Mỗi khi cuối tuần rảnh rỗi ba vẫn hay dẫn tôi đi về phía Bãi Trứng, chỉ đi bộ ra khỏi khu dân cư một chút sẽ có một đoạn đường như đang đi dần vào rừng, tuy con đường giờ đã bắt đầu lát xi măng hoặc có những đoạn người ta đập đất cho dễ đi nhưng cũng không khó nhận ra càng đi sâu sẽ thấy càng trở nên khúc khuỷu và khó đi hơn rất nhiều. Những lúc đó ba và tôi vẫn thường đứng im lặng để hít thở thật sâu không khí của rừng, nơi khói bụi còn chưa vươn tới và ba bắt đầu kể cho tôi nghe những câu chuyện ngày trước, ngày mà ba còn “đi củi”.
Ba kể ngày trước lúc mới sinh tôi mẹ đau nặng vì sức khỏe mẹ vốn yếu thậm chí còn tưởng không qua khỏi. Cuộc sống khi đó rất khó khăn, cả nhà chúng tôi gồm ông bà nội đã già, ba mẹ và tôi – khi ấy còn đỏ hỏn, chật vật mưu sinh trong một căn nhà cấp bốn cũ kĩ lọt thỏm giữa một xóm lao động nghèo. Ba tôi là trụ cột chính trong nhà, vật lộn với đủ ngành nghề để mưu sinh nuôi sống gia đình nhỏ. Tôi lớn lên với mùi khói bếp quen thuộc nơi người mẹ tảo tần quán xuyến mọi việc lớn nhỏ trong gia đình vẫn nấu ăn chờ ba về mỗi tối. Ba tôi khi ấy vẫn thường cùng các chú trong xóm “đi củi”, thường là đi từ sáng sớm đến khi xẩm tối mới về, sau đó nghỉ ngơi được chừng tiếng, ăn vội bát cơm lại đem củi chất lên ba gác đem đi giao đến vựa gỗ để bán lấy tiền.
Để đến được chỗ ba tôi lấy củi phải vượt qua những đoạn đường rất khó khăn. Thường ba và các chú phải dậy từ rất sớm, sớm đến mức mà khi đến được nơi lấy củi không khí trong rừng vẫn còn mờ sương lạnh, còn nhá nhem chưa tỏ mặt người. Họ sẽ đi trên chiếc công nông cũ kĩ đến bìa rừng, sau đó lại tiếp tục mất hơn cả tiếng đi bộ trên con đường rừng khúc khuỷu để đến được chỗ gom củi. Mỗi khi nghe ba kể tôi vẫn hay rùng mình hỏi ba:
– Con thấy rừng chỗ nào cũng giống nhau, sao ba không đi lạc hay vậy?
– Ba và các chú đi quen rồi, với thường là sẽ có la bàn và những nguời dẫn đường quen thuộc đi theo.
Tôi không tưởng tượng được khi lạc trong rừng sẽ đáng sợ như thế nào nhất là khi thi thoảng được ba dẫn đi đến bìa rừng, bên trong cây cối dày đặc và khung cảnh dường như giống hệt nhau. Tôi chỉ mới đi cùng ba chỉ trong chốc đoạn đã cảm thấy rất mệt mỏi, con đường mà tôi mới đi qua đã được mở đường vì một phần bên ngoài bìa rừng đã được mở thành khu du lịch để mọi người tham quan nên đã được lát xi măng, đi thêm một chốc đã có con đường đất, người ta đã thoải đất cho dễ đi. Chỉ có đi sâu hơn với con đường sâu hun hút thấy rõ là đề bảng cấm để không ai đi tiếp. Nhưng dù con đường bây giờ có dễ đi hơn cách mấy thì cũng khiến tôi thở dốc vì phải đi bộ một quãng thời gian rất dài huống hồ là chặng đường ba đã đi ngày trước.
Ngày đó chủ yếu là đun củi chứ không có nhiều bếp dầu, bếp ga như bây giờ nên củi trở thành nguyên vật liệu chủ yếu và nhiều người bám trụ vào đó để mưu sinh. Ba và các chú thường đi từ rất sớm để khi đến đó là kịp tờ mờ sáng và đi chặt cây, lấy gỗ. Ba kể rừng nuôi sống mình nhưng cũng tồn tại những hiểm nguy nhất định, vừa kể ba vừa chỉ cho tôi một vài loại cây rừng như cây lá bỏng hoặc cây sơn.
– Những loại cây này tuyệt đối con không được chạm vào vì nó sẽ gây ngứa. Ngày đó ba còn chưa biết, cứ thấy cây nào lấy gỗ tốt là sẽ chặt nên đã chặt trúng và thế là người nổi mẩn đỏ, ngứa thôi rồi suốt mấy ngày đêm.
Rồi ba quay đầu nhìn ngay bên cạnh để tìm một loại cây gì đó sau đó lại đưa tôi xem một mớ lá ba vừa nhặt.
– Có một điểm đặc biệt là thường những thứ gây nguy hại cho ta thì ngay bên cạnh sẽ có thiên địch của nó. Đây là chùm ngây, hoặc con có thể tìm lá ngải cứu, nấu những lá này lên, bôi lên chỗ ngứa, hoặc ráng nằm lăn qua lăn lại thì vài ngày sẽ bớt sưng tấy, cơn ngứa sẽ giảm.
Mỗi người có mỗi cách gom củi khác nhau nhưng khi bấy thì sẽ không có xe cộ đi đến được tận chỗ khai thác nên ba và các chú vẫn thường hay tự mình cõng những bó củi to dài đi xuyên rừng xuống lại cửa rừng. Ba sờ vào những cây thân gỗ cao to như nhớ về hồi ức một thời gian khó.
– Ngày đó thường ba sẽ chọn chặt những cây thân suôn thẳng vì mình sẽ vác lên vai nên nếu chọn những cây cong thì sẽ rất khó “đổi vai” và thường sẽ đau hơn.
Tôi chợt nhận ra đã không biết bao nhiêu lần tôi thấy trên bờ vai to bè săn chắc của ba đầy những vết sẹo. Nó như minh chứng giúp tôi hình dung một cách rõ ràng nhất hình ảnh người cha đang khòm cả lưng của mình xuống để vận chuyển từng bó củi thật to. Rõ ràng việc ấy sẽ tốn rất nhiều công sức vì không chỉ tốn sức chặt củi còn phải vận chuyển về mà đôi khi sức người không cho phép khai thác được nhiều. Khi đến cửa rừng sẽ thấy những xe đã chờ sẵn, bà nội tôi và nhiều người phụ nữ khác lúc này sẽ giúp nhấc củi lên xe, chở về điểm tập kết rồi sau đó thường là sau bữa ăn những người đàn ông lại tiếp tục chở đi phân phát đến các điểm vựa đổi lấy gạo và tiền.
Như nhác thấy bóng tôi đang xuýt xoa và chợt tỏ ra thương cảm, ba bật cười dẫn tôi đi sâu hơn đến nơi có một con suối nhỏ chảy qua. Cơn nắng của mùa hạ bỗng trở nên đột nhiên mát mẻ hơn khi nhìn thấy những dòng chảy thanh tân của tự nhiên tuôn trào mát rượi. “Đi rừng thú nhất là thấy được suối”. Ba hào hứng kể thường ba và các chú mỗi khi băng rừng một đoạn đường dài sẽ nghỉ ngơi và ăn cơm nắm mang theo bên bờ suối. Mồ hôi và sự vất vả dường như sẽ tan biến khi nghe âm thanh của tự nhiên róc rách chảy qua, và đôi lúc những lần bọt nước tung mình trắng xóa khi chạm vào khe đá khiến khung cảnh trở nên rất đỗi mỹ tình.
– Này là hoa trang, chúng mọc thành từng chùm, mỗi năm chỉ nở đúng một lần. Đi rừng thú nhất là nhìn thấy hoa rừng nở, đẹp đến độ không gì tả xiết.
Ba kể ngày ba đi lính, vượt rừng nhiều lần và cũng thấy rất nhiều hoa rừng mọc bên bờ suối, bất kể là loài hoa nào cũng khiến ba có ấn tượng khó phai. Giữa sự vất vả của cuộc hành quân hay cuộc sống mưu sinh sau này, giữa những tán lá xanh một màu mướt mắt, hình ảnh những đóa hoa rừng có màu vàng cam vươn lên như điểm nhấn, cứ tựa như những ngọn lửa rừng rực rỡ và đẹp vô cùng. Ba bảo hoa trang này giống hoa trang mọc ở suối Tà Má ở Bình Định, nở thành từng dải dài trông như những con bướm đầy màu sắc bay lượn khung cảnh thiên nhiên rất sống động. Những đóa hoa rừng thường có mùi thơm nhẹ nhàng hòa với mùi gỗ cây rất dễ chịu. “Ba đặc biệt thích mùi hương của hoa vô ưu, nó rất nhẹ nhàng thanh tân. Bọn ba thường hay ăn cơm trưa và trong cơn gió thổi lại mùi hương mát mẻ nhẹ nhàng của loài hoa này là bao mệt nhọc tan biến”.
Với ba, khi đi rừng nhìn thấy một con suối là bao mệt mỏi tan biến hết. Mọi người sẽ vục xuống cơn suối mát rửa mặt mũi thậm chí uống dòng nước ngọt rất trong lành ấy. Cứ tưởng tượng khung cảnh thực sự rất đối lập khi vừa thấy rừng cây um tùm san sát sau đó đến một khoảng trống bên bờ suối nơi đã có thể nhìn thấy bầu trời trong xanh, khung cảnh chuyển tiếp ấy thực sự rất thú vị.
– Đúng rồi, hoa rì rừng, đó cũng là một loài hoa rất đẹp. Nếu như “lũ”vô ưu chỉ nở được chừng hơn tháng sau đó kết trái nhỏ chừng đầu ngón tay thì hoa rì rừng mọc rất lâu, lại thường vươn mình trổ dài vài trăm mét, cũng là chỗ mà ba và các chú thường dựa vào tán để ngồi mát ăn cơm.
Ba kể lần đi củi đặc biệt nhất với ba đó là lần ba thấy loài công rừng múa. Cũng hiếm hoi lắm mới thấy được vì loài này vốn nhát, thường nấp sâu tận trong, rất hiếm khi xuất hiện trước con người. Ngày đó, là đêm mười bốn, cũng là một đêm sáng trăng. Năm ấy, ba và các chú ở lại rừng săn đêm, để rình bắt sóc bay hoặc bẫy chim, những loại này chỉ ban đêm mới rình đặt bẫy được nên ba và các chú quyết định ngủ lại. Khi đang bắt đầu chìm vào sự yên tĩnh của núi rừng thì ba nghe tiếng công đực gọi và lần mò theo. Đó là một đêm trăng rất sáng, ánh sáng sáng rực cả một góc rừng len lỏi qua từng tán lá đêm và thu bé lại vừa bằng một đôi công đang nhảy múa. Hoa ban rừng khi ấy như trang hoàng cho sàn nhảy một cách diễm lệ và khi đuôi công tung xòe ra như chiếc quạt lớn đầy đủ họa tiết sinh động, ba thực sự đắm chìm trong điệu vũ dưới trăng khi ấy.
Đi rừng cũng có gian khó và cũng có những nguy hiểm, nhất là những khi bị vắt cắn. Chúng thường bám vào những phần hở trên da thịt và chỉ khi no máu mới buông. Chúng không như lũ đỉa đồng bám vào no căng sẽ rớt hoặc máu đông lại, lũ vắt thường gây chảy máu vì thế ba thường chuẩn bị vôi cùng với nước tro bếp sẽ bôi ở những đôi ủng cao hoặc bôi vào quần áo, có khi nhỏ trực tiếp vào chúng để chúng rớt ra. Ba cũng kể về những lần khi sắp đến lúc chiều tà phải tranh thủ về vì rừng ban đêm nguy hiểm bắt gặp được từng đàn đom đóm bay lượn cứ như những ánh đèn rừng đang soi đường dẫn bước cho người.
Thời gian trôi qua dần đi, củi không còn là nguyên liệu thông dụng và bắt đầu ba cũng bươn chải với đủ nghề khác để có thu nhập tốt hơn. Khu rừng ngày xưa ba và các chú đi củi cũng được đưa vào danh sách bảo tồn với một phần trở thành khu tham quan du lịch, phần khác thì cũng ít người qua lại vì khó đi. Nhưng thi thoảng ba vẫn dẫn tôi thăm lại nơi ông đã gắn bó suốt thời gian khó với rất nhiều bài học thú vị và kinh nghiệm đi rừng trong mỗi lần ông đi củi. Nó là kỉ niệm cũng là bài học khó quên và rừng cũng trở thành trang nhật kí nơi ông cất giữ rất nhiều kí ức trong đó.
Lê Hứa Huyền Trân
Bài viết liên quan: