Tôi luôn có cảm xúc mạnh khi đến bản làng của đồng bào các dân tộc ít người. Không phải bởi đồng bào nghèo khổ quá về vật chất, lạc hậu quá trong suy nghĩ mà vì đời sống của họ ẩn chứa rất nhiều giá trị văn hoá. Kể cả khi phong tục tập quán truyền thống có nguy cơ bị tước bỏ bởi sự xâm nhập của những giá trị vật chất ngoại lai thì đồng bào vẫn níu giữ lại phần hồn cốt phi vật thể của mình và xem đó là điểm tựa tinh thần vững chắc.
Lần này đến bản Kè, xã Lâm Hoá, huyện Tuyên Hoá tôi đã rất thú vị khi nghe cụ Cao Dụng kể về những bí ẩn của người Mã Liềng. Cụ mãn nguyện khi nói rằng “ Hồi nớ mình khổ lắm! Khổ lắm! Chừ đỡ nhiều rồi!”. Và cười…
Nhà văn Trương Thu Hiền ở Quảng Bình
Người Mã Liềng được tìm thấy lần đầu tiên vào năm 1920 khi đang du canh du cư, nay đây mai đó trên dọc dãy Trường Sơn. Dừng đâu là nhà. Nằm đâu là giường. Nhà nhưng không phải nhà, chỉ túp lều dựng vội lợp bằng lá rừng. Lá vàng lá rụng thì đi. Có người chết, đi. Có người mắc bệnh cũng đi. Tìm chỗ mới dựng túp lều khác hoặc ở trong các hang đá gặp trên hành trình du cư luẩn quẩn giữa núi rừng. Đói ăn. Thiếu mặc. Bơ tơ bất tất. Chiến tranh đẩy người Mã Liềng ngày càng lùi mãi vào rừng sâu. Bệnh tật và đói khổ từng dồn tộc người này đến nguy cơ diệt vong. Năm 1958, dịch bệnh xảy ra làm rất nhiều người chết, tộc Mã Liềng chỉ còn 10 hộ gia đình tán loạn thoi thóp trong sợ hãi.
Năm 1973, Tiến sỹ Tạ Long cùng đoàn công tác Viện Dân tộc học – Thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam vào Quảng Bình xác minh thành phần các dân tộc phía tây tỉnh. Căn cứ địa bàn sinh sống của đồng bào trên núi cao, trong hang đá, lèn đá, các tộc Sách, Mày, Rục, Arem và Mã Liềng được xếp vào nhóm dân tộc Chứt (Chứt nghĩa là người sống ở núi đá, lèn đá). Cũng như các tộc anh em khác, người Mã Liềng không có họ chính thức mà chỉ dùng họ mượn, gồm: Họ Cao vì đồng bào cư trú trên núi cao, họ Hồ của bác Hồ và họ Phạm của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Mặc dù năm 1974, dân tộc Chứt đã được ghi danh vào đại gia đình 54 dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan, chỉ sau ngày tỉnh Quảng Bình trở về địa giới cũ người Mã Liềng mới thực sự được quan tâm chăm lo và dần hồi sinh. Năm 1991, đồng bào bắt đầu hành trình hạ sơn lập bản mới. Họ không mang theo gì ngoài những dụng cụ thô sơ phục vụ cho hoạt động săn bắt hái lượm trong tay người đàn ông, chiếc gùi cũ trên lưng người đàn bà, dắt díu theo cùng lũ trẻ ngơ ngơ ngác ngác. Tuy nhiên, do tập quán tồn sinh, tâm lý, thói quen bị thay đổi, chưa kịp thích ứng với đời sống mới, thời gian đầu đồng bào thường bỏ bản trở lại rừng.
***
Ở bản làng của đồng bào dân tộc, ban ngày thường vắng, đàn ông vào rừng tìm mật ong; đàn bà hái măng, làm rẫy; chỉ còn người già, lũ trẻ quanh quẩn. Cụ Cao Dụng bé nhỏ, nhanh nhẹn và vui tính mời chúng tôi vào nhà chơi. Không có gì đáng giá nhưng sạch sẽ, gọn gàng. Cụ kể với tôi về những ngày tháng dựng xây bản mới cách nay hơn 20 năm. Vui nhất vẫn là chuyện lần đầu tiên trong đời đồng bào tự làm cho mình một ngôi nhà đúng nghĩa. Năm 2003, Uỷ ban Nhân dân huyện Tuyên Hoá phối hợp Trung tâm nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển CIRD tiến hành thực hiện dự án ngói hoá nhà ở cho đồng bào Mã Liềng ở bản Kè. Dự án diễn ra trên tinh thần nhân đạo, nhân văn và thân thiện. Không khiên cưỡng định đoạt nơi ở của đồng bào. Không cứng nhắc áp đặt, làm ra một loạt ngôi nhà xa lạ rồi đưa đồng bào vào ở. Mà tôn trọng tập quán sống chan hoà với thiên nhiên và văn hoá tín ngưỡng của người Mã Liềng. Huyện phối hợp trung tâm chịu trách nhiệm đầu tư kinh phí, đào tạo đồng bào nghề mộc kiêm giám sát thi công.
Trong giới hạn cho phép, dân bản được quyền đề xuất vị trí và kết cấu ngôi nhà đồng thời trực tiếp tham gia thực hiện. Bởi: Trong ngôi nhà truyền thống của người Mã Liềng, cầu thang cho đàn ông, cầu thang cho phụ nữ, cửa sổ đưa tang người qua đời, cột ma ở đâu, buồng thiêng ra sao, bếp lửa hướng nào…chỉ đồng bào mới biết. Với hai loại nguyên vật liệu chủ yếu là gỗ và ngói, những ngôi nhà đậm đà bản sắc dân tộc Chứt đã mọc lên xinh xắn, gọn gàng, vừa lòng dân bản. Đầu tiên là nhà cụ Cao Dụng, sau đó thêm 39 nhà nữa. Tất cả dựa lưng vào núi, hướng mặt ra sông tạo cho bản Kè không gian tự nhiên thoáng đãng và hài hoà. 20 năm, vách gỗ mái ngói thẫm màu mưa nắng nhưng những ngôi nhà vẫn chắc chắn. Ở đó, đồng bào Mã Liềng sống gắn bó, an toàn qua bao cơn bão lũ. Từ bấy, họ không còn dắt díu nhau bỏ bản trở lại rừng lần nào nữa.
Chuyển nơi sinh sống từ trên cao xuống nơi thấp hơn, chuyển tập quán du canh du cư sang định canh định cư, cuộc sống người Mã Liềng thay đổi theo chiều hướng hết sức tích cực. Bản Kè hiện có hơn 60 hộ gia đình với hơn 250 nhân khẩu, còn nghèo nhưng ổn định trên mọi phương diện. Tôi ở xa đến, chưa hiểu nhiều về những quy ước bất thành văn của đồng bào, đã bước lên cầu thang bên trái dành cho đàn ông. Người bạn Tuyên Hoá đi cùng khắc khéo “ Chị phải lên nhà bằng cầu thang bên phải!”. Tôi ngồi nơi gian giữa ngôi nhà, người bạn lại nhắc “Chị không ngồi trước buồng thiêng!”. Ngôi nhà của người Mã Liềng dù to hay nhỏ đều phải tuân thủ nguyên tắc kiến trúc truyền thống, đảm bảo đầy đủ các vị trí tâm linh đặc biệt. Buồng thiêng thờ Nỏ, một dụng cụ săn bắt tự chế trên hành trình du cư mải miết của người Mã Liềng từ xa xưa. Hiện nay, dù hoạt động săn bắt đã chấm dứt nhưng nỏ vẫn là vật chủ mang lại may mắn ấm no cho mỗi gia đình của tộc người này. Chỉ vợ chồng gia chủ hoặc con trai mới được vào buồng thiêng. Tuyệt đối cấm kỵ người ngoài, kể cả dâu rể của gia đình. Nhà phải có đủ ba cột: Cột chính thờ ma nhà (Là ông bà tổ tiên). Cột con rể dành riêng con rể hoặc nơi ngồi của người con trai khi đến chơi nhà bạn gái. Cột con dâu, vị trí cho phụ nữ. Khi có người qua đời, cửa sổ phía cầu thang đàn ông trở thành đường đưa ma. Người sống không bao giờ thò đầu ra ngoài cửa sổ ấy. Bếp với ngọn lửa không bao giờ tắt là trái tim của ngôi nhà. Từ đời này sang đời khác, khi đơn độc du cư đến an yên nơi bản mới, dù ở túp lều lá vàng hay trong ngôi nhà mái ngói kín đáo thì tôn ti trật tự mỗi gia đình đều được giữ vững.
Người sống có vị trí của người sống. Ma có chỗ của ma. Tất cả tồn tại bên nhau hài hoà và tôn trọng. Vậy nên, dù đồng bào các dân tộc ít người vẫn còn lạc hậu, kém phát triển nhưng không phải vì thế mà cho phép áp đặt những cái gọi là “ văn minh”, “ hiện đại” không phù hợp vào, để loại bỏ, xem nhẹ thậm chí xúc phạm đặc trưng văn hoá bản địa của họ. Những ngôi nhà được dựng lên tuỳ tiện chỉ với mục đích che mưa, che nắng thông thường sẽ làm đảo lộn đời sống tâm linh và mài cạn rãnh văn hoá riêng biệt của đồng bào. Cơm ăn áo mặc rất quan trọng nhưng văn hoá là yếu tố cốt lõi cho phát triển lâu dài.
Đi cùng tôi đến bản Kè có Đinh Văn Bắc – Phó Bí thư Đảng uỷ xã Lâm Hoá. Anh nói rằng, trong nhân sinh quan của người Mã Liềng, tất cả đều có linh hồn. Vạn vật được chia thành ba phạm vi. Thuộc về vũ trụ tự nhiên gọi là thần: Thần mặt trời, thần mặt trăng, thần gió, thần mây… Thuộc về tâm linh gọi là ma: Ma nhà, ma bếp, ma rú, ma suối… Và con người. Khi con người yếu đuối, đơn độc, không nơi bấu víu sẽ tìm đến các thế lực thần, ma thông qua cầu cúng, khấn vái mong được phù trợ độ trì để vượt qua tai ách hoặc mong cầu may mắn. Chúng ta thường nói rằng, đồng bào các dân tộc ít người mê tín. Trong thực tế, nhiều người trong chúng ta và đồng bào, không biết ai mê tín hơn ai! Hiện nay, khi được quan tâm về mọi mặt, người mã Liềng không còn đơn độc và bất lực trước những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, việc cúng bái giảm hẳn. Ốm đau có bác sỹ chữa bệnh. Khó khăn hoạn nạn có chính quyền địa phương, cộng đồng chung tay giúp đỡ. Đồng bào đã tiến bộ trong nhận thức. Nhưng vẫn còn những lễ cúng đồng bào không bỏ, không bao giờ từ bỏ, như lễ cúng thần rừng, cúng thần bếp, cúng ong…
Có phải mê tín không? Hoàn toàn không! Đó là lòng biết ơn! Là tín nghĩa! Là hy vọng! Là bản sắc! Tất cả đều đẹp! Phía sau những lời cầu mong mưa thuận gió hòa, dân bản khỏe mạnh, mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi có sự gắn kết cộng đồng, cùng nhau cố gắng để xây dựng bản làng ngày càng tươi đẹp. Vậy thôi! Không nhiều hơn. Đồng bào dân tộc ít người vẫn đang loay hoay kiếm sống nhưng họ không tham! Họ biết đủ và không cầu lợi vì cá nhân ích kỷ.
Ngôi nhà phản ánh gương mặt văn hoá. Nơi dựng lên ngôi nhà chuyển tải tiếng nói tập quán. Kéo người ta ra khỏi không gian sống đặc trưng sẽ không nhận được hợp tác bền lâu. Hiện nay, nhiều khu tái định cư cho đồng bào dân tộc ít người hoặc những ngôi nhà xây dựng từ nguồn hỗ trợ của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhà hảo tâm hầu như không được thực hiện như bản Kè. Đa số lợp tôn, dựng tập trung theo hàng ngang dãy dọc và rất gần nhau trên một mặt bằng chung. Trong lúc đó, đồng bào ít người có lối sống tự do, thích thoáng đãng, thích gần rừng, gần suối. Nhà không cần to mà chỉ cần đủ. Đủ chỗ cho trú ngụ. Đủ chỗ để gửi gắm tâm linh. Vậy nên, được cho nhà mới đồng bào vui vẻ nhận nhưng vẫn an nhiên gắn bó với ngôi nhà cũ thậm chí có phần rách nát của mình.
Ngoài lý do “Nhà tôn nóng lắm, miềng không ở được” còn có nguyên nhân khác, đồng bào không nói ra bằng lời, đó là vấn đề văn hoá tín ngưỡng và tập quán. Có câu “ Của cho không bằng cách cho”, việc làm nhà giúp đồng bào các dân tộc ít người trong thời gian qua có nên cần suy nghĩ lại? Quá trình xây dựng bản Kè 20 năm trước của UBND huyện Tuyên Hoá và Trung tâm CIRD có phải là bài học kinh nghiệm hết sức bổ ích cho hoạt động nhân đạo này?! Để không có những ngôi nhà bị bỏ hoang!
Sau 20 năm, bản Kè nay đã tăng thêm hơn 20 hộ gia đình. Đương nhiên, cần phải có thêm khoảng chừng đó ngôi nhà nữa. Bản Kè bây giờ đã lác đác những mái tôn, nhà ống. Tôi hỏi Bắc:
– Tại sao mình không làm như những ngôi nhà cũ ?
– Dạ, kinh phí không cho phép ạ!
Và chúng tôi im lặng…!
Thầm ước, bản Kè sẽ không bị tôn hoá. Bản Kè cũ kỹ mà mãi thơ mộng bên dòng Ca Tang, mãi hiền hoà dưới chân dãy Giăng Màn hùng vỹ. Vì bản Kè là của người Mã Liềng!
TRƯƠNG THU HIỀN – Tạp chí Nhật Lệ
Trích nguồn: Vanvn.vn
Bài viết liên quan: