Sinh tồn – Truyện ngắn của Nguyễn Thu Hằng

Mây hé mắt, chấp chới bởi ánh nắng. Hơi ấm của nắng đang lan tỏa trên cơ thể xua đi cái lạnh của nước thấm trong da thịt Mây. Cô không biết mình đang ở đâu, đang tỉnh hay mơ. Nhưng bầu trời xanh và nắng vàng kia là cõi thực. Cô biết mình còn sống. Ký ức đầu tiên trở về bên cô là âm thanh huyên náo, tiếng kêu la, tiếng sóng nước òa ọp choàng lấy người, vấn víu giằng co như đang cố kéo cô xuống một vực sâu thăm thẳm. Trong cơn vùng vẫy, chới với, tay Mây chạm vào vật gì đó. Cô đã dùng tất cả nguồn sức mạnh còn lại bám víu vào. Cô thấy cơ thể mình từ từ được nâng lên, dập dềnh trôi vào miền hư ảo cùng với thanh âm văng vẳng “Mẹ ra biển nhớ mang về cho con những con sò biết hát nhé!” … Giờ đây Mây đang cảm nhận được hơi thở cuộc sống, hình ảnh cô con gái bé bỏng đáng yêu đang chờ mình. Trước mắt cô, biển xanh mênh mông không thấy bến bờ, những con sóng dập dìu theo gió rong chơi. Biển yên bình quá.

Mây đang trong chuyến du lịch cùng công ty. Khi ấy là buổi sáng, cô cùng mấy anh chị em ra biển ngắm bình minh. Biển buổi sáng có sức hút mê hồn. Bình minh rực rỡ, biển trời hòa làm một. Xa xa nhấp nhô những ngọn núi như những viên ngọc lấp lánh trên mặt biển. Ước muốn khám phá xâm chiếm những tâm hồn rong ruổi. Một chiếc xuồng máy đã đáp ứng ước muốn đó. Nhóm của Mây có bảy người, ngoài ra trên xuồng còn có vài du khách khác, toàn là những người trẻ. Con xuồng lướt nhanh ra khơi. Du khách mê mẩn ngắm cảnh đẹp biển trời. Và họ đã được thỏa mãn sự hiếu kỳ khi đến gần những ngọn núi trên biển. Đó là một vịnh biển nhỏ được tạo bởi những ngọn núi nối nhau thành vòng cung. Một vẻ đẹp kỳ vĩ. Mấy chị em Mây mải mê vui cười, check-in, không hề biết đến mối hiểm nguy sắp ập xuống. Một tiếng va chạm rất mạnh, chưa ai kịp định hình điều gì xảy ra thì họ đã ngã nhào xuống sàn con xuồng, chiếc điện thoại trong tay Mây văng xuống biển. Trong tích tắc Mây thấy mình chìm xuống nước…

Mây chợt nhói lòng, những du khách trên xuồng, mấy đồng nghiệp của cô ra sao? Có ai dạt đến nơi này như cô? Đây có lẽ là một hoang đảo, vì sau lưng cô nhấp nhô đồi đất, cây cối ngút ngát, um tùm. Mây gắng sức lê phần thân người phía dưới còn dầm dưới nước lên bờ. Toàn thân Mây như không còn thuộc về mình, tê dại. Mây lê bước đến bên một gò cao. Cô cởi chiếc áo nắng, cởi bỏ chiếc váy maxi và quần áo lót hong trên bờ đá. Cơn đói cồn cào kéo đến. Mây nghĩ, phải đi kiếm thứ ăn không thì chết đói trước khi được cứu. Từ trên gò cao nhìn xuống mắt cô chạm phải một thứ gì đó nhô trên bờ cát xa xa. Đầu Mây lóe lên suy nghĩ, có thể là đồng nghiệp của cô. Cơn đói như lắng xuống nhường chỗ cho ý muốn tìm kiếm người thân. Mây mặc áo nắng, lê bước về phía có thứ cô phát hiện ra. Đó đúng là một người đang nằm úp mặt sõng soài trên bờ cát, chiếc áo phao còn khoác trên lưng. Bàn tay Mây run run chạm lên vai người đó, cơ thể vẫn ấm, có lẽ cũng như Mây chỉ bị lả đi vì mệt. Mây lật người đó lên. Một người đàn ông, không phải người trong nhóm của Mây, còn trẻ, đôi mắt nhắm nghiền trên khuôn mặt trắng bợt bạt. Tay cậu ta động đậy. Cô vui sướng, vỗ vỗ nhẹ vào mặt, lay vai đánh thức cậu. Đôi mắt cậu hé mở, đờ đẫn nhìn Mây một hồi, rồi mấp máy môi. Mây ghé sát. Cậu ta thì thào:

– Tôi đang ở đâu?

– Tôi không biết, có lẽ là một hoang đảo. Cậu cũng ở trên chiếc xuồng máy gặp nạn khi sáng? Chúng ta đã may mắn sống sót dạt vào đây. Mây nói giọng đầy hứng khởi để vực lại tinh thần cậu ta.

– Những người khác đâu? – Cậu ta vẫn thì thào.

– Hiện tại chỉ có tôi với cậu.

– Các bạn tôi… Cậu ta từ từ khép đôi mắt lả đi.

– Cậu tỉnh dậy đi, không được đầu hàng, chúng ta phải sống để về nhà, người thân của chúng ta đang mong đợi. – Mây lay mạnh người cậu ta.

Có lẽ hai tiếng người thân đã thức tỉnh cậu. Cậu ta mở mắt, miệng thì thầm:

– Mẹ ơi!

– Nào! Giờ cậu gắng ngồi dậy, hong khô quần áo và người không cảm đấy. – Mây nói như ra lệnh, hai tay sốc nách cậu ta dựa vào mình rồi cởi bỏ chiếc áo phao còn mắc trên vai cậu. Tôi tên Mây, ba hai tuổi, đã có gia đình, Còn cậu?

– Em … Dũng, hai lăm tuổi, ở với mẹ …, nói đến mẹ giọng cậu nghẹn lại như chực khóc.

– Tôi đi kiếm thứ gì đó ăn đã thì mới sống tiếp được. Đừng đi đâu cho đến khi tôi quay lại.

Những câu nói dứt khoát và thái độ hăng hái mưu cầu sống của Mây khiến tinh thần cậu trai có nơi bấu víu. Hiện tại, với sức lực gần như cạn kiệt, đôi mắt cận 5 – 7 độ cậu cũng không biết làm gì hơn là ngồi tại chỗ đợi Mây. Chờ Mây đi khỏi, cậu cởi bỏ quần áo hong lên bờ đá. Cậu tìm thấy trong túi hậu chiếc quần sooc có cúc đóng chiếc ví da, bật lửa ga, tối qua mang theo đốt lửa trại và mấy chiếc kẹo sâm, trước khi đi mẹ đưa cho bảo lên xe ngậm cho đỡ mệt. Nhưng giữa đảo hoang và trong cơn đói lả này, chiếc thẻ ngân hàng và mấy triệu tiền polymer mới coong không làm cậu phấn khích bằng mấy chiếc kẹo sâm. Cậu vội bóc một cái cho vào mồm nhai ngấu nghiến. Dù ước được xơi hết chỗ kẹo, nhưng cậu cố kìm lòng để lại ba chiếc cho chị gái ân nhân của mình.

Mặt trời đã lên cao quá đỉnh đầu, ánh nắng lấp lánh trên tán cây. Rừng cây rậm rạp, chim chóc rộn ràng. Vừa trải qua thời khắc sinh tử, giờ đây còn sống giữa đất trời, trong suy nghĩ của Mây chứa đầy hy vọng. Rừng là mái nhà của muôn loài, nuôi sống muôn loài nên ta cũng có thể sống nhờ rừng. Mây len lỏi qua những bụi cây tìm kiếm thứ quả gì đó có thể ăn được.

Khi những trái rừng đã lưng lửng bụng, cả hai túi chiếc áo nắng cũng nhét đầy. Mây vội bước trở lại con đường đã được trải những bông hoa dại đánh dấu.

Dũng trông linh lợi hơn trong bộ đồ khô ráo, có lẽ cũng nhờ mấy cái kẹo sâm. Dáng người thanh tú, nước da trắng, cậu ta có vẻ của người ít vận động.

Mây lấy ra những quả rừng. Dũng còn dè chừng.

– Tôi đã ăn lo bụng, không sao. Toàn những trái cây tự nhiên, ngon, bổ, sạch, không như những thứ quả chứa đầy hóa chất cậu ăn hàng ngày đâu.

Vì cơn đói vẫn réo trong bụng, Dũng cố nhón nhén từng quả, vị chát nghẹn tắc nơi cổ họng.

– Cậu gắng ăn cho đỡ đói, nơi rừng hoang này chỉ có vậy thôi.

Dũng lấy mấy chiếc kẹo đưa cho Mây. Mây ăn một cái, cô chưa từng ăn kẹo ngon như thế. Cô đưa lại hai cái kẹo cho Dũng bảo để dành ăn khi thật đói.

Mặt trời đã ngả sau lưng. Hai người lặng lẽ nhìn ra biển như ngóng chờ điều gì đó. Biển mênh mông vời vợi.

– Giờ phải làm sao? – Dũng gắng thốt lên câu như đang cất giấu trong lòng.

– Phải làm sao nữa? Chỉ có hai khả năng. Thứ nhất, ngồi đây đợi phép màu, có đội cứu hộ đến. Thứ hai, không có ai tìm thì phải tự tìm cách sinh tồn và thoát khỏi đây.

– Nếu không có đội cứu hộ thì chúng ta chết ở đây mất. – Đầu Dũng gục xuống. Mẹ em sẽ sống sao đây?

– Cậu không nghĩ ra được điều gì tích cực hơn à? – Mây ném cho cậu ta cái nhìn tức tối. Muốn về với mẹ thì phải nghĩ làm sao để sống sót chứ không phải ngồi đây rên rỉ.

Dũng nhìn người phụ nữ không thân thích và đang thốt ra lời mắng nhiếc mình mà bỗng dâng lên sự oán ghét. Nhận ra thái độ đó, Mây hạ giọng, nhưng vẫn khẳng khái:

– Chúng ta đã sống sót, đó là phép màu. Vì vậy để tiếp tục sống ra khỏi đây, tôi với câu phải hợp tác, dựa vào nhau.

Dũng im lặng vẻ cam chịu.

– Bây giờ cậu ngồi đây đợi phép màu. Còn tôi đi tìm cách sinh tồn.

– Mắt em cận sao nhìn xa được để cầu cứu chứ?

– Mắt cậu đâu có mù!

Mây trở lại với cành cây dài, có ngọn lá lòe xòe.

– Cậu cứ ngồi đây, quan sát thấy có vật gì đáng ngờ thì vẫy cành cây như thế này.

Sau một hồi lăn lộn trong rừng với đôi bàn tay, bàn chân trầy xước và vài nốt vắt cắn vẫn đang chảy máu, Mây đã chuẩn bị một chỗ trú ẩn khá tươm tất. Đó là một hang đá nhỏ được vây xung quanh bởi cành cây. Nền hang trải lớp lá khô dày, trước cửa hang để đống củi, lá khô.

Mây trở lại với sự hồi hộp mong chờ phép màu, một chiếc thuyền cứu hộ đang chờ. Nhưng biển vẫn mênh mông, không một bóng thuyền, chỉ thấy dáng Dũng ủ rũ như cành lá trên tay cậu. Mây hoang mang. Cô quay lại đi về nơi hong đồ khi trước. Cô mặc bộ đồ đã khô bong. Dưới kia sóng biển rì rào. “Mẹ nhớ mang về cho con những con ốc biết hát nhé!”, lời cô con gái văng vẳng bên tai. Mây đi dọc bãi biển kiếm tìm. Cô nhặt được mấy cái vỏ ốc to có hoa văn, màu sắc rất đẹp. Cô đưa một con ốc áp vào tai. Thật ngạc nhiên, âm thanh rì rào, vi vu như tiếng sóng, tiếng gió biển, đó là tiếng hát của con ốc mà con gái cô muốn được nghe?

Mặt trời đã khuất hẳn phía rừng cây, hoàng hôn buông trên biển một màu nâu xám. Mây vội vã trở lại chỗ Dũng. Cậu ta vẫn ngồi như bất động.

– Muộn rồi, cậu theo tôi về nơi trú ẩn qua đêm. Sáng mai chúng ta lại ra chờ cứu hộ.

Hai người lầm lũi đi vào khu rừng u tịch, không ai nói với ai một lời.

– Đây là chỗ trú ẩn khá an toàn. Chỉ còn thiếu lửa. – Nói rồi Mây đưa cho Dũng hai viên đá – tôi với cậu thử cách này xem có ra lửa không!

Dũng lẳng lặng lấy trong túi chiếc bật lửa đưa cho Mây. Mắt cô sáng lên như mắt con thú trong đêm:

– Chúng ta sống rồi!

Một ánh lửa xanh lóe lên như niềm hy vọng của Mây. Bóng tối đã liếm dần những vạt sáng cuối cùng còn len lỏi trong rừng và hầm hè bao quanh ánh lửa bập bùng, những âm thanh rừng đêm nghe rờn rợn.

Dũng vẫn im lặng, thu mình nép sát phía góc hang, cái đói và nỗi sợ hãi làm cậu ta yếu lả như một một con mèo con. Mây cũng chẳng khá hơn, nhưng mưu cầu sinh tồn mãnh liệt tiếp thêm cho cô sự kiên cường. Mây ngồi sát đống lửa, gương mặt rạng rỡ hơn.

– Chị dập lửa đi, định gọi thú rừng đến à? – Dũng hét lên như không thể kìm hãm được nỗi sợ hãi nữa.

– Cậu thật là thiếu kỹ năng sống. Lửa là hắc tinh của thú hoang đấy. Muông thú rất sợ lửa. Nhưng lửa là sự sống của con người. Không những thế, khói có thể gọi cứu hộ. Cậu đến gần đây chờ tôi nướng chuối, (khi chiều Mây đã tìm thấy bụi chuối có buồng, quả nhỏ nhưng gần chín, Mây vặn cả buồng, bẻ theo mấy cây chuối non ăn lấy nước), hãy nhìn vào ánh lửa, cậu sẽ thấy có thêm sức mạnh.

Dũng bị thuyết phục bởi lời nói có cơ sở của Mây, cũng bởi cái lạnh đang xâm chiếm thân thể cậu, Dũng lân ra ngồi sát bên Mây. Hơi ấm nồng xua tan cái hoang lạnh của đêm rừng.

Miếng chuối nướng úa trong miệng, Dũng nghẹn ngào:

– Mẹ hàng ngày vất vả lo cho em những bữa ăn ngon. Vậy mà nhiều bữa em mải vui bạn bè không về, có bữa chê mặn, chê nhạt…

– Sau kiếp nạn này cậu sẽ là người con hiếu thảo hơn! – Mây vỗ về.

– Nhà chỉ có hai mẹ con. Bố em, một người có tiền tài danh vọng nhưng đào hoa, đã bỏ mẹ theo người phụ nữ trẻ. Em thương mẹ lắm … Dũng nấc từng tiếng.

– Tôi cũng có cô con gái nhỏ đang mong đợi mẹ … cả chồng tôi nữa, Mây nói, nhìn vào ánh lửa bập bùng, lòng cô dâng niềm thương cảm xót xa.

– Cậu áp lên tai, nghe thấy gì nào? – Mây lấy một vỏ ốc đưa cho Dũng. Đó là bản hòa ca núi rừng. Cậu hãy nhắm mắt lại, thả lỏng cơ thể. Cậu thấy đấy, con ốc chỉ còn lại chiếc vỏ, đã không còn sự sống, nhưng nó vẫn mang đến cho ta âm thanh kỳ diệu, tiếng hát cho đời. Trong hoàn cảnh này, nỗi sợ hãi chẳng thể cứu giúp chúng ta. Cậu muốn về với mẹ thì phải kiên cường.

*   *

*

Mây bị đánh thức bởi tiếng rên “hừ”… “hừ”…ngay sát bên tai. Dũng nằm co ro áp sát vào người Mây. Cô sờ thấy trán Dũng nóng ran nhưng toàn thân lạnh toát. Cậu đang bị sốt mê man, những lời run rẩy kêu “mẹ”, hai hàm răng va vào nhau lập cập. Mây hoảng sợ, nếu sốt cao quá sẽ bị co giật. Cô kéo cậu ra sát đống lửa, choàng chiếc áo nắng quanh người. Mây lấy những bẹ từ cây chuối non vắt nước nhỏ vào miệng Dũng, cậu hớp từng giọt nước như đứa trẻ đói sữa. Cô lấy củi, lá khô cho thêm vào đống lửa, rồi lấy tàu lá chuối tươi hơ trên lửa, sau rồi tước sống lá. Cô dùng những mảnh lá ấm sực ấp vào người Dũng, trà dọc sống lưng, lau vai, ngực, bàn tay, bàn chân… Cô liến thoắng đôi tay trở đi trở lại trên ngọn lửa, cả khi lửa bén vào tay bỏng rát cô cũng không để ý. Miệng cầu khẩn “Cậu không được chết, đừng bỏ tôi lại đây một mình”.

Chán Dũng mát dần, nhưng toàn thân vẫn lạnh run lẩy bẩy. Mây nằm xuống, áp sát cơ thể mình vào Dũng, đây là cách truyền nhiệt tốt nhất, cô nghĩ vậy. Dũng như tìm thấy hơi ấm, theo phản xạ cậu ta dúi mặt vào người Mây. Hơi thở nóng sực của cậu phả lên ngực cô, cũng đang lạnh toát vì đêm với chỉ có chiếc váy maxi mỏng, hở cổ, vai. Một luồng xúc cảm đê mê dâng lên trong Mây. Đã lâu rồi Mây không gặp cảm xúc này, cả khi gần gũi chồng. Nhất là từ khi, Mây đang trong thời gian bầu bí đứa thứ hai, cô phát hiện chồng chung chạ với người đàn bà khác. Đáp lại lời gào khóc của Mây chồng cô chỉ lạnh lùng, “Sao em cứ phải làm toáng lên thế, ai đã thế mất chỗ em đâu, chỉ là giải quyết nhu cầu sinh lý, em không làm được thì có người làm thay”. Mây đau đớn. Chồng cô quan niệm về chuyện vợ chồng thiêng liêng như vậy sao? Dù vượt qua cú sốc tâm lý ấy, song do cơ thể quá yếu Mây đã không dữ được đứa con. Vì con gái thơ dại, chồng cô cũng là người thương con, trách nhiệm với gia đình, và bời nhiều ràng buộc, Mây đã thỏa hiệp với hạnh phúc của mình. Người ta bảo, thời gian là phép màu nhiệm có thể xoa dịu những vết thương. Nỗi buồn đau trong Mây có lẽ cũng phai dần. Cả những hờn ghen, xúc tác của tình yêu, từ đấy trong cô cũng hóa đá, cô không còn xét nét, dò la những mối quan hệ mờ ám của chồng. Và cả chuyện chăn gối cô cũng trở nên lãnh cảm.

Nhưng hôm nay sao cảm xúc đó lại trở về? Mây thảng thốt. Mình đang nghĩ gì thế này? Cậu ấy đang trong cơn bệnh. Dũng như đứa em trai bé nhỏ của mình. Sao mình có thể nổi cơn dục vọng hèn mọn đó chứ?

Dũng đã hạ cơn sốt, hơi thở đều đều trong giấc ngủ say. Mây cho thêm củi vào đống lửa. Giữa đêm khuya, ánh lửa rực rỡ, nguy nga hơn bao giờ hết.

Dũng chói mắt bởi tia nắng ban mai rọi vào. Khu rừng bừng tỉnh bởi ánh sáng của ngày mới, tiếng hoan ca của chim chóc và gió reo. Dũng nhận ra mình còn sống, mình được tái sinh một lần nữa. Cậu định ngồi dậy, nhưng toàn thân ê ẩm, rã rời sau trận cảm. Cậu nhìn xung quanh, không thấy Mây. Cậu hoảng hốt. Có thể nào cảnh tượng đêm qua cậu thấy trong cơn sốt mê man là hiện thực? Dũng thấy Mây chới với trong nanh vuốt của con thú rừng, không rõ là hổ báo hay quái thú, rồi mất hút trong màn đêm đặc quánh. Toàn thân Dũng run rẩy, không sao nhấc lên được, cậu gục mặt xuống nền lá khô bất lực.

Mây đứng chơ vơ, biển mênh mông không một bóng thuyền. Cô hoang mang, ta mắc kẹt nơi đây sao? Xa xa, trên mặt biển những chú chim hải âu chao liệng cất tiếng ca náo nức chào bình minh. Chim muông có nhà, nhà ta ở đâu? Mây chợt nghĩ đến Dũng, tình trạng của cậu ta còn bi đát hơn. Cô bước vội trở lại với Dũng.

– Cậu thấy người thế nào? – Mây cúi xuống chạm nhẹ tay lên trán Dũng. Mây vẫn tỏ ra bình thản. Cô không muốn nỗi lo lắng của mình lây lan sang cậu trai yếu đuối và đang không còn sức lực sau cơn sốt.

Dũng như bừng tỉnh sau cơn mơ. Ngay cạnh bên, dáng người con gái mảnh mai trong chiếc váy voan mềm mại, gương mặt cô rạng ngời trong ánh hào quang buổi sáng. Bàn tay cô ấm áp như truyền một luồng điện chạy khắp cơ thể Dũng. Cậu vùng dậy, choàng tay ôm ghì vòng eo thon thả của Mây.

– Em tưởng chị bị thú rừng …, câu nói bị bỏ lửng bởi cơn nức nở. Mây cảm thấy bụng mình nóng hổi vì nước mắt Dũng thấm qua áo.

– Cậu bình tĩnh nào. Tôi đã bảo, thú rừng đâu dám đến gần đống lửa này. – Mây vỗ về.

– Vậy chỉ là em mơ.

– Cậu mê sảng suốt đêm, gọi mẹ.

– Em mơ thấy mẹ chà người em bằng khăn ấm, mẹ thường đánh cảm cho em như vậy … Em gục đầu vào ngực mẹ ngủ miết.

Lới đó của Dũng nhắc Mây nhớ lại khoảnh khắc đêm qua. Cô ngượng ngùng gỡ tay Dũng.

– Thật may cậu đã cắt sốt, nhưng người còn lạnh, hãy ra ngồi sưởi cho ấm.

Dũng nhìn đống than hồng lách tách, bên cạnh là đống lá chuối tươi hơ héo và thân cây chuối non. Cậu như ngộ ra điều gì. Dũng ngước nhìn Mây, không dấu niềm xúc động:

– Lại không phải em mơ, chị đánh cảm cho em? Ánh mắt Dũng tha thiết chạm vào ánh mắt trìu mến của Mây.

Mây đưa cho Dũng đoạn cây chuối non và hai quả chuối nướng.

– Cậu ăn tạm, nằm nghỉ ngơi. Nhớ cho thêm củi khô, có khói mới hy vọng tàu thuyền cứu hộ phát hiện. Tôi đi kiếm thêm đồ ăn, chắc khá lâu đấy.

– Chúng ta biết chờ đến bao giờ, phải tìm đường ra khỏi đây thôi chị! – Dũng nói đầy khí thế.

Nghe Dũng nói, trong đầu mây lóe lên ý nghĩ, biết đâu đây không phải là đảo hoang, có thể vẫn là đất liền, phải tìm đường ra.

– Câu đứng lên xem đi được chưa!

Dũng khó nhọc đứng dậy, chỉ lom khom rồi ngồi phịch xuống như cái cây bị đốn.

– Chờ cậu khỏe lại, có thể sáng mai chúng ta mới đi được.

Vẻ mặt Dũng đầy thất vọng.

– Vậy chị đi tìm đường, sau quay lại đón em. Một ngày là một cơ hội sống, em không muốn chị bỏ lỡ cơ hội đó vì em.

– Cậu biết nghĩ tích cực hơn rồi đấy. – Mây mỉm cười, nụ cười đẹp nhất Dũng từng thấy. Nhưng cậu nghĩ tôi có thể bỏ mặc cậu sống chết ở đây mà đi sao? Dù tôi và cậu là hai người xa lạ, nhưng chúng ta đã cùng sống sót qua hiểm nguy. Cậu đang nghĩ tôi cưu mang cậu, cậu là gánh nặng cho tôi? – giọng Mây ân cần hơn, vỗ về hơn sau cái gật đầu của Dũng. – Không, cậu cũng là chỗ dựa cho tôi ở nơi cô quạnh này. Vậy nên chúng ta phải tiếp tục dựa vào nhau. Chúng ta sẽ sống trở về nhà.

Gần trưa, Mây trở lại với những chiến lợi phẩm là một tổ ong mật, ổ trứng chim và đầy hai túi trái rừng.

Dũng cầm bàn tay bị ong đốt nóng phừng, sưng đẫn như người béo phì của Mây mà dâng niềm xót xa.

– Chị còn bị ong đốt chỗ nào không?

– Không, cũng may tôi trùm kín người, chỉ thò hai tay.

– Em thật vô dụng, cứ ngồi đây há miệng chờ sung.

– Cậu cứ lo khỏe lại đã, chúng ta còn chặng đường đầy khó khăn đang đợi.

Bữa ăn nhiều dinh dưỡng, trứng chim, những con nhộng béo ngậy nướng trên củi với mật ong ngọt lịm, cùng sức thanh niên khiến Dũng hồi phục rất nhanh. Đến chiều cậu đã dậy đi lại quanh quanh và vơ lá, củi khô chuẩn bị cho đốt lửa ban đêm. Sau lần hồi sinh này Dũng thấy mình như được cảm hóa thành con người mới, đầy ý chí và quả cảm. Núi rừng hoang vu không còn là nỗi sợ hãi. Cậu lắng nghe tiếng chim, tiếng rì rào cành lá, khẽ cất tiếng hát:

“Nào ai vô rừng mà nghe

Tiếng chim hót lừng vang núi rừng.

Nào ai vô rừng mà nghe

Tiếng chim hót tuyệt vô cùng.

…”

Đêm núi rừng u tịch, bên ánh lửa bập bùng hai con người xa lạ trở nên thân. Hoạn nạn khiến con người gần nhau hơn. Nguy nan tôi luyện lòng can đảm. Hai người họ hăng hái chuẩn bị cho cuộc hành trình tìm đường về vào ngày mai. Mây bện những cái giọng từ những sợi dây của cây rừng để đựng thực phẩm mang theo. Dũng nướng khoai, chứng chim và làm mũ đội đầu từ cành lá, cậu thấy hãnh diện về độ khéo tay của mình. Hai người chia sẻ với nhau quê quán, công việc, gia đình … Họ kết nghĩa chị em. Mây tặng Dũng chiếc vỏ ốc, Dũng trao cô chiếc bật lửa làm kỷ vật, hẹn khi trở về sẽ đến thăm nhà. Nỗi sợ hãi đêm trước bây giờ đã không còn chút bóng dáng nào trong suy nghĩ của Dũng. Trái lại, cậu thấy lòng hân hoan như đang cuộc trải nghiệm lý thú. Mỗi lần bắt gặp ánh mắt, nụ cười Mây cậu càng thêm phấn chấn. Có lúc lóe lên trong cậu suy nghĩ thật điên rồ, giá được như thế này mãi mãi. Mây đọc được trong ánh mắt Dũng điều khác lạ. Cô tỏ rõ một thái độ ân cần, chân thành với Dũng như của người chị gái. Dũng hiểu…

Niềm lạc quan và hy vọng cùng ánh lửa ấm áp đã ru họ vào giấc ngủ say. Mây bị đánh thức bởi thứ gì đó nhớp nháp, rất nặng trườn qua chân. Ngay lập tức cô liên tưởng đó có thể là con trăn hoặc con rắn lớn. Toàn thân cô lạnh toát, tim đập loạn xạ như muốn văng khỏi lồng ngực. Loài vật sẽ phản công khi nó thấy mối nguy hiểm, chỉ có bất động mới mong thoát nạn. Mây nghĩ cách báo cho Dũng kẻo cậu ta tỉnh dậy kêu la thì nguy. Cô thì thào:

– Dũng, cậu thức không?

– Dạ!

– Câu phải nằm im, không được động đậy! … Hãy nghe lời tôi … Lời Mây như van vỉ.

– Vâng. Có con gì đó đang trườn qua người em…

Mây nghe rõ hơi thở gấp và tim Dũng đập thình thịch.

– Nghe chị … không được động đậy, nó sẽ bò qua.

Hai người nằm bất động, cố ghìm cả tiếng thở, kể cả khi nhận ra con vật đã không còn trườn trên người họ. Họ lặng nghe tiếng lá khô dưới nền hang loạt soạt thành âm thanh kéo dài nhỏ dần rồi mất hút, trả lại khoảng lặng đêm khuya.

– Chúng bò đi rồi … Dũng hổn hển.

– Cậu cứ nằm im đấy, để chị dậy đốt lửa xem quanh. Loài chăn rắn thường có đôi.

Suốt đêm hai người không dám nằm xuống nữa, họ cứ ngồi dựa vào nhau bên đống lửa, cảm thấy an toàn hơn.

Họ choàng tỉnh giấc khi bản nhạc núi rừng ngày mới đã cất lên rộn rã. Một lần nữa họ nhận ra mình lại được sống. Hai người gấp gáp chuẩn bị cho chuyến đi.

– Chị em mình nạp năng lượng rồi lên đường. – Mây nói đầy phấn khích khi bày ra những quả rừng, vài ba lá dứa rừng làm nước uống.

– Chúng ta đi về hướng nào hả chị?

– Chúng ta sẽ đi về phía ngược hướng mặt trời mọc, về phía bờ bên kia, biết đâu có đường ra.

Đến khi mặt trời đã ở phía trước mặt, họ biết mình đã đi quá nửa ngày. Vẫn là rừng núi hoang vu, cây rừng rậm rạp. Hai người len lỏi, dẫm lên những lớp cây cỏ ẩm ướt, trơn trượt. Đôi chân họ trầy da, tứa máu như không thể bước nổi. Đôi tay bám víu cành lá cũng sưng đỏ rỉ máu. Có khi họ trượt ngã lăn lộn mấy vòng, quần áo rách bươm, toàn thân trầy xước. Cả hai đã mệt rã rời, đói và khát, quả rừng mang theo cũng vơi dần. Rừng núi vẫn mịt mùng. Mây không dám nói với Dũng nhưng trong suy nghĩ đã chuẩn bị sẵn một cái đích vô vọng. Cùng với di chứng của trận ốm đêm trước Dũng gần như không còn hơi sức. Nhưng vì người con gái yếu ớt, cậu thầm thương mến, ở bên đang cần sự nâng đỡ nên cậu gắng mình.

Có tiếng róc rách xa xa. Mây reo lên bằng cả hơi sức còn lại.

– Có suối. Đôi chân họ bước đi khí thế hơn.

Dòng suối nhỏ trong lành uốn lượn giữa những gành đá. Hai người nghỉ chân, uống thỏa cơn khát.

Bóng chiều đã ngả dần, phía trước vẫn là rừng núi mịt mùng. Hai người lặng lẽ, họ không dám nói ra điều lo sợ trong lòng. Mắt Dũng chợt sáng lên khi bắt gặp một quả na. Cậu vội nhặt lên, nỗi thất vọng hiện trong ánh mắt khi quả na chỉ còn là chiếc vỏ nham nhở chim rừng để lại. Cậu toan vung tay vất đi.

– Sao lại có na? Mây giật lại, sung sướng như reo – có lẽ gần đây trồng na. Chúng ta vẫn đang ở đất liền. Một khu đồi rừng ven biển.

Với lập luận như vậy, hai người phấn chấn hơn trong việc tiếp tục hành trình.

Phía xa, hiện ra trước mắt họ một lối mòn như dải ruy băng.

– Có lối đi. Chúng ta được cứu rồi. – Tiếng reo vui của Mây vỡ òa giữa núi rừng. Cô dang tay ôm choàng lấy Dũng – Chị em ta sắp được về nhà. Niềm vui sướng của Mây lan tràn sang Dũng. Trong khoảnh khắc ấy Dũng muốn thời gian như ngừng lại.

Hai người dìu nhau tiến về phía lối mòn. Mặt trời xuống sát bìa rừng, họ đến một khu vườn toàn na, đúng như dự đoán của Mây. Họ tìm những quả na chín và vỗ về cái bụng đói meo.

Họ phát hiện một chiếc chòi giữa vườn na. Không có người, nhưng có chiếc chõng tre, chăn màn và một vài vật dụng. Một chiếc giường nằm là mong ước của kẻ hành khất chỉ còn tấm thân tả tơi sau một ngày băng rừng vượt núi và khi bóng tôi giăng kín không thấy đường đi. Họ ngủ thiếp không màng đến đất trời.

Hai người tỉnh giấc bởi ánh đèn pha rọi vào mắt. Họ không biết đã ngủ miết bao lâu. Trước mắt họ là một người đàn ông đứng tuổi. Họ chưa kịp định thần, người đàn ông đã kêu lên:

– Hai người mất tích trên xuồng gặp nạn hôm kia? – Một câu hỏi mà như khẳng định.

– Vâng. Sao chú biết? Mây mừng rỡ.

Người đàn ông chìa ra chiếc điện thoại, lướt lướt tay trên màn hình.

– Tin tức còn nóng hổi, đầy trên mạng đây.

Mây vồn vã:

– Tin tức vụ tai nạn ấy ra sao hả chú? Có cứu vớt được ai không?

– Vì có phao cứu hộ nên đã cứu được gần hết du khách, chỉ có hai người mất tích, là cô cậu, họ vẫn đang tìm kiếm nhưng đã gần hết hy vọng. Thật kỳ diệu, hai người vẫn còn sống.

Mây mượn người đàn ông chiếc điện thoại. Trong tích tắc cô đã được nghe tiếng chồng, “em còn sống?. Đang ở đâu?” “Mẹ ơi, về với con, mang cho con con ốc biết hát”, tiếng con gái nức nở. Mây không dám nói nhiều vì biết Dũng đang đợi. Tiếng mẹ Dũng nghẹn ngào “Con ơi!… chờ mẹ đến đón…”.

Thời buổi công nghệ thật kỳ diệu. Mấy ngày cách biệt cuộc sống bên ngoài vời vợi, mà chỉ trong giây lát nhờ chiếc điện thoại nhỏ bé họ đã thấy người thân ở bên.

Ân nhân của họ cũng mừng vui không kém. Ông cho họ uống nước, bữa ăn đêm canh vườn của mình. Mây và Dũng không ngờ mình đang ở trên đất liền, một bìa rừng gần biển. Theo chủ vườn, đi hơn cây số là ra đến đường lớn. Tất cả như một giấc mơ, một trò chơi mạo hiểm.

Trời tang tảng sáng, hai người theo chủ vườn tìm nối ra đường lớn. Di chưa được bao xa trên lối mòn xuất hiện một đoàn người từ đâu kéo tới. Họ chen lấn trên con đường nhỏ. Ánh sáng lập lòe từ những chiếc máy ảnh, điện thoại, máy quay phả về phía ba người như đang xông vào một trận chiến.

– Họ bắt sóng nhanh thật. Tôi vừa mới úp lên.

Hai người bối rối, họ chưa chuẩn bị cho tình huống chào đón sự trở về này. Những cô cậu thanh niên hăng hái vừa quay, vừa liến thoắng. Họ đang câu view. Đúng là một món béo bở. Chẳng ai để ý đến hai con người đang nuột đi vì đói và mệt cũng như vì ngộp thở trong đám đông. Có tiếng quát lớn:

– Mọi người dãn ra, đưa người ta về chỗ nghỉ đã.

Sự trở về của hai người mất tích, đã quá giờ vàng để hy vọng sống sót, là một kỳ tích. Vụ tai nạn với thiệt hại: “Mười lăm du khách có mười ba người được cứu, hai người mất tích…”, nay hoan hỷ đổi thành “ Với sự trở về thần kỳ của hai du khách, vụ tai nạn …đã không có thiệt hại về người…”. Vậy nên nó trở thành điểm nóng của các trang mạng. Chỉ cần một chút nguyên liệu có thực từ hai nhân vật chính, những bài viết được giật tít, thêu dệt đã thu hút hàng triệu lượt xem, vài triệu view, like. Hai người thoát nạn chỉ mong muốn được trở về với gia đình, họ lẩn tránh làn sóng săn tìm của những “phóng viên” câu view còn ngộp thở hơn cả những con sóng biển hung dữ định nhấn chìm họ. Mây không ngừng tìm nơi “trú ẩn”, cô chỉ một lần hợp tác khi được hỏi “Điều gì giúp chị có thể sống sót kỳ diệu như vậy?. Chị có điều gì muốn chia sẻ cùng khán giả không?”. Chị đã khẩn khoản, “Đó chỉ là bản năng sinh tồn, không phải điều gì to tát cả, xin hãy để chúng tôi được yên tĩnh. Tôi chỉ muốn được về nhà”. Còn Dũng, có vẻ chưa hết niềm xúc động khi được trở lại cuộc sống đời thường, cậu chia sẻ nhiệt tình hơn nhưng cũng chỉ đôi câu “Tôi sống sót được là nhờ chị ấy. Chị là người mẹ thứ hai ban cho tôi cuộc sống này. Tôi sẽ khắc ghi ơn nghĩa này suốt đời…”.

Bão tố cũng đến lúc phải tan để cho trời yên bể lặng. Vậy mà những con sóng mạng vẫn âm ỉ, rền rĩ mãi. Thời buổi câu view là thế. Các người săn view, like kiếm sống họ có đủ tài năng xoay xở, khai thác mọi góc cạnh của vấn đề để thu hút dân mạng cũng như những người muốn lấy chuyện thiên hạ để xoa dịu cuộc sống bất ổn của mình. Một bức hình hai người nằm ngủ trong chòi canh, tay Dũng ôm choàng qua ngực Mây, bất ngờ xuất hiện trên mạng. Thế là cộng đồng mạng nhào vô. Hàng vạn like, hàng ngàn lời lương tác, phân tích mổ xẻ như đang bình một tác phẩm nghệ thuật. “Tình yêu đơm hoa từ núi rừng”, “Một nam một nữ trong rừng vắng họ sẽ làm gì?” “ Vậy phải hỏi Adam và Eva” …

Mây như chết lặng giữa làn sóng dư luận. Tình ngay lý gian, cô còn biết phân bua thế nào? Cô chỉ còn cách cách ly mọi hoạt động liên quan đến mạng, khóa facebook, xóa TikTok, loại bỏ YouTube … Song cô đâu thể thoát búa rìu dư luận. Cô đến đâu cũng bắt gặp những ánh nhìn lén lút, soi mói, cùng những lời rì rầm bàn tán. Ở công ty, ngôi nhà thứ hai, cũng không còn là nơi che chở. Tất cả đều khăng khăng một điều như họ được mắt thấy tai nghe, rằng hai người trong đêm rừng hoang vắng, sinh tử mong manh, thì còn gì để giữ gìn chứ?

Mây vốn kiên cường, cô quay lưng để mặc những con sóng hung bạo như muốn nhấn chìm mình. Song những con sóng ngầm trong ngôi nhà tưởng là tổ ấm che chở cô còn nguy hiểm hơn. Mây đã cắt đứt mọi liên hệ với Dũng. Điều đó cũng chẳng thể xoa dịu ngọn lửa hoài nghi và giờ đây càng bùng cháy nơi chồng cô. Những câu nói chì chiết của chồng như những mũi dao đâm vào tim Mây. “Khi xung trận với phi công trẻ chắc cô không trơ như khúc gỗ thế này nhỉ!”. “Chúng tôi không làm gì cả” – Mây cố gắng ghìm giọng trong đêm tối. “Cô nói vậy cho con Bông nó nghe à. Cái “cửa” của cô mà gắn camera thì hết cãi”. Anh tin hay không thì tùy, đừng nói những lời xúc phạm tôi”. “Cô là thánh nhân chắc. Phàm là “con” thì con nào chả vậy”. “Tôi không phải là anh”…

Mây lặng câm từ đó. Cô như cái bóng không hồn chông chênh giữa dòng đời. Cô an ủi mình bằng con ốc biết hát, nhưng khi úp nó vào tai, chỉ có âm thanh ù ù gầm réo.

– Mẹ ơi, bạn Tôm làm vỡ con ốc biết hát của con. Bạn ấy bảo mẹ mày xạo, con ốc này toàn rên gừ gừ. Mày về xin bố cái sừng hươu mẹ mày mang ở rừng về mà chơi – Một bữa đi học về bé Bông mếu máo.

Mây như chết lặng.

– Không phải sừng hươu, sừng nai. Trên đầu tao đây này, vặn ra mà chơi. – Chồng Mây nói dằn từng tiếng, chúc đầu vào người con gái. Nó khóc òa.

Mây lao ra khỏi nhà trong bóng tối nhạt nhòa. Nỗi oan ức và sự nhục nhã ê chề như con sóng dữ nhấn chìm khát vọng sống ở người phụ nữ kiên cường ấy.

*   *

*

Đã qua hai ngày tìm kiếm dọc đôi bờ sông, nơi phát hiện có chiếc vỏ ốc và đôi dép của Mây trên bờ, nhưng vẫn chưa thấy thi thể Mây.

Bộ dạng thất thần của chồng Mây trên các trang mạng đã có hàng ngàn lời động viên, an ủi. Nguyên nhân sự ra đi lần này của Mây được chồng cô xác nhận, “Từ khi trở về cô ấy bị trầm cảm. Cô ấy không vượt qua được cú sốc bị đày ải trong rừng. Rừng thiêng đã lấy mất linh hồn vợ tôi…”. Dân mạng lại dần dần chia sẻ. “Mong chị sớm siêu thoát”, “Chúc chị an vui ở cõi vĩnh hằng”, “Chị ơi! Mong sao khát vọng sinh tồn sẽ đưa chị trở lại cuộc sống một lần nữa!”…

Bên bờ sông, Dũng thẫn thờ ngồi nhìn dòng nước lặng căm. Cậu áp chiếc vỏ ốc vào tai, nghe như tiếng Mây vọng về, tiếng ca bất tử…

*   *

*

Dạo gần đây, trên mạng rộ tin, ở ngôi chùa bên sông có một ni cô trẻ, thường ẩn mình, rất hiếm khi người ta thấy mặt. Nghe kể, ni cô ấy được nhà chùa cứu dưới sông mấy tháng trước. Cô xin ở lại an nhờ cửa phật.

Nguyễn Thu Hằng