Phóng man – Truyện ngắn của Mạc Yên

Thằng Tim dộng vào vách ngăn liên tù tì không ngơi tay, trong đầu sướng rơn khi thay tấm kim loại nhăn nhúm đang nảy tòng tọc kia bằng bản mặt thánh thiện bố láo của con Da. Âm thanh phía bên đó đã im hẳn, nhưng cơn phê tưởng còn đang lưng chừng lên dốc, giờ chỉ mới tới đoạn con Da tru lên mấy tiếng thất thanh, nên nó thẳng tay đập luôn bằng hai tay cho đã khoái. Tiếng hí bắt đầu xịt từng hồi qua khe mũi nó, cặp tròng khoái trá thiếu chút thì lọt khỏi hố mắt bởi mớ ảo thanh tru tréo bị đánh đứt ra, tét thành mấy que chỏi lỏi xơ xác.

– Thôi! – Mẹ thằng Tim quát.

Đang giữa cơn sướng tự nhiên cụt ngang, thằng Tim nằm phễnh ra ghế, tay quay quay tấm thẻ thông hành đeo trước ngực. Cặp cẳng cong cứ thò lên taplo để gác, nhưng toàn hụt. Đám cây chạy ngược ngoài đường đang dầy lên, cây nào cũng toàn cành với lá nên nhìn chung nó chả còn biết cây nào là cây gì. Mẹ Tim thấy con mình có vẻ chán dần, con thú ngán ngẩm trong người bà cũng bắt đầu trườn ra. Bà đã không ưa gì mấy trò này ngay từ đầu rồi. Con chịu rủ thì bà phải chiều thôi. Quên đời làm quái gì có người mẹ nào dám từ chối một chuyến công ích cho con cái chứ, mừng còn không kịp. Ở địa vị của bà thì mừng còn hơn bắt được vàng. Thế nhưng, cơn ăn mừng đã quá cố trong hồi tưởng vừa nhen được nửa chừng thì gãy ngang cái rụp. Thằng Tim bắt đầu trò thử độ cứng của tấm thẻ thông hành với thành cửa.

– Đố con biết chúng ta đang đi đâu nè? – Giọng mẹ Tim ngọt ngào ngất ngây, dịu dàng thanh tao và đầy bao dung nhân hậu. Một sự giả tạo không thèm giấu giếm vì bà nghĩ con nít nó vốn ngu.

– Dạaa… Chúng ta đang đi vào rừnggg!

– Đúnggg rồiii! Con biết trong rừng có gì hông nè? – Mẹ bắt đầu tưởng tượng cái thây già nhăn của mình mơn mởn trở lại, rồi non tơ ra, xíu nhỏ thành con choắt bảy tám tuổi xúng xính đạp ga, rồ máy.

– Dạ có cây!

– Cây gì nè?

– Ủa ai biết mẹ? Mẹ không biết thì mắc gì hỏi con? Muốn thể hiện thì mẹ nói luôn đi. – Tất nhiên đấy chỉ là độc thoại trong đầu thằng nhỏ, còn miệng nó đang bận rót ra mấy lời phải phép. – Dạ Tim không biết mẹ ơi. Mẹ biết không?

– Ờ… Đó, đó! – Mẹ chỉ vu vơ vào phía rừng. – Cây đó là cây chuối!

– Ôi! – Thằng nhỏ chấm đại một cái cây nào đó rồi lướt đầu nhìn theo cho tới khi khuất hẳn. – Thì ra cây đó là cây chuối hả, con mới gặp lần đầu luôn ớ!

Mẹ thằng Tim liếc trái rồi ngóng phải, chân ga lơi lỏng làm cái xe cà giật vài hồi như nấc cụt.

– À kìa kìa… cây đó là cây dừa đó con!

– A cây dừa, cây dừa! Cây dừa đẹp quá mẹ ha.

Cái xe bây giờ lúc rề rịch, lúc lại nhóng lồng lên cộng thêm hiệu ứng lạng lắc như một con vịt quẫy nước sau khi du hí dưới hồ về.

– Có cây me kìa!

– Cái con khỉ á! À… con thấy khỉ mới vừa bò ngang trong rừng hay gì á mẹ!

Một thoáng im lặng nhè nhẹ phảng phất.

– Con mẹ giỏi ha, con biết con khỉ luôn á hả! Ha ha…

Lại có tiếng ồn, thằng Tim chưa kịp ra tay thì mẹ đã dộng một cái thật lực như muốn ăn hết phần thiên hạ. Không cần tưởng tượng cũng thấy rõ tấm vách bắt đầu lặt lìa trong cái mẻ móp méo đáng thương. Mẹ Tim cười hiền rồi chiếc xe êm ái trở lại như chưa hề có cuộc lên ga sượng trân nào từng tồn tại ở đây hết.

**

Cả hội trường cũng không đông lắm, chỉ mấy trăm mạng nằm lăn lóc trên sàn với chiếc chiếu riêng. Để chống chịu cái lạnh đang phà phà từ trên đầu, ai cũng quấn quanh mình tấm mền ráp lại từ những ô vải đủ các thể loại chất liệu. Nhiều tấm đã bị thấm sâu vào thớ vải mấy dấu tay bết, có cả loang lỗ đọng lại từ dịch ói của ai đó, một số tấm may mắn sáng màu hơn không phải vì nó mới mà vì đã bạc đi do chà rửa trong thuốc tẩy. Thú vị là, người nheo nhóc đấy nhưng các lô chiếu vẫn đều tăm tắp như bức tranh khảm vĩ đại. Đến nỗi, tên họa sĩ hay gã điêu khắc nào lạc ngang qua đây chắc phải quỵ hẳn xuống trước vẻ đẹp bát nháo mĩ miều này. Rồi nó sẽ ca hẳn mấy bài về nghệ thuật đương đại ở tầm xuyên biên giới, cóc cần biết mấy cái chiếu vốn không hề xê dịch do được dán xuống sàn bằng keo con chó hôi rình. Chỉ khi chiếu đã nát vô phương cứu chữa, một toán người cầm xẻng sẽ ùng ục ập vô, xúc sàn sạt vào xô rồi dán bù tấm khác.

Cái lô nơi góc phòng cô đang nằm rất ư thuận tiện để phóng mắt ra khắp giang sơn khát khao này. Ở đây phụ nữ chỉ chầu chực một chỗ ở, mà tốt nhất là được kèm thêm tí việc để làm. Còn mấy bà mấy cô đằng kia thì mong có thêm một chỗ nho nhỏ khác để chứa cái cục nợ ồn ào đang đu bám lấy họ. Có bầy đàn ông sướng nhất, chả có mong muốn cụ thể nào hết, chỉ cần đủ cái bỏ lên mồm và bỏ xuống dạ dày thì giá nào cũng được, hoặc bỏ lên mồm và bỏ xuống dạ dày chính là giá thì vẫn được. Tóm lại là tào lao xuề xòa hết.

Khi may mắn tới được đây, người ta lùa cô vào từ cửa Bắc, cứ mỗi đợt nhấc mông đi thì chuyển vòng qua cánh Đông, cánh Nam, để cuối cùng đưa vào ô cửa ở cánh Tây để chơi trò phỏng vấn. Cô chỉ còn cách cửa tây nửa cái tường thôi, nhưng nửa tháng nay chưa nhích thêm được tấm chiếu nào. Không cần thông minh cũng đoán được một đợt thu nhận lớn sắp diễn ra. Nếu mà cô rớt thì lại xoay vòng vòng trong này cho tới khi được nhận. Đơn giản như đang giỡn.

Có người mãi không được nhận, cứ xoay từ chiếu này qua chiếu khác, xoay hết vòng này đến vòng khác. Xoay được hẳn mười mấy năm tới khi hết tuổi thì người ta bóc ra phòng khác. Rồi xoay tiếp. Cứ thế mà trải nghiệm mọi tấm chiếu trong mấy cái hội trường, ngày đủ ba bữa cơm, có chỗ ngủ, có người quét dọn, có luôn cả chăm sóc y tế. Cô nghe đồn có một số người xem việc trải nghiệm mọi tấm chiếu trong hội trường là mục đích sống chân chính của họ. Quan sát nhân sinh trên dòng xoay chiếu gối. Thấm đẫm thế thái từ xã hội chiếu gối. Khai mở nhãn quan là điều tối thượng của một đời người! Mà trong này mấy chục năm dễ có mấy chục ngàn đời để ngắm. Cũng có phải lo ăn lo mặc gì cho mệt, rồi rảnh quá nên dư luôn thời gian chiêm nghiệm để thăng hoa tâm thức.Thậm chí khi gần nằm hết các ô rồi mà đột nhiên có chiếu mới bị thay vào là họ đúp vòng cho tới khi nằm đủ thì thôi. Nói chung ở đây chết thì không cho chết, nhưng mấy khát khao tào lao còn lâu mới hết tào lao vì nhiệt huyết. Mà khát khao nào chả tào lao. Cô cũng đã tính tới chuyện nên rớt một vài đợt tuyển. Tất nhiên cô không có sở thích sưu tầm chỗ nằm, cô đúp để thăm dò thì đúng hơn. Chứ một khi được chọn rời đi rồi thì làm gì còn quay lại được nữa. Đâu có ai quay về để kể cô nghe bên kia cánh cửa là thế nào.

***

Anh dựa lưng vào vách đá, vốc từng nắm nước rửa vết cắn ở cùm tay. Tiếng cây gãy vẳng lại sau lưng báo hiệu trò đuổi bắt súc vật lại tiếp tục. Anh phóng qua suối. Nước suối mùa này hơi xiết, nhưng để nước cuốn đi thì còn có cơ may sống chứ để bị bắt thì chỉ có nước chết vì bị trả về. Thế mà may đáo để làm sao, anh không bị bắt cũng không bị nước cuốn chết luôn. Nhưng mà may mắn xài riết cũng có lúc hết, và đó là lúc này.

Anh vô tình va vào một ổ rắn.

Còn chưa kịp mừng vừa chạy thoát cuộc bố ráp thì giờ đây mảnh đất này lại tặng cho anh một thử thách thú vị đến phát khóc. Bọn rắn lúc nào cũng mặc những bộ đồ bằng vải dù không sặc sỡ, bên hông luôn mang một chai thuốc sơn. Chai thuốc của đám này màu đỏ tức là không dính líu gì đến bọn anh từng thuê. Nhìn toán chuột lơ ngơ ngồi kia thì chắc cũng sắp tới lúc lũ rắn này thịt họ. Nhưng anh không có hứng nổi máu anh hùng, bởi vì anh làm quái gì có máu anh hùng. Không có thằng anh hùng nào thuê một đám rắn để đi luồn rừng hết. Chỉ có bọn tham sống bị dồn đến bí đường mới làm thế thôi. Bọn rắn dư biết điều đó, thế nên những “con đường bảo đảm bí mật” của chúng luôn có giá trên trời. Sẵn bí mật hơi tốt quá, nên chúng cũng thường lột sạch những ai thuê chúng.

Chúng chỉ có hai mục đích là thí chuột để câu cá hoặc là thí chuột để chầu ưng. Như trong đám này thì thằng cha ăn mặc hơi bần kia chắc chắn là ưng. Cái mẻ của bọn ưng luôn là không hợp lý. Bề ngoài thì bần, nhưng cách hành xử thì không ra cái sự bần chút nào. Người ta thì cầu đi nhanh cho qua bên kia, lo đường dài lắm mộng. Còn hắn có thể vui vẻ, có thể bạo gan bạo miệng, có thể điềm tĩnh, nhưng không thể nơm nớp lo sợ tai vách mạch dừng, co rút, ru rú, đo đếm từng giây. Thế nên cái gã đang nhấm nháp kia là ưng, và đám người chẳng bỏ được miếng bánh mì nào vào bụng đích thị là chuột.

Mười chuyến thế này thì chỉ sáu bảy chuyển lọt biên. Hai ba chuyến thì bị bắt lại rồi bằng cách này hay cách khác đều bị trả về nơi xuất phát. Rắn tất nhiên thường sẽ rút đi một cách êm thắm, chờ lắng, lại gom đám chuột mới. Biên là cái lỗ rút bé xíu, còn khu rừng này là một vực xoáy lười nhác nhớt thây. Bất cứ cái gì trôi dạt vào sẽ chạy vòng vòng quanh có lỗ rút đó. Hên thì đi vài vòng rồi chui qua lỗ, xui thì chứ vòng vòng rồi dạt ra ngoài, lại chui vào quay vòng vòng tiếp cho tới khi hên. Nhìn chung là không chết được. Thế nên công cuộc làm ăn của bọn rắn mới ổn định tới vậy khi tình hình bất ổn hãy còn ổn định dài dài. Cho tới khi có một hai con ưng. Tất cả những con chuột này sẽ là bình phong cho ưng bay cao bay xa thẳng vào lỗ hút kia, nên một khi có ưng thì chuột bít cửa sống. Nhưng trong cái rủi lại có cái may: anh vẫn chưa bị chúng phát hiện.

Tính ra thì đây đã là lần may mắn thứ bảy thứ tám trong tuần rồi chứ đùa. Nhưng sao ngay từ đầu anh không may luôn một lượt đi? Rồi bây giờ anh phải đi hướng nào để tới trại tập trung đây?

***

– Con trai thương mẹ làm mẹ vui quá trời!

– Con có lúc nào mà không thương mẹ quáaa trời đâu!

– Mà sao con biết mẹ hay làm từ thiện vậy?

Thằng Tim cười cười không nói, làm ra vẻ trẻ con bí mật. Mẹ nó liếc ngang, ra vẻ hiểu chuyện lắm, giở giọng bắt bài.

– Bạn nào chỉ con hả?

– Ủa sao mẹ biết hay dạ!

– Con trai yêu của mẹ nghĩ gì là mẹ biết hết!

Thường mấy ai nghĩ mình thông minh biết hết mọi thứ tức là không được khôn cho lắm, mà trong trường hợp này thì đúng. Thằng Tim đâu có rảnh để nhân dịp này thể hiện ba cái lòng hiếu thảo. Nó nói chuyện đẩy đưa với mẹ đã quá dư hiếu thảo tới hết kiếp rồi. Nói chuyện với mẹ làm nó tốn năng lượng còn hơn chơi đánh lộn với mấy thằng trong lớp.

– Mà mẹ mới biết cách làm công ích kiểu này luôn á con.

– Tất nhiên rồi! Con tự nghĩ ra mà mẹ!

– Gì?

Mẹ Tim trề môi, lắc đầu, ngó qua thằng con. Thằng con thì bắt đầu quắc mắt lên. Từ khi cha sinh mẹ đẻ tới giờ gần tám năm mà nó chả bao giờ được đường hoàng công nhận trong cái nhà này. Chắc bả tưởng nó cũng ngu như bả, hoặc là ngu hơn bả, như ba nó hay nghĩ. Đi tới đâu người ta cũng làm ra vẻ nó còn nhỏ lắm nên chẳng biết gì, và cũng chẳng cần biết gì cả. Rồi đám bạn cũng thi nhau ra vẻ tao biết cái này, tao biết cái kia, còn tụi bây thì ngu và mày thì dốt. Thằng Tim chả thấy ai khôn hết, vì cái thằng khôn thì chẳng mấy khi thể hiện ra mặt làm gì. Thế nên nó cũng tức tới nhức cái lòng vì lỡ thể hiện thái độ ra mặt với trò chọc ngoáy của mẹ. Đáng lẽ nó phải giả tạo vào chứ? Như thế mới là người trưởng thành.

– Con thấy người ta nói mấy người đi làm công ích toàn làm vì bản thân người ta thôi. Nên con mới suy ra là phải làm cho người khác chứ bộ.

– Chồi ôi, cho nên con trai yêu của mẹ mới làm công ích cho mẹ phải hôn? Con trai tôi thông minh quá trời. Tiếc là ba đang bận không đi với hai mẹ con mình được.

– Thôi, ba có bao giờ thích mấy trò tâm linh này đâu.

– Chồi ôi con tôi bữa nay biết tới tâm linh rồi nha!

– Mẹ làm quá hà. Bạn bè con ai cũng biết hết á. Ba mẹ nó đi cúng lễ rồi tiện tay chia cho vài đồng kêu làm nên tụi nó làm thôi!

– Vậy là tụi nó dở rồi, không chủ động như con mẹ, cũng không biết suy nghĩ làm từ thiện vì người khác mới ý nghĩa. Đúng là con mẹ giỏi.

Thằng Tim cười phớ lớ, tay chân bắt đầu khua khoắn, hết đập đập vào cửa sổ tới đạp đạp vào taplo.

– Ủa bữa nay mẹ làm gì khen con dữ dạ. Trước giờ con có nghe mẹ khen con đâu.

Mẹ nó cười. Tất nhiên là nó không biết rằng để thỏa mãn cái chí công ích của thằng nhỏ, ba nó đã tự nguyện rút hầu bao nhét cho bà bao nhiêu tiền. Với lão thì tiền thuế đã đủ để đất nước lão làm từ thiện bấy lâu nay rồi. Đó là chưa kể tiền sinh hoạt hằng tháng lão thí ra. Mà bà cũng đâu có làm không công được, hiển nhiên là phải lấy cho dư vốn! Không chỉ chi bộn tiền mua hàng phóng sính, bà phải kê lên để trả phí tổn thất tinh thần cho bà và trai con, phí an ủi thằng con vô tri chỉ vì sự vắng mặt thằng cha, phí cho bà làm giùm nghĩa vụ thằng chồng lẫn bà mẹ. Cả phí thuê và lái chiếc xe mà đáng lẽ ông chồng bà mới là người làm việc này. Bấy nhiêu là dư dả để bà tậu thêm mấy món đẹp đẽ khiến tụi bạn lé loài mắt, muối nứt mặt.

***

– Chị nghe nói bà bên kia đúp được mấy lần rồi đó. Mấy người có con nhỏ như chị chờ lâu rồi, đợi tuyển cũng khó hơn người ta.

Cô im lặng lắc đầu. Ở chỗ này, nếu không biết cảm thán gì cho phải lẽ thì cứ đem cái đầu lắc qua lắc lại. Lắc chậm thôi, để người ta tưởng là mình hãy còn chú ý ghê lắm, thấu hiểu tận tường lắm. Ở trong mấy cái hội trường mà gật thì ngay tức thì thành lũ máu lạnh, cho dù là gật đầu với sự thật hay đồng ý bất cứ điều gì người ta nói ra. Chả cần biết đáp lại hay không, lời người ở đây nói ra là lời tát tay hết cả, nên cứ lắc như một con chó trên taplo mà sống. Hình như ban đầu đó là cách để người ở đây làm quen với những cuộc phỏng vấn bên kia cánh cửa phía Tây, nơi duy nhất cái gật đầu tồn tại trên cõi đời này đồng nghĩa với việc được cấp quyền trở lại làm người một cách đầy đủ.

– Đợi đứa nhỏ lớn thêm tí cũng không biết là dễ nhận hơn không? – Cô nói, và cái đầu vẫn lắc chậm chạp từ bên này qua bên kia.

– Lỡ mà được chọn thì em chọn gì?

– Em làm cái gì cũng được, tay chân hay tính toán em đều làm hết rồi. Mà em nghi đợt này ngừng lâu chắc người ta lùa dữ lắm. Không biết họ cho mình làm gì.

Người đàn bà ở chiếu bên cạnh cũng lắc lắc đầu.

– Chị định đúp kì này.

Cô nhìn bà chị đang đèo cục nợ bên hông, lần này thì cô thật lòng lắc đầu cho chị ta. Thằng nhỏ nửa nằm nửa ngồi để mặt mình hất lên đèn trần, tay vẽ vẽ gì đó trên không trung. Cô thấy nó thường không nói gì, cũng không phải loại tay chân hoạt bát gì cho cam. Nó cứ ở im đó dỏng tai nghe hai người đàn bà hết nói rồi lại lắc. Và chẳng biết bằng cách nào nó lại hiểu nhưng cố vờ như dửng dưng. Cô chỉ muốn trờ tới tát ráo mấy cái vô mặt, nắm thốc nó lên mà thét vô cái bản mặt láo cá mầm mống từ khi chào đời kia rằng: “Sống cho thật vào thằng quỷ! Mới có chút tuổi đừng có láo! Giả bộ rành đời!” Nhưng đoán xem cô làm gì? Ừ đấy, cô chỉ ngồi đó, nhìn nó, lắc đầu, hết. Tự nhiên cái thứ cô muốn tát tay nhất chính là mặt mình, hoặc mặt mấy thằng đã khiến bà chị kia phải bồng bế nhau về đây. Đã về được đây là ông bà tổ tiên mười tám đời gia hoánh phù hộ lắm rồi đấy! Bao nhiêu người chết bờ chết bụi bên kia.

– Chị đúp thì thằng nhỏ no, nhưng ai biết được ngày nào mấy cái hội trường này giải tán. Hên thì nó lấy vợ đẻ con trong này, xoay tua thêm một đời nữa.

– Giờ còn có hai mẹ con thì bám lấy nhau chứ em. Không vì nó thì chị đâu có tới đây.

Thằng nhỏ nghe tới đó thì quay người phắt qua bên kia mộ cú rất lực và gọn. Mẹ nó bận lắc đầu ngó nghiêng ra đám đông trong hội trường nên chẳng thấy. Rồi vừa hay mắt bà chị đậu lại chỗ một cặp nào đó đang sàn qua đáp lại. Cô chẳng biết hội trường này bỏ thuốc gì không mà người vào đây ra chiều ngô nghê quá.

– Ở đây không phải ai cũng vô tư đâu, bây giờ thì chưa, nhưng đúp lâu dần người ta sẽ bỏ bê, xuống cấp, có khi lại đâm ra tệ nạn đó chị. Rồi bị đuổi qua bên kia không biết chừng. Hội trường mình không thấy chứ mấy hội trường khác không biết có không.

Bà chị chưa kịp suy nghĩ lâu thì đợt gom người vụt tới không hề báo trước. Mấy chục con người tốc mền ra, quấn nùi cho gọn rồi phủi mông đi, rất gọn lẹ nhẹ nhàng. Cũng phải thôi, tới được đây thì chẳng ai còn lại gì ngoài mạng mình, mọi thứ đều rơi rớt hết bên kia rồi.

Sau cánh cửa là hàng ghế xếp đặt ngay ngắn, phía trên là một loạt bàn dài đã có năm người ngồi sẵn. Cứ thế lần lượt lên đối đáp với họ. Không được thì lại vòng về ngồi ghế chờ đợt năm người khác thế chỗ. Mấy câu hỏi nhiều vô kể. Nhưng tuyệt nhiên không một câu hỏi nào liên quan tới chuyên môn nghiệp vụ cả.

– Chị tới đây khi nào?

– Chị định nuôi đứa trẻ ra sao?

– Chị có thể đảm bảo việc làm, và giao đứa nhỏ cho nhà chăm sóc trẻ em không?

Khoan đã, sao lại có những cú hời kì lạ thế nhỉ. Thế ra chỉ cần tống bọn nhóc cho một trung tâm nào đó rồi cứ thế nai lưng ra bừa, cuối tháng trả tiền mà chẳng cần phải chăm con à? Thế mấy bà mẹ không được chọn là vì sao?

– Lịch thăm con thì sao thưa ngài?

– Không, chị phải đi làm để chi trả phí chăm sóc và những dịch vụ công khác mà chị đã hưởng từ chính sách của chúng tôi. Điều kiện chăm sóc rất tốt.

– Là sao? Tôi không được gặp lại con sao?

– Con chị sẽ được hưởng một nền giáo dục và chăm sóc tiên tiến. Chị cũng được đãi ngộ tốt vì đã giúp đất nước này có thêm những công dân mới.

Bà chị im lặng, lắc đầu. Cô không biết do quen thói của căn hội trường đã ám ảnh hay chị ta thật sự từ chối vì không muốn chia lìa con mình.

– Thôi đi! Mẹ làm như mẹ chăm sóc được con vậy. Mẹ đi làm đi, con muốn đi học, con muốn nhà mới, con muốn sau này làm họa sĩ. Con chán ở đây nhìn cái mặt mẹ lắm rồi!

Từ trên lòng bà chị nó phóng thẳng xuống, chạy một mạch về phía cánh cửa những người nhận việc đã đi khỏi. Một anh bảo vệ cản chị lại không cho vào trong, một anh khác lom khom chạy theo thằng nhỏ nhưng không có vẻ gì sốt ruột cho lắm. Nhưng, rõ ràng, cái lúc nó chạy đi cô thấy nó khóc. Khóc vì hạnh phúc.

***

– Ê Tim. Hôm qua mình gặp mẹ bạn đó, tội nghiệp dì quá hà.

– Tránh ra!

Thằng Tim hét vào mặt con Da nhưng chẳng ăn thua. Một toán ba bốn đứa con gái sấn tới ép người Tim vô tường. Giả mà quấn cho mấy sợi dây xung quanh là y chang quấn chả. Bọn con trai ngu ngốc bị bản mặt thiên thần của con Da dụ dỗ thì không có gì để bàn, đằng này đám con gái không hiểu sao thiếu điều muốn bê con Da lên tầm thánh sống tới nơi rồi. Tim đoán là tụi nó đang tăm tia mấy thằng đực quanh con ả. Giả mà tát vô mặt mười cái có thể triệu hồi trí khôn trở về, thì mặt bọn này sớm đã nát dưới tay nó. Còn lâu con Da mới đem đám trai bu quanh nó phân phát cho người khác.

– Mắc gì tội nghiệp mẹ tao?

– Hôm qua mẹ bạn đi thả cá với mấy người bạn mình có thấy mà. Mẹ bạn lương thiện quá trời luôn á, bỏ tiền túi mua cá với chim cho tất cả bạn bè đi chung làm công ích. Vậy đó mà sau lưng mẹ Tim thì mấy bà đó nói, phải dụ cho mẹ Tim xài hết tiền để ba Tim đánh cho bờm đầu. Mình lo lắm nên hôm nay tới nói cho Tim biết nè. Ba mẹ bạn hay đánh nhau lắm hả?

– Mày bớt xạo chó lại đi con!

– Đâu có, Tim coi, mình có chụp hình lại luôn nè.

Mặt con Da trên điện thoại chụp góc nào cũng rõ đẹp, và cũng rõ là tấm nào cũng chừa ra một khoảng trống để nhét cảnh mẹ Tim và bạn bè đang tác nghiệp tâm linh trong một tư thế ngã ngớn cười đùa.

– Ba tao chưa bao giờ đánh mẹ tao!

– Ừ mình thấy chắc đúng á, mấy bà đó nói xạo không à! Tại mình thấy mẹ Tim tích được nhiều đức lắm. Gần mấy chục con cá luôn á nha! Mình được thả có một con hà, mà mình dở lắm, mình tháo bọc hông có được phải nhờ mấy người bạn của mẹ Tim tháo ra giùm mình. Còn mẹ Tim giỏi hơn nhiều, chọi một xề mười mấy bịch mà không cần tháo luôn ớ!

Cả đám xung quanh cười rần rần trong khi con Da lại đưa điện thoại lên cho nó coi mấy chục bọc cá đang trôi lềnh bềnh trên kênh nước. Thằng Tim muốn vùng ra nhưng bốn đứa con gái kẹp tay kẹp chân chặt nít.

– Mình ráng chạy theo để vớt lên mà không hết. Mà Tim sao giống mẹ quá ha, mỗi lần bạn đi đánh lộn với lớp người ta thì toàn là lớp trưởng, là Da nè, đi xin lỗi mấy bạn mấy cô bên đó đó. Nên thôi, mình hông trách vụ bạn mới đi đánh lộn nữa đâu, để mình đi qua xin lỗi người ta cái nha. Tim ở đây đợi vô lớp nhe.

Con Da cười, cái mặt thiện lành như mụ hoa hậu nhân ái hôm trước lên lãnh giải ở cuộc thi sắc đẹp đạo đức toàn cầu. Thằng Tim chửi xối xả, đám con Da thì mặc kệ trong hả hê. Tim cố nén cơn bực thì chợt có một thằng bước ra từ nhà vệ sinh. Nó liếc nhìn Tim mà cái mồm thì cứ ngoác ra cười.

***

– Bữa đó bạn Da kể con nghe là mẹ thả cá không có mở miệng bao nilon ra hả?

– Da? À bé lớp trưởng lớp con hả? Nó để ý dữ, nhưng mà mình không cần phải mở ra đâu con, phiền người ta lắm.

– Phiền sao vậy mẹ?

Mẹ Tim cười, lắc đầu, mặt làm ra bí hiểm.

– Mấy chỗ chuyên bán cá bán chim để thả đi là trong quy hoạch hết rồi con.

Thằng Tim cố để không phải nhíu mày. “Quy hoạch là cái quỷ gì?” Nó nhìn mẹ không chớp, hi vọng là bà sẽ chợt thông minh nhận ra con mình vẫn chưa đủ từ vựng để hiểu cái chữ vừa phọt khỏi mồm bà. May sao, tín hiệu của thằng bé đã được tiếp thu.

– Là mấy chỗ người ta tạo ra để chuyên mua bán thả cá á mà. Thả được một chút là tụi nó chặn đầu bắt lại để bán tiếp. Mở bọc ra người ta khó vớt lắm.

– Ủa, nhưng mà con cá có thể thoát và tự do bơi mà mẹ.

– Trời, làm vậy là con hại nó đó! Nước trong bịch khác nước ngoài sông, nó bơi ra là bị sốc liền. Rồi lại bắt lên có khi trầy hay bầm dập hơn, dễ chết lắm. Nè he, nó chết là mình tạo nghiệp đó, rồi còn làm ô nhiễm cái sông, còn dễ lây dịch bệnh, ảnh hưởng biết bao con vật rồi cây cỏ khác, chưa kể tốn biết bao nhiêu tiền để làm sạch nước lại.

– Thiệt hả mẹ?

– Thiệt. Để vậy tụi cá sốc ít ít thôi, nó sẽ sống dai hơn. Người ta dễ vớt lên bán lại để nhiều người làm công ích hơn đó con. Làm công ích là mình phải nghĩ cho người khác, nên mình làm vậy để nhiều người có thể cùng tích công đức với mình! Vậy mới là từ thiện đúng cách. Còn thúc đẩy nền kinh tế văn hóa của mình nữa.

Chiếc xe của hai mẹ con dừng lại bên bìa rừng, khéo léo thế nào đuôi xe đã trờ tới đáy một hàng rào kẽm gai hình chữ T rất dày.

– Mẹ coi, Da thả có mấy con cá mấy con chim thôi mà làm ra vẻ ta đây hiểu biết quá chừng. Sáng kiến của con có đức hơn nhiều. Công quả lần này của mẹ con mình bự chà bá luôn! À ý con là không ai sánh bằng luôn!

– Con của mẹ thông minh quá chừng! – Mẹ Tim lắc lắc đầu đưa tay nựng má thằng con. Rồi bà vừa đẩy cửa bước xuống vừa mang bao da vào thắt lưng. – Không chỉ công đức lớn đâu con nè, con còn giúp ích cho nền kinh tế nữa.

Sau động tác gạt cần trên bảng điều khiển, tấm chắn thùng xe mở bung ra đập bộp xuống đất thành một dốc dài dẫn vào giữa hai rào kẽm gai. Mẹ bước xuống đất, dạng chân đứng thật vững, hai tay lên nòng. Thằng Tim thấy vậy liền đập bộp bộp lên vách ngăn. Tấm vách rằn ri của chiếc xe thùng lung lay nãy giờ đã được mùa rơi xuống. Lớp lưới sắt ngăn cách giữa thằng nhỏ và không gian phía sau đan dày chằng chịt đến mức thiếu sáng. Thằng nhỏ quát lớn.

– Xuống!

Âm thanh nhốn nháo ré lên. Một số còn cố thò qua mắc lưới bé hơn hạt nhãn.

Đùng!

Không còn ồn ào nữa. Qua lớp lưới sắt mắc cáo, thằng Tim hả hê nhìn những bóng dáng đang lũ lượt chạy vào rừng. Thằng bé tự thưởng cho mình một tràn vỗ tay mãn nguyện, tự thấy lòng dạ mình nhẹ nhàng bao dung biết bao nhiêu. Giờ đây nó có thể tha thứ con Da không chỉ vì số công quả mình nó tích được, mà còn ở cách phóng sinh đầy sáng tạo này.

Tim đập một con muỗi cả gan chích nó và ngó lên bầu trời vần vũ chực đổ mưa, nó chợt thấy quyết định mua những bộ đồ đi rừng thật đúng. Vì họ mà chết lạnh trong rừng thì hai mẹ con chẳng còn công đức gì cả.

Mạc Yên