Tản mạn Rừng – Tản văn của Ngô Thị Thu Vân

 

1/ Tôi hay nhận là người Bến Tre vì tôi có gần 30 năm sống ở đó. Thật ra, tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Sài Gòn tuổi thơ tôi không dày đặc những tòa nhà cao ngất ngưởng như bây giờ. Sài Gòn tuổi thơ tôi phủ trùm một màu xanh của cây. Thuở nhỏ, được ba má dắt đi chơi thảo cầm viên, thay vì xem thú, tôi thường mê mẩn men theo những hàng cây. Những cái tên được ghi trên thân cây luôn tạo cho tôi sự tò mò, khám phá.

Sau này lớn lên, những con đường rợp bóng cây cổ thụ mới chính là khung trời hoa mộng của tôi. Những con đường Cường Để, Duy Tân, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm… Những công viên như công viên trước Dinh Độc Lập, công viên Bách Tùng Diệp, công viên Tao Đàn một thời được mệnh danh là thượng uyển của Sài Gòn… mới là nơi tìm thấy sự tĩnh tâm mỗi khi cõi lòng tôi chao nghiêng.

Mùa hè, thay vì đi du lịch biển Ô Cấp, Nha Trang, tôi chọn Ban Mê, Đà Lạt. Chỉ cần nghe mùi phấn thông lùa qua ô cửa xe là tôi biết mình đã chạm ngõ Đà Lạt. Chỉ cần qua hết đèo Prenn bằng cung đường uốn lượn như dải lụa trong bài múa của mấy ả đào nương là tôi biết mình thật sự đặt chân lên xứ sở sương mù. Chỉ cần nhìn thấy những rừng thông xanh mướt hai bên đường là tôi thấy niềm hân hoan trùng trùng trỗi dậy.

Lần đầu nghe gió thông reo và ngửi mùi phấn thông tỏa ra từ những vạt rừng thông, tôi nghĩ nếu không có rừng thông thì Đà Lạt không còn là Đà Lạt nữa. Cũng lần đầu đứng giữa rừng thông, tôi nhận ra không chỉ bình yên, thư thái mới hạnh phúc, cô đơn cũng là một thứ hạnh phúc.

2/Nếu rừng thông cao nguyên đứng vững chãi trên những vạt đồi hay triền dốc làm nhiệm vụ giữ cho đất khỏi bị trượt mòn thì những cánh rừng tràm ở phương Nam  nhờ dòng nước len lỏi dưới chân mà tạo ra bao điều bí ẩn.

Lạc vào không gian vắng lặng của rừng chiều phương Nam, tôi như lạc vào một thế giới bí hiểm đầy màu sắc, mùi vị và âm thanh. Hương thơm của hoa tràm, mùi đất ẩm, mùi cỏ khô, mùi của nước dớn – thứ nước lá tràm mục, màu nâu, tuôn từ rừng nguyên sinh ra kênh. Nước dớn thơm trong và ngon ngót.

Tiếng chim hót, tiếng gió thổi, tiếng kêu của muông thú và côn trùng hòa vào nhau như bản hòa tấu của một ban nhạc giao hưởng lừng danh. Những giai điệu có lúc dặt dìu, có khi bi tráng; Có đoạn trầm buồn, có khúc réo rắc trong veo… rải khắp một không gian bạt ngàn rừng thẳm.

Đó là những ngày đầy thú vị khi tôi cùng đoàn văn nghệ sĩ Bến Tre len trong lõi rừng U Minh Hạ trên xuồng ba lá, khám phá vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của rừng tràm. Hay những khi tha thẩn trên con đường mòn quanh co dài và hẹp. Những bụi cây, lùm tràm, um tùm, rậm rạp phủ kín hai bên đường, muỗi, vắt cùng cái nóng tháng tư oi ả làm tôi liên tưởng đến thời khai hoang mở đất của tiền nhân.

Sách sử còn ghi, hơn 300 năm trước, U Minh Hạ là một vùng rừng rậm, sình lầy, muỗi vắt, rắn rít, cá sấu, cọp beo; Khung cảnh hoang vu, lạnh lẽo, âm u, đầy chướng khí (Có lẽ thói quen uống rượu của người phương Nam xuất phát từ đây); Thêm thế đất phức tạp, sông ngòi chằng chịt, lại còn đương đầu với dịch bệnh triền miên, việc khai phá đất đai của ông cha ta gian khổ trăm bề.

Nhưng bù lại, rừng cũng đã mang đến biết bao sản vật nuôi sống con người: Dưới đất đủ các loại cá, tôm, cua, rắn, lươn, rùa… Trên trời chim, cò các loại; Không kể các loài động vật hoang dã khác. Ngoài ra, rừng còn cung cấp cây gỗ làm nhà, làm chất đốt. Đặc biệt, con ong rừng đã cho ra cái nghề gác kèo ong lấy mật, trở thành nghề truyền thống nổi tiếng ở U Minh Hạ cho đến ngày nay.

Trải qua nhiều thế hệ kể từ thời khẩn hoang, sinh cơ, lập nghiệp, rừng Cà Mau tới nay vẫn còn là một bí ẩn qua nhiều câu chuyện kể còn lưu truyền trong dân gian.

3/ Thời mở cõi, ông cha ta đã nương tựa vào rừng, nhờ rừng che chở, nuôi sống mà  ngụ cư, lập làng, lập xóm, mở đất, khơi ngòi. Trong kháng chiến, Tố Hữu chỉ một câu thơ đã khái quát được vai trò của rừng trong công cuộc đánh giặc giữ nước của nhân dân ta: “Rừng che bộ đội rừng vây quân thù”.

Rừng không chỉ ngụy trang để “che” bộ đội mà bụng rừng còn là nơi cất giấu vũ khí, cung cấp lương thực; che giấu thương binh…

Khi cần tiến hành các hoạt động quân sự, quân ta tận dụng địa thế của rừng để nghi binh, mai phục, bao vây, tấn công địch, biến rừng thành một chiến trường. Đó là lúc rừng cùng bộ đội “vây quân thù”.

Cũng trong một cánh rừng, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam đã ra đời, với vai trò là trung tâm đầu não, chỉ đạo mọi hoạt động của cách mạng miền Nam – Rừng Shàng Riệc. Đây là nơi trận chiến lịch sử cuối cùng được chuẩn bị và triển khai: Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tính đến nay đã tròn nửa thế kỷ.

Kể từ lần lên dự lễ khởi công Khu lưu niệm truyền thống Ban Dân y miền Nam năm 2009, gần 20 năm, tôi không có dịp nào trở lại thăm cánh rừng Chàng Riệc. Nhưng trong bộn bề ký ức về rừng, bao giờ tôi cũng để dành cho nơi này một khoảng nhớ mênh mông.

Lần đầu tiên nhìn thấy những “mái nhà” lợp lá trung quân, tôi rất lạ vì thoáng thấy nó giống với lá cây ngọc lan. Hỏi ra mới biết. Đây là loại lá rừng, mọc rất nhiều xen dưới các tán cây trong rừng. Mái lá trung quân khô chuyển màu nâu ngói rất đẹp. Nhà lợp lá trung quân mát, bền, đặc biệt lá trung quân là “khắc tinh” của khói lửa đạn bom vì lá chậm bắt lửa và ít gây cháy lan.

Men theo con đường mòn dẫn sâu vào khu căn cứ, tôi nhìn thấy rất nhiều căn nhà nhỏ nằm rải rác. Đó là nơi vừa ở vừa làm việc của các đồng chí lãnh đạo như Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng…

Nhắc lại, trái tim tôi vẫn còn thon thót thở. Lúc đó, đứng trước “căn nhà” của bác Sáu Dân – Đồng chí Võ Văn Kiệt, tôi bùi ngùi chết lặng một hồi lâu. Vì bác Sáu mất cách đó chưa đầy năm. Và cũng vì với dân phong trào chúng tôi, bác là một người bạn lớn thân thiết. Hình ảnh bác hiên ngang đánh trống trận ra quân của lực lượng TNXP thành phố năm nào hiện ra. Nước mắt tôi nhòe di ảnh bác. Những vật dụng sinh hoạt hằng ngày cũ kỹ, đơn sơ, ghi dấu những ngày gian khó, vất vả lẫn hiểm nguy của bác làm lòng tôi se sắt nhớ Người.

Đến tham quan khu rừng Chàng Riệc hôm nay, ngoài đắm mình trong một không gian yên bình, tĩnh lặng giữa màu xanh bạt ngàn của lá rừng, nghe tiếng chim ca hòa lẫn tiếng gió vi vu xào xạc, du khách sẽ cảm nhận dưới chân mình từng tấc đất còn mang nỗi đau do đạn bom cày xới – chứng tích hào hùng của dân tộc ta thời chống Mỹ; Sẽ bắt gặp vẫn còn đâu đó những cây cổ thụ thật to, xòe ra những tán lá rộng che chở cho bộ đội hành quân năm nào.

4/ Khi tôi đang lan man thả cảm xúc của mình trôi theo những vạt rừng thì lệnh sáp nhập các tỉnh thành vừa có hiệu lực. Bến Tre, cái tên từ đây chỉ còn trong ký ức của nhiều người. Vùng đất duy nhất có nữ tướng: Bà Nguyễn Thị Định; Có đội quân tóc dài cầm súng: Đại đội nữ bộ đội Thu Hà; Là nơi nổ ra phong trào Đồng khởi đầu tiên của cả nước; Là nơi giữ gìn cốt nhục Cụ Đồ Chiểu. Và nơi ấy có cũng có “Rừng che bộ đội rừng vây quân thù”. Đó là những cánh rừng dừa bạt ngàn phủ kín ba dãy cù lao.

Từ xa xưa ngoài cây lúa, dừa là nguồn sống chủ yếu của cư dân Bến Tre. Cây dừa đã “tận hiến” hết “thân thể” của nó để phục vụ con người. Trái nạo để uống nước, trái khô để lấy dầu, vắt nước cốt làm kẹo, nấu chè, làm bánh, cơm dừa cạy ra làm mứt; Thân cây xẻ ván, làm cột, làm kèo; Nhiều người “chơi lớn” chặt nguyên quài bông dừa trang trí cổng đám cưới: Tàu dừa làm củi, cọng dừa bó chổi (kẹt quá làm tăm xỉa răng), mo nang làm vật dụng nhà bếp; Lá dừa khô róc thành  bó gác giàn bếp để nhúm lửa, hoặc làm đuốc rọi đường khi tối trời.

Hình ảnh ngọn đuốc lá dừa còn đi vào lịch sử khi trở thành biểu tượng huyền thoại của Xứ Dừa qua phong trào Đồng khởi.  Có thể vẫn còn không ít người chưa hình dung cây dừa đã từng cùng quân dân Bến Tre đánh giặc như thế nào.

Trong đấu tranh chính trị, thân dừa như cái trạm thông tin dùng để dán, vẽ khẩu hiệu tuyên truyền. Dùng “đấp mô” hay kết bè chặn đường tiến quân của địch hoặc làm nóc hầm tránh pháo thì đó là nhiệm vụ của thân dừa. Căn cứ Khu ủy Sài Gòn – Gia Định đóng tại xã Tân Phú Tây (Mỏ Cày Bắc) ngày nay được giữ làm di tích lịch sử là một căn hầm được làm bằng thân dừa .Thật thú vị, đây không chỉ là nơi ở và làm việc của các đồng chí lãnh đạo Khu ủy mà còn là nơi dành tổ chức lễ tuyên hôn cho các chiến sĩ.

Khi cần ém quân hoặc bị ruồng bố, người dân bó đọt dừa để chiến sĩ ta ẩn nấp, ăn uống, ngủ nghỉ, có khi hàng tháng trời mà không bị địch phát hiện. Rất nhiều câu chuyện cười ra nước mắt kể về cái “chiêu” cực kỳ sang tạo này.

Mặc dù có giai đoạn, vườn dừa bị giặc Mỹ dùng chất độc hóa học hủy diệt tan hoang hàng ngàn mẫu. Nhưng người dân đã ra sức khôi phục giữ lại màu xanh cho đất. Rất tiếc do chuyển đổi cây trồng, hiện rừng dừa Bến Tre đã thưa thớt đi nhiều.

Ngày nay, hầu hết các cánh rừng được khai thác làm du lịch sinh thái, góp phần quảng bá các sản vật địa phương. Rừng tràm cho mật ong, cá đồng, rau dại… Rừng dừa cung cấp hàng trăm sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Dùng làm mỹ phẩm cũng là một đột phá mới từ dừa…

Chỉ mong con người đối xử với rừng như rừng đã từng và đang đối đãi với con người.

  Ngô Thị Thu Vân

Đánh giá bài viết 1 Star (1 lượt bình chọn)
Loading...