Người Việt phải hứng chịu những tổn thất khủng khiếp bởi chiến tranh chống Pháp kết thúc năm 1954; chống Mỹ kết thúc năm 1975; chiến tranh biên giới Tây Nam 1978; chiến tranh biên giới chống Trung Quốc xâm lược 1979. Đó là những đề tài lớn của văn học Việt Nam thế kỉ XX, sang thế kỉ XXI.
Trong quá khứ, văn học đề tài chiến tranh mang khuynh hướng trữ tình – sử thi, sử dụng ngôn từ xây dựng những biểu tượng nghệ thuật lớn lao, thần thánh. Ngôn ngữ đó vừa khơi dậy tình cảm giai cấp và dân tộc, mang tính tuyên truyền, kêu gọi sự đóng góp, hi sinh cho đất nước. Sau 1975, cái nhìn về chiến tranh đã có sự thay đổi căn bản, “sự mờ nhạt của chủ nghĩa anh hùng và sự tiếp xúc với những luồng gió mới của quan niệm nghệ thuật về con người, về văn chương, về chiến tranh” (Đỗ Hải Ninh) đã khiến văn học về đề tài chiến tranh sau năm 1975 “mở rộng những chiều kích hiện thực từ góc nhìn mới”, đi sâu vào số phận con người với những tổn thương và bi kịch cá nhân. Người viết sử dụng ngôn ngữ cá thể hóa, khám phá tâm lý sâu kín của con người.
Nguyễn Bình Phương là một tác giả có đóng góp quan trọng cho văn học chiến tranh. Ở thể loại tiểu thuyết có Kể xong rồi đi (2017), Mình và họ (2019); thể loại thơ có 10 tập, có thể kể tới Lam chướng (1992), Khách của trần gian (1996), Xa thân (1997), Từ chết sang trời biếc (2001), Buổi câu hờ hững (2011). Trong thơ ca, đề tài chiến tranh thường bị chìm khuất, chúng tôi muốn đặt những bài thơ viết về đề tài chiến tranh của Nguyễn Bình Phương trong mạch nguồn văn học Việt Nam để nhận diện, tìm ra những đóng góp mới.
Người Việt phải hứng chịu những tổn thất khủng khiếp bởi chiến tranh chống Pháp kết thúc năm 1954; chống Mỹ kết thúc năm 1975; chiến tranh biên giới Tây Nam 1978; chiến tranh biên giới chống Trung Quốc xâm lược 1979. Đây là đề tài lớn của văn học Việt Nam thế kỉ XX, sang thế kỉ XXI.
Đề tài chiến tranh trong thơ Nguyễn Bình Phương ẩn khuất sau những bài thơ ngắn, hoặc có khi chỉ được thể hiện trong phạm vi một vài câu hay một khổ trong cả chỉnh thể tác phẩm, được gợi ra như một lát cắt nhỏ trong hệ thống cảm nghĩ về bản thể, nhân sinh, thời cuộc hay tình yêu.
Nguyến Bình Phương không tạo nên những bức tranh hoành tráng vĩ đại về chiến tranh, cũng không có xu hướng mô tả trực diện chiến tranh. Nhà thơ nhìn thấy “người lính chống cằm nhìn vỏ đạn”1 (“Không đề”), là “các tháp canh nhàn rỗi đứng xiêu xiêu”, là “loạt đạn say sưa ngủ trước cổng thành” (“Những trận chiến cài hoa”). Đôi khi có những khốc liệt, thì dùng cách nói phủ định: “Đừng nhắc/ Những luồng đạn căng lừ/ Những khét lẹt đổ gục, những vỡ/ Những văng lên và bay tứ phía” (“Trên đồi cao”). Vậy ta nên hiểu như thế nào về thơ chiến tranh của Nguyễn Bình Phương?
Khám phá văn bản, chúng tôi nhận thấy nhà thơ đã tạo ra một mạch ngầm chấn thương ẩn hiện bên dưới bề mặt tĩnh lặng, mơ màng, nhẹ nhõm của con người và cảnh vật. Tái hiện khoảnh khắc ngơi nghỉ giữa chiến sự, nhà thơ cho thấy những hình ảnh nhỏ bé, những trạng thái yên lặng, thường hằng của đời sống.
Trong bài thơ “Không đề” là hệ thống hình ảnh đan xen nhau giữa con người và tự nhiên, thoạt nhìn có vẻ rời rạc: “Có người lính chống cằm nhìn vỏ đạn/ Có đàn ri bay qua nóc nhà thờ/ Có dòng suối chảy trên những tầng rễ/ Có góa phụ chít khăn bằng sương/ Đêm nay nước mắt giáng trần/ Con đom đóm xiu đêm nay lạc mẹ/ Ngủ nhờ giấc ngủ trẻ con”. Con người (anh lính, góa phụ) hay tạo vật (đàn chim ri, dòng suối, con đom đóm) được gợi tả đều là những sinh thể nhỏ bé, được gợi nên trong những khoảnh khắc đơn lẻ, riêng tư.
Trong bài thơ, hình ảnh người lính trong tư thế “chống cằm nhìn vỏ đạn” rất lặng lẽ trong hành trình của chiến tranh. Nhà thơ đã rất khéo léo sắp xếp những hình ảnh tưởng chừng rất ngẫu nhiên, là một lát cắt của một quá trình suy tư, hoặc tò mò như thơ trẻ của người lính, một phút bình yên quý hiếm của chiến trường. Hoặc qua dáng điệu “chống cằm” đó có thể là một dấn thân; một mắc kẹt; tâm trạng mà người lính tự xác định trong quan hệ với chiến tranh… Người đọc có thể tự do dự đoán, nhưng bản chất vẫn là cuộc sống đối diện với thương đau của chiến tranh.
Ta gặp hình ảnh góa phụ “đầu chít khăn bằng sương” là lát cắt của số phận. Ta gặp trong màn đêm“con đom đóm nhỏ xiu đêm nay lạc mẹ” là ẩn dụ về những sinh thể nhỏ bé, côi cút cần chở che. Hình ảnh “ngủ nhờ giấc ngủ trẻ con” là nhu cầu được xoa dịu những mất mát và tổn thương. Xâu chuỗi các hình ảnh đàn chim, dòng suối, con đom đóm, góa phụ, nhà thơ cho người đọc nhìn thấy sự tang thương của chiến tranh. Bài thơ Không đề tiêu biểu cho tính tầng bậc của ngôn ngữ chấn thương, và cách thức tạo dựng ngôn ngữ chấn thương của tác giả. Đó là tước bỏ những từ ngữ miêu tả cảm xúc, triệt tiêu những đánh giá chủ quan, để gợi ra sinh thể sống hàng ngày, để cho người đọc tự cảm nhận.
Nếu lướt qua sẽ thấy một bức tranh rời rạc, nếu đọc kĩ sẽ thấy những vết thương sâu trong từng sinh thể nhỏ bé.
Trong bài thơ “Những trận chiến cài hoa”, Nguyễn Bình Phương cũng tận dụng triệt để thủ pháp đan cài ngôn ngữ. Những hình ảnh “bên hàng rào áo phơi giữa chiều”, “các tháp canh nhàn rỗi đứng xiêu xiêu”, còn người lính như trẻ thơ “này lính cũ mũ rơm cài hoa cải” trước “loạt đạn say sưa ngủ trước cổng thành”. Tất cả đều toát lên vẻ tĩnh lặng, bình yên. Cái không bình yên là “làn da thanh vắng/ Thái Nguyên vừa đập cánh vừa lạnh” Nguyễn Bình Phương chỉ điểm xuyết những hình ảnh nhỏ bé, bâng quơ khiến cho đau thương được gợi nên như là một mảnh nhỏ, một lát cắt trong hiện thực chiến tranh. Nhưng dẫu được gợi lên với những sắc lạnh và thương tổn, nó vẫn được ôm chứa trong một cuộc đời rộng lớn, nơi sự sống vẫn tuần tự diễn ra. Ẩn sau những vần thơ của Nguyễn Bình Phương bởi vậy, chính là một niềm bao dung sâu thẳm, và chính niềm bao dung này đã làm nảy nở những ngọn nguồn của sự sống, bất chấp sự hủy diệt và đau thương của chiến tranh.
Trong văn học cách mạng Việt Nam, người lính là người hùng, lồng lộng không khí sử thi. Trong văn học hậu chiến, người lính vẫn hiện lên với vẻ đẹp của sự chính nghĩa. Đến Nguyễn Bình Phương hình ảnh người lính hiện diện thản nhiên, nhỏ bé, lẫn vào hoa cỏ, sinh linh khác trong trời đất. Họ vừa là một phần nhỏ bé của chiến tranh lại vừa như tách rời khỏi cuộc chiến, tự xây cho mình một thế giới mơ mộng bình thường, một vẻ đơn độc, lơ đễnh, quên thế sự.
Trong bài thơ “Về một người thương binh hỏng mắt”, nhà thơ gợi tả tâm tình của anh tân binh: “Chiều năm một chín tám tư cũng là chiều của mây, mây trắng giăng ngập trời ải Bắc, mây tràn vào ý nghĩ của anh, cậu trinh sát trẻ măng lần đầu xuất trận. Chiều ấy anh vừa đi vừa nghĩ, cây chò chỉ trước ngõ nhà anh có muôn vàn chiếc lá, lá lấp lánh reo mỗi độ gặp người. Anh vừa đi vừa nghĩ, trong giấc mơ đêm qua người ấy đến tìm anh, môi cắn chỉ tóc dài buông trách cứ…”. Người lính nơi chiến trường lại chìm trong một bầu trời mơ mộng của người đang yêu, khiến cho việc xuất trận không có những căng thẳng. Mặt khác hình ảnh bình yên, đẹp đẽ của quê hương được nối dài.
Chiến tranh như một hiện thực ở đâu đó, ngay cả khi đối diện với ác liệt. Bởi vậy, khi viên đạn lóe sáng là người trai trẻ từ thế giới tưởng tượng này vào cõi âm u khác: “Anh vừa đi vừa nghĩ trong giấc mơ đêm qua, người ấy đến tìm anh, môi cắn chỉ tóc dài buông trách cứ, một luồng sáng trong veo rọi xuống từ trời/ Anh thấy mình vùn vụt về bên cây chò chỉ, ngắt một chiếc lá xanh/ Rồi ngủ/ Đêm bắt đầu từ đấy thật dài”. Mơ mộng với những khốc liệt của chiến trường là hình ảnh thường thấy ở người lính trong thơ nguyễn Bình Phương. Điều đó như bản chất nhân văn sâu xa trong tâm hồn, là chất người mà nhà thơ đã khám phá trong hoàn cảnh chiến tranh. Chính là thông điệp lên án chiến tranh vùi dập cả những mộng mơ nhỏ bé nhất của con người.
Hình tượng người thương binh, nhà thơ thường gợi tả trong trạng thái “bị kí ức mài mòn/ Ngồi lẫn vào trong nước/ Ngó đăm đăm một cánh cửa vô hình” (Quanh quanh), “Chiến tranh xong rồi họ còn đứng bắn mải mê trong rừng” (Áo đêm) hay “Ông hàng xóm từ chiến trường về/ Không có giấc mơ/ Ngón tay ốm o vùi lấp khuôn mặt ốm o/ Ai biết ông ta nghĩ gì/ Sau ngón tay ấy” (Khách của trần gian). Những hành động gợi sự đơn độc, chất chứa nỗi đau không thể cất lời, không thể chia sẻ. Họ chìm vào vô thức, hành động theo quán tính mà chiến tranh đã định dạng nên họ.
Trạng thái vô thức, đi lạc, ngủ mê, “chiến tranh xong rồi họ còn đứng bắn mải mê trong rừng”,… Hành động lặp đi lặp lại là trải nghiệm chấn thương sâu đậm, không nhận thức đầy đủ về điều xảy ra. Hiện trạng mất kết nối với hiện tại là bi kịch của người lính sau chiến tranh, khi dư chấn của cuộc chiến vẫn ám ảnh, khiến họ mắc kẹt trong những tổn thương dài lâu.
Để diễn tả những chấn thương hậu chiến, nhà thơ dùng biểu tượng. “Đêm”, “bóng tối” những ám dụ nghệ thuật diễn tả sâu sắc sự tổn thương. Câu thơ “Đêm bắt đầu từ đấy thật dài/ Anh bảo hãy đo giúp anh xem bóng tối rộng chừng nào mà mấy chục năm đi mãi vẫn chưa qua/ mấy chục năm anh cắt phương vị theo bài bản chẳng hiểu sao vẫn một bức tường đen sừng sững che trước mặt/ Chúng ta nhìn thay người thương binh ấy, vào ban mai, vào trưa, vào sẩm tối/ Đêm thì anh nhìn giúp chúng ta”. Đêm đen là một hiện thực với người thương bình mù, là quá khứ khủng khiếp của chiến tranh vẫn đè nặng lên tâm trí. Nguyễn Bình Phương để cho người thương binh tự kể, bài thơ khép ở khoảng lặng: “Anh, một con đại bàng thèm vỗ cánh/ – Quê tôi ở bên kia mùa hạ/ Anh vừa nói vừa cười buồn buồn, khuôn mặt nghiêng dần sang tĩnh lặng”. Đó là trạng thái của nỗi đau không gì kể lại được. Không gian đêm là một đôi mắt khác vằng vặc sáng và kể lại những thương tổn không cùng của chiến tranh.
“Trên đồi cao” là bài thơ nói đến người lính hi sinh “Đừng nhắc/ những luồng đạn căng lừ/ Những khét lẹt đổ gục, những vỡ/ Những văng lên và bay tứ phía/ Tất cả vừa mới nguôi”, “Đừng nhắc những đường lê bỏng cháy/ Vết thương đã trút lại cõi trần/ Đừng khói hương nhiều làm họ lẫn/ Bình yên đâu cần bóng bồ đề”. Ngay cả những lời vinh danh trên bia đá cũng không thể dung nổi những gì mà người lính đã trải qua trong trận mạc “Bia đá lạnh làm sao dung nổi/ Dép đúc/ đầu trần/ AK trên tay/ miệng như lửa/ tóc như lửa/ dáng chờn vờn như lửa”. Hình ảnh ám ảnh tâm trí về cái chết không thể bù đắp, những khủng khiếp của chiến tranh. Ngôn từ trở nên bất lực, không thể diễn tả được thấu triệt mọi nhẽ về cuộc chiến.Việc tận dụng các khoảng trống của ngôn từ, tạo ra những khoảnh khắc im lặng cho thơ chính là cách để nói về chiến tranh một cách trung thực và mạnh mẽ nhất.
Qua khảo sát những bài thơ về chiến tranh của Nguyễn Bình Phương, ta có thể hình dung ra diện mạo mới của bộ mặt chiến tranh được diễn tả trong thơ hiện đại. lát cắt, một hiện thực dẫu chứa đựng những chết chóc, những chấn thương nhưng nó vẫn nằm trong sự vận động nhiều cõi, nhiều tầng bậc của đời sống. Nhà thơ cũng phát hiện những khía cạnh riêng tư, những thương tổn không thể cất lời của con người trong cuộc chiến đó. Qua những vần thơ đó, Nguyễn Bình Phương thể hiện những sáng tạo ngôn ngữ, chất liệu, hình ảnh mới khi biểu đạt về chiến tranh. Những sáng tạo đó góp phần thúc đẩy quá trình giải cấu trúc chất liệu/ hình ảnh khi đề cập đến chiến tranh, giúp chủ đề này không lệ thuộc trực tiếp vào những trải nghiệm của người viết, cũng như không còn phụ thuộc vào việc phản ánh chân thực cuộc chiến đã qua hay không, mà hướng đến việc tạo nên một khuôn dạng chiến tranh trong thế đối thoại của người viết.
Bài viết liên quan: