“Văn minh cũng là một cuộc hành trình. Tôi học văn minh bắt đầu từ sự hiếu thảo của ba tôi đối với ông bà, từ những đòn roi và nước mắt cha con, từ ngôi nhà nhỏ ông chắt chiu tạo dựng lại sau quá nhiều khánh kiệt và bão tố, để lại cho mẹ tôi nương náu và những đứa con phiêu bạt có chỗ đi về”
Tôi biết Thanh Thủy khi chị còn phụ trách Phương Nam Book. Bẵng đi khá lâu, khi nối lại liên lạc, tôi nhận được một cuốn sách chị viết. Thực sự đó là hồi ức về những thăng trầm trong đời một người phụ nữ bình thường mà không bình thường, và như chị tự nhìn nhận là “tính cách làm nên số phận”.
Hồi đó, tôi gặp Thanh Thủy khi đi tìm đối tác để in hồi ký Rễ bèo chân sóng của nhà văn Vũ Bão (1931 – 2006). Ông là đàn anh, là bạn vong niên, ông để lại trong di cảo bản thảo một số quyển sách mà tôi thấy cần công bố nên tôi tự sàng lọc và biên tập. Cuốn hồi ký dù đã được Phương Nam chấp nhận đầu tư ấn hành, nhưng phải lăn lóc qua nhiều nhà xuất bản, mãi sau chúng tôi mới tìm được nhà xuất bản Hà Nội chấp nhận cấp giấy phép. Sách ra vào tháng 10.2010, đấy là một thành công cho những nỗ lực của chúng tôi.
Sau đó tôi lên đường sang Trung Đông, “đi chiến trường”, như cách nhìn nhận của bạn bè lúc ấy, dù ở Iran không có chiến tranh. Thủy hào hứng hẹn sẽ sang thăm Iran, sẽ rủ bạn bè cùng đi du lịch. Quyết tâm lên đường đến một nơi không bình lặng, chị quả là người ham xê dịch và có tính phiêu lưu. Điều đó không lạ, Thủy từng sang chiến trường Campuchia từ năm 1979 và 1980 khi việc truy quét tàn quân Khmer Đỏ còn ác liệt.
Thanh Thủy làm sách cho Phương Nam Book, mảng sách này khởi sắc với nhiều sản phẩm gây dư luận và thành công về phát hành. Ấy thế, chị coi mình chỉ là tay ngang, không qua trường lớp biên tập nào, mà vừa làm vừa học.
Cũng thế, trước đó chị từng là biên tập viên âm nhạc cho Hãng phim Trẻ – Trung tâm băng nhạc Trẻ, rồi chị lập Công ty Bạn Yêu Nhạc MFC nên được gọi là Thanh Thủy MFC. Thời chị ở Hãng phim Trẻ, có nhạc sĩ bực dọc chất vấn rằng Thủy đâu phải là nhạc sĩ, vị trí ấy là của nhạc sĩ đó. Chị thấy cũng phải, rồi đề nghị giám đốc để cho nhạc sĩ kia vào vị trí biên tập của chị. Nhưng giám đốc không thay đổi quyết định, chỉ cười: “Kệ ổng, ổng nói gì kệ ổng, em làm được thì mới để cho em làm chứ”.
Không phải là bầu sô, nhưng chị là “bà đỡ” cho rất nhiều ngôi sao mới cùng các sản phẩm băng đĩa thời hưng thịnh của nhạc nhẹ. Đấy là những cái tên từ thuở còn mới mẻ như Quang Dũng, Quang Linh, Lam Trường, Mỹ Linh, Trần Thu Hà, Minh Quân, Đức Tuấn, Thanh Thảo, Hiền Thục… Chị hăng hái tổ chức làm phim làm băng đĩa về những biểu tượng âm nhạc Việt như Văn Cao, Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Dương Thiệu Tước, Lê Dung… và góp phần khẳng định thêm vị trí của những Thu Hiền, Cẩm Vân cùng các nhóm nhạc… Một người đàn bà bé nhỏ nhưng dám làm, dám quyết liệt bảo vệ những gì mình tin tưởng.
Làm phim, làm băng đĩa nhạc, làm sách… người đàn bà ấy đã làm được rất nhiều, nhưng khi nhìn lại thì vẫn với cái nhìn nhẹ nhõm như không. Chị đã tập hợp và dung hòa nhiều thế hệ nghệ sĩ trong showbiz. Mỗi người họ là một cá tính một phong cách, nhưng chị đã cư xử thực sự gần gũi như một người hướng đạo, đồng thời là người bạn chân tình. Nhiều nghệ sĩ trong đó cũng không thật dễ mến như chị kể đâu, nhưng trong cái nhìn của chị đều có thể cảm thông.
Qua lời chị kể về người khác, người ta nhìn thấy chân dung Thủy: bao dung, rộng lượng, có gì hào hiệp như quân tử, lại cũng chân thành như một người mẹ người chị người em. Đúng như chị tự xác định: cái nghiệp “đứng phía sau hào quang. Những người được chọn vào nghiệp nầy phải vui với ‘thiên mệnh’ của mình, mở lòng, bình thản với sự được lãng quên, biết lùi lại, biết lý giải và nhất là biết xem nhẹ mọi chuyện. Phẩm chất của chúng tôi là: không bao giờ cần được thấu hiểu, được nhìn nhận, được… kể công”.
***
Thời tuổi thơ ở Sài Gòn, cô bé Thanh Thủy sống trong bình yên và đủ đầy. Ký ức Thủy còn lưu giữ hình ảnh gia đình, bạn bè, nhớ từ người hàng xóm Chà Và cho đến từng ngóc ngách trong cái bệnh viện sang trọng nơi mẹ làm việc và mang con theo. Cô bé được học các trường danh giá – từ Regina đến Kiểu Mẫu Thủ Đức… rồi thành cô nữ sinh Gia Long. Từ ngôi trường nổi tiếng này, Thủy đã tham gia hoạt động trong phong trào sinh viên học sinh yêu nước.
Ấn tượng sâu đậm là hình ảnh người cha. Khi chị đi làm cách mạng và bị bắt giam, ông công chức của chính quyền Sài Gòn phải chạy chọt xin bảo lãnh cho con, chắt chiu gửi cho con cả những nhu yếu phẩm cần thiết cho một đứa con gái trong lao tù. Nhưng nhiệt tình cách mạng non nớt của tuổi trẻ khiến chị có lúc như coi nhẹ nỗi lòng của cha. Khi đã từng trải, chị bày tỏ niềm ân hận về lỗi lầm và lòng biết ơn sâu nặng với đấng sinh thành: “Văn minh cũng là một cuộc hành trình. Tôi học văn minh bắt đầu từ sự hiếu thảo của ba tôi đối với ông bà, từ những đòn roi và nước mắt cha con, từ ngôi nhà nhỏ ông chắt chiu tạo dựng lại sau quá nhiều khánh kiệt và bão tố, để lại cho mẹ tôi nương náu và những đứa con phiêu bạt có chỗ đi về”.
Tuổi trẻ của Thanh Thủy đầy ắp sự kiện. Cô nữ sinh Sài Gòn tham gia cách mạng trong phong trào sinh viên học sinh với lý tưởng chấm dứt chiến tranh, đem tới một cuộc sống hòa bình cho quê hương xứ sở. Họ đi làm cách mạng từ những câu từ lý tưởng mộng mơ trong những bài hát như Hương xưa, Tự nguyện… Cô học trò từng trả lời tổ chức khi được hỏi về động cơ tham gia cách mạng: “Thưa các đồng chí, tôi không bị áp bức bóc lột gì hết, tôi yêu nước và thương người nghèo, tôi đi chiến đấu để mong có ngày như trong bài hát Hương xưa: Người vẫn thương yêu loài người và yên vui sống cuộc sống vui”. Cô không hề cá biệt, cô chỉ là một cá thể trong hàng ngũ tuổi trẻ Sài Gòn kỳ lạ, ngây thơ và yêu nước nồng nàn thời đó.
Xuất thân trong một gia đình công chức của chế độ Sài Gòn, Thủy có hoàn cảnh giống như lời một người đàn chị cũng trong tổ chức: “Đó là sự lựa chọn của tụi mình, một sự lựa chọn kỳ lạ, người ta đi làm cách mạng vì gia đình họ cách mạng, hay họ có oán thù với đế quốc, còn mình học trường đế quốc, cha mẹ lãnh lương đế quốc nuôi mình lớn… Có người biểu mình lãng mạn, ăn no rửng mỡ, ai tin mình đi làm cách mạng chỉ vì mấy bài ca quái quỷ, bài ca mà họ… chắc gì đã hiểu”.
Chị kể về hai mối tình, đúng nghĩa là tình yêu trong cách mạng như của Pavel Korchagin của Thép đã tôi thế đấy. Chàng thứ nhất: chàng và nàng cùng trong một phân đoàn bán công khai của sinh viên học sinh, cùng bị bắt vào nhà giam. Ở nơi đó, chàng mới “khai báo” với tổ chức Đảng trong tù đã yêu người bạn gái ấy từ lâu, làm ai cũng ngỡ ngàng, kể cả nàng. Nàng tuân lệnh tổ chức, hứa hẹn sẽ sắt son với chàng trong hoàn cảnh tù đày. Chàng bị đưa đi Côn Đảo, phải gần ba tuần sau ngày 30.4.1975 chàng mới thoát ngục trở về và họ được gặp lại. Nhưng rồi qua nhiều biến động, cuộc sống mới đã cuốn chàng và nàng đi, họ chia tay, mãi về sau chàng vẫn còn chưa nguôi được. Chính chàng Pavel sau này động viên nàng: “Em hãy viết những gì em thích đi. Trong đám bọn mình, chỉ có em biết viết lách. Anh chờ đọc những gì em viết”.
Rồi Thanh Thủy trở thành phóng viên của báo Khăn Quàng Đỏ. Chị có ghi chép khá tỉ mỉ về thời đã qua, nhờ đó ta càng biết thêm về một thế hệ đầy nhiệt tình tuổi trẻ. Như chị nhìn nhận, có lúc mình non nớt ấu trĩ, định hướng sai lầm, nhưng bao giờ cũng phải sống hết mình thì mới là tuổi trẻ. “Tôi không hề ân hận vì những năm tháng hào hùng và kiêu hãnh đó. Trái lại là khác. Nó đã trở thành vàng ròng của tôi”.
Chàng thứ hai: họ yêu nhau 4 năm, rồi 30 năm là vợ chồng. Họ đều là cán bộ Thành Đoàn TP.HCM. Đang bình yên với công việc, chàng tình nguyện đi bộ đội sang tận Campuchia. Nàng ở lại, chăm chỉ làm việc và yêu theo kiểu Tình ca mùa xuân của tuổi trẻ Sài Gòn thời đó: “… Và anh lại ra đi vui như ngày hội, mùa xuân biên giới súng anh gác trời xa…”. Thủy sang chiến trường K lần đầu năm 1979 làm chuyên gia công tác thanh niên cho Phnôm Pênh. Khi ấy thành phố còn hoang vắng, dân bị Khmer Đỏ đày đi các trại tập trung chưa về, hai người con gái Việt Nam tập hợp các em thiếu nhi trong trại mồ côi để lập đội Thiếu niên tiền phong, tập cho các em thắt khăn quàng đỏ, đánh trống và đi diễu hành.
Lần thứ hai Thủy sang Xiêm Riệp – Mặt trận 479, nóng rẫy và ầm ầm tiếng súng. Chiến trường mênh mông thế, khi nàng hỏi thăm tin tức về người yêu thì chàng đang ở gần biên giới với Thái Lan, cách đó 100 cây số đường rừng. Thế mà chỉ huy mặt trận thu xếp cho nàng tìm đến được. Lúc đi nhờ xe đò, lúc vừa đi vừa chạy theo người giao liên trong rừng đầy quân Khmer Đỏ phục kích. Đến đơn vị chàng, nàng hoàn toàn bất ngờ vì từ những người lính cho đến đại đội trưởng vốn không hề quen biết, mà khi gặp đều nhận ra và gọi đúng tên nàng.
Thủy kể, thoạt đầu mới đến cơ quan chỉ huy, chị được biết đơn vị chàng ở giữa rừng sâu, gần biên giới, thỉnh thoảng mới có người ở đó xuyên rừng đi ra. Tự nhiên một đồng đội của chàng tên là Dũng xuất hiện, y như sĩ quan chỉ huy đã nói: “Lâu lâu ở trong đó có người băng rừng đi ra”. “Chưa ai kịp giới thiệu, Dũng kêu lên: – Chị Thủy! Tôi thảng thốt: – Ủa, sao em biết tên chị? – Hình của chị em coi mỗi ngày, ai cũng biết chị hết”. Thì ra chàng vẫn thường đưa ảnh nàng ra để khoe với đồng đội nên cả đơn vị đã “biết mặt” nàng từ trước.
Cái kết mới thật là… kinh khủng. Một ngày sau, đơn vị đi chiến dịch. Lúc nàng chia tay với toàn bộ các chiến sĩ thì đại đội trưởng hốt hoảng cho biết anh em kéo lên đại đội làm rất dữ, đòi để cho người yêu đưa nàng xuyên rừng trở ra Xiêm Riệp. Đơn vị sẽ cử người vác đế súng cối thay cho chàng, “nếu không cả đơn vị sẽ miễn đi chiến dịch luôn. Anh em bình thường không đến nỗi nào, nhưng lần này chúng nó dữ thật”.
Nghe Thanh Thủy nói mỗi lần có dịp đọc lại những dòng hồi ức của mình, chị đều khóc, lại tưởng như chị ủy mị “kiểu tản văn”: những cảm xúc nhợt nhạt mây gió trăng trời biển nước núi non, những lâm li chàng nàng môi trầm mắt lệ, những cảm xúc ủy nhiệm vay mượn… Nhưng không hề, đó là một cuộc đời tràn đầy sự kiện của một người phụ nữ hành động, hiểu mình hiểu người, nhìn nhận vừa mơ mộng vừa thực tế, đầy ưu tư nhưng cũng thanh thản, biết buông bỏ vô vi.
HỒ ANH THÁI
Tạp chí Người Đô Thị
Tin cùng chuyên mục:
Kỷ niệm 01 năm sinh nhật Đường Văn
Đẻ rơi – Truyện ngắn của Lê Ngọc Minh
Giữa mù sương – Truyện ngắn của Đoàn Hữu Nam
Mặt nạ – Truyện ngắn của Đinh Ngọc Lâm