Khi sáp nhập các làng xã, nảy sinh vấn đề đặt tên mới cho đơn vị hành chính đó, một điều rất phức tạp, thậm chí là nhạy cảm. Việc đặt tên mới quả thật không dễ dàng, bởi những tên làng cũ như một con dấu chìm trong ký ức, đã ăn sâu, bám rễ vào đời sống văn hóa, tinh thần người dân ở đó.
Nhà thơ Hải Đường
Ông anh tôi tuổi ngoài 70 “đương chức” cán bộ người cao tuổi cười vui: “Chuyến này tôi mất chức chú ạ”. Lý do là huyện Mỹ Lộc nhập vào thành phố Nam Định. Tôi chúc mừng ông, thôi nghỉ cho khỏe, về vui thú điền viên ông ạ. Ông cười, nhất trí cả hai tay, nhưng có chuyện này, bà con ở quê thấy lăn tăn lắm chú ạ – chuyện làng xã mất tên và đặt tên mới ra sao. Đấy chú xem thử, ba xã Mỹ Thành, Mỹ Thịnh, Mỹ Tiến nhập thành một xã, dự kiến tên mới là xã Mỹ Lộc (tên huyện cũ) liệu có ổn không? Ba cái tên cũ quen thuộc, gắn bó từ mấy chục năm nay bỗng dưng “lặn” mất. Tôi nhớ ngày xưa, đã từng có một xã bị mất tên, cô văn thư cất con dấu vào túi vải mà cứ khóc rưng rức.
Nghe ông cán bộ cao tuổi trần tình tôi cũng nhớ lại nhiều câu chuyện từng gặp, từng nghe suốt bao năm rong ruổi khắp thiên hạ. Nhớ hồi thành phố Sơn Tây nhập về Hà Nội, bị “hạ cấp” xuống thị xã, anh cán bộ Ủy ban cũng rưng rưng, chúng em quen rồi bác ạ, khắc nhập, khắc xuất, nhưng nhất định phải giữ con dấu này để làm kỷ niệm, và biết đâu đấy có ngày lại dùng đến.
Chuyện “khắc nhập, khắc xuất” là có tính toán cho phù hợp với từng thời kỳ. Nhất trí, không bàn. Tôi đã đọc nhiều bản quyết định tách ra nhập vào qua các thời kỳ. Quả thật thấy khâm phục các nhà văn bản học của ta. Mỗi quyết định thấy cả trang dài dằng dặc lý do để nhập hoặc xuất. Căn cứ vào nghị quyết số, luật số, văn bản số, chỉ thị số, thông báo số, kế hoạch số, phương án số… không còn kẽ hở cho một cái móng tay. Kỹ lưỡng thế mà vẫn bao nỗi canh cánh bên lòng.
Ở đây, chỉ xin nói về một việc: Đặt tên mới cho làng xã.
Theo thông báo của Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục sắp xếp 35 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.300 đơn vị hành chính cấp xã cho giai đoạn 2023 – 2025. Vậy là sẽ có hàng trăm xã, hàng nghìn thôn làng phải thay tên.
“Người quê tiếng đục tiếng khàn/Gặp nhau mừng tủi tiếng làng thương thương” , tôi đã viết bài thơ Tiếng làng với nguồn cảm hứng của một vùng chiêm trũng bên sông Châu. Làng tôi cũng như nhiều làng khác ở đồng bằng Bắc Bộ hình thành từ hàng trăm năm nay. Tên làng chủ yếu là tên Nôm, cứ vang lên từng tiếng đơn: Vọc, Chủ, Kếu, Sậy, Lăm, Luông, Ó, Nhồi… Bà con mình yêu tên làng, thương nhớ tiếng làng, “gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân”.
Thế mà một dạo, vào những năm 50, 60, 70 của thế kỷ trước, nhiều tên xã, tên làng bỗng dưng biến khỏi danh sách làng xã, khiến người đi xa về một phen ngơ ngác, khiến trẻ con học văn, học sử không biết đường nào mà truy xuất xứ. Thí dụ như nhà thơ Nguyễn Khuyến thường gọi là Tam Nguyên Yên Đổ. Vì làng Cụ trước đây là làng Yên Đổ, xã An Đổ, huyện Bình Lục (Hà Nam). Nay bỗng dưng làng ấy thuộc về xã Trung Lương.
Có người nói vui, phải gọi Cụ là “Tam Nguyên Trung Lương”. Những ví dụ như thế này thì kể ra cả ngày chả hết. Bỗng nhiên nhiều làng cổ mất tên và khoác trên mình những cái áo lạ hoắc: thôn 2, thôn 3, thôn 5, thôn 7… Rồi là: Quyết Thắng, Hợp Nhất, Xung Kích, Tiên Phong, Thành Công, Thống Nhất… nghe thật là khiên cưỡng.
Thưa rằng, tên làng là hồn cốt, hồn vía của làng. Tên làng càng cổ càng quý. Tên làng gắn với cây đa, bến nước, sân đình, và cả một kho tàng văn hóa làng quê. Cái tên Nôm ấy mang trong lòng nó sức mạnh văn hóa ghê gớm – văn hóa phi vật thể. Người ta thương yêu, gắn bó với nhau có khi cũng vì tên làng tên đất. Thế nhưng khi sáp nhập các làng xã thì không tránh khỏi việc đặt lại tên, đó là vấn đề rất phức tạp, thậm chí là nhạy cảm. Việc đặt tên mới cho một đơn vị hành chính quả thật không dễ dàng, bởi những tên làng cũ như một con dấu chìm trong ký ức, đã ăn sâu, bám rễ vào đời sống văn hóa, tinh thần người dân ở đó.
Vậy phải đặt tên mới ra sao? Nói thì dễ, làm thì khó: “Nói”, tên đơn vị hành chính mới sáp nhập phải bảo đảm đoàn kết, phù hợp yếu tố lịch sử, truyền thống và văn hóa địa phương, tôn trọng ý kiến người dân, cần tham khảo ý kiến của các nhà khoa học. Còn “Làm” mới là đa thanh đa sắc, có phần chủ quan, nhốn nháo, tùy tiện. Cho nên trước đây, sau những lần làng xã mất tên, phải mang những cái tên khô cứng và xa lạ, nhiều nơi khẩn thiết đề nghị cấp trên “trả lại tên cho em”.
Vậy nên, tới đây việc đặt tên xã, tên làng cần cẩn trọng hơn. Không đặt tên làng xã mới một cách cơ học bằng cách ghép lại với nhau. Phải làm sao để mỗi địa danh phải là sự nối kết giữa hiện tại, quá khứ và tương lai. Phải xem việc đặt tên làng xã là công trình khoa học, có sự bàn thảo kỹ lưỡng của các nhà khoa học, nhà Hán Nôm học, nhà Ngôn ngữ học, v.v.. Theo đó, có hai cách đặt tên có thể tham khảo: một là, lấy tên cổ, hai là, lấy tên địa danh. Phổ biến nhất là ghép tên, nếu không thuận, không hay, thì lấy tên xã có yếu tố lịch sử văn hóa và truyền thống cách mạng nổi bật làm tên cho xã mới.
Cái gì hợp lý thì nó tồn tại – Ph. Ăngghen đã nói đại ý như thế. Để cho mọi việc hợp lý thì phải cẩn trọng, chắc chắn, cân đi nhắc lại, chớ nên lặp lại những cái nóng vội, sai sót trước đây. Có người bảo rằng, cứ gọi tên mãi khắc quen. Thưa rằng, có cái tên gọi đến trăm năm sau vẫn không thể quen được đâu. Không bao giờ có hình thức tách khỏi nội dung. Ví thử lấy tên làng ở Tây Nguyên đặt tên ở một làng miền núi phía Bắc ta sẽ thấy không thể chấp nhận.
Cuối cùng, nay ta đang ở thời kinh tế số, xã hội số. Mọi thông tin về hành chính, về con người được cập nhật đầy đủ trên nền tảng công nghệ số, khi làng, xã huyện mang tên mới, không chỉ có địa phương ấy biết mà… cả thế giới biết. Câu chuyện chúng ta bàn hôm nay mới hệ trọng làm sao! Hãy đừng gây nên những phiền phức, rắc rối không đáng có. Hãy nghĩ nhiều hơn đến con người, nhất là con người trong bộ máy điều hành chính quyền cơ sở mới, lo sao chọn được người đức độ, giỏi giang, sáng tạo.
HẢI ĐƯỜNG
Trích nguồn: Vanvn.vn
Bài viết liên quan: