May mắn, con Hằng Nga lấy được chồng tử tế. Thằng bé bố mất sớm, mẹ nuôi ăn học từ mẻ ốc, mớ rau, mũi đan, đọt măng đắng mà nên. Huyết áp anh lại đang cường ở mức 210/ mmHg. Kể ra, anh có đủ, có thể chập chờn viên mãn với mức lương chuyên viên chót vót, với bao chế độ bảo hiểm. Thế là tốt rồi, sao anh cứ cảm giác còn thiếu cái gì để đầy lên sự cô đơn. Sự cô đơn ở người đàn ông trí não hoàn toàn minh mẫn mà dăm bộ phận cơ thể đã bệnh. Máu nhiễm axit uric, gan nhiễm mỡ, động mạch vành… giờ tĩnh tại anh mới kết luận, bệnh tật ào ào về, suy cho cùng cũng là hậu quả vạn lần sóng gió trên chuyến đò anh chọn. Những bữa nhậu buông tuồng, tiếp khách thông chiều sang đêm, rồi cả những toan tính,… giờ, anh thấy thèm cuộc sống mấy mẫu đất đuề huề ở quê của thằng Tụng, bạn thời chăn trâu. Thèm một lần được tắm giếng Vợc, làng. Thèm cả cái dáng ngủ của đứa con gái hư, mất nết kia. Mà nó lại ngáy nữa. Anh ước được về cái nơi có nhiều mùa hoa bên sông quê mình. Có gió gợt mùi nước đầm, nước đìa, sắc thành nước sông Đấu nhột da thịt những chiều đi trâu ngằn ngặt hoa Dong Dẻ. Nơi hoa niên áo trắng trơn, tay trắng trơn. Hành trang là giải ba thi toán cấp tỉnh, thầy giáo gà bài mà may mắn anh được đặc cách qua nhiều cuộc kiểm tra, cộng với sự ưu tiên cha của anh là chiến sỹ Điện Biên để anh chễm chệ ngồi một ngôi trường đại học ở châu Âu. Sau sáu năm trở về, kiến thức vẫn rỗng rễnh, gom chưa một lóng tay. Anh gặp vợ anh. Cái bím tóc ngang vai và nụ cười. Quan trọng nhất là nụ cười như hoa. Thế cũng tràn. Số anh tốt, kèm nụ cười là ngôi nhà, sự bảo hiểm bền chặt bởi bố vợ anh là cán bộ cấp vụ. Nói nhỏ, bìa C, C mọi thứ. Căn hộ tầng hai nín thinh, vàng chới gần cái đình Huề… Ngày đó, tự dưng anh nói giọng “Bắc” rất chuẩn, nghe, không ai phát hiện anh sinh xứ Đoài, xứ Đông hay Lạng… Anh vĩnh viễn chối bỏ cái thổ ngữ sường sượng, vùn vụn mang tận quê ra. Vóc dáng to cao, nhân trung thằng, đi đứng đĩnh đạc, hình thể và tướng mạo hoàn hảo. Chỉ những người đã từng làm việc với anh là ngã ngửa: Được cái mẽ. Anh là thứ pháo đất không hơn – Biệt danh mọi người trong cơ quan đặt. Ối dào, vô tư, thời nay biết thế nào là khôn khôn dại dại. Mà ngẫm, đời này có ai dại. Anh tốt với tất tật. Lòng tốt tạo ra chỗ đứng, sự yên ổn. Anh canh tác mùa màng tình cảm từng năm. Ở cơ quan là sự tận tuỵ với cấp trên, nhu mì với cấp dưới. Năng lực chuyên môn chú ý làm gì. Ai chẳng hoàn thành công việc. Nhưng, cái thời vui là chính, đâu có kéo dài được lâu. Kỳ lạ. Tới lúc này, ba mươi năm trôi vèo. Mọi người vẫn còn nghi ngờ và anh còn nghi ở chính bản thân, sao mình lại tới bến cơ chứ?! Đừng đùa. Định mệnh đã nêm sổ Nam Tào. Quẫy đạp vô ích. Vợ, con anh thì cứ chờ và tin trước sau gì anh cũng lên cấp vụ. Nhìn nết ăn anh vất vả, mẹ anh lắc đầu: “Đời nó khổ thôi”. Đấy là dự báo khi anh còn bé tí teo. Một hai đàn anh lại nhìn nết ăn mà suy ra tư chất, sự trung thành mới chết chứ. Giời ơi. Mồ hôi toá ra, gắp thức ăn lập bập, nhai cũng khó, càng khó hơn khi ba chiếc răng giã rời đội ngũ. Sự vụng về, thô giản lại chinh phục khối người… Mà thời này giao đãi, hoa mỹ làm gì. Ở cơ quan anh, đưa phong bì còn gọi là văn hoá. Bầu bán, người ta công khai cất lời xin nhau… Chỉ sau bốn năm từ nước ngoài về anh được đề bạt phó phòng – rồi trưởng phòng và giờ là chuyên viên, nhanh như gió táp. Khi cái đơn vị mới thành lập phải khẳng định mình thì khả năng tác vụ, điều hành kém cỏi của anh bị phơi trật ra. May, nhờ kết quả cấy trồng, thâm canh trên cánh đồng tình cảm gần chục năm nay, anh được chuyển sang phòng viết Sử khi tuổi nghỉ hưu chưa tới.
Vợ anh thì giỏi giang rồi, nói bằng nụ cười, truyền đạt ý nghĩ bằng cơ thể. Chị cưới anh vì muốn có chồng và càng toại nguyện khi chuyện chăn gối chẳng lúc nào chị bĩu môi. Đáp lại, nhà cửa chắn vén, chị buôn bán ra tiền, nhưng buồn, con Hằng Nga đốc tính, học dốt, thích lang thang, lại có tật nói dối như ma. Nó không thi đại học mà báo đỗ cao làm anh tốn kém tiền triệu mời bạn bè tới ăn mừng. Cả tháng sau nó vẫn đi bụi, vẫn xin tiền đóng học. Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy, hồi ở Tây, anh học hành có ra gì, ở nhà bố mẹ có hay?
Vừa rồi sự cấy trồng của anh sơ xuất, đầu năm anh mua vài cặp nước mắm ngon biếu sếp “giời ơi” hai sếp phó của anh rú lên. Dù tấm lòng đến với tấm lòng thì việc biếu nước mắm đầu năm quả là hi hữu. Kẻ sỗ mồm thì thân tình: “Đó, có phải bước đề- pa để cái quyết định đi viết sử đến sớm”. Tiếng là vậy, chứ việc cơ quan giờ nhàn. Ngoài chuyện viết sử, anh đứng chân uỷ viên vài đề tài khoa học vô thời hạn, ví như vấn đề siêu Nano trong ứng dụng bảo vệ sức khoẻ con người; nhu cầu nước sinh hoạt trong chiến lược môi trường đầu thế kỷ;… rồi anh cứ ngồi chơi, rồi đọc báo. Chờ hưu.
Chuông điện thoại vang. “A… lô”. “Ai, a… lô, đấy?”. “Em, Huyền đây, em đi du lịch. Đang ở hòn Ngọc Việt”. “Ồ, sao có số máy anh”. “Chuyện sau nói. Chiều mai, năm giờ đón em ở sân bay!”. “Anh không đi được xe máy. Mà ra đây với ai. Huyết áp đang cường đây”. “Ôi, người hùng thành Ê- Ghen đâu mất rồi? Kêu taxi lên”. “Được, năm giờ nhé”.
Hớp mấy viên thuốc hạ huyết áp, úp bát mì tôm. Ăn xong, anh gọi ta xi ra sân bay đón chị, tình cũ của anh từ ngày xưa. Anh ôm bó hoa dại giống như hoa Dong Dẻ ngật ngờ ở sân bay, như kẻ đứng trước vành móng ngựa toà án hôn nhân gia đình.
Họ quần nhau trên cỏ.
Xung quanh là những bông hồng dại, những bông cúc Đại vương vung vãi, như hai con bò mườm trượp, kịch chiến nhau. Con cái chụm hai chân trước, dướn ức, chân sau choãi ra. Con đực mắt vằn thảng loạn, rớt dãi nhề nhề. Cái thời mười chín hai mươi anh và chị nhiều lần thế. Rồi anh ra ngoài, đi nước ngoài, chị ở nhà không thi đỗ đại học, theo chân ông bác lên Hà Nội làm thuê đủ việc, rồi bị cưỡng hiếp ở một góc cầu thang tối. Kẻ hiếp chị là gã chồng chị bây giờ. Đến lúc này, không biết bao nhiêu lần rồi tai anh phải nghe huyền căn vặn: “Sao ngày đó anh không hiếp em”? Tại sao lại thế nhỉ, bây giờ nhớ lại, huyết áp anh lại tăng vòn vọt. …
Trăng loảnh choảnh vàng. Gió úp lơm trên khóm dong dẻ.
Chàng trai nằm lên cô gái, mọi thứ thừa thãi, ngắn dài, đụng cựa, rối rắm, xóc xiết vào nhau.
Mệt phờ, thở rốc, bải hoải, ngắc ngư vì năng lượng dâng cực điểm mà không được giải toả.
Những cây dong dẻ mảnh mai bị túm kéo, dứt bứt, bị tai nạn… rồi chàng trai nằm ngửa, cô gái nằm nghiêng. Chàng trai thều thào đọc tiểu thuyết Những ngôi sao thành Ê-Ghen cho cô gái nghe.
Chiều đỏ rực chuyển sang tím lịm…
Ôi cái ngày xưa.
Chị bước ra từ cánh cửa đề chữ EXIT, tươi rói, háo hức.
Anh vươn người giơ bó hoa như người thân xa lâu ngày, vẫy việt kiều hồi hương.
*
Người ta cứ sợ khi chết sẽ ra sao. Lúc sống, khổ sở sờ sờ lại chẳng quan ngại. “Đấy, giờ có lối nghĩ thế”. Câu nói này cứ váng trong đầu anh mấy ngày nay. Dứt khoát, chết, mình sẽ không chôn ở trên này. Cái nghĩa trang bới người cũ lên, ấn người mới xuống. Nghĩ mà ghê. Còn hoả táng thì nóng quá.
Để nhà lạnh vài ngày mới được xếp lịch truy điệu, rét ơi là rét… mình chết, liệu nhiều vòng hoa không biết, ít thì ê với láng giềng… ôi, quẩn. Thật là quẩn. Thị trường chứng khoán chỉ số VN IN-dex độ rày tăng đột biến, thế mà mình toàn nghĩ chữ tịch. Anh lắc lắc đầu cho tỉnh táo. Phải vào viện, ổn ổn cái tiền đình rồi đưa vợ chồng con Hằng Nga về quê chứ… căn hộ hai phòng ngủ, một bếp, giờ rộng tuyênh. Cũng tại anh muốn nó về ở chứ chồng con Hằng Nga có cái nhà cấp bốn ba mươi mét vuông ngoại vi. Căn hộ này là sự hảo tâm của vợ anh, không thì cũng bổ dọc, bổ ngang. Hôm trước, con Hằng Nga không hỗn với mẹ ở tòa, hai bố con còn được cái trăm mười mét tầng bẩy chứ không phải sáu mươi mét tầng mười tám này. Thủ tục ly hôn, phải có người thân làm trọng tài. Ngần đấy năm vợ chồng, hai người có mỗi con Hằng Nga nên phải đưa nó ra. Cái đúng, cái sai của bố mẹ nó đâu quan tâm, chỉ biết nợ đồng lần họ phải gánh. Tưởng ngoài toà, con bé sẽ khóc lóc, níu kéo, van vỉ để bảo tồn mái ấm, chỗ mấy năm nay nó đổ thừa nông nổi, hư thân vào. Thế mà nó mở miệng khô tong khiến cả anh, chị, lẫn bà thẩm phán mặt đầy lông măng lồi mắt: “Thích thì ở, không muốn thì giải tán, cần gì toà với luật”. Mẹ nó giơ tay đồng ý. Toà thở phào, đóng hồ sơ, lay nhay cũng đến thế thôi. Phiên xử ly hôn cảm giác đương sự chưa kịp buồn, chưa kịp chuẩn bị sự hẫng hụt ở cái nếp gần nhau bao năm. Con Hằng Nga về ở với anh. Tối đầu tiên mẹ không trong nhà, bố thức trắng, nó vẫn ngủ ngon lành. Sáng sau, nó dậy sớm, tươi hơn hớn cùng bạn tếch đi pích- ních Đồng Mô.
“Anh nghĩ gì thần mặt?”
. “Cạnh em… còn nghĩ điều gì”.
(Đồ giả vờ – Chị nhủ và nhủ cả anh).
(Còn anh: Đang làm gì thế này. Cách đây hai tiếng đồng hồ sao mình cứ gọi: Đò ơi).
Anh cầm bàn tay chị, bàn tay những ngón dài. Bàn tay này ngày xưa giỏi cắt cỏ, băm bèo. Giờ đếm tiền khéo lắm. Những đồng tiền pô-li-me dễ kẹp gíp.
Chị tựa đầu vào vai anh, nhắm mắt.
Ghế hồng.
Bàn đen.
Điện mờ.
Ngọn nến nhỏ như giọt mật ong, váng chút sáng lên giàn hoa giấy xuề xoà cửa sổ quán cà phê. Những ngày này anh hay ngõi về quê hương. Độ này anh hay kể với con rể chuyện gốc gác bản thân, anh với nó có vẻ hợp nhau chuyện này. Con rể anh có bằng thạc sỹ, đang làm nghiên cứu sinh thì phá ngang, đi làm thuê cho công ty thằng bạn không bằng cấp dính tay, đứng giám đốc.
“Em à, anh là tên ngốc có bàn chân bốc mùi thò ra khỏi nệm. Tạo hoá chẳng cho anh người đàn bà làm công việc kéo chăn đâu. Em về với gã hiếp em đi. Ngày hôm qua là chuyện của hôm qua rồi”. Trời mưa đá. Mấy chục năm mới có mưa đá.
Anh và chị nép người bên nhau dưới một ô văng cửa.
Anh ưỡn cái bụng những mỡ là mỡ che chị khỏi dính những viên đá to như hạt ngô bắn tứ tát vào. “Nhiều khi anh lại ngưỡng mộ cái gã đã hiếp em, chứ như anh. Hèn quá. Em nói gã nhà em thiếu văn hoá. Ôi dào, ai đủ? Cứ cục mịch, lượm lặt, tham lam tí chút, rồi cũng có. Tài giỏi làm gì, to tát mà làm gì. Ngạo ngược chuyện nọ, chuyện kia, sẽ có vay, có trả. Tính tổng thể anh còn chạy theo gã vô văn hoá của em”. Chị cau mày: “Anh khùng hay sám hối đấy, ăn nói như hiền triết, lãng mạn bỏ xừ ấy”.
Sám hối thì sao? Mưa sắp tạnh.
Anh không ưỡn cái bụng mỡ che cho chị nữa.
Những hạt mưa đá giờ như hạt gạo, rồi những hạt nước to độp độp. Cơn mưa mưa ngưng một cách bất ngờ.
Anh nhìn sâu vào mắt người tình cũ, cố tìm xem còn vương cánh hoa dong dẻ không? Cái dáng thon thả, mảnh mai ngày xưa dù có làm nông quần quật giờ sương sướng một tí đã phùng phìu phần giữa. Mái tóc ngày ấy không mỹ phẩm, dầu thơm mà lúc nào cũng ngan ngát, nhanh nhánh, giờ xua xơ, quăn queo hết cả. Chị tỳ bộ ngực như tảng bột mì gấp thếp lên cái bụng mỡ của anh, đôi mắt nhìn anh long lanh như mắt con ngựa cái sắp mãn kinh.
Ông lão trông xe đạp xe máy ở tầng hầm nhà N9 ghi số vé vào chiếc yếm của cái xe máy Suzuky thằng Hoàng. Thằng bé gật đầu rồi dắt xe vào góc khuất cạnh chiếc cột to. Thang máy chạy vùn vụt. Nó đến căn hộ 1804, ấn chuông. Bóng ông bố vợ lạch bạch in đậm bên trong chiếc cửa nhôm kính. “Con chào bố”. “Hôm nay về sớm thế?”. “Định sang cơ quan đón nhà con rồi đi mua mấy thứ đồ, mai về quê. Bố ạ”. “Ừ. Tội con tôi”. Chàng trai trân trân nhìn bố vợ. Lần đầu tiên cậu nghe được lời cảm động từ người sinh ra “thứ” một nửa nó phải gắn bó, mang, vác bấy lâu. Nhờ người bạn thân làm cùng công ty, nó đã xin một chỗ bán hàng ở siêu thị trong thành phố cho vợ. Người ta, ngày nghỉ mới đưa được gia đình đi siêu thị trung tâm ngắm nghiêng, thư giãn thì con Hằng Nga nhàn hạ, mùa đông ấm áp, mùa hè thì mát lạnh, người người ăn mặc lịch sự qua lại trước mắt suốt ngày. “Từ từ hẵng đi đón vợ mày. Giờ chưa hết ca. Cũng đâu cần mua thứ nọ thứ kia mà làm gì”. “Lần đầu ra mắt họ hàng, phải có vài mâm cơm, bố à”. “Đúng, là thế, bố đi nước ngoài về. Bố lấy mẹ mày. Bố được thăng cấp, có lần nào báo cáo đâu”. Mặt thằng con rể buồn rũi. “Thì làm sao. Thôi, tuỳ bố và nhà con”. “Thương anh, bố nói vậy. Anh tính thế, còn gì bằng”.
*
Chỉ có hai cha con rong ruổi về. Con Hằng Nga không đi vì hãng khai trương gian hàng mới. Anh ngồi sau xe. Thằng con rể lùng tùng túi sách, đồ đạc bung biêng như làm xiếc. Lần đầu tiên từ khi làm con rể anh, anh và nó mới có dịp sát nhau mấy tiếng đồng hồ. Anh ngắm kỹ cái lưng cánh phản của nó, phàm người có cánh lưng to thì tính tình trung hậu. “Này, lý do con không làm tiến sỹ mà về công ty thằng Vặc là sao đấy?”. “Con sẽ làm sau, cũng có thể không làm nữa. Bố có nhớ bác Thuỗi, hàng xóm mười năm trước ở khu đình Huề với nhà ta?”. “Cái anh này. Mười năm trước anh còn ở tận đâu”. “Thì sau này con mới biết. Cũng ngẫu nhiên. Sếp con, thằng Vặc là con trai bác ấy. Năm kia đến chơi, lúc con đang làm thạc sỹ…”
Đằng trước trời bỗng kéo mây đen sầm sì. Thằng Hoàng mở cốp xe máy đưa cho anh cái áo mưa. “Mày khoác đi”. “Con chẳng cần, bố khoác vào không ốm”. Lùng tùng cả tiếng đồng hồ rồi hai bố con cũng về đến nhà của cậu em trai ông Hoà. Thằng Hoàng ướt như chuột lột…
Ông Hoà mở ví của cậu con rể, móc hết những thứ tạp nham, nào là card giao dịch, thẻ ATM, có một tờ giấy gấp nếp cất tận ngăn trong cùng. Ông Hoà khẽ khàng trải lên vung nồi cám lợn đang hâm trên bếp. Ông tò mò ghé mắt vọc vạch vào mảnh giấy kín đặc chữ mờ nhòe vì ướt mưa.
“Cha muốn nói: Điều cha muốn nói với con, cha không thể, bởi mọi ngôn từ ông bà cho cha ngày xưa dường đã trở nên cũ muộn mất rồi. Cha muốn nói mà không thể vì con đã nghe quá nhiều chuyện hoang đường vượt qua mái nhà của ta. Ở ngoài đó người ta nói với nhau những câu chuyện về những ngàn mét vuông đất, trong khi “nhà” cha con ta chỉ có 10 mét vuông. Ngoài đó người ta nói với nhau về cổ phiếu, trong khi con gái của cha chỉ biết khái niệm bỏ vào bụng lợn nhựa những bao giấy lì xì mừng tuổi và những đồng tiền xu lẻ cha cho con. Ngoài đó người ta nói với nhau, khoe nhau về những chiếc ô tô đời mới nhất giá tiền bằng thu nhập GDP của cả một tỉnh trên miền núi cao, khi cha tích cóp liệu đến lúc con thi đỗ vào đại học liệu cha có đủ tiền mua chiếc xe máy wave Tầu cho con không. Điều cha muốn nói với con mà cha không nói ra được vì những thứ tài sản cha chắt lọc từ cánh áo nâu của bà, từ chiếc điếu cày hằn ngấc ngón tay của ông, cả năm mươi năm cuộc đời cha nhọc nhằn vất vả bỗng trở lên ngô nghê khi nghe câu chuyện mẹ kể về tài sản của người bạn mẹ có được bởi đi nước ngoài vài hôm. Điều cha muốn nói với con về tiếng gọi đò của vô số người, tiếng gọi đò bất thường vì họ vừa đi tới bến tại làm sao lại thảng thốt quay lại gọi: Đò ơi…”
Mắt ông Hoà tối sầm lại. Lá thư của ông Thuật hàng xóm mười năm trước gửi cho con gái là cái Thao lúc ông Thuật lâm chung chẳng hiểu vì sao thằng con rể ông lại có bản coppy. Nghe phong thanh con Thao năm ngoái đỗ thủ khoa trường tổng hợp, giờ nó có học bổng đang đi học ở nước ngoài. ông Thuật cà nhắc có hai đứa con giỏi giang vốn sống nghèo túng bằng nghề mài dao kéo và chút tiền thương tật chiến tranh nhà mé sâu nhất khu đình Huề. Khu đình là một văn phòng làm việc của sở dây thép thời Tây.
Bài viết liên quan: