Nhìn bóng mình – Truyện ngắn của Ngô Thị Thu Vân

Ông Danh lại đứng bên cửa sổ ngó ra phía ngoài cổng. Ngó cái dáng gầy guộc già nua của ông Hảo bước liu xiu cùng một bầy con cháu tíu tít từ dưới quê theo xe lên rước ông về, ông Danh bỗng rơm rớm nước mắt.

Nửa đêm, ông Hảo bỗng thấy bức rức khó chịu. Ông bước xuống giường rót một ly nước nóng, chưa kịp hớp miếng nào, đàm nhớt đã kéo có dây trong cổ họng làm ông ngứa ngáy. Ông cố nén nhưng nén mãi không được. Ông ho lên khục khục. Thằng Đực nằm ngủ cạnh bên, nhừa nhựa: “Ông nội có sao hôn?”. “Không, mày ngủ đi”. Đang tuổi ăn tuổi ngủ, nó trở mình, lại tóp tép ngáy pho pho.

Nhà văn Ngô Thị Thu Vân sinh trưởng ở Bến Tre hiện sống và làm việc tại TPHCM

Mấy lúc như vầy, ông Hảo muốn chết quách cho xong. Ông ganh tỵ với bà. Bà sao mà sướng. Đang xân xẩn, ngủ một đêm sáng ngày đã thơ thới ra đi. Rồi ông nhớ bà ứa nước mắt. Về ở với ông mấy chục năm, bà chưa có được một ngày thảnh thơi. Bà mất rồi, ông cày cục vất vả quanh năm, nhịn ăn nhịn mặc nuôi các con. Vậy mà cũng không có đứa nào được học hành đến nơi đến chốn nên giờ tụi nó nghèo rớt mồng tơi.

Hơi thở ông bắt đầu hổn hển, đứt quãng. Thằng Đực giựt mình mở mắt, chưa kịp tỉnh ngủ đã thấy ông nội nó vịn cái thanh giường gục xuống. Nó nhảy xuống đất cái đụi la quýnh lên. Ba nó điện thoại kêu xe đưa ông thẳng lên Sài Gòn.

Căn bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là hậu quả của hơn sáu mươi năm ghiền thuốc lá. Gần chục năm nay, cứ khoảng vài ba tháng, ông lại lên cơn. Cả nhà quen rồi, cứ bệnh viện Phạm Ngọc Thạch thẳng tiến. Lần nào cũng đếm đủ mười bữa là ông được bác sĩ cho về.

Lần này day qua day lại cũng chín ngày rồi mà chưa nghe bác sĩ nói gì. Thằng Đực cũng không dám hỏi. Ở đây, bệnh nhân hầu hết là đàn ông lớn tuổi và cùng mang một chứng bệnh. Có người thâm niên như ông nội thằng Đực, cũng có người mới phát như ông Danh nằm giường kế bên.

Khác với vẻ tiều tụy của ông Hảo, Ông Danh dáng người thấp đậm, da dẻ hồng hào, giọng nói sang sảng. Chỉ trừ những lúc phải xông thuốc, còn thì ông oang oang suốt ngày. Từ những câu chuyện thời sự quốc tế, đến trận đá bóng giải ngoại hạng Anh, chuyện thuốc tăng lực làm từ thịt người… đến những chuyện nổ banh nhà lồng chợ như ông có họ hàng với đương kim thủ tướng, mẹ ông chết cả nhà nhạc sĩ họ Trịnh đến đưa tang, lương con gái ông một tháng ba ngàn đô, hay tay giám đốc bệnh viện, chỉ cần ông hê một tiếng là muốn gì được nấy…

Mới đầu, mọi người trong phòng còn tỏ ra khó chịu nhưng lâu dần đâm quen. Hơn nữa, họ cũng mơ mơ hồ hồ về thân thế của ông (do ông tự bạch) nên thôi. Một câu nhịn chín câu lành.

Hôm ông Danh mới vào viện, có một người giúp việc tên Hữu theo nuôi ông. Anh Hữu hiền lành ít nói, nhưng vụng về chậm chạp. Suốt ngày bị ông Danh sai chạy có cờ mà còn chửi lên chửi xuống. Được mấy ngày, thằng Đực chưa kịp làm quen cho có bạn thì anh Hữu đã bỏ đi mất.

Tối hôm đó, chị Dự con ông Danh, mặt nặng như đeo chì, lao vô phòng không chào hỏi ai lấy một tiếng. Chị ngồi phịch xuống ghế:

– Ai ở với ba cũng không được. Con biết kiếm đâu ra người…

Trước chị Dự, hình như khí thế ông Danh vơi đi một nửa:

– Thằng Hữu nó méc gì con?

– Ảnh không có méc gì hết. Tính ba, con còn lạ gì.

– Ba có làm gì nó đâu. Không tin con hỏi thằng này coi.

Ông Danh vừa nói vừa chỉ vào thằng Đực. Cực chẳng đã thằng Đực phải làm nhân chứng bất đắc dĩ. Có đồng minh, ông được nước làm tới:

– Thôi mai mốt con khỏi mướn người nữa, ba tự lo một mình.

Nói rồi, ông se sái đi ra cửa. Chị Dự nhìn theo ông Danh lắc đầu. Thằng Đực ái ngại nhìn chị. Chị Dự nháy mắt kêu thằng Đực theo chị ra ngoài:

– Ông nội em chắc khỏe nhiều rồi hả?

– Dạ.

Chị Dự vừa dúi vào tay nó một xấp tiền vừa nói:

– Sẵn nuôi ông nội, em ngó chừng ba chị với. Chị cám ơn em lắm. Rồi chị sẽ kiếm người khác giúp việc cho ông.

– Sao chị không nuôi ba chị?

– Chị mắc buôn bán. Chị có sạp vải trong chợ Soái Kình Lâm. Tiền lời mỗi ngày bằng nửa tháng lương trả cho người giúp việc. Với lại mình bỏ sỉ, nghỉ là mất mối hết em ơi.

Thái độ khẩn khoản của chị Dự làm thằng Đực động lòng:

– Bộ nhà chị có mình chị hả?

– Còn chớ. Anh hai chị làm cán bộ ủy ban cả ngày ở trên quận. Còn cô em út làm phóng viên nhà báo. Nó đi công tác tỉnh này tỉnh nọ suốt. Đâu có ai ở không.

– Vậy chị xin cho ba chị về đi. Ở nhà uống thuốc cũng được. Em thấy ba chị đâu có bịnh nhiều như ông nội em.

Chị Danh nhăn mặt:

– Em không hiểu đâu. Tụi chị đến khổ sở với tính tình của ba chị.

Thằng Đực không hiểu thiệt nhưng không tiện hỏi nữa. Nó trở vô phòng nằm gác tay lên trán nghĩ ngợi mông lung. Đúng là người có ăn học tính cái gì nghe cũng phải, bởi vậy họ mới giàu…

Nãy giờ, ông Hảo ngồi quan sát thằng Đực, thấy nó cứ chép miệng thở ra. Ông hỏi:

– Mày cằn nhằn cái gì đó Đực.

– Dạ con có cằn nhằn gì đâu. Con đang tính.

Ông Hảo phì cười:

– Cái đầu tàu hủ của mày bữa nay bày đặt tính toán cái gì vậy.

Đã quen bị ông nội kêu cái đầu nó chứa toàn tàu hủ, nên nó tỉnh bơ:

– Con tính, nếu như mà con đi mần mỗi tháng được ba triệu, con sẽ mướn người nuôi ông nội một triệu rưỡi, còn lời một triệu rưỡi.

Ông Hảo giựt mình. Cái thằng cháu nội hiền lành khờ ịch của ông sao bữa nay nó có thể tính toán vậy cà. Thằng Đực chìa ra xấp tiền mà chị Dự đưa, nó kể cho ông nội nó nghe vụ chị chự nhờ “coi chừng” ông Danh, chờ chỉ kiếm người. Ông Hảo lắc đầu:

– Chị Dự nhờ, con cứ làm, nhưng tiền thì trả lại cho người ta.

Từ bữa đó, mỗi đêm chị Dự chỉ ghé tạt vô thăm ông Danh một chút rồi lật đật ra về.

“Không lẽ mình nói lẫy vậy mà nó không mướn người vô nuôi mình thiệt…”. Càng nghĩ ông Danh càng tức. Vốn quen được phục vụ, ông chưa bao giờ phải tự chăm sóc cho mình. Ở nhà, thế giới của ông là cái ghế sofa đối diện với cái màn hình ti vi 42 inch nơi phòng khách, trong căn nhà rộng thênh thang. Ông chỉ có việc loay hoay ở đó chờ tới giờ cơm dọn sẵn với đủ thứ cao lương mỹ vị. Khi 60 kênh truyền hình cáp được ông rà đi rà lại không thấy “có cái gì coi được” là ông lại lò dò ra quán cà phê đầu ngõ. Ở đó, khách hàng đa số là cư dân trong xóm. Họ biết tỏng ông là ai. Có thể họ ngán anh con trai làm cán bộ ủy ban, có thể họ vị nể cô con gái làm nhà báo, không ai thèm đôi co. Vậy là ông buồn, ông đòi vô bệnh viện.

Tranh của họa sĩ Thành Chương

Mấy bữa nay, được thằng Đực chăm sóc, ông Danh thấy thoải mái. Thằng Đực lanh lẹ xăng xái, thuộc làu thực đơn dành cho người bệnh. Nó biết giờ nào xịt thuốc, giờ nào uống thuốc…

Sáng giờ, thằng Đực bỏ đi “dạo làng dạo xóm”. Ông nội nó không thấy nói gì nhưng ông Danh có vẻ bực bội vì không có ai sai biểu. Thằng Đực vừa về tới, Ông Danh hỏi liền:

– Nãy giờ đi đâu mậy?

Thằng Đực không tra lời, nó ngồi xuống cạnh giường bóp chân ông nội nó:

– Nội! Anh ca sĩ Kim Nam Chung đang nằm dãy bên kia kìa. Sáng giờ người ta bu coi đông nghẹt, bị chú bảo vệ đuổi như đuổi tà.

Ông Danh chen ngang:

– Qua Việt Nam ăn bậy bạ ngộ độc thực phẩm chớ gì.

– Đâu có ông, tại tên ảnh vậy thôi, chớ ảnh là người Việt Nam. Ảnh nổi tiếng mịt trời vậy, ông ở Sài Gòn hổng biết ha.

– À! Cái thằng đầu tóc đỏ lòm, ăn bận hệt con gái, nhảy như điên khi hát chứ gì.

Thằng Đực thường ngày cũng khoái ông Danh vì mấy cái chuyện thiên trời địa đất của ổng, nhưng khi nghe ổng “xúc phạm” tới thần tượng của mình một cách “dã man” như vậy, nó xịu mặt không nói không rằng. ông Danh thấy vậy, giả lả nói lãng qua chuyện khác:

– Mày học lớp mấy rồi Đực? Mày đi nuôi ông nội mày vầy, phải nghỉ học hả?

– Dạ trường học ở dưới quê con dạy có nhiêu đó hà. Muốn học nữa phải lên huyện. Ba má con đâu có tiền.

– Nhiêu đó là lớp mấy?

– Dạ hết lớp năm.

– Mới lớp năm nghỉ, mần gì ăn mậy?

– Dạ mần mướn. Dưới quê con thiếu gì chuyện mần.

Câu chuyện của ông Danh với thằng Đực chưa tới hồi kết thì cô y tá bước vô thông báo với thằng Đực đầu giờ chiều xuống phòng hành chánh làm hồ sơ cho ông nội nó xuất viện.

Cô y tá vừa quay ra, ông Hảo biểu thằng Đực:

– Con lo dọn đồ đi. Điện cho ba mày kêu xe lên rước. Về cho rồi. Ở hoài tốn tiền quá.

Không phải chuyện của mình, nhưng theo quán tính, ông Danh giọng trịch thượng:

– Cha mẹ bệnh hoạn thì con cái phải lo chứ tốn tiền cái gì.

– Con tui đứa nào cũng nghèo. Tụi nó đâu có tiền.

– Không có thì vay mượn. Còn nước còn tát chừng nào chết thì thôi chớ.

– Mình già rồi, sống đau yếu bệnh hoạn hoài có sướng ích gì đâu. Sống đã làm gánh nặng cho con. Chết còn để lại nợ nần cho chúng, hóa ra mình thương cái thân mình chứ đâu có thương tụi nhỏ.

Ông Danh làm thinh. Không phải vì thấu hiểu lời ông Hảo nói mà bỗng dưng ông chợt lo lắng khi nghe tin thằng Đực sắp về. Nói nào ngay, mấy ngày nay được nó chăm sóc, ông thấy cũng có cảm tình, thứ tình cảm mà ông chưa bao giờ có được với những người đã từng giúp việc cho ông trước đây, bởi ông luôn coi họ là người làm công ăn lương.

Thằng Đực vừa lui cui sắp xếp đồ đạc vừa nói với ông Danh:

– Tối chị Dự có vô, ông nói con gởi lời chào chỉ. Ông nói chỉ mướn người vô nuôi ông. Ông đừng giận chỉ tội nghiệp. Chỉ mắc buôn bán để kiếm tiền lo cho ông.

– Lo cái gì?

– Thì chỉ mua sâm, mua tổ yến, sữa sùng cho ông tẩm bổ.

– Tao đâu có cần mấy thứ đó.

Lần đầu tiên thằng Đực nghe giọng ông nhỏ nhẹ và có phần cam chịu. Nó ái ngại nhìn ông:

– Trời đất, người ta kiếm mấy thứ đó hổng ra mà ông nói ông không cần. Vậy  chứ ông cần cái gì?

Ông Danh không trả lời thằng Đực. Vì thật ra nó hỏi hờ cơ quá, ông cũng không biết ông cần cái gì.

Ông cháu thằng Đực chào mọi người ra về. Ông Danh lại đứng bên cửa sổ ngó ra phía ngoài cổng. Ngó cái dáng gầy guộc già nua của ông Hảo bước liu xiu cùng một bầy con cháu tíu tít từ dưới quê theo xe lên rước ông về, ông Danh bỗng rơm rớm nước mắt.

Nắng nhạt dần về phía bên kia cội bồ đề. Bóng nắng hắt ngược trở lại xuyên qua khung cửa sổ soi bóng ông Danh đổ dài gấp khúc ngoằn ngoèo trên nền gạch. Ông bâng quơ nhìn bóng mình.

NGÔ THỊ THU VÂN

Nguồn: vanvvn.vn