Tản văn dự thi – Đi rừng cùng Ba

Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê có núi rừng trập trùng. Từ bé, tôi đã quen với hình ảnh Ba vác rựa, khoác chiếc áo cũ sờn, đôi chân trần băng qua những con đường mòn để vào rừng. Với tôi, rừng là một thế giới đầy bí ẩn, và Ba chính là người thầy đầu tiên dẫn tôi vào thế giới ấy.

Năm tôi mười tuổi, Ba lần đầu cho tôi theo ông vào rừng. Tôi háo hức lắm, cứ ríu rít bên Ba, hỏi đủ thứ về những gì mình sẽ gặp. Ba chỉ cười hiền: “Rừng có nhiều thứ để học lắm con, đi rồi sẽ biết!”. Đó là một buổi sáng trong veo, gió mát lùa qua những vòm cây, tiếng chim hót líu lo trên cao. Tôi lon ton chạy theo Ba, đôi dép nhựa nhỏ xíu cứ lún sâu vào đất ẩm. Ba bảo: “Muốn đi rừng giỏi, trước hết phải học cách nghe và nhìn”. Ba đi chậm rãi, dáng vẻ khoan thai nhưng từng bước chân đều chắc chắn. Tôi bắt chước Ba, cố bước cho thật vững, lắng nghe âm thanh của lá cây xào xạc, tiếng nước chảy róc rách đâu đó từ khe suối gần bên. Rừng xanh thẳm, mênh mông nhưng không đáng sợ như tôi nghĩ. Nó như một ngôi nhà lớn, mỗi tán cây là một mái che, mỗi gốc cây là một cột trụ vững chãi.

Ba dạy tôi nhận biết cây cối. Ông chỉ cho tôi cây thuốc trị rắn cắn, cây có thể ăn được khi đói. Ba bảo, sống gần rừng mà không hiểu rừng thì chẳng khác nào khách qua đường. Tôi tò mò, nhìn Ba dùng dao nhỏ khía vào thân một loại cây, chất nhựa trắng sữa chảy ra. Ba bôi lên vết muỗi đốt trên tay tôi rồi bảo: “Nhựa này trị ngứa, không cần gãi!”. Tôi tròn mắt ngạc nhiên. Rừng đúng là một hiệu thuốc khổng lồ! Lần khác, tôi thấy Ba cúi xuống, bốc một nắm đất đen, vò nhẹ rồi đưa lên ngửi. Tôi bắt chước làm theo nhưng chỉ toàn ngửi thấy mùi ẩm mốc. Ba cười, bảo: “Đất này tốt, tơi xốp, có nhiều trùn, trồng cây gì cũng lên. Muốn biết rừng khỏe hay không, chỉ cần nhìn đất!” Ba không bao giờ giảng giải dài dòng, ông chỉ làm mẫu và để tôi tự cảm nhận. Mỗi lần vào rừng là một lần tôi học thêm điều mới, không sách vở nào dạy được.

Một lần, khi đang đi hái măng, mưa bất chợt ập xuống. Mưa rừng không rả rích như mưa phố mà ào ào, đổ ập như muốn cuốn trôi tất cả. Tôi co ro, run lên vì lạnh. Ba nhanh chóng kéo tôi núp dưới một tán cây lớn, dùng lá chuối quấn quanh người tôi. Ông bảo: “Mưa rừng mau tạnh, đừng sợ. Chỉ cần mình bình tĩnh, rừng sẽ che chở mình”.

Quả nhiên, chỉ nửa giờ sau, mưa ngớt, nắng lại hửng lên. Tôi bước ra khỏi chỗ núp, sững sờ nhìn những giọt nước long lanh trên lá cây. Mọi thứ đều sáng bừng lên, tinh khiết như chưa từng bị cơn mưa quét qua. Từ đó, tôi không còn sợ mưa rừng nữa. Tôi học được rằng thiên nhiên có quy luật của nó, và con người chỉ cần hiểu để hòa mình vào nhịp điệu ấy.

Ba có một tình yêu đặc biệt với rừng. Ông không chỉ xem rừng là nơi kiếm sống mà còn là một phần máu thịt. Mỗi khi thấy ai chặt cây bừa bãi, Ba không giấu nổi nỗi buồn. Có lần, ông nói với tôi: “Rừng cho mình nhiều thứ, nhưng nếu mình không biết gìn giữ, một ngày nào đó rừng sẽ mất”.

Lời Ba nói ngày ấy, tôi không hoàn toàn hiểu hết. Chỉ đến khi lớn lên, tôi mới thấy những mảng rừng trọc, những con suối cạn khô, tôi mới nhận ra lời Ba là một sự thật đau lòng.

Ba vẫn vào rừng, dù không còn nhanh nhẹn như trước. Nhưng mỗi lần về, ông không còn mang về nhiều thứ như ngày xưa. Ông chỉ đi dạo, thăm những gốc cây cũ, những con đường quen. Có lần, tôi thấy Ba đứng rất lâu dưới gốc một cây cổ thụ, ánh mắt xa xăm. Có lẽ, ông đang nhớ về một thời rừng còn xanh thẳm, đầy chim muông, một thời mà mỗi bước chân đi không phải e ngại rằng rừng sẽ mất.

Tôi lớn lên, rời quê lên thành phố học tập rồi làm việc. Cuộc sống cuốn tôi đi, nhưng mỗi khi có dịp về quê, tôi vẫn theo Ba vào rừng. Dù đã trưởng thành, tôi vẫn thấy mình như cậu bé mười tuổi năm nào, bước từng bước theo Ba, lắng nghe những âm thanh quen thuộc.

Một ngày nào đó, có thể Ba sẽ không còn đủ sức để đi rừng nữa. Nhưng tôi biết, tình yêu rừng mà Ba gieo vào tôi vẫn sẽ mãi xanh tươi. Tôi sẽ kể cho con tôi nghe về những bài học Ba dạy, sẽ đưa con vào rừng, chỉ cho con thấy vẻ đẹp của đất mẹ.

Vì tôi tin rằng, khi còn những người yêu rừng, rừng sẽ không bao giờ chết.

Nguyễn Văn Nhật Thành