NGƯỜI NHÂN BẢN

Mong mãi mới đến nghỉ hè, thế mà sau một tuần, mẹ đã nói phải tìm chỗ cho Hoàng học. Phải nói nghe tin đó, mọi thứ quanh Hoàng bỗng nhiên toàn màu xám xịt. Hoàng lẩm bẩm: “Thôi xong, xin vĩnh biệt mùa hè”. Còn trong đầu Hoàng thì vang lên một bản nhạc thật buồn như tiếng nhạc rên rỉ, thê lương được dùng cho những nhà có người chết. Em chán nản khi so sánh giữa năm học và hè có khác gì nhau đâu. Lúc nào cũng phải học. Nhìn giá sách đã được xếp gọn gàng lại sau khi vừa kết thúc năm học, Hoàng thở dài, thầm nghĩ, mày không phải than trong lòng trống vắng nữa nhé.

– Chờ các thầy cô sắp xếp lịch đã.

Sau một hồi liên hệ với giáo viên, mẹ thông báo như vậy. Cơ mặt Hoàng giãn ra, đỡ cau có hơn. Hai khóe môi đã cong lên một chút chứ không trĩu xuống nữa. Cầu trời các thầy cô sắp xếp lịch lâu lâu một chút, giữa tháng mới xong – Hoàng nghĩ vậy – À, không, cuối tháng, hay lâu hơn mới xong. Càng lâu càng tốt. Nghĩ vậy, Hoàng cười thầm, nhảy chân sáo ra sân, ngửa cổ nhìn bầu trời đêm đầy sao. Gió mát rười rượi, hứng chí, Hoàng nghêu ngao hát. Mẹ ở trong nhà, mắng bảo:

– Con hát cái gì mà vớ va vớ vẩn vậy? Mấy cái tốt không học, chỉ vậy là nhanh.

– Hì. Mấy bài hót – hít của giới trẻ đó mẹ. Đứa nào mà không biết mấy bài này tụi bạn con nó bảo là GÀ.

Nói rồi Hoàng lại hát. Mẹ chỉ còn biết lắc đầu kêu chả ra làm sao.

Những ngày nghỉ, Hoàng thích ngồi nghiền ngẫm mấy cuốn truyện trinh thám, hay mở youtube nghe về trận chiến giữa Nga và Ukraine để khi bố đi làm về, trong bữa cơm trưa, em lại nói chuyện với bố về tình hình chiến sự giữa hai nước này. Lúc đầu bố mắng Hoàng là trẻ con, lo học đi, quan tâm gì tới chuyện đó nhưng dần dà, có khi sau bữa cơm, hai bố con còn nói mãi không thôi. Bố sẽ nói về đất nước hòa bình, tươi đẹp của mình cũng đã từng phải trải qua đau thương, hi sinh, mất mát bởi chiến tranh. Bố nói về bao con người đã ngã xuống cho hôm nay, những thế hệ nối tiếp lớn lên không phải nghe tiếmg bom rơi đạn lạc. Trong đó, có những người Hoàng đã biết trong quá trình học tập và tìm hiểu, có cả những người Hoàng chưa biết, bố cũng không biết, không ai biết. Họ vô danh. Bố bảo nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm viết như thế này: “Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi/ Họ đã sống và chết/ Giản dị và bình tâm/ Không ai nhớ mặt đặt tên/ Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”.

Những cuộc trò chuyện với bố luôn hấp dẫn Hoàng hơn là ngồi ôm mãi cuốn sách giáo khoa.

Hoàng thích những buổi sáng sớm hay chiều mát dắt chiếc xe đạp quen thuộc ra ngoài chạy vòng vòng quanh con đường nối dài giữa cánh đồng lúa. Đồng lúa xanh mướt một màu, những lá lúa mềm mại đung đưa theo gió. Hoàng sẽ dừng lại ở bên bờ sông Côn, đứng trên cầu nhìn dòng nước chầm chậm trôi. Hay đơn giản chỉ là ra vườn nhìn mấy chú bướm nhỏ bay rập rờn nô đùa quanh giàn mướp mẹ trồng đang trổ hoa. Đôi lúc Hoàng cứ ước mình được thảnh thơi giữa đất trời như cây lúa, được chầm chậm chảy như dòng sông hay được phiêu du như chú bướm, đậu – bay tùy thích. Làm gì phải vội vàng, làm gì phải gấp gáp. Hè được nghỉ thì mắc mớ chi phải đi học cho khổ ra. Nhưng đó là bí mật của Hoàng, em không dám nói với bố mẹ. Có chăng, em nói với thằng bạn bên hàng xóm.

Bọn trẻ con thường có suy nghĩ như nhau.

– Đầu tháng bảy thầy, cô mới dạy lại – Trong bữa cơm, mẹ bảo như vậy.

– Nghỉ hè muôn năm! – Hoàng bỏ cả bát cơm, đứng ngay lên thực hiện bài Vũ điệu Làng Lá để ăn mừng.

Khỏi phải nói Hoàng vui cỡ nào. Vậy là em còn đến gần tháng nữa để vui chơi. Mẹ phì cười thấy điệu bộ của con trai, xong lại thở dài nói với bố:

– Nghĩ tụi nhỏ bây giờ cũng tội anh nhỉ, học suốt. Chẳng bù cho mình ngày xưa, đi học nửa buổi, nửa buổi chăn trâu cắt cỏ. Hè thì đúng nghĩa hè, đày nắng đày gió, đủ các thứ trò.

Bố Hoàng thi thoảng lại gật đầu tán đồng những lời mẹ nói và thêm vào những câu chuyện ngày xửa ngày xưa của bố mẹ, những ngày tuổi thơ xa lắc, nghèo khó mà vui. Chợt mẹ Hoàng lại thở dài – mẹ rất hay thở dài, bảo:

– Nhưng thời bây giờ nó thế, không đi học đâu có được. Con người ta học hè cả, con mình nghỉ chơi dài đến khi vào năm học lại thành không biết gì? – rồi mẹ nhìn Hoàng – Cố lên con!

Vèo cái hết tháng Sáu. Hoàng tưởng như mình mới hít một hơi rồi thở ra đã chạm vào tháng Bảy. Tháng Bảy vẫn nắng lắm, càng nắng nóng, ngột ngạt hơn khi Hoàng nghe cái lịch học hè mà mẹ thông báo: Sáng thứ 2, 4, 6 học toán; chiều thứ 3, 6 học tiếng Anh nhà cô; tối thứ 2,4, 6 học hóa, tối thứ 3, 5, 7 học tiếng Anh trung tâm như thường lệ. Hoàng nghe xong, cất lời nhạc chế đầy ảo não: “Những buổi học thêm buồn rầu đón đợi/ Mi chở mùa hè của ta đi đâu/ Kìa phượng vĩ sao hoài rực cháy/ Bởi chẳng thể vui khi hè không là hè”.

– Trên trường con có thông báo đăng kí học bồi dưỡng…

– Mẹ ơi! – Mẹ mới có nói vậy Hoàng đã chán nản cắt lời – Con chẳng có thời gian chơi.

– Thôi em. Anh không cần con học bồi dưỡng gì hết. Để cho con còn vui chơi nữa chứ.

– Bố năm-bờ-oăn. Bố tuyệt vời ông mặt trời. Con yêu bố nhất trên đời! – Hoàng nói như reo.

***

– Dậy ăn sáng còn đi học nha con! Sắp đến giờ học rồi!… Hoàng, dậy đi con… Hoàng ơi!

Hoàng nghe như tiếng mẹ. Em đáp uể oải:

– Cho con ngủ thêm chút nữa đi mẹ.

– Con sẽ không kịp ăn sáng mất. Dậy nhanh nhé. Nay mẹ phải đi làm sớm, đồ ăn sáng mẹ đã chuẩn bị sẵn rồi đó. Khi đi nhớ khóa cửa, khóa cổng cẩn thận và mang theo chìa khóa nha.

– Dạ…a…ạ! Con biết rồi me…ẹ!

Hoàng kéo dài giọng đáp mẹ rồi ngồi dậy một cách mỏi mệt. Em dụi mắt nhìn đồng hồ. Sáu rưỡi. Bảy rưỡi mới vào học. Từ nhà đến nhà thầy đi mất chín phút. Còn sớm chán. Hoàng ngáp dài, nước mắt giàn ra. Hay là… Hoàng đổ vật xuống giường. Chẳng kịp nghĩ thêm gì nữa đã lại chìm vào giấc ngủ.

Giật mình tỉnh dậy, Hoàng hốt hoảng nhìn đồng hồ. Thôi chết! Gần đến giờ vào học rồi. Trời ơi là trời, định ngủ thêm năm, mười phút nữa thôi mà lại thành gần tiếng. Hoàng cuống quýt xuống giường. Bỗng em giật mình nhìn ra bàn học. Người nhân bản, giống hệt Hoàng! Nó đang chăm chú học bài, rồi vui vẻ chuẩn bị sách vở. Người nhân bản nhìn Hoàng cười tươi nói rằng nó có sứ mệnh giúp Hoàng làm mọi việc để em được vui chơi thỏa thích trong dịp hè. Hoàng dụi mắt lia lịa, căng mắt nhìn, rồi lại tự véo vào má mình một cái. Đau! Là thật chứ không phải là mơ. Hoàng sung sướng khi thấy mong ước của mình đã thành sự thật. Người nhân bản sẽ có trách nhiệm trình bày lại kiến thức cho Hoàng hiểu. Từ nay, Hoàng sẽ có một mùa hè trọn vẹn. Em bắt đầu lên lịch vui chơi cho buổi sáng, buổi chiều, buổi tối. Thời gian rảnh Hoàng sẽ đi đạp xe, đọc truyện, xem tiếp bộ phim Thỏ Bảy Màu, tham gia nhóm game Free fire,…Ngay bây giờ Hoàng sẽ đọc nốt cuốn Nhà giả kim đang đọc dở.

Hàng loạt dự định được Hoàng vạch ra.

Vậy là toàn bộ những việc Hoàng không thích, không muốn làm đều do người nhân bản thực hiện giúp, bao gồm đi học, làm bài, quét dọn nhà cửa, thậm chí có bữa cơm khi Hoàng không muốn ăn, người nhân bản cũng thay Hoàng ngồi ăn cùng bố mẹ luôn. Mọi việc diễn ra quá thuận lợi. Hoàng tự nghĩ nếu trong năm học, những hôm em mệt mỏi hoặc với những môn học em không thích sẽ nhờ người nhân bản đi học thay. Hoàng còn nghĩ đến việc nhờ người nhân bản xử lí mấy bạn trong năm hay bắt nạt, chọc ghẹo mình. Hoàng thích thú khi nghĩ đến lúc tụi thằng Huy bị người nhân bản xử lí và bọn nó sẽ không bao giờ dám trêu chọc em nữa.

Nhưng rồi, một lần Hoàng phát hiện, người nhân bản dần dần không còn nghe mình nữa. Dường như nó thông minh hơn lúc đầu hai đứa mới gặp nhau. Nó bắt đầu hay để ý đến Hoàng và đôi khi còn khiến em phải nghe theo nó. Như sáng hôm qua, Hoàng muốn đi học môn Toán, mấy hôm rồi không đi học, Hoàng nhớ các bạn, nhớ thầy quá. Nhưng khi tiếng mẹ từ dưới lầu vang lên nhắc Hoàng dậy đi học, Hoàng mở mắt ra đã thấy người nhân bản mặc đồ, đeo cặp chuẩn bị đi rồi. Hoàng muốn nói gì đó nhưng nhận ra mình không thể nói được, giọng nói của Hoàng đã biến mất. Người nhân bản nhìn em một cách ranh mãnh và ngoan ngoãn đáp lại lời mẹ:

– Con biết rồi mẹ. Con chúc mẹ đi làm vui vẻ ạ! – là giọng nói của Hoàng.

Hoàng vội ngồi dậy, định bụng sẽ giành lại chiếc cặp sách, tìm cách vô hiệu hóa các chức năng và hoạt động sống của người nhân bản nhưng em không thể ngồi dậy. Một sức nặng vô hình nào đó đè chặt lên người Hoàng khiến em không cựa quậy tay chân được. Hoàng ú ớ, muốn gọi mẹ nhưng hoàn toàn vô vọng. Tiếng xe máy bắt đầu nhỏ dần. Mẹ đã ra khỏi nhà. Còn bố, có lẽ bố đã đi làm từ sớm.

Hoàng dần cảm thấy ghẹt thở. Phải làm sao bây giờ. Cả thân người Hoàng như bị đóng băng cứng lại, biết đấy nhưng không nhúc nhích được. Hoàng đưa ánh mắt nhìn về phía người nhân bản như muốn ra lệnh nó giúp mình thoát khỏi tình trạng đó. Nhưng rõ ràng người nhân bản ngó lơ em. Hoàng hoảng hốt khi nhận ra người nhân bản dường như đang muốn thay thế mình. Thay thế hoàn toàn sự có mặt của mình trong cuộc đời này, kể cả trên lớp hay trong gia đình. Ý nghĩ biến – mất – hoàn – toàn thực sự làm Hoàng sợ hãi.

Giẫy giụa.

Vùng vẫy.

Hoàng cố hết sức giẫy, đạp và hét lên thật lớn để thoát khỏi sức nặng vô hình đang ghì chặt lấy mình. Em bật dậy, thở hổn hển, mồ hôi lấm tấm trên trán, miệng khô khốc. Em vội nhìn ra bàn học với quyết tâm giành lại mọi thứ thuộc về mình nhưng thật lạ, không thấy người nhân bản đâu nữa. Cặp sách vẫn ở trên bàn. Cuốn sách toán vẫn chưa được cất vào trong cặp. “Thế này là sao? Không thể nào! Rõ ràng ngực mình còn đang rất khó thở”. Hoàng đưa tay véo lên má mình. A, đau! Em không hề mơ.

Hoàng đưa tay vỗ vỗ đầu rồi nhìn lên đồng hồ. Em cau mày, nhăn mặt: Đúng bảy giờ. Hoàng cuống lên. Thôi chết, sắp muộn học rồi. Hóa ra tất cả chỉ là giấc mơ. Người nhân bản mà Hoàng từng ước có để thay mình học cũng chỉ là mơ. Hoàng thở phào: “cũng may chỉ là mơ thôi” rồi em nhanh chóng đi đánh răng rửa mặt. Vẫn còn kịp ăn sáng để đạp xe đi học.

Buổi học hôm nay Hoàng vào muộn mất mười phút. Em có bị thầy nhắc nhở vì vào học trễ nhưng trong lòng vẫn vui. Em nói xin lỗi thầy và hứa sẽ không bao giờ tái phạm nữa. Lúc này, trong lòng Hoàng dâng lên một cảm giác sung sướng khi được ngồi học cùng các bạn. Em chăm chú nghe giảng, ghi bài mà không còn để ý đến chiếc đồng hồ và cũng không mong nhanh hết giờ như mọi khi nữa.

Buổi học trôi qua thật nhẹ nhàng. Hoàng đạp xe về nhà, hai bên đường, lúa đang xanh tốt reo trong nắng, vui trong gió. Các bạn đi cùng thấy Hoàng tự nhiên bật cười thì chọc Hoàng sáng nay bị chạm dây nào à? Hoàng vẫn cười, các bạn đâu biết, người nhân bản đã bị nhốt lại trong giấc mơ.

Mùa hè bây giờ mới thực sự bắt đầu.

Ý Thu