Qua khúc sông sâu – Truyện ngắn của Ngân Kim

– Con ghét má!

Con bé hét lên, mắt nhìn nàng căm hận. Cánh tay đang giá lên lấy lực bỗng dưng ỉu xìu như cọng rau muống dưới nắng trưa. Nàng ôm mặt tu tu khóc. Con bé chạy ùa ra khóc kể với ba.

Con ghét má. Con ghét má.

Chẳng phải đó cũng là câu nói nàng muốn hét vào mặt má từ hồi lâu rồi mà không dám sao, mỗi khi mắt má long lên đỏ ngầu giận dữ, mỗi khi má vả vào mặt, vào đít, vào bất cứ chỗ nào má có thể vả. Khi dứt áo bỏ đi, khi gặp được người đàn ông duy nhất đối xử tốt với nàng là anh, khi cái bụng cựa quậy đôi bàn chân một sinh linh nhỏ bé, nàng đã tự hứa sẽ yêu thương, chăm sóc, bảo bọc chứ không trở thành một người mẹ như má. Vậy mà…

Không hiểu sao nàng không thể kiềm chế được những cơn giận dữ dâng trào như sóng thần trong đầu. Tất cả cảm xúc dồn nén khiến nàng chỉ biết vung tay trong tiềm thức để rồi sau đó lại đau đớn, hối hận. Bàn tay này đã bồng bế con bé từ khi còn nhỏ xíu, đỏ hỏn như con chuột non. Bàn tay này đã ôm riết lấy nó sẵn sàng đánh đổi cả mạng sống để hạ được cơn sốt cao hành con bé vật vã. Bàn tay này đã thắt tóc, đã nựng nịu đôi má bầu bĩnh. Vậy mà, lâu lâu lại chính bàn tay này vung lên vả vào mặt con mỗi khi không chịu làm theo ý nàng. Đến độ con bé ngày càng sợ mẹ, nó luôn tìm cách xa lánh nàng, cái gì cũng đòi ba phải làm cho, ngay cả tắm hay rửa đít sau khi đi vệ sinh. Thái độ của con bé khiến nàng bất lực, càng làm cơn nóng giận trong nàng bất chợt bung nổ nhiều hơn, dữ dội hơn. Rồi lại ôm mặt khóc. Nàng bất lực nhận ra má đang hiện diện bên trong con người nàng, dù muốn chối bỏ, muốn gội rửa cũng chẳng thể làm được.

Anh năn nỉ nàng đi điều trị tâm lí. Anh lùng sục thông tin tìm một bác sĩ giỏi. Vì con. Cái lí do thuyết phục quá khiến nàng đành miễn cưỡng nghe lời. Nàng không muốn giống như má. Nàng muốn khống chế con quỷ ẩn chứa bên trong.

Nàng đi.

Vị bác sĩ trung niên có giọng nói trầm ấm. Nàng không muốn nhớ lại quá khứ đắng cay. Một vết thương muốn lành phải rạch ra, nặn hết mủ, sát trùng. Cô muốn chữa vết thương lòng mà không nói ra thì sao có thể lành được. Bác sĩ ôn tồn biểu vậy. Nàng khóc, dù trí nhớ mới hiện ra khuôn mặt má với đôi mắt ngầu đỏ. Nàng rưng rức khóc, nỗi đau ào ạt dâng chặn đứng ngôn từ. Bác sĩ kiên nhẫn chờ. Ông ta không động viên cũng không dỗ dành. Cái khoảng trống im lặng ấy là thứ nàng cần. Khi núi lửa đã tuôn trào mắc ma ra hết, nó lặng im. Vậy là nàng kể, xen lẫn vài tiếng sụt sịt còn sót lại của cơn xúc động.

*   *          *

Tôi là đứa con lầm lỗi. Má hay rít qua kẽ răng: mày giống thằng khốn nạn đó. Thằng khốn nạn đó là thằng nào, tôi chưa từng một lần dám hỏi chứ đừng nói là biết mặt. Từ khi tôi bắt đầu nhận thức được, chưa bao giờ tôi thấy má âu yếm. Dù đôi lần tôi định đánh lừa ký ức, giả bộ biểu chắc có chớ, do hổng nhớ, nhưng ký ức cười ngạo nghễ hiện ra con mắt đỏ lừ của má đang gườm gườm nhìn tôi. Khi say, mắt má đỏ ngầu, cái màu đỏ không mọng chín hấp dẫn người ta như màu cà chua, cũng không khiến người ta hoảng hốt như màu máu, nó khiến tôi co rúm người lại vì sợ.

Tôi sợ má.

Đó là thực tế không thể chối cãi được. Nên khi nghe nhỏ bạn ngồi gần bàn hồi lớp 2 kể má nó thắt tóc mỗi sáng ra sao, ủi váy đầm đồng phục kỹ càng lại còn xịt dầu thơm lên đó nữa, tôi đã rất đỗi ngạc nhiên tự hỏi “có khi nào má hổng đẻ ra mình không ta?”. Phải má đẻ ra tôi không ta, tôi không chắc chắn lắm. Có thể má lụm tôi ở bãi ve chai nào đó như có lần má chửi. Hoặc là thằng khốn nạn má hay nhắc đã dúi tôi vào tay má bắt nuôi nên mới hận vậy.

Lớn hơn xíu, tôi hơi hơi tin là má đẻ ra tôi. Tại giấy khai sinh kẹp trong tập học bạ ghi: “Mẹ: Nguyễn Thị A”. Nhưng tôi vẫn hồ nghi dữ lắm. Tại tôi thấy má người ta lúc nào cũng ôm ấp, dỗ dành, chiều chuộng con. Cứ nhìn mấy đứa cùng trường mỗi chiều tan học, má tới đón luôn cài dây nón bảo hiểm cho, âu yếm hỏi ăn gì má mua là tôi phát thèm. Má chưa bao giờ hỏi tôi mấy câu như vậy, chỉ biểu gọn lỏn “ăn đi” hay “không ăn thì nhịn”. Cái câu tình cảm nhất suốt mười mấy năm trời sống chung từng được nghe là “mày bệnh hả?” khi tôi nằm rũ rượi lên cơn sốt. Còn lại, mỗi lời tuột ra đầu môi má luôn the thé, cay xè.

Thứ âm thanh ám ảnh nhất trong đời tôi có lẽ là tiếng gõ cửa và giọng nhừa nhựa của má lúc đêm khuya: Còi ơi, mở cửa. Lẹ chân lên Còi ơi. Hễ tôi ngủ quên để má gọi năm lần bẩy lượt đến khan cả cổ (như lời má chửi) là thể nào cũng bị ăn đòn. Ăn đòn tôi không sợ lắm, mà sợ nghe tiếng nguyền rủa của má “càng lớn càng trân trân, y chang thằng khốn nạn đó. Biết vậy hồi đó tao bóp mũi mầy chết cho rồi”. Mỗi lần vậy, tôi chui gầm giường, lặng lẽ khóc. Nếu cái chết là một sự giải thoát, sao hồi đó má không bóp mũi cho rồi, để lớn chi rồi uất hận vầy?

Là tôi tự hỏi lòng vậy thôi chứ không dám hỏi má. Tôi sợ má.

– Một đứa con mà hận thù má của mình. Lòng hận thù ấy càng ngày càng lớn. Anh hiểu điều đó là thế nào không?

Nàng đột ngột dừng câu chuyện đang kể dở, nhìn vị bác sĩ tâm lí. Vị bác sĩ nhìn nàng ra chiều thông cảm:

– Tôi hiểu chứ.

Không, không. Làm sao ông ta hiểu được nỗi đau nàng đã trải. Nàng quay mặt đi cố kìm cơn xúc động, cố nuốt những giọt nước mắt đang xồng xộc định tuôn ra.

– Nếu muốn khóc thì cô cứ khóc đi cho nhẹ lòng.

Nàng đứng dậy ào ra cửa, quên cả gật đầu chào vị bác sĩ, quên cả ngoài trời đang mưa, rồi cứ thế lang thang trên phố như người điên. Mưa. Càng tốt. Sẽ không ai biết nàng đang khóc…

*   *          *

Một đứa con thù hận má mình thì sẽ thế nào?

Nàng đã hỏi anh câu đó rất nhiều lần. Anh luôn trả lời bằng một cái ôm rất chặt, bằng bàn tay vuốt ve dỗ dành. Bao giờ bật ra câu hỏi đó nàng cũng nức nở hàng giờ mới nhẹ lòng được.

Lòng thù hận của một đứa con với má mình thì như thế nào?

Nàng tìm thấy câu trả lời trong mắt con bé khi nàng vung tay lên định xáng nó. Đôi mắt gườm gườm đầy tia thù hận. Nàng sửng sốt phát hiện ra chính nàng ngày bé trong đôi mắt ấy. Nàng bật khóc đớn đau. Đã dặn lòng không trở thành người mẹ như má, vậy mà…

Tại sao dòng máu của bà ấy cứ cuồn cuộn chảy trong nàng? Tại sao tính cách cục súc của bà ấy cứ âm ỉ cháy trong nàng? Tại sao nàng lại vô thức bước đi trên con đường bà ấy đã đi? Nàng đau đớn tự hỏi mình, rồi bế tắc giữa tiếng cười giễu cợt “mày cũng chỉ tệ hại vậy thôi”. Có lần trong sự tuyệt cùng bế tắc, nàng lấy dao lam rạch cổ tay hòng đẩy hết thứ máu độc hại của má ra ngoài. Trong cơn mê man, nàng nghe tiếng gào thất thanh của con bé “ba ơi, ba ơi, má đỏ hết người rồi ba ơi”. “Má ơi, đừng chết nha má”, câu cuối cùng nàng nghe thấy là tiếng nức nở tuyệt vọng của con bé.

Đừng chết. Không, nàng rất muốn hủy hoại thân xác này. Nếu sống mà cứ chứng kiến mình lặp đi lặp lại sai lầm trong vô thức không thể cưỡng lại được thì sống để làm gì. Nàng nhiều lần muốn chết. Những khi má gào thét “thà hồi đó tao bóp mũi mày chết cho rồi” thì nàng ước được chết ngay lúc ấy mà lại chẳng biết làm thế nào để chết.

Nếu chết là một sự giải thoát, nàng ước được chết từ rất lâu rồi.

Con thú hoang còn hạnh phúc vì được tự do. Dẫu trước mắt nó không thể tránh những ngày đói khát. Nhưng thà chết vì đói khát mà được tự do còn hơn.

Vậy là nàng rời bỏ căn nhà đó, lặng lẽ trong đêm. Bữa đó đang tháng bảy, mùa áp thấp. Mưa không ào ào dữ dội, cứ rả rích hoài không dứt. Hay ông trời đang khóc cho số phận của nàng.

Nàng lê lết đi trong mưa. Da tái đi mà chẳng hề thấy lạnh. Còn thứ gì buốt giá hơn nỗi đau trong lòng…

Em có thể nào quên đi tất cả quá khứ không? Sao lại phải giày vò mình bằng những ảnh hình đã qua? Dẫu có đớn đau nó cũng là quá khứ. Anh nhiều lần bảo nàng như thế. Phải. Tất cả đã là quá khứ. Chẳng phải giờ đây ông trời đã bù đắp cho nàng một mái ấm nho nhỏ. Chẳng phải nàng nên sống hạnh phúc với hiện tại đi sao. Nàng cũng muốn vậy lắm chứ, nàng cố gắng dịu dàng, cố gắng nhỏ nhẹ từ tốn khi nói chuyện với con bé, vậy mà, tự dưng đôi khi, con quỷ ẩn sâu trong nàng bừng thức dậy, nó trợn mắt, phùng mang, la hét ầm ĩ, quát tháo, vung tay giá vào thân thể con bé. Để rồi khi con quỷ ấy chìm vào giấc ngủ trở lại, nàng hoảng hốt nhận ra bóng dáng má hiện hữu quanh đây, thất thần nhìn thước phim quá khứ nhảy múa xung quanh.

Nàng khóc. Nàng còn biết làm gì hơn khóc. “Con ghét má”. Con bé xua đuổi khi nàng lại gần muốn nựng nịu xin lỗi nó. Nó giẫy đạp, la hét, khóc ré lên chạy qua chỗ ba. Nỗi tuyệt vọng ùa vào trái tim nàng.

Nàng muốn kết thúc cuộc đời mình, kết thúc sự sống của con quỷ di truyền bên trong mình. Đó có lẽ là cách duy nhất chấm dứt.

Nàng cắt cổ tay lần thứ 2. Lần này chọn lúc con bé đi nhà trẻ và anh đi làm. Thế là hết. Giấc mơ nào cũng phải kết thúc, dẫu có êm ái ngọt ngào hay ác mộng kinh hoàng. Lần này nàng quyết tâm đẩy hết thứ máu mà má đã ban cho ra ngoài. Nàng vĩnh biệt thế giới bằng hai giọt lệ ứa lên trên khóe mắt, bằng nụ cười bình thản đón nhận sự ra đi.

Nhưng ông trời không cho nàng chết. Bữa đó anh đột ngột trở về nhà trên đường đi mua phụ tùng cho ông chủ. Sau này anh kể đang chạy xe mà bụng nóng ran nên tạt về nhà xem thử. May sao cấp cứu kịp. Nàng thở dài, sao anh lại tạt về chi, sao không để cho em đi. Em thấy sự sống của mình vô nghĩa lắm.

– Khùng quá. Em không nghĩ tới con sao.

– Chính vì nghĩ tới con em mới muốn ra đi. Nó hận em.

Nàng nấc nghẹn.

– Có người mẹ nào không đau đớn khi thấy con mình ghét bỏ mình.

– Em sai rồi. Con bé không ghét bỏ em. Chỉ là đôi khi nó thấy sợ. Anh đã giải thích cho con rồi, rằng má chịu nhiều thiệt thòi, rằng má không muốn làm con đau chỉ là không kiềm chế được, rằng má rất thương con nên phải thông cảm cho má.

– Nó sẽ không bao giờ hết hận em. Em sợ. – Nàng nhìn xoáy sâu vào đôi mắt anh, tuyệt vọng – em sợ con bé phải chịu những đớn đau giống em.

Anh kéo nàng vào lòng, vuốt ve dỗ dành:

– Không đâu. Rồi nó sẽ hiểu. Ổn rồi. Tất cả đã qua rồi mà em.

Ổn rồi. Đó là câu dỗ dành đầu tiên trong đời nàng được nghe. Ổn rồi. Bao giờ anh cũng an ủi nàng như vậy. Nhiều lần nàng hỏi chớ mắc gì anh thương em như vậy, chớ mắc gì tốt với em như vậy. Anh cười hiền vì kiếp trước anh nợ em nhiều quá nên kiếp này trả bù. Câu trả lời trớt trớt vậy mà nàng ưng quá đỗi. Chắc vậy, nếu không phải duyên nợ kiếp trước sau lại vồ vập đời nhau làm gì. Một kẻ mồ côi, vật vạ lớn lên đầu đường xó chợ, thèm khát hơi ấm gia đình. Anh đã quyết tâm phải sống tốt, vậy là tích cóp dần số tiền nhặt ve chai, bán vé số bao năm để đi học nghề sửa xe. Một cái nghề lương thiện, kiếm đồng tiền lương thiện, mơ về một mái nhà nhỏ nhỏ có mùi đồ ăn vợ nấu, có tiếng cười con thơ. Bởi vậy sáng sớm hôm đó, khi đi bộ đến chỗ làm, thấy con nhỏ co ro dưới mái hiên cửa tiệm, anh đã động lòng thương. Cũng may chủ tiệm là người giàu lòng thương người, nên khi biết hoàn cảnh con nhỏ đã cho nó ở lại tiệm, phụ việc nhà. Con nhỏ lần đầu tiên cảm nhận hơi ấm tình người từ những con người xa lạ. Và anh, khi ấy là chàng thanh niên mười bảy, nhen nhóm cái ý nghĩ phải chở che, bảo bọc cho người ta. Hai kẻ thèm hơi ấm cứ thế xích lại gần nhau, ráp thành một đôi, cũng chẳng cưới hỏi, về chung một nhà. Nhà, làm gì có nhà, chỉ là về ở chung phòng trọ cùng nhau. Anh biểu, thiên hạ rộng lớn vầy, phải có chỗ dung thân cho hai đứa mình. Quên hết quá khứ đi em, mình làm lại từ đầu.

Ừ, thì rũ bỏ.

Những tưởng đã để quá khứ ngủ yên, những tưởng mỗi sớm mai chỉ toàn ánh mặt trời rực rỡ. Ai dè, từ khi có con bé, nàng hay hoảng hốt nhớ lại ngày xưa, cái ngày xưa đã cố tình rũ bỏ…

Nàng nhất quyết không chịu đi gặp bác sĩ tâm lí nữa dù anh năn nỉ hết lời. Nếu em không thể tự chữa lành cho mình được thì không ai có thể. Nàng đã cứng rắn biểu anh như vậy. Thiệt. Vết thương ấy, nàng phải tự mình khâu nó lại, tự mình cắn răng chịu đựng nổi đau, tự mình kiên nhẫn chờ đợi nó lành và tự mình chấp nhận vết sẹo dài đi theo cả phần đời còn lại. Ừ, nếu em quyết tâm vậy thì anh và con sẽ chờ. Rồi sẽ ổn thôi vợ à.

Rồi sẽ ổn thôi. Nàng bắt đầu an ủi mình bằng câu nói của chồng. Cơn dông nào rồi chẳng tạnh. Đêm dẫu dài cũng phải hửng sáng trước bình minh. Anh giúp nàng chăm sóc, kèm con học. Anh bảo khi nào em gần con hãy nói chuyện vui vẻ, đừng đề cập đến học hành gì hết, để anh lo. Hay em đi tập thể dục đi, có nhiều bạn bè sẽ đỡ suy nghĩ tiêu cực. Nghe lời anh, nàng tập thiền. Nàng đẩy cảm xúc của mình về con số không. Không hận thù. Không tức giận. Không ganh ghét. Mỗi ngày nàng cố gắng suy nghĩ tích cực. Không có gì khó nếu ta muốn làm. Rồi sẽ ổn thôi vợ à, cuộc đời anh chẳng gặp những lúc khủng hoảng như thế. Anh giúp hai má con hàn gắn bằng cách chở đi ăn cái này cái kia, hay đi siêu thị mua đồ. Đôi lần nhìn hai ba con tung tăng phía trước ca hát vui vẻ, nàng bật khóc. Hạnh phúc là thứ có tồn tại trên đời phải không?

Một bữa nọ anh biểu em còn giận má hay không? Sao hỏi chi. Tại… tại … anh thở dài, má mất rồi. Im lặng. Nàng nhắm nghiền mắt cố giữ đầu rỗng tuếch.

– Anh đã từng ao ước biết được ba má anh là ai.

Nàng vẫn im lặng, giả vờ không nghe.

– Suy cho cùng, chúng ta đâu thể lựa chọn gia đình mà mình sinh ra, lựa chọn ba má của mình. Dù gì, đó cũng là người đã sinh ra em…

Nước mắt ồng ộc tuôn ra không thể ngăn lại được nữa. Dòng thác cảm xúc đau thương, thù hận, xót xa cuốn phăng nàng đi.

Dù gì đó cũng là người sinh ra…

Không ai có thể lựa chọn được ba má của mình…

Vì câu nói của chồng mà nàng đồng ý theo anh về thắp nén nhang đưa tiễn má.

Không còn đôi mắt ngầu đỏ giận dữ. Không còn những lời nhiếc mắng. Không còn những cái tát in hằn năm ngón tay trên thịt da.

Má nằm đó lặng im trong chiếc quan tài gỗ.

Nàng nhớ mình đã thắp nén nhang, lẩm nhẩm cầu linh hồn má mau siêu thoát.

– Má mầy đáng thương hơn đáng trách. Từ ngày mầy bỏ đi, bả say tối ngày, gầy rộc đi. Nó đau lắm đó, chồng ngoại tình bỏ đi khi cái bụng vượt mặt sắp tới ngày sinh nở. Con gái ruột cũng bỏ đi. Đau lắm, tao biết, mầy đừng hận má mầy nữa. – Bà Năm hàng xóm sụt sịt sa nước mắt – Tao đã khuyên nó bỏ rượu lâu rồi mà nó không nghe, biểu hông có rượu sống không nổi. Rồi đó, uống quá ngộ độc chết.

Tự nhiên bao nhiêu hận thù ngày trước tan biến thay vào đó là nỗi xót thương. Chính lòng hận thù quá lớn khiến má thành ra tàn ác lúc nào không hay.

Hận thù. Hận thù. Hận thù…

Nàng khóc tu tu như đứa trẻ bị đòn oan. Sau khi tiễn má về với đất, nàng tự mình vá lại vết thương lòng. Nàng biểu chồng đưa con dọn về nhà sống, hương khói cho má. Nàng muốn gây dựng cuộc đời mới chính trên nơi đã từng rũ bỏ để ra đi. Nàng đã đủ dũng khí để đón nhận tất cả khổ đau, thử thách chờ đợi mình phía trước. Chẳng còn gì đáng sợ nữa.

Qua một khúc sông sâu, ai còn sợ cơn sóng dữ…

Ngân Kim