Nhà văn Mạc Can: “Tôi đã không chọn mà có cuộc đời bất trắc và khổ ải cho mình”

Mạc Can tên thật Lê Trung Cang, sinh ngày 14.4.1945 trên chiếc ghe hát “xiếc rong” nhỏ. Cha là Lê Văn Quý được biết đến với nghệ danh là Sạc lô – Trần, biểu diễn nghệ thuật dân gian. Mẹ là người gốc Miến Điện lai HoaThời thơ ấu, ông cùng người anh trai và cô em gái rong ruổi, ngược xuôi sông nước lưu diễn từ miền Tây sang miền Đông Nam Bộ biểu diễn “xiếc”, bán thuốc dán, cao đơn hoàn tán và làm ảo thuật.

Ông tự vẽ chân dung mình: “Tôi là một tên hề. Một con người có khuôn mặt rất “hẻo” và tướng đi lắt nhắt lùn sịt. Một người ít học, một kẻ bị cuộc đời đối xử “quá khó”. Tôi đã lang thang từ lúc bắt đầu được sinh ra. Tôi chẳng làm được gì trong suốt cuộc đời mình….”

 

Được xem là một “hiện tượng” trên văn đàn với tiểu thuyết Tấm ván phóng dao, Mạc Can nhận Giải thưởng Văn học nghệ thuật TP.HCM 2002-2004, Giải A Cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà văn Hồ Anh Thái gọi quyển sách này là “Lời tự vấn về kiếp người”, đây là một tiểu thuyết được bạn đọc ưa thích.

Bối cảnh tiểu thuyết xảy ra lúc thực dân Pháp xâm lược Việt Nam với  gánh xiếc nhỏ. Ông Ba, nhân vật xưng tôi, sinh ra, lớn lên và rong ruổi theo đoàn đi khắp miền Nam. Tiết mục màn phóng dao, thành công nhất của đoàn xiếc, ông đứng sau vịn tấm ván. Em gái ông đứng trước tấm ván để người anh hai phóng những con dao, trước sự hồi họp, thót tim của khán giả. Ông thương xót cho em gái, trò biểu diễn nguy hiểm, không dừng được vì nó là miếng cơm của cả gánh xiếc rong. Ông nhận ra rằng “Sự vô tâm bàng quan ẩn náu trong từng con người như một con vi trùng, hay con rắn nằm êm dưới lớp lá mục”. Từng ngày trôi đi, số phận mỗi người cứ buông trôi theo dòng đời đến khi nó bị rẽ hướng bởi cái gì đến cũng đến, việc cô em gái bị trúng dao.

“Cha mẹ tôi cứ mãi lang thang, chúng tôi không có tương lai, sống rày đây mai đó, biết khi nào có một mái nhà, được về nhà”.

“Thời thơ ấu của tôi, của anh em tôi cứ vậy, chầm chậm trôi theo những dòng sông vui buồn, trong cơ khổ đói khát, với hoàn cảnh riêng biệt không giống ai…”

“… Mỗi ngày em ăn nửa chén cơm với miếng dưa chuột, trái chuối hay cọng rau, tới bây giờ em vẫn không hiểu, sao em là con gái của Mẹ, mà Mẹ không nói một lời với Cha đừng để con mình đứng trước tấm ván phóng dao? Nỗi đau của riêng em không còn là chuyện sát thương da thịt, nỗi đau lớn hơn nhiều, nó ở đâu nơi sâu thẳm như những hạt cát tội nghiệp dưới lòng biển, nơi mà ngàn năm trước triệu năm sau, có khi nào ánh mặt trời soi rọi tới, nó là một cõi im lặng, trầm ngâm vĩnh hằng…” (Tấm ván phóng dao)

Phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn trẻ Nguyễn Phan Linh Đan chuyển thể tiểu thuyết Tấm ván phóng dao của nhà văn Mạc Can đoạt giải tại APM – Chợ dự án châu Á trong khuôn khổ LHP quốc tế Busan (Hàn Quốc) 2021. Với tựa tiếng Anh là If wood could cry, it would cry blood (Nếu gỗ có thể khóc, gỗ sẽ khóc ra máu). Giải thưởng quốc tế ArteKino, trị giá 6.000 euro (khoảng 158 triệu đồng).

Ông đã có một thời gian sang sinh sống tại Houston, Texas. Chuyện kể rằng ông có con với một người Nhật, đạo diễn phim tài liệu trước năm 75. Sau người con này có mở công ty tại Mỹ, bảo lãnh Mạc Can qua đây.

“Phải dấn thân vào cuộc sống mới hiểu hết, khám phá hết được cuộc sống của người lao động ở nước ngoài. Tôi làm việc giống như những du học sinh làm bán thời gian, chỗ này một ít, chỗ kia một ít và công việc nào thấy thuận tiện, làm được là làm. Tôi muốn mình hiểu biết càng nhiều càng tốt” – Mạc Can phát biểu như thế. Cuộc “vượt thoát đổi đời” này chỉ kéo dài hơn một năm, cuối cùng ông cũng trở về với quê cha đất tổ Việt Nam.

Có hai luồng dư luận nhiệt liệt khen ngợi nhà văn Mạc Can. Ở đất Bắc là Hồ Anh Thái, Lê Lựu, Việt Linh, Văn Giá, Lê Minh Khuê… Việt Linh viết: “Mình quen nhiều với MC từ khi anh ấy làm cố vấn ảo thuật cho Gánh Xiếc Rong, thật bất ngờ anh ấy viết hay như vậy. Qua tiểu thuyết này mới thấy cái “lực” văn chương của anh thật lớn so với một người học vấn không cao và tưởng như rất xuề xòa. Rõ ràng một tài hoa bẩm sinh.”. Hồ Anh Thái tiếp cận Tấm ván phóng dao, dụng công sửa chữa câu chữ, Lê Minh Khuê đôn đốc, biên tập cho NXB Hội Nhà Văn ấn hành, ra mắt sách.

Còn ở phía Nam là Nguyễn Đông Thức, Phạm Sĩ Sáu… Lúc 60 tuổi mới viết văn, được gọi là “Nhà văn trẻ Mạc Can”, ông cho biết: “Tôi nghe lần đầu từ nhà văn Nguyễn Đông Thức  báo Tuổi Trẻ, nơi dìu dắt tôi suốt thời gian qua. Ổng còn gọi tôi là “Nhà văn từ trên trời rơi xuống”, nghe vui và ớn lạnh xương sống luôn…”

Mạc Can luôn có lối đùa “thật, thật, giả, giả” nếu không quen khó mà biết ông đang dẫn dắt câu chuyện đi đến đâu….

Từ năm 2003 với truyện ngắn Tờ 100 đô la âm phủ,  Người nói tiếng bồ câu trên Tuổi Trẻ Chủ nhật được bạn đọc chú ý. Nhất là năm 2004 Tấm ván phóng dao tiểu thuyết đầu tay ra mắt được bạn đọc ưa thích.

“Lúc còn nhỏ, ông nội tôi có nuôi một đàn bồ câu. Cái chuồng sơn xanh xanh, được ông đặt trên hai thanh cây cao, bằng với ngọn cây trứng cá. Tôi hay leo lên đó ngồi suốt ngày, nhờ vậy tôi mới nói, hỏi, trò chuyện và học tiếng nói của bồ câu. Ông nội tôi tưởng tôi khùng, ngồi trên cây nói chuyện một mình. Ông đâu có biết tôi có nhiều bạn bè là chim, vì ngoài bồ câu còn lũ chim se sẻ tới ăn trái trứng cá. Thật tình tiếng bồ câu không khó nói lắm, dễ hơn tiếng Anh nhiều. Nó cũng có túc từ, động từ, danh từ, các thứ, cũng giống như tiếng người ta vậy mà, chỉ khác một chút là một tiếng “gù” âm giống nhau, nhưng khi nghĩa này lúc lại nghĩa khác, rất ít tiếng nhưng đa nghĩa. Lạ kỳ là bồ câu ít khi mâu thuẫn, nói tiếng gì đúng nghĩa đó, nghĩ sao nói đúng vậy chứ không phải như con người. Khi cả đàn bồ câu bỏ chuồng nhà ông nội tôi bay đi, thật lâu, lâu tới nỗi khi tôi đã già, một buổi chiều, đang ẵm cháu nội của tôi đứng trước nhà thì có con bồ câu bay tới đậu trên vai tôi “gù gù” rồi nói nhỏ: “Con chào ông, con là con của cô bồ câu ta. Một lần trứng rớt từ trên ổ xuống, ông lụm vá lại, rồi ông la bà Tám sơ ý, ông hơ ấm cái trứng, ấp nở con bồ câu con là con nè. Má con là bà Tám, ông nhớ không?… Rồi con bồ câu này – tôi nhìn một hồi thấy nó giống má nó lắm, màu trắng, cánh nâu nâu – nó nhả cho tôi một cây viết thần để tôi viết tiểu thuyết. (Người nói tiếng bồ câu)

Năm 2005, ông bất ngờ trở thành cây bút… mới trong sáng tác cho thiếu nhi với bộ truyện tranh Cuộc du hành của chú kiến Tí Nị được nhiều bạn đọc nhỏ quan tâm.

Cuộc sống ở Sài Gòn như lời Mạc Can tâm sự: “Tôi có cái xe gắn máy nhỏ, sau xe có cái thùng, trong thùng có… đủ thứ. Đi đâu cũng là nhà. Tôi không rượu bia, không cà phê, chỉ uống trà đá, và tôi đã già – nhu cầu cũng… già rồi”

“Tôi đã không chọn mà có cuộc đời bất trắc và khổ ải cho mình”. Mạc Can đã viết thật buồn như thế trong tiểu thuyết Tấm ván phóng dao. May mắn là nhờ điều trị kịp thời nên sức khỏe ông gần đây đã hồi phục trở lại. Trước đó Tổng biên tập, Phó Giám đốc NXB Trẻ Nguyễn Thành Nam nhấn mạnh trong buổi ký kết hợp đồng: “Sở dĩ chúng tôi chọn ký dài hạn và ứng trước cho tác giả Mạc Can một khoản tiền tương đối khá là để cám ơn ông và hỗ trợ tiền chữa trị bệnh đang bủa vây ông lúc tuổi già”.

Nhà văn Vargas Llosa trong cuộc phỏng vấn cho rẳng: “Về phần tôi, tôi tin rằng đề tài lựa chọn tác giả. Tôi luôn có cảm giác rằng một số những câu chuyện nào đó đã bám lấy tâm trí tôi; tôi không thể bỏ qua chúng, bởi vì trong một cách mơ hồ nào đó, chúng có liên quan đến một thứ kinh nghiệm căn bản — tôi không thể nói rành mạch điều này diễn ra như thế nào … Đó là một kinh nghiệm cực kỳ tổn thương mà trên nhiều phương diện đã đánh dấu sự kết thúc của tuổi thơ tôi —… Tôi cho rằng kinh nghiệm đó đã ảnh hưởng đến tôi; một điều chắc chắn nhất là nó đã làm nổi dậy trong tôi một nhu cầu lớn lao để sáng tạo, để phát kiến.”.

Hình như điều nầy trùng khớp với nhà văn Mạc Can, tác giả tiểu thuyết Tấm ván phóng dao. Đấy là cuốn phim của cả gia đình đám xiếc rong, phải được viết ra để tác giả thảnh thơi, nhẹ bớt nỗi ám ảnh triền miên đeo đuổi số phận, cuộc đời mình.

(Nguồn: vanvn.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *