Ông xứ Hợi khẽ khàng đặt cuốn sách xuống bàn, băn khoăn nhìn đám học trò. Lũ trẻ cắm cúi viết. Ông không muốn chúng phân tâm vì những tiếng í ới gọi nhau ngoài đường cái. Chỉ là những tiếng gọi nhau đi gãi hến cũng khiến ông giật mình. Không nén được lòng, ông đẩy cửa bước ra nhìn theo những bóng người tất tả rủ nhau đi về phía sông Vận. Ông kìm giọng sót xa: “Hến về sông Vận nhiều thế này là đói đây!”
Té nhìn mồ hôi chảy thành dòng trên mặt cha, lo lắng hỏi: “Sao cha biết?”
Ông xứ Hợi nhìn con gái, lúng túng nói: “Ừ… thì … cha nghe các cụ nói lại vậy.”
“Con ra sông Vận gãi hến đây.” Té đứng dậy phủi quần rồi chạy ra cổng.
Tiếng cha dặn theo “Đừng xuống sông, nghe chưa!”.
Lần nào biết Té ra sông Vận cha cũng dặn vậy. Nhưng chưa lần nào Té nghe lời. Té lội sông Vận nhiều nên da mai mái, nhơn nhớt như da ếch. Cũng như không được nấp sau cánh cửa nghe cha dậy học sẽ khiến học trò không tập trung, cha dặn nhiều lần nhưng Té vẫn không nghe lời. Té chạy, chiếc váy đụp bện quắn như sợi thừng trói lấy hai chân. Hến về sông Vận nhiều là điềm báo đói, Té nghe người già nói với nhau. Có chuyện gì bất an sẽ xảy ra với dân làng?
Té chạy từ trên đê xuống bãi Tằm như chiếc bánh xe lăn dốc. “Cha tổ cái Té, chạy như ma đuổi thế hử!”. Ai đấy chửi Té vì cái tội chạy đâm sầm vào khiến họ ngã lăn lông lốc xuống triền đê. Té vẫn chạy như thể không nhanh thì giời sập.
Mọi khi Té gãi cả ngày chỉ được một giỏ hến, vậy mà làng gọi nhau mới từ sáng đến giờ chưa đứng bóng mặt trời đã hàng đống lớn như những đụn giạ dọc bờ sông. Té vốc nắm hến lên nhìn. Những con hến to bằng ngón chân cái người lớn, bóng láng. Lạ! Chưa hết ngạc nhiên thì Té giật nẩy người vì bị cái phát cháy vai.
Tiếng quát: “Nhà đã giầu rồi còn thích ăn trên ngồi trốc. Định ăn cắp hả!”
Là chị Rạ con ông Vịt. Chẳng hiểu sao cả nhà chị Rạ cứ thấy ai có của ăn của để hơn là ganh ghét.
Bị đổ oan, Té hét lên: “Em không ắn cắp!”
Té định cự lại, nhà em có khấm khá hơn chẳng qua cha em vừa dạy học vừa chăm làm ruộng vườn, là tiết kiệm mà có chứ chẳng làm việc gian dối bao giờ. Nhưng có thanh minh thì chị ta lại cho là cãi giỏi. Té ấm ức lội xuống sông để tránh xa gia đình nhà ông Vịt. Nước chưa ngập đầu gối mà dưới bàn chân đã lổn nhổn những hến là hến, nhiều như dẫm phải bãi đá cuội. Ô kìa, ngay sát mép nước xúc không hết hến vậy mà dân làng cứ đầm mình chỗ nước sâu, cứ tiến dần về phía tổ con giải. Chết thật, nguy hiểm lắm.
Té chạy lên bờ huơ tay, hét to: “Quay lại!! Chỗ ấy có tổ con giải đấy!”
“Này cái đĩ Té! Làm gì có ai đi về chỗ tổ giải mà mày la hét lên thế, mắt mờ à.” Nhà chị Rạ vẫn tỏ ra hậm hực.
Té nhìn bàn chân ông Vịt còn buộc vải, hỏi: “Chân bác dẫm mảnh sành khỏi chưa mà đã lội bùn?”
Ông Vịt gắt gỏng: “Không phải chuyện của mày!”.
“Mặt bác đỏ thế, như là bị cảm sốt”
“Mẹ cha mày! Ám ông à. Ông phang cho cái đòn gánh nhừ đòn”
Người làng gánh hến về hối hả như sợ cơn gió từ dưới sông thổi lên giằng mất của giời ban. Té nhìn về phía sông. Không một bóng người. Nhưng sao nước sông hôm nay đỏ như máu? Té dụi mắt. Không thể nhầm như nãy mà nước sông đỏ thật. Có lẽ do con giải thấy đông người, hoảng.
“Mày là cái đĩ cũng đua đòi học chữ, không khéo vài tuổi nữa bị giời phạt thông manh như bà cụ Lạt. Vô phúc!” Ông Vịt vừa xúc hến vào xảo vừa nhiếc Té.
Ông Vịt xúc xiểm quá đáng, Té muốn vằng lại. Cha dậy, đừng nghĩ xấu cho người khác, đừng cố chấp lòng mình khắc yên. Té nén lòng
Bà cụ Lạt ngày còn con gái đẹp người đẹp nết nhưng phải cái tội thích hóng chuyện người lớn bàn việc binh tình nhà vua, chuyện triều đình. Người lớn mắng, mày hóng được chuyện gì mà đi kể cho thiên hạ biết sẽ mù mắt. Không biết bà Lạt có kể những điều tai nghe mắt thấy cho ai mà mắt bà dần dần chuyển màu trắng đục như nước hến luộc, nước mắt lúc nào cũng ri rỉ chảy thành giọt đặc keo như nhựa chuối, con ngươi chỉ còn một chấm đen bằng hạt đỗ, mỗi khi ngước nhìn lên chấm đen muốn lộn ngược vào trong. Nhiều lần Té hỏi cha về mắt bà cụ Lạt. Cha nói, mắt bà ấy bị lông quặm lâu ngày.
Cha không cho Té theo đòi bút nghiên. Mỗi khi bắt gặp Té nấp sau cánh cửa học lỏm, cha không đánh mắng nhưng khóe mắt cha ngân ngấn nước. Té hỏi, “Con học chữ thế giời có phạt không?” “Không phải trời phạt mà đàn bà con gái học chữ sẽ phải lo nghĩ nhiều, không đảm đương được việc nhà nên khổ”. Cha lại nói: “Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”.
Tại khi nãy nắng chói lòa, Té hoa mắt nhìn nhầm. Bây giờ, mặt trời lại trốn mất để cho làn gió thổi thênh thênh trên bờ đê, mát rượi. Té tha thẩn, chưa muốn về. Làn gió mát của mùa thu như chiếc phất trần phủi sạch những vẩn u ám trong lòng Té.
“Ối giời ơi! Ới ông ơi là ông!” Tiếng khóc hời dưới bãi sông bỗng bung ra như một tia sét giữa lúc trời quang mây tạnh, báo hiệu cơn dông sắp ập tới.
“Ối cha ơi!” Chị Rạ chạy theo vật vã vò đầu bứt tóc, gào khóc.
Tiếng khóc sót xa. Nắng lại đổ trùm xuống sông Vận nhưng buốt giá.
Mấy thanh niên khênh ông Vịt cuống cuồng chạy về làng. Người ông Vịt co giật, bọt trắng sàu đầy miệng như nắm bông. Bà Vịt cùng chị Rạ chạy theo, ngã lên ngã xuống. Té hoảng, chạy không kịp thở một mạch về nhà. Nhà trống vắng. Tiếng gào khóc của mẹ con bà Vịt theo về, quanh quất đâu đó ngoài vườn, trong bếp, có khi ngay cạnh Té. Té sót ông Vịt, ngồi gục xuống hiên nhà nức nở khóc. Cha về? Hình ảnh của cha mờ mờ như sương khói ngoài cổng. Thực là cha hay lại như khi nãy nhìn ra sông Vận. Té ôm gối co quắp như con cuống chiếu, hoảng sợ.
“Con Té dỗi cha à?” Cha hỏi, giọng nặng buồn.
Té ngẩng lên. Đúng là cha. Té nói trong tiếng nấc “Không. Tại con nhìn nhà bác Vịt thấy sót quá.”
Cha quay đi giấu giọt nước mắt, buông tiếng thở dài: “Nhà ông Vịt chết rồi. Rõ khổ, chết như lên cơn chó dại cắn” – Cha buông câu não nề như rút từ lòng mình ra: “Khổ kép rồi đây!”
“Sao thế cha?” Té nhìn vào ánh mắt bất lực của cha, hỏi.
“Xuống nhà ngang ăn cơm, con. Cha với u con ăn rồi”
Cha không trả lời thắc mắc của Té, lặng lẽ vào gian trong thay quần áo. Cha vác cuốc ra vườn. Giữa trưa cha làm vườn. Có lần đêm tối cha cũng làm vườn. Những lúc như thế là trong lòng cha có điều bất an. Khổ kép là khổ gì, Té nghĩ không ra.
*
Không gọi cổng, không đánh tiếng xã trưởng nhon nhón đi vào như rình rập làm việc xấu, đôi mắt láo liên ngó trước nhìn sau. Chưa vào trong nhà xã trưởng đã than: “Đói rồi, đói to rồi ông xứ ơi!”
Nhìn dáng đi cum cúp như chó cụp đuôi của ông ta Té hậm hực:
“Mời ông xã vào nhà. Chờ tôi một lát.” Cha luống cuống vội vào buồng mặc quần áo. Chỉ khi dậy học trò hoặc có khách và khi ra khỏi cổng ông xứ Hợi mới quần áo nghiêm chỉnh. Khi chỉ có người nhà, ông mình trần, đóng khố để tiết kiệm.
“Vẽ. Tôi với ông người làng với nhau sao phải giữ ý”
Té vào theo, rót nước vối từ tích ra bát mời xã trưởng “Cháu mời ông xã trưởng xơi nước! Đói là sao, ông ơi?”
“Mày cứ ru rú ở nhà biết gì! Ra cổng ngóng chừng có người lạ vào. Mau!”
Không dễ gì có thể sai khiến Té làm việc không minh bạch. Té đứng lì ngay cạnh xã trưởng như thách thức câu sai khiến của ông ấy và cũng muốn nghe ngóng có chuyện gì mà ông xã than đói.
Cha mặc áo the, khăn xếp theo đúng lễ nghi tiếp nhà chức trách.
Xã trưởng vội nói, tiếng to tiếng nhỏ: “Nguy rồi ông xứ! Kinh thành bị giặc chiếm rồi, nhà vua bỏ chạy, có khi bị chết hay bị bắt rồi cũng nên.”
“Ông là mệnh quan của triều đình, việc an nguy của nước sao lại nói với lê dân chúng tôi.”
“Đèn sách mà thờ ơ với thời cuộc vậy ư ông xứ. Thế, ông dậy trò những gì?”
“Tôi dậy trò là dậy cái đạo làm người, dậy cái đức để học trò thực hành cái đạo ấy chứ không dậy trò những thói đời xấu. Nói thực với ông xã, triều đình đến lúc mạt rồi, họa giặc giã, đói kém khó tránh lắm. Sông Vận báo rồi ông xã ạ.”
“Ông có bé cái miệng lại không, muốn tru di ba đời à! Xã mình có mấy nhà chết đói rồi đấy mà ông cứ thờ ơ. Hay ông muốn rước voi giầy mồ!”
“Ông là người ăn lộc của triều đình để dân đói là có tội.” Ông xứ Hợi trầm giọng, đau đớn: “Nhưng nếu để kẻ cướp vào nhà thì nhục lắm!”
“Đói là do giặc về bắt tôi phải nộp thóc lúa cho chúng chứ sao tại tôi. Con Té, mày có ra ngoài canh cổng khổng hả! Hóng chuyện rồi lại thông manh như nhà bà Lạt!”
Té ra cổng. Vừa nhắc tới bà cụ Lạt thì bà ấy xuất hiện. Thiêng thế. Bà cụ Lạt có mù không nhỉ? Tiếng lọc cọc của chiếc gậy chống nghe huyền bí. Té chăm chắm nhìn vào tấm khăn che mắt của bà.
“Cái đĩ Té nhìn gì tao thế hử?”
Té đang đứng nép vào cổng, không gây tiếng động gì mà bà cụ Lạt cũng thấy là sao. Bà đâu có mù.
“Mày có ngửi thấy mùi tanh không?”
“Mùi gì ạ?”
“Mùi tanh, tanh lắm, tanh như xác chết. Rồi cả làng này chết hết cháu ạ.” – Giọng bà cụ Lạt hăng hắc như tiếng ho của gà bị cúm.
Bà cụ có gở mồm không mà nói ghê thế. Đói thì Té chưa biết bởi mấy tháng nay cha không cho ra khỏi cổng. Cha buồn, Té cũng không muốn đi đâu. Học trò không thấy đến học. Tanh! Một luồng gió thốc từ phía ao đình về mang theo mùi tanh khủng khiếp. Mùi tanh của hến chết. Nhà nào cũng gánh lớn gánh nhỏ hến, ăn không hết đem đổ xuống ao, thế thì sao không tanh. Nhà bác Mạc hàng xóm còn bó giò hến mang sang cho. Nghĩ tới cái tanh và nhớt của miếng giò hến bư bứ cổ họng, Té ôm ngực nôn khan.
*
“Lũ quỷ đói làm gì thế kia!” U chỉ tay về phía nghĩa địa gào thất thanh. Một đám người túm tụm, tranh giành nhau cái gì Té không nhìn rõ.
Có tiếng khào khào như tiếng mèo cất lên sau gốc cây bên đường “Lũ con đói tranh ăn thịt cha nó đấy. Đằng nào ông ấy cũng tắt thở rồi.”
Tự dưng trời bịt mắt Té lại, tối như bưng. Cổ họng có cục bông nút chặt không thở được. Té hoảng, ù té chạy. Chạy không nổi. Chân có người lôi lại, cổ bị kẹp cứng. Té vùng vẫy cố bươn lên vì đang bị lút trong vũng bùn đông cứng. Rồi bỗng dưng Té rùng mình, ngứa râm ran khắp mặt. Hoàn hồn. Té nhận ra mình lao vào bụi tre rong trước cổng nhà.
“Khiếp, con chạy như bị ma nhập, u theo không nổi.”
Té ôm ngực thở hổn hển “Hãi quá u ạ!” Té thắc mắc “Nhiều người chết đói thế!”
“Vào nhà đi đã”. Người nhà ra đóng cổng. U xuống giọng, thì thầm “Chả hiểu sao xã trưởng dẫn lính về làng vơ vét không còn một hạt thóc, cả lúa non ngoài đồng cũng không từ thế mà nhà mình không bị đụng tới nên không bị đói. Này u dặn lại, có ai hỏi thì bảo cha đi thăm người nhà mãi mạn ngược, nhớ chưa!”
Cha đi việc gì tới nửa năm chưa thấy về. Té lo. Đói thì không sợ nhưng giặc giã chẳng biết trước mà lường. Trời xẩm tối, nền trời như màu nước hến. Ngọn gió lạnh treo trên đầu bờ tre rên rỉ não lòng. Tiếng gại cổng xồn xột như chó cào. Té nín thở, lò dò ra mở cổng. Té hoảng hồn quay bỏ chạy. Đâm sầm vào gốc mít khiến Té trấn tĩnh lại. Thở dốc. Nhìn ra cổng. Ai hay con gì nằm dài trước cổng? Là con người rồi bởi có cánh tay vời về phía Té cầu cứu. Té quáng quàng gọi u, gọi người làm.
Là nhà chị Rạ. Mọi người khênh chị vào nhà. Chị Rạ nằm oặt, mồm ngáp ngáp vì đói. Nếu không được ăn chắc không sống tới sáng mai. Té giục mọi người lấy cơm. U ngăn lại, giục người làm “Nấu bát cháo, loãng thôi, giờ ăn cơm tắc ruột mà chết à.” U dặn thêm “Từ mai, sáng và chiều nấu nồi cháo mang ra cổng cho người đói ăn đỡ, nhà mình cũng không còn nhiều thóc.”
Mấy tháng đói, nhà chị Rạ tám người chỉ còn sống mình chị. Té thấy thương, bảo u “Để chị Rạ ở lại làm cho nhà mình.”
U cố giấu vẻ khó chịu “Nhà ấy …, làng này có ai ưa đâu.”
“Nhưng để chị ấy đi con thấy ang ác thế nào.”
Những lần dạy học trò chữ đức và chữ phúc cha nói, cát hung họa phúc của con người có liên quan chặt chẽ với đức, có đức là phúc, không có đức chính là họa, đây chính là “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”, ý rằng trời không thiên vị, nhưng thường giúp đỡ những người hành thiện. Nhà bà cụ Lạt được người làng khen là người lành, sao ông trời bắt bà mù lòa nhưng lại cho bà bòn mót được miếng ăn qua ngày đói kém. Còn nhà chị Rạ dân làng không ai ưa, trời cho toàn người khỏe mạnh lại không kiếm nổi miếng ăn. Ý trời thế nào?
*
Nạn đói cũng qua. Nhiều nhà không còn ai.
U bảo chị Rạ: “Đói qua rồi. Về nhà đi. Bới ruộng vườn cũng đủ ăn.”
“Cháu chỉ có một mình, về nhà hoang vắng lắm.”
Chị Rạ vừa nói vừa liếc nhanh về phía nhà dưới. Ánh mắt chị vương buồn. Chị lưu luyến cái gì, vấn vương với ai, Té đã mười tuổi, đủ nhậy cảm để nhận thấy ẩn ý trong ánh mắt chị Rạ. Chị hai mươi, được ăn no, mặc tươm tất đẹp hẳn ra. Chị hay quanh quẩn dưới nhà ngang, nơi có vài học trò được cha nhận nuôi từ bé.
Té thương cảm, nài nỉ u: “U! Để chị ở lại đi, nhà mình rộng lại ít người.”
U kéo Té ra chỗ khuất, nhìn xung quanh coi chừng rồi ghé tai Té thì thào: “Tối nay nhà mình có việc, con làm sao giữ chị Rạ ở nhà trên, đừng để chị ấy xuống nhà ngang. Việc quan trọng, u dặn con phải nhớ.” Chưa bao giờ Té thấy u cẩn thận thế.
Tối, Té mang một bị đầy quần áo sứt sẹo nhờ chị Rạ vá. Chị từ chối, hẹn mai làm. Té hậm hực nói dỗi, chị đành phải nhận lời. Nhưng vừa khâu mắt chị vừa nhấp nhểnh nhìn ra trời đêm.
Té thấy chị tỏ vẻ sốt ruột, hỏi: “Chị có việc gì à?”
Nghe Té hỏi, chị Rạ mở lòng: “Cho chị đi chơi một lúc nhé! Anh Bê hẹn chị.”
Té không ngạc nhiên bởi đã thấy hai người có tình ý với nhau từ lâu. Anh Bê vừa là bà con xa vừa là học trò, cha giữ lại trong nhà để dậy bảo thêm. Chị Rạ cũng xinh, hai người vừa đôi phải lứa, nghĩ vậy Té đồng ý luôn. Tính tò mò con trẻ, chị Rạ vừa đi ra Té theo sau rình.
Gần tới cổng, cả Té và chị Rạ đi phía trước đều giật mình ngồi thụp xuống, nấp. Có người mở cổng lén vào. Cha! Té muốn hét lên gọi cha nhưng không thể. Bất chợt gặp cha trong hoàn cảnh này khiến Té bàng hoàng, lặng người.
Cha đi vội xuống nhà ngang. Chỉ một lát, cha cùng mấy học trò trong đó có anh Bê vội vàng đi.
Té đã tĩnh tâm, chạy theo kéo tay cha: “Cha! Cha đi đâu?”
Cha nhìn u có phần trách để con trẻ biết. Cha an ủi: “Cha đi việc nước. Quan trọng lắm. Đừng cho ai biết, nghe chưa!”
“Cha làm việc gì?”
“Cha theo minh chúa làm việc nghĩa. Đừng lo cho cha.”
Cha nói vậy, Té buông tay để cha đi. Té cố nín khóc, nhìn đoàn người lặn vào bóng đêm. Chị Rạ bí mật chạy theo.
Việc để chị Rạ biết cha về liệu u có bằng lòng? Té lo lắng, ngồi ngoài hiên ngóng chị Rạ về. Té ngủ thiếp đi lúc nào, chỉ đến lúc có tiếng quát tháo om xòm ngoài cổng mới tỉnh dậy. Trời tang tảng sáng.
Lũ lính đạp cổng xông vào. Đứa nào cũng tay đao, tay giáo chạy bủa khắp nhà lục lọi, tìm kiếm. Té hoảng sợ chạy vào trong nhà trốn. Gặp chị Rạ đi ra, Té níu lại: “Chị! Sao thế chị!?”
Lũ lính dồn hết người nhà ra đứng giữa sân. Té sợ, run rẩy, đứng không vững. Bọn lính quát “Đứa nào ngồi xuống sẽ xiên cho một giáo!” Chị Rạ phải ôm xốc Té đứng dậy.
Chị cố tỏ ra bình tĩnh, động viên Té: “Nín, nín ngay! Đừng sợ.”
Té không thể bình tĩnh được khi thấy u bị hai tên lính xốc nách lôi từ nhà dưới lên. U không đi nổi, mặt bê bất máu, quần áo bị xé rách tả tơi. Té lao tới ôm chầm lấy u, gào lên đau đớn: “U ơi!”
U nhìn Té, miệng mấp máy nói không lên tiếng. Một tên lính lấy mũi giáo chọc vào người Té đẩy ra: “Mày muốn chết phải không!”
Xã trưởng xuất hiện, lấy tay gạt mũi giáo, mắng tên lính: “Đừng có hỗn! Cả hai thằng kia nữa” Xã trưởng chỉ tay vào hai tên lính đang khóa tay u: “Buông bà ấy ra! Đây là vợ con ông xứ, một gia đình đáng kính không chỉ của làng này mà của cả xứ Đông, rõ chửa.”
Hai tên lính buông tay, u đứng không nổi. Té nhào lại đỡ u ngồi xuống. U ngồi không vững, phải dựa vào Té. Xã trưởng ngồi xuống cạnh, nhìn chằm chằm vào hai u con. Căm tức dồn lên tức ngực, Té cố nén chịu. Hắn trước kia làm việc cho triều đình lúc nào lưng cũng lom khom như người còng, bây giờ làm việc cho giặc, không biết lên chức quan gì mà kiếm gắt bên hông, hễ to tiếng với ai là rút ra lăm le muốn chém người.
Hắn tỏ ra mềm mỏng, bợ đỡ như khi xưa với u: “Hai u con không biết vật đổi sao rời đã đành, còn ông xứ người mang tiếng có nhiều chữ mà cũng không nhận ra thì thật đáng trách. U con nhà bà có biết vì sao thiên hạ chết đói đầy đường còn gia đình không những không bị đói mà còn dư dả nuôi người làm trong nhà?”
U quay đi không thèm nhìn hắn. Còn Té, nhìn căng vào đôi mắt có những cục đỏ như máu cá của hắn. Đôi mắt đỏ sọng ấy bây giờ Té mới nhìn ra hay trước đây không để ý. Đôi mắt như mắt trâu lồng, như đôi mắt chó dại cắn càn, như mắt chuột rình ăn đêm. Hắn nói gầm gừ như chó chực xồ ra cắn người, như con chuột lúc rúc chạy ngang qua cửa, như con trâu phì mũi vặc sừng húc bờ.
Ánh mắt căm giận của Té khiến xã trưởng phải né tránh, nói gượng. “Con gái học nhiều chữ vào để rồi hỗn. Để ta nói chuyện với u mày.”. Hai bên mép sàu bọt trắng, hắn nói tiếp: “Là do tôi có lời nên quan quân mới để cho gia đình yên ổn. Họ về đây nghe danh ông xứ nên phục, muốn mời ông ấy ra làm việc.” Hắn uốn giọng ngon ngọt: “Nghe tôi, cái chức của tôi bây giờ sẽ chả là gì nếu ông ấy trở về quy thuận. Còn bây giờ, ông ấy theo một nhúm người cầu bơ cầu bất ấy thì làm được gì, chống sao nổi trời.”
U gạt Té ra, căm thù nhìn hắn. Giọng u đanh lại: “Tôi không biết lũ ngoại bang cho ông làm chức gì nhưng cái chức bán nước cầu vinh ấy thì tôi thà chết còn hơn!”
Nhẫn nhịn, mềm mỏng không phải là bản tính của xã trưởng. U nói vậy, hắn đứng bật dậy tuốt kiếm chỉ vào hai u con, quát lớn: “Thằng xứ Hợi ở đâu? Nói! Không tao cho lính phá nát nhà, tống hai đứa chúng mày vào ngục!”
U vẫn giữ được bình tĩnh: “Ông ấy bỏ nhà đi biệt tăm, đâu có nói cho nhà câu nào.”
“Ngoan cố!” Hắn quay ra đám lính, ra lệnh: “Dẫn thằng Bê vào!”
Anh Bê bị đánh bầm dập không ra hình hài con người, cánh tay trái bị chặt đứt, máu tuôn xối xả.
Xã trưởng dùng mũi kiếm dí vào cổ anh Bê, gằn giọng đe: “Giỏi lắm, chỗ tổ giải nguy hiểm thế mà chúng mày cũng qua được. Còn thằng xứ Hợi trốn ở đâu?”
“Làm việc chính nghĩa thì đến con giải cũng kiềng nể. Còn ông, có dám lội xuống tổ giải không!”
“Mày thách tao hả. Nói! Không nói lưỡi kiếm này sẽ xuyên qua họng mày.”
Chị Rạ vội chạy lại van xin: “Con xin quan! Bẩm quan, anh ấy chỉ là người ở, không liên can gì tới việc ông xứ làm, quan lớn xoi sét, làm ơn làm phúc!”.
“Lính! Hành quyết!” Xã trưởng ra lệnh.
Chị Rạ quỳ xuống ôm chân xã trưởng kêu gào. Không biết chị Rạ nói gì quan quân liền kéo nhau đi, lôi theo cả anh Bê. Chị Rạ chạy theo.
*
Mười năm sau, Té tròn hai mươi tuổi. U mất, người làm không còn ai, nhà chỉ có hai chị em. Em tên Giải, mười tuổi. U có chửa em từ những ngày bí mật gặp cha ở khúc sông có tổ con giải nên đặt tên là Giải. Sau cái đận hai u con bị xã trưởng tra khảo là không còn nhận được tin tức gì về cha và cả anh Bê cùng chị Rạ cũng không biết đi đâu. Năm năm sau, có người giữa đêm tìm đến kể lại: cha bị bắt ngay sau khi xã trưởng cùng lính dẫn anh Bê và chị Rạ đi. Lính ập tới nhanh quá cha không kịp xuống sông. Cha bị đi đày, sau vượt ngục cùng mấy chục người khác. Mắt cha kém chạy không kịp bị lính bắt, giết chết tại chỗ. U buồn, năm sau mất.
Giải hớn hở chạy về, gọi vang: “Chị ơi, ra đón quân khởi nghĩa về làng!”
Quân khởi nghĩa chính là quân của minh chúa mà cha dốc lòng phụng sự đã đánh đuổi kẻ thù ra khỏi bờ cõi. Phải ra đón, biết đâu sẽ gặp lại được anh Bê, chị Rạ, cả những học trò cũng đi theo con đường của cha.
Anh Bê, chị Rạ kia?! Té chững lại. Có thật không? Dạo này mắt Té bị quáng nhiều hơn. Đúng là anh chị thật rồi, Té nhìn rõ lắm. Anh Bê ngồi trên lưng ngựa, tuy chỉ còn một cánh tay nhưng vẫn toát lên vẻ oai phong của một vị tướng. Chị Rạ ngồi võng theo sau. Té dùng dằng, không biết có nên chạy lại chào.
Đoàn binh tiến thẳng về đình. Người ở đâu dồn về đông nghịt, đứng lấp kín cánh đồng Đỗ.
Té nghẹn lòng. Cha còn sống tới ngày này Té sẽ hãnh diện lắm, sẽ đứng giữa cửa đình cùng cha, chỗ anh Bê đang đứng kia. Té cố chen lên trên cùng, gần sát với anh Bê. Anh đứng trên bục gỗ cao. Té mong ánh mắt anh Bê sẽ nhìn mình để được hãnh diện thay cha vì có được một học trò như anh. Nhưng anh ấy bây giờ là dành cho toàn thể dân chúng trong vùng, đúng vị thế người cầm quân.
Anh Bê cao giọng: “Bớ toàn thể con dân! Ngày khải hoàn đã đến. Ân đức của minh chúa đã cảm hóa được trời đất ban cho phước lành, không chỉ có con dân xứ ta mà toàn thể con dân khắp bờ cõi này. Từ nay sẽ không phải chịu khổ đau, không còn đói kém, từ nay sẽ không còn người ăn không hết, kẻ lần không ra…”
Tiếng reo hò, tiếng trống hội hưởng ứng lời anh Bê ầm vang như tiếng sấm trong cơn dông.
Giải hớt hải chen đám đông chạy tới kéo tay chị: “Chị về ngay, quân lính đến nhà mình đông lắm, có cả nữ tướng nữa.”
“Có phải là chị Rạ?”
“Em không biết!”
Té vừa mừng vừa thấy buồn vì nhớ cha mẹ. Lẽ ra ngày này là ngày vui đoàn viên của gia đình. Té muốn chạy thật nhanh về nhà nhưng sao chân nặng như đeo đá không chạy nổi, hơi thở dồn dập, không khác gì lần gặp người đói ăn thịt nhau.
“Lính! Trói con Té mang vào đây!”
Tiếng quát gì thế? Rồi Té thấy mình bị gì chặt, người ta quấn dây thừng quanh người, thít chặt. Sao thế này! Chị Rạ ơi cứu em, Té muốn gọi nhưng không thể. Rồi Té bị ném mạnh xuống nền đất, toàn thân đau điếng. Té cố đứng lên nhưng không được vì chân tay bị trói cứng.
“Dựng nó lên!”
Sau tiếng ra lệnh, Té thấy mình bị dựng đứng lên. Té đứng không vững.
“Nhìn tao đây!”
Té mở mắt nhìn vào người ra lệnh. Té thốt lên ngạc nhiên: “Chị Rạ! Chị làm gì em thế này?”
“Mày biết tội chưa?”
“Chị ơi, chị nói gì thế?”
“Không chị em gì với mày. U con mày tội lớn lắm, giờ phải gánh chịu hậu quả. Biết tội chưa!”
“Dạ! Chị, à quan lớn nói gì tôi không hiểu” Té đã bình tâm, hỏi lại.
“Đúng là ương ngạnh có nòi. Chỉ vì u mày lén lút gặp thầy mày nên mới bị lộ chỗ ẩn nấp, vì thế tổng binh mới bị mất một cánh tay”
“Không phải, sao chị tráo trở thế. Tại chị lén lút đi theo anh Bê nên mới bị lộ, cũng chính chị là người chỉ chỗ nấp của thầy tôi”
“Con ranh, ai làm chứng lời mày nói! Lính! Đánh cho con này nhừ đòn vì cái tội vu khống.” “Con nhà vô phúc, ngần này tuổi ở làng này có đứa nào chưa chồng như mày không”
“U tôi mất rồi, không thì chị đừng có hòng đổ tội. U ơi!”
Té nhìn quanh tìm em. Thằng Giải nằm lả trên bậc hè kia rồi. Nó đói quá. Dưới đít nó dòng nước xanh lét nhểu xuống. Hai hôm nay hết gạo, chị em phải ăn rau lang nấu với hến. Có lẽ thằng Giải bị lạnh bụng. Chị ta nói sai rồi, Té dành hết tình thương cho thằng Giải, mong nó lớn khôn thay cha gánh vác việc gia đình.
Mấy hôm nay hến về sông Vận nhiều. Đói. Hai chị em mải gãi hến chẳng nhớ lời cha, hến về sông Vận nhiều là đói. Thầy u sống khôn thác thiêng phù hộ chúng con đừng để chết đói.
Trước mắt Té xuất hiện những vòng ánh sáng quay tít mù như chong chóng, mồ hôi đổ tràn xuống mặt. Sót tê mắt. Có tiếng gậy lọc cọc huyền bí đến gần. Bà cụ Lạt đấy. Té mong bà đến, phán xem Té qua cái nạn này thế nào. Giải đâu? Té muốn đưa tay lên dụi mắt nhưng không thể. Nó kia rồi, mỏng như chiếc lá khô. Té hét lên:
– Giải ơi, ra chỗ khác nằm, nhỡ gạch rơi vào thì sao! Đừng phá nhà em chị Rạ ơi!
Tiếng lọc cọc của gậy chống gõ xuống mặt đường dừng lại ngay sau lưng Té. Bà cụ Lạt chết lâu rồi cơ mà. Trong phúc có họa. Ngày xưa cha dạy, họa là chỗ dựa của phúc, phúc là nơi ẩn náu của họa, vạn vật thay đổi khó lường, phải bình tĩnh trước mọi sự đời mới là cách hành xử đúng. Ai đấy gọi anh Bê hộ tôi! Anh ấy còn nhớ những bài dậy của cha, anh ấy sẽ không bức hại chị em Té đâu.
Nguyễn Quốc Hùng
Tin cùng chuyên mục:
Kỷ niệm 01 năm sinh nhật Đường Văn
Đẻ rơi – Truyện ngắn của Lê Ngọc Minh
Giữa mù sương – Truyện ngắn của Đoàn Hữu Nam
Mặt nạ – Truyện ngắn của Đinh Ngọc Lâm