

Màu trắng ấy cho phép người ta soi chiếu lòng mình, trở về với những vẹn nguyên thanh sạch. Tan ra giữa vô ngôn, tan ra đến cùng tận. Làm một hạt bụi phù du trong trùng điệp kiếp người. Bỏ lại chiếc bóng bên dốc đời trăm năm. Hoa như tuyết cùng gió sương đầy mãi. Giữa hoang vu thề hẹn với rừng già. Tôi gối đầu lên vòm ngực mùa xuân, nhận ra một hơi ấm mon men len lỏi từ trái tim nguồn cội. Hồn cốt những người làng tôi được gửi lại nơi này, trong vòng tay trầm mặc của những vạt rừng dương liễu u u đồng vọng tiếng gió. Ông cố, ông ngoại tôi cũng đang ở đây, ngày ngày tháng tháng, sâu bên dưới những triền cỏ khô rều rệu cuối mùa, nghiêng mình tạ từ linh hồn rừng thẳm rồi hoà vào đất mẹ, khởi đầu một cuộc tái sinh mới trước cánh cửa mùa xuân.

Vào rừng, tôi thành kẻ hát rong bên đời, lang thang trên những viễn khúc của lá dương đắm vào cơn mộng du của gió, đôi khi cuộn xiết, đôi khi lạc loài, đôi khi tĩnh tại. Tôi là tôi ở khoảnh khắc này, giữa khôn cùng huyễn vọng thời gian, ngoảnh lại quá khứ sẽ nhận ra chiếc bóng của hôm nay, và khuôn mặt ngày mai chỉ mơ hồ ngoài tầm tay với. Tôi uống từng ngụm rừng, rừng chảy vào tôi lai láng những diệu âm xứ sở. Rừng lấp đầy tôi bằng bóng đời nghiêng xuống. Rừng soi vào tôi ngàn mắt lá bao dung. Từng kiếp người vùn vụt trôi qua. Bao vết thương chỉ còn là tàn tích. Bao kiếp cây thành luỹ thành bờ, rồi ký gửi vào vô tận những chiếc bóng thâm trầm, kiêu hãnh.

Vào rừng, những lối hẹp quanh co sẽ đưa tôi về đâu? Có phải ở nơi này, mọi con đường đều dẫn ra biển lớn? Có phải cứ bước đi rồi sẽ thấy chân trời trước mặt? Nếu được cất lên tiếng nói, những con đường sẽ thổ lộ điều chi với bàn chân mỏi gót hải hồ? Về những cạm bẫy ẩn náu dọc đường hay đích đến quyến dụ thôi thúc? Những kỳ hoa dị thảo lẩn khuất loài người hay một tiếng chim thức tỉnh cõi nhân gian? Từng con đường tựa sợi chỉ mảnh vắt qua minh mang rừng già, phải chăng chúng được sinh ra từ ngàn vạn dấu chân của bao người đàn bà gánh gồng giấc mơ băng rừng ra biển? Chợ nhóm phía bên kia, và ngày mai của họ, của những đứa trẻ nheo nhóc đứng ngồi đợi mẹ cũng ở đó. Những con đường không chỉ thuần vẽ ra vô vàn lối đi. Những con đường vạch nên muôn số phận. Chúng sinh ra từ dấu chân người, và cũng mãi mãi giữ lại những dấu chân hằn trên cát nóng rộp sần của bà cố, bà ngoại, của mẹ tôi, của bao kiếp người đã gửi lại núm nhau cuống rốn dưới cội cây dương liễu. Họ đã mải miết bước, bền bỉ bước qua bóng tối điêu linh.

Tôi ngồi dưới một tán dương liễu, và nghĩ về vẻ đẹp của những nỗi buồn. Có những nỗi buồn đẹp như tiếng chuông ai thỉnh phía hư không, trong một sớm mùa xuân thuần hậu chỉ có sương và gió. Như những lúc từ sau nhà trông ra vạt đồi ảo mờ trong hơi thở của rừng, tôi sẽ cố níu cơn sóng thời gian trôi qua tâm trí chậm lại đôi chút. Để nỗi buồn ứa lên sóng sánh và ký ức trở thành bầy chim lũ lượt bay về đậu trước mặt. Lúc ấy, tôi nhớ dáng mẹ về từ đồi dương liễu cùng đôi quang gánh khẳm đầy lá dương, bước chân rẽ ngược chiều gió thổi, chiếc nón lá lệch vành vương vài cọng lá khô. Những chồng lá dương sẽ được mẹ chất đầy dưới chái hiên sau, để dành nhóm ngọn lửa mùa xuân dập dìu. Mẹ thường thức khi hơi sương còn la đà ngang mặt, và trở về lúc vừng dương vừa chớm tỏ. Sương xuống đầm đậm dọc đường về dường như làm gánh lá nặng hơn. Đó là một hình ảnh rười rượi buồn mà đẹp chẳng cần lý giải, đã lưu lại mãi trong tâm trí tôi dẫu đã bộn đầy năm tháng.

Tôi đứng trước những ô lô cốt như mật ngữ của rừng. Thân thể rừng từng đứt lìa thấu buốt bao vết thương mang hình hài chiến tranh, sâu hút như hốc mắt người mẹ già lê thê đợi những đứa con trở về từ trận mạc. Tiếng bom rung ngỡ có thể dội qua hàng thế kỉ. Rừng đã hồi sinh từ bàn tay người làng, từ mạch nguồn lênh loang dưới tầng tầng gió cát, từ sức sống nguyên thuỷ ngun ngút vụt lên từ cằn cỗi hoang tàn đạn bom.

¨¨¨

Đôi khi hãy vào rừng, và hát

Để nghe vọng lại tiếng của con tim.

Và khi trở về, ta làm một loài rêu không tuổi. Ta sẽ nhớ những cội cành dương liễu. Hỡi loài rêu xanh từ độ nào, mà ta nghe buồn chất ngất trăm năm?

Tôi khẽ vuốt một bờm lá mượt, tự hỏi liệu mấy mươi năm sau, hàng trăm năm nữa, những vạt rừng này sẽ vẫn xanh ngút ngát nơi đây, hay đã hoá thành phù du ảo ảnh? Bao trái dương khô âm thầm rụng xuống và bung hạt, bao nhánh cây con chi chít mọc lên từ gốc mẹ, chúng rồi sẽ lớn lên mãnh liệt tựa ánh dương và mềm mại tựa thân liễu, hiên ngang ngăn bão thốc cát vây loài người. Bao kiếp cây từ đó nối nhau vào vĩnh cửu, nếu những kiếp người biết giữ rừng như giữ từng nhịp thở sinh sôi. Đó chính là minh triết của sự sống.

Đôi khi hãy vào rừng, và hát

Để nghe vọng lại lời của hư vô đại ngàn…

TRẦN VĂN THIÊN