Nhà văn Nobel 2005 Harold Pinter: Yêu thơ và yêu hoà bình

Các nhà bình luận đánh giá cao những đóng góp về nghệ thuật cũng như quan điểm sống nhân văn và trung thực, kịch tác gia Anh- Harold Pinter- tác giả giải Nobel văn học 2005

Pinter sinh ngày 10.10.1930 tại khu phía Nam London trong một gia đình người Do Thái nhập cư làm nghề thợ may. Khu vực này không phải là nơi hoa lệ nhất của thủ đô Anh quốc và từng bị rất nhiều tai tiếng về nếp sống cũng như nếp nghĩ không mấy hợp với truyền thống hoàng gia. Khi chiến tranh thế giới bùng nổ năm 1939, cả gia đình Pinter rời thủ đô Anh đi lánh nạn và chỉ tới năm 1942 mới trở lại London.

Ngay từ nhỏ, Pinter đã ham mê kịch nghệ và tham gia rất nhiều vở diễn nghiệp dư, trong đó có những tác phẩm của William Shakespeare như “Othenlo” và “Macbeth”… Vì thế không có gì ngẫu nhiên là năm 18 tuổi, Pinter đã vào học ngay ở Học viện Nghệ thuật sân khấu hoàng gia. Chàng trai mê kịch nghệ đã chối bỏ việc thực hiện nghĩa vụ quân sự và đã bị phạt… 30 bảng Anh! Năm 20 tuổi, Pinter cho công bố những tác phẩm đầu tiên của mình, nhưng không phải là kịch mà là một tập thơ!

Gần mười năm sau, khi đã rất trưởng thành rồi, Pinter mới cho ra mắt kịch bản sân khấu đầu tiên “Căn phòng” (The Room, 1957), ngay lập tức được dàn dựng trên sàn diễn của Trường Đại học Bristol. Vở kịch “Bữa tiệc sinh nhật” (The Birthday Party, 1958), cũng được đón nhận nhiệt liệt. Vở kịch “Người gác cổng” (The Caretaker), được dàn dựng năm 1960, đã thực sự giới thiệu với nước Anh diện mạo kịch tác gia chính yếu của mình trong nửa cuối thế kỷ XX…

Phần nhiều những nhân vật trong các tác phẩm đầu tiên của Pinter trên sàn diễn mới từ từ bóc ra khỏi mình những vỏ bọc của những cảnh ngộ tầm thường và để lộ ra những vực thẳm của sự hung bạo, nỗi sợ hãi và tội lỗi… Trong nửa cuối của thập niên thứ sáu của thế kỷ trước, Pinter đã liên tiếp cho ra mắt những tác phẩm gần như là lừng lẫy nhất của mình: “Bộ sưu tập” (The Collection, 1961), “Người tình” (The Lover, 1962), “Buổi uống trà” (The Tea Party) và “Trở về nhà” (Homecoming, cả hai vở đều được viết năm 1964)…

Nhà văn Harold Pinter có nhiều đóng góp cho văn học và nghệ thuật kịch.

Trong số những tác phẩm gần đây nhất của Pinter, người ta hay dàn dựng những vở như “Đất không của ai” (No Man’s Land, 1974), “Phản bội” (The Batrayal, 1978), “Ngôn ngữ của núi” (Mountain Language, 1988)…

Việc gì cũng làm tốt

Pinter thường không bao giờ chỉ làm một việc. Ông từng là diễn viên trong một gánh hát Ireland và đã đóng khá nhiều vai. Ông cũng từng tham gia đóng phim. Mặc dù Pinter ít xuất hiện trên màn ảnh nhưng cũng đã khiến khán giả phải nhớ nhờ những vai như nhân vật bác Benny trong phim “Người thợ may từ Panama” dựng theo tiểu thuyết của John Le Carré (The Tailor of Panama, 2001, đạo diễn John Booman): trong phim này ông đã đóng ngang ngửa với những minh tinh hàng đầu như Georfrey Rush, Pierce Brosnan…

Pinter cũng viết cả các loại kịch bản truyền hình. Pinter là tác giả  kịch bản cho bộ ba phim liên hoàn của đạo diễn Joseph Losey là “Kẻ hầu” (The Servant, 1963), “Vụ tai nạn” (The Acident, 1967),  “Người môi giới” (The Go-Between, 1970). Tập phim chính trị hành động lừng danh của đạo diễn Michael Anderson  “Bị vong lục Quiller” (The Quiller Memorandum, 1966) cũng được dàn dựng với sự tham gia của Pinter. Cũng theo kịch bản của ông mà người ta đã dựng nên bộ phim “Nhà tài phiệt cuối cùng” (The Last Tycoon) dựa theo tiểu thuyết của Francis Scott Fitzgerald (1974, đạo diễn Elian Kazan; các minh tinh Robert De Niro, Jack Nicolson và Robert Mitchun đóng những vai chính).

Pinter còn tự chuyển thể một số vở kịch của mình thành phim. Năm 1963 tại Mỹ, đạo diễn Clive Donner đã dựng phim “Người gác cổng” với Alan Bates trong vai chính. Còn năm 1983, cũng vẫn đạo diễn David Jones đã dựng phim “Phản bội” với Patricia Hodge và Jeremy Irons trong các vai chính… Trên màn bạc, Pinter cũng vẫn tiếp tục cuộc phân tích thẳng thừng những góc khuất khác nhau trong tâm hồn và tính cách nhân gian.

Giải Nobel 2005 không phải là phần thưởng cao quý đầu tiên của Pinter. Ngay từ năm 1966, ông đã từng được nhận phần thưởng rất có uy tín: Huân chương Đế chế Anh! Tiếp theo đó là Giải thưởng văn học châu Âu (1973), Huân chương Công trạng của Chilê (1992), giải thưởng danh dự mang tên Moliere… Số lượng các giải thưởng và huân chương của Pinter lên tới hơn 20 loại…–PageBreak–

Đạo liền đời

Ngay từ nhỏ đã phải đối mặt với những vụ việc bài Do Thái, lớn lên, Pinter đã dành không ít thời gian và sức lực cho các hoạt động bảo vệ quyền con người. Năm 1985, theo sáng kiến của Pen-Club quốc tế, Pinter đã cùng kịch tác gia người Mỹ Arthur Miller tới Thổ Nhĩ Kỳ để tiến hành điều tra về các vụ đàn áp những người hoạt động văn học từ phía chính quyền độc tài sở tại.

Tại cuộc gặp với Đại sứ Mỹ ở Ancara, Miller đã tuyên bố rằng việc chính quyền Mỹ ủng hộ một chế độ tàn bạo như ở Thổ Nhĩ Kỳ lúc đó là không thể chấp nhận được. Khi vị Đại sứ Mỹ giải thích rằng, trong điều kiện “chiến tranh lạnh”, Washington không thể không ủng hộ chính quyền đương nhiệm ở Thổ Nhĩ Kỳ, cả Miller lẫn Pinter đã thốt lên những lời nặng nề đối với nhà ngoại giao Mỹ. Thế là hai ông bị các viên cảnh vệ đại sứ quán đẩy ra ngoài. Về sau, Pinter viết rằng, vụ việc này là một trong những sự kiện sôi nổi nhất của đời ông và ông sẽ tự hào vì thái độ dũng cảm đó của mình tới cuối đời…

Pinter luôn luôn nhất quán chống lại các cuộc chiến tranh phi nghĩa và những hành vi bạo lực. Vốn người “thẳng ruột ngựa”, ông từng không chỉ một lần phê phán chính sách của nguyên Thủ tướng Anh Margaret Thatcher (người vừa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80) và người đồng cấp của bà là cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan. Pinter luôn luôn chống lại các hành vi chèn ép, kẻ cả của Washington đối với các nước ở châu Mỹ La tinh.

Khi không quân NATO tiến hành các trận ném bom xuống nước Cộng hòa Serbia thuộc Liên bang Nam Tư, chính Pinter đã đứng ra lãnh đạo phong trào chống chiến tranh và dùng nhiều lời lẽ đanh thép buộc tội các nhà lãnh đạo Anh và Mỹ lúc đó (Thủ tướng Tony Blair và nguyên Tổng thống Bill Clinton). Ông nhấn mạnh rằng, cả ông Blair lẫn ông Clinton “đều không có việc gì mắc mớ với người Albania ở Kosovo… Những gì đang diễn ra chẳng qua chỉ là việc khẳng định nước Mỹ ở châu Âu… Mối đe dọa lớn nhất đối với thế giới hiện không phải xuất phát từ Nam Tư cũ mà từ Hoa Kỳ…”.

Khi bùng nổ cuộc chiến tranh vùng Vịnh cũng như khi Washington phát động chiến tranh ở Afghanistan và Iraq, Pinter tiếp tục vạch trần tính chất “đòn xóc hai đầu” trong cách ứng xử của Anh và Mỹ trên trường quốc tế… Cũng phải nói thêm, đầu năm  2005, ngay cả khi đã tuyên bố rời bỏ kịch trường, Pinter vẫn nhấn mạnh rằng, ngoài thơ là niềm đam mê suốt đời ra ông sẽ tiếp tục hoạt động xã hội và chính trị vì ông “rất lo lắng đối với tình hình hiện tại” (trích bài trả lời phỏng vấn truyền hình BBC)

LỮ TINH VÂN/VNCA

Trích nguồn: Vanvn.vn