Sân ga chiều cuối đông, ai cũng lụ khụ trong những chiếc áo to sụ, nhúc nhích như những chú gấu Bắc cực. Trời càng về chiều cái lạnh càng thấm đẫm không gian, những vạch tối lọ mọ đổ dần xuống rồi toang ra đen kịt.
Tiếng lào xào của lá, tiếng vít vo của gió ùa đến tai nàng, nàng kéo thêm chiếc khăn len màu xanh rêu đã sù xì lên phía mang tai để chắn bớt cái lạnh. Bàn tay thuôn dài nổi đầy những đường gân xanh của nàng cứ sắp qua lại vài ba gói kẹo lạc, mấy bao thuốc lá, lau vết nước đổ trên mặt bàn một cách chậm rãi, thong thả, đôi khi việc làm đó của nàng khiến người đối điện không khỏi sốt ruột và bực bội.
– Làm ăn tốn cơm nhà nước, có cái việc đúng giờ cũng không xong…
Tiếng của anh chàng mặc bộ rằn ri, đầu đội mũ lông, một chân gác lên chiếc ghế ọp ẹp, chân kia di điếu thuốc cho tàn lửa tắt hẳn, miệng chửi thề hậm hực. Nàng hé đôi mắt vào trong ngôi nhà nhỏ của mình nhìn đồng hồ chỉ còn trơ tróc ra ba chiếc kim dạ quang. Đã trễ tàu bốn lăm phút. Giờ nàng mới nhận ra những gương mặt sốt ruột đang lóp cóp trước mắt mình. Một chàng trai thư sinh ăn mặc bảnh bao ôm bó hoa hồng đi qua đi lại. Bên ghế đá ông cụ cứ chốc một lại lôi kính xuống lau, mái đầu bạc trắng phất phơ trên gương mặt xám lại vì lạnh. Những bóng người rập rịch nhìn phía tàu về. Đôi mắt đen thẳm của nàng cũng him híp ngó về phía ấy nhưng không phải chờ đợi điều gì cả. Chỉ đơn giản đã từ rất lâu, đó trở thành thói quen đối với nàng. Cứ mỗi lần tiếng còi tàu kéo dài, tiếng hú huỵch rồi cả tiếng khèn khẹt của bánh xe rít vào đường ray là lòng nàng lại chộn chạo một nỗi niềm khó tả. Nàng thích cái khoảng khắc khi nhá nhem tối, chuyến tàu đi từ Nam ra đỗ về ga, dòng người kéo lên, ùa xuống, vội vã và khẩn khoản, lúc ấy nàng ngồi bất động bên chõng hàng, ngắm mọi vật chuyển động, từ cây cối đến con người tất cả đều hòa chung như dòng nước. Nàng thấy mình như vật thể chững lại, cô độc mặc cho mọi thứ cứ cuốn đi. Chính trong cái khoảng lặng ấy, đầu óc nàng quay cuồng với quá khứ và những thứ nàng đã muốn quên đi, nhưng vẫn rất nhớ…

Nàng sinh ra ở một ngôi làng chỉ quanh năm có đói và khát, bỗng dưng phất lên giàu có nhờ đất. Cái làng ven đô nên cái gì cũng lỡ cỡ, lổn nhổn như nấm sau mưa. Những người đàn bà bắt chước nền văn minh đang xô bồ kéo về, suốt ngày lê la hàng quán, lòe loẹt như công, như vẹt. Những người đàn ông nhạo báng thói đại gia trên xe dưới thảm, cả ngày kỳ quẹt bên bóng chân dài ướt át, tự ví mình là phượng hoàng trổ mã nhưng lại quên cái đuôi của chú gà trống làng đang thập thò sau mông. Nàng lớn lên giữa cái ranh giới ma mị ấy. Mọi người bảo đôi mắt nàng không đẹp nhưng có hồn. Lúc đầu mới nghe nàng chỉ mỉm cười rồi lẳng lặng bỏ đi. Nếu điều đó đặt vào người khác hẳn phải là điều tự hào và kiêu hãnh của họ. Nhưng ngay từ khi là cái hĩm trong làng Mỡ nghèo nàn, mỗi lần soi gương nàng lại hô hố nhìn vào đôi mắt mình.
Không to tròn, đen lay láy, không mộng mị như sương, đôi mắt nàng xếp giữa ranh giới nhỏ to, dài hẹp, thậm chí nhiều khi nhìn chẳng thấy cái mí mắt trên lộ ra cho nàng định vị hình hài nữa. Đã thế đôi mắt ấy lại chẳng có hàng mi dài cong cong và đen thẳm như đứa con trai ngồi kề mà mỗi lần trót nhìn vào đó, nàng lại ao ước được một lần sở hữu. Dù nghe lỏm được rất nhiều cách để khuyến khích những chiếc lông con con kia dài tý chút, mày mò làm theo, nhưng nó vẫn lỳ lợm cụt hun hủn. Nếu nàng có một đôi mắt như đứa con trai ngồi cạnh đặt dưới cái môi nho nhỏ, sống mũi dỏng cao, thì có lẽ nàng sẽ là cục nam châm có sức hút nhất làng thời con gái. Ấy vậy mà ông trời như trêu ngươi nàng, mỗi lần ngủ dậy nàng lại phải phì phục đưa bàn tay thon dài chà chà vào hai bên mí mắt để chúng có thể lùi lũi lộ ra đôi chút. Lúc ấy, mắt nàng trông cũng được lắm, đen huyền và trong veo vẻo.
Mười lăm tuổi nàng phổng phao, ngực căng mẩy như trái đào tiên, quần áo nàng mặc mỗi ngày càng cũn cỡn, lồ lộ bắp đùi non, trắng ngần. Giữa chúng bạn cụt ngủn, nàng như thế giới khác đến, nàng biết đỏ má khi nghe lời chọc ghẹo của thằng con trai ngồi cạnh… Nàng thường được hắn nhét vào hộc bàn lúc thì kẹo, lúc thì cái dây buộc tóc xinh xinh. Trái tim nàng bắt đầu thấy rổn rang như có cái gì ngoay ngoáy trong đó, hình ảnh về đứa con trai ấy cứ lớn dần trong nàng. Tròn mười tám tuổi nàng nhận lời yêu hắn. Sau mỗi lần tan học nàng và hắn thường trốn nhà đến bãi hoang đang được đào lấp nham nhở để hẹn hò, lúc thì lại rúc rích với nhau như chuột trong đống rơm ngay góc làng. Lần nào cũng vậy, hễ gần nàng hắn lại hầm hập lao vào rồi lục tung mọi thứ trong người nàng ra. Đã rất nhiều lần nàng muốn bỏ bê và thèm cảm giác dở người mà hắn mang đến, nhưng hình ảnh bố nàng với chiếc roi mây vun vút trong đầu như gầu nước lạnh hắt thẳng vào lý trí, để nàng bừng tỉnh và dồn sức kéo chặt chiếc quần của mình. Nhìn vẻ mặt chưng hửng và hậm hực của hắn nàng thấy cái tội mình sao nặng đến vậy. Nhưng nàng còn cả một tương lai để vươn đến, không vì cái ham muốn dở người mà nàng để buột đi tất cả. Những đứa con gái vừa biết mặc áo nịt cho vững ở làng này đã lần lượt lấy chồng.
Cùng tuổi nhưng nhìn chúng lem luốc, chân không xỏ nổi dép, nách con, nách chồng mà nàng rờn rợn trong lòng. Nàng và hắn là loại học cao hiếm hoi trong cái làng chỉ biết nhẩm đủ đến con số một trăm. Vậy nên tương lai của nàng là danh giá. Nàng là niềm hy vọng đổi đời của cả gia đình và dòng họ này, cái tình yêu của nàng và hắn có sá là chi. Chỉ có học nàng mới thoát khỏi lũy tre làng Mỡ, mới dám công kênh tình yêu của mình dành cho hắn. Ấy vậy, khi nàng nhận được giấy trúng tuyển vào đại học, hắn lại lầm lũi bỏ đi mất dạng không một lời nhủ nhỉ. Suốt thời gian sống giữa phố thị xa hoa, nàng lao đầu vào học hành với những nỗi nhớ ngây dại về hắn. Rồi ít lâu sau, vào đúng dịp nghỉ hè, khi nàng vẫn hoan hỉ trong hình bóng và những cảm giác dở người thì hắn trở về. Hắn về cùng một đứa con gái có cái bụng ngễnh lên tận mặt. Người làng đổ về kín cổng nhà hắn, nhìn ngó, tặc lưỡi để thỏa mãn cái tính hiếu kỳ của mình. Câu chuyện của hắn và đứa con gái hất hơ với mái tóc lai đủ mầu, lúc nào cũng một vẻ vênh váo trân trố nhìn người, theo đó cũng đủ muôn hình vạn trạng. Nàng nghe, lòng lặng ngắt, mang mang bên tai tiếng rỉa rói của mấy mụ đàn bà rảnh hơi. Nàng buồn, lang thang đến nơi kỷ niệm của hai đứa. Bóng hắn nhập nhằng trong những sợi khói rơm đồng hắc xịt.
– Lanh!
Vẫn đôi mắt bao lần nàng thèm thuồng, giọng nói rền lại mùi yêu thương thuở nào. Nàng nhìn hắn, cái nhìn ầng ậc nước.
– Sao anh lại ra đây
– Anh muốn gặp Lanh một lần.
– Giờ chúng ta đã có con đường đi riêng rồi. Chỉ mong anh đừng đánh mất mình.
– Thiên hạ ác miệng đã đành…
Nàng cúi đầu. Trời sầm sẫm tối, những ngọn tre lao xao, rin rít vào nhau nghe đến rợn da gà. Tay nàng đan chéo, gió thốc ngược lùa vào cánh áo mỏng, lần rần trong từng thớ thịt. Mắt hắn lấp lánh, tay hắn khẽ chạm vào tay nàng, hơi thở ấm nồng ngập tỏa mùi đàn ông, cái mùi mồ hôi khen khét, nồng nặc quánh lại trong từng cảm xúc làm nàng ngất ngây. Mái tóc nàng hất trọn vào bộ ngực căng nịch của hắn, những giọt nước mắt chảy dài trên gò má mịn màng. Hắn cúi xuống, thở nặng hơn, nàng nhắm mắt. Tất cả lại dội những cảm xúc của trước kia. Nàng cảm nhận rất rõ nhịp đập của hắn, những cái vuốt ve, mơn trớn da thịt.
– Hết đường chối cãi nhé. Giờ thì tao bắt tận cái mặt con đĩ cướp chồng tao. Rủ nhau ra giữa đồng không mông quạnh mà hú hý. Dám giật chồng tao à, giật chồng tao này…
Nàng co rúm người lại theo từng tiếng đay nghiến, những cái tát, cái giật tóc khiến nàng bong đến từng lớp da đầu. Con đàn bà có cái danh là vợ hắn không biết từ đâu lao đến, mặc cái bụng to vượt mặt, mặc sự chầy chọt theo những bước chân giần giật của nàng, ả lao vào nàng như con thú say mồi. Nàng ngã sấp xuống những gốc rạ. Tiếng con đàn bà vẫn vong vỏng:
– Ối giời đất ơi! Cả làng ra đây mà xem cái con đĩ có học quyến rũ chồng tôi này. Tưởng cao sang thế nào, cuối cùng cũng lùng sục với chồng tao thế à. Để tao gọi bố mẹ mày ra mà xem, con gái ông bà ấy danh giá đến chừng nào…
Chân nàng như bám chì, nặng ình ịch. Gió quất vào những vết đau trên thân thể nàng ran rát. Nàng nhìn hắn, cái nhìn không có sự cầu xin, chỉ là nỗi trống rỗng, vô hồn đến man dại. Hắn sựng người, nhìn con vợ đang loi choi như đứa lên đồng quanh người tình của mình. Mắt hắn vằn lên những tia đỏ, bàn tay hắn giáng thẳng vào mặt con vợ, giọng rít đặc:
– Câm mõm. Mày lấy quyền gì mà đòi đánh ghen ở đây. Nên biết điều… không tao giết cả lũ… Nghe chưa!.
Nét sững sờ hiện rõ trên khuôn mặt con vợ. Nó tiu ngỉu, lấy bàn tay xoa đều bên má bị đau, không dám một câu than vãn, rồi lớt thớt chạy theo đít hắn đi khuất dần vào bóng tối. Còn lại mình nàng, cảm giác tủi nhục, cảm giác ớn hèn khiến tâm trí nàng như tê dại đi. Nàng ôm lấy ngực, sự tức tưởi cứ nhói lên. Bóng tối ôm trọn lấy nỗi đau đớn. Bước chân nàng sải dài về phía bên bờ sông. Gió mát dịu, mặt sông êm ả, những ánh sáng cứ lấp lóa, nàng ngồi dựa vào gốc đa, mặc cảm giác rã rời cứ râm rỉ trong lòng. Nàng muốn đi thật xa, nơi không có những đôi mắt sắt xói nhìn nàng, nơi không có sự phổng phao của thói hưởng thụ, để rồi đêm đêm lại nhức nhối câu lời cắt đứt mọi quan hệ thân thuộc, ruột thịt. Cả cái làng này như bị ma ám, người ta nể nhau vì đồng tiền, sự giàu sang trong chớp mắt, khiến tâm trí họ hoảng loạn, mưu mô bè cánh cũng ùa vào như gió độc. Hắn cũng vậy, chỉ vài ba năm từ một chàng trai thư sinh, với đôi mắt trong veo vẻo, bỗng nhiên trở về làng với sự hằn học, hơn thua đời. Lúc nào quanh hắn cũng dăm đứa đàn em, đầu tóc như búi rơm, quần áo xẻ ngang xẻ ngả, phì phèo thuốc lá cứ lăm le đến từng nóc nhà còn yên bình rơi rớt lại nơi đây. Nàng chán ngán, cảm xúc cũ về hắn tự dưng mốc thếch trong ý nghĩ của nàng.
***
Đám cưới nàng rộn ràng cả làng Mỡ. Chú rể là một gã phố thị giàu có, mê sắc và danh trí thức mà quyết lấy nàng cho bằng được. Quà thách cưới nàng là cái nhà thờ họ to đùng đoàng vừa mới được khánh thành, trước bao con mắt nửa vênh vao của họ mạc nàng, nửa hậm hực của thiên hạ. Bố nàng cười rổn rảng, oang oang “Thời vẻ vang của họ ta đến rồi”. Nàng chua chát. Ngày cưới, nàng chỉ thấy tiếng xập xèng ầm ĩ, lấp lóe cái người ta gọi là vàng được phô trương. Để khẳng định danh tiếng với nhà gái. Nhà gã phố thị thi nhau đeo không biết bao nhiêu cây, chỉ lên người nàng. Nàng vô hồn nhìn gã đàn ông bên cạnh cứ hềnh hệch ngó nghiêng, miệng ngoác ra nói cười. Khi bóng quan khách vừa tàn, gã phố thị cũng xủng xẻng vàng, các túi áo căng vểnh phong bì kéo nàng xềnh xệch lên phòng. Cửa đóng phập. Một tay gã ấn nàng ngồi xuống chiếc giường cưới được rải khắp cánh hoa hồng thơm lừng, một tay lồng vào cổ nàng thì thầm:
– Mình “kiểm tra hàng” đi em, anh nôn quá rồi.
Chưa kịp hiểu câu nói của gã, những chiếc kiềng vàng trên cổ nàng tuột xuống, tay nàng bị gã hồng hộc kéo ra, ngón tay đỏ lựng, ran rát.
– Ui dời… khá khẩm quá… Xem được cả thể bao nhiêu nào. Đây là của nhà chú Tình, đây của dì Ngâu, đây của bác Tài, anh Hiểu… nhiều quá… Đưa “hàng” của bố mẹ và vợ chồng chị Chuyền cho anh xem.
Nàng vẫn bất động, nhìn cái con người mà bố nàng nhất quyết bắt gọi bằng chồng đang phất phửng ngắm nghía của hồi môn của bố mẹ, anh chị lên xem, ánh mắt ma quái đến ghê người.
– Tại sao lại là vàng giả. Bố mẹ đâu, Chị Chuyền đâu… định chơi tôi à…
Mặc kệ nàng vẫn bất động, không hiểu chuyện gì diễn ra, gã chồng lao xuống cầu thang như con thú. Tiếng gã rít lại, bước chân rầm rập:
– Thế này là thế nào…
Bà mẹ và chị gái vẫn mặc nguyên bộ áo dài lấp lánh, gương mặt trang điểm đậm, tóc búi cao. Bà mẹ nhìn vào chiếc hộp được bọc nhung cẩn thận trên tay con trai, giọng từ tốn:
– Bình tĩnh lại con, chuyện đâu còn có đó làm gì mà ầm ĩ hết lên thế, người ta cười cho. Con Chuyền đóng cửa vào.
– Mẹ nói đi… Tại sao lại cho vợ chồng con toàn vàng giả… Cái này pha trộn bán thôi nhé. Tôi là con trai duy nhất mà mẹ và chị đối xử với tôi thế này là không xong đâu.
– Cậu bình tĩnh nghe mẹ. Mẹ có tính toán cả, cậu lo gì. Đằng nào cũng là của cậu, chị có lấy đi đâu.
– Không lấy… Chỉ thiếu không khoét được tường cho chị mang đi nữa thôi. Vợ chồng chị là đỉa hai vòi, hút máu cái nhà này đến kiệt sức rồi. Về bảo thằng chồng chị lo thân đi, không tôi tống cổ cả nhà ra ngoài đường đấy.
– Cậu dám…
Bà mẹ chen giữa hai đứa con như sợ chúng sẽ lao vào nhau quyết ăn đủ. Bà hết nhìn đứa con gái xấn xổ đến, lại nhìn thằng con trai mím chặt môi, gương mặt thâm lại.
– Thôi xin chúng mày. Chị em mà như kẻ thù nhau. Thằng Tâm nghe mẹ nói đây. Đúng là vàng mẹ trao trong lễ cưới là vàng giả… để phô danh cho nhà mình, cho đẹp mặt với mọi người. Mày không thấy đám nhà vợ mày, mắt đứa nào đứa nấy hau háu thèm khát cả à. Đối với bọn họ, kể cả con vợ mày, thì không được xem nó là người nhà nghe chưa. Quà cưới mày mẹ chuẩn bị kỹ càng rồi. Đây này mày xem, có đủ cân đủ lạng không, thật đến một trăm phần trăm nhé. Của nhà mình, mình phải giữ con ạ. Mày ngu lắm.
Gã trai vồ lấy cái hộp, rồi bế bổng người mẹ trong tiếng cười hoan hỉ. Nàng chết lặng nghe những lời nhỏ to của ba mẹ con chồng dưới nhà. Đầu nàng chỉ còn lại tiếng vò vẽ, tiếng rì rào lao xao của hàng tre làng mình.

Công việc của nàng hàng ngày chỉ quẩn quanh trong gian bếp rồi ra đến chợ. Nhiều khi nàng thấy lạc lõng ngay chính trong ngôi nhà chồng, nàng lặng lẽ như một cái bóng, quẩn quanh trong những câu chuyện mơ hồ, nửa thật nửa mơ mà hằng đêm nàng trốn chồng để viết. Những đứa bạn ở cái cơ quan bé như lỗ mũi vẫn nhìn nàng hàng ngày được chồng hộ tống đi làm bằng chiếc ô tô đắt tiền thèm thuồng, những lời khen ngợi, những lời ao ước đó khiến nàng như nghẹt thở. Nào ai biết bên trong cái vỏ bọc đẹp đẽ ấy là cái lo lắng, cái riết róng của gã chồng suốt ngày ghen tuông, suốt ngày biến nàng thành thứ công cụ thể xác để gã vầy vò. Những vết xước, vết cào cứ rỉ máu, đùi non bên này chưa hết thâm lại thấy đùi bên kia cứ tím đỏ lại. Nàng cắn răng chịu đựng. Cứ hết giờ đi làm, nàng lại xốc mặt vào những việc không tên trong ngôi biệt thự ấy. Quần áo xộc xệch, tóc tai bơ phờ. Khách khứa ra vào tấm tắc khen với mẹ chồng “Nhà bà có con bé ô sin tháo vát thật. Lúc nào cũng thấy luôn chân, luôn tay”. Mẹ chồng nàng thinh lặng, rồi nhếch cái miệng săm mầu đỏ như máu lên cười khẩy.
Nhà chồng có tất thảy tám miệng ăn, từ ông nội chồng phập phù sống qua ngày, đến đứa cháu ba tuổi của chị gái chồng nàng đều phải đích thân lo cho tươm tất. Khổ nhất là ông nội chồng, ở cái tuổi gần đất xa trời, ốm đau liên miên, tất thảy nàng được mẹ chồng khoán cho hết. Có nhiều khi nhà vừa mới lau chùi tinh tươm, quần áo thay cho cụ sạch sẽ, chưa ngơi tay được phút nào lại thấy bao nhiêu uế phẩm bốc mùi cụ phóng hết ra nhà. Vậy mà khi đêm về, nàng lại nghe bao tiếng gào thét của ông cụ. Ông mê sảng nhảy choi choi trên chiếc giường, tay cầm gậy, tay cầm vung rồi múa may như người nhập đồng. Lúc đầu nhìn thấy cảnh tượng ấy nàng xanh mặt. Phòng ông cụ được xây ra mé ngoài khu biệt thự, thi thoảng mới thấy bóng bố mẹ chồng lai vãng đến. Việc chăm sóc trước đây là do chị Bé ở quê chồng lên đảm nhiệm. Từ khi có nàng, chị về quê làm ruộng rồi không thấy nữa. Dạo gần đây ông cụ lên cơn mê sảng luôn, lúc nào cũng thấy âm binh thiên tướng về đòi mạng mình. Dù mỗi phòng trong nhà đã được lắp cách âm nhưng đêm nào ngôi biệt thự cũng sáng điện trong tiếng lầm rầm của những người máu mủ với cụ. Mỗi khi thế, cụ lại được ru bằng liều thuốc an thần, rồi họ dửng dửng đi về phòng mình. Nhìn cụ nằm vật ra cái giường đã móp mép tiếng mọt, gương mặt vã mồ hôi, tay nắm khư khư chiếc gậy, nàng thấy có vị chát sít ở cổ. Chị Bé lại được điều lên, sắp xếp ở cùng phòng với nàng.
Chị Bé người nhỏ, mỏng tang như đứa trẻ lên tám mang gương mặt cụ bà bẩy mươi. Chị cũng lặng lẽ giống nàng, tay nói nhiều hơn miệng. Mỗi lần mất ngủ, nàng chỉ nghe tiếng thở dài não lòng của chị. Chị không chồng, không con. Cha mẹ để lại cho chị mảnh đất ba héc ta do khai hoang mà có. Chị quần quật trên mảnh đất non nửa cuộc đời, tưởng an nhàn. Vậy mà khi được phổ biến làm sổ đỏ, sổ đen để chị đúng là chủ mảnh đất ấy, thằng cháu dựa vào việc chị không biết chữ, đến thay chị chạy vạy ông nọ bà kia để “giúp” chị. Nào ngờ khi mảnh đất ấy được quy hoạch về gần thành phố, chị thấy người ta kéo đến đông nghịt, ô tô chở gạch, đá, máy móc ùn ùn san lấp vườn nhãn lống quả, chị mới tá hỏa bị thằng cháu lừa bán mất. Bao lần sang nhà cháu, rồi nằm lăn ở ủy ban xã để đòi lại, nhưng ngờ đâu cái tờ giấy mà chị điểm tay, bỗng chốc lại thành tờ di chúc của chị cho nó đất. Thằng cháu thất đức chừa lại cho chị một hẻo đất, nằm khuất nơi cuối làng. Chị nín lặng lầm lũi kiếm ăn dằm dặt qua ngày. Rồi được lời mời “chỉ việc ăn no ngủ kỹ và dọn vặt vãnh trong nhà” của mẹ chồng nàng. Chị lụi cụi ôm mớ quần áo cũ lên phố. Lên phố gần bẩy năm, người chị vẫn mỏng như giấy dó, tất cả với chị vẫn một màu trắng trong cái mớ hỗn độn mà người ta đua nhau về để sống.
Từ ngày có chị, nàng đỡ được phần nào công việc, dù không hay chuyện trò với nhau nhưng nàng quý trọng chị. Hàng đêm, nghe tiếng chị thở dài, tiếng thở nặng mùi mất mát, khổ đau, nàng lại thấy nẫu nàng gan ruột. Nàng không thích nhìn vào đôi mắt chị, bởi đôi mắt ấy lúc nào cũng chỉ là một khoảng trống, rỗng rễnh đến ghê người. Nàng nhớ có lần, sau những vật lộn để ru ngủ ông cụ, nàng với chị thơ thẫn ra sân. Khoảng gió rần rề trên con đường vắng. Đêm đen thẫm nhuốm lạnh. Đã lâu lắm rồi nàng mới thấy lòng mình yên bình. Không biết đã bao lâu nàng mới cảm nhận hết mọi vật vẫn đang cầy cựa quanh mình.
– Nhớ quê quá cô ạ.
Nàng giật mình quay lại nhìn người đàn bà bên cạnh.
– Vâng. Em cũng từ quê mà lớn lên. Lấy chồng không sống cho mình mà sống cho cả họ mình.
– Tôi thấy cô tội quá, đàng hoàng là vợ cậu chủ mà thân phận không khác người ở. Sao cô không có con, biết đâu sẽ khác?
– Con cái là của trời cho chị ạ. Với lại mình em muốn mà được đâu…
Nàng ghém chặt lồng ngực, đứt đoạn từng câu. Những cơn gió lại thi nhau lao xuống thân thể nhỏ bé của hai người đàn bà. Tự dưng nàng thèm nghe tiếng gà gáy, thèm nghe tiếng ì oằm của ếch nhái, muốn hít căng lồng ngực mùi khói bếp đầu sớm. Tiếng chị dỏn dẻn:
– Rốt cuộc ai cũng có nhân quả cho riêng mình cô nhỉ? Cũng như ông cụ đây này. Cả đời xênh xang là thế… Dòng họ này hậu vận bạc quá cô ạ!
– Chị nói gì em không hiểu?
Chị chàng đưa hai tay xoa đều vào nhau, rít lại hơi ấm như muốn xua tan cái lạnh thấm đều trên da mình. Đôi mắt nàng hụt hẫng nhìn chị, câu nói dở chừng ấy như khơi đúng những thắc mắc mà mỗi lần nhìn ông cụ lại dấy lên trong nàng. Dù được cưới xin tử tế, nhưng đối với chồng nàng, cái tình cảm như keo với sơn lại hoàn toàn không có. Nàng không được quyền xen vào bất kỳ chuyện gì của chồng, đôi ba lần bất chợt trên con đường đi làm về nàng thấy chồng lao vù xe qua mặt cùng một cô gái khác. Nàng ơ hờ mà không hề căn vặn điều gì. Chuyện làm ăn của nhà chồng lại càng bí mật hơn. Nàng chỉ biết căn phòng ở dưới hầm, cửa được cài mật mã và nuôi hai chú chó dữ, không dễ ai cũng có thể đặt chân vào đó được:
– Ngày trước thời ông cụ ấy cô ạ. Cái nhà này nghèo lắm, nghèo đến cái bát không có mà ăn kia. Chị gái ông cụ đẹp có tiếng đấy. Rồi bà ấy may mắn lấy được chồng buôn bán giàu có. Chính nhờ thế mà ông cụ mới được dắt theo để chạy phụ hàng cho anh rể mình. Bẵng đi chừng ba tháng, hai anh em họ theo thuyền đi buôn tận trong Nam không thấy tin tức, thì đột ngột quay về. Thuyền không còn chỉ thấy ông cụ dẫn anh rể điên dại trả lại cho chị gái với câu chuyện là bị cướp thuyền. Từ đó dân làng tôi không thấy bóng người anh rể nữa. Nghe đồn chỉ ban đêm, khi không còn một ai thức, người anh rể ấy lại lần mò ra những rãnh mương đào bới lẩm nhẩm “vàng của tôi, vàng của tôi đâu”. Ít lâu sau, ông cụ nhà này bỏ làng lên phố và mở tiệm buôn bán vàng, cứ như vậy đời này nối đời kia thành giàu nhanh lắm. Vậy mà, rốt cuộc ông cụ cũng không thoát khỏi nghiệp chướng.
Nàng lờ mờ hiểu được những lời mê sảng, những lời cầu xin, những nỗi sợ hãi của ông cụ. Trời đã chuyển nhờ về sáng, tiếng ú ớ trong căn phòng lại lật bật phát ra. Nàng và chị không hẹn mà cùng nhìn nhau. Cái nhìn mênh mang, rồi lụi lại trong tâm tư của mỗi người
***
Tiếng còi tàu kéo dài, những tiếng hú huỵch ngày càng vọng rõ ràng hơn. Nàng thu dọn lại mấy nón hàng lần nữa rồi sửa soạn chờ đón khách xuống ga. Hôm nay đã là ngày cuối cùng của năm. Đã bao nhiêu chuyến tàu vội đỗ bến thế này rồi, nàng không nhớ nữa, nhưng bao giờ chuyến tàu cuối cùng của một năm cũng khiến nàng như chênh chao nhiều hơn. Trời lất phất mưa, những cơn mưa xuân nặng hạt phủ đầy xuống cả sân ga. Chỉ còn vài giờ đồng hồ nữa thôi, thời khắc giao thừa lại điểm, nàng thêm một cái tết ngược xuôi giữa dòng đời này. Ngày mai chỉ còn nàng với cả một không gian im lặng đến tê dại. Những con tàu nín thinh, mặc thời gian chầm chậm trôi qua mình, nàng lê thê vuốt ve chúng như dỗ dành, như an ủi giấc ngủ của chúng sau những ngày mệt nhọc. Dòng người ùa xuống chuyến tàu cuối cùng, tiếng cười, tiếng nói, tiếng lao xao. Vài ba cành đào đã tròn cánh cứ hồng trong cái nhìn của nàng. Trên tay ai cũng lưng lửng hành lý. Tự dưng nàng thèm muốn được đón ai đó trở về.
Nàng không thể nào quên được cũng vào cái ngày cuối đông, ngày ông cụ nhà chồng nàng ra đi. Khi tiếng trống kèn còn chưa nguội hẳn, nhà nàng lại hinh hích người ra vào, người đến chia buồn, người đến thậm thọt trong căn phòng tối dưới hầm. Chỉ có nàng và chị không ngơi tay hương khói. Cụ ra đi vẫn không nhắm nổi mắt, miệng méo sang một bên như lắp bắp dở điều gì đó. Đám ma cụ to, loa ong ong cả dãy phố, những gương mặt thương tâm của mọi người trong gia đình nhà chồng nàng cứ ùng ục trong những chiếc khăn xô che gần hết mặt. Rồi bỗng nhiên những chiếc xe hú dài của cảnh sát ập bất ngờ vào nhà nàng. Có vài người vào thắp hương, còn phần đông xông thẳng xuống căn phòng bí mật ấy. Mẹ chồng nàng ú ớ, chị chồng nàng hét lên rồi lao nhanh theo cảnh sát. Tiếng rầm, tiếng lẻng xẻng, rậm rạo, tất cả nhốn nháo, lao xao như vỡ tổ. Tim nàng đập mạnh, chồng nàng cùng đám bạn cả trai lẫn gái đang ở dưới đó. Những ngày nhà có đám, họ kéo đến đông hơn, ở lỳ dưới ấy, ăn ngủ tại chỗ. Đôi ba lần nàng cố ý xuống tìm chồng để lên thay phiên cho ông bố tạ lễ với người đến viếng, thì chỉ nhận được tiếng quát tháo và mệnh lệnh nghiêm cấm nàng đặt chân đến. Vậy mà khi cánh cửa sắt căn phòng bật mở, nàng nhìn thấy cảnh tượng kinh hãi nhất, những xấp tiền, đồ trang sức, những gói bột trắng bầy la liệt trên mặt bàn. Chồng nàng bị khóa chặt tay, mắt vẫn lờ đờ trong cảnh phê thuốc. Lệnh bắt được đọc nhanh chóng, toàn bộ đám người bị dong ra xe. Nàng giữ chặt tay mẹ chồng khỏi chiếc bánh xe đang rậm rựt chở chồng nàng đi. Xe khuất, mẹ chồng nàng nước mắt lưng tròng, nhìn tay mình bị con dâu túm lại, bà đưa chân hất thẳng vào bụng nàng. Nàng ngã sõng soài. Từ trong vùng kín nàng một dòng máu đỏ chảy ra rồi loang thẫm cả một nền đất. Nàng ngất lịm.
Tỉnh dậy, nàng thấy quanh mình ầng ậc mùi sát trùng, tiếng kim loại loảng xoảng, quanh nàng một mầu trắng toát.
– May quá cô tỉnh lại rồi!
– Chị! Sao em lại ở đây? Có chuyện gì sao?
– Cô bị sảy thai. Âu cũng là do duyên phận, hết duyên phận rồi đừng gắng sức nữa cô ạ.
Nước mắt nàng rơi xuống, cái đau vẫn râm rỉ nơi da thịt, nhưng lòng nàng chát đắng cho số phận của mình. Nàng nhắm mắt như muốn trốn chạy quãng thời gian vừa qua.
Vậy mà cũng đã gần ba năm. Nàng từ bỏ ngôi nhà và những con người bên chồng. Nàng lang thang và xin được vào ga tàu này. Niềm vui đối với nàng cũng chỉ còn là khoảng khắc nhỏ khi được chững lại trong cái đi về của mọi người đến bên ga này. Chiếc kim đồng hồ vẫn túc tắc gõ đều. Không gian lại chỉ còn sự tĩnh lặng. Nàng dọn lại đống hàng trên sạp vào túi, mâm ngũ quả trong nhà vẫn đang để dở, nàng phải sửa soạn mâm bàn để đốt nhang cho kịp giao thừa. Nàng đã thành người đàn bà không nhà để trở về, bởi nàng biết dòng họ, gia đình mình không bao giờ tha thứ cho một đứa con gái bỏ chồng, bỏ nhà đi như nàng cả.
– Chào chị…
Giật mình ngẩng lên. Trước mắt nàng người phụ nữ túm chặt tay thằng con trai chừng tám tuổi hiện rõ dưới bóng điện cao áp. Cả hai nhếch nhác, thằng bé mặt đen nhẻm, da tím tái vì lạnh, gương mặt nhàu nhĩ. Đôi mắt thằng bé thẫm đen, lông mi cao vút. Đôi mắt thằng bé gợi lại cho nàng sự thân thuộc. Chị nhìn sững người phụ nữ trước mặt, vẫn gương mặt đó, mái tóc dù đã được cột chặt phía sau nhưng vẫn nét phong sương thuở nào. Nàng hơi sựng lại, rồi ném cái nhìn đanh về phía người phụ nữ ấy.
– Tại sao lại là cô?
Dường như cũng giống nàng, nét hốt hoảng hiện rõ trên gương mặt của người phụ nữ ấy. Tiếng thở dồn, tiếng cô ả lý nhí:
– Quả đất thật tròn, đến cuối cùng bến đỗ của em lại là chị. Thằng bé này là…
Thằng bé vẫn lăm lăm nhìn vào mớ đồ ăn chưa kịp thu hết của nàng, nó lao đến giật lấy cột bánh khảo, không kịp lột nốt lớp giấy bọc, nó ngấu nghiến nuốt, bột bánh rơi tung tóe. Thật tội nghiệp nó, rong ruổi suốt bao ngày trời theo mẹ, cái đói như đánh vật cái bản thiện trong nó. Nàng nhìn cả hai ái ngại.
– Cô không phải nói nữa, nhìn nó tôi cũng biết nó là con ai rồi. Anh ấy đâu, sao nỡ để hai mẹ con cô ra nông nỗi này.
Người phụ nữ ấy không ai khác chính là vợ hắn, là cái con người đã từng lồng lộn lên bên bờ ruộng ngày nào khi bắt gặp nàng và hắn bên nhau. Thời gian trôi qua tưởng chỉ là những hồi ức nhói lên khi nàng nghĩ đến, ấy vậy mà giờ đây nó đang hiện hữu trước mặt nàng. Không trả lời nàng, từng hàng nước mắt cô ả chảy tràn, gương mặt không còn son phấn, không còn tươi trẻ hôm nào. Nàng đưa hai mẹ con cô ả vào nhà, rồi nấu vội nồi mỳ tôm trứng. Thằng bé e dè nhìn nàng nhưng dường như vẫn chưa thỏa cơn đói, nó lại nhai oàm oạp. Bụng cô ả réo liên tục, dù ngượng nhưng rồi cô ả cũng ngồi phịch xuống bên cạnh thằng con đánh một hơi hết veo. Thằng bé ăn xong lăn vào lòng mẹ mà ngủ ngon lành. Cô ả đưa bàn tay mân mê mái tóc của con, tiếng rầu rĩ nói với nàng:
– Sau khi chị lấy chồng, anh ấy cũng đưa em đi khỏi quê. Bọn em lang bạt khắp nơi, nay chốn này mai chốn kia. Em yêu anh ấy hơn cả bản thân mình, nhưng chưa bao giờ anh ấy không nhớ đến chị. Đêm ngủ anh ấy vẫn gọi tên chị. Thằng bé ra đời, anh ấy cũng bỏ đi vào vùng đất đào vàng. Mặc em van xin thế nào cũng không được. Rồi không may, hầm sập đã cướp đi cuộc sống của anh ấy mãi mãi. Khi người ta tìm thấy xác, trong tay anh ấy vẫn nắm chặt tấm ảnh của chị. Đây chị xem…
Đón tấm ảnh đã được vuốt lại cẩn thận từ tay cô ả, môi nàng mặn chát. Mọi thứ dường như chao đảo. Khó khăn lắm nàng mới đứng vững lại được. Những kỷ niệm xưa chợt ùa về mạnh mẽ. Đã rất lâu rồi nàng mang vết thương mỗi khi nghĩ về hắn, đã có lúc nàng hận hắn để trôi cuộc đời nàng, để rồi nàng mãi vật lộn kiếm tìm hạnh phúc. Vậy mà giờ đây, khi nghĩ hắn đã hoàn toàn rời xa nàng, trong nàng chỉ còn là nỗi tuyệt vọng. Nàng nhìn thằng bé, đôi hàng mi dài khẽ giật giật trong giấc ngủ tròn đầy, từng đường nét trên gương mặt hốc hác kia giống hắn đến tê lòng. Vẫn tiếng cô ả thẻ thọt. Cô ả không nói gì, lẳng lặng dọn lại túi sách lỗ chỗ vết thủng, khẽ lay thằng con. Nàng vội giằng lấy đứa bé:
– Định đi đâu?
– Xin chị tha lỗi. Em và cháu phải đi, giao thừa đến rồi, ở nhà chị sao được…
– Còn chỗ nào mà đi. Hai mẹ con cô ở đây ăn tết xong rồi tôi tính. Đừng bắt tội thằng bé.
Ngoài trời rộn rã bước chân người đi hái lộc. Mùi khói hương vẩn theo gió thơm rực. Bóng hai người in hằn trong bức tường cứ đổ dài xuống. Nàng nhấn ti vi, tiếng hát mừng xuân mới réo rắt. Thằng bé dụi dụi mắt, miệng hớn hở cười tươi nắm chặt lấy tay hai người phụ nữ. Gương mặt nó bừng sáng trong không khí giao thừa vừa mới điểm. Nàng thấy ấm lòng, thấy ga tầu rền vang những hồi còi hội ngộ.
NGÂN HẰNG
Nguồn: vanvn.vn
Bài viết liên quan: