Người xa lạ – Truyện ngắn của Phong Điệp

Rốt cuộc thì người đàn ông kia tìm đến Phượng là có mục đích gì? Phúc hay họa? Phượng có nên gặp ông ta không?

Phượng ngóng cái con người xa lạ ấy cả mấy tuần nay rồi. Sự chờ đợi lâu quá khiến cho mọi cảm xúc của Phượng cũng nhạt dần. Thì cứ coi như người qua đường, mắc mớ chi bận tâm cho nặng cái đầu…

Nhà văn Phong Điệp ở Hà Nội

Đừng nói là Phượng quen người đàn ông đó. Từ nhỏ tới giờ, số người Phượng quen biết tính được trên mấy đốt ngón tay. Đàn bà Phượng quen đã hiếm, đàn ông kiếm đâu ra ngoài mấy thằng con trai lộc ngộc cùng nhà tình thương với Phượng. Nay bỗng dưng mọc ra một người lạ hoắc lạ huơ tới nhất quyết tìm Phượng là cớ làm sao? Phượng đã cam đoan không quen ông ta sao ông ta còn đòi gặp Phượng cho bằng được? Họ hàng thân thích không phải, nợ nần tiền bạc, tình ái lại càng không. Vậy còn lý do gì để một người xa lạ lù lù xuất hiện đòi gặp mặt nói chuyện tay đôi với nhau đây? Mà ông ta cũng thuộc giống kiên trì hiếm có. Lần tìm tới công ty may chỗ Phượng làm, bám chốt tại quán trà của chị Hồng béo, ngồi mọc rễ, di thuốc nát cả mặt bàn suốt tuần lễ chỉ để hỏi dò thông tin về Phượng. Người đàn ông ấy lại còn có cả ảnh Phượng bé tý xíu cắt ra từ báo. Nhắc tới Phượng mới nhớ. Bữa đó có chú phóng viên tới viết bài về công ty, mấy đứa con gái ưa nhìn bị lùa ra đứng xếp hàng chụp ảnh, trong đó có Phượng. Vậy là cái mặt Phượng bỗng dưng bị cắt ra không khác gì cái hình truy nã tội phạm trong tay con người bí hiểm kia. Chưa gặp được Phượng thì ông ta dò hỏi đến tận nhà. Xóm trọ của Phượng ở tút lút mãi gần khu bãi vượt, mèo hoang nhiều hơn người ở mà ông ta cũng lần được tới là sao? Hành tung ông ta sao Phượng thấy giống hệt mấy cái truyện trinh thám hình sự gì gì đó. Nhưng truyện trinh thám nào mà không có tội phạm với cả chết chóc máu me toe toét. Trời ơi trời, đừng có lôi Phượng vào mấy cái chuyện dữ dằn đó chứ! Phượng chỉ cầu trên đời hai chữ bình an thôi mà.

Chắc chắn phải có ý đồ gì thì ông ta mới tìm Phượng sát sạt đến vậy. Gặp Phượng một lần không được, ông ta kiên nhẫn chầu chực ở cổng công ty cả mấy tiếng đồng hồ, kể từ lúc còi báo hết ca. Kiểu này chỉ cần thấy mặt Phượng là ông ta dám lao tới túm tay lôi ra quá! Nhưng ông già đó bị Phượng lỡm mà không hay biết. Phượng kiếm cái khăn quấn ngang mặt như mấy chị trung niên giấu mỏi mệt và tuổi tác rồi thản nhiên đi ngang qua mặt mà ông già còn cứ mải mốt nghiêng ngó vào trong. Chả hiểu sao nửa khuôn mặt người đàn ông ấy xám xịt như trét mực in. Hai gò má hốc hác nhô lên khiến cho khuôn mặt nhỏ quắt lại. Phượng nhìn qua thấy tướng đó cũng hiền lành. Nghĩ cũng tội. Dạo này công ty nợ hàng đối tác, hôm nào mấy phân xưởng chẳng bị huy động ở lại làm thêm giờ nên ông già phấp phỏng đợi theo còi báo tan ca thì còn khuya. Đợi được Phượng cứ phải đến mười giờ đêm, tới lúc ấy thì mắt Phượng chỉ chực sập xuống, hai tay cứng đờ vì cả ngày làm mỗi việc rê mép vải cho máy chạy đều chỉ. Người ráp thân áo, người ráp tay áo, người ráp cổ áo… Việc ai cứ thế mà làm. Cũng không nặng nhọc lắm mà sao đến cuối ngày là Phượng thấy người mình như quả mướp chần nước sôi, nhấc chân nhắc tay cũng ngại nên Phượng không có nhu cầu gặp ai hết. Ngày chủ nhật được nghỉ, Phượng chỉ ngủ cho đã đời. Cuộc sống của Phượng từ ngày này sang tháng khác chỉ đơn giản chừng đó thôi, nên Phượng ghét ai tìm cách quấy đảo nó.

– Tao thấy ổng tướng mạo cũng hiền lành, chơn chất. Có gì mà bồ cảnh giác dữ dằn thế? – Con Oanh thấy Phượng tìm mọi cách trách người đàn ông nọ nên thắc mắc.

– Thì không quen không biết tự nhiên tìm tới làm gì?

– Bồ đã chịu gặp nghe người ta giãi bày đâu mà biết là không quen biết. Lỡ ông bác họ nhà ông anh rể con nhà bà cô bên ông cố nội nhà bồ mang tài sản thừa kế đến thì sao. Rằng người ấy trước phút lâm chung có truyền lại rằng… Há há há… Đổi đời tới nơi rồi mà không chịu nhận hả tình yêu?

Phượng đang bực mà cũng phì cười với con Oanh “Thị Mầu”. Nó nói tới đâu, cái môi mỏng quẹt, đỏ chót cong tớn tới đó, hệt như đuôi bọ ngựa, trông rõ điêu toa.

– Thì đằng ấy cứ nhận là Phượng đi. Đây nhường tất!

– Thôi cưng ơi, Phượng là Phượng, Oanh là Oanh. Muốn nhận mà được phỏng. Vậy thì ngon quá ta. Thôi, lộc đổ vào ai người ấy cố mà hưởng, giày dép còn có số nữa là người. Mình đâu có số hưởng đâu nên mới phải lê la nhặt liền lẻ như vầy.

– Người ta tìm mình mà việc của người ta, mình muốn gặp hay không là quyền của mình mà.

– Bồ nói thế thì đây chịu rồi. Để mai gặp, đây đuổi ông ta giúp bồ cho người ta đỡ mất công đi đi lại lại, cực cái thân già.

– Thôi, không gặp là được rồi, đừng đuổi nữa mà phải tội.

Phượng thở dài. Tự nhiên người đàn ông xa lạ kia xuất hiện trong cuộc sống của Phượng làm gì để cho Phượng phải nghĩ ngợi mệt đầu thế này hả trời!

Đêm nằm trở mình trằn trọc, nghe con Oanh thở đều đều bên cạnh, đầu óc Phượng lại vẩn lên những nỗi băn khoăn. Không phải vì sợ lộc rơi đi đâu mất vì Phượng tay trắng từ nhỏ tới lớn, lại thân cô thế cô, có gì đâu mà mơ mộng đổi đời. Chỉ có điều Phượng lo liệu mình có làm khó cho người đàn ông kia không. Hay là… cứ gặp một lần xem sao? Nhưng gặp rồi, chẳng may lại dính vào ba cái chuyện rắc rối, trời ơi đất hỡi thì sao? Phượng ngán ngại nhất chuyện đó, nên Phượng luôn cố tránh tiếp xúc, giao du với người lạ.

Rốt cuộc thì người đàn ông kia tìm đến Phượng là có mục đích gì? Phúc hay họa? Phượng có nên gặp ông ta không?

***

– Hôm nay vẫn trốn người ta hả Phượng?

Quản đốc nháy mắt trêu Phượng. Mấy chị em máy may bên cạnh cười rộ lên trước kiểu đai giọng chỗ “người ta” nghe rất ám muội của quản đốc. Chuyện của Phượng mấy tuần nay bỗng dưng thành đề tài thời sự được cả phân xưởng đem ra bàn tán. Phượng làm bộ tỉnh queo, không nghe, không biết, không thèm bàn luận. Mấy người nói chán, hết chuyện thì tự giải tán thôi, ai sức mấy mà ngày nào cũng nhậu suông ba cái chuyện nhạt nhẽo không đầu không cuối ấy.

– Già cỡ đó, hay là Việt kiều cuối đời về quê tìm người nâng khăn sửa túi? “Ta về ta tắm ao ta” mà…

– Việt kiều thì xôm quá còn gì. Chứ mấy thằng chả Đài Loan, Hàn Quốc gì đó, bụng chảy cả lít mỡ, tiếng Việt không sõi, sang đây tuyển vợ về làm ô sin với nô lệ tình dục chứ báu gì. Có khi còn phục vụ cả anh lẫn em cho tiết kiệm ấy chứ!

– Eo ôi, khiếp thế à?

– Lại không à. Báo chí đăng đầy ra đấy. Đừng tưởng cứ xuất ngoại lấy chồng mà đã ngon nhé. Nếu mấy thằng chả giàu có tử tế thì bên ấy thiếu gì mối, việc gì phải mò sang tận xứ mình tìm gái về làm vợ mà lại đòi xem cả răng lẫn ngực thế hả. Đấy, cái làng gì ở miền Tây, mấy người được đổi đời, con cái vung vinh quay về làm sang mặt ba má? Mơ đi! Làm gì có. Thôi, chị em mình cứ hàng Việt dùng hàng Việt cho chắc. Càng già càng biết chiều chuộng, càng thích ấy nhở.

Tiếng cười râm ran lan từ bên phải sang bên trái, từ bên trái lại dội lại bên phải. Phượng vẫn điềm nhiên so vải, đưa vào máy, giữ đều nhịp chỉ. Đầu Phượng hiện lên bài vè của đám trẻ ở nhà tình thương thuở nào:

Bằng lẳng bằng lăng

Toàn trẻ loăng quăng

Ăn nói lăng nhăng

Làm thì bắng nhắng

Chỉ tổ bị mắng…

Sao Phượng vẫn nghe thấy tiếng cười râm ran lan từ trên xuống dưới, rồi từ dưới lại dội ngược lên trên.

Bằng lẳng bằng lăng

Đánh đáo chơi găng

Cứ đòi thượng cẳng

Chân giò lủng lẳng

Tình hình rất căng!

Lúc nào buồn buồn, Phượng hay lẩm nhẩm bài vè ấy và bật cười một mình. Nhưng lần này Phượng không cười nổi. Tiếng cười quanh Phượng như đàn muỗi đói mồi, vo ve, chầu chực để tấn công Phượng khiến Phượng dù không muốn nghe vẫn phải nghe.

– Sao không có Việt kiều nào tìm đến mình vậy ta?

– Thôi bà nhìn lại cái mặt bà đi. Người ta trắng trẻo, nhỏ nhắn, dễ coi. Người ta còn được lòng cả quản đốc. Người ta biết…

– Mấy người rảnh rỗi quá hả?

Phượng đập tay xuống bàn. Kéo cắt chỉ nảy tưng lên dằn dỗi. Đến mức này thì Phượng chịu hết nổi. Bàn luận gì thì bàn luận, đừng ai đụng đến Phượng. Phượng vằn mắt, lia khắp các “lô cốt” xung quanh. Cả đám vừa mới xôn xao nói cười bỗng giật thột, im lặng tức thì. Ai nấy lại cắm cúi vào việc, như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Tiếng máy may lại xạch xạch liên hồi. Đôi ba ánh mắt se sẽ liếc trộm Phượng, hỉ hả. Toàn thân Phượng như thùng xăng mở nắp, chỉ cần một mồi lửa châm vào là bốc lên ngùn ngụt.

Được rồi, phen này Phượng sẽ gặp ông ta. Xem ông ta muốn gì ở Phượng!

***

Ông ta có thể là ai đây?

Mấy đêm liền Phượng chỉ nằm phân tích đủ mọi giả thuyết để trả lời câu hỏi ấy. Thông tin duy nhất Phượng có chỉ đơn giản ông ta là người Bắc. Cái này nghe giọng biết liền, nhưng cũng chưa nói lên được điều gì. Người Bắc thì có thể coi là đồng hương với Phượng ư? Phượng làm gì có quê đâu mà bày đặt đồng hương đồng khói. Đám trẻ ở trại tình thương giống Phượng chả đứa nào có quê. Đến lúc vào đây làm công nhân thì cứ gọi là quê Bắc vậy. Chứ chẳng lẽ lại nói vô gia cư? Công ty may của Phượng, chị em ngoài Bắc vào chỉ lưa thưa vài người nhưng khác phân xưởng, khác xóm trọ nên Phượng cũng chẳng biết ai với ai. Có lẽ vì tính Phượng cũng ít giao du. Oanh “Thị Mầu” cũng là tình cờ mà gặp lúc Phượng đi tìm nhà trọ. Hai đứa không thân, không quen tự nhiên về ở chung nhà với nhau chỉ vì cho đỡ tiền thuê nhà. Chứ Phượng tìm đâu ra người tâm đầu ý hợp mà rủ thuê trọ cùng bây giờ? Về ở với nhau Phượng mới biết hóa ra con Oanh cũng từng xin vào làm ở công ty may của Phượng. Được vài bữa nó than buồn, bỏ ra ngoài, nhận chân rót bia cho một quán nhậu. Kỳ cạch may từ bảy giờ sáng tới tám, chín giờ tối, lương tháng được bốn, năm triệu, vậy có mà chết vì buồn, vì nghèo! Con Oanh không chịu được buồn, càng không muốn nghèo. Rót bia không giàu nhưng tha hồ cà chớn.

Hầu như không tối nào Phượng không thấy con Oanh la đà say xỉn, miệng hát véo von từ đầu ngõ. Nó rót bia cho người ta hay người ta rót bia cho nó mà lúc nào toàn thân con Oanh cũng đầm đìa mùi bia. Ở với nhau thời gian đầu Phượng cũng thấy kinh. Con gái con gứa thế thì ba bữa thành cave à? Cộng với cái tính hơi lẳng lơ của nó làm Phượng muốn tìm bạn ở mới thuần tính hơn cho đỡ phức tạp. Không nhỡ ai hỏi Phượng đang ở với cave à thì Phượng biết trả lời sao? Nhưng cứ nấn ná mãi, cuối cùng Phượng lại thành bạn thân nhất của con Oanh, để cho lúc buồn nó có người để trút cả một lô xích xông chuyện ấm ức ngoài quán bia vào Phượng. Hóa ra nó sống bằng tiền boa chứ nào có đồng lương mẹ gì. Nên nó phải uống được, miễn sao cho người ta vui người ta mới boa nhiều. Con Oanh khóc bô bô, kể lể chả giấu Phượng chuyện gì. Từ việc người ta giội bia vào ngực nó. Thế đã ăn thua mẹ gì, mấy lão dê già còn thọc tay bóp vú nó rồi cười hê hê. Đám đàn ông cá nhau xem quần lót nó màu gì rồi thi nhau tốc váy nó lên để kiểm chứng. Có thằng mặt non choẹt còn gạ nó đi tàu nhanh tàu chậm. Nó nhục lắm. Nhưng có đói đến chết nó cũng kiên quyết không phải hạng gái ấy. Nó chỉ phục vụ bia thôi. Vậy mà lương tháng nó có khi tới cả chục triệu đồng. Con Oanh bảo kiếm đủ vốn liếng, nó sẽ về quê mở cái tiệm tạp hóa nho nhỏ, lấy chồng sinh con, làm người tử tế. Làm công ty như Phượng thì chả bao giờ có đủ tiền mở tiệm. Tính đường dài thế nên nó chịu khó nuốt nhục. Chỉ cần Phượng đừng khinh nó, đừng bỏ nó. Vậy thôi. Kể lể chán, khóc chán, nó gác chân lên Phượng ngủ say sưa như đứa trẻ vô lo vô nghĩ. Phượng vừa thương vừa xót xa cho nó. Không mặt dạn mày dày, không điêu toa bốp chát thì tồn tại sao được ở chốn ấy. Mà con Oanh thì tồ tệch. Thôi thì mỗi người một số phận, chả ai sống hộ được ai, buồn hộ được ai. Vậy là hai đứa con gái không thân không quen, gặp nhau bất thình lình giữa đường mà cũng chung nhà được ngót ba năm.

Ba năm cày cuốc con Oanh vẫn chưa đủ tiền mở tiệm trong khi Phượng nhìn nó đã bắt đầu xơ xác, dù lần nào đi làm nó cũng quét son đỏ choét, má hồng rực, tóc vấn cao để lộ cái cổ đầy đặn, trắng trẻo khiến cho đám đàn ông nhìn chỉ muốn cắn. Nhưng đó chỉ là vẻ bề ngoài thôi chứ Phượng biết nó oải lắm rồi. Phượng thì chả có mục tiêu cụ thể nào cả. Phượng không biết mình cần gì, muốn gì nữa. Sáng mở mắt chạy đến công ty. Tối mù mịt mới mò về đến nhà. Ngã ra giường là ngủ, Phượng còn tính toán gì nữa đây? Hay là Phượng yêu ai đấy cho cuộc đời thi vị hơn như con Oanh xui? Phượng chả ham. Yêu nhau, lấy nhau, chen chúc nhà trọ chưa được mười mét vuông, hoi hoi mùi sình lầy và muỗi bay như trấu sảy, lấy đâu mà thi với vị? Rồi con cái sinh ra thì làm thế nào mà nuôi chỉ với mấy đồng tiền lương eo hẹp? Cố nuôi được con lớn lên rồi còn lo học hành, tương lai sau này nữa. Không nghĩ thì thôi, càng nghĩ càng nản. Thôi Phượng ở vậy thôi.

Tranh của họa sĩ Lê Trần Thanh Thủy

Phượng đang ở vậy yên lành, sao ông ta bỗng nhiên xuất hiện và tìm tới Phượng làm gì? Điểm mặt người quen rõ ràng là Phượng không biết người nào như thế. Từ lúc bé tí hin Phượng đã được mẹ gửi nuôi ở nhà tình thương. Sao mẹ không nuôi Phượng như những người mẹ khác? Mãi tới khi Phượng mười tuổi, mẹ mới tìm đến, giải đáp câu hỏi ấy cho Phượng. Hóa ra bà muốn lánh bụi trần, tìm sự tĩnh tâm ở chốn tu hành. Vậy chứ bà còn đẻ ra Phượng làm gì? Hay vì Phượng mà bà muốn đi tu? Trẻ con thì nhiều thắc mắc mà người lớn chỉ thích lặng im. Nên Phượng vẫn không lý giải được vì sao mình có mặt ở trên đời.

Bữa đó nghe cô hiệu trưởng gọi ra, Phương không tin vào tai mình nữa.

– Ra mẹ con gặp!

Vậy là Phượng có mẹ thật hả? Chứ chả lẽ Phượng nứt ra từ quả bầu?

Phượng được dẫn ra phòng khách của nhà tình thương với lọ hoa nhựa nở bợt bạt hết năm này qua năm khác. Một người đàn bà đã đứng đợi sẵn ở đó. Lần đầu tiên Phượng thấy có người giống mình đến vậy. Bà ta mặc áo nâu sồng, mắt sũng buồn như đựng biển nước trong đó. Phượng trân trối nhìn người phụ nữ đứng trước mặt mình, nghẹn ngào thốt lên hai tiếng “con ơi”. Phượng chẳng buồn, chẳng vui, chỉ hơi bối rối. Trẻ ở đây, đứa nào cũng thiếu cha, vắng mẹ. Mãi thế cũng quen rồi. Giờ tự nhiên có mẹ, Phượng lúng túng, chả biết cư xử thế nào.

– Con có khỏe không?

– Khỏe ạ.

– Ở đây mọi người có tốt với con không?

– Tốt ạ.

– Con sống ở đây có vui không.

– Vui ạ.

Mẹ bối rối vì chẳng biết hỏi Phượng điều gì nữa. Phượng thì chẳng lạ. Dăm bữa lại có đoàn từ thiện về, hỏi Phượng những câu y hệt thế. Phượng trả lời mãi thành quen miệng, chẳng tốn công suy nghĩ gì cho mệt. Trong lúc ấy mẹ nhìn Phượng như thể Phượng là cục đất nặn mà mẹ muốn gọt bớt chỗ này, xoa thêm phần kia.

– Mẹ xin lỗi con…

Đoạn này thì Phượng không thể “vâng ạ” như cái máy được. Phượng băn khoăn nhìn nước mắt mẹ rơi lã chã. Phượng ngợp trong vòng tay ôm quá chặt của mẹ, đến mức phải kêu “á, á” mấy lần mẹ mới chịu buông ra.

– Mẹ là người mẹ tồi. Mẹ không nuôi được con nên phải gửi con vào đây. Con tha lỗi cho mẹ…

Những đứa bạn khác cũng từng kể với Phượng các câu chuyện giông giống thế. Nào là bố mẹ ly hôn bỏ con lại cho ông bà, ông bà mất nên gửi con vào đây. Có đứa thì bố mẹ bị tai nạn chết hết, họ hàng chẳng còn ai. Có đứa từ lúc lọt lòng mẹ đã nằm khóc oe oe trước cửa trại trẻ – hay còn gọi bằng cái tên mỹ miền là “nhà tình thương Bằng Lăng”. Mỗi đứa một cảnh, chẳng ai giống ai. Nhưng có điểm chung là bố mẹ bỗng trở thành điều hết sức xa xỉ lắm với đám trẻ ở đây. Cả Phượng cũng thấy thế. Thế giới của đám trẻ trong trại tình thương này là những đêm ngủ không tiếng ru, là những cơn nóng lạnh tự ép người vào nhau mà vượt qua. Cũng có đứa ốm nặng quá rồi chết nên phía sau trại còn có cả khu nghĩa địa để chôn cất. Những lúc rảnh rỗi, Phượng với đám bạn hay chạy ra đấy bắt cào cào và săn dế.

Thăm Phượng thêm dăm ba bận nữa rồi mẹ cũng bặt tăm. Phượng không biết mẹ ở đâu, làm cách nào liên lạc được với mẹ. Mẹ đi tu nhưng tu ở chùa nào? Mẹ thình lình tìm đến Phượng rồi lại lẳng lặng biến mất thì việc gặp lại đứa con sau gần chục năm xa cách phỏng có ích gì? Để rồi cả đời này Phượng cứ phải ám ảnh về một người gọi là mẹ. Tuyệt nhiên Phượng không có thêm thông tin gì về thân thế họ hàng từ mẹ. Sao mẹ không cho Phượng biết về gốc gác của mình? Có điều gì mẹ phải giấu? Hay Phượng không biết thì tốt hơn? Vậy nên, cho đến tận lúc này họ hàng với Phượng chỉ duy nhất là mẹ. Mà mẹ thì không tìm lại Phượng nữa. Giờ thì Phượng đã đi xa, quá xa để mẹ có thể tìm gặp được.

– Vậy đó là ba Phượng rồi! – Con Oanh reo lên – Trời ơi ba đi tìm con, lâm ly dễ sợ!

– Bao lâu đó, mình có biết ai là ba đâu!

– Bởi vậy ổng mới đi tìm bồ.

– Thật vậy hả?

– Chắc chắn luôn đó!

Con Oanh quả quyết như thể đó là chân lý khiến Phượng phân vân. Vậy hóa ra Phượng không chỉ có mẹ mà còn có cả bố nữa. Ừ, chứ không lẽ Phượng nứt từ quả bầu ra hả Phượng!

***

Từ bữa đó, Phượng có ý ngóng người đàn ông. Nhưng lạ thay, ông ta cũng đột nhiên biến mất. Mỗi sáng đi làm, Phượng có ý nhìn vào quán nước chị Hồng béo ngự ngay lối rẽ vào cổng công ty nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng người đàn ông ấy. Ở công ty, chuyện của Phượng cũng đã nhạt. Vào giờ nhận ca, không ai còn chí chóe kêu ré lên: “Phượng kìa, người ta tới kiếm kìa”. Con Oanh nhận nhiệm vụ trực ở nhà “đón khách” nhưng cũng không thấy ông ta tìm đến. Hay tại thái độ của Phượng làm ông ta nản? Hoặc ông ta không cần tới Phượng nữa? Cũng có thể ông ta bận việc đột xuất nào đó trong quê nên phải trở ra Bắc gấp? Chứ không lẽ chỉ vì đợi Phượng cho gặp mặt mà ông ta phải ở lì xứ nắng này cả tháng trời được? Vậy là sự cứng nhắc, cố chấp của Phượng khiến Phượng mất đi cơ hội. Nhưng cơ hội gì chứ? Cứ giả sử đó đúng là bố Phượng thì đã sao? Liệu Phượng có cần đến một người gọi là bố hiện diện trong cuộc sống của mình? Từ lúc lọt lòng tới giờ không có bố, Phượng vẫn sống được mà. Biết vậy mà sao Phượng vẫn có ý ngóng chờ?

– Bữa ông ta tìm tới đây, ông ta nói gì với cậu?

– Thì hỏi cho chú gặp Phượng.

– Vậy là ông ta biết tên tao à?

– Ủa, chứ đi gặp người mà không biết tên người thì gặp là gì ta? Chẳng lẽ lại hỏi cho chú gặp cái cô gì tên gì gì há?

– Ừ, thì ông ta biết tên tao, vậy ông ta còn nói gì nữa không?

– Tao hỏi: “Vậy chứ chú gặp con Phượng có việc chi?”

– Ông ta nói sao?

– Trời ơi trời, chuyện này kể miết cả trăm lần rồi mà bồ cứ hỏi như hỏi cung vậy hả trời.

– Ừ thì ông ta nói gặp Phượng có chút việc riêng. Nhưng ý là ông ta có tỏ thái độ gì không?

– Thì như người qua đường hỏi đường mà hỏi hổng có được.

– Nghĩa là thất vọng à?

– Hừm, cũng không hẳn vậy. Nhìn quanh, thở dài, than “hai đứa con sống thế này hả?” Ôi chao, cái ổng người trời ở đâu mau tới nè, con nhỏ nó muốn gặp rồi mà lại đi mất xác. Hai người duyên quá xá đi! – Con Oanh rên lên thê thảm.

– Lẽ ra ông ta phải để lại số điện thoại chứ nhỉ. – Phượng bần thần.

– Đến gặp bồ còn không cho gặp, để lại số điện thoại bồ tha không quẳng vô sọt rác chắc?

Phượng thôi không đôi co nữa vì biết con Oanh sắp phát khùng lên rồi.

Rốt cuộc ông ta là ai, sao biết tên Phượng, tìm đến Phượng làm gì?

***

Phượng ngóng cái con người xa lạ ấy cả mấy tuần nay rồi. Sự chờ đợi lâu quá khiến cho mọi cảm xúc của Phượng cũng nhạt dần. Thì cứ coi như người qua đường, mắc mớ chi bận tâm cho nặng cái đầu. Cũng giống như mẹ thôi, người đàn ông ấy cũng bỏ Phượng mà đi. Không một lời nhắn gửi. Phượng chẳng biết nên buồn hay nên vui. Người quen của Phượng tới giờ vẫn chỉ đến được trên mấy đốt ngón tay, chẳng thêm ai, bớt ai. Phượng vẫn sẽ lại vùi mình vào công việc của xưởng may, tối lăn quay ra ngủ. Cuộc sống với Phượng chừng ấy là đủ rồi. Có gì vui đâu mà đợi chờ!

Con Oanh bỗng dưng đòi về quê. Nó chán nghề đi châm bia làm vui cho người nhậu nhẹt. Nó mệt mỏi rồi. Con Oanh ôm xiết lấy Phượng, khóc tu tu. Thái độ nó lạ lắm. Phượng chưa thấy nó khóc dữ dội như vậy bao giờ. Gặng hỏi mãi nó mới chịu kể Phượng nghe. Hóa ra có thằng chả lâu nay vẫn tán tỉnh con Oanh, hôm qua ép con Oanh uống đến say nhũn rồi đẩy vào nhà vệ sinh làm chuyện ấy. Nhục quá Phượng ơi! Oanh làm sao còn dám nhìn mặt ba má nữa đây hả Phượng. Còn mở tiệm gì nữa đây hả trời.

Hai đứa con gái ôm nhau khóc giữa cái nhà trọ chưa đầy chục mét vuông. Sau vườn, tiếng mèo hoang tru lên như những hồn ma đang than vãn. Từ nhỏ, Phượng vẫn sống cạnh nghĩa địa kề ngay nhà tình thương nhưng chưa khi nào Phượng thấy ớn lạnh như lần này? Bỗng nhiên, Phượng thấy thèm được ai đó ôm, ai đó thương mình, ai đó còn nhớ mà tìm đến mình. Phượng hứa sẽ không trốn nữa. Phượng sẽ gặp, sẽ nói chuyện mà…

Bằng lẳng bằng lăng

Đêm nằm trông giăng…

Hò hát rất hăng

Bỗng lòng trống vắng

Mai này cách đặng

Lòng dặn nhau rằng

Đừng quên Bằng Lăng

Bằng lẳng bằng lăng…

Phượng khe khẽ hát lại bài vè ngày cũ. Mắt Phượng nhòe đi. Con Oanh đã thiếp đi từ lúc nào. Lần đầu tiên Phượng thấy hơi thở nó đứt quãng, thổn thức như người đang vượt dốc. Phượng lùa tay vuốt tóc nó. Con nhỏ đáng thương của Phượng. Ngã rồi thì đứng dậy chứ có sao đâu. Tiền chưa đủ mở tiệm tạp hóa thì xoay cách khác. Không thì học lấy cái nghề. Chẳng phải Oanh vẫn mê ba cái thứ trang điểm với vấn tóc các kiểu đó thôi. Đàn bà làm đẹp cho nhau chả tốt à? Khi nào Phượng cưới, Oanh tới bới tóc, vẽ mặt cho Phượng, Oanh hẹn thế rồi còn gì. Còn trời, còn đất, kiểu gì mà không kiếm được cách để sống được hả Oanh? Cứ thương nhau mà sống, kệ thiên hạ đi Oanh…

Kìa, sao mẹ lại ở đây? Lần này thì mắt mẹ không chòng chành nước nữa. Mẹ đến gối đầu vào tay Phượng. Và hát…

Mẹ hát hay là gió hát… Phượng không biết nữa. Chỉ thấy những tiếng vi vút cất lên, thơm mùi mẹ. Phượng bỗng thấy mình nhẹ bẫng. A, Phượng biết bay. Phượng bay trên nhà tình thương Bằng Lăng mà Phượng đã thuộc đến từng cọng cỏ. Phượng còn nhìn thấy đám trẻ trốn ngủ đang đi lùng đom đóm để gửi điều ước lên trời. Cho Phượng nhỏ dại như đám trẻ ấy, Phượng có về lại đây không? Phượng về chứ. Về đây còn hát, còn cười chứ.

Bằng lẳng bằng lăng

Đuổi bắt sao băng

Cười nói thung thăng…

Cả mẹ nữa, mẹ về đây với Phượng đi. Có Phượng rồi, mẹ đừng buồn nữa mẹ ơi…

PHONG ĐIỆP

Báo Văn Nghệ