Tư tưởng Hồ Chí Minh là kết tinh giữa tinh thần cách mạng vô sản, đạo lý phương Đông và trí tuệ toàn cầu, một minh triết hành động xuyên thời đại. Với tập thơ “ÁNH DƯƠNG CÒN MÃI”, (NXB Hội nhà văn, tháng 5.2025), nhà thơ Văn Diên không chỉ kế thừa ánh sáng ấy, mà còn nâng tầm nó bằng thi ca mang phẩm chất lý tưởng, dẫn dắt con người vượt lên mọi thời đoạn lịch sử để đi về phía tiến bộ và nhân bản.
Phương pháp phê bình văn học Mác xít khẳng định mối quan hệ giữa văn học và đời sống xã hội, xem văn học như một hình thái ý thức, một công cụ nhận thức và cải biến thực tại. Thơ ca chân chính vừa phản ánh thực tại vừa dự phóng tương lai, vạch đường cho hành động, và nuôi dưỡng tâm thế nhân dân trong sự nghiệp giải phóng con người.
Với “ÁNH DƯƠNG CÒN MÃI”, phương pháp Mác xít đã soi sáng sự vận động của tư tưởng Hồ Chí Minh trong thế giới thi ca, và chỉ rõ vai trò của nhà thơ như người chiến sĩ trên trận tuyến văn hóa, lấy lý tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ làm kim chỉ nam để kiến tạo một mỹ học cách mạng đương đại.
Văn Diên không làm thơ như một lối đi thẩm mỹ riêng biệt, mà đưa thơ trở thành một khí cụ của lý tưởng. Thi ca của ông là hiện thân của một “chủ nghĩa” nhân văn chiến đấu, vừa yêu thương, vừa giác ngộ, vừa dẫn đường. Đây là phẩm tính mà mọi sáng tác trong nền văn học cách mạng hiện đại cần hướng đến.
Tập thơ ÁNH DƯƠNG CÒN MÃI không đơn thuần là tập hợp những bài thơ về Hồ Chí Minh, mà là một hệ thống tư tưởng được tổ chức bằng thi ca. Hệ thống ấy bao gồm:
– Tư tưởng Hồ Chí Minh như nguồn sáng khai minh nhân loại.
– Đạo đức Hồ Chí Minh như nguyên lý sống và phụng sự.
– Phong cách Hồ Chí Minh như biểu tượng hành động sáng tạo và giản dị.
Mỗi bài thơ là một “mắt thơ sáng”, những hạt nhân tư tưởng thẩm mỹ được cô đọng thành vần điệu, làm nên trường năng lượng tinh thần dẫn dắt người đọc đến các tầng sâu của nhân cách:
“Người sống thật mà như huyền thoại
Giản dị bừng sáng mãi nhân văn!”
(Huyền thoại Bác Hồ – trang 7)
Hai câu thơ ấy không ca ngợi theo lối mô tả, mà dựng lại tinh thần Hồ Chí Minh bằng mệnh đề triết luận thi ca “Người thật mà như huyền thoại” chính là sự hòa quyện giữa hiện thực và siêu nghiệm, giữa hành động và biểu tượng. Bác là con người của minh triết sống, điều mà cả phương Đông và phương Tây đều truy cầu.
Ngay từ nhan đề “ÁNH DƯƠNG CÒN MÃI”, Văn Diên đã xây dựng một biểu tượng thiêng liêng mang tính vĩnh cửu. Ánh dương ấy là hình tượng Hồ Chí Minh, một con người lịch sử, mã nguồn của lý tưởng vĩnh hằng.
“Miền sáng mang tên Người
Tô danh Người thêm sáng
Sáng dịu hiền muôn nơi.”
(Sáng mãi tên Người – trang 10)
Ánh sáng ấy thấu suốt soi tỏ tâm hồn. Nó là ánh sáng dịu hiền, ánh sáng của đạo đức và văn hóa. Đó chính là điều Mác từng gọi: “Một hình thái ý thức, khi nó thấm sâu vào quần chúng, sẽ trở thành sức mạnh vật chất.” Ánh sáng Hồ Chí Minh chính là sức mạnh ấy.
Trong thời đại khủng hoảng giá trị hiện nay, ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh càng có tính cứu rỗi. Nhà thơ không hô hào, không mị dân, mà dùng chính lý tưởng để dựng lại niềm tin.
Điểm đặc biệt trong thi pháp của Văn Diên là cách ông viết về Bác Hồ như một giá trị toàn cầu hóa. Tư tưởng, tượng hình, và ảnh hưởng của Hồ Chí Minh không dừng lại trong biên giới dân tộc:
“Ngày càng nhiều các nước
Nơi quảng trường, công viên
Trong trường học, thư viện…
Tượng hình Bác sáng lên.”
(Sáng mãi tên Người – trang 10)
Ở đây, hình tượng Hồ Chí Minh trở thành tượng đài văn hóa toàn nhân loại. Người không chỉ sống trong lòng dân Việt, mà sống giữa tinh thần nhân loại, nơi các dân tộc tìm kiếm một mẫu hình lãnh tụ nhân văn và trí tuệ.
Đây là tầm vóc tư tưởng Mác xít ở mức cao: Đấu tranh không chỉ để giải phóng một quốc gia, mà còn là ánh sáng thức tỉnh giải phóng toàn thể nhân loại khỏi bất công và tha hóa. Văn Diên đã dẫn Người – Hồ Chí Minh về ngồi giữa “hòa ca thế giới”:
“Ngọn đuốc xanh cho mọi nền văn hóa
Hồ Chí Minh mãi sáng giữa hòa ca.”
(Hồ Chí Minh sáng mãi niềm tin – trang 60)
Tác giả khéo léo và thông thái lẩy nhiều đề tài, nhờ vậy mỗi bài đều có cái mới, trong khi được dệt bằng những câu thơ cô đọng, vừa thấm đẫm đạo lý phương Đông vừa mang tính thức tỉnh xã hội. Đó là những câu thơ có thể được gọi là “mắt thơ sáng”, nơi hội tụ lý tưởng và mỹ cảm:
“Một đời thanh bạch sáng sao
Linh thiêng từ Bác tạc vào hồn quê.”
(Minh triết “không” trong Hồ Chí Minh – trang 34)
“Người tử tế vượt bản ngã tầm thường, đi về phía phi thường
Người lập danh, tiếng thơm cống hiến, phụng sự… giàu chân thiện mỹ.”
(Danh dự điều cao quý thiêng liêng – trang 71)
“Tổ chức dẫn lối, trí tuệ công nghệ, dân chủ quang minh
Thủ lĩnh chèo lái, nghệ thuật tổ chức vươn mình.”
(Tổ chức – nghệ thuật của nghệ thuật – trang 78)
Những dòng thơ ấy không chỉ thẩm mỹ, mà còn mang tính luận đề. Nó giúp người đọc tự vấn chính mình: sống sao cho tử tế? lãnh đạo sao cho đúng đắn? cống hiến sao cho ý nghĩa?
Phương pháp phổ quát, tức là tiếp cận thi ca từ những hệ hình rộng lớn của nhân học, triết học, tâm lý học, cho phép ta hiểu rõ vai trò xã hội của Văn Diên. Ông không chỉ làm thơ để tưởng niệm, mà làm thơ để truyền dẫn:
– Truyền lý tưởng cho thế hệ trẻ
– Truyền đạo đức công vụ cho người cầm quyền
– Truyền niềm tin dân tộc giữa hội nhập toàn cầu.
Đó là vai trò mà Gramsci gọi là “trí thức hữu cơ”, người tham gia trực tiếp vào công cuộc kiến tạo nhận thức xã hội. Bài thơ “Nhớ ngày giỗ Bác Hồ” được viết giản dị:
“Sống tử tế biết điều
Thế là người “trung hiếu.”
(Nhớ ngày giỗ Bác Hồ – trang 82)
Nhưng đằng sau nét bình dị ấy là một thông điệp lớn: đạo lý dân tộc là nền móng của văn minh. Thơ Văn Diên là sự kết hợp giữa lời thì thầm tỉnh thức và khí phách chính luận.
Khi xem xét tập thơ “ÁNH DƯƠNG CÒN MÃI”, có thể ví nó như một trường ca tâm linh, nơi linh hồn dân tộc, lý tưởng cách mạng và trí tuệ nhân loại cùng hội tụ. Đây là một tập thơ đáng chiêm nghiệm, hơn nữa là một hành động văn hóa, nơi nhà thơ biến mình thành ánh xạ của Hồ Chí Minh trong thời đại mới.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa mà con người dễ rơi vào lối sống thực dụng, đánh mất lý tưởng, thì thi ca như của Văn Diên là một “hệ miễn dịch đạo lý”, giúp xã hội gìn giữ những giá trị cốt lõi.
Vì những lẽ đó, tập thơ “ÁNH DƯƠNG CÒN MÃI” hợp lòng người đọc Việt Nam, và xứng đáng được dịch ra nhiều thứ tiếng, trở thành một thông điệp thi ca toàn cầu về nhân văn, lý tưởng và trí tuệ của người Việt.
Sao Khuê
Bài viết liên quan: