Là cây bút đầy triển vọng của làng văn trẻ nói chung và của ngành Công an nói riêng, vài năm trở lại đây, cái tên Võ Đăng Khoa liên tục xuất hiện trên các báo, tạp chí trung ương và địa phương với những tác phẩm sâu lắng, ấn tượng. Kể từ truyện ngắn đầu tay được đăng báo năm mười sáu tuổi, đến nay, khi sắp tốt nghiệp Học viện Cảnh sát nhân dân, anh đã định hình được cho bản thân một phong cách sáng tác mang đậm dấu ấn cá nhân.
Mỗi trang văn là một trang đời
Nhà văn trẻ Võ Đăng Khoa sinh năm 2001 tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Đọc Võ Đăng Khoa, nhiều người không khỏi bất ngờ khi biết anh mới ngoài hai mươi tuổi. Dù theo học khối A, nhưng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường trung học phổ thông, Khoa đã rất đam mê đọc sách và sáng tác. “Mở màn” với truyện ngắn đầu tay “Con chim Dóoc Dóoc” viết năm mười sáu tuổi, Võ Đăng Khoa đã thể hiện được nội lực văn chương thâm trầm mà mãnh liệt. Truyện nhẹ nhàng như một áng lục bình dập dềnh trôi trên sóng nước mênh mang, nhưng đã đủ đan vào lòng độc giả những sợi buồn thắt thẻo về phận người mòn mỏi, dở dang sống trong nỗi đợi chờ vô định…
Tiếp nối mạch cảm xúc ấy, các truyện ngắn của Võ Đăng Khoa thường chọn gam buồn làm phông màu chủ đạo cho không gian, bối cảnh. Cái buồn chầm chậm thấm từ cảnh vật vào tâm trạng nhân vật: “Những buổi sáng đó, nắng rất vàng. Cả một sân nước ngập nắng. Chúng chảy qua kẽ lá, rụng lao xao trước hàng ba. Lũ vịt Xiêm con lội ngay trước sàn nhà. Chuồng gà trống không. Đám lục bình từ sông trôi tới chỗ này, buộc chân một chỗ. Những buổi sáng đó, hao hao nhau” (Nhìn nước). Chỉ một vài phác thảo ngắn cũng đủ giúp người đọc hình dung về bức tranh miền Tây Nam bộ lênh đênh sông nước, chênh vênh mây trời…
Sống ở núi đồi thì thấy mình nhỏ bé, sống trên sông nước thì thấy mình chơi vơi. Phải chăng vì thế mà các nhân vật của Võ Đăng Khoa luôn ủ giấu trong sâu thẳm tâm hồn một nỗi buồn lưu cữu. Như thể, nỗi buồn cũng là một thứ gia vị của cuộc sống. Tác giả đã xây dựng tính cách, khắc họa thân phận nhân vật thông qua những nỗi buồn riêng, từ chị Hai trong “Con chim Dóoc Dóoc”, ông già mù trong “Thả mồi” cho đến Chương trong “Rời Bình Đa”… Họ luôn mang nặng trong lòng những nỗi niềm thầm kín, chẳng biết giãi bày cùng ai. Kể cả khi câu chuyện kết thúc, các nhân vật ấy vẫn đau đáu sống trong tâm trí người đọc bằng câu hỏi: Rồi đời họ sẽ ra sao?
Càng viết, ngòi bút Võ Đăng Khoa càng lạnh lùng, khách quan, tiết chế. Không chạy theo những sự kiện gay cấn, những cốt truyện sắp đặt chặt chẽ, anh chọn lối viết xoáy sâu vào một ý tưởng (Lạc đà bay), một hình ảnh (Cái gương) hay tâm trạng một nhân vật để tạo khoảng trống cho người đọc mở rộng trường liên tưởng. Võ Đăng Khoa ít khi “dự phần” vào câu chuyện, tác giả giấu mình rất kĩ, ngay cả những truyện dùng ngôi kể thứ nhất. Văn anh tả ít mà gợi nhiều, đối thoại đơn giản mà triết lí sâu xa, tưởng dễ hiểu mà đan xen bao vỉa tầng ẩn dụ. Điềm tĩnh điều phối những bản năng cảm xúc, Khoa sớm trưởng thành trong tư duy điểm nhìn lẫn kĩ thuật viết.
Mới hơn hai mươi tuổi, Võ Đăng Khoa đã làm đầy vốn sống của mình bằng cách nào? Vào xem trang Facebook cá nhân của cây bút GenZ này, thấy anh rất yêu thích “chủ nghĩa xê dịch”. Anh từng tham gia các nhóm “phượt” chu du khắp Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng… Những chuyến đi đã mang đến cho anh nhiều trải nghiệm quý giá. Khoa biết cách tận hưởng cuộc sống theo kiểu… sinh viên và biết cách đưa những chiêm nghiệm vào trang viết theo kiểu… nhà văn thực thụ. Khoa thích đi đây đi đó, nhưng lại thường “nhốt” nhân vật của mình trong một căn chung cư, một cánh đồng, một dòng sông, một bãi cát… Anh muốn gửi gắm điều gì?
“Lạc đà bay” và những truyện ngắn khác
Tất cả những điều Võ Đăng Khoa muốn gửi gắm có lẽ đã được gói gọn trong tập truyện ngắn mới của anh, “Lạc đà bay”, sách do nhà xuất bản Trẻ ấn hành quý IV năm nay. Các nhân vật của Khoa đã chịu khổ đủ rồi, Khoa muốn họ tìm được những khoảnh khắc bình yên mà sống tiếp, bình yên trong đời sống và đặc biệt là bình yên trong tâm hồn. Nhưng liệu có chắc chùm rễ đắng sẽ cho mùa quả ngọt, sau ngày mưa thì nắng mới trở về? Theo thống kê cụ thể về cuốn sách này, số truyện kết thúc buồn chiếm tỉ lệ đại đa số. Cái buồn cứ âm ỉ len lỏi vào trái tim độc giả, làm dậy lên một niềm cảm thương da diết, bâng khuâng…
Các nhân vật trong cuốn sách đang sống hay chỉ đang tồn tại? Một ông bố đang “già đi từng ngày, chết mòn từng ngày” trong “ngôi nhà đang mục, tôi nghe rõ ràng nó đang thở, thoi thóp, mỗi lúc càng cực nhọc” vì cái chết của đứa con cưng (Nhìn nước). Một cô gái làm nghề phục vụ quán bia chẳng bao giờ tìm được cho mình một tình yêu đích thực (Rời Bình Đa). Một người bà “tàn lụi từng ngày như quả héo đã rụng khỏi cuống”, sống với những kí ức chập chờn, lộn xộn (Dưới mái ngói). Một ông già mù cô độc ngày ngày câu cá gần “gốc cây mù u bị cưa cụt” bên bến Dốc Cái, chờ đợi đứa con lầm đường lạc lối trở về (Thả mồi)…
Hiện tại vốn dĩ quá xô bồ, khắc nghiệt, nên họ chỉ biết hoặc bám víu vào kí ức, hoặc nắm níu tương lai để tự cứu rỗi cuộc đời mình. Tuy nhiên, thấp thoáng đâu đó trong mỗi nhân vật luôn nhen nhóm những tia hi vọng mong manh. Như trong truyện “Cuối bãi”, người đọc vẫn tin rằng cô gái nạ dòng tên Diện và chàng trai tân tên Phước sẽ vượt qua định kiến của gia đình để đến được với nhau. Nhân vật “anh” trong truyện “Theo bầy” có lẽ cũng sẽ xây đắp được một tổ ấm vẹn tròn hạnh phúc. Nhưng còn con Bén trong truyện “Ngược dòng”, một cô gái cá tính mạnh mẽ, sẽ ra sao khi thấy người chồng mới kết hôn say khướt nằm trên sàn nhà như bản sao của cha mình?
Điều làm nên dư ba trong các truyện ngắn Võ Đăng Khoa là tâm trạng của các nhân vật. Với khả năng phân tích tâm lí nhân vật nhuần nhuyễn, khéo léo cộng với việc cài cắm những hình ảnh, chi tiết đặc sắc, tác giả khiến độc giả nhiều lần trăn trở về nhân tình thế thái, mà “Cái gương” là một truyện ngắn như vậy: “Khi nhìn vào mình, chúng ta thấy gì?”. Cái gương phản chiếu một cách trung thực hình ảnh của những sự vật nó thu vào. Nhưng mỗi người lại tìm ra một đáp án, sự cảm nhận khác nhau. Cái gương chính là ẩn dụ cho những góc nhìn trong cuộc sống, để khi soi mình, ta nhận ra được những đổi thay không chỉ của hình thức mà còn của nội tâm bản thân.
Không dừng lại ở đó, Võ Đăng Khoa còn thử sức với mảng văn học sinh thái trong một tâm thế tự tin mà điềm đạm. Hai truyện ngắn “Lạc đà bay” và “Đất nở” gợi mở những khoảng lặng nhói nhức về cách chúng ta đang tương tác, đối xử với thế giới này. Những con lạc đà sinh sôi nhanh quá mức đã trở thành mối đe dọa cho môi trường sống của loài người. Kết cục, chúng phải trả giá bằng những cái chết đau đớn khi bị con người đưa lên không trung cao vợi rồi thả xuống mặt đất (Lạc đà bay). Còn trong truyện ngắn “Đất nở”, tác giả đưa ra một tình huống giả định, mọi thứ sẽ như thế nào nếu một ngày đất đai cứ giãn nở dài rộng ra?
Mười truyện ngắn trong cuốn “Lạc đà bay” được Võ Đăng Khoa chọn lọc rất cẩn thận, vỏn vẹn hơn 140 trang in nhưng trau chuốt về câu chữ, dày dặn về thông điệp và công phu về kĩ thuật. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nhận xét: “Chững chạc, tự tin, tưởng tượng phong phú, tinh tế trong chi tiết, đọc “Lạc đà bay” không có cảm giác đây là tập truyện đầu tay của một tác giả vừa mới bước qua tuổi hai mươi. Bằng thứ văn phong giàu chất thơ, hiện đại, sớm vượt ra khỏi rào vách vùng miền, trắc ẩn mà không uỷ mị, phơi bày mà không sa đà kể lể, Khoa tỉnh táo lần giở những vui buồn cuộc đời, nhìn vào thế giới nội tâm của những phận người dẫu bị dập vùi vẫn không thôi lấp lánh”.
Với những nỗ lực âm thầm mà bền bỉ, nhà văn trẻ Võ Đăng Khoa đã gặt hái được một số giải thưởng về thể loại truyện ngắn như: giải Nhất cuộc thi “Truyện ngắn trẻ” Quán Chiêu Văn năm 2021, giải Nhì cuộc thi “Một nửa làm đầy thế giới” năm 2019, giải Nhì cuộc thi “Văn học trẻ” Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022… Tin rằng, với nền tảng này, anh sẽ vững bước như chú lạc đà trên con đường văn chương rộng dài phía trước.
PHAN ĐỨC LỘC/ VNCA
(Trích nguồn: Vanvn.vn)
Bài viết liên quan: