Muốn nâng tầm văn hóa đọc của dân tộc, giới cầm bút bao gồm nhà văn, nhà thơ phải trở thành những người tiên phong. Để làm được việc đó đương nhiên họ phải trở thành những người đọc chuyên nghiệp nhất, thậm chí điên cuồng nhất. Việc viết văn thuần túy dựa vào trải nghiệm thực tiễn và năng khiếu sẽ sớm làm cho nhà văn đi vào ngõ cụt vì “cạn vốn”…
Ảnh minh họa đọc sách
Kể từ khi có Ngày sách Việt Nam (21.4.2014) tới nay, văn hóa đọc Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số liệu thống kê cũng cho thấy số bản sách in năm 2023 là 450 triệu bản, chia trung bình mỗi người dân cũng được 4, 5 bản/người.
Có bao nhiêu nhà văn Việt Nam có số lượng tác phẩm được xuất bản là trên 100 cuốn sách? Những nhà văn viết và công bố được trên 100 cuốn sách như nhà văn Tô Hoài, nhà văn Lê Văn Trương ở nước ta là rất hiếm? Những nhà văn còn sống, công bố tác phẩm đều đặn lại càng hiếm. Ra sách đều đặn như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có lẽ cũng không có mấy ai ở hiện tại. Ở Việt Nam hiện nay, ai là nhà văn viết tiểu thuyết cứ đều đặn 2-3 năm lại cho in một cuốn tiểu thuyết từ 200-500 trang?
Các nhà văn Nhật Bản có ý thức chuyên nghiệp cao và đọc rất nhiều. Để viết được 200 cuốn sách, nhà văn Mori Hiroshi sau khi từ bỏ nghề dạy học đã mở cả văn phòng, thuê 2-3 thư kí chỉ để họ cùng đọc sách, thảo luận, thúc đẩy ông có kỉ luật trong việc viết. Nhà văn Murakami Haruki để viết được nhiều, hay, xuất bản với số lượng lớn, được dịch ra nhiều ngôn ngữ đã luyện tập chạy bộ thường xuyên và đạt trình độ rất cao gần như là vận động viên chuyên nghiệp. Những việc ông làm thường xuyên để phục vụ nghề viết-những thứ được ông mô tả cặn kẽ cả trong các tác phẩm hư cấu có nhân vật “tôi” và tự truyện là: chạy bộ, nghe nhạc Jazz và đọc sách. Trong các tác phẩm như Thu nhập của nhà văn của Mori Hiroshi hay Nơi chỉ người đọc sách mới có thể chạm tới của giáo sư Saito Takashi, các tác giả đều cho rằng giới viết văn ở Nhật đọc liên tục và đọc rất nhiều, có những nhà văn một năm đọc tầm 300-500 cuốn sách.
Muốn nâng tầm văn hóa đọc của dân tộc, giới cầm bút bao gồm nhà văn, nhà thơ phải trở thành những người tiên phong. Để làm được việc đó đương nhiên họ phải trở thành những người đọc chuyên nghiệp nhất, thậm chí điên cuồng nhất. Việc viết văn thuần túy dựa vào trải nghiệm thực tiễn và năng khiếu sẽ sớm làm cho nhà văn đi vào ngõ cụt vì “cạn vốn”. Ở Việt Nam ta rất hiếm những “mọt sách” chính hiệu, tức là những người dành gần như toàn bộ thời gian quan trọng nhất trong đời người cho việc đọc sách và các hoạt động xoay quanh việc đọc đó. Đấy là điều rất đáng tiếc. Để có số lượng tác phẩm lớn, trong đó có nhiều tác phẩm hay, xuất sắc, chính bản thân người cầm bút phải đọc nhiều hơn, bao gồm cả đọc sách bằng tiếng Việt và đọc các sách viết bằng ngôn ngữ khác.
NGUYỄN QUỐC VƯƠNG- Báo Văn Nghệ số 16/2024
Trích nguồn: Vanvn.vn
Bài viết liên quan: