Phận đàn bà – Truyện ngắn của Y Mùi

Mùa đông năm đó trời lạnh đến khắc nghiệt. Trẻ sơ sinh bị chết nhiều hơn các mùa đông trước. Ấy là Chị nghe những người làm trong viện nói. Chồng Chị theo nhân viên bệnh viện đi chôn cất năm đứa trẻ bị chết cùng ngày rồi đi dạy học thêm.

Ra viện, Chị tự về nhà. Thấy Chị về đến cổng mẹ chồng chốt cửa bên trong. Bà nhất định không cho cô con dâu đi đẻ về tay không vào nhà. Bà đổ diệt tại con dâu nên cháu của bà không được làm người. Cứ như thể tại Chị nên thằng cháu thứ hai chết mà bà chưa kịp nhìn mặt. Cứ như thể tại Chị mà thằng cháu đích tôn nhà bà bị liệt. Cứ như thể chính Chị là người mang tai ương đến gia đình nhà chồng.

Bác sĩ – nhà văn Y Mùi ở Hà Nội

 

“Mày biến đi. Con đàn bà vô phúc. Hai lần sinh đẻ thì thằng què, đứa chết. Đàn bà mà không biết đẻ thì đi chết đi…”. – Từ bên trong cánh cửa gỗ kín bưng là những lời cay độc của mẹ chồng ném ra.

Tội nghiệp Chị. Người sản phụ vết mổ chưa khô, vừa mới mất con, phải tự lần mò về nhà. Từ bệnh viện Chị phải đi bộ ra Bờ Hồ, nhảy lên tàu điện. Quãng đường từ viện ra bến tàu điện rồi từ bến tàu điện về đến nhà tổng cộng cũng phải chục cây số đi bộ. Thời đó không có cách gì ngoài đi bộ. Xích lô cũng khó tìm, trong túi Chị không có nổi một hào.

Thằng Quang lúc đó hơn ba tuổi định mở chốt cửa cho mẹ nhưng bà nội ngăn lại: “Thằng què liệu hồn, lên giường ngay! Ngồi yên một chỗ. Có muốn ra đường cùng con mẹ vô phúc của mày cho chết rét không thì bảo? Bà cho mày đi luôn…”.

Mẹ chồng lớn tiếng chì chiết Chị chưa đủ. Tiếng người bà quát mắng thằng cháu tật nguyền tội nghiệp bé tí chưa hiểu gì như xé khe cửa xiết vào lỗ nhĩ người sản phụ non nớt. Khuôn mặt bợt bạt vì mất máu, vì đói, vì khát, vì rét, vì đau đớn nỗi mất con. Chị kiệt sức, bấu víu vào cái cột nhà bên ngoài hiên.

Mệt lả. Ruột gan cồn cào. Cổ họng khát khô. Rét run cầm cập. Mồ hôi vã ra giữa tiết trời đông giá. Chị ngồi phệt xuống đất, lưng tựa cái cột nhà, nước mắt đầm đìa, ngóng ra cổng. Chị lả đi, thiêm thiếp ngục trên bậc thềm.

Chồng Chị đi dạy thêm buổi tối nên tới khuya mới về nhà. Anh đỡ Chị dậy, dìu vào. Vừa thấy bóng con trai về bà mẹ từ trong nhà lớn tiếng: “Kệ xác con mẹ nó đấy”. Anh giáo đỡ ngang người vợ như tàu chuối non hơ qua lửa, gần như nhấc chị qua bậc cửa gỗ khá cao để vào nhà. Bà mẹ chồng vẫn tiếp tục quát to: “Bỏ ngay. Bỏ nhanh. Thiếu gì người mà tiếc con đàn bà đoảng vị ấy. Biết ăn ngon mặc đẹp mà không biết đẻ. Hai đứa con thì đứa què, đứa vừa ra khỏi lỗ l. đã chết…”.

Người sản phụ đang đau khổ đến tột cùng của mọi sự đau khổ khi thấy chồng về thì vỡ òa tủi hận. Lần đầu tiên Chị cãi hỗn mẹ chồng:“Tôi làm dâu nhà bà thật phí cả đời”.

Người chồng luôn sợ mẹ và bênh mẹ mỗi khi mẹ chồng con dâu xảy chuyện bất hòa, quát: “Cô câm cái mồm đi cho yên nhà yên cửa”.

Con tim tổn thương trong Chị, người vợ trẻ vừa rời bàn mổ đẻ mất con hết chịu nổi. Tức nước thì bờ vỡ. Không kiềm chế được Chị văng lời khiếm nhã, tục tĩu chưa từng: “Tao lấy mày thật phí cả cái l.”.

Mắt nổ đom đóm. Tai ù đặc. Chị đổ vật ra giường. Một cái tát như trời giáng của chồng làm màng nhĩ một bên tai Chị bị vỡ. Máu tươi rỉ rả chảy từ trong tai. Toàn thân Chị run bần bật như người mắc bệnh sốt rét lên cơn, không thể kìm cơn rét run. Chị nằm giãy đành đạch trên giường. Một cơn choáng tổng hợp mọi đớn đau. Chị như hệt con cua bấy vừa lột xác. Bà mẹ chồng ghẻ lạnh bảo con trai: “Thôi đưa nó vào bệnh viện đi. Để ở nhà nhỡ nó chết ra đây thì rách chuyện, mang tiếng với làng nước”.

“Mẹ không phải lo. Kệ xác nó. Con này thì trời đánh cũng không chết được đâu. Đồ con lừa cái…”.

Cuối cùng thì những lời bạc bẽo từ miệng người chồng đã đẩy Chị ra khỏi nhà. Chị đi và không quay lại. Chị không muốn nhìn mặt người chồng và người mẹ chồng cay nghiệt độc ác ấy thêm một lần nào.

Một tháng sau. Chị quay lại nhà chồng lấy nốt quần áo tư trang và đón theo “Thằng què”. Thu xếp áo quần buộc sau chiếc xe đạp khung nam hiệu Thống nhất cà tàng, Chị quay vào bế thằng Quang đặt lên cái ghế đan bằng mây được buộc chắc chắn trên khung xe.

Trước khi nhảy lên xe chạy khỏi nơi đã để lại nhiều đớn đau cay cực cho đoạn đời làm dâu làm vợ, Chị buông lại mấy câu mong trôi cục tức đang dềnh lên trong lồng ngực:“Mẹ con các người cứ ôm nhau mà sống thật lâu vào. Tôi không thể chịu đựng được mẹ con các người nữa”.

“Cút đi cho khuất mắt tao!”. – Lời bà mẹ chồng vẫn nguyên màu cay nghiệt.

Người chồng nhu nhược, luôn bênh mẹ đế thêm: “Cút xéo khỏi đây ngay!”.

“Chả đuổi thì tôi cũng đi. Mẹ anh rồi sẽ chết. Anh cũng sẽ chết. Hãy nhớ “Thằng què” là đích tôn nhà này đấy. Bao giờ các người chết hết thì nó sẽ quay về”. – Thêm bấy nhiêu Chị đáp lại những người một thời chung mái nhà nhưng không chung vui buồn nhân thế.

***

Thật vô phúc cho cuộc đời đàn bà như Chị! Hai lần sinh con là hai lần Chị xách túi quần áo đi đẻ một mình. Xuất viện cũng một mình.

Đẻ lần thứ hai, Chị phải mổ và bị mất con. Giữa mùa đông. Thằng bé xấu số vừa lọt lòng thì bị cảm lạnh. Sau mười ngày nó mất. Chị chưa được ôm con một lần nào. Nó chưa được ngửi mùi mẹ, không được ngửi mùi sữa mẹ một lần đã phải lìa đời. Nó vội vàng bỏ Chị mà đi.

Lần sinh đầu phải lấy con ra bằng phooc- xép. Đầu thằng bé bị móp cả hai phía do cái kìm sản khoa bằng inox kẹp vào. Lớn lên đầu nó vẫn không thể tròn. Một góc hộp sọ bị bẹp vĩnh viễn. Kết cục, thằng Quang bị liệt nửa người. Liệt nhẹ nhưng đủ để dễ dàng nhận ra thằng bé đi lập lễnh, bước thấp bước cao. Mỗi khi bà nội nó lên cơn bực tức con dâu là đổ lên đầu thằng cháu, gọi: “Thằng què”.

Bà cũng là dâu trưởng, mất chồng từ khi còn trẻ rất trẻ. Chồng Chị là con độc nhất. Chồng chết bà trở nên lầm lì, ở vậy nuôi thằng con côi cút mất bố từ lúc ba tuổi. Khi chị về làm dâu, tự nhiên bà nói nhiều, nhiều hơn cả khi còn trẻ. Cái gì con dâu làm bà cũng không ưng. Món gì con dâu nấu bà cũng chê. Bà luôn kèn kẹt soi mói cự nự con dâu.

Chị lặng thinh chịu đựng những bẳn tính, cáu kỉnh, quát nạt… đôi khi quá vô lý của bà mẹ chồng. Cãi lại bà sẽ là đổ dầu vào bếp lửa, cơn thịnh nộ sẽ khủng khiếp. Mẹ chồng gọi Chị là “Con khác máu tanh lòng”. Chị một điều nhẫn nhịn, hai điều nhẫn nhịn nhưng mẹ chồng như người ăn nhầm lá han ngứa cái cổ họng. Cơn bực tức như cơm bữa. Ngày nào không quát tháo chửi rủa con dâu thì bà ăn sẽ không ngon, ngũ sẽ không yên. Mỗi khi lên cơn với con dâu bà chút lên con trai, chút lên thằng cháu tật nguyền, những người mà thường ngày bà rất yêu chiều. Bà gọi cháu:“Này thằng què”. “Thằng què đâu rồi?”… Nghe mãi cũng thành quen tai. Đôi khi Chị cũng gọi con là “Thằng què”. Bố nó cũng: “Ê, thằng què đâu rồi?”. Cả nhà đều quên mất là gọi như thế thằng bé sẽ đau, sẽ là nghiệt ngã với đứa trẻ không lành lặn. Và rất đau lòng Chị.

Lần thứ hai Chị sinh con nhưng hữu sinh vô dưỡng.

Tiếng khóc của đứa con mang nặng đẻ đau đủ chín tháng mười ngày Chị cũng chỉ được nghe một lần duy nhất. Ngấm thuốc mê nên mặt con Chị không thể nhìn. Chị lịm đi cùng với tiếng reo khẽ: “con trai” của cô y tá phòng mổ.

Tỉnh dậy, chỉ một mình Chị trên chiếc giường bệnh viện lạnh buốt thấu ruột. Chị uể oải cựa mình, hé mắt nhìn quanh phòng sản phụ. Trên các giường là sản phụ và những thiên thần tí xíu trong bộ sơ sinh tinh tươm đa sắc màu. Những người đàn bà vừa “vượt cạn” đang được chồng và người nhà nâng giấc đến tận chân răng, chân lông. Ai ai cũng hân hoan rõ trên nét mặt, ánh nhìn. Chỉ Chị một mình, con cũng không được ở bên cạnh mẹ. Cảm giác cô quạnh xâm chiếm, người đàn bà bất hạnh chìm vào nỗi niềm riêng. Chị nằm không nhúc nhích mặc những giọt mặn mòi từ con tim tan nát tuôn tràn lăn xuống hai bên mang tai.

Người ta thông báo thằng bé được chăm sóc đặc biệt ở phòng hồi sức. Và không bao giờ Chị được thấy con. Thằng bé ra khỏi bụng mẹ không bằng cái cách vốn thường tình mà tất thảy trải qua. Nó đi hết kiếp người nhanh quá, chưa kịp có cái tên riêng. Một ca phẫu thuật vừa để cứu cả mẹ cả con được quyết định vào phút chót của ca trực phòng đẻ trong ngày. Không có người nhà, Chị tự ký đơn đồng ý và cam kết không khiếu kiện gì sau phẫu thuật.

Cuộc mổ đẻ nên thuốc gây mê truyền vào đến khi vừa đủ để Chị không thể cử động thì người phẫu thuật đã bắt đầu đường rạch. Hài nhi phải được lấy ra khỏi mẹ khi sản phụ chưa mê. Chị rơi vào trạng thái mất cử động nhưng vẫn hoàn toàn tỉnh táo. Chị vẫn nghe tất cả những tiếng va chạm nhau dù rất khẽ của Panh, của kéo… Chị cảm nhận con dao mổ chọc mạnh rồi kéo xiết trên da thịt. Lưỡi dao mổ đang xiết, đang nhay nhá nhằng nhằng lên da thịt. Rát đến tận ruột. Đau buốt thấu tận xương. Hình như da thịt Chị đang bị đôi bàn tay ai đó banh ra. Bụng Chị như bị xé toạc. Rồi chọc, ngoáy, ấn, dí,… Đau như ruột gan bị rứt ra từng đoạn. Đau đến tột cùng của sự đau đớn. Nước mắt Chị tuôn chảy nhưng không làm sao để cất tiếng kêu, không làm sao mà giãy đạp. Giá mà vùng dậy được thì Chị sẽ đạp bật những cánh áo blu trắng đang vây quanh bàn mổ. Chị chưa từng bị đau như thế bao giờ. Các cụ bảo đau như đau đẻ. Tức đau đẻ là cái thứ đau nhất trên đời. Chị đã từng đau đẻ khi sinh thằng Quang. Cuộc đẻ lần ấy không thấm tháp gì với những cơn đau của cuộc mổ sống lấy thai lần sinh này.

Cùng với những cơn đau xé ruột gan của dao mổ, của panh kéo chà lên da thịt chưa dừng là tiếng oa oa yếu ớt ngắt quãng như ai oán dỗi hờn của sinh linh bé bỏng. Chị chìm vào cơn mê, không kịp nhìn thấy mặt con dù chỉ một lần. Tiếng khóc đầy ẩn ức của hài nhi vừa lọt lòng mẹ như cái cật nứa cứa vào tâm can Chị suốt cả phần đời còn lại.

Chị mang thai con đủ tháng đủ ngày. Chỉ tại không có cơn co tử cung. Chỉ là mổ đẻ tại sao con Chị lại chết? Sao nó phải chết? Những câu hỏi về đứa con bị chết yểu không chịu buông tha, găm chặt trong đầu người đàn bà vô phúc. Cái chết tức tưởi oan trái của đứa con làm người mẹ trẻ khủng hoảng tinh thần. Chị bị stress. Thần kinh Chị bị chấn thương nặng sau cuộc mổ đẻ.

Sau này, cứ mỗi lần nhìn thấy hình dáng tấm áo blu trắng là tim Chị lại đập loạn xạ. Chị hoảng hốt, tay chân bủn rủn muốn khuỵu xuống như người mắc bệnh tiểu đường bị tụt đường huyết cấp. Trạng thái xì – trét nặng kéo dài nhiều năm. Đến độ chỉ nghe ai đó nói “bệnh viện” là Chị đã buồn nôn, thậm chí là ôn ọe. Chị sợ màu trắng và những bộ blu bệnh viện. Từ sau cuộc đẻ mất con, không bao giờ Chị vào bệnh viện thăm người đẻ.

Ca mổ đẻ gặp biến cố. Lấy thai nhi ra rồi Chị bị băng huyết. Máu ồ ạt chảy, tràn cả ra ổ bụng. Cả ca trực lo cứu sản phụ. Đứa trẻ sơ sinh vừa lôi từ trong bụng mẹ ra, tơ hơ ngọ quạy trên bàn sơ sinh. Nó bị bỏ quên, không vệ sinh, không tã lót. Hài nhi xấu số hết chịu nổi cái giá lạnh bên ngoài bụng mẹ. Nó tái xanh tái xám, đơ ra cho đến khi một áo trắng quay lại phát hiện. Nếu những người trong ca mổ hôm đó không vì cứu Chị, bỏ quên đứa trẻ sơ sinh vừa ra khỏi bụng mẹ bấy mềm như con nhộng giữa trời mùa đông thì nó đã không bị cảm, không bị cảm thì đã không phải đưa vào khu chăm sóc đặc biệt. Liệu ca mổ không tắc trách, không bỏ quên thằng bé thì Chị có mất con không?

Chị đưa đơn ly hôn chồng. Chị chạy trốn khỏi sự cay nghiệt của bà mẹ chồng, chạy trốn số phận hẩm hưu của mình. Dần dần chị ngượng đứng dậy làm lại cuộc đời bằng chính bàn tay cần lao và nghị lực hơn người. Chị đã vượt lên chính mình, thắng căn bệnh trầm cảm sang chấn tinh thần kinh nặng mang đến, bươn bả nuôi con ăn học.

Chị vượt qua tất cả sống được đến hôm nay cũng là nhờ vịn vào thằng con tật nguyền của nhà họ Nguyễn Xuân và người em gái độc thân. Nói thêm về cô em gái của chị, cô đã cự tuyệt tất cả đối tượng khác giới đòi đám cưới. Cô không ghét đàn ông nhưng quyết liệt từ chối hôn nhân. Lý do ư? Thấy chị gái bất hạnh, cuộc đời chị gái từ lúc bước vào hôn nhân khổ quá nên cô em sợ đến độ chấp nhận cuộc sống độc thân. Cô ngầm hứa với mình sẽ cùng chị gái  nuôi dưỡng chăm sóc thằng Quang. Như vậy cũng đủ để trải nghiệm cuộc đời làm mẹ của một người đàn bà. Hai chị em cùng nhau nuôi dạy, về già sẽ trông vào nó. May sao thằng Quang chỉ bị khuyết tật tí ti, trí não thì rất ổn. Nó ngoan ngoãn, chăm học chăm làm việc nhà. Không nhớ từ lúc nào thằng Quang cũng đã gọi dì là mẹ. Còn gì hơn thế nữa?

***

Mười tám năm sau.

Bà nội thằng Quang chết. Chị đưa con trai về chịu tang bà nó. Cho đến tận lúc này Chị mới quay lại ngôi nhà chất chứa một quãng đời làm vợ làm dâu đầy tủi hận.

Trong đám tang bà nội, “Thằng què” – Nguyễn Xuân Quang, đứa con trai tội nghiệp thiếu tình yêu của bố, nghèo tình thương của họ hàng bên nội đã phải thay bố nó mặc áo xô, chống gậy đứng đáp lễ trước ban thờ vong.

Bà mẹ mất đúng lúc con trai độc nhất của bà bệnh trọng. Ông giáo đã bỏ dạy học, phải nghỉ “chế độ một cục” từ mấy năm nay. Cơn nhồi máu cơ tim không kịp cấp cứu đã mang bà mẹ đi đúng lúc ông giáo bệnh phổi giao đoạn cuối, giờ chỉ ngồi thở và ho cũng không đủ sức.

Sau mười tám năm tan đàn sẻ nghé, Chị mới về lại nhà chồng. Tuy không còn phải gánh trọng trách của người dâu trưởng nhưng tất cả thủ tục ma chay an táng bà nội thằng Quang Chị vẫn lo liệu tru toàn.

Hoàn tất việc đưa bà nội về nơi an nghỉ cuối cùng, thằng Quang bảo mẹ:

– Mẹ cho con ở lại nhà để hương khói cho bà nhé?

– Ừ. Nhưng còn việc học của con thì sao?

– Mẹ yên tâm con sẽ cố gắng để mẹ không thất vọng về con. Mẹ chả bảo rồi sẽ đến lúc con sẽ phải quay về nhà. Con nghĩ giờ là thời điểm con phải về nhà mẹ ạ. Bố con thì mỗi ngày một yếu, cũng cần có người chăm sóc.

– Mẹ biết rồi. Ai bảo gì đâu.

Chồng Chị là người đàn ông nhu nhược, không chính kiến và vô tâm, nhưng ông ấy là bố thằng Quang. Chị ngăn cản thì vô tình đẩy con phạm tội bất hiếu với cha nó. Thằng Quang phải chăm sóc bố, báo hiếu công sinh thành thì việc học của nó chắc chắn sẽ ảnh hưởng. Bây giờ thằng Quang vẫn tuổi ăn tuổi học tuổi ngủ và cả tuổi chơi tuổi lớn. Việc chăm sóc người ốm nặng, hương khói cúng cơm bữa hằng ngày cho người mất mà đổ lên đầu thằng bé thì khổ nó quá… Phải làm gì đây? Phải làm thế nào để giúp con đây? Chị có thể bỏ chồng và đã bỏ chồng nhưng còn con chị, nó bỏ sao được bố nó chứ? Để thằng Quang về chăm bố nó thì mẹ phải xa con…

Chị suy nghĩ mông lung. Thêm một đêm Chị không chợp mắt. Chị đã trải qua một đêm dài hơn tất cả sáu ngàn năm trăm bảy mươi đêm trong mười tám năm ôm con chuyển chỗ ở, nay đây mai đó.

Cả đêm không ngủ mà sáng ra Chị thấy tỉnh táo lạ thường. Chị thu xếp gói bọc áo quần mẹ, áo quần con, chăn màn cả giường con, giường mẹ. Chị nhìn đồng hồ đã gần chín giờ sáng.

“Thằng bé bảo cho bố ăn sáng và dâng hương cúng bà xong nó sẽ về lấy áo quần đồ dùng sách vở. Sao giờ chưa thấy đâu nhỉ?”. – Chị vừa chợt nghĩ thì thằng Quang phóng xèo chiếc xe máy vào khoảng sân hẹp của khu nhà trọ tầm tầm. Chiếc xe secondhand Chị mua cho con đã ba năm nay, phần thưởng khi nó đỗ đại học vẫn y như khi mới được chính chủ sang tên. Dựng xe sát tường căn phòng hai mẹ con thuê từ 3 năm nay, thằng Quang nói:“Con chào mẹ”.

Vào nhà thấy túi to túi nhỏ, bao gói chất chồng đầy sàn nhà thằng Quang hỏi:

– Gì mà nhiều thế hả mẹ?

– Thuê xe chở hết đồ đi. Mẹ cũng sẽ về bên đó với con.

– Ôi! Thật tuyệt! Con yêu mẹ nhất trên đời. – Mắt thằng Quang sáng lên vì sung sướng. Nó ôm chầm lấy mẹ: “Con yêu mẹ lắm luôn”.

Như chợt nhớ ra, thằng Quang hỏi mẹ:

– Thế còn nhà trọ, mình trả luôn à mẹ?

Người mẹ chỉ Ừ”. Nét mặt Chị chả thấy biểu hiện vui hay buồn.

Xuân Đỉnh, tháng 5.2021

Y MÙI

Trích nguồn: Vanvn.vn