Được những người đương thời vinh danh là thiên tài, là “điển hình cho tính cách Nga,” “người ưu tú nhất,” Vaxili Shukshin đã để lại cho hậu thế những tác phẩm kiệt xuất như tuyển tập truyện “Dân làng”, các phim truyện “Từng sống một gã trai như thế”, “Bên hồ”, “Kim ngân quả đỏ”…
Nhà văn Vaxili Shukshin
Hàng năm vào dịp giữa tháng 7, tại vùng Altai của Nga, theo truyền thống những ngày Shukshin và Festival phim được tổ chức. Altai chính là quê hương của nhà văn, nhà biên kịch, diễn viên, đạo diễn điện ảnh tài năng và vĩ đại- Vaxili Makarovich Shukshin.
Nước Nga gần như là một đất nước duy nhất hội tụ đủ mọi nét đặc trưng cả về tự nhiên và con người của một thế giới thu nhỏ. Mọi tài nguyên thiên nhiên của hành tinh hầu như đều tồn tại ở nơi đây và con người- mọi tài năng, vĩ nhân trong hầu hết các lĩnh vực cũng đều có người Nga góp mặt. Và V.Shukshin là một trong những tài năng ấy- mang đậm dấu ấn lịch sử và tính cách Nga.
Sinh ngày 25.7.1929, trong một gia đình thuần nông tại làng Srostki, thuộc vùng Altai (giáp Kazakhstan). Cha ông, Makar Shukshin (1912 -1933), một thợ cơ khí chất phác nhưng do những éo le của lịch sử đã bị bắt và xử bắn vào thời kỳ hợp tác hóa nông nghiệp của chính quyền Xô Viết. Mẹ ông, bà Maria Shukshina, trước khi lấy chồng mang họ là Popova (từ khi cha bị bắt cho đến trước khi nhận hộ chiếu, V.Shukshin vẫn lấy họ mẹ là Vaxili Popov) đã phải sớm đảm đương vai trò người chủ gia đình nuôi dạy Vaxili và cô em gái Natalya- lúc đó mới 2 tuổi. Một nách 2 đứa con nhỏ, có lúc Maria cũng tuyệt vọng muốn từ giã cõi đời, nhưng nghĩ đến bọn trẻ bà lại cố vượt lên. Đó là những tâm sự thầm kín mà bà thổ lộ sau này. Và cũng như là số phận, cuộc đời lại cho bà người đàn ông thứ 2- Pavel Kuksin, môt người đàn ông cùng làng “có trái tim đến kỳ lạ, vừa nhân hậu, vừa dào dạt yêu thương…đang là anh trai tân dám buộc vào mình 1 bà góa phụ cùng 2 đứa trẻ! ”. Đó là những dòng V.Shukshin nhớ lại về người cha dượng của mình. Cuộc sống chung của họ cũng thật ngắn ngủi, P.Kuksin mất năm 1942. Ông hy sinh ngoài mặt trận.
Từ nhỏ V.Shukshin (như mọi người nhận xét) là 1 cậu bé sống khép mình và rất nguyên tắc. Học xong lớp 7 trường làng (năm 1944), Vaxili nhập học tại trường kỹ thuật ôtô, cách nhà 35km. Nhưng rồi việc học hành cũng lỡ dở vì phải phụ giúp gia đình kiếm sống.
Chỗ làm được coi là chính thức đầu tiên của ông với tư cách thợ nguội là tại nhà máy sản xuất turbin Kaluga (cách Matxcơva trên 200km) vào năm 1947. Từ đó đến 1949, Ông làm việc ở nhiều nơi khác nhau: nhà máy sản xuất máy cày, xây dựng nhà máy điện… Đến tháng 10.1949, ông nhập ngũ. Sau khóa đào tạo, Vaxili là điện báo viên trên Hạm đội biển Đen. Chính nhờ tính chất của công việc đòi hỏi sự tỷ mỷ và độ chính xác cao cũng như nhờ kỷ luật của quân đội mà ông trở thành 1 thủy thủ vừa rất tập trung, vừa trầm lặng và vừa mẫn cán. Câu châm ngôn mà Vaxili tâm đắc là: “Đừng đánh mất tâm hồn, hãy biết làm việc và đừng tỏ ra ươn hèn!”
Thời gian tại ngũ, điều quan tâm lớn nhất của Vaxili chính là thư viện của đơn vị. Ngoài việc viết rất nhiều thư cho người thân, ông cũng đọc rất nhiều sách báo có trong thư viện. Chính tại đây, tài năng viết lách của Vaxili đã bộc lộ bằng tác phẩm đầu tay- truyện ngắn “Hai người trên 1 chuyến xe” và “Bầy ngựa chơi đùa trên cánh đồng”. Bạn bè đồng ngũ nhớ lại: Vaxili rất tích cực tham gia các hoạt động nghệ thuật của đơn vị đặc biệt là tổ chức các nhóm diễn kịch, tự viết kịch bản và dàn dựng cho nhóm. Ngoài ra Ông cũng rất thích hoạt động thể thao, đặc biệt là đấm bốc. Năm 1953 do bệnh viêm loét dạ dày, ông giải ngũ và trở về làng Srostki của mình.
Về quê, trải qua cuộc thi sát hạch, ông được nhận vào dạy tiếng Nga và văn học cho học sinh từ lớp 5 đến lớp 7 và kiêm thêm chức vụ hiệu trưởng tại ngôi trường của quê mình. Nhưng rồi cũng như trường kỹ thuật ôtô, Vaxili cảm thấy dạy học dường như không phải là nghề dành cho mình. Năm 1954, ông quyết định thi vào trường Đại học Điện ảnh toàn Liên bang tại Matxcơva (VGIK). Biết ngăn con cũng chẳng được, bà Maria lẳng lặng bán bò để lo tiền cho con đi Matxcơva. Hè năm 1954 ông đến Matxcơva với cách ăn mặc và bộ dạng quê kệch.
Tại cuộc thi vấn đáp ở khoa biên kịch, thấy bộ dạng của ông, các giáo viên khuyên ông nên chuyển sang khoa diễn xuất nhưng ông đã đổi ý xin vào khoa đạo diễn mặc dù lúc đó ông chỉ hình dung đạo diễn là người thu nạp diễn viên và thỏa thuận với họ cách đóng và cách quay để ghi lại các cảnh mà họ đóng.
Trong trường VGIK, rất nhiều giáo viên không dám nhận dạy ông vì họ thấy ông quá thật thà và ngây thơ, họ sợ bị mất việc chỉ vì những câu nói ra không đúng chỗ của ông. Duy chỉ có vị đạo diễn lừng danh, nghệ sỹ nhân dân Mikhail Romm (người đã được nhận 5 giải thưởng Stalin cho các tác phẩm điện ảnh) là dám nhận dạy và kèm cặp ông.
Lần đó, tại kỳ thi, khi M.Romm hỏi ông: “Anh hãy kể lại cảm nghĩ của mình về Pier Bezukhov trong trận chiến Borodino”. Trả lời: “sách quá dày, em chưa đọc đến đoạn đó”. Romm chau mày: “cậu sao thế? cậu chưa bao giờ đọc những tác phẩm nhiều trang à ?”. Đáp :“không ạ, có 1 cuốn khá dày và em đã say sưa đọc nó- đó là cuốn Martin Eden”. M.Romm thở dài :“cũng mang tiếng là hiệu trưởng của 1 trường học, có lẽ anh không thể theo nghề đạo diễn được đâu!”. Romm không ngờ Vaxili phản ứng: “ thế thầy tưởng là hiệu trưởng chỉ là để ngồi đọc sách sao? vậy ai sẽ là người lo củi lửa để sưởi ấm trường vào mùa đông? rồi còn lo sách vở, bàn ghế cho học sinh, chạy đôn chạy đáo khắp nơi, trường sở bẩn thỉu hiệu trưởng không lo cũng không được! Thử hỏi còn thời gian đâu để mà đọc sách?!”. Giới nữ trong trường VGIK phấp phỏng mừng thầm khi nghĩ rằng kiểu gì M.Romm cũng không chịu nổi tay học trò gàn dở này và sẽ cho anh ta nghỉ học. Họ không ngờ thầy Romm lại tuyên bố “chỉ những con người cực kỳ tài năng mới có những câu trả lời phi truyền thống dạng này. Tôi đặt bút cho cậu ta 5 điểm (thang điểm cao nhất)”.
Năm 1963 là năm đánh dấu nhiều sự kiện trong cuộc đời V.Shushkin: Tập truyện đầu tiên “Những người dân quê” được xuất bản, ông chính thức vào làm việc với vai trò đạo diễn tại xưởng phim truyện mang tên M.Gorki. Cũng trong năm này 2 truyện ngắn của ông được đăng trong tạp chí “Thế giới mới” là “Người lái xe tuyệt vời” và “Grinka Maliungin”. Dựa trên ý tưởng của 2 truyện ngắn này , tác phẩm điện ảnh “Từng sống một gã trai như thế” của ông ra đời.
Cùng với công việc là đạo diễn điện ảnh (6 phim), ông còn làm biên kịch điện ảnh (11 phim) và tham gia đóng phim (28 phim). Ông mất khi đang tham gia đóng phim “Họ đã chiến đấu vì Tổ quốc” của đạo diễn nổi tiếng S.Bondarchuk vào ngày 02.10.1974. Theo kết luận của bác sỹ ông chết do “thuốc lá và do bị say cà phê”? Ông còn để lại cho đời hàng trăm tập truyện, 2 bộ tiểu thuyết và 3 kịch bản sân khấu.
V.Shukshin- con người đặc trưng cho tính Nga, cho dân tộc Nga: sâu lắng , đa chiều, da diết, chân thành và cứ phảng phất một nỗi ưu tư… Cuộc sống tình cảm của ông cũng phản ánh đầy đủ những góc cạnh ấy.
Người vợ đầu tiên ông kết hôn là cô thôn nữ cùng quê mà ông quen và yêu từ hồi mới lớn. Họ cưới nhau năm 1953 thì đến năm 1957 từ Matxcơva, ông gửi đơn về đề nghị ly dị vì đã phải lòng 1 người phụ nữ khác.
Vào đầu những năm 1960, nhiều mối tình ngắn ngủi đi qua đời ông. Năm 1963 ông sống cùng Viktoria Safronova (con gái của nhà văn Anatolia Safronov). Nhưng tình cảm của ông lại tiếp tục tan chảy. Từ năm 1964 -1967 ông kết hôn với nữ diễn viên Lidia Alexandrova. Năm 1964, trong thời gian đóng phim “biển là gì ?” ông quen và phải lòng diễn viên Lidia Fedoxeyeva. Năm 1965 đứa con gái Katerina Shushina của ông với V.Safronova ra đời.
Suốt thời gian dài ông trăn trở với 2 cuộc tình vì cùng lúc ông vẫn yêu cả V.Safronova và L.Fedoxeyeva. Nhưng cuối cùng ông quyết định về sống cùng L. Fedoxeyeva, người đã sinh cho ông 2 cô con gái là Marina Shukshina (1967) và Olga Shukshina (1968)- cả 2 sau này đều theo nghề diễn viên.
Nơi V.Shukshin yên nghỉ vĩnh hằng là Công viên-Nghĩa trang nổi tiếng Novodevichye tại Matxcơva (tại đây có mộ của rất nhiều vĩ nhân, trong số đó có Tổng thống đầu tiên của LB Nga- Boris Elxin).
PHẠM HOÀNG- Báo Chính Phủ
Trích nguồnL Vanvn.vn
Bài viết liên quan: