Niệm khúc tình yêu sự sống từ những đoá hoa

Thơ Bình Nguyên Trang là một phần kí ức học trò của tôi. Tôi yêu những vần thơ viết về “Tháng Ba” của cô gái tuổi trăng rằm, khi ấy. Đã hơn 30 năm trôi qua, Trang giờ đây đã là một cây bút có tên tuổi trong báo giới và thi ca đương đại, tình cảm của tôi dành cho thơ Trang vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu. Màu đỏ dậy thắp lên bao hoài bão tinh khôi của thanh tân, nay ngún vào “Đêm hoa vàng”– Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2024. Tập thơ đánh dấu sự trở lại của thơ chị, sau 8 năm vắng bóng.

“Đêm hoa vàng” là ấn phẩm nghệ thuật hấp dẫn từ hình thức đến nội dung, tinh tế, cặn kẽ đến từng chi tiết nhỏ, là một lời chào trang trọng của Thơ gửi tới độc giả. Bởi thế, vừa mới trình làng đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt của độc giả,

Hơn 40 bài thơ như “Những bông hoa đang thiền”, đính vào phía chân trời: “Thuyền đã mất dấu buồm sông đã vội” và cõi Thiền- Niệm. Có một số bài tôi đã đọc trên trang cá nhân của chị.

Đủ hiểu, 8 năm ấy, nữ thi sĩ không hề buông thơ, trái lại, là sự ân cần chi chút, thậm chí là tâm thế “Cầm lấy nỗi đau như ngọc mà chơi”.

Trang gửi mình vào thơ, tin cẩn như một phép tục huyền cảm xúc, sau ngót 10 năm an lặng. Thì ra, chị không cho phép mình dễ dãi, dù đã được định danh trong lòng độc giả. “Đêm hoa vàng” hiện diện sau một chặng dừng để chị nhận lại gương mặt tâm hồn mình ở một độ chân xác chăng?

Đọc “Đêm hoa vàng”, tôi thấy khuôn mặt thời gian trong sự lật giở của quá khứ và hiện tại. Bởi hiểu rằng chẳng thể ở mãi trong quá khứ, nên Trang tự tại trong hiện tại, bình thản với tương lai. Nhà văn Mỹ Elbert Hubbard có nói: “Trí nhớ dai có thể là điều tốt nhưng khả năng quên mới là dấu hiệu của sự vĩ đại.” Thơ Trang có sự ngoảnh lại, và cũng có sự quên đi.

Nhà phê bình Nguyên Tô – tác giả bài viết

Giống như trong tình yêu, hạnh phúc luôn đi liền với nỗi đau.Vết thương ngọt ngào, cay đắng ấy vẫn là “Môi thanh xuân còn tiếc một chân trời”. Và cũng có những “Đêm hoa vàng” để tiễn biệt “Thuyền đã mất dấu buồm, sông đã vội”?

Người đàn bà đi “Tìm” lại thanh tân, khi trái tim nguyên sơ thuở ban đầu giữa rạo rực: “nắng vàng”, “sông”, “tiếng trẻ thơ”, “sương mai”, “hoa”; để đến trung niên, tình yêu được ẩn dụ qua “anh”. Tuổi trẻ đã rơi theo thời gian, “ngày tóc rụng” trên đầu đầy tiếc nuối. Nguội lạnh loang tràn trong ánh sáng cô đơn:

Em tìm anh/ tìm anh/ mắt hồ thu lưu lạc/ sau cánh cửa ngày lại ngày tóc rụng/ em dò dẫm bóng mình trong bóng tối hoang mang

ngôi nhà chúng ta ở phía chân trời/ mỗi đêm hai ta đều mơ một vì sao ngoài cửa sổ/ những vầng sáng cô đơn như tinh cầu vụn vỡ/ âm thầm lạnh trong nhau…”

Bình Nguyên Trang gọi tình yêu trong “Nguyện cầu tháng Tám”, ấy là lúc mùa thu vừa ghé thềm đời, mùa và người đã chuyển vào buổi chiều của năm, một sự thu vén, nhưng đó đây những chân cảm vẫn bừng bừng tơ tóc. Một tiếc nuối, một vụn vỡ, một ngọn lửa từng châm bùng, rồi chập chờn tựa phù du, khói sương.

Trang gửi vào trái tim một tờ thư, nó chớp được tính chất vô thường, ngắn ngủi, đứt đoạn mà đa đoan của thân phận tình yêu. Tiếc nuối, hay xót xa, dẫu là gì, thì tuổi trẻ đã là thứ ánh sáng lộng lẫy nhất của người.

“dù tôi hiểu Tình yêu rồi sẽ mất/ trách làm sao lá kia từ biệt/ như Tháng Tám êm đềm, như giông bão/ như cuộc đời, như cỏ, như phù du

sao trong tôi vẫn rực rỡ ngục tù/ âm vọng của lời yêu đã cũ/ tôi đã sống đời mình như cơn lũ/ trôi đi, còn mắc nợ bến bờ”

Dù có tiếc nuối, thơ Trang vẫn tràn đầy hy vọng “Có thể một sáng nào ngủ dậy”, tìm thấy giấc mơ xưa. Giấc mơ là điều không có thực, tìm được chiêm bao đã đứt, ấy là cảm xúc mãnh liệt, tựa hồ như lần đầu, cuối cùng hay duy nhất.

“có thể một sáng nào ngủ dậy

giấc mơ ngày xưa theo gió quay về

ngoài khung cửa trời xanh màu quá khứ

và tim ta nao nức mùa hè

nắng chất vấn ta về tuổi trẻ

những tháng năm lộng lẫy qua rồi

hay vẫn đấy trong phượng hồng rực cháy

môi thhanh xuân còn tiếc một chân trời

ta đã qua bao đoạn đường đời

phượng nhỏ máu những mặt đường bặt gió

bàn chân bỏng niềm đau vụn vỡ

vết dấu còn phía cuối một câu thơ”

Trang “Tìm trong muôn vạn kiếp đời em đã sống”, những nẻo đi về nắng nỏ, mưa giông, muôn trùng đại dương. Biển là nước mắt nhân gian, mặn mòi bào mòn vách đá thinh lặng. Và nữ sỹ vẫn khấn nguyện một niềm.

“ta đã yêu và ta ly biệt/ ta đã thương đau và ta đã chữa lành/ ta đã thấy dẫu mù lòa thời cuộc/ ấp ôm mình vô tận biển xanh”

Tình ấy là: “Khoảng trời màu tím”, “Con đường”, “Thư”, “Trong mênh mông thiên hà”, có khi lại là “Những ngày không ra phố”, hay “Bài hát mùa đông”, và khép lại vui buồn quá khứ bằng “Tự sự”.

“Không mặt nạ/ không bụi mù xiêm áo/ chợ phù du lời mua bán ồn ào

yên lặng quá/ yên lặng là ngôi đền an trú/ ta soi vào thăm thẳm đời nhau

Lột xác với cũ mèm/ lột xác với bóng đêm/ sự thật ngồi im cuối đường hầm/ trái tim bởi yêu người/ trái tim buồn quá đỗi/ đêm rồi đêm run rẩy cánh hoa tàn”

Đến đây, người đàn bà thơ dường như đã thâu vào mình niềm thăm thẳm, hụt hẫng. Không còn những khóc cười tiếc nuối của tuổi trẻ, trung niên với những khúc quanh số phận, đã cho Trang tỏ tường mọi nhẽ. Trong khúc “Niệm” nhân vật trữ tình, sau những ca hát nỗi buồn yêu năm tháng đã ngộ ra, rằng, được hay mất cũng chính là ân huệ cho tất cả.

Tháng năm lấy đi và cho thêm. Để quá khứ ngủ im cũng là một sự dễ chịu. Người thơ đã phục sinh trong ánh sáng khác. Những suy vi từ sự quăng quật trên nẻo đời chi chít ngã tư, đã dẫn lối người đến an trú trong ngôi chùa tâm tưởng. Bình Nguyên Trang thức nhận sâu sắc về Phật. Phật không ở đâu xa, mà chính là Mẹ. Tìm mình trong Mẹ.

Người chắp vững vàng cho bước ta ra đi đến chân trời cao rộng, Người đón ta trở về sau những thua nhẵn sòng đời, hay xênh xang áo xiêm. Mỗi người hãy tự dựng một ngôi chùa trong tâm.Và lời Mẹ chính là chân kinh của Trang.

“mẹ dạy thế gian nhiều khóc lắm cười

mẹ dạy có khi một mình- phải sống

mẹ dạy có khi một mình- phải cười

cầm lấy nỗi đau như ngọc mà chơi

đừng lụy kẻ trên đừng chê kẻ dưới

đừng sợ vết thương- sao tránh ở đời”

Người Thơ từ tháng năm Trên ban, mà đếm những buổi chiều ngang qua cuộc đời. Thiền là an trú trong tĩnh, vô ngôn, kiệm tiết. Mọi vật đều có tính không, giữa tịch tĩnh thì vô ngôn đã tự nói lên tất cả.Thơ Trang đã truyền vào tôi lời kinh kệ.

“Đầy ắp hay trống rỗng/ đâu cần chi phải nói/ người đã đi qua sông/ hay người đang còn đợi/ buông mong ngóng đi rồi/ VỀ khác gì ĐÃ TỚI

Buổi chiều không tiếng nói/ buổi chiều lặng im soi/ bàn không và ghế trống/ nào phải không ai ngồi/ Vô ngôn hay có lời/ đâu còn là dấu hỏi/ chiều đi chiều lại tới/ đâu bận lòng nắng rơi”

Nhà thơ Bình Nguyên Trang.

Đọc “Đêm hoa vàng” thấy Trang quán chiếu vui buồn trong hơi thở. Một mình, ấy là trạng thức thông tuệ để nhập thiền. Chị cảm nhận được sâu sắc những xa xăm trùng kiếp trên tà áo mùa thu đang hoai úa. Bởi thế mà cuộc đời này đẹp cả trong tàn phai, mất mát.

 “Chúng ta ở đây hay vẫn trên đường

Thương đau trên vai cần cho cuộc lớn lên, cần cho hạnh phúc

Chúng ta còn đi vì bến bờ kia còn giao ước

Hoạn nạn hôm nay rồi cũng xa vời

Như sự sống này vẫn mãi tinh khôi

Phủ đầy thế gian không cần được gọi tên

Như bình minh ngập tràn thương mến

Như dáng ai ngồi lặng thinh, như màu thu đến

Trên áo vàng phai muôn vạn kiếp người”

Tôi đọc thấy màu thiền trong thơ Bình Nguyên Trang. Thơ chị an vui trong từng sát na, vô ưu và nhân từ tuyệt đối. Thương từ nụ cười thiên hạ, xôn xao trước làn tóc rối, giữ lòng trung như một chấm mực buồn bám vào cuộc sống mặc gió mưa cuộc đời. Tâm hồn nhà thơ trổ một bóng cây vui.

“Khoảnh khắc này tôi vui/ Hoa vô ưu bừng nở/ Thương thế một nụ cười/ Lạ mà quen trên phố

Như một chấm mực buồn/ Trên trang đời mưa dội/ Như một bóng cây vui/ Trên bãi bồi sông suối/ Màu gì trong tiếng gọi/ Vang vang bờ nhân gian”

Tôi có cảm nhận, Thơ Bình Nguyên Trang thành thật, đôi khi như lời sám hối.Thi thoảng giật mình vì tiếng động rất khẽ, khi nhận ra chiếc mặt nạ trên sân khấu cuộc đời vừa tự lột. Hành động dũng cảm ấy, khiến tôi liên tưởng đến một đóa bạch liên vừa trút xiêm y. Ngay cả khi những cánh sen rơi xuống, mùi hương thanh quý vẫn vương vương trên bàn tay.

“Thấm tháp gì một cuộc vui chơi/ Ta diễn người xem người xem ta diễn/ Bao nhân vật chết dần trong chật chội/ Trong áo khăn bi hài kịch cuộc đời

Người nhấc giùm ta chiếc mặt nạ/ Dịu dàng bảo rằng hạnh phúc khó gì đâu/ Khi ta rời sân khấu tìm nhau…”

Bình Nguyên Trang đã đi qua bao “Đêm hoa vàng”, đi qua những giấc chiêm bao như thực, như ảo, màu của huy hoàng, màu của đêm. Con người bản năng trong thơ chị là buồn và cô độc.

Dẫu dòng đời là vô thủy vô chung đôi khi mỏi gối, dù sinh mệnh không thoát khỏi nỗi vô thường, thì Người Thơ vẫn luôn thản nhiên trước những đóa hoa đêm.

Thổn thức trước những giã biệt hoa vàng, mỗi cánh hoa rơi biểu tượng cho sự qua đi của thời gian. Thấm thía giá trị đời người, cũng là để sống trọn vẹn từng khoảnh khắc và tái sinh mình ở một nguồn ánh sáng mới.

“Lòng ta chết dần theo cánh vàng rơi

Sao người điềm nhiên trên mặt bàn đợi cơn gió tới

Người không băn khoăn cuộc đi này sao ta cứ gọi

Sao ta không đủ từ tâm để người chết một mình”

Bình Nguyên Trang vẫn kế thừa những nụ hoa thơ ở bình minh thiếu nữ, để khi đã mở cánh và tỏa hương đầy đặn trong đóa đàn bà với đủ đầy cay đắng, hạnh phúc hay xa xót, thơ chị vẫn gửi vào hồn tôi những bồi hồi, xúc động.

Câu chữ giản dị, chân thành, không trang sức nhưng tự nó đã nói với tôi về ý nghĩa đủ đầy của tình yêu sự sống, trong cõi an tĩnh chừng mực như những đóa hoa đêm vàng rực rỡ mà ở đó Trang một mình một lễ hội cuộc đời.

Thơ Trang đã vượt lên những điều thông thường ở giai đoạn trước, để cô lắng trong tầm tư tưởng sâu rộng hơn. Không cần diễn ngôn bóng bẩy, hay cách tân cầu kì, thơ chị là những nút thắt cảm xúc, chỉ chờ một tri âm, để khởi lên “Màu gì trong tiếng gọi/ Vang vang bờ nhân gian”.

Tâm hồn nữ sỹ là cây huyền cầm- “chiếc lá giấu tâm tư vào đêm/ Chờ trăng lên và gió”. Triết lý nghệ thuật Bình Nguyên Trang, chính là tìm bản thể trong sự an trú nội tâm.

NGUYÊN TÔ

Nguồn: vanvn.vn